Nhà Golden - Chương 08
Mười tám năm sau khi Apu ra đời, lão già lại có chuyện dan díu ngoại tình và bất cẩn và rốt cuộc là một cái thai mà lão quyết không cho phá, bởi vì, theo ý lão, việc quyết định luôn là việc của lão. Người mẹ là một người đàn bà nghèo lai lịch không ai biết (thư ký? gái điếm?) và để đổi lại một khoản đền bù tài chính nhất định, bà từ bỏ đứa con trai giao cho người cha nuôi nấng, rời thành phố, và biến mất khỏi câu chuyện đời của thằng con. Vậy là cũng giống thần Dionysus, hắn được sinh hai lần, một lần do mẹ sinh ra và một lần nữa thoát thai vào thế giới của cha hắn. Thần Dionysus luôn là kẻ ngoài cuộc, vị thần của phục sinh và xuất hiện, “thần đã đến”. Đây cũng là vị thần lưỡng tính, “bán nam bán nữ”. Việc cậu con út nhà Golden đã chọn tên vị thần này làm ngụy danh cho mình trong trò chơi đặt tên cổ điển đã cho thấy hắn có biết gì đó về bản thân trước khi hiểu rõ, cũng có thể nói như vậy. Mặc dù vào lúc đó, lý do hắn chọn cái tên này, thứ nhất, là vì thần Dionysus đã phiêu du cùng khắp Ấn Độ, và quả thực núi Nysa trong thần thoại nơi thần chào đời có thể là nằm ở tiểu lục địa này; và thứ hai, vị thần này là thần của thú vui nhục dục, không chỉ là Dionysus của Hy Lạp mà trong hiện thân La Mã với tên gọi Bacchus, còn là thần của rượu, của náo loạn và ngây ngất say sưa, mọi thứ đó có vẻ vui nhộn, - Dionysus Golden nói thế. Tuy nhiên, liền sau đó hắn tuyên bố là không thích gọi bằng tên thần thánh đầy đủ mà thích cái tên thân mật đơn giản, gần như nặc danh, chỉ có một chữ cái, “D”.
Sự hòa nhập của hắn vào gia đình này không hề dễ chút nào. Với hai người anh cùng cha khác mẹ, ngay từ đầu, hắn đã không có quan hệ hòa thuận. Suốt tuổi thơ hắn luôn có cảm giác bị loại trừ. Hai anh gọi hắn là người sói Mowgli và làm trò hề rướn cổ tru với mặt trăng. Mẹ sói của hắn là con đĩ rừng xanh nào đó; còn mẹ của hai đứa kia là mẹ sói của thành La Mã. (Tới lúc này thì hình như hai đứa anh đã chọn tên là Romulus và Remus, dù sau này Apu phủ nhận điều đó với tôi, hay đúng hơn gã ám chỉ rằng đó là ý tưởng trong đầu thằng D, chứ không phải của mình.) Hai người anh đã thành thạo tiếng La-tinh và Hy Lạp khi D còn đang tập nói, và sử dụng thứ ngôn ngữ bí mật đó để loại thằng út khỏi cuộc trò chuyện. Sau này cả hai người anh cũng chối luôn chuyện này, nhưng có thừa nhận là việc thằng út xuất hiện trong nhà, rồi tuổi tác cách biệt nữa, đã gây ra nhiều trở ngại nghiêm trọng, nhiều vấn đề về lòng trung thành và tình cảm tự nhiên. Bây giờ, khi đã thành thanh niên, D Golden khi ở cùng với hai anh, nếu hắn không cầu luỵ tình cảm thì chỉ nổi giận. Rõ ràng là hắn cần yêu thương và cần được yêu thương; trong lòng hắn là một cơn sóng triều cảm xúc cần phải xô dạt vào bến bờ người và hắn hy vọng cơn sóng đáp lại sẽ dội chút tình cảm vào chính mình. Khi chuyện tình cảm qua lại này không xảy ra, hắn quát tháo, hét toáng lên rồi sống khép kín lại. Khi gia đình này về tiếp quản Golden House, hắn đã hăm hai tuổi. Đôi lúc hắn có vẻ khôn ngoan trước tuổi. Lúc khác hắn cư xử như thằng bé lên bốn.
Hồi nhỏ có lần D thu hết can đảm hỏi cha và mẹ ghẻ về người đàn bà đã sinh ra hắn, cha hắn chỉ đơn giản vung tay lên trời rồi đi ra khỏi phòng. Mẹ ghẻ nổi nóng. “Dẹp đi!” Bà quát lên vào ngày định mệnh đó. “Con đàn bà đó không đáng nhắc tới. Nó bỏ đi, đau ốm và chết rồi.”
Cảm giác sẽ như thế nào khi hắn là Mowgli, do một người đàn bà không đáng nhắc tới sinh ra, người mà cha hắn đã tống khứ đi quá ư tàn nhẫn và sau đó trong bóng tối ngoài kia chết như muôn ngàn kẻ bần cùng đã bị lãng quên? Sau này tôi nghe một chuyện kinh khủng, từ Apu, sau khi luật im lặng đã bị phá bỏ. Có một dạo khi quan hệ của lão già với mẹ của hai đứa anh gặp nhiều trục trặc. Lão đã nổi điên với bà ta và bà ta đã quát lại. Tôi ngồi thẳng lên chú ý ngay vì đây là lần đầu tiên trong những cuộc trò chuyện của tôi với nhà Golden mà người đàn bà không danh tánh, không diện mạo ấy, vợ của Nero - một điều bất hạnh từ thuở xa xưa - đã bước lên sân khấu và mở miệng nói; và bởi vì, theo câu chuyện đó, Nero đã quát tháo, la hét, và bà ta đã quát tháo, la hét ngược lại lão. Đây không phải là lão Nero như tôi biết, người luôn khống chế cơn giận sôi sục, chỉ xì ra qua hình thức những lời khoa trương ca tụng bản thân.
Dù sao thì sau lần bùng nổ đó, gia đình chia làm hai phe. Hai người anh về phe mẹ còn Dionysus Golden thì đứng vững bên cha và thuyết phục vị gia trưởng là bà vợ ông, mẹ của Petya và Apu, không thích hợp điều hành gia đình. Nero gọi vợ tới ra lệnh cho bà giao nộp chùm chìa khoá, và sau đó suốt một thời gian chính hắn là người chỉ dẫn và đặt mua các thứ thực phẩm và quyết định nhà bếp sẽ nấu món gì. Đó là sự hạ nhục công khai, một chuyện hổ thẹn. Ý thức danh dự bản thân của bà gắn bó sâu xa với cái khoen sắt ấy, cái vòng tròn đường bệ đường kính hơn bảy phân, móc khoảng hai chục chìa khóa to nhỏ, các chìa mở tủ thức ăn, mở các hòm rương dưới hầm chứa vàng thỏi cùng các bí mật khác của nhà giàu, và mở đủ thứ ngóc ngách bí mật khắp dinh cơ nơi che giấu những gì chỉ có mình bà biết: thư tình cũ, nữ trang ngày cưới, khăn quàng xưa. Đó là biểu tượng thẩm quyền của bà trong gia đình, niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng của bà treo ở đó cùng với mớ chìa khoá. Bà là bà chủ của những ổ khoá, và không có vai trò đó bà chẳng là gì cả. Hai tuần sau khi bị ông chồng ra lệnh nộp chùm chìa khoá, nữ gia chủ bị hạ bệ đó đã tính tự kết liễu cuộc đời. Nuốt nhiều viên thuốc, bà ngã quỵ ở chân cầu thang hoa cương, Apu và Petya phát hiện ra, xe cứu thuơng chạy tới. Lúc đó bà đang nắm chặt cổ tay Apu và mấy người cứu thương nói, xin đi cùng chúng tôi, bà giữ chặt cậu là quan trọng lắm, bà đang bám víu vào cuộc sống.
Trong xe cứu thương hai nhân viên y tế đang chơi trò tung hứng. - Con mụ ngu ngốc này làm cả nhà phát hoảng, mụ tưởng tụi mình chẳng có việc gì hay ho để làm sao chớ, bọn mình còn nhiều chuyện quan trọng hơn phải giải quyết, bao thương tích thật sự, những ca cấp cứu không phải tự hại bản thân, tụi mình lẽ ra nên mặc kệ cho mụ chết luôn. - Không, tội nghiệp cô ta, đừng quá khắt khe thế, cô ta hẳn phải đau buồn lắm, không sao đâu, cô em, bọn tôi sẽ chăm lo cho cô, mọi chuyện sẽ khá hơn, trong cái rủi có cái may mà. - May gì mà may, thậm chí mụ này không biết rủi là gì kia, nhìn nhà cửa của mụ đi, nhìn tiền bạc của mụ đi, hạng người này xem tụi mình là đầy tớ hết. - Đừng để ý tới hắn, cô em, tính nết hắn vậy đó, bọn tôi tới đây để chăm lo cho cô, có bọn tôi thì cô yên tâm đi. Bà mẹ cố mấp máy gì đó nhưng Apu không thể nghe được lời nào. Gã biết hai người kia đang làm gì, họ đang cố giữ cho bà khỏi bất tỉnh, và sau đó, sau khi súc bao tử - gã phải đứng xem vì bà mẹ nắm chặt cổ tay gã không buông - khi bà hồi tỉnh trên giường bệnh viện, bà nói với Apu, điều duy nhất mẹ định nói trong xe cứu thương là, con ơi, hãy đấm vào mặt thằng khốn thô lỗ kia cho mẹ.
Bà trở về nhà như khúc khải hoàn ca, vì tất nhiên bà được phục hồi địa vị là chủ gia đình và thằng nhỏ phản phúc không phải con bà phải van nài bà xin tha thứ, và bà nói tha cho hắn, nhưng thực tế bà không bao giờ tha, cho tới chết bà gần như không nói một lời với hắn nữa. Thằng nhỏ cũng đâu cần sự tha thứ của bà. Bà ta đã gọi mẹ hắn là con đàn bà không đáng nhắc tới thì đáng lãnh đủ mọi chuyện hắn gây ra. Sau đó là hai anh đóng sập cánh cửa tình cảm trước mặt hắn, bảo hắn gặp may vì hai thằng anh không phải là dân thích bạo lực. Hắn nuốt lòng kiêu hãnh vào trong và cũng van xin hai anh tha thứ. Chuyện này không dễ có ngay. Nhưng theo năm tháng, một tình thân dè dặt từ từ hình thành giữa ba đứa, sự tương tác ngắn gọn mà người ngoài lầm tưởng là tình anh em không thổ lộ ra, nhưng thật ra chẳng có gì hơn là sự chịu đựng lẫn nhau.
Những câu hỏi chưa trả lời cứ giăng mắc trong không trung, những bí ẩn chưa lý giải được: Tại sao thằng nhỏ lớn lên sẽ thành D Golden lại quá sức khao khát chuyện điều hành gia đình tới mức hắn hạ nhục bà mẹ ghẻ để thỏa mãn mong muốn vậy chứ? Làm thế để chứng tỏ hắn thuộc về gia đình này hay sao? Hay là, theo chuyện đã xảy ra thì cũng rất dễ nghĩ rằng hắn muốn trả thù cho mẹ ruột là người đàn bà đã chết?
“Tao không biết,” Apu nói đại khi tôi hỏi. “Khi nó muốn cái gì thì thằng nhỏ khốn kiếp đó có thể làm đủ chuyện động trời.”
* * *
Từ ý thức sâu sắc về sự khác biệt bắt nguồn từ việc hắn là con hoang, D Golden đã xây dựng một dạng chủ nghĩa tinh hoa kiểu Nietzsche để biện minh cho sự cô lập của mình. (Lúc nào khi nghĩ đến người nhà Golden, ta cũng đều gặp phải cái bóng của Übermensch*.) “Làm sao có được “cái lợi ích chung,” “hắn đã dẫn lời triết gia đó với tôi ở khu Gardens. “Bản thân cái từ đó đã mâu thuẫn rồi: bất cứ thứ gì chung đều chẳng có mấy giá trị. Cuối cùng thì phải là, và xưa nay luôn phải là điều này: những gì lớn lao vẫn dành cho những kẻ lớn lao, vực thẳm là dành cho kẻ sâu sắc, các sắc thái và rung động là dành cho kẻ tinh tế, nói tóm lại, mọi thứ hiếm hoi là dành cho số ít hiếm hoi.” Tôi thấy kiểu nói đó là trò màu mè của tuổi trẻ mà thôi; chỉ lớn hơn hắn vài tháng tuổi, tôi nhận ra ở hắn niềm dam mê triết lý của chính mình. D thực tế đúng là một đứa thích làm dáng thể hiện, kiểu Dorian Gray, mảnh khảnh, mềm mại, và gần như ẻo lả đàn bà. Hình ảnh hắn tự nhận về bản thân - rằng chỉ có hắn trong đại gia đình mới có khả năng đạt tới sự lớn lao, chỉ có hắn mới có chiều sâu trong cá tính để đắm chìm trong đau khổ, chỉ có hắn mới là hiếm hoi - có vẻ như một cách bảo vệ khá dễ hiểu cho xuất thân của hắn. Nhưng tôi thông cảm cho hắn lắm; đời đã chia cho hắn con bài khó nhằn, và chúng tôi ai cũng dựng lên những tường thành riêng, không phải vậy sao, và có thể chính chúng tôi cũng chẳng biết mình dựng tường thành lên để ngăn cái gì, chẳng biết sức mạnh nào cuối cùng sẽ quật vào tàn phá những giấc mơ nhỏ bé.
Tôi có đi nghe nhạc với hắn mấy lần. Có một ca sĩ tóc đỏ hắn thích tên là Ivy Manuel, hàng tuần lại biểu diễn lúc đêm muộn ở quán trên phố Orchard, cô này thỉnh thoảng đội một vương miện lên đầu để chứng tỏ mình là nữ hoàng. Cô ta hát cover những bài nổi tiếng như Wild Is the Wind và Famous Blue Raincoat và Under the Bridge* trước khi chuyển sang một vài sáng tác của cô, còn thằng D ngồi trước mặt cô ở cái bàn tròn nhỏ bằng sắt màu đen nhắm mắt lắc lư theo nhạc Bowie và Cohen và hát thầm những lời ca tự đặt theo nhạc Chili Peppers. Đôi khi ta thấy mình như chưa chào đời, đôi khi ta thấy mình không muốn chào đời. Ivy Manuel là bạn hắn bởi vì, hắn nói -không hề đùa cợt - mọi đứa con gái bình thường hắn gặp đều thích hắn nhưng Ivy lại là dân đồng tính nên hai đứa thực sự có tình bạn. Hắn là người có dung mạo đẹp nhất trong nhà Golden, như bất kỳ tấm gương thần nào cũng sẵn sàng xác nhận, và hắn cũng có thể là người hay lừa dối nhất nhà nữa. Tất cả chúng tôi trong những ngôi nhà ở Gardens đều là nạn nhân của vẻ đau khổ công khai của hắn và ở cả khu phố lớn hắn cũng mau chóng trở thành một nhân vật. Hắn tuyên bố là khó chịu vì bị chú ý. Tôi đi đâu người ta cũng nhìn, hắn nói, lúc nào cũng có ai đó nhìn, cứ như tôi khác biệt, cứ như họ mong đợi gì ở tôi vậy. Thôi ảo tưởng đi, Ivy bảo hắn, chẳng ai cần cái chó gì của mày đâu. Hắn nhăn răng cười và cúi đầu giả vờ xin lỗi. Sức hấp dẫn là lớp vỏ nguy trang của hắn, giống như Apu vậy; bên dưới bề mặt đó là một kẻ ủ ê và thường buồn khổ. Ngay từ đầu hắn đã là người mang cõi lòng tăm tối u ám nhất, cho dù hắn chào đời rực rỡ như ánh nắng, với đầu tóc vàng sáng trắng. Tóc hắn sậm dần thành màu nâu hạt dẻ, và cá tính cũng dần u ám như bầu trời mây mù, thường xuyên quay cuồng lao xuống vực thẳm ảm đạm.
Ivy không coi chuyện giới tính của mình là quan trọng, là nhạc sĩ cô không thích dán nhãn cho bản thân. “Tôi không gặp vấn đề gì khi công khai mình đồng tính, nhưng tôi nghĩ chuyện đó chẳng liên quan gì đến âm nhạc của tôi,” cô ta nói. “Tôi thích ai thì tôi thích. Tôi không muốn người ta ngưng nghe nhạc của tôi vì chuyện đó và tôi cũng không muốn người ta nghe nhạc của tôi chính vì chuyện đó.” Nhưng khán thính giả của cô lại thiên hẳn về phái nữ, rất nhiều phụ nữ cộng anh chàng duyên dáng không thích thiên hạ nhìn ngó, và tôi.
Nhà Golden ai cũng kể nhiều chuyện về bản thân họ, những câu chuyện đã loại bỏ hay nguy tạo các thông tin cốt yếu về xuất thân. Tôi lắng nghe những chuyện đó không phải như nghe chuyện “thật” mà là nghe những chỉ dấu của cá tính. Những chuyện người ta thêu dệt về chính mình thường phơi bày nhiều điều về họ mà không có hồ sơ nào tiết lộ được. Tôi xem những mẩu chuyện đó như những cử chỉ vô tình của một con bạc đã “bật mí” con bài trong tay hắn - xoa mũi khi nắm con bài mạnh, mân mê dái tai khi có con bài yếu. Tay chơi sành sỏi quan sát hết mọi người trong canh bạc để phát hiện những dấu hiệu bật mí đó. Tôi cũng cố quan sát và lắng nghe người nhà Golden như vậy. Thế nhưng có một đêm, khi tôi đi với D tới tụ điểm trên phố Orchard nghe Ivy Manuel hát ch-ch-ch-ch-changes của Bowie và don’t-it-always-seem-to-go của Mitchell và một bài nội dung khoa học viễn tưởng do cô ta sáng tác tựa đề là The Terminator, nói về lợi ích của cỗ máy thời gian đối với các đấng cứu tình tiềm năng của nhân loại, rồi sau đó tôi ngồi uống bia với hai người ở quán đã vắng khách, thì tôi lại bỏ sót dấu hiệu bật mí rõ ràng nhất. Tôi nghĩ chính Ivy là người nêu ra vấn đề ngày càng phức tạp của phân loại giới tính, và D đáp lại bằng một chuyện trong thần thoại Hy Lạp. Hermaphroditus là con của Hermes với Aphrodite và một nữ thủy thần tên là Salmacis đã yêu thương Hermaphroditus sâu nặng tới mức nàng van xin thần Zeus cho hai người mãi mãi kết hợp, để họ trở thành một, cả hai cùng chung một thân xác duy nhất thể hiện cả hai giới tính. Lúc đó tôi cứ tưởng hắn kể chuyện ấy là một cách bày tỏ hắn cảm thấy gần gũi với Ivy Manuel như thế nào, hai đứa mãi mãi kết hợp thành bạn ra sao. Nhưng lúc đó thật sự hắn đang kể tôi nghe những điều kỳ lạ hơn mà tôi không hiểu; những điều về chính bản thân hắn.
Điểm cốt yếu trong chuyện biến hình hóa thân, là điều đó không hề ngẫu nhiên. Nàng Philomela, bị anh rể Tereus bạo hành, hãm hiếp và cắt lưỡi, đã bay thoát trong hình hài một con chim họa mi, tự do, và có tiếng hót du dương nhất. Còn như trong chuyện Salmacis và Hermaphroditus, các vị thần cho phép hai thân xác hòa nhập làm một dưới áp lực của những nghịch cảnh tuyệt vọng - tình yêu, nỗi sợ, sự giải thoát, hay sự tồn tại của một chân lý bí mật trong thân xác mà chỉ có thể bộc lộ bằng cách đột biến chính thân xác đó.
Hắn lúc nào cũng mang trong túi ba đồng đô-la bạc để gieo quẻ bói Dịch. Đêm đó hắn đã gieo quẻ ở tụ điểm trên phố Orchard. Năm hào âm và trên cùng là một hào dương. “Quẻ hăm ba,” hắn nói, “theo đồ hình này,” rồi hắn cất mấy đồng xu đi. Tôi chẳng biết gì về Kỉnh Dịch, nhưng khuya hôm đó tôi đã truy tìm các đồ hình quẻ Dịch trong Google. Trong thời đại của cỗ máy tìm kiếm này chỉ cần vài thao tác là có hết thông tin. Quẻ 23 là “Sơn Địa Bác” quẻ của tước đoạt, tan vỡ, ly tán, chia lìa. Trong nội quái quẻ này có “chấn,” có “lôi,” có sấm động kinh thiên.
“Về nhà thôi,” hắn nói và bỏ đi ra trước không hề ngoái nhìn lại.
Tôi để hắn đi. Tôi không đuổi theo những người đã tỏ ý chán tôi đi cùng. Và có lẽ tính dễ tự ái của tôi đã ngăn cản không cho tôi hiểu; bởi vì mãi rất lâu sau đó tôi mới nghĩ ra là nỗi sợ bị quan sát của hắn có thể có nhiều lý do khác hơn là thói tự phụ, thói ái kỷ và nỗi ngượng ngùng.
* * *
Luôn luôn ngay từ đầu đã có nỗi đau cần xoa dịu, vết thương cần chữa trị, lỗ hổng cần lấp đầy. Và luôn luôn ở cuối cùng là thất bại - nỗi đau không thể chữa, vết thương không thể lành, những gì còn lại là nỗi trống rỗng u hoài.
* * *
Về vấn đề bản chất của cái tốt đẹp mà tôi đã nêu ra ngay từ đầu câu chuyện này, ít nhất tôi có thể trả lời phần nào: cuộc đời của cô gái bỗng đem lòng yêu thương Dionysus Golden một chiều trên hè phố Bowery và là người đứng bên hắn, bao bọc hắn trong một tình yêu không gì lay chuyển được suốt bao biến cố sau đó - đối với tôi, đó là một trong những định nghĩa hay nhất về một đời sống tốt đẹp mà tôi đã tìm ra trong cuộc đời khá ngắn ngủi, khá hạn hẹp của mình. Montherlant* đã nói Le bonheur écrit à Vencre blanche sur des pages blanches, - hạnh phúc được viết bằng mực trắng trên giấy trắng - và điều tốt đẹp, tôi muốn nói thêm, là điều cũng khó xác định bằng ngôn từ như là niềm vui. Thế nhưng tôi phải cố; bởi vì những gì hai người này tìm được, và giữ chặt, chính là những điều đó - hạnh phúc được tạo ra bằng sự tốt đẹp, và cũng được duy trì bằng điều ấy nữa, bất chấp mọi khó khăn. Cho đến khi sự bất hạnh hủy diệt nó đi.
Từ ngày hắn gặp nàng lần đầu - nàng lúc đó mặc sơ-mi trắng và đầm bó màu đen, hút một điếu thuốc lá Pháp không đầu lọc trên vỉa hè trước Museum of Identity, Bảo Tàng Bản Thể - hắn đã hiểu có cố giấu bí mật với nàng cũng vô ích, bởi vì nàng có thể đọc suy nghĩ của hắn rõ mồn một cứ như có một loạt bản tin được chiếu sáng chạy ngang trán.
“Ivy bảo chúng ta nên gặp nhau,” hắn nói. “Tôi đã nghĩ đó là ý kiến ngu ngốc.”
“Nếu vậy sao anh vẫn đến?” Nàng vừa hỏi vừa quay mặt đi, vẻ chán nản.
“Tôi muốn gặp cô xem thử mình có muốn gặp cô không,” hắn bảo nàng. Câu đó khiến nàng chú ý, nhưng chỉ mơ hồ, hình như thế.
“Ivy bảo tôi là gia đình anh phải sống lưu đày kiểu gì đó mà anh không muốn đá động tới,” nàng nói. Mắt nàng mênh mông như biển. “Nhưng giờ anh đang đứng đây thì tôi biết chính anh cũng đang lưu đày khỏi bản thân mình, có thể ngay từ ngày anh sinh ra đời.” Hắn cau mày, rõ ràng là bực. “Thế làm sao cô biết?” Nói hỏi, giọng gắt gỏng. “Cô là quản lý bảo tàng hay là pháp sư?”
“Có một kiểu u buồn đặc biệt,” nàng vừa đáp vừa rít một hơi thuốc Gauloises, trông giống Anna Karina trong phim Pierrot le Jou*, “kiểu đó cho thấy một người chán ghét chính căn tính của mình.”
“Cái kiểu ám ảnh hiện đại về căn tính này làm tôi tởm,” hắn nói, có vẻ nhấn mạnh quá. “Đó là cách thu hẹp chúng ta lại cho tới khi chúng ta như những kẻ xa lạ với nhau. Cô đọc Arthur Schlesinger* chưa? Ông ấy chống lại chuyện liên tục loại trừ kẻ khác ra ngoài lề xã hội qua việc khẳng định sự khác biệt.” Hắn đang mặc cái áo khoác đi mưa và đội mũ phớt cụp vành vì mùa hè đang đến nhưng chưa tới, giống như một người đàn bà vờ vĩnh hứa hẹn tình yêu.
“Nhưng chúng ta là thế đó, những kẻ xa lạ, tất cả chúng ta.” Một cái nhún vai mơ hồ và một cái nhăn mặt thoáng nhanh. “Vấn đề là phải xác định rõ hơn về kiểu người xa lạ mà ta muốn trở thành. À có, tôi có đọc lão già da trắng không đồng tính đã chết nghẻo đó. Anh lẽ ra nên xem qua tác phẩm của Spivak về chiến lược bản chất luận*.”
“Cô có muốn đi đâu đó uống rượu không,” hắn hỏi, giọng vẫn còn bực bội, và nàng tiếp tục xem hắn như một kẻ hơi đần cần trợ giúp trí khôn. Đôi vớ dài của nàng có những đường may màu đen chạy dọc phía sau bắp chân. “Bây giờ thì không,” nàng nói. “Bây giờ anh nên vào trong mà tìm hiểu về thế giới mới mẻ này đi.”
“Rồi sau đó thì sao?”
“Sau đó vẫn không.”
Tối đó hai đứa ở với nhau trong căn hộ của nàng ở đại lộ Second Avenue. Có quá nhiều chuyện để nói tới mức hai đứa không làm tình, điều này được đánh giá cao, hắn nói. Nàng không cãi nhưng thầm ghi nhận. Sáng ra hắn xuống nhà dưới mang cho nàng bánh croissant, cà phê, whisky, thuốc lá, và mấy tờ báo Chủ nhật. Chùm chìa khóa nằm trên chiếc bàn nhỏ gỗ gụ trong phòng ngoài, một kiểu hộp lớn có chân, không phải đồ cổ nhưng là đồ mô phỏng tốt. Hắn mở nắp bàn lên và thấy khẩu súng lục nằm trên một chiếc gối con nhưng đỏ, khẩu Colt báng nạm ngọc, cũng là đồ mô phỏng tốt, chắc thế. Hắn cầm khẩu súng lên, quay tít ổ đạn, dí nòng vào thái dương mình. Sau này hắn nói lúc đó hắn không bóp cò, nhưng nàng vẫn luôn quan sát hắn qua cánh cửa phòng ngủ để mở và có nghe tiếng cạch của kim hỏa đập vào ổ đạn trống không. “Tìm thấy chùm chìa khóa rồi,” hắn nói. “Anh sẽ đi lấy đồ ăn sáng.”
“Đừng làm đổ gì hết nghe,” nàng gọi với theo. “Em không muốn làm bê bết tấm thảm phòng ngoài.”
Riya, đó là tên nàng. Cô gái đáng nể. Lớn hơn hắn chỉ ba hay bốn tuổi nhưng đã giữ địa vị quan trọng ở bảo tàng, lại còn thỉnh thoảng buổi tối hát tình ca trên phố Orchard, tự sáng tạo một dòng sản phẩm thời trang độc lập từ lụa đen và đăng-ten xưa, thường là theo các mô-típ thêu hoa, chủ đề Đông phương, phong cách Hoa và Ân. Nàng là dân Mỹ gốc lai nửa Ân nửa Thuỵ Điển, cái họ Bắc Âu dài dòng của nàng, Zacharịassen, rất khó phát âm đối với những cái miệng Mỹ, cho nên giống như hắn là D Golden, nàng tự xưng là Riya z.
Bảng chữ cái là nơi mọi bí mật của chúng ta bắt đầu.
“Vào trong mà tìm hiểu về thế giới mới mẻ này đi.” Có một bảo tàng về thổ dân bản địa Mỹ châu ở Bowling Green và có bảo tàng về người Mỹ gốc Ý ở đường Mulberry và bảo tàng về người Mỹ gốc Ba Lan ở Port Washington và có hai bảo tàng về người Do Thái, đầu và cuối thành phố, và đó rõ ràng là những bảo tàng bản sắc, nhưng Museum of Identity - viết tắt là Moi, tức là Tôi - có mục tiêu lớn lao hơn, nhà giám tuyển đầy cuốn hút Orlando Wolf của bảo tàng này nhắm tới chính căn tính của bản sắc, một sức mạnh vĩ đại mới của thế giới, quyền lực như mọi hệ tôn giáo hay hệ tư tưởng, mọi bản sắc văn hóa và bản sắc tín ngưỡng và mọi dân tộc và bộ tộc và giáo phái và dòng họ, đó là một lãnh vực đa ngành đang phát triển nhanh chóng, và cốt lõi của Museum of Identíty là vấn đề nhận dạng bản thể, bắt đầu từ bản thể theo sinh học và vượt khỏi giới hạn đó. Bản thể giới tính, chưa bao giờ trong lịch sử loài người khái niệm ấy lại đang phân chia nhiều như thế, đang sản sinh hàng loạt từ vựng hoàn toàn mới để cố thấu hiểu những khả năng đột biến mới.
“Thượng Đế đã chết và lấp đầy khoảng trống là bản thể,” - nàng nói với hắn ở ngưỡng cửa vào khu vực trưng bày giới, ánh mắt ngời ngời nhiệt tâm của một tín đồ đích thực, “nhưng hóa ra ngay từ đầu các thần thánh lại là những kẻ đội lốt khác giới.”
Mái tóc đen của nàng cắt ngắn sát đầu. “Kiểu tóc hay lắm,” hắn nói.
Hai đứa đang đứng giữa mớ bình lọ, ấn triện và tượng đá từ Akkad, Assyria và Babylon. “Mau Thần, theo Plutarch, là một vị thần lưỡng giới… Cả hai giới tính cùng tồn tại, không thể chia cắt.”
Có thể nếu hắn thuê một chiếc xe mui gấp cũ, có cánh đuôi sơn hai màu đỏ trắng, hai đứa có thể đi một chuyến, có thể đi một lèo xuyên Mỹ. “Cô đã nhìn thấy biển Thái Bình Dương chưa?” Hắn hỏi nàng. “Chắc cũng đáng thất vọng như mọi thứ khác thôi.”
Hai đứa cứ đi. Bảo tàng âm u, được đánh dấu bằng những hiện vật chiếu sáng mạnh, như những câu kinh cảm thán trong tu viện. “Các hiện vật Thời Đồ Đá này có thể là các nữ pháp sư chuyển giới,” nàng nói. “Anh phải thật chú ý. Điều này quan trọng đối với cả những người thuận giới, cis, cũng như cộng đồng chuyển giới nữ, MTF.”
Cái từ cis đưa hắn quay về tuổi thơ; đột nhiên hắn thấy mình đang học lại tiếng La-tinh, chuyên tâm mãnh liệt, để phá tan quyền lực mà hai người anh đã dùng để loại trừ hắn - hai anh nói với nhau bằng ngôn ngữ bí mật của thành La Mã. “Những giới từ có danh từ đối cách theo sau,” hắn nói. “Ante, apud, ad, adversus / circum, circa, citra, cis. / Contra, erga, extra, infra. Đừng bận tâm. Cũng như Cisalpine Gaul với Transalpine Gaul, xứ Gaul phía nam Alps và xứ Gaul bên kia Alps đó mà. Tôi hiểu rồi. Dãy Alps bây giờ phân chia các giống.”
“Tôi không thích cái từ đó,” nàng nói.
“Từ nào?”
“Giống.”
Ồ.
“Dù sao thì Thượng Đế cũng chưa chết,” hắn nói. “Chưa chết ở Mỹ, chắc vậy.”
MTF là “male to female,” nam chuyển thành nữ, còn FTM là “female to male,” ngược lại. Bây giờ nàng đang dội từ ngữ lên đầu hắn, gender fluid bất định giới, bigender lưỡng giới, agender phi giới, trans chuyển tính có dấu hoa thị: trans*, sự khác biệt giữa woman phụ nữ và female nữ giới, gender nonconforming nghịch giới, genderqueer dị giới, nonbinary bất phân lưỡng tính, và từ nền văn hóa thổ dân bản địa châu Mỹ có từ two-spirit song linh. Nữ thần Cybele xứ Phrygia có nhiều gia nhân MTF gọi là gallae. Trong phòng châu Phi có trưng bày về người okule MTF và người agule FTM của bộ lạc Lugbara, những nữ tướng Abomey cải giống, Nữ hoàng Hatshepsut mặc trang phục đàn ông và đeo râu giả. Ở phòng châu Á, hắn dừng lại trước tượng đá thần Ardhanarishvara, thần bán nữ. “Từ đảo Elephanta,” hắn nói, rồi đưa tay lên bụm miệng ngay. “Cô không nghe tôi nói điều đó nhé,” hắn nói với nàng bằng giọng hung bạo thật sự.
“Tôi đã định cho anh xem tiếp các bộ trang phục fanchuan của các vở tuồng Trung Hoa mà diễn viên mặc đồ của người khác giới,” nàng nói, “nhưng hôm nay vậy chắc đủ với anh rồi.”
“Tôi phải đi,” hắn nói.
“Bây giờ tôi sẽ nhận lời mời uống rượu,” nàng đáp.
Và lúc điểm tâm sáng hôm sau, ngồi trên ga giường ăn bánh croissant, hút thuốc lá và tay còn lại cầm ly whisky, nàng khẽ thầm thì. “Em biết tên cái nước mà anh không muốn nói ra,” nàng nói,zz và em cũng biết tên cái thành phố mà anh không muốn nhắc tới.” Nàng nói thầm mấy lời vào tai hắn.
“Anh nghĩ là anh yêu em rồi đó,” hắn nói. “Nhưng anh muốn biết tại sao em lại có khẩu súng trong cái bàn nhỏ ở phòng ngoài.”
“Để bắn người nào nghĩ là họ đã yêu em,” nàng đáp. “Và có lẽ bắn luôn chính em nữa, nhưng em chưa quyết định chuyện đó.”
“Đừng nói với cha anh những gì em biết,” hắn nói, “nếu không thì chắc em không cần phải quyết định chuyện đó đâu.”
* * *
Tôi nhắm mắt và chiếu bộ phim ấy trong đầu. Tôi mở mắt ra và ghi lại. Rồi, một lần nữa, tôi nhắm mắt.