Nhà Golden - Chương 07

Lucius Apuleius Golden, tức Apu, cậu con thứ hai mang tên giả của nhà Golden chỉ kém người anh Petya một tuổi -không hiểu sao, dù gã đã bốn mươi mốt tuổi, từ cậu bé lại thích hợp với gã hơn là từ đàn ông - hai anh em sinh nhật cách nhau không tới mười hai tháng, tử vi cùng một cung (Song Sinh). Apu là người bảnh trai, ấu trĩ, có nụ cười ranh ma dâm tục ác hiểm, tiếng cười khúc khích thích thú dễ lây lan đi kèm vẻ mặt u sầu thường trực và màn độc thoại than vãn không ngừng thay đổi mà qua đó gã liệt kê những lần thất bại với đám gái trẻ bên ngoài các nhà vệ sinh của những điểm nóng về đêm (đây là cách gã che giấu cả chuỗi dài thành công trong khoản này). Apu cắt tóc húi cua - mái tóc đang lùi dần trước bước tiến của chứng hói - và quấn người trong tấm khăn san pashmina Ấn Độ to tướng và không hòa thuận với anh gã nữa. Trong những câu chuyện riêng với tôi, cả hai đều nói là lúc nhỏ hai đứa thân thiết nhau lắm, nhưng càng lớn thì quan hệ này càng mai một vì tính khí bất đồng. Apu, kẻ lang thang trong thành phố, người thám hiểm bất cứ thứ gì thành phố này mời mọc, lại không thông cảm với “những vấn đề” của Petya. “Thằng anh ngu của tao đó,” gã bảo tôi khi hai đứa ra ngoài uống rượu, cũng có lúc bọn tôi đi uống với nhau. “Nó đúng là đồ chết nhát.” Và gã cứ nói mãi. “Lẽ ra nó phải cẩn thận. Ông già bọn tao khinh bỉ thói nhu nhược và không muốn thằng anh tao như thế. Một khi ông già đã bảo ai là đồ nhu nhược thì thằng đó tiêu đời. Chết ngắc.” Rồi làm như sực nhận ra mình lỡ lời, nhận ra tiếng rạn nứt của lớp vỏ bọc, gã rụt lại và cải chính. “Đừng để ý làm chi. Tao uống nhiều quá và dù sao ở nhà bọn tao cũng quen nói vậy đó. Toàn chuyện tào lao. Chẳng có ý nghĩa gì cả.”

Tôi lại nghe thấy sự ganh tị trong lời Apu. Như chúng tôi ai cũng thấy, Nero Golden hết sức chăm sóc, lo lắng cho cậu con đầu bị thương tổn tâm lý. Có lẽ Apu không được lão trưởng thượng dành sự quan tâm mà gã thèm muốn không che giấu. (Tôi thường thắc mắc tại sao bốn cha con Golden lại có thể tiếp tục sống chung một nhà, nhất là khi họ rõ ràng là không hòa hợp, nhưng khi tôi đánh bạo hỏi Apu lý do thì chỉ nghe những câu trả lời toàn là ẩn dụ, bí hiểm, cứ như truyện Ngàn Lẻ Một Đêm hay The Diamond as Big as the Ritx* hơn là bất cứ thứ gì có thể gọi là sự thật. “Ông già bọn tao,” gã có thể nói, “là người biết hang kho báu chôn giấu ở đâu, người đáp lại câu thần chú vừng ơi, mở ra. Cho nên bọn tao ở chung vì bọn tao muốn tìm ra cái bản đồ.” Hoặc là, “Nhà tao, mày biết đó, thực tế là xây trên một đống vàng ròng ngầm dưới đất. Mỗi lần bọn tao cần trả tiền cho thứ gì thì cứ việc xuống hầm nạo ra một tí.” Làm như nhà đó có quyền lực đối với cả bốn cha con - nhà theo nghĩa dòng dõi hay ngôi nhà thực tế, nhiều lúc cũng khó mà tách biệt. Vì bất kỳ lý do máu-đào-nước-lã-nào, cả bốn đều thấy ràng buộc lẫn nhau, cho dù tình cảm thật sự dành cho nhau đã sút giảm theo thời gian thành thù hằn ra mặt. Các Caesar trong cung điện của họ, cả cuộc đời là canh bạc lớn, trình diễn vũ điệu tử thần.)

Apu ham hố nước Mỹ không chừa thứ gì. Tôi tự nhắc mình là tất nhiên gã và Petya nhẽ ra đã có thể đến đây từ trước, khi còn trẻ hơn nhiều, sống cùng cha mẹ trong căn nhà dài khu Broadway suốt những kỳ nghỉ đại học, và rất có thể là không hay biết gì về ngôi nhà benami chỉ cách đó một khoảng đi bộ ngắn mà người cha đã mua sẵn cho tương lai xa. Ở cái thành phố này thời trẻ tuổi hơn, bạo gan hơn Apu hẳn phải chơi bời gái gú tưng bừng lắm! Thảo nào gã sung sướng được trở lại đây.

Đến nơi chưa bao lâu là gã đời tôi kể cho nghe chuyện đêm tháng Mười một khi Barack Obama đắc cử Tổng thống. Đêm đó tôi ở trong một quán bar có truyền hình thể thao ở Midtown nơi một quý bà kỳ cựu trong giới thượng lưu Upper East Side, theo phe Cộng Hòa, cùng chủ trì một dạ tiệc mừng bầu cử với một nhà sản xuất phim trong thành phố rõ ràng theo phe Dân chủ. Lúc mười một giờ tối, khi California công bố số phiếu và đẩy Obama qua vạch đích, căn phòng bùng vỡ cảm xúc, và tôi nhận ra mình, giống nhiều người khác, đã không thể tin rằng điều đang xảy ra lại thật sự xảy ra, cho dù các con số đã cho thấy Obama chiến thắng từ mấy giờ trước. Khả năng một cuộc bầu cử gian lận nữa không nằm ngoài suy nghĩ của chúng tôi cho nên khi đã khẳng định đa số phiếu thì nỗi an lòng pha lẫn với mừng vui, giờ thỉ chúng không gian lận được nữa, tôi tự trấn an, và thấy mặt mình ướt lệ. Khi tôi nhìn Apu lúc kể xong câu chuyện, tôi thấy gã cũng đang khóc.

Sau khoảnh khắc đáng nhớ đó trong quán bar truyền hình, tôi kể với gã, tôi đã đi dạo phố gần cả đêm, từ Trung tâm Rockeíeller và Quảng trường Union, nhìn ngắm những đám thanh niên như tôi bừng sáng với nhận thức rằng, có lẽ lần đầu tiên xưa nay, bằng hành động trực tiếp của mình họ đã thay đổi được đường lối đất nước. Tôi ngây ngất với niềm lạc quan đang tuôn trào chung quanh, và, như một văn nhân yếm thế đúng kiểu, tôi nảy ra ý nghĩ này: “Và bây giờ, tất nhiên, ông ta sẽ khiến chúng tôi thất vọng.” Tôi không tự hào về điều này, tôi nói, nhưng đó là những lời nảy ra trong tâm trí tôi.

“Mày đã tan vỡ ảo tưởng rồi, trong khi tao còn đang mơ,” Apu hỏi, vẫn còn nước mắt. “Nhưng nhiều chuyện kinh khủng đã xảy ra cho tao và gia đình tao. Chẳng có gì khủng khiếp đã xảy ra cho mày hay gia đình mày cả.”

Nhờ bố mẹ, lúc đó tôi đã biết đôi điều về “nhiều chuyện kinh khủng” của Apu - nhưng tôi thắc mắc chuyện gã khóc. Lẽ nào mới đến Mỹ chưa bao lâu mà gã lại tận tình với xứ sở mới tới mức bật khóc được vì một kết quả bầu cử sao? Chẳng lẽ gã đã gắn bó với nước này từ thời trẻ và bây giờ cảm thấy như mối tình đã mất từ lâu lại được tái sinh sao? Đó là những giọt nước mắt của kẻ ủy mị hay của con cá sấu? Tôi tạm quên câu hỏi đó, và nghĩ, khi nào mi biết rõ gã hơn thì mi sẽ có câu trả lời. Và thế là tôi dấn thêm bước nữa tới chuyện trở thành một tên do thám nếu tiện; tôi hoàn toàn biết rõ, tới lúc này, rằng đây là những kẻ đáng theo dõi. Còn những gì gã nói về tôi thì không hoàn toàn chính xác, bởi vì tôi, nói chung, đã bị cuốn theo nhiệt tình ban đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Obama, nhưng điều này đã được biết trước, bởi vì theo năm tháng trôi qua, sự chán ghét của tôi với thể chế này ngày càng tăng, và tám năm sau khi những người trẻ hơn tôi (hầu hết đều trẻ, da trắng và trình độ đại học) bày tỏ mong muốn phá tan tành và vứt bỏ thể chế đó đi, tôi đã không đồng tình, bởi vì kiểu hành động lớn lao đó có vẻ là biểu hiện giống hệt kiểu những kẻ ủng hộ thói xa hoa hư hỏng lại tự cho là thù ghét nó, nhưng khi họ đã làm những hành động như thế thì điều không tránh khỏi là họ cũng dẫn dắt mọi người tới một tình trạng còn tệ hại hơn những gì đã bị phế bỏ. Nhưng tôi hiểu tâm trạng này, tôi hiểu sự chán ghét và tức giận này, vì hầu hết những điều đó cũng là của tôi nữa, cho dù tôi rốt cuộc trở thành một kẻ khác, thận trọng hơn, ủng hộ thay đổi từ từ, và trong mắt của thế hệ sau tôi, trở thành một dấu mốc đáng khinh bỉ trên phổ rối loạn (chính trị).

Apu lại có khuynh hướng thần bí, bị lôi cuốn theo mọi thứ có tính tâm linh, song như tôi đã nói, hầu như luôn che giấu cảm xúc với chúng tôi, mặc dù chẳng có lý do gì để che giấu, bởi dân New York cũng thích những thể thức tín ngưỡng kỳ quặc giống như gã. Apu tìm được một bà phù thủy, một mãe-de-santo ở Greenpoint, và trong terreiro* chật hẹp của bà ta, gã đã theo bà thờ cúng Orisha (một á thần) và cả Đấng Sáng Thế Tối Linh Oludumaré nữa. Nhưng gã không trung thành cho dù bà này đã dạy gã yêu thuật, và sau đó với cùng nhiệt tình như vậy gã lại đi theo một giáo sĩ Kabbalah trên phố Canal tên là Idel, người này lại tình thông yêu thuật theo kiểu giáo phái Kabbalah Thực Hành đã bị cấm, chuyên tìm cách dùng sức mạnh siêu nhiên để tác động và thay đổi chính cõi thiên, lẫn cả trần gian nữa. Nhờ bạn bè bị lây thói háo hức của gã dẫn dắt, Apu cũng háo hức nhào vào thế giới Phật Pháp Do Thái Giáo, và tham thiền cùng với đội quân “Phật-Thái sĩ” ngày càng đông của thành phố - các nhà soạn nhạc cổ điển, ngôi sao điện ảnh, dân yoga. Gã cũng thực hành yoga phái Mysore và trở thành bậc thầy bói bài Tarot và nghiên cứu lý số và đủ thứ sách mua ở các hiệu sách cổ -chuyên về huyền thuật và dạy cách tạo dựng các ký hiệu và vòng tròn ma thuật để cho phù thủy tay mơ có thể an toàn đứng trong đó làm phép thả bùa.

Chẳng bao lâu sau ai cũng rõ gã là một họa sĩ có năng khiếu đặc biệt, tài năng kỹ thuật điêu luyện như Dalí (mặc dù vận dụng hiệu quả hơn), đầy tính hình tượng trong thời đại của khuynh hướng ý niệm, những hình người nam nữ trong tranh Apu, thường là khỏa thân, được chứa đựng, hay chất chứa, hay nằm trong, hay bọc ngoài, các ký hiệu biểu tượng từ những nghiên cứu thần bí của gã, bông hoa, con mắt, thanh kiếm, chiếc cốc, mặt trời, tinh tú, sao năm cánh, và cơ quan sinh dục nam nữ. Gã nhanh chóng có một xưởng họa ngoài Quảng trường Union và vẽ những bức chân dung sống động của le tout* New York, các quý bà thượng lưu (đúng, chủ yếu là quý bà, mặc dù có một số chàng trai cực trẻ nữa) những người mừng rỡ cởi truồng trước mặt gã để được vẽ vào thế giới sum suê tràn ngập ý nghĩa tâm linh cao siêu, choàng hoa tulip quanh người hay bơi lội trong những dòng sông của Thiên Đường hay Địa Ngục, trước khi trở về nhà họ - những ngôi đền thờ phụng Đồng Tiền. Nhờ khả năng kiểm soát kỹ thuật đáng nể, gã hình thành được một lối vẽ linh hoạt rất nhanh, tức là thường chỉ trong một ngày là vẽ xong một bức chân dung và chính vì thế mà gã càng được đám đông cuồng tốc độ ưa chuộng. Apu có triển lãm cá nhân lần đầu tiên vào năm 2010, tranh được tuyển chọn bởi Quỹ nghệ thuật Bruce High Quality Foundation, trưng bày trong một không gian dựng tạm ở Chelsea, và mang tiêu đề lấy ý từ Nietzsche, Đặc Quyền Sở Hữu Bản Thân. Gã bắt đầu trở thành họa sĩ nổi tiếng, hay như gã tự nhận với chút khiêm tốn hài hước giễu cợt, “nổi tiếng trong hai mươi dãy phố.”

Nước Mỹ đã làm thay đổi cả hai, Petya và Apu - nước Mỹ, cái bản thể bị chia cắt đó - đã phân cực họ như chính nước Mỹ bị phân cực, những cuộc chiến của nước Mỹ, bên ngoài và bên trong, cũng trở thành những cuộc chiến của hai anh em; nhưng ngay từ đầu, nếu Petya đến New York như một tay thông thái nghiện rượu sợ hãi thế giới và thấy sống trong thế giới đó là một cực hình triền miên, thì Apu đến đây như một nghệ sĩ lãng mạn tỉnh táo và một dân đô thị lang chạ, ve vãn mọi thứ ảo huyền nhưng với tầm nhìn sáng suốt cho phép gã thấy rõ con người, như những bức tranh chân dung của gã thể hiện: vẻ kinh hãi trong đôi mắt quý bà thượng lưu đang tàn tạ nhan sắc, sự ngu dốt dễ tổn thương trong thế đứng của tay vô địch quyền Anh không đeo găng đấm, lòng can đảm của vũ nữ ba-lê với đôi giày múa vấy máu giống như cô chị xấu xí trong cổ tích đã cắt cụt ngón chân mình để xỏ cho vừa đôi giày thủy tinh của nàng Lọ Lem. Tranh chân dung Apu vẽ hoàn toàn không phải thứ nịnh hót; chúng có thể rất thô bạo. Thế nhưng người ta tranh nhau tới tìm gã với những chi phiếu bộn tiền trong tay. Để được nhào nặn dưới tay Apu Golden, được đóng đinh vào khung toan của gã, trở thành thứ được ham muốn, có giá trị. Trở thành một hiện tượng. Trong lúc đó, khi không ở xưởng vẽ, gã thèm khát vô độ chạy khắp thành phố, ôm ấp lấy chốn này như một thi sĩ Whitman trẻ tuổi, đường tàu điện ngầm, câu lạc bộ, nhà máy điện, trại giam, các nhóm tiểu văn hoá, các tai họa, các sao chổi cháy rực, đám con bạc, những nhà máy sắp tiêu, những nữ hoàng vũ hội. Apu là hình ảnh đối chọi với người anh, gã thích khoảng trống một cách tham lam vô độ, dù không ai có thể biết chắc là gã bị mê hoặc hay bị đọa đày.

Gã ăn mặc màu mè lòe loẹt khác hẳn người anh, và bề ngoài thay đổi thường xuyên. Gã đeo kính áp tròng nhiều màu, có khi mỗi mắt một màu, và cho đến tận cùng tôi cũng không biết màu mắt thực của gã. Áo quần gã bao quát mọi thời trang của hành tinh này. Hứng lên gã bỏ luôn cái khăn san pashmina Ấn Độ và thay vào đó, mặc áo dài dishdasha Ả-rập, áo ngắn hoa hòe dashiki Phi châu, xà-rông veshti Nam Ân, sơ-mi sặc sỡ Mỹ La-tinh hay, có lúc, trong tâm trạng ủ rũ giống Petya, mặc đủ bộ quần tây, ghi-lê, vest vải tuýt đặt may bên Anh, cài khuy kín cổng cao tường. Có thể thấy gã trên đại lộ Sixth Avenue mặc váy dài đàn bà hay váy len đàn ông Scotland. Phong cách tắc kè hoa này khiến chúng tôi hoang mang về thiên tính của gã, nhưng theo như tôi biết gã có giới tính nam đúng chuẩn; mặc dù gã đúng là loại thiên tài trong chuyện phân chia quan hệ, gã để mỗi nhóm bạn bè khác nhau vào những ngăn niêm phong kín và không ai trong ngăn này thậm chí nhận biết sự tồn tại của những ngăn khác. Cho nên có thể Apu có một đời sống bí mật bên ngoài biên cương quan hệ khác giới, thậm chí là một đời sống lang chạ. Nhưng theo tôi điều này khó xảy ra. Như chúng ta rồi sẽ biết, gã không phải đứa con nhà Golden bị vấn đề nhận dạng giới tính. Tuy nhiên, trong những cuộc thám hiểm bí ẩn của mình, gã chắc chắn đã xây dựng nhiều quan hệ huyền bí, kỳ dị mà không muốn nói tới. Nhưng bây giờ khi mọi chuyện đã rõ thì tôi có thể bắt đầu dựng lại cuộc sống mà gã đã luôn che giấu.

Chúng tôi có điểm chung là điện ảnh, và thích dành những chiều cuối tuần ở IFC Center hay Film Forum xem phim Tokyo Monogatari hay Orfeu negro hay Le charme discret de la bourgeoisie*. Chính vì điện ảnh mà gã rút gọn tên mình lại để bắt chước nhân vật Apu bất tử của Ray*. Cha gã đã phản đối, Apu thú nhận với tôi. “Ông già nói bọn tao là dân La Mã chứ không phải dân Bengal. Nhưng đó là chuyện của ổng, không phải của tao.” Nero Golden thấy thú vị chuyện chúng tôi hẹn nhau coi phùn. Khi tôi đến đón Apu thỉnh thoảng lão vẫn đứng đợi trong khoảng sân nhỏ phía sau thông ra hoa viên chung, rồi quay mặt về hướng ngôi nhà, lão rống lên: “Apuleius! Bồ con tới rồi kìa!”

Một ghi chú cuối cùng về tên của Apu: gã đã từng nói với vẻ ngưỡng mộ về tác giả truyện The Golden Ass hồi thế kỷ thứ hai. “Thằng cha này thừa kế một triệu đồng sesterce của ông già hắn ở Algeria mà vẫn viết được một kiệt tác.” Còn về chuyện tên của anh gã cũng như của gã: “Nếu Petya là dương thần hay là dâm thần, thì tao chắc chắn là còn lừa khốn khiếp.” (Tiếp đó, một cái nhún vai bất cần.) Nhưng về khuya hôm đó, khi đã uống vài ly, gã đảo ngược ý nghĩ đó lại. Như thế lại phù hợp hơn; bởi vì nói thật, trong hai anh em này thì gã mới đúng là dương thần của giống đực, trong khi Petya tội nghiệp lại thường là con lừa tai dài.

Vào cái đêm dạ tiệc nhà Golden ở khu Gardens, Petya và Apu đã gặp người đàn bà Somali đó, và mối ràng buộc anh em ruột thịt bắt đầu tan vỡ.

Cô ta được người đại diện mỹ thuật đưa tới dạ tiệc, người bây giờ cũng đại diện cho Apu, dù không độc quyền: một tên xỏ lá tóc bạc lấp lánh tên là Frankie Sottovoce thời trẻ nổi tiếng nhờ phun sơn những chữ cái NLP* cao ba tấc lên một trong ba bức tranh bất hủ của Claude Monet, vẽ hoa súng treo ở Bảo tàng Mỹ Thuật Hiện Đại, để phản đối chiến tranh Việt Nam -bắt chước hành động của một tên phá hoại vô danh, cũng trong năm đó, 1974, đã rạch nấy chữ cái IRA* cao sáu tấc vào góc dưới bên phải bức Sự Sùng Bái Của Ba Vua của Peter Paul Rubens trong Nguyện đường King’s College ở Cambridge, một hành động mà Sottovoce, tron khi huênh hoang về hoạt động cực tả của y hồi trẻ, cũng thường tự nhận là do mình làm. Những bức tranh đó đều dễ phục chế, quân IRA đã thua cuộc chiến của họ, Việt Cộng đã thắng cuộc chiến của họ, và tay đại diện mỹ thuật tiếp tục có một sự nghiệp nổi bật, và đã phát hiện cũng như quảng bá thành công nhiều nghệ sĩ, trong đó có nữ điêu khắc gia cắt kim loại Ubah Tuur.

Ubah trong tiếng Somali có nghĩa là “đóa hoa” hay “nở hoa,” và có khi được viết là Ubax, âm “x” của Somali là một âm hơi trong cổ thách thức những cuống họng người nói tiếng Anh, một âm hơi nén không thành tiếng trong yết hầu. Vì thế mà thành “Ubah,” một sự nhân nhượng đơn giản hóa cho yết hầu kém cỏi của người không nói tiếng Somali. Cô ta đẹp theo kiểu đẹp của phụ nữ vùng Sừng châu Phi, cổ cao, mềm mại trong vòng tay ôm, và trong buổi tối mùa hè lê thế ấy đối với Petya cô ta chẳng khác một thân cây đang nở hoa mà gã có thể nương tựa dưới tán lá, được bóng mát của nàng chữa lành đến hết đời. Một lúc nào đó trong tối ấy cô ta hát: không phải loại bài hát Somali gào rú như gã chờ đợi sẽ phát ra từ đôi môi mọng căng đó mà là một bài tình ca nổi tiếng của Patti Smith, đầy u ám và khao khát, với câu điệp khúc vỗ về xảo trá, can’t hurt you now, can’t hurt you now… Và tới lúc cô hát xong thì gã mê mẩn luôn. Gã lao về hướng cô ta và dừng sững trước mặt, bối rối. Choáng váng trước tình yêu quá sức chịu đựng, không thể thốt nên lời, đột ngột dâng trào, gã bắt đầu nói lảm nhảm với cô gái trong mơ vừa bắt gặp về chuyện này chuyện nọ, thi ca và vật lý hạ nguyên tử và đời tư các ngôi sao điện ảnh, và cô ta đã nghiêm trang lắng nghe, chấp nhận mọi câu trả lời chập mạch chẳng ăn nhập vào đâu của gã cứ như đó hoàn toàn là những điều tự nhiên, và gã, lần đầu tiên trong đời, cảm thấy có người hiểu mình. Rồi cô ta bắt đầu nói và gã lắng nghe như bị hớp hồn, như con cầy bị rắn hổ mang thôi miên, về sau Petya có thể lặp lại nguyên văn từng lời một đã phát ra từ đôi môi tuyệt mỹ ấy.

Tác phẩm thời đầu của Ubah Tuur, cô ta nói, được gợi hứng từ những nghệ sĩ phái Hồn Nhiên mà cô đã gặp trong một chuyến thăm đảo Haiti, họ đã cưa các thùng phi xăng dầu làm đôi, đập bẹp hai nửa, rồi dùng những công cụ thô sơ nhất - búa và tua-vít - để cắt và gò thành những hình hoa văn cành, lá, chim chóc tinh xảo. Cô ta nói với Petya rất lâu về việc dùng mỏ hàn xì để cắt sắt thép thành những hoa văn tinh vi kết nối như đăng-ten rồi cho gã xem hình chụp tác phẩm của cô trong điện thoại: xác những chiếc ô-tô và xác xe tăng tan nát (bị bom?), được biến thành những hình thù đục khoét tinh tế, kim loại được xuyên thủng thành những lỗ tạo hình hóa văn và toát ra cảm giác bay bổng của chính chúng. Cô ta nói bằng ngôn ngữ của thế giới mỹ thuật, cuộc chiến của các biểu tượng, những đối kháng đáng mong muốn, những tiếng nhà nghề hết sức trừu tượng, mô tả cuộc tìm kiếm của cô nhắm tới những hình tượng đồng điệu tạo ra sự cân bằng lẫn đối chọi bằng các ý tưởng và chất liệu tương phản, và cô cũng khảo sát tính phi lý của việc sở hữu những lập trường cực đoan xung đột, như một võ sĩ đấu vật mặc váy xòe. Cô ta là người nói chuyện thông minh, có sức thu phục và nói nhanh tới mức gần như khó hiểu, vừa nói vừa lùa tay vào mái tóc và ôm chặt lấy đầu mình; nhưng cuối cùng thì gã bật thốt lên (chứng tự kỷ buộc gã phải nói sự thật): “Xin lỗi, nhưng cô nói gì tôi nghe chẳng hiểu nổi.”

Nói xong là gã căm ghét chính mình ngay lập tức. Cái thứ ngu ngốc gì đâu, mấy lời “anh yêu em” kẹt trong họng không nói được, ai đời lại phun ra với người yêu dấu thông minh này sự khinh miệt chứ không phải lòng ái mộ? Giờ cô ta sẽ thù Petya cho mà xem mà thù là đúng và cuộc đời gã sẽ thành vô nghĩa và bị nguyền rủa thôi.

Cô ta nhìn gã chằm chằm hồi lâu rồi bật ra tiếng cười xoa dịu. “Đó chỉ là cơ chế phòng vệ thôi,” Ubah nói. “Người ta cứ thường lo là không ai coi trọng mình nếu nói chuyện mà không đầy đủ lý thuyết, nhất là khi người đó là phụ nữ. Thực tế thì tác phẩm của tôi đã tự bộc lộ khá rõ rồi. Tôi đã biến cái đẹp thành thứ kinh khủng và tôi muốn anh rối loạn, buộc anh phải suy nghĩ. Tới Rhinebeck xem tác phẩm của tôi đi.”

Bây giờ tôi biết chắc - khi lắp ráp các mảnh ghép của nhà Golden, và cố tái dựng trong trí nhớ mình trình tự sự kiện chính xác của đêm quan trọng đó, và ghi chép lại khi nhớ ra các diễn tiến - chính ngay thời điểm ấy tối hôm đó thì mọi chuyện đối với Petya bắt đầu thất bại, khi cái ước muốn nhận lời mời của Ubah thực sự phải chống chọi với những thứ ma quỷ bên trong đã buộc gã sợ hãi thế giới bên ngoài. Gã vung hai tay làm những cử chỉ lạ lùng, nửa bất lực, nửa tức giận, và lập tức bắt đầu nói một mình hàng loạt chuyện không đâu vào đâu về bất cứ điều gì lướt qua tâm trí đau khổ của gã. Tâm trạng càng lúc càng u ám trong lúc gã phê bình đủ mọi đề tài, cuối cùng là tới chuyện nhạc kịch Broadway và chuyện chán ghét hầu hết các nhạc kịch. Rồi xảy ra tình tiết lúng túng với thành viên Python rồi gã biến vào trong nhà và rồi nỗi thống khổ của gã trên bệ cửa sổ. Tình yêu, trong lòng Petya, luôn cận kề niềm tuyệt vọng.

* * *

Suốt mùa hè đó, gã buồn bã giam mình trong căn phòng riêng ngập ánh đèn xanh, chơi game (về sau chúng tôi mới biết) sáng tạo những game máy tính tinh vi và tuyệt mỹ, mơ tưởng đến gương mặt ám ảnh của cô gái ấy đằng sau chiếc mặt nạ bảo vệ, đến ngọn lửa cắt thép chuyển động trong bàn tay nàng khi sáng tạo những hình tượng huyền ảo, tinh tế từ kim khí vô hồn. Petya tưởng tượng cô ta là một kiểu siêu nhân, nữ thần cầm mỏ hàn xì, và không muốn gì hơn là được bên cô nhưng gã lại sợ hãi hành trình đi tới, một hoàng tử đầy phiền muộn tới mức không thể theo đuổi nàng Lọ Lem đã biến mất. Gã cũng không thể gọi điện cho cô ta bày tỏ cảm xúc của mình, gã giống như một lục địa toàn chuyện ba hoa loạn xạ có một vùng cấm tê liệt ngôn từ. Và cuối cùng chính Apu thấy thương hại gã nên đề nghị giúp. “Tôi sẽ thuê một chiếc xe lắp kính đen,” Apu tuyên bố. “Bọn tôi sẽ đưa anh tới đó.”

Sau này Apu thề rằng đó là động cơ duy nhất của mình: đưa Petya vượt qua biên giới nỗi sợ và cho người anh cơ hội gặp cô gái. Nhưng cũng có thể Apu không nói thật.

Và thế là Petya gom hết can đảm và gọi điện, và Ubah Tuur mời hai anh em tới chơi vào cuối tuần, và đủ hiểu biết để nói với Petya: “Có một hàng rào khá kiên cố bao kín hết khu đất của tôi, cho nên có thể là anh sẽ thấy đó như một không gian kín trong nhà, giống như khu hoa viên chung của anh. Nếu anh đồng ý đi loanh quanh thì tôi có thể cho anh xem những tác phẩm dựng bên ngoài cũng như trong xưởng điêu khắc.”

Dưới ánh nắng cuối ngày, trong chiếc quần bảo hộ lấm lem, mái tóc hững hờ nhét dưới chiếc mũ bóng chày Yankees đội ngược, chiếc mặt nạ bảo vệ vừa gỡ ra lủng lẳng nơi khuỷu tay: chẳng cần cố gắng, cô đã đẹp tê người. “Đây, tôi muốn anh xem cái này,” cô nói, và nắm lấy tay Petya, dắt gã len lỏi giữa miền đất tịch dương rải rắc những hình thù đồ sộ mà chi tiết, như tấm chiến giáp viền đăng-ten của những vị thần khổng lồ, như những tàn tích chiến trường được bầy yêu tinh khéo tay tái tạo, và gã không hề than vãn, tin vào sự tồn tại của cái hàng rào gã không nhìn thấy dưới bóng tà huy, và kể cả dưới ánh sáng của vầng trăng tròn rực rỡ trên đầu; cô đi vòng quanh khu nhà dài, thâm thấp kiểu nông trang ấy và nói: “Nhìn kìa.” Ở tận cùng khu đất, chỗ đất dốc chúi xuống, là dòng sông cuộn chảy, sông Hudson rộng lớn, ánh bạc, khiến gã nín thở. Suốt một hồi lâu gã thậm chí không nghĩ đến hàng rào, không hỏi xem gã đang được bao bọc an toàn hay bị phơi bày nguy hiểm trước mọi thứ đáng sợ trên đời, và khi gã bắt đầu hỏi “Sao không…” và khi bàn tay buông xuống run lẩy bẩy thì cô nắm chặt tay gã và nói: “Sông này chính là bức tường chắn. Đây là nơi an toàn cho tất cả chúng ta.” Và gã chấp nhận lời cô nói và không thấy sợ hãi, đứng đó nhìn dòng nước cho tới lúc cô đưa hai anh em vào trong nhà ăn tối.

Gã lại trở về con người ba hoa chích chòe khi ngồi dưới ánh đèn vàng ấm áp trong nhà bếp của cô, ăn món cà-ri gà nấu với xoài, vị ngọt món này giao tranh ác liệt trong vòm họng gã với thứ bột cay gia vị berbere pha lẫn. Nhưng trong lúc gã nói và nói không ngừng về niềm say mê dành cho thế giới trò chơi điện tử, và xen kẽ những câu chuyện về các game mới nhất - do ảnh hưởng từ dòng sông ánh bạc bên ngoài - gã đọc thuộc lòng những bài thơ về dòng sông, cô ta đã chuyển hướng quan tâm. Buổi tối kéo dài thêm và kịch bản của chuyến viếng thăm này đã bị vứt bỏ, Ubah Tuur bỗng dưng trào dâng một ham muốn, một sự phản trắc. Sao anh chưa lập gia đình nhỉ, cô hỏi Petya, người như anh thì khối cô thèm muốn. Nhưng trong lúc nói thì mắt cô lại liếc sang Apu, người đang ngồi im phăng phắc, Apu kể với tôi, không làm gì cả, nhưng về sau Petya buộc tội Apu là đang lẩm bẩm, mày đang lẩm bẩm gì đó, thằng chó đẻ, mày dùng tà thuật ếm cô ta, trong khi gã, Petya, cố trả lời câu hỏi của Ubah lại ấp úng không nên lời, cũng lâu lắm rồi, phải, có một người, nhưng từ đó trở đi là chờ đợi, chờ đợi tình cảm thúc bách, và cô ta, nói chuyện với gã nhưng mắt nhìn người em, Vậy thì bây giờ anh tìm được tình cảm thúc bách chưa, vờ vĩnh tống tình, nhưng mắt cô ta cứ nhìn Apu, còn thằng em, cứ lẩm bẩm, theo lời Petya, dù chính người em luôn nói với tôi là hắn không hề lẩm bẩm.

Tao biết mày đã làm gì, thằng khốn, sau đó Petya sẽ hét lên, chắc mày đã bỏ gì đó vào đồ ăn của cô ta, gia vị cay sẽ át mùi đó đi, thứ bột lòng gà quỷ quái gì đó mà lấy ở chỗ mụ phù thủy Greenpoint của mày, rồi mày lẩm bẩm, mày đang nói gì, bùa chú, bùa chú.

Còn Apu mặt mày nghiêm trang, lại càng khiến chuyện thêm trầm trọng, Đứa con cưng của cha tôi giờ biến đâu rồi? Thế hai cộng hai bằng bốn thì sao? Bốn cộng bốn bằng tám? Tôi có làm gì đâu. Không làm gì cả.

Mày chơi con nhỏ rồi, Petrya rên rỉ.

À, đúng. Tôi chơi đó. Xin lỗi.

Sự việc có thể diễn ra hơi khác. Tôi không có mặt ở đó. Cũng rất có thể là lúc đó Petya thường ngày luyên thuyên lại câm bặt suốt buổi tối, nghẹn lời vì tình cảm yêu thương, và Apu sôi nổi sành đời lại độc chiếm cuộc nói chuyện, và người đàn bà. Cũng có thể là cô ta, Ubah, ai cũng cho là một phụ nữ lịch thiệp duyên dáng, thường là rất ý tứ, nhân dịp này lại bất ngờ nổi cơn hứng tình bất tử với người em, đồng nghiệp nghệ sĩ, ngôi sao đang lên, tên đào hoa, tay dụ gái. Những động cơ dục vọng này đều khó hiểu đối với kẻ đáng thèm muốn, kẻ đang thèm muốn và kẻ được thèm muốn. Tôi dối lừa phần cao cả trong tôi / Cho mưu phản của xác thân này bỉ ổi, Thi sĩ của Avon, Sonnet 151. Và thế là không tỏ tường nguyên do can cớ gì, chúng ta giáng những vết thương trí mạng lên người ta thương yêu.

Ngôi nhà tăm tối. Ván sàn cọt kẹt. Chuyển động. Không cần thuật lại màn kịch mê-lô tầm thường của hành động đó. Đến sáng ra vẻ tội lỗi trên mặt của hai kẻ phạm tội, rành rành dễ thấy như dòng tít lớn trên trang nhất. Petya to lớn, nặng nề, Apu đầu trọc, ẽo ợt, người đàn bà ngồi giữa họ như đám mây đen giông tố. Chẳng có gì để giải thích, cô ta nói. Đó là chuyện đã rồi. Tôi nghĩ cả hai anh nên đi đi.

Và rồi Petya ngồi ở băng sau, bị cầm tù bởi nỗi sợ thế giới này bên trong chiếc xe người em đã thuê có cửa sổ lắp kính đen, run rẩy vì cơn thịnh nộ nhục nhã, không thể kiểm soát, suốt ba giờ kinh hoàng câm lặng trong lúc xe chạy về thành phố. Vào những lúc như thế, tâm trí con người ta có thể bắt đầu nghĩ đến chuyện giết người.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3