Nhà Golden - Chương 06
Ngày xưa có một nhà vua độc ác đã ép buộc ba con trai phải ha xa quê hương rồi cầm giữ họ trong một ngôi nhà bằng vàng, phong kín các cửa sổ với những lá sách bằng vàng và chặn cửa chính bằng hàng chồng vàng thỏi Mỹ, những bao tiền vàng doubloon lầy Ban Nha, những máng tiền vàng louis d’or Pháp, và những xô tiền vàng ducat Venice. Nhưng cuối cùng lũ trẻ hóa thành những con chim giống như con rắn có lông vũ, bay lên ống khói và thoát ra. Tuy nhiên, khi đã ra ngoài trời quang thì chúng thấy mình không bay được nữa, và bổ nhào đau đớn xuống đường phố nằm trong rãnh nước, thương tổn và hoang mang. Một đám đông xúm lại, không biết nên sùng bái hay kinh sợ những con xà điểu trên trời rơi xuống, cho đến khi có người ném hòn đá đầu tiên. Sau đó một trận mưa đá nhanh chóng giết chết cả ba đứa trẻ biến hình này, và nhà vua, một mình trong nhà vàng, nhìn thấy bao nhiêu vàng trong mọi túi áo quần mọi chồng đống mọi bao bị mọi xô chậu bắt đầu ửng sáng càng lúc càng chói rực cho đến khi bốc lửa phừng cháy. Lòng bất trung của lũ con đã giết ta, nhà vua nói khi những ngọn lửa bốc cao quanh người. Nhưng đó không chỉ là phiên bản duy nhất của câu chuyện này. Trong một phiên bản khác, những người con không trốn thoát mà chết cùng nhà vua trong đám cháy. Trong phiên bản thứ ba, chúng giết lẫn nhau. Trong phiên bản thứ tư, chúng giết cha, cùng lúc vừa mang tội giết cha vừa mang tội giết vua. Thậm chí cũng có thể là nhà vua này không hoàn toàn ác độc, hay cũng có phẩm chất cao quý nào đó cùng với rất nhiều điều kinh khủng. Trong thời đại của bao điều thực tế bị nghi ngờ cay đắng thì không dễ đồng ý về chuyện gì thực sự đã hay đang xảy ra, về đâu là sự thật, chứ đừng nói chi đến đạo lý hay ý nghĩa của chuyện này hoặc bất kỳ chuyện nào khác.
* * *
Kẻ tự xưng Nero Golden đã che giấu chính mình, ngay từ đầu, sau những tử ngữ. Lão thông thạo tiếng Hy Lạp và La-. tinh và buộc các con cũng phải học những thứ tiếng đó. Họ thỉnh thoảng nói chuyện với nhau bằng lối nói của thành Rome và Athens, làm như đó là thứ tiếng thông dụng hàng ngày chứ không không phải là đôi ba từ trong vô vàn từ vựng của New York. Trước đó, ở Bombay, lão bảo các con: “Hãy tự chọn những cái tên cổ điển,” và qua sự chọn lựa của họ chúng tôi có thể thấy kỳ vọng chính đáng của ba người con có tính văn chương hơn, thần thoại hơn khao khát đế vương của cha họ. Ba người con không muốn làm vua, dù cậu nhỏ nhất lại ẩn mình trong chất thần thánh, phải chú ý điều đó. Ba người trở thành Petronius*, Lucius Apuleius* và Dionysus*. Sau khi cả ba đã quyết định xong, cha họ luôn gọi họ bằng những cái tên tự chọn. Qua cách gọi của Nero, Petronius trầm tư, bất bình thường trở thành Petro hay là Petrón, nghe như một nhãn hiệu xăng dầu hay một loại rượu tequila*, hay sau cùng gọi luôn là Petya, cái tên này đưa cậu cả khỏi La Mã cổ đại tiến về thế giới của Dostoyevsky và Chekhov. Cậu giữa, sôi nổi, sành đời, một họa sĩ và tay giao du rộng, lại nhất định tự chọn tên gọi riêng ở nhà. “Hãy gọi con là Apu,” gã khăng khăng, bất chấp sự phản đối của cha (Nhà mình đâu phải dân Bengal!) và không chịu trả lời nếu gọi bằng tên khác, cho tới khi cái tên tắt đó gắn liền với gã. Còn cậu út, kẻ có số phận kỳ lạ nhất nhà này, chỉ đơn giản trở thành “D”.
Chính ba cậu con của Nero Golden là người mà chúng ta bây giờ quan tâm tới, chỉ tạm dừng để nêu ra điều mà cả bốn người nhà Golden, lúc này hay lúc khác, đều nhất định nhấn mạnh - rằng việc họ chuyển tới New York không phải là lưu đày, không phải là trốn chạy, mà là lựa chọn. Điều này có lẽ khá đúng đối với ba đứa con, nhưng trong trường hợp người cha, rồi ta sẽ thấy, bi kịch cá nhân và nhu cầu cá nhân không hẳn là những động cơ duy nhất. Chắc phải có nhiều người mà lão cần phải tránh xa tầm với của họ. Kiên nhẫn: Tôi sẽ không tiết lộ hết mọi bí mật luôn một lần đâu.
Petya công tử - ăn mặc kiểu bảo thủ nhưng vẫn sang như thường - cho khắc trên một tấm đồng gắn trên cửa phòng riêng mấy lời của danh nhân trùng tên là Gaius Petronius, người được Pliny, Tacitus và Plutarch mô tả là arbiter elegantiarum hay elegantiae arbiter, vị thẩm phán về tính tao nhã, lịch lãm trong triều đình vua Nero*: “Hãy rời mái ấm, hỡi tuổi xuân, và kiếm tìm những bờ biển lạ. Dòng Danube xa xôi sẽ biết tới ngươi, luồng gió phương Bắc lạnh lùng, vương quốc bình an của Canopus và những người chứng kiến sự tái sinh hay lụi tàn của thần Apollo.” Chọn câu trích dẫn này đúng là quái lạ, bởi vì thế giới bên ngoài đối với gã rất đáng sợ. Nhưng con người có thể mơ mộng, và trong mơ tưởng thì mình có thể thành kẻ khác.
Tôi nhìn thấy họ trong khu Gardens nhiều lần mỗi tuần. Tôi đâm ra gần gũi với mấy người nhà Golden hơn nhiều người khác. Nhưng quen biết những người có thực lại không giống như việc làm cho họ sống động. Đến bây giờ tôi mới nghĩ ra, cứ viết đại ra giấy bất cứ chuyện gì nảy sinh. Nhắm mắt lại và chiếu bộ phim ấy trong đầu, mở mắt ra và ghi chép lại. Nhưng trước hết họ phải thôi là hàng xóm của tôi, những kẻ sống trong Thực Tại, để trở thành nhân vật của tôi, sống động trong Hiện Thực. Tôi quyết định bắt đầu từ chỗ họ bắt đầu, với những cái tên cổ điển. Để có chút manh mối về Petronius Golden, tôi đã đọc The Satyricon* và nghiên cứu thể loại văn chương châm biếm xã hội Hy Lạp cổ. “Phê phán thái độ tính thần hơn là chỉ trích cá nhân,” đó là một trong những điều tôi tự nhắc mình. Tôi đọc vài vở hài kịch satyr cổ còn lưu truyền tới nay, Cyclops của Euripides, và những đoạn còn sót lại của vở The Net Tishers của Aeschylus và The Trackers của Sophocles, cũng như đọc bản “tái dựng” Sophocles hiện đại của Tony Harrison, The Trackers of Oxyrhynchus*. Những tài liệu từ thế giới cổ đại này .có ích không? Có, ở chỗ chúng dẫn dắt tôi tới tính chất khôi hài và dâm tục và xa rời tinh thần cao cả của bi kịch. Tôi thích những dương thần nhảy guốc gỗ trong kịch của Harrison và đã ghi chú, “Petya - người khiêu vũ kém, nhầm bước sai nhịp ngớ ngẩn tới mức ai cũng thấy gã buồn cười.” Ở đây cũng có khả năng cho một gút thắt bất ngờ vào cốt truyện, vì trong cả vở Tishers lẫn vở Trackers các dương thần đều đụng phải những hài nhi có phép mầu - vở trước là Perseus, vở sau là Hermes. “Để dành khả năng đưa ra những đứa bé có uy lực siêu phàm,” tôi viết trong sổ tay, và bên cạnh, ngoài lề, là “??? hay—KHÔNG.” Vậy là tôi không những mơ hồ về câu chuyện này, về bí mật cốt lõi của nó, mà còn mơ hồ về cả hình thức nữa. Chất siêu thực, chất huyền ảo, có đóng vai trò gì không? Lúc đó tôi không chắc. Còn các nguồn tài liệu cổ điển có ích bao nhiêu thì cũng rối rắm bấy nhiêu. Các hài kịch satyr, ai cũng biết, có liên quan đến tửu thần Dionysus, nguồn gốc loại kịch satyr có lẽ bắt nguồn từ những nghi thức dân gian tôn vinh vị thần này. Rượu, trai gái, âm nhạc, nhảy múa. Vậy thì trong câu chuyện của tôi, những yếu tố này sẽ rọi chiếu nhân vật nào rõ nhất? Petya “đã là” Petronius, nhưng Dionysus lại là người em út… trong của chuyện của cậu út D. thì vấn đề trai gái, vấn đề giống - hay là giới, để tránh cái từ mà người tình của D., nhân vật Riya xuất chúng ấy hết sức ghét - có thể giữ vai trò chính… phải lưu ý. “Cá tính của ba anh em nhà này, trong chừng mực nào đó, sẽ chồng lấp nhau.”
Còn với Apu thì tôi quay lại đọc The Golden Ass*, nhưng trong câu chuyện của tôi, sự biến hình lại là số phận của một người anh em khác. (Cá tính anh em lại chồng lấp nhau.) Nhưng tôi có một ghi chú đáng giá. “Một câu chuyện vàng, vào thời Lucius Apuleius chính là cách nói hoa mỹ để chỉ một câu chuyện phi lý, một hoang tưởng điên rồ, một điều gì đó rõ ràng không có thực. Một chuyện thần tiên. Một sự dối trá.”
Còn với đứa bé kỳ diệu: thay cho sự lưỡng lự ban đầu “??? hay—KHÔNG,” tôi phải nói luôn, không cần Aeschylus hay Sophocles trợ giúp, câu trả lời hóa ra là CÓ. Sẽ có một đứa bé trong câu chuyện này. Kỳ diệu hay đáng nguyền rủa? Độc giả: bạn quyết định lấy.
* * *
Cái vẻ kỳ lạ vừa buồn bã vừa thông minh của người mà chúng tôi gọi là Petya Golden đã rõ ràng trước mắt mọi người ngay từ ngày đầu, khi trong ánh nắng chiều đông dần tắt gã một mình an vị trên băng ghế trong hoa viên khu Gardens, một người cao lớn, như hình ảnh khuếch đại của người cha, tầm vóc lực lưỡng, nặng nề với đôi mắt đen sắc bén giống cha dường như đang dò hỏi chân trời. Gã mặc bộ vest màu kem, khoác chiếc áo bành-tô vải tuýt dệt sọc xương cá dày cộp, đeo găng tay và quấn khăn quàng cổ màu cam, và bên cạnh, trên băng ghế là một bình lắc pha cocktail cỡ lớn và một lọ ô-liu, tay phải gã cầm một ly martini, và trong lúc ngồi đó độc thoại cô đơn, hơi thở giăng mắc như hồn ma trong trời tháng Giêng, gã bắt đầu nói lớn tiếng, giảng giải không nhằm vào ai cụ thể cái lý thuyết mà gã gán cho nhà làm phim siêu thực Luis Bunuel, nguyên do khiến cho ly dry martini hoàn hảo này lại giống như Jesus được hoài thai vô nhiễm nguyên tội. Gã lúc đó chắc khoảng bốn mươi hai tuổi và tôi - nhỏ hơn mười bảy tuổi - rón rén băng qua thảm cỏ tới chỗ gã, sẵn sàng lắng nghe, lập tức yêu mến, giống như mạt sắt bị nam châm hút, như con bướm đêm yêu ngọn lửa định mệnh. Lúc đến gần tôi nhìn thấy trong ánh hoàng hôn ba đứa nhỏ trong khu Gardens đã dừng trò chơi, bỏ mấy cái xích đu và xà leo trèo để nhìn trân trân người đàn ông to lớn, kỳ lạ này nói chuyện một mình. Chúng không hề biết người khùng mới dọn đến này nói chuyện gì nhưng vẫn thích cách biểu hiện của ông ta như thường. “Để pha một ly dry martini hoàn hảo,” gã đang nói, “ta phải lấy một ly uống martini, thả một trái ô-liu vào, rồi rót rượu gin đầy tận miệng, hoặc theo kiểu mới, rót vodka.” Bọn trẻ con cười khúc khích trước sự nguy hại của câu chuyện rượu chè này. “Sau đó,” gã đưa tay trái lên, ngón trỏ chọc vào không khí, miệng vẫn nói, “phải đặt một chai rượu vermouth kế cái ly này ở vị trí sao cho có một tia nắng duy nhất chiếu xuyên qua chai và rọi vào ly martini. Sau đó thì uống martini.” Động tác phô diễn, gã ực một ngụm trong ly. “Đây là ly tôi đã pha sẵn,” gã nói, giải thích với mấy đứa trẻ, bấy giờ vừa bỏ chạy vừa cười vang với vẻ tội lỗi sung sướng.
Gardens là chốn an toàn cho mọi đứa trẻ có nhà thông ra đó, cho nên chúng chạy khắp nơi không ai canh chừng. Có một thời gian, sau bài diễn thuyết về martini, mấy bà mẹ láng giềng đâm ra lo ngại về Petya, nhưng họ chẳng cần lo làm chi; thói xấu nhất hạng của gã không nhắm vào trẻ con. Vinh dự đó được dành cho rượu. Còn tình trạng tâm thần đó chẳng gây nguy hiểm cho ai ngoài bản thân gã, mặc dù nó dễ khiến người khác chưng hửng tới mức bực mình. Lần đầu tiên gặp mẹ tôi, gã nói: “Chắc bà từng là một cô gái đẹp nhưng giờ bà đã già và nhăn nheo rồi.” Nhà Unterlinden chúng tôi đang tản bộ buổi sáng ở Gardens thì Petya khoác áo bành tô, choàng khăn, đeo găng đi tới tự giới thiệu với bố mẹ tôi, và nói năng kiểu đó? Ngay sau tiếng chào “Hello” đầu tiên? Tôi nổi cáu và mở miệng định mắng, nhưng mẹ chạm vào tay tôi và lắc đầu, thật tử tế. Bà đáp: “Đúng rồi. Tôi thấy cậu là người nói chuyện thành thật.”
“Trên phổ rối loạn tự kỷ”: Tôi chưa nghe thuật ngữ này bao giờ. Tôi nghĩ mình nói chung cũng thuộc loại ngây thơ, và chứng tự kỷ đối với tôi cùng lắm chỉ là lối diễn xuất của Dustin Hoffman trong phim Rain Man và những người bị gọi một cách tàn nhẫn là “thằng đần thông thái” có thể đọc làu làu hàng dãy số nguyên tố và vẽ theo trí nhớ những bản đồ Manhattan chi tiết đến khó tin. Petya, mẹ tôi nói, chắc chắn là bị rối loạn hành vi nặng. Bà không chắc có phải gã mắc chứng HFA, tự kỷ chức năng cao, hay AS, hội chứng Asperger hay không. Bây giờ thì hội chứng Asperger không còn được coi là một chẩn đoán riêng biệt nữa sau khi đã được gộp chung vào “cấp nghiêm trọng” trên phổ rối loạn hành vi. Hồi đó, chỉ mới mấy năm trước, mọi người hầu hết đều ngu dốt như tôi, nên ai bị chứng Asperger đều được xếp bừa vào loại “điên.” Petya Golden có thể bị đau đớn tinh thần, nhưng gã hoàn toàn không điên, còn lâu mới điên. Gã là một người thiểu năng, có tài, dễ tổn thương, phi thường.
Petya thể chất vụng về, và thỉnh thoảng, khi bị kích động, nói năng cũng vụng về luôn, cứ cà lăm, lắp bắp và điên tiết lên vì chính mình bất toàn. Gã cũng là người có trí nhớ dai nhất tôi từng biết. Bạn chỉ cần nói tên một nhà thơ, “Byron,” chẳng hạn, là gã sẽ nhắm mắt đọc một lèo hai mươi phút trường ca Don Juan. “Ta muốn có anh hùng; ham muốn lạ lùng, / Khi tháng năm đều đặn sản sinh anh hùng mới, / Cho tới ngày, tràn ngập nhật trình toàn lời giả dối, / Đời mới hay hắn đích thực côn đồ.” Khi tìm kiếm chủ nghĩa anh hùng, gã nói, Petya đã thử làm một người cộng sản cách mạng ở đại học (Cambridge, bỏ học không tốt nghiệp khoa kiến trúc vì tình trạng bệnh tật), nhưng gã thú nhận là đã không gắng hết sức để thành người cộng sản tốt, và ngoài ra nhà giàu như gã là một bất lợi. Thêm nữa, với tình trạng bệnh như vậy, gã cũng khó mà được cơ cấu thích hợp và tin cậy, cho nên gã không thể làm đồng chí tốt, và nói cho cùng thích thú lớn nhất của gã không nằm ở chuyện khởi nghĩa mà ở tranh luận. Gã không thích gì bằng phản bác bất kỳ ai có ý kiến, và gã nện cho kẻ đó phải phục tùng bằng cách sử dụng cái kho kiến thức riêng cặn kẽ, bí hiểm, dường như vô tận. Ai chứ gã thì dám cãi với cả vua về vương quyền, hay cãi với con quạ về mẩu bánh mì khô. Gã cũng rượu chè quá mức. Khi tôi ngồi uống với gã ở hoa viên khu Gardens một sáng nọ - thói quen uống rượu bắt đầu từ giờ ăn sáng - tôi phải đổ rượu vào bụi cây khi gã lơ đãng không chú ý. Đừng hòng uống thi với gã. Nhưng bao nhiêu lượng vodka công nghiệp gã đã nốc coi bộ không ảnh hưởng chút gì đến bộ óc mát dây nhưng vẫn phi thường ấy. Trong phòng riêng ở tầng trên ngôi nhà Golden, gã ngồi trong ánh đèn xanh và chung quanh toàn máy vi tính cứ như những bộ não điện tử mới thật sự ngang hàng với gã, mới là bạn bè đích thực của gã, và thế giới trò chơi gã bước vào qua những màn hình mới là thế giới thực, còn thế giới của chúng tôi là thực tại ảo.
Con người là những sinh vật mà gã phải chịu đựng, những kẻ mà gã không bao giờ thấy thoải mái khi cận kề.
Trong những tháng đầu tiên - trước khi chúng tôi tìm ra câu trả lời cho chính mình, điều mà cuối cùng tôi cũng cho gã biết, để gã thấy thoải mái, nhưng lại vô tác dụng - điều khó khăn nhất đối với gã là tránh phun ra những bí mật gia đình, tên thật, gốc gác, chuyện người mẹ chết. Hỏi một câu trực tiếp thì gã sẽ trả lời thành thật vì bộ não Petya không cho phép nói dối. Thế nhưng vì trung thành với ý muốn của cha, gã cố tìm cách khác. Gã đã tự rèn luyện cách nói tránh né, “Tôi sẽ không trả lời câu hỏi đó,” hay, “Chắc chú em nên hỏi người khác,” những lời mà bản chất của gã có thể chấp nhận là sự thật và vì thế cho phép nói ra. Đúng là cũng có lúc gã cận kề sự mưu phản một cách nguy hiểm. Có một ngày, chẳng vì lý do gì cả mà chỉ là thói quen, gã nói (lời chuyện trò của Petya là một loạt bom ngẫu nhiên rơi xuống từ vòm trời tư tưởng xanh biếc của gã): “Còn như gia đình tôi, cứ xét tới sự điên rồ bất tận diễn ra trong hoàng cung thời mười hai vị Caesar, loạn luân, giết mẹ, đầu độc, động kinh, trẻ chết non, sặc mùi tội lỗi, và tất nhiên xét tới cả con ngựa của Caligula nữa*. Loạn hết, chú em, nhưng khi dân La Mã bình thường ngước nhìn cung điện thì họ thấy gì?” Nói tới đây gã ngừng bặt một cách kịch tính như trêu ngươi, rồi tiếp. “Họ thấy cung điện, chú em. Họ thấy nhõn cái cung điện, bất di bất dịch, bất biến, ở đó. Bên trong, những kẻ quyền lực đang đ. Các mợ và thiến c. lẫn nhau. Bên trong, rõ ràng là cái cấu trúc quyền lực ấy vẫn không thay đổi. Nhà tôi cũng giống vậy đó, Papa Nero và anh em tôi. Đằng sau cánh cửa đóng kín của gia đình, tôi nói mà không ngại gì, trong đó là địa ngục. Nhớ lại Edmund Leach trong mấy bài giảng Reith đi*. “Gia đình với sự riêng tư hẹp hòi và những bí mật hào nhoáng chính là cội nguồn mọi bất mãn của chúng ta.” Quá xá đúng trong trường hợp nhà tôi đó, anh bạn. Nhưng cứ xét theo quan điểm của dân La Mã bình thường, thì nhà tôi cũng một hệ. Chúng tôi giống như đạo quân La Mã giơ khiên che chắn tứ bề và cứ tiến bước.”
Có nói gì về Nero Golden thì nói - và tới lúc tôi nói xong, nhiều chuyện sẽ được kể ra, quá nhiều chuyện khủng khiếp -thì cũng không thể hồ nghi lòng tận tụy lão dành cho đứa con đầu lòng. Đúng là theo nghĩa nào đó, Petya vẫn luôn có phần trẻ con, cứ lảo đảo bất ngờ sa vào nhiều chuyện rủi ro rồ dại. Làm như hội chứng AS là chưa đủ, tới lúc gã đến sống giữa chúng tôi thì chứng sợ khoảng trống đã khá nặng. Hoa viên chung ở khu Gardens, lạ thay, lại không làm gã sợ. Bốn phía đều ngăn cách với thành phố, khu hoa viên này không hiểu sao, trong đầu óc lạ lùng như tấm gương vỡ đó, lại như “ở trong nhà.” Nhưng gã hiếm khi ra đường. Rồi một ngày gã quyết định gánh trọng trách giương trường thương chống lại cối xay gió trong tâm trí. Bất chấp lòng oán ghét cái thế giới bất an bên ngoài, thách thức chính mình phải chiến thắng quỷ dữ bên trong, gã lao xuống hệ thống tàu điện ngầm một cách vô nghĩa. Người nhà hoảng hốt vì gã biến mất và mấy giờ sau có một cú điện thoại từ đồn cảnh sát khu vực Coney Island, nơi đang giữ gã trong buồng tạm giam bởi vì, càng lúc càng hoảng sợ trong đường hầm, Petya đã làm náo loạn om sòm cả lên, và khi một sĩ quan an ninh lên tàu ở ga kế tiếp thì gã bắt đầu chửi bới người này là lãnh đạo Bolshevik, chính ủy, điệp viên của một nhà nước bí mật; và bị còng tay. Chỉ có Nero xuất hiện trong chiếc limousine to lớn, long trọng, xin lỗi mới yên chuyện. Lão giải thích bệnh tình của cậu con, và lạ thay, người ta lại nghe lão, và Petya được thả về cho cha trông giữ. Chuyện đó đã xảy ra, và sau này còn nhiều chuyện tồi tệ hơn nữa. Nhưng Nero Golden không hề nao núng, không ngừng tìm kiếm những phương pháp chữa trị tân tiến nhất, và làm hết sức cho đứa con đầu. Khi tới ngày tính sổ cuối cùng, điều đó hẳn phải có trọng lượng không ít trên cán cân công lý, phải ghi nhận cho lão.
* * *
Tính anh hùng trong thời đại chúng ta là gì? Tính côn đồ là gì? Những câu hỏi đó mà không trả lời được nữa thì chúng ta đã quên biết bao điều, vầng mây ngu dốt đã che mắt chúng ta và trong đám mây mù ấy bộ óc kỳ lạ, bất thường của Petya Golden cũng có lúc đột nhiên soi sáng như một ngọn đèn hoa tiêu tùy hứng. Sự có mặt của gã trên đời lẽ ra phải huy hoàng biết bao! Bởi vì gã sinh ra để làm ngôi sao; nhưng bị lập trình lỗi. Gã là người nói chuyện thông minh, đúng; nhưng gã giống như cái đầu truyền hình cáp toàn những talk-show cứ nhảy kênh liên tục không hề báo trước. Gã thường hớn hở điên cuồng nhưng bệnh tình lại gây đau đớn sâu xa trong lòng, gã tự xấu hổ vì rối loạn hành vi, vì không thể phục hồi tốt hơn, vì phải khiến cha và một đội bác sĩ phải giữ cho gã không rối loạn và khi gã suy sụp thì cố chống đỡ cho trở lại bình thường.
Con nhà danh giá thế mà sao khổ quá sức. Tôi nghĩ đến Raskolnikov. “Đau khổ và phải chịu đựng luôn là điều không thể tránh khỏi đối với một trí tuệ lớn lao và một trái tim sâu sắc. Những con người thật sự vĩ đại, tôi nghĩ là, phải mang những nỗi buồn vĩ đại trên đời.”
Một tối mùa hè - lúc đó là mùa hè đầu tiên nhà Golden dọn đến đây - nhà họ tổ chức một dạ hội lộng lẫy, tràn từ tư dinh ra tới các bãi cỏ công cộng trong khu này. Họ đã thuê những nhà truyền thông và tổ chức sự kiện giỏi nhất thành phố, cho nên một lượng khách chọn lọc “đủ thành phần” đáng kể đã đến dự, có khá đông dân hổ báo, cùng với chúng tôi, các hàng xóm, và tối ấy Petya hừng hực, mắt long lanh, và hót như khướu. Tôi cứ nhìn gã quay tít, xoay vòng trong bộ đồ hiệu Savile Row sang trọng với đám nữ diễn viên mới nổi, ca sĩ, nhà soạn kịch, gái điếm, và đám có tiền đang bàn tán chuyện khủng hoảng tài chính châu Á, đám này lại rất nể khi nghe gã nói thành thạo những thuật ngữ như “Tom Yum Goong/’ cái từ Thái Lan để gọi cuộc khủng hoảng này, và nể khả năng của gã khi thảo luận về số phận của tiền tệ ngoại lai, sự sụp đổ của đồng bath, sự mất giá của đồng nhân dân tệ, và nghe gã nêu ý kiến về chuyện có phải tài phiệt George Soros đã làm sụp đổ nền kinh tế Malaysia bằng cách bán phá giá đồng ringgit hay không. Chắc chỉ có tôi - hay lão Nero và tôi - là chú ý đến nỗi tuyệt vọng đằng sau màn phô diễn này, sự tuyệt vọng của một đầu óc không thể tự ép vào khuôn phép và do đó, sa vào trò hỗn loạn. Một đầu óc bị cầm tù bởi chính nó, chịu án chung thân.
Tối đó, gã nói và uống không ngừng, và tất cả chúng tôi ở đó đều suốt đời mang theo trong ký ức những mảnh vụn của chuyện gã nói. Nói mới điên cuồng, quái lạ làm sao! Bất kể đề tài nào, gã vớ được chuyện gì là nói cứ như võ sĩ đấm vào bao cát: Hoàng gia Anh, đặc biệt là đời sống tình dục của công chúa Margaret, người lấy một hòn đảo ở Caribbean làm phòng the riêng, và hoàng tử Charles, kẻ muốn làm miếng băng vệ sinh cho người tình; triết học Spinoza (gã thích); ca từ của Bob Dylan (gã hát lại nguyên bài Sad-Eyed Lady of the Lowlands, một cách sùng kính cứ như đó là bài đi đôi với bài ballad La Belle Dame sans Merci*); trận cờ vua Spassky~Fischer (Fischer đã qua đời trước đó hai năm); chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo (gã chống lại) và chủ nghĩa tự do nửa vời (chủ nghĩa này nhân nhượng với Hồi giáo, gã nói, cho nên gã chống lại luôn); Đức Giáo Hoàng, người mà gã gọi là “Cựu-Benedict”; các tiểu thuyết của G. K.
Chesterton (gã hâm mộ cuốn The Man Who Was Thursday*); sự khó chịu của lông ngực đàn ông; cách “xử sự bất công” với Diêm Vương Tinh lúc đó vừa mới bị xếp xuống hạng “hành tinh lùn” sau khi một thiên thể lớn hơn, Eris, được phát hiện trong Vành đai Kuiper; những sai lầm trong lý thuyết lỗ đen của Hawking; sự nhu nhược lỗi thời của đại cử tri đoàn ở Hoa Kỳ; sự ngu xuẩn của đám sinh viên không đi bầu; sức quyến rũ của Margaret Thatcher; và “hai mươi lăm phần trăm dân Mỹ” - về phía cực tả trong thang độ chính trị - “là đồ điên khùng chính hiệu.”
Ồ, nhưng cũng có sự mê thích gã dành cho Monty Python’s Tlying Circus!* Và đột ngột gã bối rối và ấp úng lựa lời, bởi vì một trong những vị khách dự tiệc, một thành viên trong gia đình có nhiều chủ nhà hát nổi tiếng ở Broadway, lại dắt theo một vị khách của mình là Eric Idle, thành viên của nhóm Python, ông này lúc đó đang được phục hồi danh tiếng nhờ thành công của nhạc kịch Spamalot ở Broadway, và đến dự đúng lúc Petya đang giảng giải cho nữ điêu khắc gia lịch lãm điềm đạm Ubah Tuur (ngay sau đây sẽ có nhiều chuyện để nói về người này), rằng gã nói chung ghét loại hình nhạc kịch; chỉ miễn trừ hai vở Oklahoma! và West Side story, và nãy giờ vừa cho chúng tôi nghe mấy đoạn trích đặc trưng trong hai nhạc kịch đó như I Cain’t Say No và Gee, Officer Krupke vừa giải thích “tất cả nhạc kịch khác đều là cứt hết.” Khi thấy thành viên Python đứng đó lắng nghe thì gã đỏ bừng mặt rồi chống chế là nhạc kịch của ông Idle cũng nằm trong số may mắn, rồi bắt giọng cho cả đám hát đoạn điệp khúc sôi động của bài Always Look on the Bright Side of Life trong kịch Monty Python.
Tuy nhiên, chuyện suýt lỡ lời đó đã phá hoại tâm trạng Petya. Gã lau mồ hôi rịn trên trán, hấp tấp vào trong và biến mất. Gã không quay lại đám tiệc; và rồi mãi sau nửa đêm, khi khách đã về gần hết chỉ còn vài người trong khu này đang tận hưởng trời đêm ấm áp, cửa sổ phòng Petya ở tầng trên nhà Golden bật mở toang và gã cao lớn ấy trèo ra thành cửa, lảo đảo say mèm, mặc chiếc áo bành tô đen dài khiến gã trông giống một nhà cách mạng sinh viên thời Xô-viết. Trong tình trạng kích động, gã ngồi phịch xuống bệ cửa sổ, hai chân đòng đưa bên ngoài, và gào lên với trời. Tao chỉ có một mình! Tao ở đây là tại mình thôi! Tao ở đây chẳng tại ai cả! Tao một mình là tại tao thôi!
Thời gian đông cứng. Chúng tôi, ở dưới vườn, đứng như trời trồng, nhìn lên. Hai em gã, cũng đang ở dưới hoa viên cùng chúng tôi, dường như cũng tê liệt như chúng tôi. Và chính người cha, lão Nero Golden, đã lặng lẽ đi tới sau lưng Petya, dang rộng vòng tay ôm chặt lấy gã từ phía sau, rồi cùng đứa con ngã ngược vào trong phòng. Chính Nero là người đi ra cửa sổ, và trước khi đóng chặt cửa, giận dữ xua tay đuổi chúng tôi.
“Ở đây chẳng có gì để xem cả. Kính thưa quý vị, chẳng có gì để xem cả. Chúc ngủ ngon.”
* * *
Suốt một thời gian sau chuyện-giống-như-tự-tử-bất-thành đó, Petya Golden cảm thấy khó ló mặt ra khỏi căn phòng riêng buông màn kín, thắp sáng bằng cả tá màn hình máy tính và một loạt bóng đèn xanh nhạt, và trong phòng đó gã ở lì ngày đêm, gần như không ngủ, bận bịu với những bí mật điện tử, bao gồm việc chơi cờ với những đấu thủ mạng nặc danh ở Hàn Quốc và Nhật Bản, và, như sau này chúng tôi biết được, cắm đầu tự học một khóa cấp tốc về lịch sử và lập trình trò chơi điện tử, tìm hiểu các chương trình game chiến trận được thiết kế trong những năm 1940 để chạy trên máy tính kỹ thuật số sơ khai nhất, Colossus và ENIAC, rồi khinh khỉnh băng qua trò Tennisfor Two, Spacewar!, và các game cài trên máy trò chơi thời đầu, xuyên qua thời đại của Hunt the Wumpus và Dungeons &Dragons, bỏ qua các game vô vị Pac-Man và Donkey Kong, Street Pighter và Mortal Kombat, và cứ thế vượt qua các game SimCity, World of Warcraft, và các game phán đoán tinh vi hơn như Assassin’s Creed và Red Dead Redemption, rồi tiến tới trình độ phức tạp mà chúng tôi không ai đoán được; và gã xem những màn thô tục trên truyền hình thực tế; và sống nhờ bánh sandwich kẹp phó-mát Double Gloucester tự nướng trên cái lò điện nhỏ; suốt thời gian đó gã luôn hết sức ghê tởm bản thân và gánh nặng mình phải mang. Rồi trong lòng gã gió đã đổi chiều và gã chuyển từ hận mình sang hận đời, và đặc biệt là hận nhân vật uy quyền đại diện cuộc đời đang gần kề nhất: người cha. Một đêm vào mùa hè ấy, chứng mất ngủ, người bạn thường trực của tôi, buộc tôi ra khỏi giường khoảng ba giờ sáng, khoác áo vào và đi lang thang trong hoa viên chung, hưởng khí ấm trời đêm. Nhà nào cũng đã ngủ say; tất cả trừ một nhà. Trong dinh thự Golden vẫn sáng đèn trên cửa sổ tầng hai, nơi Nero Golden dùng làm văn phòng. Tôi không nhìn thấy ông già nhưng cái bóng của Petya, với đôi vai rộng và kiểu tóc đầu đinh vuông, rất dễ nhận ra. Điều đáng giật mình là sự kích động cực độ của cái bóng đen đó, hai tay vùng vẫy, trọng lượng liên tục chuyển dịch từ chân này sang chân kia. Gã hơi quay người, và nhìn gã hơi nghiêng nghiêng, tôi hiểu là gã đang gào thét dữ dội.
Tôi không nghe được gì. Các cửa sổ phòng làm việc này đều cách âm tốt. Nhiều người trong chúng tôi nghi ngờ là mấy cửa này lắp kính chống đạn dày hơn hai phân, một giả thuyết càng thêm đáng tin qua hình ảnh câm của Petya đang la hét. Tại sao Nero Golden lại thấy cần lắp kính chống đạn cho cửa sổ nhà lão? Không có câu trả lời; người giàu ở New York luôn thấy cần phải tự vệ bằng nhiều cách khó lường. Trong gia đình hàn lâm của mình, chúng tôi chọn thái độ quan tâm thích thú khi đối mặt với những cung cách lập dị của hàng xóm, tay họa sĩ thường trực mặc pyjama lụa, bà chủ bút tạp chí luôn luôn đeo kính râm bất kể giờ giấc, và tương tự. Cho nên, kính chống đạn chẳng phải chuyện gì to tát. Về mặt nào đó, màn kịch câm ấy đã làm tăng thêm sức thuyết phục cho màn diễn cuồng loạn của Petya Golden. Tôi ngưỡng mộ phong cách điện ảnh biểu hiện Đức nói chung và tác phẩm của Fritz Lang* nói riêng, và bất thình lình cái tên nhân vật “Dr. Mabuse” trong phim của Lang bỗng nảy ra trong trí. Lúc đó tôi gạt bỏ ý tưởng ấy đi, vì tôi đang bận tâm với suy nghĩ khác: có lẽ Petya thật sự đã phát điên, thật sự chứ không phải ẩn dụ gì cả. Có lẽ đằng sau chứng tự kỷ và sợ không gian rộng là một sự loạn trí thật sự, bệnh điên. Tôi quyết định từ giờ phải quan sát gã kỹ hơn.
Chuyện cãi vã gì thế? Không cách nào biết được; nhưng trong tâm trí tôi nó giống như biểu hiện sự oán than man dại của Petya với chính cuộc đời, vì đời đã chia cho gã một lá bài quá hẻo. Qua hôm sau thì thấy ông già ngồi trầm ngâm trên băng ghế trong hoa viên khu Gardens, ngồi im như tượng đá, lầm lì, bất động, khó gần, mặt mày u ám. Nhiều năm sau, khi chúng tôi đã biết hết mọi chuyện, tôi nhớ mình đã nghĩ đến bộ phim tuyệt vời Dr. Mabuse the Gambler của Lang vào cái đêm hè đó trong hoa viên Gardens dưới khung cửa sổ phòng Nero Golden im lìm thắp sáng. Bộ phim này, hẳn rồi, là phim về sự nghiệp của tay trùm tội ác.
* * *
Không có một chút hơi hám nào về biến cố kịch tính ở dạ tiệc nhà Golden được xì ra báo chí (hay các website lá cải, hay bất kỳ cái loa kỹ thuật số được khai sinh bởi công nghệ mạng). Bất kể danh sách khách mời toàn người nổi tiếng, bất kể đội nhân viên thuê phục vụ lảng vảng tối đó có thể bị cám dỗ bởi những đồng tiền dễ dãi qua một cú điện thoại đề nghị bẩn thỉu, luật im lặng mà nhà Golden áp dụng cho mình dường như cũng bao trùm luôn bất kỳ ai từng yết kiến họ, cho nên không một lời xì xào tai tiếng nào thoát được vòng khống chế omertà đầy uy lực, gần như kiểu mafia Sicily đó. Nero đã thuê những người có quyền năng nhất trong giới truyền thông thành phố, những kẻ có nhiệm vụ tối thượng không phải là làm tăng, mà là giấu nhẹm, mọi tiếng tăm; thế cho nên những gì xảy ra trong nhà Golden hầu như vẫn ở lại trong nhà Golden.
Bây giờ thì tôi tin là Nero Golden trong thâm tâm đã biết việc lão phô diễn mình như một người New York không quá khứ chẳng kéo dài được lâu. Tôi nghĩ lão biết rằng cuối cùng vẫn không thể phủ nhận quá khứ, rằng nó sẽ tìm tới lão, và sẽ tới bằng được. Tôi nghĩ lão đang dùng khả năng can đảm phi thường của mình để ngăn chặn điều không thể tránh khỏi. “Tôi là con người lý trí,” lão đã thông báo với khách khứa dự tiệc vào cái đêm Petya suy sụp. (Lão không thể cưỡng lại được việc thuyết giảng tự khen mình.) “Là dân áp-phe. Nếu như có thể nói, tôi là dân áp-phe lớn. Không ai rành chuyện áp-phe hơn tôi, tôi nói cho quý vị biết. Bây giờ nước Mỹ lại cầu tới Chiia nhiều quá mức tôi thích, quá đắm chìm trong mê tín, nhưng tôi không phải loại người đó. Tư tưởng kiểu đó chỉ cản trở việc buôn bán. Hai cộng hai là bốn, tôi vậy đó. Còn lại chỉ là tào lao ấm ớ nói nhăng nói cuội thôi. Bốn cộng bốn là tám. Nếu nước Mỹ muốn trở thành những gì nước Mỹ có khả năng trở thành, những giấc mơ nó muốn đạt được, thì nó phải quay lưng với Chúa mà hướng về đồng đô-la. Công việc của nước Mỹ là làm ăn. Tôi tin vậy đó.” Đó là lời khẳng định táo bạo (và thường lặp lại) của lão về chủ nghĩa tư bản thực dụng, điều đó tình cờ lại khẳng định lần nữa rằng nhà Unterlinden chúng tôi đã đoán đúng là lão ta không có tín ngưỡng; thế nhưng lão, bọn họ ai cũng thế, lại bị chi phối bởi một hoang tưởng khổng lồ: cái quan niệm cho rằng nếu như ai đã quyết trở thành kẻ khác thì không được phán xét họ theo con người cũ họ đã chối bỏ và theo những việc họ đã từng làm. Họ muốn tránh xa những trách nhiệm của lịch sử và được tự do. Nhưng lịch sử là một tòa án mà ở đó mọi người, kể cả vua chúa, cuối cùng đều phải bị phán xét. Tôi nghĩ đến lời của nhà thơ Mỹ Longfellow diễn dịch ý tưởng của triết gia La Mã Sextus Empiricus: Những cối xay của Chúa nghiền chậm rãi, nhưng nghiền nát như tương.