Nhà Golden - Chương 05
Thời gian trôi đi. Tôi có bạn gái, mất nàng, có bạn gái khác, rồi cũng mất luôn. Kịch bản phim bí mật của tôi, người tình khó tính nhất, không thích tôi mưu toan những quan hệ ngộ nhận với con người, nên cũng hờn dỗi, không chịu nhả những bí mật của nó ra. Thoắt cái đã thấy sắp hết Tuổi Hai Mươi, và tôi cứ như nam chính ngất ngư nằm dài bất lực vắt ngang đường tàu trong phim Nickelodeon*. (Bố mẹ sành văn chương của tôi, ngược lại, chắc chắn sẽ thích tôi ám chỉ tới cảnh đường rầy xe lửa cao trào trong truyện The Longest Journey* của Forster hơn.) Khu Gardens là thế giới vi mô của tôi, và ngày ngày tôi nhìn những sinh vật trong tưởng tượng của mình giương mắt nhìn tôi sau những khung cửa sổ các ngôi nhà trên đường Macdougal lẫn Sullivan, những con mắt trũng sâu, van nài được khai sinh. Tôi có đủ những chi tiết rời của mọi nhân vật nhưng tác phẩm mãi vẫn không thành hình. Ở nhà #xx đường Sullivan, ngay tầng trệt, thông ra hoa viên, tôi đặt vào nhân vật người Miến Điện - tôi nên gọi là người Myanmar, nhà ngoại giao U Lnu Fnu của Liên Hiệp Quốc; về nghề nghiệp ông ta đã đau khổ vì thất bại trong cuộc chiến dai dẳng nhất tranh chức Tổng thư ký, hai mươi chín vòng bỏ phiếu liên tục không ai chiến thắng, và đến vòng thứ ba mươi ông lại thua một người Hàn Quốc. Qua nhân vật này, tôi tính khám phá đề tài địa chính trị, bi kịch hóa động lực của một số chính thể độc tài nhất thế giới nhằm sử dụng LHQ để cấm xúc phạm tôn giáo, đẩy đến cao trào vấn đề gây tranh cãi về việc Mỹ dùng quyền phủ quyết để bảo vệ Israel, và để dàn xếp một cuộc viếng thăm của chính bà Aung San Suu Kyi tới khu Macdougal-Sullivan Gardens này. Tôi cũng biết chuyện đau khổ riêng tư của U Lnu Fnu, vợ chết vì ung thư, và tôi ngờ rằng, khi cuộc sống chính trực đã trật hướng bởi hai chuyện bất hạnh này, ông ta có khả năng sẽ mất dần tính liêm khiết và cuối cùng bị hủy hoại bằng một vụ bê bối tài chính. Khi tôi nghĩ đến đây, kẻ có đôi mắt trũng sâu ở cửa sổ nhà #xx đường Sullivan lắc đầu thất vọng và rút vào bóng tối. Chẳng ai muốn làm nhân vật xấu.
Cái cộng đồng tưởng tượng của tôi là một nhóm quốc tế. Sống ở nhà #OO đường Macdougal là một kẻ cô đơn khác, một người Mỹ gốc Argentina mà tôi chấp nhận tạm đặt tên là “Ông Arribista,” kẻ mới phất, về nhân vật này, cho dù về sau rốt cuộc có mang tên là Mario Florída, chẳng hạn, hay Carlos Hurlingham đi nữa, thì tôi cũng triển khai như sau:
Arribista, công dân mới, nhào vào đất nước tuyệt vời này - đất nước “của mình,” y ngạc nhiên - như một kẻ đến được đại dương hẹn ước sau hành trình dài vượt sa mạc, mặc dù y chưa bao giờ biết bơi. Y tin là đại dương này sẽ nâng đỡ sức nặng của y; và đúng thế. Y không chết đuối, hoặc là không chết liền.
Ngoài ra có điều này cũng cần mở rộng thêm.
Arribista cả đời vốn là kẻ không tìm được vị trí thích hợp, một thứ cọc vuông cứ vã mồ hôi chọc vào cái lỗ tròn. Phải chăng xứ sở này rốt cuộc chính là cái lỗ vuông vừa khít cho y cắm cọc, hay là y, sau hành trình lê thê, lại trở nên tròn? (Nếu là trường hợp sau, thì hành trình đó sẽ vô nghĩa, hay ít ra đến cuối hành trình y sẽ phải hoàn toàn phù hợp với cái chốn xuất thân của mình mới đúng. Y thích hình ảnh cái lỗ vuông hơn, và hệ thống đường sá kiểu ô lưới ở thành phố này có vẻ xác nhận hiện thực đó.)
Và có lẽ do những thất bại tình ái của tôi mà nhân vật Arribista, giống như quý ông ở Liên Hiệp Quốc, cũng bị người đàn bà yêu thương từ bỏ:
Vợ y cũng là hư cấu. Hoặc, bà ta từ nhiều năm trước đã vượt qua thực tế tiến vào tưởng tượng, khi bà bỏ y để đi theo gã đàn ông khác, trẻ hơn, bảnh trai hơn, về mọi phương diện đều khá hơn tay Arribista đáng thương, một Arribista mà chính y cũng thừa biết mình không được trang bị dồi dào mọi yếu tố để đàn bà mê - diện mạo, cách ăn nói, sự quan tâm, nhiệt tình, chân thật. Một l’homrne moyen sensible*, kẻ chộp lấy một cụm từ có sẵn không chính xác như vậy để tự mô tả bản thân. Một người khoác lấy những từ ngữ cũ mèm quen thuộc làm như đó là quần áo đắt tiền. Một người không có phẩm chất. Không, điều này không đúng, Arribista tự sửa lại. Y có nhiều phẩm chất, y tự nhắc nhở. Chỉ có điều là y quen tật nhạo báng bản thân khi chìm đắm trong dòng ý thức, và về phương diện này thì y bất công với chính y. Thực tế thì y là thứ gì đó rất giống một người nổi trội, nổi trội theo kiểu của xứ sở mới, nơi ca tụng sự nổi trội, nơi không chấp nhận “hội chứng thù ghét người giàu.” Arribista nổi trội bởi vì y đã vượt trội. Y đã thành công; rất thành công. Y giàu có. Chuyện của y là câu chuyện thành đạt, một chuyện thành đạt rất đáng kể thành câu chuyện. Đó là câu chuyện của nước Mỹ.
Và tương tự. Hai nhân vật quý tộc hư cấu gốc Sicily ở trong ngôi nhà ngay đầu bên kia khu Gardens nhìn từ nhà Golden - tạm thời gọi là Vito và Blanca Tagliabue, ông bà Nam tước Selinunte - vẫn còn bí ẩn đối với tôi, nhưng tôi yêu thích dòng dõi của họ. Khi tôi hình dung họ bước ra một tối nọ, lúc nào cũng cực kỳ sang trọng, để dự vũ hội ở Bảo tàng Metropolitan hay buổi ra mắt phim ở Ziegfeld hay đi xem triển lãm mới của một họa sĩ trẻ mới ở gallery mới nhất bên West Side, tôi lại nghĩ tới Biaggio, cha của Vito, người mà
vào một ngày nóng bức gần bờ biển phía nam Sicily, da hơi rám nắng và tuổi đang sung mãn, sải bước băng qua cơ ngơi bao la của dòng họ mang tên là Castelbiaggio, đỡ nòng khẩu shotgun chiến nhất trong khi tì bá súng vào vai phải. Lão đội chiếc mũ che nắng rộng vành, bên trên chiếc áo khoác cũ màu tím sậm, chiếc quần kỵ mã ka-ki sờn rách và đôi giày bốt đánh xi sáng trưng như nắng trưa hè. Lão có lý do tuyệt vời để tin là cuộc đời tốt đẹp. Chiến tranh châu Âu đã kết thúc, Mussolini và con điếm Clara Petacci của hắn đang bị treo xác trên móc đồ tể, và trật tự tự nhiên của cuộc sống đang dần hồi phục. Lão nam tước duyệt qua hàng ngũ ngay ngắn của những luống nho trĩu quả như một vị tư lệnh nhận nghi thức chào của binh đoàn, rồi nhanh chóng đi tiếp, băng rừng vượt suối, lên đồi xuống lũng rồi lại lên, hướng tới nơi ưa chuông nhất của mình, một mũi đất nhỏ nhô cao bên trên điền sản này nơi lão có thể ngồi vắt chân như một đạt ma Tây Tạng và trầm tư về sự tốt đẹp của cuộc đời trong lúc nhìn ngắm chân trời xa tít bên kia mặt biển lấp lánh. Đó là ngày cuối cùng trong đời lão làm người tự do, bởi vì chỉ một thoáng sau lão phát hiện ra một tên săn trộm vai khoác một cái bao căng phồng đang băng qua lãnh địa của mình và không do dự lão giương khẩu shotgun lên bắn kẻ ấy chết liền.
Và sau chuyện này thì mới lộ ra tên thanh niên bị bắn chết đó là bà con của một trùm Mafia địa phương, và tay trùm Mafia này sẽ tuyên bố là Biaggio cũng phải chết để đền tội, và rồi sẽ có đủ thứ trò kích động và phản đối, và có các phái đoàn từ chính quyền và cả Giáo hội tới thuyết phục rằng tay trùm Mafia này mà giết nhà quý tộc thì, chà, sẽ cực kỳ lộ liễu, cực kỳ khó bỏ qua, nó sẽ gây rắc rối cho tay trùm Mafia hơn là làm cho hắn thoải mái, cho nên vì sự thanh thản của chính mình, có lẽ tay trùm nên bỏ qua vụ này. Và cuối cùng trùm Mafia này nhượng bộ.
Tao biết tường tận lão Nam tước Bỉaggio này, hừm, về phòng suite của lão ở Grand Hotel et Des Palmes ở Palermo - phòng nào nhỉ? Suite 202 hay 204 hay cả hai? - lão tới đó tiệc tùng và chơi đĩ, hừm? Cũng tốt, đó là địa bàn của chúng tao, chúng tao cũng tới đó vì lý do tương tự, vậy đi, nếu lão tới đó hôm nay và ở lại tới hết cuộc đời chó chết thì chúng tao sẽ không thủ tiêu tên già đê tiện nhưng nếu lão tính thò chân ra ngoài khách sạn thì lão phải nhớ các hành lang đều lúc nhúc đàn em của chúng tao và đám gái điếm cũng làm việc cho chúng tao luôn và trước khi chân lão chạm đất quảng trường bên ngoài tòa nhà này thì lão sẽ chết ngắc, cái đầu phun máu với viên đạn ghim giữa trán sẽ chạm đất trước đôi giày chó chết. Hừm? Hừm? Nói cho lão biết.
Trong các kịch bản phim và những đề cương kịch bản mà tôi luôn chất chứa trong đầu giống như nhân vật Peter Kien trong Auto-da-Fé của Canetti* mang cả thư viện trong đầu, nhân vật “nam tước trong phòng suit” vẫn bị giam cầm trong Grand Hotel et Des Palmes, ở Palermo, bên Sicily, cho tới ngày hấp hối, bốn mươi bốn năm sau, lão cứ tiệc tùng và chơi đĩ trong đó, đồ ăn thức uống hàng ngày được mang tới từ nhà bếp và hầm rượu của gia đình, còn thằng con Vito đã được đậu thai ở khách sạn vào một trong những dịp viếng thăm thất thường của bà vợ chịu đựng triền miên của lão (nhưng lại sinh ra ở nơi bà vợ chịu đựng triền miên này ưa thích hơn, phòng ngủ của bà ta ở Castelbiaggio), và khi lão chết thì quan tài ra bằng cửa chính, chân đi trước, chung quanh là đội hộ tống danh dự chủ yếu là nhân viên khách sạn cùng mấy con đĩ. - Và Vito, tan vỡ ảo tưởng vì Palermo, vì Maha, và vì cả cha mình nữa, lớn lên chọn New York làm quê hương, và quyết tâm sống cuộc đời trái ngược hẳn với cha mình, hoàn toàn chung thủy với bà vợ Blanca, nhưng lại không một đêm nào chịu ở nhà một mình cùng vợ con.
* * *
Tôi sợ là tôi có lẽ đã tạo cho độc giả một ấn tượng nghèo nàn không cần thiết về cá tính của tôi. Tôi không muốn bạn nghĩ tôi là một đứa biếng nhác, chẳng làm nên trò trống gì và là gánh nặng của bố mẹ, vẫn đang cần một công việc đích thực sau khi kéo lê ba mươi năm cuộc đời trên thế gian. Sự thật là, hồi đó cũng như bây giờ, tôi đã và vẫn hiếm khi ra phố ban đêm, và xưa nay tôi vẫn dậy sớm buổi sáng bất kể suốt đời bị chứng mất ngủ. Tôi cũng đã (và vẫn) là thành viên tích cực của một nhóm làm phim trẻ - chúng tôi tất cả cùng học chung đại học - những kẻ dưới sự dìu dắt của một nữ-đạo-diễn-kiêm-viết-kịch-bản-kiêm-nhà-sản-xuất-người-Mỹ-gốc-Ân trẻ trung năng động tên là Suchitra Roy, đã làm cả đống video ca nhạc, làm nội dung nhúng vào các website của hãng truyền thông Condé Nast và tạp chí Wired, làm nhiều phim tài liệu phát trên PBS và HBO, cùng ba phim truyện độc lập chiếu rạp được đón nhận tốt, những phim truyện đầu tư độc lập (cả ba đã được bình chọn ở Liên hoan phim Sundance và sxsw và hai phim đã được Giải Khán Giả Yêu Thích) trong đó chúng tôi đã thuyết phục được nhiều diễn viên hạng A tham gia với mức thù lao tối thiểu: Jessica Chastain, Keanu Reeves, James Franco, Olivia Wilde. Giờ tôi đưa ra lý lịch vắn tắt này để độc giả có thể an tâm là câu chuyện này được thuật bởi một người kể chuyện đáng tin cậy và không phải tay mơ, vì câu chuyện tôi kể sẽ ngày càng tăng tính chất khủng khiếp. Tôi cũng giới thiệu các đồng nghiệp của tôi vì những phê bình không ngớt của họ về kịch bản này, dự án riêng của tôi, đã và sẽ tiếp tục có giá trị.
Suốt mùa hè lê thê nóng bức đó, chúng tôi thường gặp nhau ăn trưa ở nhà hàng Ý ưa chuộng trên đại lộ Sixth Avenue ngay dưới đường Bleecker, ngồi ở một bàn ngoài vỉa hè đội mũ che nắng và bôi kem Factor 50, và tôi thường cho Suchitra biết tôi đang làm gì và cô ấy thường hỏi câu hóc búa này. “Tôi biết anh muốn “Nero Golden” của anh là mẫu nhân vật gì đó bí mật, chuyện đó hay, tôi thấy vậy là đúng,” cô ấy bảo. “Nhưng cá tính của ông ta đặt ra vấn đề gì mà câu chuyện này rốt cuộc phải giải quyết?” Lập tức tôi biết câu trả lời, dù cho đến lúc đó tôi cũng chưa hoàn toàn thừa nhận thậm chí với chính bản thân.
“Vấn đề đó là,” tôi bảo cô ấy, “Vấn đề của cái ác.”
“Nếu như vậy,” cô ấy nói, “không sớm thì muộn, mà càng sớm càng tốt, cái mặt nạ phải rơi ra.”
* * *
Nhà Golden là câu chuyện của tôi, và nhiều kẻ khác có thể ăn cắp mất. Những kẻ phá thối có thể nẫng mất cái thuộc về tôi bằng cái quyền Chúa ban là tôi-đã-ở-đây-trước, quyền đây-là-đất-của-tôi của kẻ chiếm chỗ trước. Tôi là người đào bới mảnh đất đó lâu nhất, tự thấy mình giống như A. J. Weberman giai đoạn sau - Weberman “chuyên gia bới rác” soi-disant* ở khu Village những năm 1970, người cắm đầu bới móc thùng rác của Bob Dylan để khám phá ý nghĩa bí mật của những ca từ và chi tiết đời tư của nhạc sĩ này, và dù tôi chưa hề tới mức ấy, thú thật là tôi có nghĩ chuyện đó, tôi đã nghĩ tới chuyện tấn công vào đống rác nhà Golden như con mèo tìm xương cá.
Đây là thời chúng ta sống, thời đó người ta che giấu sự thật, thậm chí với cả bản thân, và sống trong dối trá cho đến khi những lời dối trá lại tiết lộ sự thật theo nhiều cách không thể nào nói trước. Và giờ khi có quá nhiều điều bị che giấu, lúc này chúng ta sống bằng bề ngoài, phô diễn và mạo nhận chính mình, kẻ tìm kiếm sự thật phải cầm xẻng lên, đập vỡ bề mặt và tìm máu me bên dưới. Nhưng làm gián điệp đâu dễ. Một khi họ đã ổn định trong ngôi nhà xa hoa đó, lão già đâm ra ám ảnh với nỗi sợ bị những kẻ tìm sự thật do thám, lão gọi nhân viên an ninh tới dò khắp cơ ngơi tìm thiết bị nghe lén, và khi bàn chuyện gia đình với ba người con, lão toàn nói bằng “mật ngữ,” thứ tiếng của thế giới xưa. Lão biết chắc chúng tôi ai cũng rình mò chuyện lão; và tất nhiên chúng tôi có rình mò thật, theo kiểu làng xã ngồi lê đôi mách vô tư, theo bản năng tự nhiên của những người bình thường bên máy bơm xóm đạo hay bình nước giải lao, cố lắp những mảnh ghép mới cho vừa khít bức tranh xếp hình của cuộc đời mình. Tôi là kẻ tò mò nhất đám, nhưng với sự mù quáng của những kẻ bị ám ảnh tới phát khùng, lão Nero Golden đó đâu nhìn thấy được, lão tưởng tôi - hoàn toàn sai - là thứ vô tích sự chẳng làm được trò trống gì, kẻ không tìm ra cách làm giàu cho nên không đáng để ý tới, kẻ mà lão có thể xóa sạch khỏi tầm mắt và phớt lờ đi, điều đó lại quá hợp ý tôi.
Có một khả năng mà tôi thú nhận là tôi không ngờ tới, hay bất kỳ ai trong chúng tôi ngờ tới, ngay cả trong thời đại hoang tưởng, hung hãn của chúng ta. Do họ tiêu thụ rượu hào phóng và công khai, họ tỉnh bơ trước những phụ nữ không đeo mạng che mặt, và họ rõ ràng không theo bất kỳ tôn giáo lớn nào của thế giới, chúng tôi không hề ngờ rằng họ lại có thể là… ôi chao… người Hồi giáo. Hay chí ít là có xuất thân Hồi giáo. Chính bố mẹ tôi đã đoán ra điều đó. “Con ơi, ở thời đại thông tin này,” mẹ tôi nói với vẻ kiêu hãnh chính đáng khi họ đã hoàn thành công việc trên máy tính, “rác rưởi của ai cũng đều phơi ra cho mọi người cùng thấy, và con chỉ cần biết cách tìm mà thôi.”
Hình như trong nhà chúng tôi có sự đảo lộn thế hệ, tôi lại là kẻ dốt Internet trong khi bố mẹ tôi là dân siêu rành công nghệ. Tôi tránh xa mấy mạng xã hội, mua “bản cứng” hai tờ báo Times và Post mỗi sáng ở tiệm tạp hóa góc phố. Nhưng bố mẹ tôi lại sống bên trong máy tính để bàn, có đại diện trên Second Lite ngay từ khi thế giới ảo này xuất hiện trên Internet, và có thể dễ dàng “mò kim đáy mạng thoải mái,” như mẹ tôi hay nói.
Họ chính là người bắt đầu mở khóa quá khứ nhà Golden cho tôi, cái bi kịch Bombay đã thúc đẩy nhà này qua đầu bên kia thế giới. “Cũng hổng khó tìm thông tin lắm đâu,” bố giải thích cứ như tôi là thằng đần. “Những người này đâu phải làà kẻ ẩn dật. Nếu ai mà nổi tiếng thì có lẽ một lần search hình ảnh đơn giản làà ra ngay.”
“Bố mẹ chỉ cần làm một việc,” mẹ tôi vừa nói vừa cười toe toét, “là đi thẳng tới cửa chính.” Bà đưa tôi một cặp hồ sơ. “Đây là thông tin mật đó, cưng,” bà nói giả giọng như một tay thám tử dày dạn hạng nhất. “Toàn chuyện đau lòng. Bốc mùi hơn cả ống cống. Thảo nào họ muốn vứt bỏ hết quá khứ. Coi bộ thế giới của họ đã vỡ vụn như vỏ trứng. Không thể hàn gắn, cho nên họ bỏ đi và tới đây, nơi nhưng nhúc những kẻ đau khổ, mua một đồng cả mớ. Tôi biết rồi. Chuyện buồn. Chúng tôi sẽ gửi hóa đơn tính tiền cho cậu trong thời gian sớm nhất.”
* * *
Năm đó có nhiều người cho rằng tân Tổng thống là người Hồi giáo, có đủ thứ chuyện tào lao bịa đặt về giấy khai sinh của ông ta, nhưng chúng tôi đâu có mù quáng mà sụp bẫy của đảng con voi*. Chúng tôi đã biết chuyện mấy nhà thể thao theo đạo Hồi như võ sĩ Muhammad Ali và cầu thủ bóng rổ Kareem Abdul-Jabbar, và sau những tháng ngày khi hai máy bay đâm vào tòa tháp đôi thì chúng tôi, tất cả chúng tôi ở khu Gardens, đã nhất trí là không thể bắt người vô tội phải chịu lỗi cho tội ác của kẻ có tội. Chúng tôi còn nhớ nỗi sợ hãi đã khiến các tài xế tắc-xi phải cắm mấy lá cờ Mỹ nhỏ trước mũi xe và dán decal chữ God Bless America* trên tấm kính ngăn buồng lái, và các cuộc tấn công vào những người Sikh quấn khăn bành đã khiến chúng tôi xấu hổ vì sự ngu dốt của dân nước mình. Chúng tôi đã gặp nhiều thanh niên mặc áo thun in chữ Don’t Blame Me I’m Hindu*, chúng tôi đâu có trách họ và thấy xấu hổ vì họ phải khoác lên người những thông báo giáo phái để bảo đảm an toàn cá nhân. Khi thành phố này đã bình tĩnh lại và nhịp sống bình thường như cũ, chúng tôi thấy tự hào về sự tĩnh trí của dân New York mình cho nên, đúng, chúng tôi giờ đã không bị kích động với hai chữ Hồi giáo nữa. Chúng tôi đã đọc nhiều sách về đấng tiên trí ấy, về Taliban và vân vân nên chúng tôi không giả vờ hiểu hết mọi chuyện nhưng tôi buộc mình phải làm cái việc tìm hiểu về thành phố mà nhà Golden đã từ bỏ và không muốn nêu tên. Suốt một thời gian dài, nhiều công dân nơi đó đã tự hào về sự hòa hợp giữa các cộng đồng và nhiều người Hindu ở đó lại không ăn chay và nhiều người Hồi giáo vẫn ăn thịt heo và đó là một nơi phức tạp, các đẳng cấp cao là dân thế tục chứ không phải giới tu hành, và ngay cả bây giờ khi thời đại vàng son ấy đã phai mờ vào dĩ vãng thì thực tế là những người Hindu cực đoan đang áp bức thiểu số Hồi giáo, cho nên thiểu số này lại cần được cảm thông chứ không phải sợ hãi. Tôi nhìn nhà Golden và trông thấy những công dân thế giới, chứ không phải những người cuồng tín, và bố mẹ tôi cũng thấy vậy, cho nên chúng tôi bỏ qua chuyện này và thấy hài lòng với mình. Chúng tôi giữ kín những gì chúng tôi đã biết. Nhà Golden đang chạy trốn một thảm kịch khủng bố và một mất mát đau thương. Phải chào đón họ, chứ không sợ hãi.
Nhưng tôi không thể phủ nhận những lời tôi đã buột miệng khi đáp lại câu hỏi thách thức của Suchitra. Vấn đề đó là vấn đề của cái ác.
Tôi không biết những lời ấy ở đâu ra, hay có ý nghĩa gì. Tôi chỉ biết là mình phải đeo đuổi câu trả lời đó theo kiểu Tintin, Poừot, thời hậu Bỉ, và không biết là khi tìm ra thì tôi sẽ có câu chuyện phải kể mà tôi đã nhất quyết là chuyện của tôi và của tôi mà thôi.