Nhà Golden - Chương 04

Trong cái tứ giác bí mật đầy cỏ của khu Gardens, tôi bò trước khi biết đi, tôi đi trước khi biết chạy, tôi chạy trước khi biết nhảy múa, tôi nhảy múa trước khi biết ca hát, và tôi múa hát cho đến khi tôi biết được sự tĩnh lặng, im ắng và đứng bất động lắng nghe trái tim khu Gardens, vào những tối mùa hè lập lòe đom đóm, và trở thành - ít ra theo quan điểm của tôi - một nghệ sĩ. Nói chính xác, một nhà viết kịch bản phim tương lai. Và trong giấc mơ, tôi thành nhà làm phim, thậm chí theo phong cách ưu tú ngày xưa, một nhà làm phim nghệ thuật.

Tôi đã ẩn náu sau ngôi thứ nhất số nhiều, và có thể sẽ lại làm thế, nhưng tôi vẫn cứ tự giới thiệu. Tôi đây. Nhưng về mặt nào đó tôi cũng không khác mấy so với các nhân vật đề tài của mình - cũng là những kẻ che giấu bản thân - một gia đình mà việc họ xuất hiện ngay khu vực này đã cho tôi cái dự án lớn bao lâu nay tôi kiếm tìm ngày càng tuyệt vọng. Nếu nhà Golden đã dốc sức xóa sạch quá khứ thì tôi, kẻ tự tiện làm người ghi lại chuyện của họ - và có lẽ làm “nhà tạo hình” cho họ - một imagineer như thuật ngữ được chế ra để gọi những người thiết kế đường tàu lượn ở các khu Disneyland - trong bản tính tôi cũng không thích gây chú ý. Isherwood đã nói gì nhỉ ở phần đầu tiểu thuyết Goodbye to Berlin*? “Tôi là chiếc máy ảnh với màn trập mở rộng, hoàn toàn thụ động, chỉ biết ghi hình, không biết suy nghĩ.” Nhưng thời đó là thế, còn giờ là thời của những máy ảnh thông minh suy nghĩ hết mọi chuyện thay cho ta. Có lẽ tôi là chiếc máy ảnh thông minh. Tôi ghi hình, nhưng không hẳn là thụ động. Tôi suy nghĩ. Tôi sửa đổi. Rất có thể tôi còn hư cấu thêm. Nói cho cùng, làm nhà tạo hình thì khác hẳn người ghi chép máy móc. Bức tranh đêm đầy sao của Van Gogh đâu có giống bức ảnh chụp đêm đầy sao, mà nó vẫn cứ là một mô tả tuyệt vời về đêm đầy sao. Cứ cho là tôi thích tranh hơn ảnh chụp đi. Tôi là chiếc máy ảnh biết vẽ tranh.

Hãy gọi tôi là René. Tôi vốn luôn thích việc người thuật chuyện trong cuốn Moby-Dick* thực tế không cho ta biết tên. Hãy-gọi-tôi-là-Ishmael có thể có trong “thực tế”, tức là cái Thực Tại nhỏ nhặt nằm ngoài cái Hiện Thực lớn lao của tiểu thuyết đó, có thể gọi anh ta là, ồ, là gì cũng được. Anh ta có thể là Brad, hay Trig, hay Ornette, hay Schuyler, hay Zeke. Thậm chí cũng có thể gọi anh ta là Ishmael. Ai mà biết được, cho nên, bắt chước danh nhân, tôi cũng nhân danh họ mà không nói thẳng với các bạn, tôi tên René. Hãy gọi tôi là René: đó là điều hay nhất tôi có thể làm cho bạn.

Chúng ta sẽ tiếp tục. Bố mẹ tôi đều là giáo sư đại học (bạn có để ý là, ở thằng con, có chút di truyền nào của máu giáo sư không?) họ đã mua căn nhà gần góc phố Sullivan giao với Houston từ cái thời khủng long kỷ Jura khi mọi thứ đều rẻ. Tôi giới thiệu họ cho bạn biết: Gabe và Darcey Unterlinden, vợ chồng chung sống lâu năm, không chỉ là hai học giả khả kính mà còn là hai người thầy được yêu mến, và giống như thanh tra Poừot lừng danh (đây là nhân vật hư cấu, nhưng ta đâu thể có hết thảy mọi thứ, như lời Mia Farrow đã nói trong phim The Purple Rose of Cairo*)… họ là người Bỉ. Người Bỉ hồi xưa lắm, tôi phải nói rõ ngay, chứ từ đó mãi về sau đã là người Mỹ; Gabe kỳ cục thay vẫn giữ cái giọng Âu là lạ, nằng nặng, và nói chung là cường điệu rặt, còn Darcey nói giọng Mỹ thoải mái. Hai giáo sư đều là dân chơi Ping-Pong (họ đã thách đấu với Nero Golden khi biết lão ta thích môn này, và lão đã đánh thắng cả hai dễ dàng mặc dù bố mẹ tôi đều chơi khá giỏi). Họ trích dẫn thơ của nhau. Họ đều hâm mộ bóng chày, ồ, và cắm mặt xem truyền hình thực tế rồi cười rinh rích, thích opera, không ngừng cùng nhau trù tính viết chung một chuyên khảo không bao giờ viết về loại hình này, với tựa đề dự kiến là Gái Trẻ Luôn Chết Toi.

Họ yêu mến thành phố của mình vì cả nước không đâu giống nơi đây. “Rome hổng phải Ý,” bố tôi dạy tôi, “zà London hổng phải Anh zà Paris hổng phải Pháp, zà ở đây, chỗ chúng ta đang sống ngay lúc này, ở đây hổng phải Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Đây làà New York.*”

“Nửa đại đô thị nửa xa thành thị,” mẹ tôi chú thích thêm, “luôn phẫn uất, luôn lạc lõng.”

“Sau zụ 11 tháng Chín, nước Mỹ cố giả bộ làà nó yêu thương chúng ta,” bố tôi nói. “Chuyện này kéo dài được bao lâu?”

“Chẳng lâu đéo gì đâu,” mẹ tôi nói tiếp ý nghĩ của bố. (Bà vẫn đệm tiếng chửi thề khi nói. Bà cam đoan là không biết mình nói tục. Mấy tiếng đệm ấy cứ buột miệng ra.)

“Làà cái bong bóng, như mọi người hiện đang nói đó,” bố tôi nói. “Giống như trong phim Jim Carrey, chỉ có điều làà phình to bằng thành phố này.”

“Phim The Truman Show* đó con,” mẹ tôi ân cần giải thích thêm. “Mà đâu chỉ có cả thành phố này nằm trong bong bóng đâu, vì bong bóng này được làm bằng tiền mà tiền thì không phân tán đồng đều được.”

Ở điểm này thì hai người không tán thành ý kiến chung là bong bóng đó được tạo thành từ những quan điểm cấp tiến, hay nói đúng hơn, họ - giống như những người hậu Marxist tử tế - cho rằng chủ nghĩa tự do phát sinh từ kinh tế.

“Quận Bronx với Queens có lẽ hổng nằm trong bong bóng,” bố tôi nói.

“Staten Island, dứt khoát không nằm trong bong bóng rồi.”

“Brooklyn?”

“Brooklyn. À, có thể trong bong bóng. Nhiều khu vực của Brooklyn.”

“Brooklyn tuyệt vời…,” bố tôi nói, rồi hai người đồng thanh kết thúc câu nói tiếu lâm ưa thích và thường nhắc lại,”… nhưng làà trong Brooklyn thôi.”

“Vấn đề làà bố mẹ thích bong bóng, zà con cũng vậy,” bố tôi nói. “Bố mẹ không muốn sống ở một tiểu bang theo phe Cộng Hòa, còn con… Con mà ở đâu như Kansas chẳng hạn làà con tiêu đời, ở đó họ không tin vào evolution*.”

“Về mặt nào đó, Kansas đúng là bác bỏ thuyết Darwin,” mẹ tôi trầm ngâm. “Nó chứng minh là kẻ mạnh nhất không phải lúc nào cũng là kẻ sống sót. Có khi kẻ yếu ớt nhất mới sống sót được đó.”

“Nhưng đâu chỉ làà bọn cao bồi điên khùng,” bố tôi nói và mẹ nhảy vào.

“Chúng ta đâu có muốn sống ở California.”

(Tới đây thì quả bong bóng của họ đâm ra lộn xộn, vừa văn hóa vừa cả kinh tế, hai vùng duyên hải tả hữu kình chống nhau, nhạc rap miền đông chọi hip-hop miền tây. Coi bộ hai người bất chấp sự mâu thuẫn trong lập trường của mình.)

“Cho nên con mới làà như thế,” bố tôi muốn tôi biết. “Chú bé trong bong bóng.”

“Bây giờ là thời của phép mầu và chuyện lạ kỳ,” mẹ tôi nói. “Nên đừng có khóc, con à, đừng khóc, khóc làm đéo gì.”

Tôi đã có một tuổi thơ hạnh phúc với hai giáo sư này. Ngay giữa lòng bong bóng là khu Gardens và khu Gardens cho bong bóng một trái tim. Tôi được nuôi nấng trong sự say mê, không bị xâm hại, bọc kín trong tinh thần đô thị tự do như con tằm trong kén tơ, và điều đó cho tôi một lòng can đảm ngây thơ mặc dù tôi biết bên ngoài chốn bùa mê này những cối xay gió đen tối của thế giới đang đợi chờ gã khờ Don Quixote. (Dù vậy, bố vẫn dạy tôi, “cách biện hộ duy nhất cho đặc quyền là phải làm gì đó có ích với nó.”) Tôi đi học ở Little Red rồi học đại học ở Washington Square. Cả cuộc đời gói gọn trong hơn chục dãy phố. Bố mẹ tôi thời trước có máu phiêu lưu hơn. Bố đi học Oxford theo học bổng Fulbright, học xong, bố cùng một người bạn Anh quốc lên một chiếc Mini Traveller, đi xuyên châu Âu và châu Á - Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Aíghanistan, Pakistan, Ấn Độ - từ cái thời khủng long còn lang thang trên trái đất vào kỷ Jura đã nói ở trên, và có thể đi những chuyến nhứ vậy mà không mất đầu. Khi về nhà bố đã chất chứa đầy ắp thế giới rộng lớn này, và cùng với Burrows và Wallace*, ông trở thành một trong ba sử gia tên tuổi của New York City, cùng với hai vị kia viết pho sách kinh điển Metropolis, bộ sử tường tận về thành phố quê hương của siêu nhân Superman nơi tất cả chúng ta sinh sống và là nơi mỗi sáng tờ báo Daily Planet của chàng siêu nhân được giao tận cửa, và là nơi nhiều năm sau anh bạn Supe thì tới lượt chàng người nhện Spider-Man cư ngụ ở Queens. Khi tôi đi dạo với bố trong khu Village, ông chỉ cho tôi thấy nơi ở cũ của Aaron Burr*, và có lần ở bên ngoài cụm rạp chiếu phim góc đại lộ Second Avenue và Đường 32, bố kể tôi nghe chuyện trận chiến Kip’s Bay và chuyện bà Mary Lindley Murray cứu những người lính Mỹ tháo chạy của Israel Putnam bằng cách mời tướng Anh William Howe ngừng truy đuổi để tới dùng trà ở ngôi nhà bề thế của bà, tư dinh Inclenberg, trên đỉnh đồi mà ngày nay gọi là Murray Hill.

Mẹ tôi thời xưa cũng rất bạo gan theo cách riêng. Lúc trẻ bà làm trong ngành y tế công cộng và làm việc với những người nghiện và nông dân nghèo đói ở châu Phi. Sinh tôi xong, bà thu hẹp chân trời lại và đầu tiên trở thành chuyên gia về giáo dục nhi đồng rồi cuối cùng thành giáo sư tâm lý học. Nhà chúng tôi ở đường Sullivan, tận cùng đầu kia khu Gardens nếu nhìn từ phía dinh cơ Golden, chứa đủ thứ kỷ vật thú vị họ đã tích lũy trong đời, những tấm thảm Ba Tư xơ xác, tượng châu Phi tạc bằng gỗ, ảnh chụp, bản đồ và tranh khắc những thành phố “New” đời đầu trên đảo Manhattan, cả New Amsterdam và New York. Một góc nhà dành riêng cho những người Bỉ nổi tiếng, một tranh gốc vẽ nhân vật Tintin treo cạnh bức tranh in lụa của Warhol hình nhà thiết kế thời trang Diane von Purstenberg, và bức ảnh từ bộ phim Hollywood nổi tiếng Breakfast at Tiffany’s chụp nữ minh tinh tuyệt đẹp cầm cái đót thuốc lá rất dài, người từng lấy tên là Edda van Heemstra nhưng về sau được ái mộ với nghệ danh Audrey Hepburn; và ở bên dưới mấy tranh ảnh này là ấn bản đầu tiên cuốn Mémoires d’Hadrien của Marguerite Yourcenar* đặt trên chiếc bàn nhỏ kề ảnh chụp họa sĩ trùng tên với tôi là Magritte* trong xưởng vẽ của ông ta, ảnh tay đua xe đạp Eddy Merckx*, và ảnh Nữ Tu Ca Sĩ*. (Jean-Claude Van Damme* không đủ tiêu chuẩn để được chọn.)

Bất kể cái góc nhỏ đặc trưng nước Bỉ này, bố mẹ tôi không ngần ngại chỉ trích đất nước quê hương khi được hỏi tới. “Vua Leopold II và Nhà Nước Tự Do Congo,” - mẹ tôi nói. “Tên thực dân tồi tệ nhất, thiết chế tham tàn nhất trong lịch sử thực dân.” “Còn bây giờ,” bố thêm vào, “làà Molenbeek. Trung tâm Hồi giáo cuồng tín của châu Âu.”

Ở chỗ trang trọng nhất trên bệ lò sưởi phòng khách là một bánh cần sa lâu hàng chục năm, chưa hề sử dụng, còn gói trong bao giấy bóng kiếng rẻ tiền chính gốc và có đóng dấu tròn như mặt trăng của chính phủ Aíghanistan chính thức xác nhận chất lượng. Ở Aíghanistan thời còn vua, cần sa là hàng hợp pháp được đóng gói có kiểm tra chất lượng thành ba loại với ba giá tiền, Aíghan Vàng, Bạc và Đồng. Nhưng thứ mà bố tôi, người không bao giờ ham mê món cỏ này, đặt ở vị trí trang trọng trên bệ lò sưởi là loại hiếm hơn, một thứ huyền thoại, hầu như ít ai biết tới. “Đây làà loại Aíghan Mặt Trăng,” bố nói. “Nếu dùng thứ này thì nó sẽ mở ra con mắt thứ ba trong tuyến yên ngay giữa trán, zà con sẽ trở nên thấu tri zà ít có bí mật nào che giấu được con.”

“Vậy sao bố không bao giờ dùng tới,” tôi hỏi.

“Bởi zì một thế giới không có bí mật làà một bức tranh không được đổ bóng,” bố nói. “Khi thấy quá nhiều thì nó không cho ta thấy gì cả.”

“Ý bố nói là,” mẹ bổ sung, “(a), bố mẹ tin vào việc sử dụng trí óc của mình chứ không làm nổ tung nó, và, (b), loại này rất có thể đã bị pha trộn, hay “châm”, nói theo kiểu bọn hippy thường nói, với thứ gì đó kinh khủng gây ảo giác, và (c), bố mà dùng thì có thể mẹ sẽ phản đối kịch liệt. Mẹ không biết. Bố chưa bao giờ thử thách mẹ như thế.”

Bọn hippy, làm như bà không hề nhớ gì về những năm 1970, làm như bà chưa từng mặc áo khoác da cừu hay chưa từng quấn băng đô hay chưa từng mơ tưởng trở thành ca sĩ Grace Slick* vậy.

Không hề có loại Aíghan Mặt Trời, cho bạn biết. Mặt trời Aíghanistan chính là nhà vua, Zahir Shah. Và khi người Nga đến, rồi đám cuồng tín đến, thì thế giới đổi khác.

Nhưng Aíghan Mặt Trăng… thứ đã giúp tôi trong những giờ phút đen tối nhất đời, và mẹ không thể nào phản đối được nữa.

* * *

Và có những cuốn sách, không tránh khỏi, sách như một thứ bệnh tràn vào mọi ngóc ngách căn nhà tồi tàn, hạnh phúc này. Tôi trở thành người viết vì tất nhiên tôi làm theo tiền nhân và có lẽ tôi chọn điện ảnh thay vì tiểu thuyết hay tiểu sử bởi tôi biết mình không ganh đua nổi với các cụ. Nhưng cho đến khi nhà Golden chuyển về ngôi nhà lớn ở Macdougal, xéo đầu kia khu Gardens nhìn từ phía nhà chúng tôi, sức sáng tạo sau đại học của tôi đã bế tắc. Với thói tự cao tự đại vô tận của tuổi trẻ, tôi đã bắt đầu tưởng tượng một phim đồ sộ, hay một bộ phim liên hoàn kiểu Dekalog*, đề cập những vấn đề di dân, biến đổi, sợ hãi, nguy hiểm, duy lý, lãng mạn chủ nghĩa, chuyển giới, thành phố này, hèn nhát, và dũng cảm; thực tế là một chân dung toàn cảnh về thời đại của tôi. Lối thể hiện ưa thích của tôi sẽ là một kiểu tạm gọi phong cách Hiện Thực Đại Nhạc Kịch, chủ đề là sự xung đột giữa Bản ngã và Cái xa lạ. Tôi lúc đó đang cố khắc họa một chân dung hư cấu về khu tôi ở nhưng đó là một câu chuyện thiếu động lực. Bố mẹ tôi không có chất anh hùng mắc đọa để làm vai chính cho ra hồn theo kiểu Hiện Thực Đại Nhạc Kịch; mà những hàng xóm của tôi cũng thế. (Bob Dylan đã đi từ lâu rồi.) Ông giáo sư điện ảnh đạo-diễn-phim-người-Mỹ-gốc-Phi-siêu-sao-đội-mũ-két-bóng-chày-đỏ lừng danh của tôi đã ngạo mạn nói ngay sau khi đọc các kịch bản phim ban đầu tôi viết: “Cũng hay hay đấy, nhóc, nhưng máu me đâu? Quá tính. Động cơ đâu? Có lẽ cậu nên cho một chiếc đĩa bay đáp xuống cái khu Gardens chết toi đó. Có thể cậu nên cho nổ tung một tòa nhà. Phải làm cho có chuyện gì đó xảy ra chứ. Phải gây ồn ào, náo loạn gì đi chứ.”

Tôi lúc đó không biết làm sao. Và rồi nhà Golden đến và họ chính là đĩa bay của tôi, động cơ của tôi, bom đạn của tôi. Tôi cảm nhận được sự kích thích của người nghệ sĩ trẻ khi bỗng dưng trên trời rớt xuống những đề tài hay. Tôi sướng quá.

* * *

Giờ là thời của phi hư cấu, bố bảo tôi. “Có lẽ đừng cố sức bịa chuyện làm chi. Cứ zào bất kỳ tiệm sách nào mà hỏi,” bố nói, “có phải làà những cuốn ở quầy sách phi hư cấu bán nhanh hết trong khi những truyện bịa còn nằm ì ra đó không.” Nhưng đó là thế giới sách. Còn trong phim đó là thế giới của những siêu anh hùng. Với loại phi hư cấu ta đã có những phim luận chiến của Michael Moore, phim Woodcarver steiner của Wener Herzog, phim Pina của Wim Wenders*, một số phim khác. Nhưng bộn tiền nhất là phim kỳ ảo. Bố hâm mộ và giới thiệu với tôi các tác phẩm và ý tưởng của nhà làm phim tài liệu Liên Xô Dziga Vertov, người ghét cay ghét đắng kịch nghệ và văn chương. Phong cách làm phim của ông ta, Kino-Eye hay Ciné-Eye, chỉ nhằm mục đích đưa nhân loại tiến hóa lên một hình thức sống cao hơn, thoát khỏi hư cấu, “từ một công dân vụng về đi qua thi ca của máy móc tiến tới con người xung động hoàn hảo.” Whitman* chắc sẽ thích ông này. Có thể nhà văn Isherwood tôi-là-chiếc-máy-ảnh cũng sẽ thích. Nhưng tôi thì chống lại. Tôi để lại những hình thức bậc cao ấy cho bố mẹ tôi và Michael Moore. Tôi muốn tạo dựng thế giới này.

Bong bóng là thứ mong manh, và thường vào buổi tối hai giáo sư lại lo âu bàn chuyện nó sẽ vỡ tung. Họ lo ngại về phát ngôn chính trị xu thời, về đồng nghiệp của họ lên TV trao đổi cùng một nữ sinh viên hai mươi tuổi lại chồm sát tới ngay mặt cô ta quát tháo lăng mạ vì bất đồng với việc làm báo ở đại học, về đồng nghiệp của họ trong một chương trình TV thời sự khác lại bị lăng mạ vì không muốn cấm trang phục Pocahontas ở lễ Halloween, về đồng nghiệp của họ buộc phải nghỉ dạy ít nhất một học kỳ vì ông ta đã không đủ sức bảo vệ “không gian an toàn*” cho một sinh viên thoát khỏi tác động xâm phạm của những ý tưởng công kích mà cô này thấy là quá sức “không an toàn” cho đầu óc non trẻ của cô, về đồng nghiệp của họ không chấp thuận thỉnh nguyện thư của sinh viên đời dời pho tượng Tổng thống Jefferson ra khỏi khuôn viên đại học bất kể sự thật cố che giấu là Jefferson từng là chủ nô, về đồng nghiệp của họ bị các sinh viên có xuất xứ gia đình theo đạo Tin Lành lên án vì yêu cầu họ đọc truyện tranh của một họa sĩ đồng tính nữ, về đồng nghiệp của họ buộc phải hủy bỏ việc dàn dựng vở kịch The Vagina Monologues* của Eve Ensler bởi vì khi định nghĩa phụ nữ là những người có âm đạo tức là đã kỳ thị những người được xác định là phụ nữ nhưng không có âm đạo, về những đồng nghiệp của họ chống lại nỗ lực của sinh viên muốn “hạ bệ” những người Hồi giáo chối đạo vì quan điểm của những người này xúc phạm tới những người Hồi giáo không chối đạo. Bố mẹ tôi lo ngại rằng giới trẻ đang ngày càng ủng hộ kiểm duyệt, ủng hộ ngăn-cấm-đủ-thứ, ủng hộ sự hạn chế, làm sao lại xảy ra chuyện này, họ hỏi tôi, chuyện đầu óc giới trẻ Mỹ ngày càng hẹp hòi, bố mẹ bắt đầu sợ giới trẻ. “Không phải con rồi, con yêu, ai mà lại sợ con được,” mẹ tôi trấn an tôi, còn bố nói ngược lại. “Lo sợ cho con thì có. Zới bộ râu kiểu Trotskyist mà con nhất định không chịu cạo thì bố thấy làà con giống một mục tiêu cho người ta nện vào mặt. Tránh xa Mexico City đi, nhất là khu Coyoacán. Đó làà lời khuyên của bố.”

Buổi tối bố mẹ thường ngồi trong những vùng sáng đèn vàng êm ả, sách mở trên đùi, chìm đắm trong chữ nghĩa. Trông họ giống nhân vật trong bức tranh Rembrandt, Hai Triết Gia Trầm Tư, và họ quý giá hơn bất kỳ bức tranh nào; có thể bố mẹ thuộc thế hệ cuối cùng của những người giống như họ, còn chúng tôi, chúng tôi là hậu sinh, là kẻ đến sau, kẻ sẽ hối tiếc là mình đã không học hỏi nhiều hơn ở họ.

Tôi nhớ bố mẹ khôn tả.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3