Nhà Golden - Chương 03
Đây là câu chuyện không kể của họ, hành tinh Krypton nổ tung của họ: một chuyện đau buồn, như thường thấy với những điều giấu kín.
Ai cũng thích cái khách sạn lớn bên hải cảng ấy, kể cả những kẻ quá nghèo chưa lần nào bước qua cửa. Ai cũng đã thấy nội thất khách sạn đó trong phim, trong tạp chí điện ảnh, và trong mơ: cái cầu thang nổi tiếng, hồ bơi chung quanh toàn kiều nữ mặc đồ tắm nằm ườn, những hành lang toàn cửa hiệu lấp lánh có cả những thợ may đo chỉ trong một buổi chiều có thể may xong đúng y bộ vest ta yêu thích một khi ta đã chọn loại vải len hay vải gabardine ưng ý. Ai cũng biết những nhân viên hết lòng tận tuy, hiếu khách vô tận, giỏi giang phi thường mà với họ khách sạn này giống như gia đình, những người đã đem lại cho khách sạn sự kính trọng xứng đáng với bậc trưởng thượng, và những người đã khiến khách nào bước vào sảnh cũng cảm thấy mình là ông hoàng bà chúa. Đó là nơi tiếp đón khách ngoại quốc, vâng, tất nhiên rồi; từ các cửa sổ khách sạn, khách ngoại quốc nhìn ra hải cảng bên ngoài, nhìn vịnh biển tuyệt đẹp đã cho thành phố không thể nêu tên này cái tên của nó, và ngỡ ngàng trước lớp lớp tàu biển nhấp nhô trước mặt, trước rừng xuồng máy, tàu buồm, và du thuyền đủ kích cỡ, hình dáng, sắc màu. Ai cũng biết câu chuyện khai sinh thành phố này, biết người Anh đã muốn có chỗ này chính là vì hải cảng tuyệt đẹp ấy, biết người Anh đã thương thuyết với người Bồ Đào Nha để gả công chúa Catherine cho vua Charles II, và Catherine tội nghiệp không có nhan sắc nên của hồi môn phải thật cực kỳ hấp dẫn, nhất là vì Charles II chỉ mê mỹ nữ, cho nên thành phố này được gộp vào của hồi môn, Charles cưới Catherine rồi suốt đời bỏ bê nàng, nhưng người Anh thì đưa hải quân vào cảng này và tiến hành một kế hoạch cải tạo đất đai quy mô nối liền Bảy Hòn Đảo rồi xây pháo đài ở đó, rồi tới thành phố, rồi tới Đế chế Anh. Đó là thành phố do người ngoại quốc xây dựng nên người ngoại quốc đương nhiên phải được tiếp đón ở cái khách sạn như đại cung điện nhìn ra hải cảng vốn là toàn bộ nguyên do cho sự tồn tại của thành phố ấy. Nhưng đâu chỉ dành cho người ngoại quốc, tòa nhà này lãng mạn quá mà; tường đá, mái vòm đỏ, đầy quyến rũ, những chùm đèn Bỉ chiếu sáng xuống đầu ta, rồi trên tường và dưới sàn toàn là tác phẩm nghệ thuật, đồ nội thất và thảm quý, gom về từ mọi miền của xứ sở bao la đó, đất nước không được nêu tên đó, cho nên, nếu ta là một chàng trai muốn gây ấn tượng với người yêu thì ta sẽ tìm cách kiếm tiền để đưa nàng tới khách sảnh hướng ra biển ở đây, và khi gió biển vuốt ve gương mặt, ta sẽ uống trà hay nước chanh, ăn sandwich dưa chuột với bánh ngọt, và nàng sẽ yêu ta vì ta đã đưa nàng vào giữa trái tim thần kỳ của thành phố này. Và biết đâu lần hẹn hò thứ hai ta sẽ đưa nàng trở lại để ăn món Tàu ở nhà hàng dưới nhà và thế là ký kết xong hợp đồng tình ái.
Tầng lớp danh giá của thành phố này, của đất nước này, và của thế giới đã biến khách sạn lâu đời tráng lệ đó thành của riêng sau khi người Anh ra đi - các ông hoàng, chính khách, ngôi sao điện ảnh, lãnh tụ tôn giáo, những gương mặt nổi tiếng nhất và đẹp nhất trong thành phố, cả nước, và khắp thế giới chen lấn giành chỗ trong các dãy hành lang - và nơi này đã thành một biểu tượng của thành phố không thể nêu tên đó, chẳng kém gì Tháp Eiffel, hay Đấu trường Colosseum, hay pho tượng ở cảng New York mang tên Tự Do Soi Sáng Thế Giới.
Có một huyền thoại về nguồn gốc khách sạn lâu đời tráng lệ đó mà hầu như ai ở cái thành phố không được nêu tên đều tin mặc dù không có thật, một huyền thoại về tự do, về chuyện lật đổ bọn đế quốc Anh giống như người Mỹ đã làm. Chuyện kể rằng trong những năm đầu thế kỷ 20 có một ông già quý phái uy nghiêm đội mũ Thổ Nhĩ Kỳ, tình cờ là người giàu nhất cái nước không thể nêu tên, đã từng ghé tới một đại khách sạn khác, lâu đời hơn ở cùng khu vực đó và không được cho vào vì lý do sắc tộc. Ông già quý phái uy nghiêm chỉ khẽ gật gù, bỏ đi, rồi mua một miếng đất lớn phía cuối con đường đó, và xây lên khách sạn tráng lệ nhất, nguy nga nhất chưa từng thấy ở cái thành phố không thể nêu tên ở cái nước không thể xác định, và chỉ trong một thời gian ngắn đã làm cho cái khách sạn không cho ông vào phải dẹp tiệm luôn. Thế là trong tâm trí mọi người, khách sạn mới trở thành biểu tượng của sự nổi dậy, của việc chiến thắng bọn thực dân bằng chính ngón nghề của chúng và đuổi chúng ra biển, và ngay cả khi đã có kết luận chắc chắn là làm gì có chuyện như vậy xảy ra thì cũng chẳng thay đổi được niềm tin của ai, vì một biểu tượng của tự do và chiến thắng luôn mạnh mẽ hơn sự thật.
Một trăm lẻ năm năm trôi qua. Và rồi vào ngày 23 tháng Mười một năm 2008, mười tay súng trang bị toàn súng tự động với lựu đạn từ một nước láng giềng thù địch lên tàu vượt biển đi về phía tây của cái nước không được nêu tên. Trong ba-lô chúng mang đạn dược và nhiều ma tuý loại mạnh: cocain, steroids, LSD, và ống tiêm. Trên đường tới cái thành phố không được nêu tên, chúng cướp một tàu đánh cá, bỏ luôn tàu của chúng, mang hai chiếc xuồng lên tàu cá rồi bắt thuyền trưởng cho tàu đi tới nơi chúng muốn. Gần đến bờ, chúng giết thuyền trưởng rồi xuống xuồng nhỏ. Sau này nhiều người thắc mắc tại sao lính tuần duyên không nhìn thấy hay cố ngăn chặn chúng. Bờ biển này được cho là bảo vệ kỹ nhưng vào đêm đó lại có vấn đề gì đó. Khi xuồng cập bờ, vào ngày 26 tháng Mười một, các tay súng chia thành nhiều nhóm nhỏ tìm đường tới các mục tiêu đã chọn, một ga tàu lửa, một bệnh viện, một rạp chiếu phim, một trung tâm Do Thái, một quán café nổi tiếng, và hai khách sạn năm sao. Một trong hai là khách sạn mô tả ở trên.
Cuộc tấn công vào nhà ga bắt đầu lúc 9:21 tối, và kéo dài một tiếng rưỡi. Hai tay súng bắn bất kể ai, năm mươi tám người chết. Chúng rời nhà ga và cuối cùng bị dồn vào đường cùng ở gần bãi biển thành phố, một chết và một bị bắt. Trong lúc đó, vào 9:30 tối, một nhóm sát thủ khác cho nổ tung trạm xăng rồi bắt đầu nã đạn vào dân chúng trong trung tâm Do Thái khi nhiều người chạy ra cửa sổ. Sau đó chúng tấn công thẳng vào trung tâm, bảy thường dân chết. Mười người chết ở quán café. Trong vòng bốn mươi tám giờ sau, có lẽ khoảng ba mươi người nữa chết ở khách sạn kia.
Còn khách sạn ai cũng yêu thích kia bị tấn công khoảng 9:45 tối. Khách trong hồ bơi bị bắn đầu tiên, rồi các tay súng đi về hướng các nhà hàng. Trong nhà hàng Sea Lounge nơi đám thanh niên thường đưa bạn gái đến để tạo ấn tượng, một nữ nhân viên trẻ ở đây đã giúp nhiều người khách trốn thoát qua cửa nội bộ, nhưng khi những tay súng xông vào khách sảnh này thì chính cô ta bị giết. Lựu đạn giật nổ và sau đó là cảnh bắn giết điên cuồng trong cuộc bao vây kéo dài ba ngày. Bên ngoài kín đặc phóng viên truyền hình và dân chúng rồi có ai la lên: “Cháy khách sạn!” Lửa bùng lên từ những cửa sổ tầng trên cùng và cái cầu thang nổi tiếng cũng phừng cháy. Trong số những người mắc kẹt trong lửa và cháy thiêu có vợ và con của giám đốc khách sạn. Bọn sát thủ có hết sơ đồ mặt bằng khách sạn và sơ đồ của chúng còn chính xác hơn sơ đồ trong tay lực lượng an ninh. Chúng dùng ma tuý cho tỉnh ngủ và dùng LSD - thứ không kích thích thần kinh - pha với các loại ma tuý khác (có kích thích) để luôn trong trạng thái ảo giác điên loạn mê cuồng và chúng vừa bắn giết vừa cười ầm ĩ. Bên ngoài, phóng viên truyền hình tường thuật trực tiếp chuyện khách bên trong thoát ra được thế là bọn sát thủ bật TV để xem khách trốn thoát từ đâu. Đến cuối cuộc bao vây, hơn ba mươi người đã chết, nhiều người là nhân viên khách sạn.
* * *
Nhà Golden, lúc đó còn mang danh tánh mà họ chưa chối bỏ, sống ở khu biệt lập nhất thành phố, trong một khu vực rào kín trên ngọn đồi biệt lập nhất, trong ngôi nhà hiện đại rộng lớn nhìn xuống các dinh thự kiểu Art Deco xếp hàng dài cuối bờ vịnh nơi tối nào mặt trời đỏ cũng cắm đầu lao xuống. Ta có thể hình dung họ nơi đó, lão già, lúc này chưa già lắm, và ba người con, cũng nhỏ hơn bây giờ - cậu cả to xác, thông minh, lóng ngóng, vụng về, sợ không gian rộng; cậu giữa với lối sống về đêm và những bức chân dung vẽ giới thượng lưu; cậu út với cõi lòng tăm tối và hỗn loạn - và hình như trò chơi tự đặt cho mình những tên họ cổ điển là trò mà lão già đã khuyến khích chúng chơi nhiều năm rồi, giống như lão đã dạy chúng từ hồi còn bé rằng chúng không phải là người tầm thường, chúng là những Caesar, là những vị thần. Các hoàng đế La Mã, và sau đó là các vua Byzantine, được người Ả-rập và Ba Tư gọi là Qaisar-e-Rúm, những Caesar của thành Rome. Và nếu Rome là Rúm, thì họ - những ông vua của thành Rome phương Đông này - chính là Rumi. Điều đó đưa họ tới việc nghiên cứu nhà thơ minh triết và bí ẩn Rumi, tức Jalaluddin Balkhi, và cha con nhà này cứ tung hứng qua lại những câu thơ trích dẫn cứ như đang quất bóng tennis, điều ta tìm kiếm đang kiếm tìm ta, ta là vũ trụ trong chuyển động ngất ngây, hãy lừng lẫy tiếng tăm, hãy bộc lộ huyền thoại bản thân, hãy bán sự khôn ngoan mua lấy ngỡ ngàng, hãy đốt cháy đời mình, hãy tìm người quạt hừng ngọn lửa trong ta, rồi nếu muốn chữa lành hãy để thân mình ngã bệnh, cho đến khi họ phát chán những câu thần chú vạn năng của nhà thơ và bắt đầu bịa ra những câu chọc cười nhau, nếu muốn sang giàu hãy làm cho mình nghèo khó trước, nếu kẻ nào tìm ta thì đó là kẻ ta tìm, nếu muốn đứng đúng tư thế hãy trồng chuối ngược.
Sau đó họ không là Rumi nữa mà mang tên La-tinh là Julius, các con trai của Caesar mà bản thân những người này cũng đã từng hay rồi sẽ xứng đáng thành Caesar. Họ là một gia đình lâu đời tự nhận có thể dò ngược gia phả đến tận thời Alexander Đại Đế - người được Plutarch cho là con trai của chính thần Zeus - cho nên họ ít nhất cũng ngang hàng với các hoàng đế triều đại Julio-Claudia là những kẻ tự xưng hậu duệ của lulus - con trai của Aeneas hiếu thảo, hoàng tử thành Troy - và như vậy cũng là hậu duệ của mẹ của Aeneas - nữ thần Venus. Còn cái từ Caesar thì ít nhất phải có tới bốn nguồn gốc. Có phải vị Caesar đầu tiên đã giết một con caesai - từ gốc của người Moor để gọi con voi? Có phải vị này có mái tóc dày trên đầu - caesaries trong tiếng La-tinh? Có phải ông ta có đôi mắt xám, oculis caesiis? Hoặc phải chăng tên ông ra bắt nguồn từ động từ caedere, là cắt, do ông ta được sinh ra bằng phương pháp caesarean section, sinh mổ? Lão già nói: “Ta không có mắt xám, còn bà nội sinh ra ta thì sinh thường chứ không sinh mổ. Tóc ta dù vẫn còn nhưng đã thưa rồi; mà ta cũng chẳng giết con voi nào. Mặc xác tên Caesar đầu tiên đi. Ta chọn tên Nero, vị vua cuối cùng.”
“Vậy tụi con là ai đây?” Cậu giữa hỏi. “Các con là con ta,” trưởng lão nhún vai nói, “các con tự chọn tên đi.” về sau, tới lúc ra đi, cả ba mới biết lão đã cho làm giấy tờ đi đường cho chúng theo những cái tên tự chọn đó, và chúng không ngạc nhiên. Lão là người nói được là làm được.
Còn đây, hãy cứ coi như bạn đang xem một bức ảnh cũ, là vợ lão, người đàn bà u buồn nhỏ bé có mái tóc xám buộc thành búi lôi thôi và trong đôi mắt là ký ức tự hủy hoại bản thân. Vợ của Caesar: người không ai được phép nghi ngờ, đúng, nhưng cũng mắc kẹt vào chuyện tồi tệ nhất đời.
Vào tối 26 tháng Mười một trong ngôi nhà lớn ấy có chuyện, Caesar với vợ cãi nhau việc gì đó, và bà ta gọi tài xế lái chiếc Mercedes đưa đi trong tâm trạng khổ sở, rời nhà tìm bạn bè khuây khỏa, và vì thế bà tới ngồi ở Sea Lounge trong cái khách sạn mà ai cũng yêu thích, ăn sandwich dưa chuột và uống nước chanh tươi nhiều đường, trong lúc đám sát thủ say ma túy xông vào cười khúc khích khoái trá, tròng mắt trợn tròn theo đàn chim ảo giác chấp chới quanh đầu, và ra tay bắn giết.
Đúng, cái nước đó là Ấn Độ, hẳn rồi, thành phố đó là Bombay, hẳn rồi, ngôi nhà đó nằm trong khu biệt thự Walkeshwar xa hoa trên đồi Malabar, và đúng, mấy vụ kia hẳn nhiên là những cuộc tấn công khủng bố của nhóm Hồi giáo phát động từ Pakistan bởi Lashkar-e-Taiba, “Đạo quân Chính nghĩa,” đầu tiên là vào ga tàu lửa trước đây gọi là ga Victoria Terminus hay VT và sau này, như mọi thứ khác ở Bombay/ Mumbai, được đặt tên mới là Shivaji - theo tên vị hoàng tử anh hùng của Đế quốc Mahratta - và kế đó là tấn công vào Leopold Café ở Colaba, khách sạn Oberoi Trident Hotel, rạp phim Metro Cinema, bệnh viện Cama &Albless Hospital, trung tâm Do Thái Chabad House, và khách sạn Taj Mahal Palace &Tower Hotel. Và đúng, sau ba ngày bao vây cùng đấu súng, người mẹ của hai anh con lớn nhà Golden (còn mẹ cậu út thì về sau chúng tôi sẽ nói rõ hơn) được liệt vào danh sách tử nạn.
Khi hay tin vợ mắc kẹt bên trong khách sạn Taj, lão già bủn rủn quỵ gối, và lẽ ra đã ngã xuống những bậc cấp hoa cương của ngôi nhà hoa cương, từ phòng khách hoa cương nhào xuống hành lang hoa cương bên dưới, nếu không có một người hầu đứng gần kề níu lại kịp, nhưng lúc nào mà chẳng có người hầu. Lão cứ quỳ gối đưa tay ôm mặt, người run bần bật vì những tiếng khóc nấc dữ dội và quặn thắt cứ như ẩn náu trong thân xác lão là một sinh vật đang vùng vẫy muốn thoát ra. Suốt thời gian xảy ra các vụ tấn công, lão cứ quỳ gối như cầu nguyện trên đầu bậc cấp hoa cương, không ăn không ngủ/ nắm tay đấm ngực như một kẻ khóc mướn đám ma chuyên nghiệp, và cứ tự trách mình. Tôi không biết em đi tới đó, lão rống lên, lẽ ra tôi phải biết, tại sao tôi lại để em đi. Những ngày ấy bầu trời thành phố bầm đen như máu ngay cả giữa trưa, tăm tối như một tấm gương soi, và lão già thấy mình phản chiếu trong đó nhưng lại căm ghét hình bóng mình; và tầm nhìn xa của lão mạnh tới mức mấy đứa con cũng thấy rõ luôn, và sau cái ngày có tin dữ - cái tin kết thúc toàn bộ cuộc đời họ cho tới lúc đó -những chuyến đi dạo cuối tuần quanh trường đua với những đại gia đình dòng dõi lâu đời quyền quý của Bombay và cả với dân mới có tiền, những cuộc chơi bóng, chơi bài, đi bơi, đánh cầu, đánh golf ở Willingdon Club, đám gái non đóng phim mới nổi, nhạc jazz đen, tất cả đều kết thúc vĩnh viễn vì đã bị dìm sâu dưới đại dương chết chóc; ba người con giờ đây làm theo điều cha chúng muốn, tức là mãi mãi lìa bỏ ngôi nhà hoa cương này, ở trong cái thành phố đang sinh sự tan nát này, lìa bỏ cả đất nước bẩn thỉu, thối nát, dễ bị tấn công này luôn, lìa bỏ hết thảy mọi thứ của cái xứ sở mà cha chúng bây giờ đột ngột - hay có lẽ cũng không quá đột ngột - ghê tởm; ba thằng con đồng ý xóa sạch hết chi tiết về mọi điều đã từng liên quan tới chúng và chúng từng thuộc về và những gì chúng đã mất: người đàn bà mà ông chồng đã quát mắng và vì thế đẩy bà vào chỗ chết, người mà hai cậu con lớn yêu thương, và người đã từng bị đứa con ghẻ làm nhục tàn tệ đến mức bà đã cố tự tử. Họ sẽ xóa sạch làm lại từ đầu, mang tông tích mới, vượt sang đầu bên kia thế giới và trở thành bất kỳ ai ngoại trừ con người cũ. Họ sẽ trốn khỏi những gì thuộc về lịch sử để đến với những gì của riêng tư, và ở lần Thế Giới cái riêng tư sẽ là điều duy nhất mà họ mưu cầu, họ mong mỏi để được cách biệt, cá nhân và đơn độc, cha con họ từng người phải có thỏa thuận của riêng mình với chuyện thường nhật, với lịch sử bên ngoài, với thời gian bên ngoài. Họ chẳng ai ngờ rằng quyết định này sinh ra từ một ý thức đặc quyền lớn lao ghê gớm, từ cái ý tưởng rằng họ chỉ cần bước khỏi hôm qua rồi bắt đầu ngày mai như thể hai thời điểm đó không thuộc chung một tuần lễ, cứ vứt bỏ hết ký ức với cội nguồn với ngôn ngữ với chủng tộc xăm xăm tiến vào xứ sở của kẻ tự lập thân, một cách gọi khác về nước Mỹ.
Chúng tôi đã bất công biết bao với bà ta, hỡi người đã chết, khi những lúc ngồi lê đôi mách chúng tôi cứ gán tội không chung thủy cho bà vì bà vắng mặt ở New York. Chính sự vắng mặt của bà, bi kịch của bà, mới làm cho sự hiện diện của gia đình bà giữa chúng tôi có ý nghĩa. Bà chính là ý nghĩa của câu chuyện này.
Khi vợ hoàng đế Nero là Poppaea Sabina chết, ông cho đốt cả kho dự trữ mười năm trầm hương Ả-rập ở tang lễ của vợ. Nhưng trong trường hợp Nero Golden mọi trầm hương trên đời rốt cuộc cũng không thể khỏa lấp mùi xú uế.
* * *
Thuật ngữ pháp lý benami trông giống tiếng Pháp, ben-ami, dễ lừa những ai không cẩn thận tin rằng từ đó chắc có nghĩa là “người bạn tốt,” bon ami, hay “thích lắm,” bien-aimé, hay đại loại thế. Nhưng từ này thực tế có nguồn gốc Ba Tư, và từ gốc của nó không phải là ben-ami mà là bé-nấmi. Bé là tiền tố có nghĩa là “không có” còn nám có nghĩa là “tên”; cho nên benami là “không có tên,” hay nặc danh. Ở Ấn Độ, các giao dịch benami là những mãi vụ bất động sản trong đó người ra mặt đứng tên mua bất động sản chỉ là bình phong che giấu chủ nhân đích thực của tài sản này. Nói theo tiếng lóng Mỹ xưa, thì benami sẽ là “the beard” - bộ râu chứ không phải bộ mặt.
Năm 1988, chính phủ Ấn Độ thông qua Đạo Luật cấm Giao Dịch Benami, vừa phi pháp hóa những mãi vụ như thế vừa tạo điều kiện để nhà nước thu hồi những tài sản “bị cho là benami.” Tuy nhiên đạo luật này vẫn còn nhiều kẽ hở. Một trong những cách nhà chức trách cố gắng bít những kẽ hở là định chế về hệ thống Aadhaar. Aadhaar là số an sinh-xã hội gồm mười hai chữ số được cấp cho mỗi công dân trọn đời và bắt buộc phải sử dụng trong mọi giao dịch tài chính và bất động sản, cho phép theo dõi bằng máy tính sự tham gia của công dân trong những giao dịch như vậy. Tuy nhiên, người mà ta biết dưới tên Nero Golden, một công dân Mỹ đã hơn hai mươi năm và là cha của những công dân Mỹ, rõ ràng đã đi trước nước cờ. Khi những gì xảy ra đã xảy ra và mọi thứ phơi bày trước ánh sáng, chúng tôi mới biết là tòa nhà Golden House hoàn toàn do một quý bà đã có tuổi sở hữu, chính là quý bà đóng vai trò đứng đầu nhóm hai quản gia tin cẩn của Nero, và không thấy giấy tờ pháp lý nào khác tồn tại. Nhưng chuyện xảy ra đã xảy ra, và sau đó thì cả những bức tường mà Nero đã kỹ lưỡng dựng lên cũng đổ sụp hết, và tội lỗi kinh hoàng phơi bày toàn bộ trước mắt chúng tôi, trần trụi dưới ánh sáng sự thật. Đó là chuyện về sau. Còn lúc này, lão chỉ là N. J. Golden, người hàng xóm giàu sụ và - như chúng tôi phát hiện ra - thô bỉ.