Nhà Golden - Chương 02

Sống tốt là sao? Còn ngược lại là sao? Đó là những câu hỏi mà không có hai người nào trả lời giống nhau. Vào thời khiếp nhược này, chúng ta phủ nhận sự thật bất biến lớn lao rồi khẳng định và tôn vinh những điều mê muội hạn hẹp của mình, cho nên có nhiều chuyện bất đồng lắm. Vào thời suy đồi này, người ta chỉ biết gồng mình hợm hĩnh với tư lợi - những kẻ khoa trương rỗng tuếch không biết giới hạn là gì miễn có lợi cho những mục đích vặt vãnh - chúng sẽ tự xưng là lãnh tụ và ân nhân vĩ đại, ra tay vì đại nghĩa, và gọi tất cả những ai chống lại là đồ nói láo, đồ ganh tị hèn hạ, đồ ngu, đồ đơ, và - đảo ngược hẳn sự thật - gọi họ là đồ bất lương, thối nát. Chúng ta quá chia rẽ, quá thù hằn với nhau, quá cuồng vì thói khoe mình đạo đức và miệt thị kẻ khác, quá lạc lối trong chủ nghĩa hoài nghi, tới mức ta tự coi bề ngoài huênh hoang đó là lý tưởng, quá thất vọng với những người cai trị mình, quá nhiệt tình nhạo báng các thiết chế nhà nước của mình, tới mức ngay chính cái từ sự tốt đẹp đã cạn kiệt ý nghĩa và có lẽ cần phải tạm gạt bỏ, giống như mọi từ ngữ đã bị nhiễm độc khác, tâm linh, chẳng hạn, giải pháp tối hậu, chẳng hạn, và (ít ra là khi dùng cho các tòa nhà chọc trời và món khoai tây chiên) hai chữ tự do*.

Nhưng vào cái ngày lạnh lẽo tháng Một năm 2009 khi lão nhân cổ lai hy bí ẩn mà chúng tôi sau này sẽ biết tên là Nero Julius Golden đã đến Greenwich Village trong chiếc xe limousine Daimler cùng ba con trai và không hề thấy bóng người vợ, ít nhất lão cũng kiên quyết với chuyện đề cao đạo đức, và phân biệt hành vi đúng đắn với sai trái. “Trong căn nhà Mỹ của ta,” lão nói với ba đứa con ngồi nghe chăm chú trong xe khi chạy từ phi trường về chỗ ở mới của họ, “đạo đức phải theo tiêu chuẩn vàng.” Không biết lão muốn nói đạo đức là thứ quý giá tột cùng, hay của cải sẽ quyết định đạo đức, hay đích thân lão, với cái tên mới lấp lánh, sẽ là người duy nhất có quyền phán xét đúng sai, lão không nói rõ, còn ba cậu hoàng con Julius quen tính hiếu thảo nên cũng không hỏi lại. (Cả ba đứa đều thích cái tên lót Julius vua chúa hơn là cái họ vàng bạc Golden; chúng cũng đâu khiêm tốn gì!) Nhưng cậu út, đứa hăm hai tuổi lười nhác có mái tóc dài xõa xuống vai gợn sóng rất đẹp và gương mặt như một thiên thần thịnh nộ, đúng là có hỏi một câu. Hắn hỏi cha: “Tụi con sẽ nói sao đây khi người ta hỏi gốc gác?” Mặt lão già chuyển sang màu đỏ rừng rực. Lão hét: “Cái này tao đã nói rồi mà. Cứ bảo chúng, đ. mẹ cái trò nhận dạng nghi can đi. Bảo chúng, nhà mình là rắn lột da chui ra. Bảo chúng nhà mình mới trên Carnegie Hill dọn xuống phố. Bảo chúng nhà mình mới đẻ hôm qua. Bảo chúng nhà mình nhờ phép mầu hiện hình, hay là từ chòm sao Alpha Centauri lái phi thuyền núp trong đuôi sao chổi đáp xuống đây. Cứ nói nhà mình chẳng từ cái xứ nào, cái xó nào, cái chỗ đếch nào tới cả, nhà mình là bọn giả vờ, bịp bợm, tái tạo, biến hình, nói cách khác, tức là dân Mỹ đó. Không được cho chúng biết tên nơi nhà mình đã bỏ đi. Không bao giờ nói. Không tên đường, tên thành phố, tên nước. Tao không muốn nghe tới những cái tên đó nữa.”

Họ từ trong xe bước ra giữa lòng khu Village, trên đường Macdougal đoạn dưới Bleecker một chút, gần khu cà phê Ý đã có từ xưa và không hiểu sao giờ vẫn cầm cự được; phớt lờ mấy chiếc xe bóp còi đằng sau và lơ luôn lòng bàn tay chìa ra xin xỏ của ít nhất một tên ăn mày bẩn thỉu; họ cứ để chiếc limousine đứng ì giữa đường trong lúc nhẩn nha xách hành lý ra khỏi cốp xe - ngay cả lão già cũng nhất định tự xách va-li của mình - rồi mang tới tòa nhà kiểu Beaux-Arts nguy nga phía đông đường này, nguyên là tư dinh Murray, từ giờ về sau sẽ được gọi là Kim Cung nhà Golden. (Chỉ có anh cả, cậu chàng không thích ra ngoài trời, đang đeo kính râm đen thùi lùi và mặt mày lo ngại, là tỏ ra hấp tấp.) Thế là họ đã đến đúng như cách họ định ở lại, không lệ thuộc ai, và dửng dưng phớt lờ sự phản đối của kẻ khác.

Tư dinh Murray, tòa nhà lớn nhất trong mọi tòa nhà ở khu Gardens, suốt nhiều năm hầu như không có người ở, ngoại trừ một bà quản gia Mỹ gốc Ý năm mươi mấy tuổi mặt mày cau có và một nữ phụ tá kiêm tình nhân chung sống, người cũng trịch thượng ngang ngửa dù trẻ tuổi hơn. Chúng tôi thường đoán mò về lai lịch chủ nhà này, nhưng hai bà chằn quản gia của tòa nhà không chịu thỏa mãn óc tò mò của chúng tôi. Tuy nhiên, đó là những năm mà nhiều tay siêu cự phú thế giới đã mua bất động sản không vì lý do nào khác hơn là để sở hữu, rồi bỏ mặc nhà trống nằm khắp hành tinh như những chiếc giày phế thải, cho nên chúng tôi cứ cho là chỗ này chắc phải dính dáng đến một tay tài phiệt Nga hay vua dầu mỏ Ả-rập nào đó, và rồi nhún vai bất cần, chúng tôi dần quen coi tòa nhà không người ở này như không tồn tại. Còn một người nữa cũng gắn bó với tòa nhà, một anh thợ sửa chữa vặt gốc La-tinh dễ thương tên là Gonzalo được hai bà chằn quản gia thuê trông coi nơi này, và thỉnh thoảng, khi anh ta rảnh rỗi, chúng tôi hay nhờ anh ta qua nhà mình sửa điện nước và giúp chúng tôi dọn tuyết trên mái, trước cổng vào giữa mùa đông. Được đền đáp bằng một ít tiền mặt kín đáo dúi vào tay, anh ta luôn vui vẻ nhận lời.

Khu phố Lịch sử Macdougal-Sullivan Gardens - phải gọi khu Gardens bằng cái tên đầy đủ kêu rổn rảng của nó - là một chốn đáng yêu, bình an nơi chúng tôi sinh sống và nuôi con đẻ cái, một nơi ẩn náu hạnh phúc xa rời thế giới đáng ghét, bất an ngoài ranh giới này, và chúng tôi chẳng ngại gì mà không yêu quý nơi này tha thiết. Những ngôi nhà đầu tiên theo phong cách Phục Hưng Hy Lạp trên đường Macdougal và Sullivan, xây từ những năm 1840, đã được cải tạo thành phong cách Phục Hưng Thuộc Địa trong những năm 1920 bởi các kiến trúc sư làm việc cho một ông William Sloane Coffin nào đó - một người bán thảm và đồ nội thất - và chính vào giai đoạn đó những khoảng sân sau mới được kết hợp thành hoa viên công cộng này, phía bắc giáp đường Bleecker, phía nam giáp Houston, và dành riêng cho cư dân của những ngôi nhà quay lưng ra không gian đó. Tư dinh Murray cứ như đập vào mắt, trong nhiều phương diện tòa nhà này quá bề thế so với khu Gardens, một kiến trúc phong lưu và nổi bật vốn được xây cho chủ ngân hàng nổi tiếng Pranklin Murray và bà vợ Harriet Lanier Murray từ năm 1901 đến 1903 bởi công ty kiến trúc Hoppin &Koen - để có chỗ xây dựng họ đã phá bỏ hai ngôi nhà ban đầu xây từ năm 1884 bên khu đất của thương gia Nicholas Low. Nhà được thiết kế theo kiểu Phục Hưng Pháp để vừa lạ vừa sang, một phong cách mà Hoppin &Koen tích lũy rất nhiều kinh nghiệm từ trường mỹ thuật Pháp École des Beaux-Arts và sau đó, trong thời gian hai kiến trúc sư này làm việc cho công ty McKim, Mead &White. Như sau này chúng tôi được biết, Nero Golden đã sở hữu tòa nhà từ đầu những năm 1980. Từ lâu đã nghe phong thanh quanh khu Gardens là chủ mới có tới rồi đi, một năm ghé lại chừng hai ngày, nhưng chúng tôi chẳng ai thấy mặt, dù thỉnh thoảng thấy các cửa sổ sáng đèn ban đêm nhiều hơn bình thường, và hiếm hoi lắm mới thấy một bóng đen in lên mành cửa, cho nên lũ trẻ quanh đây dứt khoát cho rằng chỗ này có ma và không dám bén mảng.

Đây là nơi mà những cánh cửa chính đồ sộ đã rộng mở vào cái ngày tháng Một khi chiếc limousine Daimler nhả cha con nhà Golden ra. Đứng trên ngưỡng cửa là ủy ban tiếp đón, hai bà chằn, họ đã chuẩn bị mọi thứ chờ ông chủ đến. Nero và ba người con đi vào trong và tìm thấy thế giới dối trá từ nay sẽ là nơi cư ngụ của họ: không phải là một dinh thự mới cứng, siêu hiện đại để một gia đình ngoại quốc giàu có làm quen dần dần, khi cuộc đời mới mở ra trước mắt, quan hệ với thành phố mới sâu nặng dần, kinh nghiệm tích luỹ thêm - không! - ngược lại đây là nơi Thời Gian đứng yên đã hơn hai mươi năm có lẻ, Thời Gian giương mắt thờ ơ nhìn những chiếc ghế Biedermeier trầy xước, những tấm thảm chầm chậm phai màu và những ngọn đèn lava đối lưu tái hiện thập niên 1960, và ngắm với chút thích thú những bức chân dung toàn do những người có thớ chụp Nero Golden thời trước với đám văn nghệ sĩ trong thành phố, René Ricard, William Burroughs, Deborah Harry*, cũng như những người nhân vật đứng đầu Wall Street và các danh gia vọng tộc lâu đời, những người mang những cái tên nghe rất thần thánh như Luce, Beekman, và Auchincloss. Trước khi mua chỗ này, lão già đã sở hữu một căn nhà dài kiểu phá cách trần cao, rộng cỡ ba trăm mét vuông ở góc Broadway và Great Jones, và thời trai trẻ xa xưa đã được phép tha thẩn quanh họa xưởng The Factory của Andy Warhol, ngồi tỉnh bơ và khoan khoái trong góc dành cho những cậu ấm cùng với Si Newhouse và Carlo De Benedetti*, nhưng thời đó lâu lắm rồi. Tòa nhà này chứa những vật kỷ niệm thời ấy và cả những lần ghé thăm sau này hồi những năm 1980 nữa. Phần lớn đồ đạc lâu nay cất trong kho, các đồ vật xưa bây giờ bày ra lại khiến ngồi nhà trông giống một cuộc khai quật, ngụ ý một sự tiếp nối không hề có trong lai lịch những người cư ngụ. Cho nên với chúng tôi, tòa nhà này luôn có vẻ như một thứ đồ giả đẹp đẽ. Chúng tôi thì thầm với nhau mấy lời của Primo Levi*: “Đây là kết quả trực tiếp nhất của cảnh lưu đày, của sự tha hương - những điều không thực tràn lấp những điều có thực.”

Chẳng có gì trong nhà này gợi lên cội nguồn của họ, và bốn cha con vẫn ngoan cố không chịu hé mở quá khứ. Nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lời ra và rốt cuộc chúng tôi cũng biết chuyện, nhưng trước đó chúng tôi mỗi người tự đặt ra giả thuyết riêng về lai lịch bí ẩn của họ, bao trùm những tưởng tượng của mình quanh hư cấu của họ. Dù cả bốn cha con đều có nước da khá trắng, từ màu nhàn nhạt như sữa của người con út cho tới màu thâm thâm như da thuộc của lão Nero, ai cũng thấy rõ họ không phải dân “da trắng” đúng chất. Họ nói tiếng Anh hoàn hảo, giọng Ăng-lê, chắc chắn là dân học Oxford hay Cambridge, cho nên ban đầu chúng tôi hầu hết đều tưởng lầm cái nước không được nói ra đó chính là nước Anh đa văn hoá, và London chính là thành phố đa sắc tộc. Họ có thể là dân Lebanon, hay Armenia, hay người London gốc Nam Á, chúng tôi giả định thế, thậm chí còn nghĩ họ là dân gốc châu Âu Địa Trung Hải, điều này sẽ lý giải cho những hoang tưởng La Mã của họ. Chuyện sai trái ghê gớm nào đã bức bách họ nơi đó, những miệt thị kinh khủng nào họ phải chịu đựng, tới mức họ làm đủ mọi cách để chối bỏ gốc gác? Chà, chà, với hầu hết chúng tôi thì đó là chuyện riêng nhà họ, và chúng tôi bằng lòng bỏ qua, cho tới khi nào không thể bỏ qua được nữa. Và khi lúc đó tới thì chúng tôi mới hiểu là lâu nay mình toàn tự đặt ra những câu hỏi sai.

Việc cái trò đố chữ bằng những danh tánh họ mới tự đặt có hiệu quả với mọi nhiệm kỳ Tổng thống, chứ đừng nói là hai; và việc chúng tôi, hàng xóm và bạn bè mới của họ, chấp nhận vô điều kiện những người Mỹ hư cấu ấy sống trong cung điện ảo tưởng của họ đã nói lên nhiều điều về chính nước Mỹ, và nhiều hơn nữa về sức mạnh ý chí mà họ sử dụng để sống bằng những tông tích biến đổi như da tắc kè, để trở thành bất cứ loại người nào mà họ tự xưng trước mắt thiên hạ. Giờ nhớ lại, ta chỉ có thể kinh ngạc trước quy mô rộng lớn của mưu tính đó, sự phức tạp của các chi tiết cần phải lo toan, nào hộ chiếu, nào thẻ căn cước tiểu bang, nào bằng lái xe, nào mã số an sinh xã hội, nào bảo hiểm y tế, nào giấy tờ giả mạo, nào các khoản thanh toán, rồi ngay chính sự khó khăn của mọi việc này, và nỗi tức tối hay có lẽ sợ hãi đã thúc đẩy toàn bộ cái kế hoạch vĩ đại, công phu đến oái ăm này Như về sau chúng tôi mới biết, lão đã chuẩn bị cho kế hoạch biến hình ấy có lẽ cả mười lăm năm trước khi thực hiện. Nếu biết trước như thế ắt chúng tôi đã hiểu ra có chuyện gì đó rất lớn lao đang bị che đậy rồi. Nhưng chúng tôi đâu biết. Họ chỉ đơn giản là ông vua tự phong và các hoàng tử soi-disant,* sống trong viên kim cương kiến trúc của khu này.

Thực tình chúng tôi thấy họ không có vẻ kỳ cục quá. Dân Mỹ thường được gọi bằng đủ thứ tên - khắp cuốn niên giám điện thoại, vào cái thời còn dùng niên giám điện thoại, toàn những cái tên sặc mùi xa lạ. Huckleberry! Dimmesdale! Ichabod! Ahab! Fenimore! Portnoy! Drudge! Chưa kể hàng tá, hàng trăm, hàng ngàn cái tên Gold, Goldwater, Goldstein, Finegold, Goldberry. Dân Mỹ cũng không ngừng xác định xem mình muốn người khác gọi là gì và mình muốn là ai, lột bỏ cái gốc Gatz của mình để thành những ông Gatsby nhiều áo sơ-mi và đeo đuổi những giấc mơ mang tên Daisy hay có lẽ gọi luôn là giấc mơ Mỹ. Samuel Goldtish (một chú bé vàng khác) trở thành Samuel Goldwyn, nhà Aertzoon thành nhà Vanderbilt, Clemens thành Twain*. Và nhiều người chúng ta, là dân nhập cư - hay cha mẹ hay ông bà ta - đã quyết định bỏ lại quá khứ sau lưng giống như nhà Golden giờ đã chọn lựa, khuyến khích con cái học tiếng Anh chứ không học thứ ngôn ngữ xưa của quê cũ: nói tiếng Mỹ, mặc đồ Mỹ, hành xử kiểu Mỹ, làm người Mỹ. Những thứ cũ ta nhét vào hầm nhà, hay vứt bỏ, hay đánh mất. Và trong những bộ phim và truyện tranh của chúng tôi - trong những bộ phim đã trở thành truyện tranh của chúng tôi - chẳng lẽ từng ngày chúng tôi không chúc tụng, không tôn vinh, cái ý tưởng Bí Mật Tông Tích hay sao? Clark Kent, Bruce Wayne, Diana Prince, Bruce Banner, Raven Darkhölme*, chúng tôi yêu mến các người. Bí mật tông tích có lẽ từng là một ý tưởng của người Pháp - siêu trộm Fantômas này, rồi còn le fantôme de ropéra* - nhưng tới bây giờ đã cắm rễ sâu vào văn hóa Mỹ. Nếu những người bạn mới của chúng tôi muốn thành các Caesar thì chúng tôi cũng thông cảm thôi. Họ có thị hiếu xuất sắc, áo quần xuất sắc, tiếng Anh xuất sắc, và họ cũng không lập dị hơn Bob Dylan, chẳng hạn, hay hơn bất kỳ ai từng sống ở đây. Cho nên nhà Golden được chấp nhận bởi vì họ đáng được chấp nhận. Họ giờ là dân Mỹ rồi.

Nhưng rốt cuộc mọi chuyện bắt đầu xổ tung ra. Nguyên nhân sụp đổ của họ là những chuyện này: một trận bất hòa huynh đệ, một trò biến hình không lường trước, một người đàn bà trẻ đẹp quyết chí bước vào đời ông già, một vụ án mạng. (Nhiều hơn một án mạng.) Và từ xa, ở cái nước không tên, cuối cùng đã có đủ tin tức gì đó.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3