Khang Hy Đại Đế - TẬP 4 - Chương 46
46
Buồn cảnh trước, mái tranh nghèo gãy đàn
Bàn nghiệp sau, trong cung cấm thảo chiếu
Vì lo lắng việc Khang Hy có dụ mật, Phương Bao dậy rất sớm, ngồi chiếc kiệu nhỏ vải xanh vội vàng tới vườn Sướng xuân. Vừa tới cổng vườn đã thấy Trương Đình Ngọc đợi sẵn. Phương Bao bước xuống kiệu, thấy trời còn đầy sao, ông hít vào một luồng khí mát lạnh, cười nói với Trương Đình Ngọc: “Ta cứ tưởng hôm nay nhất định ta đến sớm, không ngờ anh còn dậy sớm hơn ta”.
Hai người đang nói chuyện phiếm với nhau, thì thấy hai lồng đèn quả dưa lắc lư đi ra. Nhìn kỹ thì là thị vệ Trương Ngũ Ca, Trương Đình Ngọc vội lên trước hỏi: “Ngũ Ca, anh tuần đêm hả, anh có biết Hoàng thượng triệu kiến Phương tiên sinh với tôi chăng?”
“Các ông đã tới rồi!” Ngũ Ca cười nói: “Tôi phụng chỉ đợi ở đây. Theo tôi vào đi!”
Hai người theo Trương Ngũ Ca đi băng qua một động hoa, thấy nhà Đàm Cư đen thui sừng sững phía trước xa. Họ đi qua cầu lan can đá phía đông điện, thẳng lên phía bắc. Hai người không dám hỏi, chỉ đi theo sau, quanh bên nọ, vòng bên kia, đi mãi tới trước.
“Đến rồi!” Trương Ngũ Ca thở một hơi dài, dừng bước nói, “Ở trong cái sân nhỏ này, đây là cung trong cung, vườn trong vườn. Tôi cũng chỉ được tới đây, phía trước là ngự uyển do Võ đại nhân quản”. Nói xong liền bỏ đi.
Phương Bao và Trương Đình Ngọc kinh ngạc đưa mắt nhìn nhau. Trương Đình Ngọc đại thần kiêm quản thị vệ đại nội, không hề biết trong cung còn có một nơi đất cấm này! Đến đây trời vừa rạng sáng, hai người như trong giấc mơ, ngước đầu nhìn chỉ thấy nơi đây nhà cửa thấp nhỏ, lợp tranh, cửa sổ dán giấy, trong sân trồng tùng, bách, hội, trúc xanh rờn mơn mởn, hạt bách kết dầy trên bức tường cây bách, trên cái cửa có hai chữ “cùng lư” (nhà tranh nghèo), phòng phía trên đèn sáng, tiếng đàn lạnh lẽo nghe văng vẳng, hai vị thái giám ra đón, vái chào, rồi giơ tay chỉ đường, ra hiệu cho họ vào trong.
“Hoàng thượng giá lâm chưa?”
Trương Đình Ngọc vừa bước vào vừa hỏi. Hai thái giám không trả lời, chỉ cặm cụi đi trước dẫn đường, chân bước thoăn thoắt, không nói một lời chỉ dùng tay ra hiệu. Hai người đang ngạc nhiên, thì tiếng đàn lại vang lên ở phòng lớn. Tiếng đàn chầm chậm khoan thai, lại có tiếng ngâm:
Trà lạnh khói tan này, buồn nhìn chiếu giảng
Nhà bệ hoang tàn này, cỏ lụi đường mòn.
Lông cánh xác xơ này, ngước đầu Trời hỡi,
Năm tháng thoi đưa này, đời sao khổ buồn?
Vạn thuở anh hào này, lăng mộ tàn hoang,
Gió tây hắt hiu này, luyến lưu du khách!
Đó là tiếng lòng hùng hồn già lão của Khang Hy. Phương Bao bất giác lệ nóng nhạt nhòa, đang cúi đầu không tự kiềm chế được đã nghe Trương Đình Ngọc nghẹn ngào khẽ nói: “Xưa nay thiên tử sống tới bạc đầu chỉ đếm được trên đầu ngón tay, Hoàng thượng còn trong tuổi thịnh vượng làm gì thương cảm nói những lời thê thảm như vậy?”
“Đình Ngọc và Phương Bao hả?” Khang Hy ngừng đàn, thở dài “Vào đi”.
Hai người dạ bước vào, thấy Khang Hy ngồi bó gối trên chiếc sạp gỗ, một lò hương tỏa mùi thơm ngát, một cây đàn cổ nằm ngang trên đùi, mắt đượm u buồn nhưng không có vẻ bi thảm. Thấy hai người bước vào, Khang Hy nói miễn lễ, rồi tiếp: “Âm không buồn vui, tùy hứng mà đánh thôi. Trẫm không đau buồn, chỉ vì hai người có điều tâm sự thôi”.
“Hoàng thượng không nên dậy sớm như vậy”, Phương Bao nói, “dù không ngủ được thì nằm dưỡng thần cũng tốt”. Khang Hy cười điềm tĩnh: “Trẫm có hơi sợ chết, cho dù các con bất hiếu, bản thân mình không giỏi tự dưỡng, sợ phải sớm đi gặp các vị tổ tiên tiền bối!”
Trương Đình Ngọc đoán là chuyện hôm qua, cơn giận của Khang Hy vẫn chưa nguôi, nên nói: “Theo ý thần, lòng mưu nghịch đoạt ngôi, các A ca không nghĩ tới đâu. Nhị A ca buồn lâu ngày muốn hoạt động, cũng là lẽ thường tình, Hoàng thượng hôm qua đã cảnh cáo họ rồi, không nên tức giận nữa”.
“Trẫm không tức giận mà là bất lực”. Giọng Khang Hy như từ một nơi xa xăm vọng tới, nhưng lại rất rõ ràng. “Ung thân vương khuyên Trẫm nên để Đại A ca, Nhị A ca, Thập tam A ca được ra ngoài tự do, Trẫm vốn cũng có ý đó. Các khanh xem tình thế này Trẫm dám dễ dàng thả chúng ra không? Dận Chân, Dận Tự, Dận Đề, e còn cả Dận Nga, Dận Đường đều muốn cầm quân đi đánh giặc. Nếu như là trước đây hai mươi năm thì Trẫm vui mừng xiết kể! Còn bây giờ ai mà hiểu thấu lòng họ! Báo các khanh rõ, Trẫm không sợ sự biến Trần Kiều. Mà là sợ chúng chà đạp lên cơ nghiệp cha ông. Mười A Lạp Bố Thản Trẫm cũng không sợ. Chỉ cần Đài Cát Thổ Tạ Đồ phối hợp tác chiến, bọn chúng cũng hết đời. Điều Trẫm sợ là cái họa con cháu, loạn từ trong nhà loạn ra!”
Trương Đình Ngọc nói: “Hoàng thượng đem đất đai tám thành giàu của A Lạp Bố Thản chia cho Đài Cát Thổ Tạ Đồ một nửa, quả là tính toán sáng suốt!” “Cũng chẳng sáng suốt gì”. Khang Hy đặt đàn sang một bên, uốn mình một cái, “Lúc đó Trẫm đã nói, đó là nhân tình hữu danh vô thực, còn phải xem bản lĩnh của hắn. Đài Cát Thổ Tạ Đồ, nếu có lòng trung thành, kể ra, hắn là anh em họ của Dận Tường đấy!”
“Đã như vậy”, Phương Bao cúi đầu suy nghĩ, nói: “Sao Hoàng thượng không tha Dận Tường ra, làm chuyện tình nghĩa nhiều hơn một chút? Vả lại Dận Tường không có sai lầm gì lớn!” “Khanh đâu có biết Dận Tường!” Khang Hy nói: “Hắn không giống người khác. Nếu là Ngũ A ca thì Trẫm đã nới tay rồi! Dận Tường hơi giống Dận Đề, ngoan cường gan dạ, háo thắng dành phần hơn, dù không có phúc kế thừa ngôi vị, thì cũng phải mài dũa tính nết đi: Phòng sau này hắn đua chen binh nghiệp. Lúc đó không có Trẫm, ai bảo vệ hắn cho chu toàn?”
Phương Bao nhìn Khang Hy với ánh mắt khó tin, một hồi lâu mới nói: “Thần ngu muội, Vạn tuế giam cầm Thập tam A ca vốn không phải là trừng phạt, mà để che chở! Đã nói Thập tứ A ca cũng như vậy, sao Hoàng thượng không xử trí như vậy?”.
“Khanh hỏi đúng”. Khang Hy ánh mắt lóe lên một nụ cười ranh mãnh. “Nhưng Trẫm nói ‘hơi giống’ chứ có nói giống nhau đâu. Cũng chính vì Ca Nhĩ Ca Mông Cổ là bên ngoại của Dận Tường bởi vậy không nên dùng Thập tam A ca. Nhưng Thập tứ A ca đi, có lẽ ổn hơn!” Phương Bao vẫn rất buồn, vì sao không thả Dận Tường. Té ra vì sợ anh ta tranh binh quyền! Phương Bao rất nhạy cảm, bỗng chốc như được rót thêm trí tuệ: A ca tranh ngôi gay gắt như vậy, thử nghĩ nếu Dận Tường đi Thanh Hải, liên quân với Ca Nhĩ Ca bên ngoại, vạn nhất kinh sư có biến, vậy thì thật là... Nghĩ thế, mặt Phương Bao bỗng tái nhợt. Lòng dạ Hoàng đế thật đáng sợ thay! Khang Hy thấy Trương Đình Ngọc sửng sốt, bèn nói lạnh lùng, “Nếu như không phải ở đây, nếu không phải là hai khanh, thì Trẫm quyết không nói điều này. Biết rằng các khanh đã thấu hiểu nổi khổ tâm của Trẫm, nhưng các khanh không nói toạc ra, nói toạc ra chẳng có lợi cho ai cả. Trẫm triệu các khanh vào đây không phải vì việc này. Trẫm muốn biết đối với các con trai của Trẫm, các khanh thấy thế nào. Nơi này cực kỳ cơ mật. Bất kỳ là đúng hay sai, Trẫm không bắt tội các khanh - Trẫm muốn viết bản di chiếu”.
Trương Đình Ngọc và Phương Bao sợ hãi sắc mặt trắng nhợt, vội quỳ dài trên sàn! Gò má Phương Bao giật lên mấy cái, ông lạy nói: “Chúa thượng, ngài nói gì vậy? Thần cho như vậy là không được!” Trương Đình Ngọc cũng dập đầu liên tiếp nói: “Phương Bao tâu đúng! Vạn tuế vừa mới qua năm thuận lợi, sức khỏe tâm hồn đều mạnh khỏe, thánh thọ sẽ kéo dài!”
“Không nên nghĩ như người tầm thường!” Khang Hy nói bình tĩnh: “Các khanh hãy ngồi xuống nghe Trẫm nói. Phàm là đế vương, bất kể chúa tối chúa sáng, đều kỵ cái chữ ‘chết’. Lúc còn tỉnh táo, không nghĩ tới chuyện mai sau, để khi người hôn mê bất tỉnh, mới bảo con cháu tìm một vị đại thần, tùy tiện soạn viết di mệnh, giọng văn không phải bản thân người đó, lời nói không phải lời người đó nói, đáng buồn biết bao! Các khanh là tài tử học khắp thiên hạ, hãy suy nghĩ đi, những việc như vậy còn ít sao?”
Những việc đó tất nhiên rất nhiều. Hai người đều không dám trả lời, chỉ im lặng.
“Cho dù khi sống không lập Thái tử thì cũng không thể không bàn bạc nhiều hơn về chữ ‘chết’ ”. Khang Hy nặng nề gật đầu, nói tiếp: “Ai cũng sợ chết, nhưng không ai trường sinh bất tử, từ Tần Hoàng, Hán Vũ Đế đến Gia Tĩnh, Vạn Lịch không ai là ngoại lệ. Trẫm không học họ được! Trẫm hai lần phế Thái tử, nhọc lòng ngày càng khó khăn, không còn mạnh mẽ gì nữa. Các quan không dám nói, nhưng Trẫm tự biết, bệnh già đã tới, đã sắp tới cõi thần chết. Trẫm ngồi nghe các quan tâu việc, nếu thời gian hơi dài một chút thì đầu choáng tay run, xem xét không tốt...”. Khang Hy đã bình tĩnh lại, nhưng hai người Trương, Phương thì đã nghe đến nỗi lòng dạ rối bời, vô cùng buồn thảm, nước mắt lưng tròng. Khang Hy không chú ý, tiếp tục nói đĩnh đạc: “Trẫm đã nghĩ kỹ, tờ di chiếu này viết thành hai phần, không cần nói nhiều, một phần nói về người kế vị, còn phần quan trọng hơn, nhân lúc tâm thần còn sáng suốt, trải mật phơi gan cho con cháu rõ tất cả những điều suốt đời mình suy nghĩ nhằm răn dạy con cháu xử lý sự đời. Cho nên phải nói nhiều hơn, dùng phương pháp tùy bút viết rõ ra từng điều. Không thể đợi đến lúc không làm gì được nữa mới viết một mảnh giấy, chỉ định người kế vị là xong!”
Trương Đình Ngọc nước mắt ròng ròng nói: “Hoàng thượng giải bày gan ruột đối với thần, lẽ nào thần sợ mà không nói? Theo xem xét hàng ngày thần thấy, trong số A ca, người tài đức có thể theo gót Hoàng thượng, hình như Tam A ca và Bát A ca tốt nhất. Có điều Tam A ca thiếu là tài xử lý công việc, còn chưa từng trải; còn Bát A ca, hình như quá nhân nhượng với người, chứ không có sai phạm gì lớn”.
“Còn khanh?” Khang Hy quay mặt nhìn Phương Bao.
“Về học vấn, các A ca đều không tồi”. Phương Bao cân nhắc câu chữ, “nhưng điều quan trọng nhất là quan sát tình hình, hiểu thấu sự vật, xử việc nhanh nhạy quyết đoán. Minh Hoàng thời Đường, Gia Tĩnh thời Minh, học vấn đều rất giỏi, nhưng thực ra đã làm hỏng việc. Xem thời cuộc hiện nay, nếu Bát A ca kế vị, thì việc gì cũng không trở ngại, nhân tâm dễ ổn định, quyết không đến nỗi sinh loạn. Nhưng Bát A ca chỉ học được cái đạo làm người ở phong độ, dáng vẻ bên ngoài của Hoàng thượng, mà không học được cái đạo làm vua của Hoàng thượng. Cho nên, dù là Tam A ca, hay Bát A ca, thần cho rằng không nên lấy”.
Ông nói tuy uyển chuyển, nhưng Khang Hy lại nghe được âm thanh bên ngoài sợi dây, hai vị A ca không học được cái tinh túy trong đạo làm vua của Khang Hy. Khang Hy nói: “Các khanh cứ việc nói, tốt nhất là không nên che dấu điều gì”.
“Thần suy đoán ý Hoàng thượng”, Trương Đình Ngọc trầm ngâm nói: “Lần này sẽ bắt đầu dùng Thập tứ A ca. Nhưng Thập tứ A ca là người do Bát A ca điều khiển. Dận Đề thẳng thắn, dám làm, mẫn cảm từng trải là tốt. Mấy năm nay chỉnh quân, điều lương, rất có hiệu quả. Nhưng anh ta làm người, xử sự có vẻ quá liều lĩnh, không thể không suy tính”.
“Khanh không nên suy đoán ý Trẫm. Trẫm chưa có ý gì cả”, Khang Hy mỉm cười nói: “Khanh cứ việc nói”. Trương Đình Ngọc nuốt nước bọt, nghiêng người nói: “Vâng. Thập tứ A ca quả thật có chỗ chưa đủ. So ra, thì Thập tam A ca tốt hơn. Nhưng Thập tam A ca hình như không có sức tự lập, làm chủ một phương, xử lý một việc là bầy tôi tốt, chứ cái gánh to hơn một chút, e khó đảm nhận nổi”.
Phương Bao nói: “Đình Ngọc nhìn rất thấu triệt. Thần cho rằng cũng nên nghĩ tới Tứ A ca. Tứ A ca làm người hiếu đễ, là người làm việc có kinh nghiệm nhiều nhất trong số các A ca. Không kể việc to việc nhỏ đều làm rất nghiêm túc. Ý chí tự lực rất mạnh nên không dễ dàng xu phụ nhờ đỡ người khác. Nhưng tính cách anh ta cứng như sắt thép. Do quá nghiêm túc nên bị mang tiếng là khắt khe nham hiểm, cũng không thể phủ nhận đó là một khuyết tật”.
Tiếp theo hai người lại bàn tới Dận Đường, Dận Nga, thậm chí cả Dận Lễ. Nói gần một nửa canh giờ. Khang Hy thấy đã tới giờ điểm tâm sáng, liền truyền mang điểm tâm ban cho hai người cùng ăn, rồi thở ra một hơi nói: “Nói cả buổi, ai cũng đều có chỗ tốt, và chỗ không tốt, rốt cục ai tốt nhất, có thể giao cho hắn cái giang sơn hoa gấm này?”
Trương Đình Ngọc thấy Khang Hy bắt chéo chân ngồi tâm sự không chút dấu diếm, ông mạnh dạn nói: “Thần cho rằng Thập tứ gia và Tứ gia tốt nhất.”
“Vậy hả?” Khang Hy xén một mẩu bánh, nhai chậm chậm, cười nói: “Đó là anh em một mẹ. Trẫm lại thấy Dận Tự cũng không phải không lấy được!”
Phương Bao nghiêng mình nói: “Tha cho thần nói thẳng. Vừa rồi đã có nói, về phẩm dáng, tài năng, phong độ, Bát gia quả là xuất chúng nhất trong số A ca, tính cách nhân hậu từ tốn rất giống Hoàng thượng, Ngay cả sứ thần nước ngoài cũng nói Bát gia là người kỳ lạ. Mọi người đều thấy đúng điểm này, cho nên trăm miệng một lời đề cử anh ta. Nhưng bây giờ thiên hạ thanh bình lâu ngày, sản vật giàu dân sung túc, đã hơn hai mươi năm không động binh đao, quan văn nhàn rỗi quan võ chơi bời, tệ nạn tích đọng rất nhiều, rất cần chỉnh đốn, thì Bát gia khó đảm trách nổi”.
“Đúng như Phương Bao đã nói!” Trương Đình Ngọc tiếp lời: “Cho nên người kế nghiệp phải sáng suốt cứng rắn, có thể sửa chữa tệ đoan thời thế. Một là phải hiểu thấu quan lại dân tình, hai là nghị lực kiên cường đủ để công phá, khắc phục! Thần tỉnh táo quan sát, Hoàng thượng không thích Bát A ca nguyên nhân là ở đây!”.
Ông chưa nói xong, Khang Hy đã xúc động đứng lên, đi qua đi lại, tiếng ủng sột soạt, rất lâu mới ngước nhìn trời than thở: “Các khanh nói rất đúng, trải bao khó khăn dựng nghiệp, Trẫm muốn có một ông chủ tầm thường để kế nghiệp ư? Thế nào là con hiếu, thế nào là con bất hiếu, không phải xem hắn đi đứng ăn mặc nói năng làm người, điều quan trọng nhất là hắn có thể cai trị tốt giang sơn này hay không! Các khanh nghĩ xem, Trẫm đã quá khoan dung nhân từ, Dận Tự còn khoan dung nhân từ hơn cả Trẫm, Trẫm đã quá thả lỏng bên dưới, hắn còn thả lỏng hơn cả Trẫm, mười năm nữa sẽ thế nào? Phải hiểu hồi trước Trẫm không như vậy! Trẫm, vị thiên tử thái bình này đã phải trải qua bao gian khó, một đao một thương, một giọt máu, một dòng nước mắt, khổ sở lắm mới giành lại được! Công danh mỗi người phải giành lấy, con giỏi không nhờ bố mẹ nuôi, cái gì đạt được dễ dàng thì bỏ đi không tiếc. Trẫm quyết ý không truyền cho Dận Tự, chính là vì lẽ này!”
“Vạn tuế sáng suốt!” Phương Bao nói dứt khoát: “Thần cho rằng trong hai người Dận Chân, Dận Đề, tất có một người là phượng kêu hướng mặt trời!” Khang Hy ánh mắt lóe sáng, rồi chợt như không có chuyện gì, cười nói: “Trời không có hai mặt trời, dân không có hai chủ, Hoàng đế chỉ có một người. Các khanh xem người nào tốt hơn?”
Đến lúc này hai người hoảng kinh cảm thấy, hôm nay phải chăng đã nói quá nhiều, quá thẳng. Trương Đình Ngọc đang suy nghĩ nên đáp thế nào, đã nghe Phương Bao cười nói: “Người nào tốt hơn, Thánh thượng hỏi quá đột ngột, thần trước nay chưa hề nghĩ tới. Nếu nói đạo làm tôi, thì hôm nay thần và Trương Đình Ngọc đã ra ngoài lễ nghi, vượt quá bổn phận rồi. Đây là chuyện ông chủ phải tự mình quyết đoán, dù cho Thánh thượng có hỏi, thần tử cũng không nên nói bừa. Nhưng nếu là người áo vải, được nhận ân sủng đặc biệt của Ông chủ, thì không thể trốn tránh theo thói thường. Hai Hoàng tử này, nếu Hoàng thượng đã có định kiến thì thôi, nhưng nếu còn do dự, thần có một cách để cho Hoàng thượng quyết!”
“Phép gì?” Ánh mắt Khang Hy bỗng trở nên bức bách hăm dọa.
“Xem hoàng tôn!” Phương Bao nói lạnh lùng, “có một hoàng tôn tốt, sẽ bảo đảm được nhà Đại Thanh ba đời thịnh trị”.
Khang Hy bỗng nhớ tới Hoằng Lịch đã gặp trong chuyến đi săn ở Nhiệt Hà. Khang Hy bấm đốt ngón tay, vừa định nói: “Trẫm được rồi!” nhưng dừng lại, cười khanh khách: “Phương Bao, câu nói của khanh đáng giá vạn lượng vàng ròng! Có câu: Kẻ có trí hơn thánh triết thì không thọ, người nhìn thấy cá đầu nguồn thì không lành, khanh phải chú ý một chút! Trẫm thấy, khanh không nên làm việc ở phòng dâng thư nữa. Hằng ngày đến đây, đây có nhiều sách quý, thư tịch mật, không có việc thì đọc sách, có việc Trẫm sẽ tìm khanh, chuyên tâm nhuận sắc di chiếu của Trẫm. Chỉ cần lưu ý một điều, phải thận trọng chặt chẽ khi kết giao với bên ngoài. Nếu không, tuy Trẫm yêu khanh nhưng không thể bảo vệ được”.
“Vạn tuế!” Phương Bao bất giác ngạc nhiên, ông hoàn toàn không nghĩ tới Khang Hy đem một việc cơ mật trọng yếu giao cho mình chuyên làm, ông hoảng hốt tim đập loạn xạ, vội nói: “Thần tài hèn sức mọn, e không đảm nổi nhiệm vụ to tát đó!” Trương Đình Ngọc ngầm thở phào, nghĩ rằng: Hòn than cháy bỏng chết người kia không rơi vào tay mình, hú vía!
Khang Hy đi tới trước cửa sổ, đẩy cánh cửa nhìn sửng bên ngoài, một hồi lâu mới nói: “Buồn thay khí trời mùa thu, Tống Ngọc không bệnh mà rên! Trong vườn giờ đây hồng gầy xanh hiếm, sang năm đầu cành lại đâm chồi nảy lộc, thì cũng là phong cảnh này!” Nói xong quay người đi đi lại lại, ánh mắt thâm trầm nhìn chăm chăm Phương Bao và Trương Đình Ngọc đang hoảng hốt bất an. Nhà vua nói vẻ u uất: “Trương Đình Ngọc, khanh nhiệm vụ càng nặng! Phương Bao giúp viết di chiếu, còn khanh phải giữ gìn tốt, một bước đi sai, chín họ chịu họa, khanh rõ chứ?”
“Nô tài hiểu rõ!” Trương Đình Ngọc sắc mặt trắng nhợt, sụp quỳ mọp lạy: “Nô tài không có sở trường gì, chỉ phụng sự vua một lòng trung thành thận trọng, còn có lòng tự tin. Nô tài lấy tính mạng cả nhà ra bảo đảm!”
Khang Hy khoát tay lệnh cho ông đứng dậy, vẻ mặt lạnh lùng như xoa một lớp sương mù, nói: “Bảo toàn lệnh danh của Trẫm, tức là giữ gìn giang sơn xã tắc Đại Thanh, quả thật không gì nghiêm trọng bằng! Bắt đầu từ hôm nay các khanh cũng nằm trong vòng nguy hiểm, đương nhiên Trẫm phải bảo toàn các khanh. Gặp lúc bất đắc dĩ cũng phải áp dụng biện pháp khác thường. Bây giờ nói ra vô ích, các khanh chỉ cần nhớ câu này là được”.
“Dạ!” Trương Đình Ngọc và Phương Bao không lạnh mà run, khom mình đáp. Hai người giờ đây mồ hôi đã ướt đẫm áo trong.
Khang Hy nói thêm mấy việc cụ thể, nói: “Hai người nói chuyện ở đây, có chỗ nào cần bổ khuyết sẽ mật tâu với Trẫm sau”. Rồi nhìn theo hai người từ “mái tranh đơn sơ” đi trở về nhà Đàm Cư. Lại thấy Lưu Thiết Thành đứng trực trước điện, Lý Đức Toàn, Hình Niên đứng đón trước cửa Nguyệt Động, bên cạnh có Hà Trụ Nhi, Khang Hy bèn hỏi: “Hà Trụ Nhi, ngươi vào đây, có việc gì không?”
“Nô tài thỉnh an Ông chủ!” Hà Trụ Nhi lạy, rồi đứng lên vái một cái, nói thận trọng: “Bát A ca bị cảm lạnh, người sốt cao, từ tối hôm qua không ăn uống gì, toàn nói mê sảng... Bát phúc tấn sai nô tài vào đây, thay mặt Bát A ca thỉnh an Ông chủ. Nói sợ Bát gia có gì bất trắc, muốn mời Ông chủ nhân tiện đến gặp mặt. Bát gia trong cơn sốt cứ gọi Vạn tuế, nô tài thấy thật đáng thương...”. Khang Hy ngước mặt suy nghĩ, hỏi: “Thái y đã khám chưa, nói là bệnh gì?” Hà Trụ Nhi nói: “Nói là bệnh sốt rét. Một hồi nóng một hồi lạnh, vật vã hai ngày hai đêm. Bát phúc tấn nói...”.
Khang Hy đã biết vị “Bát phúc tấn này”, là kiều nữ độc nhất của vương Khoa Nhĩ Tẩm Mông Cổ, lại là cháu ngoại của hoàng thái hậu, là người rất xảo trá hung ác. Nghĩ là người đàn bà này nhân Bát A ca có bệnh sai Hà Trụ Nhi tới, ngoài mặt nói là thỉnh an, nhưng ngầm dò xem thái độ của mình, nhân tiện cho mình leo cây đây, bèn cười lạnh lùng nói: “Ngươi trở về bẩm cho Phúc tấn ngươi, hai hôm nay Trẫm cũng không khỏe, sau mấy ngày đi lại được, nhất định sẽ đi thăm Bát A ca. Yên tâm, đều là máu thịt của ta, sao ta không thương. Đã biết là sốt rét, thì chẳng sao, đừng có hoảng hốt. Người ăn cơm ăn rau, ai không có lúc bệnh? Bảo hắn tĩnh dưỡng mấy ngày, đã bệnh rồi thì không cần đến vấn an. Các A ca khác cũng không cần ngươi đi thăm qua lại. Hình Niên, lát nữa ngươi truyền cho phòng thuốc, đem cho Liêm thân vương một ít bột canh-ky-na”. Nói xong gật đầu, dẫn mọi người đi vào.
Nhìn đám Lý Đức Toàn, Hình Niên oai nghi hùng hổ theo Khang Hy đi xa, Hà Trụ Nhi đứng ngây người, trong lòng vừa ham, vừa ghét, vừa hận, vừa hối.