Khang Hy Đại Đế - TẬP 4 - Chương 45

45

Giải Tứ Thư hiếp mèo để chuột làm hung

Răn hoàng tử, đánh lừa cho ngựa nhìn thấy

Vì Khang Hy trú trong vườn Sướng xuân, Hạ Mạnh Phủ đêm đó không về phủ, mà phi ngựa suốt đêm, mãi đến trời sáng mới trình thẻ vào xin gặp. Ông ta chỉ là một cung phụng lục phẩm, quan nhỏ chức thấp, không phụng chỉ vốn là khó gặp Hoàng đế, nhưng “thú tội” liên can đến Dận Nhưng lại không thể để cho người khác biết, ông phải khổ công thuyết phục bao nhiêu thái giám gác cửa mới chịu vào bẩm giúp. Một chốc đã thấy Trương Ngũ Ca đi ra, hỏi: “Ông có việc gì mà cần gặp Hoàng thượng gấp như vậy?”

“Bẩm Trương quân môn”, Hạ Mạnh Phủ cười nói: “Sự việc vô cùng quan trọng, đợi vào trong tôi xin bẩm cho đại nhân rõ! Đại nhân nghĩ xem, tôi, một quan lục phẩm nhỏ nhoi, trừ phi chán sống, chứ làm sao dám tùy tiện quấy rầy Hoàng thượng?” Trương Ngũ Ca nghĩ lời này có lý, bèn nói: “Ông theo tôi đi vào vậy. Ngụy Đông Đình Tổng đốc hải quan bốn tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Vân Nam, Triết Giang bị bệnh, Hoàng thượng đang triệu gặp Giang Ninh chức tạo Tào đại nhân đang ở kinh để hỏi bệnh tình. Đợi một chốc hỏi việc xong ta sẽ bẩm cho ông”. Hạ Mạnh Phủ thấy xung quanh không có người, vội ghé sát tai Trương Ngũ Ca, nói lại sự việc xảy ra đêm vừa rồi: “Quân môn, ngài xem, việc to như thế này, tôi làm sao dám chậm trễ!”

Trương Ngũ Ca bỗng dừng bước, “Thật hả?”, nhưng nhìn vào mắt Hạ Mạnh Phủ ông đoán chắc việc này quyết không dối trá, “Ông hãy đợi ở dưới hiên nhà Đàm Ninh, đợi Tào đại nhân đi ra, Hoàng thượng sẽ gặp ông”. Nói xong liền đi vào trong điện.

“Ngũ Ca, ngươi xem thử đây là cái gì?” Khang Hy đang nói tràng giang đại hải, thấy Ngũ Ca đi vào, chỉ vào mười mấy cái bao vải vàng đặt sau cửa điện nói. Trương Ngũ Ca ngơ ngác một chặp, dạ rồi nhắc lên một bao, thò tay vào, mò lấy ra một nắm, thì ra là gạo tẻ, hạt rất dài giống như cái suốt chỉ, hơi hồng như ngọc, bèn cười nói: “Bẩm Hoàng thượng, đây là gạo tẻ”. “Ngươi nói đúng, là gạo tẻ”. Khang Hy hơi xúc động, “Có điều ngươi không biết, nó thuộc giống lúa do ta trồng nên. Năm Khang Hy thứ 8, trồng thử ở Bắc Kinh, mãi đến năm thứ 17 mới thành công. Bây giờ các nơi Giang Tô, Triết Giang, Giang Tây cả Lưỡng Hoài cũng đều trồng, mỗi năm hai vụ - Đây là lúa mới vụ đầu, ngươi có hiểu không?”

Trương Ngũ Ca vốc gạo đưa lên mũi ngửi, mùi thơm bốc lên mũi, anh ngạc nhiên hỏi: “Làm gì có chuyện này? Đất Hoài Bắc thần quen thuộc nhất, trước nay lúa tẻ làm cũng khó khăn. Trời ơi, đó chẳng phải là một mẫu bằng hai mẫu sao?”

“Chính là bắt nó phải một mẫu bằng hai!” Sắc mặt Khang Hy ửng đỏ, Khang Hy đắc ý nói: “Hồi đó Trẫm gây giống bằng cách ‘truyền giống từng bông’ trồng thử giống lúa này ở Bắc Kinh, còn có làm một bài thơ nữa đấy! ‘Lúa tím nửa khoảnh xanh xanh ngắt, Quá yêu thời trước lúa ngự sâu. Nếu đem trồng rộng vùng xứ nóng, thấy được hai lần mạ lúa yêu?’. Vì sao nghĩ tới hai lần ‘mạ lúa yêu’? Chính là Trẫm muốn bàn dân thiên hạ được ăn thứ lúa ngon này! Chứ chỉ một mình Hoàng đế được hưởng thì có ý nghĩa gì? Bây giờ quả nhiên làm được rồi, làm sao Trẫm không vui mừng?” Nói xong, nhà vua cười thoải mái. Trương Ngũ Ca đi theo Khang Hy đã tám năm, chưa hề thấy nhà vua vui mừng như vậy, nên không nỡ bẩm báo sự việc Hạ Mạnh Phủ. Đang suy nghĩ nên nói thế nào, thì nghe Tào Dần nói: “Giống lúa này phổ biến rộng ra nhiều tỉnh, Ngụy Đông Đình ra công sức nhiều nhất. Ông ta mà biết mấy thạch lúa này làm ông chủ hân hoan như vậy, thì nhất định ông ta mừng vui không ngủ được đó!”

Khang Hy nghe ông ta nói về Ngụy Đông Đình, nụ cười đã biến mất trên gương mặt, một hồi lâu mới than: “Tiểu Ngụy Tử trung hiếu vẹn toàn, chỉ vì ông quá kỹ tính, lo lắng quá đỗi tích tụ sinh buồn, một nửa là bệnh thận, một nửa là bệnh tim - Khanh mang về thuốc canh-ky-na, bảo ông ta nhất định không được tùy tiện dùng nhân sâm - truyền lời Trẫm cho ông ta, chẳng phải đã thiếu nợ kho hơn bảy mươi vạn bạc sao? Tìm cách bù là được. Con trai lớn của ông ta cũng đã mười bảy mười tám tuổi rồi! Xây thêm một ty dệt may ở Nam Kinh, bổ nhiệm con trai ông ta vào, nhất định có cách trả thôi. Còn khanh chẳng phải cũng như thế sao? Dù sao người thiếu nợ càng ngày càng nhiều, pháp luật không trị số đông, Trẫm không thể thúc bức phải trả nợ! Ôi, mèo già thì phải tránh chuột. Trẫm không quản hết bao nhiêu việc! Các khanh cũng phải hiểu, nhân lúc Trẫm còn sống, cố lấp bớt cái hố nợ đi, sau này thay chủ mới, nghiêm khắc một chút, một số người chịu sao nổi?”

“Ông chủ đang vui vẻ như vậy, lại nói những việc này, làm nô tài đau lòng”. Tào Dần cười nói: “Ông chủ đã có lòng như vậy, quyết không thể chọn cho chúng nô tài một ông chủ khe khắt”.

Khang Hy không chú ý câu nói của Tào Dần, chậm chậm leo xuống sạp, từ từ đi hai bước, nói: “Tào Dần về nghỉ đi”.

“Hoàng thượng”, Trương Ngũ Ca thấy Tào Dần cáo từ đi ra, nhớ tới Hạ Mạnh Phủ còn ở bên ngoài, anh quyết liều nói: “Hạ Mạnh Phủ viện Thái y xin gặp Ông chủ”. Khang Hy liếc nhìn Trương Ngũ Ca nói: “Hạ Mạnh Phủ? Hắn có chuyện gì? Trẫm mệt rồi, có chuyện gì bảo hắn đi gặp Mã Tề”. Trương Ngũ Ca đành vâng dạ, nhưng vừa đi ra hai bước cảm thấy không được, anh liền trở lại nói: “Vạn tuế, ông ta muốn nói chuyện của Nhị gia, dù có gặp Mã Tề thì vẫn phải bẩm lại với Vạn tuế”. Rồi anh kể lể chuyện Hạ Mạnh Phủ tiết lộ vụ viết thư bằng phèn.

Khang Hy mặt đỏ gay, nôn nóng đi quanh hai vòng trong điện, rồi trấn tĩnh lại, nhưng sắc mặt vẫn tái xanh, nhà vua cười gằn một tiếng: “Ngươi bảo tên họ Hạ vào đây, rồi tới hiên Vận Tùng gọi Phương Bao, Mã Tề và Trương Đình Ngọc, bảo tới hết. Truyền chỉ: Đưa Dận Nhưng đến vườn Sướng xuân, các A ca ở kinh đều đến tất!” Khang Hy nói một câu, Trương Ngũ Ca dạ một tiếng, rồi lạy, lui ra, nói với Hạ Mạnh Phủ sắc mặt tái mét: “Vào nhanh đi, Hoàng thượng gọi ông!”

“Dạ!” Hạ Mạnh Phủ dạ một tiếng, đã có Lý Đức Toàn vén rèm cho ông. Hạ Mạnh Phủ tuy thường gặp Khang Hy, nhưng tiếp kiến chính quy thì mới là lần đầu. Hắn bước vào, báo danh, hai gối mềm nhũn quỳ xuống, đưa lá thư viết bằng phèn chua cho thị vệ.

Khang Hy không hỏi gì, chỉ ngồi trên mép sạp uống trà hết ngụm này tới ngụm khác. Phút chốc, nhà Đàm Ninh lặng như tờ, chỉ nghe chiếc đồng hồ chuông to ở góc tường ‘tích tắc’ đều đặn không nhanh không chậm, và nghe cả tiếng thở của Hạ Mạnh Phủ lúc to lúc nhỏ không đều. Không biết qua bao lâu, bên ngoài có tiếng nhiều bước chân rộn lên, tiếng vén rèm, Mã Tề đi đầu, tiếp sau là Trương Đình Ngọc, Phương Bao, còn cả Ung thân vương Dận Chân nối nhau đi vào. Trừ Phương Bao, mọi người báo danh rồi tất cả quỳ xuống trước sạp ngự. Khang Hy vẫn không nói lời nào, thần sắc trang nghiêm lặng im nhìn lên song cửa. Mọi người cảm thấy không khí trong nhà căng thẳng ngột ngạt, đè nặng trĩu, thở không nổi.

Ước khoảng hút xong một điếu thuốc, Lý Đức Toàn mới khẽ khàng bước vào, vái Khang Hy một cái, nói: “Bên phòng dâng thư, Hình Niên trả lời, Bát A ca Dận Tự hôm nay xin nghỉ, các A ca khác đều đã tới, không dám tùy tiện vào, đang quỳ đợi ngoài cửa”.

“Không dám tùy tiện vào?” Khang Hy cười gằn một tiếng, Trẫm vẫn còn những đứa con hiếu thảo như vậy sao? Mau mời tất cả các ‘ông lớn’ vào đây!” Tuy lời lẽ châm chọc ghẻ lạnh, nhưng nhà vua cũng đã mở miệng, mọi người cảm thấy dễ chịu hơn cái trầm lặng bức bối mang đầy sát khí vừa rồi, ai cũng ngầm thở phào một hơi. Rồi thấy Dận Kỳ dẫn đầu, theo sau là Dận Tộ, Dận Hựu, Dận Hàm, Dận Cồ, Dận Hợp, Dận Phu, Dận Chi, Dận Mật, Dận Lộc, Dận Lễ... cộng là mười ba vị A ca bước vào, mặt đều tái mét, tâm thần hoảng hốt, sau khi thỉnh an Khang Hy, đều quỳ xuống sàn. Chỉ hai người Dận Cồ, Dận Chi mạnh dạn hơn một chút, chốc chốc liếc nhìn Khang Hy. Khang Hy hỏi Dận Kỳ: “Trẫm nhớ hôm nay có hội văn trong Tông học, bây giờ Hùng Tứ Lý chết rồi, Thang Bân già rồi, e rằng không ai quản nổi đám ‘đức ông’ các ngươi! Ta muốn biết các ngươi học được kiến thức gì rồi?”

Dận Kỳ vốn không biết Khang Hy truyền gặp vì việc gì, vừa nghe nói tới bài học, anh thở phào nhẹ nhõm, nói: “Thưa A ma, kể từ lần trước ban chỉ, các hoàng A ca không phụng chỉ làm việc đều đến phủ Tông học đọc sách, các anh em rất yên phận. Hôm nay hội giảng, chúng con mời đại học sĩ về hưu Lý Quang Địa, giảng Tứ Thư ...”.

“Tứ Thư là sách tốt”. Khang Hy ừ một tiếng, “Lý Quang Địa là một người có học vấn, không đến nổi giảng sai. Trẫm muốn kiểm tra các ngươi rốt cục bản lĩnh được bao nhiêu. Dận Hàm, ngươi nói xem Tứ Thư nói về cái gì?” Dận Hàm không ngờ Khang Hy chỉ tới mình trước nhất, nhưng đề ra rộng như vậy, làm sao trả lời? Ngẫm nghĩ một lát, Dận Hàm đáp: “Tứ Thư là lời quan trọng, là lẽ tuyệt diệu nói về lập đức tu thân, ngước lên càng cao, nhìn xuống càng sâu, nhìn thấy phía trước, bỗng thành ở sau, nhưng có thể dò ra ngọn nguồn, chỉ nói một điều căn bản, là đạo nhân thứ”. Khang Hy cười nói: “Ngươi rất khéo, Trẫm hỏi rất rộng, ngươi đáp càng rộng hơn! Thế nào là nhân? Khắc kỷ phục lễ gọi là nhân, lòng trắc ẩn là do tính trời. Nhưng muốn thực sự làm tính trời không mờ, không loạn, tức là nói lễ, ngươi phải nhớ lấy”.

Dận Hàm vội lạy lĩnh giáo, nói: “A ma chỉ sắt thành vàng, nhi thần nhận lĩnh thấu cõi lòng”. Khang Hy lại hỏi: “Dận Cồ, theo ngươi Tứ Thư nói về điều gì?” Dận Cồ bị hỏi sửng sốt, đề vừa mới nói xong, sao lại hỏi nữa? Anh ngẫm nghĩ rất lâu, rồi nói: “Phụ hoàng sáng suốt dạy rất rõ, Tứ Thư nói về khắc kỷ phục lễ”.

“Khắc kỷ phục lễ không sai, nhưng trước nay không ít người ‘khắc’ không nổi cái ‘kỷ’, là cớ gì?” Khang Hy quay mặt hỏi Trương Đình Ngọc, “Đình Ngọc, khanh giảng cho hắn nghe đi!” Trương Đình Ngọc vội tới trước vái một cái, nói: “Vâng. Không thể khắc kỷ, đó là do tiêm nhiễm điều người làm vật muốn, nên không nhận biết ‘kỷ’. Không tri ‘kỷ’ đương nhiên cũng không tri bỉ, đến nổi bản tính mê loạn. Cho nên muốn khắc kỷ, không thể không bỏ công sức để cách vật trí tri, nghiên cứu để hiểu biết thấu suốt sự vật là không được!” Khang Hy nhắp trà rồi nói: “Dận Nga nghe rồi chứ, căn bệnh của ngươi là ở chỗ này, đừng cho rằng ngươi họng to, giọng lớn là phóng khoáng bộc trực, Trẫm thấy đó là thô tục!” Nhà vua lại hỏi Dận Đề: “Ngươi nói xem Tứ Thư rốt cuộc nói về cái gì?”

Đến đây Dận Đề mới hiểu, nếu trả lời theo sát câu hỏi của Khang Hy nhất định là bị hố, nên lạy nói: “Điều phụ hoàng và Trương Đình Ngọc nói, nhi thần đều ghi lấy làm lòng! Theo ý ngu muội của con, bất kể Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ, Mạnh Tử đều nói về học vấn tăng thêm trí tuệ cho kẻ sĩ, nhi thần học Tứ Thư là để phụ tá cho thánh chủ, lập công danh với đời, để lại sự nghiệp cho đời sau. Cho nên nhi thần cho rằng Tứ Thư nói những đạo lý sâu xa về trị nước bình thiên hạ!”

“Lời nói lớn lao thay!” Khang Hy cười nói: “Cuối cùng ngươi cũng có chút ý chí. Dận Chân, ngươi là anh cùng mẹ, hắn nói đúng không?” Dận Chân là A ca vào trước, lại là lớn nhất, không quỳ chung với đám Dận Kỳ, anh cảm thấy có chút bất an, thấy Khang Hy chỉ tới mình, liền nhân tiện quỳ xuống sàn, nói: “Phụ hoàng quá biết nhi thần, nhi thần chẳng những sùng Nho, mà còn trọng Phật. Vừa rồi các anh em mỗi người nói ý kiến của mình, đều có chỗ độc đáo. Nhưng Lục Tổ Huệ Năng dẫn ví dụ để hiểu nghĩa tinh tế, nói rằng ‘Tốt thì tốt rồi, xong thì chưa xong’. Nhi thần cho rằng bất kỳ thứ học vấn gì, rốt lại đều lấy lập tâm làm gốc. Bàn theo Phật học, tâm tức linh sơn; luận theo Nho học, trị nước bình thiên hạ, ví như cái quả, nếu không bỏ phân tưới nước, thì cái quả đó không đậu nổi. Cho nên bất kể tu thân, tề gia hoặc là trị nước bình thiên hạ, rốt lại, trước hết phải thành ý, không thành ý, thì không thể chính tâm, không chính tâm thì không thể cách vật, không cách vật thì không thể trí tri (biết thấu đáo), không trí tri thì không thể tu thân, không tu thân thì không thể tề gia, càng không thể nói tới trị nước, bình thiên hạ! Đó là ý nhi thần tâm đắc, chưa chắc là đúng, xin phụ hoàng chỉ dạy!”

Khang Hy khen ngợi, đưa mắt nhìn gương mặt khiêm tốn trang trọng của Dận Chân, một hồi lâu mới nói: “Điều ngươi nói chưa chắc đã cao sâu. Phương tiên sinh, bây giờ đến lượt khanh nói xem, sao im lặng vậy?” Phương Bao đứng một bên nghe cả buổi, trong lòng bao nhiêu mùi vị đều đủ cả. Khang Hy đối xử với người, trước nay là: với con nghiêm hơn họ hàng, với họ hàng nghiêm hơn thị vệ, với thị vệ nghiêm hơn triều đình, với nội thần nghiêm hơn quan bên ngoài, điều này ông đã cảm thấy từ lâu. Có lúc ông cảm thấy Khang Hy đối với con khắc nghiệt hơn bình thường, không hiểu nổi. Hôm nay Khang Hy mượn chuyện học vấn để đau xót mà châm biếm có phân biệt. Bây giờ Phương Bao mới biết người mà vị “Thánh quân” tuổi hơn sáu mươi này thành thật thương yêu vẫn chính là con của mình. Yêu mà biết cái sai của chúng, giận mà muốn chúng ganh nhau, so với người thường thì tình thương yêu này sâu thêm một bậc! Phương Bao biết Khang Hy thích nhất là câu trả lời của Dận Chân. Câu trả lời của Dận Chân thuận theo tâm trạng của Khang Hy mong muốn con mình nên người, hiếu đễ hòa mục, tuy không ý lấy lòng, quả thật là không có chỗ nào sơ hở có thể công kích. Thấy Khang Hy hỏi mình, đôi mắt nhỏ của Khang Hy lóe sáng, ông nói: “Tứ A ca nói quả là có lý. Thực ra ý kiến các vị A ca đều có chỗ độc đáo. Theo thần thấy, làm người bất kỳ lập (xây dựng) nhân cách, lập học vấn, lập công, lập đức, điều quan trọng nhất là hai chữ “thận độc”, lập trong khi lòng còn ham muốn vật chất, nếu như không dối lòng, phải kiểm xét mình trước, thì tâm địa mới trong sạch, chính đại, xem xét sự việc mới tinh tường, theo đạo lý mà làm, thì không nơi nào không tốt. Vạn tuế hỏi một đằng, còn thần bên cạnh lại nghĩ một nẻo, thực ra mọi người đã nói nhiều rồi, thần đành chỉ đứng ở chỗ trống mà khai thác một ý thêm mà thôi”.

“Các ngươi nghe rõ chưa? Đây đúng là cái đạo lý chân chính!” Qua tấm rèm, Khang Hy thấy Hình Niên dẫn Dận Nhưng tới trước thềm nhà Đàm Ninh, nhà vua bỗng nghiêm nghị, nheo mắt nhìn các con, nói: “Hôm nay Trẫm bảo Dận Nhưng tới, để hắn thuyết pháp với các ngươi”, nói xong khoát tay, lạnh lùng nói với bên ngoài: “Đã tới rồi thì vào đây!”

Dận Nhưng mặc chiếc áo dài kép bằng lụa, đi theo Hình Niên vào trong điện. Người vẫn còn sốt, anh run lên như không chịu nổi cái lạnh. Thấy Khang Hy, anh đau khổ lúng búng một chặp, bỗng ngã vật ra đất, nói run run: “Tội thần... con Dận Nhưng thỉnh Hoàng A ma kim an...”. Anh xuất hiện lập tức bao ánh mắt đổ dồn vào. Người ta nhìn vị thái tử đã bị phế truất bảy năm với thần sắc ngạc nhiên, lạ lẫm. Anh ta từng ở trên tất cả bọn quan triều, bây giờ lại rơi vào hoàn cảnh khốn khổ, ai nấy đều rầu rĩ và xúc động.

“Dận Nhưng”. Khang Hy không ngờ anh ta đang bệnh thực, ánh mắt lướt qua một chút dịu dàng thương hại, nhưng nhanh chóng biến đi mất tăm. Nhà vua lạnh lùng hỏi: “Có biết vì sao Trẫm truyền gọi ngươi đến đây không?”

Dận Nhưng ngơ ngác, lạy thưa: “Nhi thần không biết”. Khang Hy ngừng một lát rồi nói: “Ngươi bị giam mấy năm, việc bên ngoài đương nhiên không biết. Hiện giờ quân A Lạp Bồ Thản công hãm Thanh Hải, đại tướng Sách Linh bộ tộc Chuẩn Cát Nhĩ đưa quân chiếm lĩnh La Xa. Vốn lúc ngươi còn tại vị ngươi đã sắp xếp cho Truyền Nhĩ Đơn, Kỳ Đức Lý giữ núi A Nhĩ Thái, Ngạch Lỗ Đặc giữ Tây An, Trẫm cũng cho rằng vô cùng thỏa đáng, có ngờ đâu thất bại nhục nhã, manh giáp chẳng còn! Hơn sáu vạn người tử trận trên sa mạc Gôbi, nghĩ tới mà kinh hoàng!” Dận Nhưng nghe Khang Hy nói giọng không nặng nề lắm, cơ hồ như truy cứu trách nhiệm, lại như tìm mưu lược, có lẽ nào có người bảo lãnh cho mình nhanh như vậy sao? Nghĩ thế, anh lạy nói: “Nhi thần ban đầu điều mấy tướng lĩnh đồn trú Tây Cương, vì họ đều từng là lính của Phi Dương Cổ tây chinh Chuẩn Cát Nhĩ, thông thạo hơn về tình hình phía tây. Thực ra Truyền Nhĩ Đơn tự đại nóng nảy, còn Ngạch Lỗ Đặc cạn cợt thô lỗ, ngu dốt đều không phải là tướng tài, chỉ vì một lúc không tìm ra người nên miễn cưỡng bổ nhiệm. Nay mất tướng nhục vua, đều do con lúc đó vô phương điều độ, xin phụ hoàng gia tội nặng. Ban đầu vì tội của con, gây nên cái loạn bây giờ, xin phụ hoàng mở lượng cho nhi thần được lập công chuộc tội, đáp đền muôn một”.

“Ngươi học Mao Toại tự đề cử mình, dũng cảm nhận trách nhiệm, vốn là rất tốt”. Khang Hy lại than: “Đáng tiếc, ngươi đi không được. Bởi vì người tiến cử không được tiến cử mình, người được tiến cử thì còn thiếu sự quang minh chính đại!” Dận Nhưng tim đập thình thịch, anh không đoán được ý Khang Hy, nên nói thăm dò: “Nhi thần là người chuộc tội đã đóng cửa đọc sách bảy năm, biết rõ cái sai ngày trước. Ý vốn chỉ nguyện suốt đời nhìn lên vách mà suy nghĩ tội lỗi, yên ổn sống qua ngày dưới sự che chở của phụ hoàng. Nhưng hiện giờ nước nhà có việc, chúa lo thì tôi nhục, cây mục một nửa, thợ tốt không bỏ, xin phụ hoàng đừng lấy cái sai ngày trước làm cho con phải nuốt hận suốt đời...”. Nói tới đây, không biết câu nào xúc động tâm tình, Dận Nhưng đã nước mắt như mưa.

Khang Hy cười gằn nói: “Ngươi đừng quá thông minh như vậy, vừa làm quỷ, vừa làm Chung Quỳ trừ ma, một mình muốn diễn một vở tuồng! Một đời ngươi thiệt thòi ở chỗ, vừa không thành thực, vừa bất tài!” Nhà vua bỗng nhảy dựng lên chụp lấy tờ giấy trắng, ném ra trước mặt Dận Nhưng, nói nghiêm khắc: “Đại thần phòng dâng thư và các em ngươi đều ở đây, ngươi nói to lên một chút, đây là cái gì?” Dận Nhưng vừa thấy tờ giấy, khiếp sợ như muốn xỉu, anh quỳ mọp trên sàn, toàn thân run rẩy, những giọt mồ hôi to như hạt đậu lăn chảy xuống, anh không nói được một lời nào!

“Dùng nước phèn viết chữ, dùng mưu chước đưa tin, tâm tư này, tài năng này, các ngươi ai biết? Ai nghĩ ra được?” Khang Hy ánh mắt dữ tợn liếc nhìn các hoàng A ca, “Dùng những trò tiểu nhân để qua mặt Trẫm? Nói cái gì chỉ muốn nhìn vách tường mà suy nghĩ tội lỗi, làm sao trong thư lại nói ‘trong ngục nhìn trời, huyết lệ đã cạn’? Ngươi muốn làm tôi hiền con hiếu, Trẫm mong mà mong không được. Vì sao lại dùng những mánh khóe ma mãnh đó?”

“Phụ hoàng!” Dận Nhưng trong lòng vừa sợ vừa buồn: “Con quả thật không có chỗ để nói lòng mình, cực chẳng đã mới phải dùng hạ sách đó...”.

“Đồ rắm thối!” Khang Hy nhổ một bãi nước bọt, “Ngươi mỗi lời nói mỗi hành động mỗi lần ăn uống, không có thứ gì Trẫm không biết! Có tờ tâu không thể nhờ phủ Nội vụ chuyển thay sao? Với kiến thức như vậy, Trẫm giao binh quyền cho ngươi, ngươi cử binh gây hại, tước đoạt cơ nghiệp của Trẫm?” Dận Nhưng sợ, mặt không còn sắc máu, chỉ liên tiếp dập đầu lạy, nói không thành tiếng: “Nhi thần không có ý đó, nhi thần đâu dám...”.

“Đương nhiên ngươi dám, ngươi đã dám rồi đó! Nếu ngươi không dám làm sao có ngày hôm nay?” Khang Hy giận dữ quát: “Ngươi tuy là kẻ tầm thường, nhưng lá gan không nhỏ!”

Đến lúc này mọi người đều sợ điếng người, trong điện lớn, rền vang vang những tiếng gào thét giận dữ của Khang Hy: “Ngươi tưởng ta ra cái đề thi ‘Thả Thái Giáp về Đồng Cung’, là đến lúc ngươi ra ngoài tung cánh hả? Cho ngươi biết, bất kỳ là ai hễ có dã tâm ngang ngược, thì không thể sống được trong tay Trẫm! Trẫm tuy tinh lực không được việc nữa, nhưng trong lòng còn sáng tỏ!” Đến đây, Khang Hy thở ra nặng nề, nhà vua bưng chén trà nhắp một ngụm. Trương Đình Ngọc, Mã Tề cũng sợ đã quỳ xuống từ lâu. Phương Bao tuy còn đứng được nhưng tim cũng loạn đập thình thịch, khó khăn lắm mới có dịp xen lời liền bước tới vái một cái nói: “Chúa thượng, Dận Nhưng chẳng qua chỉ là một con chim trong lồng, cần gì phải nổi nóng dữ như vậy? Răn dạy mấy câu, để cho y lui về là xong”. Mã Tề cũng vội nói: “Xin Hoàng thượng bảo trọng mình rồng”. Cùng một lúc, Dận Chân và các A ca đều rập đầu xin tội cho Dận Nhưng. Dận Nga vừa rập đầu vừa nói liều: “Cũng không trách được Hoàng thượng tức giận, thực ra, truy tới gốc, đều do Truyền Nhĩ Đơn sai trái...”.

Mọi người xôn xao lên tiếng ồn ào, Dận Nga chẳng qua chỉ nói liều bậy bạ, đánh ngọn quyền thái bình góp vui mà thôi. Nhưng Thập thất A ca Dận Lễ cố ý moi móc cái xấu của anh ta, đợi mọi người yên lặng, Dận Lễ mới nói: “Vừa rồi Thập ca nói phụ hoàng oán tức Truyền Nhĩ Đơn, em nghe chẳng hiểu đầu đuôi ra sao cả?”

“Truyền Nhĩ Đơn hả...”. Dận Nga bị chú em vạch trần sững sờ một lúc, anh trợn mắt suy nghĩ cả buổi, nói: “Ta nghe nói hắn giết bậy người Mông Cổ ở A Nhĩ Thái, gây ra hiềm khích biên cương rồi không ứng phó được, sai người ta đem bánh bao nhân tới, triều đình cũng phải ban hiệu thụy cho ông. Hắn ta không chọc tức A Lạp Bố Thản, thì làm gì có chuyện Nhị huynh hôm nay?” Mọi người thấy anh ta huyên thiên bậy bạ, ai cũng muốn cười nhưng không dám. Dận Lễ lại giả vờ không hiểu, hỏi: “Chẳng phải là bảo người Mông Cổ giết thêm mấy con em tám cờ, chiếm Thanh Tạng, rồi chiếm Trung nguyên, triều ta bị giết xác phơi đầy đồng thì phụ hoàng không tức giận chắc?”

Lúc này tiếng người lưa thưa, hai anh em cãi nhau, mọi người đều nghe rõ ràng, muốn cười nhưng không dám. Khang Hy tức giận tím mặt, quát to: “Người đâu!”

Đám tự vệ Đức Lăng Thái, Trương Ngũ Ca, Lưu Thiết Thành vội bước tới dạ một tiếng: “Có mặt!”

“Mang hai tên súc sinh ra ngoài đánh mỗi đứa hai mươi roi mây, cho thật đau vào!”

“Dạ...”.

Ba người thị vệ đưa mắt nhìn nhau, thấy không ai ra mặt xin xỏ, đành khênh Dận Nga và Dận Lễ ra. Một lúc, bên ngoài truyền vào tiếng roi mây quất vun vút.

“Phương Bao nói đúng, ngươi chẳng qua là một con chim trong lồng”. Khang Hy thấy mọi người ai cũng sợ tái mặt, lông tóc dựng lên len lén nhìn mình, nhà vua cười lạnh lùng, nói: “Có lẽ cái lồng này đan bằng vàng sợi, cho nên Dận Nhưng ngươi vẫn có những suy nghĩ không đúng danh phận. Trẫm vốn định hôm nay giết chết ngươi, nhưng sợ người ta nói, hổ dữ không ăn thịt con. Với ngươi tội chết có thể miễn, nhưng tội sống khó tha. Ngươi không thể ở trong cung Hàm An, bởi vì nơi đây không ‘an’ được lòng ngươi. Cho nên chuyển ngươi sang viện Thượng Tứ - Hình Niên đâu?”

“Nô tài có mặt!”

“Đưa hắn đi!”

Mọi người đều tản đi. Khang Hy giữ lại Phương Bao, hỏi: “Sự việc hôm nay Trẫm xử như vậy ngươi thấy thế nào?” “Hoàng thượng đánh lừa cho ngựa sợ, dụng ý rất tốt”. Phương Bao than rằng, “Còn ngựa có sợ không thì thần không dám chắc”. Lời nói chọc đúng tâm trạng mình, Khang Hy ánh mắt sáng lên, trầm tư hồi lâu mới nói: “Không nói chuyện đó nữa. Ngày mai khanh vào đây, gọi cả Trương Đình Ngọc, Trẫm có mật dụ cho các khanh”.

“Dận Nhưng còn đang bệnh”. Phương Bao nói: “Hoàng thượng không nên xử quá nặng”.

Trong lòng còn chua xót, Khang Hy cười nói: “Không sao. Viện Thượng Tứ thực ra không tồi. Cung Hàm An vẫn là một cái cung, cái tên này dễ làm hắn suy nghĩ bậy bạ. Dù cho là người khác, Trẫm cũng không muốn làm họ đến mức gân cốt rã rời tê bại, chỉ cần biết Trẫm, tay cầm cương này không dễ trêu là được rồi. Điều khiển là điều khiển, ai bảo Trẫm nuôi dưỡng một đám nghiệt chướng như vậy?”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3