Khang Hy Đại Đế - TẬP 4 - Chương 34

34

Gặp người quen cũ vui uống trà bà Kiều

Giảng điển tích xưa Phương Bao bình người xưa

Khang Hy quay mặt nhìn, một bà già khoảng trên dưới năm mươi tay đeo một cái làn không, lê đôi chân nhỏ đi tới. Chiếc áo khoác trắng như tuyết đã có chỗ vá nhưng giặt rất sạch sẽ. Thấy Khang Hy và Phương Bao đứng ngay dưới gốc cây, bà Kiều vừa đặt cái làn xuống, vừa cười nói: “Ni Nhi, còn hai vị khách, sao con đã dọn hàng rồi? Không mau rót trà ra!” Khang Hy gật đầu với Phương Bao, hai người ngồi xuống trước chiếc bàn trà nhỏ.

“Thưa cụ”, Phương Bao trong lòng nghi hoặc, cười nói: “Chúng tôi hâm mộ danh tiếng tới thăm! Trà bà Kiều đã nổi tiếng khắp vùng! Nghe nói bà... đã gặp Hoàng thượng?” Kiều Ni tay chân nhanh nhẹn sắp bát rót trà, nói: “Đã gặp Hoàng thượng thì làm sao? Nhưng người phận nghèo thì không sao giàu được!” Bà Kiều mắng: “Con chết dẫm, nói mò cái gì vậy? Bồ tát trên đầu, không được nói láo! Hoàng thượng đối với nhà ta ơn nặng như núi, không có Hoàng thượng làm gì có con? Chịu nghèo là cái số của mình, can dự gì đến Hoàng thượng?”

Khang Hy nhìn chằm chằm bà Kiều, mày nhỏ mắt to lưỡng quyền hơi cao, trừ nốt tàn hương người đẹp ở trán cảm thấy quen, nhưng không nhớ ra là đã gặp mặt, vậy cớ làm sao mà “ơn nặng như núi”! Nhà vua cười nói: “Chắc là sợ việc buôn bán khó khăn nên bà bịa ra câu chuyện để thu hút khách chứ gì? Bà gặp Hoàng thượng lúc nào, ông ta dáng người thế nào?”

“Chả trách ông không tin”. Bà Kiều múc nước đổ thêm vào ấm, than thở: “Đây là câu chuyện cũ ba mươi năm về trước. Nhà mẹ tôi ở Hàng Châu trồng được mấy mẫu vườn trà. Năm đầu Ngô Tam Quế làm phản, rể của bà Vương Vĩnh Ninh trú ở bên Tây Hồ. Ngày 3 tháng 3, hội đạp thanh, quân vương, quận mã dẫn theo gia đinh, chạy ngang đi dọc, cha tôi và anh tôi bị chen lẫn xuống hồ chết đuối. Cậu em cũng bị đụng chết trên cầu. Tôi đi kêu khắp các châu, các phủ, các tỉnh, hễ nghe tới vụ án quận mã nhà họ Ngô, Vương Vĩnh Niên thì không người nào dám ngó tới! Tôi thực tình không thể nuốt giận, dấu bà mẹ già, một mình hát rong xin ăn lên Bắc Kinh kiện lên vua. Năm đó tôi mới mười hai tuổi...”.

“À!” Khang Hy mắt sáng lên, nhà vua đã nghĩ ra rồi: Người đàn bà chưa già bao nhiêu này, chính là cô bé hát rong năm đó lên kiện không được chấp nhận đã bị phủ Thuận Thiên bắt vì tội “Nói bậy, mê hoặc chúng dân!” Nhà vua hỏi: “Bà có phải là Tiểu Hồng?” Bà Kiều kinh ngạc hỏi: “Cụ làm sao biết được? Tên nhỏ của tôi hồi ở nhà là Tiểu Hồng”. Khang Hy cười nói: “Bà vừa nói tôi đã biết ngay. Năm đó bà hát rong ở hội quán Triết Giang, tôi có nghe bà hát, bà đàn tì bà hay tuyệt!”

Bà Kiều liếc nhìn Khang Hy, hình như bà cố nhớ điều gì, nhưng dẫu sao thời gian đã qua ba mươi sáu năm rồi, ông già râu tóc bạc trắng ngồi trước mặt, khác rất xa với Khang Hy thời trẻ khoáng đạt. Rất lâu bà mới thở dài một tiếng: “Lúc đó Vạn tuế có nói, khi nào vào nam sẽ tới nhà tôi uống trà. Mấy chục năm đã trôi qua. Hoàng thượng đi thị sát phía nam năm sáu lần, Tô Châu, Dương Châu đều đi khắp, cũng không thấy Hoàng thượng tới. Tôi sợ Hoàng thượng đã quên lâu rồi, tôi cũng không còn nghĩ tới điều mong ước xằng bậy đó, nhưng trong lòng vẫn cứ canh cánh, năm nào cũng chuẩn bị trà tốt...”. Bà Kiều nói thao thao bất tuyệt, Khang Hy trong lòng rất cảm động, bưng chén trà sững sờ, Phương Bao cười nói: “Bà quá si tình rồi, quý nhân tùy tiện nói ra một câu, bà cứ tưởng là thật!” Bà Kiều vỗ tay than: “Đây chỉ là nói lên tấm lòng; bây giờ không nói được rồi, nhà cửa lụn bại, núi trà cũng bán rồi, chỉ còn lại một cây trà ở Quân Sơn thuộc giống ‘sợ giết người’ không nỡ bỏ. Một khi Vạn tuế thực đến uống trà, thì tặng cho Người”.

“Bà Kiều”, Khang Hy nước mắt lưng tròng, vội dụi mắt giả vờ bị cay, hỏi: “Ta nghe nói Hoàng thượng có ý chỉ bảo quan địa phương chăm sóc bà, cớ sao mà nhà cửa lụn bại?” Bà Kiều cười gượng nói: “Chăm sóc thì có chăm sóc nhưng số mạng mình cũng phải khá mới được! Năm Khang Hy thứ 16, tôi lấy chồng về nhà họ Kiều, người ta có bảy anh em, cuộc sống cũng khá giả! Không ngờ một trận lụt làm chết bốn mươi người trong nhà, bây giờ chỉ còn sót lại bà cháu tôi ba người, mà phải nộp thuế đinh cho sáu người. Tôi có giỏi mấy thì cũng chỉ đủ ăn qua ngày”.

Khang Hy nghe xong im lặng thở dài, đứng lên, Phương Bao cũng vội đứng lên nói: “Trời tối rồi, không thể ngồi lâu. Lượng bạc này, bà nhận lấy, ngày mai sắm thêm một ít bộ ấm chén ...” Nói xong liền chạy theo, mấy bước đuổi kịp Khang Hy. Hai người lặng lẽ đi một đoạn, Phương Bao hỏi: “Ông chủ, sao thấy ngài không vui?”

“Không phải không vui, mà đang nghĩ công việc”, Khang Hy nói lần thị sát phía nam này, có bao nhiêu điều nghe thấy ngoài tưởng tượng. Trong Tử Cấm Thành Bắc Kinh, không nghe đuợc những lời đó, không thấy được những chuyện đó. Chính trị hà khắc mạnh hơn hổ, sao Trẫm không sợ?”

Phương Bao đang suy nghĩ không biết an ủi Khang Hy thế nào thì Khang Hy lại nói: “Trở về bảo Đông Đình đến một lần nữa, nói rõ với bà Kiều là ta đã uống trà của bà, giúp thêm mấy lượng bạc!”

Trương Đình Ngọc đứng đón Khang Hy dưới chiếc đèn lồng quả dưa, anh nghiêng mình nói: “Đức Thái tử đưa thiệp thỉnh an tới, và cả thông báo kinh sư, người đem thư đang đợi ý chỉ của ông chủ!” Không để ý thần sắc trang trọng của Trương Đình Ngọc, Khang Hy ừ một tiếng, bước chân vào cổng.

Khang Hy vừa ngồi xuống định xem các sớ tâu do Trương Đình Ngọc đưa tới thì Ngụy Đông Đình đã bước vào. Khang Hy bỗng nhớ ra, bèn xé một tờ giấy nắn nót viết bốn chữ “Trà của bà Kiều” đưa cho Ngụy Đông Đình, nói: “Đợi một chút, khanh đi tới chỗ bà Kiều, thưởng cho bà mấy chữ này”. Ngụy Đông Đình cười nói: “Nô tài đã đi rồi. Tặng cho bà ba trăm lượng bạc. Lại có thêm chữ vua ban, việc sinh sống của bà ta không còn gì phải lo”. Nói xong, vẩy tay, hai thị vệ khênh một chậu sứ hoa, bên trong trồng một cây chè lá xanh óng mượt - nhẹ nhàng đặt xuống đất - Đây là cây trà “sợ giết người” bà Kiều tặng vua Khang Hy. Khang Hy trầm ngâm nói: “Cây chè này giống như tóc người đẹp, Trẫm thấy nên đặt tên là ‘Bích La Xuân’!”

Khang Hy xem sớ tâu một chặp, bỗng đổi sắc mặt, nhà vua ném bản tóm tắt tấu nghị xuống bàn đánh “phịch”, đứng lên tay cắp sau đít liên tục đi qua đi lại. Phương Bao cũng không yên lòng, đứng lên, mọi người đều nín thở, nhìn Khang Hy không chớp mắt.

“Thật không ra gì!” Một hồi lâu, Khang Hy mới nói: “Trẫm sở dĩ không giết Phong Thăng Vận ở hồ Lạc Mã, là muốn tuyên bố thiên hạ làm rõ điển pháp hình sự! Không biết tên Phong Thăng Vận dở thủ thuật gì ở Bắc Kinh mà Bộ xét chỉ quyết lưu đày ba ngàn dặm? Còn nói cái gì ‘ơn từ trên xuống’ ý còn muốn Trẫm khoan dung! Chẳng phải là tồi tệ sao? Còn danh sách lưu đầy bắt bọn tham ô hối lộ, xem chẳng ra thể thống gì! Làm Thái tử sao lại thiên lệch như vậy, không quang minh chính đại! Thiên hạ Đại Thanh ...” Nhà vua định nói “tất phải suy sụp trong tay người này”, lời đã ra đến bờ môi, vội nuốt trở vào.

Trương Đình Ngọc thấy Khang Hy chưa xem tới vụ án Nhiệm Bá An, biết rằng nói ra là đổ thêm dầu vào lửa, nhưng việc này trách nhiệm ở tể tướng, quyết không thể ngậm miệng, thấy Khang Hy hơi bình tĩnh lại, mới thừa cơ nói: “Tứ gia, Thập tam gia rất cẩn thận, hồ sơ toàn bộ niêm phong lại. Việc này liên lụy quá rộng, các quan lại bên dưới rất hoảng sợ, có người nói...” Lời chưa dứt, nhưng nhìn sắc mặt Khang Hy ông đã ngưng lại.

“Nói thế nào?”

“... Nô tài đáng chết!” Trương Đình Ngọc biết mình đã lỡ lời, lúng búng một lát, bèn quỳ sụp xuống đất. Khang Hy cười mỉa mai: “Nói Trẫm khoan dung Dận Nhưng?” Ngụy Đông Đình hoảng sợ mặt tái mét, vội quỳ xuống nói: “Lời này nô tài nghe thấy báo lại cho Trương Đình Ngọc. Thái tử trừng trị quan lại tham nhũng không sai, chỉ vì... chỉ vì... mức xét xử chưa thỏa đáng, nên lòng người xôn xao. Hiện nay Ông chủ tuổi đã cao, bên dưới bàn tán, nói bây giờ theo Ông chủ thì sau này không tránh khỏi chết; bây giờ theo Thái tử thì trước mắt khó thoát chết, hai đằng đều chết, nghĩ lại càng thêm lạnh tim...”.

Khang Hy tức giận phát run, nói: “Sợ chết thì đừng làm quan! Lời này có phải khanh Ngụy Đông Đình tham thiền ngộ đạo ngộ ra chăng?” “Nô tài đâu dám đặt điều nói bậy?” Ngụy Đông Đình liên tiếp rập đầu: “Hoàng thượng cứ xem thông báo khắc rõ. Hơn hai tháng có hơn bảy chục đại thần bộ viện và đại sứ biên cương dâng sớ cáo bệnh xin nghỉ! Nô tài là gia nô suốt đời của Hoàng thượng, chết vì Hoàng thượng là bổn phận của mình...”. Những lời tạ tội ông nói sau đó, Khang Hy không còn lòng dạ nào mà nghe, sững sờ một hồi lâu, bỗng thở dài nói: “Dận Nhưng đã nấu gạo thành cơm, không thể không bảo toàn thể diện cho hắn. Nhiệm Bá An không cần nói, quyết không có lý nào mà tha thứ được, chỉ bộ xét vụ án của Phong Thăng Vận cần phải nghiêm khắc bác bỏ!”

“Việc này nô tài nghĩ rất lâu”, Trương Đình Ngọc nói: “Tên Phong xúc phạm ngự giá, theo luật chỉ có thể lưu đày ba ngàn dặm. Bộ hình dẫn vụ án Trương Thích xúc phạm ngự giá làm tiền lệ, cho rằng Hoàng thượng nếu lúc đó giết ngay cũng được, nhưng đã chuyển cho xét xử, thì đương nhiên phải xử theo luật...”. Khang Hy nói: “Trương Thích chưa đáng để răn đời”. Trương Đình Ngọc vội nói: “Trương Thích là danh thần Tiền Hán, giữ luật nghiêm như núi. Nên đã thành lệ, nếu muốn bác lại phải tìm một danh nghĩa gì thích đáng lòng người mới phục!”

Phương Bao nghe nói cười gượng nói: “Xem ra tôi coi các vị bộ Hình quá cao! Phong Thăng Vận nịnh nọt kẻ đương quyền, ăn gọn tiền nhà nước đến mười vạn lượng, vì sao không nói những tội chính, chỉ nói hắn vô lễ với vua? Các vị tự cho mình là Trương Thích thời Đại Thanh, há chẳng biết bản thân Trương Thích là một người mua danh cầu tước. Hoàng thượng nói ông ta ‘chưa đáng để răn đời’, quả là một mũi tên trúng đích!” Trương Đình Ngọc nghe lời này nói gộp luôn cả mình, ông đỏ mặt, nhưng không tiện bác bỏ tại trận. Khang Hy cười nói: “Trẫm nói Trương Thích chưa đáng để răn đời, là chỉ quan lại không được viện dẫn bừa thành lệ, ông nói người ta mua danh cầu tước, quả là trước nay chưa hề nghe nói”. Phương Bao thấy Trương Đình Ngọc bối rối vội giải thích: “Trương Thích làm đình vệ, đối với vụ án oan của Châu Bột ông ta chưa có một lời tâu lên vua. Châu Bột trong ngục cả sớ biện bạch oan trái cũng không đưa ra được! Trương lại uốn lưỡi dẻo mồm nói những chuyện vụn vặt ‘xúc phạm ngự giá, trộm vòng ngọc miếu Cao tổ’, đó chẳng phải là mua danh cầu tước sao? Hán Thư đã dùng bút pháp Xuân Thu, đáng tiếc đã che dấu thế gian hơn một ngàn năm!”

Lời ông nói làm mọi người ngầm thán phục. Trương Đình Ngọc bèn cười nói: “Châu Bột bị tù oan quả là do tay Trương Thích, điều Phương Bao nói đúng. Các đại thần đã tránh nặng tìm nhẹ để chạy tội cho họ Phong, nói thẳng thắn, phải nghiêm khắc bác bỏ!” Khang Hy cười nói với Phương Bao: “Mời ngài vào cuộc!” Phương Bao vội nói: “Đình Ngọc theo tham chính mấy chục năm, cần mẫn thận trọng, trăm phương ngàn kế tình cờ gặp chỗ chưa chú ý. Hoàng thượng do vậy mà thay đổi bảo tôi phê chữ, là không phải đạo đối với kẻ sĩ. Hơn nữa tôi là quan áo vải, bên cạnh đế vương, chẳng qua là dự cùng với thánh cung giúp đỡ bút mực, nhàn du sơn thủy mà thôi. Việc lớn vẫn phải Trương Đình Ngọc làm!” Phương Bao tướng mạo không có uy, nhưng mưu việc rất tỉ mỉ. Lời này nói rõ mình không có ý tranh quyền tham chính, lại che bớt chỗ dở của Trương Đình Ngọc, vừa dịu dàng dễ nghe vừa đường hoàng chính đại, làm Trương Đình Ngọc bái phục trong lòng. Khang Hy cười nói: “Như vậy rất tốt, Trương Đình Ngọc vẫn phải làm”.

“Hoàng thượng”, Ngụy Đông Đình thấy sắc mặt Khang Hy dần dần nguôi giận, nhân đó khuyên can: “Sắp tới giờ Tý rồi, ngày mai còn đi núi Hạnh Bình nữa!” Khang Hy nói: “Không phải mình Trẫm, e rằng khanh cũng mệt rồi! Ôi, già rồi... vốn định vui vẻ mấy ngày, ai hay không thể như mong muốn! Khanh xem xem, mới đi ra mấy ngày, Bắc Kinh trở nên lộn xộn như vậy đó, còn có lòng nào mà ngắm cảnh? Ngày mai không đi đâu cả, lên thuyền trở về Bắc Kinh!”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3