Khang Hy Đại Đế - TẬP 4 - Chương 27
27
Ngừng ngắt dưa, gạt nước mắt thả A ca,
Lòng nghi kỵ, mượn đàn kể nỗi lòng
Xử trí xong việc thả Thái tử, trong lòng cảm thấy yên ổn, Khang Hy nằm đọc sách một lúc, bỗng thấy Trương Vạn Cường đi vào nói: “Vạn tuế, cứ nằm mãi thế này người khỏe cũng sinh bệnh, ông chủ nên đi lại một lát!”
“Được”, Khang Hy mỉm cười, “Trẫm cũng đã nghĩ thông rồi, việc không làm phiền người người lại tự làm phiền mình, thực ra đều là tự chuốc lấy, cái không vui. Trước còn nói với Trương Đình Ngọc, sang năm sẽ đi Giang Nam một chuyến. Việc nhà ở đây làm Trẫm lo lắng muốn chết được!” Vừa nói vừa cùng Trương Vạn Cường bước ra, đi về phía cung Từ Ninh, không gọi tùy tùng theo.
Trời rất tối, mặt đất trong cung hình như không bằng phẳng. Những ánh đèn nến lửa như ma nhảy múa. Không ngừng truyền lại tiếng hô gọi của Thái giám: “Hạ tiền lương xuống - coi chừng đèn lửa!” Khang Hy đang suy nghĩ, không hiểu sao chìa khóa trong cung gọi là “tiền lương”, quay đầu lại nhìn thì không thấy Trương Vạn Cường nữa. Đang bàng hoàng, thì phía trước một đội đèn cung đi trước dẫn đường một chiếc kiệu quanh co đi tới. Khang Hy định thần lại nhìn: À! Hoàng hậu Hách Xá Lý Thị đang ngồi bên trong!
“Ôi chao!” Khang Hy kinh ngạc mừng rỡ vồ tới, vịn càng xe kêu to: “Sao lại là ngươi? Bây giờ ngươi đi đâu đây?” Hách Xá Lý chỉ cười ngơ ngác không nói, Khang Hy như buồn như vui nói: “Hoàng hậu, sao ngươi không ngó đến ta? Chúng ta sống bên nhau từ nhỏ, trong phủ ngươi cùng nghe Ngũ tiên sinh giảng bài, cùng xem đàn kiến tha ruồi, đan lồng dế, đá cỏ gà, bắt đom đóm... ngươi nói lên đi!”
Hách Xá Lý cúi mặt xuống, một hồi lâu mới nói: “Người là Hoàng đế, không nghe nói mẹ quý nhờ con sao? Dận Nhưng không còn là Thái tử, thiếp cũng không còn là Hoàng hậu nữa. Hoàng thượng, hai chúng ta không còn duyên phận với nhau!” Khang Hy cũng không hiểu vì sao trong lòng buồn bã, nước mắt lã chã rơi: “Ngươi đừng nói kiểu đó. Dận Nhưng bất hiếu, đã phụ lòng Trẫm. Ngươi thấy rồi đó, vì chuyện này Trẫm sáu ngày sáu đêm không chợp mắt... Bây giờ chẳng đã tha cho hắn rồi sao? Ngươi xuống đây, chúng ta đi đánh cờ, đánh bài cũng được!” Nói xong nắm tay kéo Hách Xá Lý, thì thấy Khổng Tứ Trinh và Tô Ma Lạt Cô nắm tay nhau đi tới, phía sau còn có thái giám Tiểu Mao Tử, mọi người không ai thèm nhìn Khang Hy, đều đi vào cung Từ Ninh.
Khang Hy trong lòng hoang mang, theo bọn họ đi vào, trong cung người ngồi người đứng đều không để ý đến vua. Phía xa như có sương mù, bà nội Thái hoàng Thái hậu Hiếu Trang đang ngồi ở chính giữa, cũng mặt mày ủ rũ, không nói một tiếng. Đang trù trừ, thì lại thấy Ngũ Thứ Hữu và Tô Ma Lạt Cô dắt tay nhau bước vào. Thấy Khang Hy, Ngũ Thứ Hữu gật đầu vái chào, cười nói: “Long Nhi từ khi xa nhau vẫn mạnh chứ? Nhớ lại năm xưa giảng bài ở nhà Sơn Cô, từng bàn về những đế vương hiền lương thời xưa. Thần cho rằng lệnh chủ một thời, dựng nước dễ, trị nước bình yên khó; trị nước bình yên dễ, xử lý loạn lạc khó; xử lý loạn lạc dễ, chọn người thừa kế khó - Bây giờ thế nào?” Nói xong nghênh ngang bỏ đi.
Vô cùng sợ hãi, Khang Hy bỗng suy nghĩ, sao hôm nay toàn gặp những người đã mất! Vội huơ tay nói: “Trương Vạn Cường, đưa Trẫm trở về, trở về!” Đám thái giám cung nữ trong phút chốc biến thành yêu ma quỷ quái, có người nhảy nhót điên cuồng, có người lén cười hì hì, có tên giơ nanh múa vuốt xông tới. Lại thấy Ngao Bái bộ mặt thịt, mắt nhỏ máu, tiến sát lên từng bước, Khang Hy hoảng hốt kêu to: “Ngụy Đông Đình, ngươi ở đâu, sao không tới hộ giá? Mau mau!”
“... Vạn tuế, Vạn tuế!” Hình Niên đứng hầu bên sạp ngự, thấy Khang Hy nói mê, vội bước tới trước nói nhỏ: “Nô tài Hình Niên đang ở đây! Tứ gia, Ngũ gia và Cửu gia xin được gặp!”
Khang Hy liền mở mắt, thấy ngoài cửa sổ sáng trong, tia mặt trời chênh chếch, thân mình vẫn trong lụa là thế giới phồn hoa. Nhớ lại cảnh tình trong mộng, bất chợt tim đập thình thịch. Một hồi lâu mới định thần lại, hỏi: “Chúng có chuyện gì? Gọi cho vào!”
Trước bậc thềm, ba anh em đưa mắt nhìn nhau rồi nối đuôi nhau bước vào, làm lễ, nhất tề nghiêng mình đứng đợi bên cạnh, một lúc không ai nói gì. Khang Hy nhìn ba người, Dận Chân mặt mày buồn bã, Dận Kỳ, vẻ mặt lúng túng, Dận Đường trầm tư im lặng, thỉnh an không giống thỉnh an, tâu việc không giống tâu việc, bất giác buồn cười, “Các ngươi làm sao vậy?”
“Bẩm A ma”. Dận Chân nói: “A ma sức khỏe không tốt, các con vốn không nên đến tâu việc. Nhưng hiện giờ phủ Nội vụ đã bắt Bát đệ...”. Khang Hy bỗng ngơ ngác: Thế nào, ngươi Tứ ca cũng đến xin xỏ? Rồi cười gằn nói: “Trẫm nghĩ là các ngươi có lòng hiếu thảo, đến thăm A ma các ngươi bị bệnh! Té ra là sợ Bát đệ bị oan uổng! Từ khi sức khỏe Trẫm không tốt, tính ra đã có hơn nửa tháng, trừ Tứ ca đưa lại cho Trẫm hai chén thuốc, hai mươi bốn người con trai coi như chẳng có chuyện gì! Khi Bát đệ có chuyện thì đã cùng đến như một đàn ong!”
Ba người con vội quỳ xuống đất cái rụp, không dám thở mạnh. Dận Chân chỉ lặng lẽ rơi lệ, Ngũ A ca Dận Kỳ nói lắp bắp: “Phụ hoàng trách rất đúng, con bất hiếu!, nhưng chúng con đều thấy Dận Tự thật đáng thương, đặc biệt cử ba anh em chúng con đến cầu xin phụ hoàng nghĩ tình...” Dận Đường cũng nói: “Cầu xin phụ hoàng mở rộng lòng nhân từ, tha cho Bát ca...”.
Khang Hy thấy ba người cúi đầu rơi lệ, rất là thành khẩn, bất giác động lòng, đang định nói thì nghe tiếng ồn ào bên ngoài, hình như có người nào muốn vào, bị Ngũ Ca ngăn lại. Chỉ nghe một tiếng tát tai cái bốp, tiếp đến là giọng Dận Đề nói: “Ngươi là cái thá gì? Dám lôi kéo ta? Đồ lưu manh, đây là nhà của ta, cha ta ở bên trong, ngươi hiểu chứ?” Lại nghe Ngũ Ca nói: “Tôi chỉ biết Thiên tử đang ở bên trong, đây là nơi có quy tắc! Thập tứ gia, cho dù ngài có giết chết tôi, thì tôi cũng không thể để ngài đi vào trong khi không có chỉ!” Khang Hy suy nghĩ trước sau, lập tức hiểu ra: Các con muốn gây sự rồi, máu trong người bốc cả lên, sắc mặt đỏ tái, vua bèn quát to: “Võ Đơn, Võ Đơn!”
“Có nô tài!” Vì hoàng tử đánh thị vệ, Võ Đơn đang không biết xử trí thế nào, vội bước tới nói: “Thập tứ A ca...”.
“Ngươi gọi tên súc sinh đó vào”, Khang Hy nói giọng khàn khàn, “nghe xem hắn nói bậy bạ những gì?”
Thập tứ A ca Dận Đề khí thế hùng dũng, hiên ngang bước vào, tức giận quỳ xuống, chỉ tay ra bên ngoài nói: “Xin phụ hoàng trị Trương Ngũ Ca về tội ngăn cản hoàng tử vào gặp vua!”
“Hắn ngăn cản đại xa giá của ngươi chăng?” Khang Hy tức giận người run bần bật, “... Được, coi như là đúng đi! Ngươi cố quyết xông vào cung kiến giá, có việc gì?” Dận Đề cũng không nhìn Khang Hy, hắn gân cổ lên nói: “Con xin hỏi phụ hoàng một việc”.
“Gì?”
“Bát huynh Dận Tự mắc tội gì, mà xích tay bắt giam?”
“Chiếu dụ ngươi không nghe hả?”
“Đều là những tội danh không hề có, làm sao thuyết phục thần dân thiên hạ?”
“Làm sao... ngươi biết được là ‘không hề có’?”
“Bẩm Hoàng thượng”. Dận Đề dõng dạc nói, “Ở Nhiệt Hà đích thân phụ hoàng ca ngợi Bát A ca ‘biết việc lớn, được lòng người’, tại phòng dâng thư còn nói trước mọi người là Bát A ca khoan dung độ lượng, khi biếm truất Đại A ca lại nói Bát A ca tốt. Việc tiến cử, trên có chiếu dụ của phụ hoàng, dưới có quần thần tiến cử, con thật không hiểu nổi!”
Khang Hy sửng sốt trước những lời nói rạch ròi của anh ta, một hồi lâu mới giận dữ quát to: “Ngươi quá cuồng vọng...”.
“Vật bất bình thì kêu, phụ hoàng ngày thường răn dạy hoàng nhi như vậy”. Dận Đề dập đầu nói: “Tuy cuồng nhưng không vọng!”
Khang Hy sắc mặt lúc tím lúc tái, cười gằn một tiếng: “Giỏi thay, một tên cuồng mà không vọng ...” Nhà vua im lặng, quay người lấy thanh bảo kiếm treo trên vách, giơ lên, tiến sát về phía Dận Đề. Mọi người trong điện hoảng kinh, không còn hồn vía. Dận Kỳ thực thà nhưng tỉnh lại nhanh, vừa khóc vừa hét “Hoàng A ma”, rồi nhoài người tới, hai tay ôm chặt gối Khang Hy, ngước mặt khóc nói: “... Chúng con không hy vọng người thương tình, chỉ mong nghĩ tới Thái hoàng Thái hậu... Thập tứ đệ được nuôi dạy, lớn lên... trong cung cụ Phật bà...”.
Dận Đề bên cạnh bị anh nói trúng nổi đau ngầm, bật lên tiếng khóc to: “Xin Hoàng thượng giết chết con đi... Làm người sống vậy không còn ý nghĩa gì...”.
“Thôi đi, thôi đi...” sắc mặt nhợt nhạt, vứt thanh kiếm dài, Khang Hy đột nhiên ngồi phịch xuống sạp, nước mắt như hạt châu rơi lã chã. Cha con vua tôi trong gác ấm điện Dưỡng Tâm bỗng bật lên tiếng khóc thất thanh. Các cung nhân cũng đau buồn rơi lệ.
Rất lâu, Dận Chân mới khóc lóc tâu rằng: “Vạn tuế, Bát đệ thật là vô tội. Nếu muốn trị tội, thì phải biết rõ ràng tội danh. Ngày xưa Thiên Hậu bị giết, trăm năm còn để hận, đương thời từng có một bài ca: ‘Trồng dưa trước hoàng đài, dưa chín trái rời rời. Ngắt lần đầu dưa tốt, ngắt lần nữa dưa thưa, ngắt lần ba còn được, ngắt lần tư, ôm dây về’... Vạn tuế, Người đã ‘ngắt’ Thái tử, rồi lại ‘ngắt’ Đại A ca, Thập tam A ca, còn ‘ngắt’ Bát A ca và Thập tứ A ca chăng?”
Những lời này của Dận Chân, Khang Hy chưa từng nghe nói, suy ngẫm kỹ thì mùi vị gì cũng có, mọi cơn tức giận đã biến thành nước băng. Nhà vua nản lòng khoát tay: “... Trẫm không ngắt một quả dưa nào nữa... Ngoại trừ Đại A ca đổi từ giam giữ thành ra đọc sách, những người khác... đều thả ra hết...” Nói xong nước mắt như mưa.
Bất kể ý nguyện của các A ca thế nào, tin Thái tử phục vị ngày một lan rộng. Anh “đọc sách” một tháng tại ngôi nhà mới ban ở trong cửa Triều Dương, Khang Hy liên tiếp triệu kiến anh bảy lần. Mỗi lần gặp nhau tình cảm cha con lại càng sâu đậm, sức khỏe, tinh thần của Khang Hy nhanh chóng chuyển biến tốt. Đến cuối tháng hai năm Khang Hy thứ 48, Khang Hy dứt khoát hạ chiếu lệnh cho Dận Nhưng vào cung dưỡng bệnh. Tất cả mọi người đều cảm thấy rằng, việc khôi phục chức vị Thái tử chỉ còn ngày một ngày hai.
Dận Nhưng phụng mệnh vào lại cung Dục Khánh, anh nhìn sững chiếc đỉnh đồng lớn nặng tới một vạn cân. Nghe nói, trước đây bốn mươi năm, Khang Hy bắt được Ngao Bái đã trói ông ta tại chân đỉnh đợi cửu môn đề đốc Ngô Lục Nhất vào cung tiếp ứng. Thời gian thấm thoát thoi đưa, câu chuyện lịch sử này càng lưu truyền càng thần thánh hóa, đã rất khó xác định rõ tình hình thực tế lúc đó. Các tiểu thái giám thậm chí còn truyền nhau nói, chính cái đỉnh đồng này đã hiển linh hộ giá, lúc Ngao Bái hành thích Khang Hy nó bỗng ngã xuống, đè Ngao Bái bất tỉnh. Nhìn dấu vết trên tai đỉnh, Dận Nhưng bất giác cười to, thở dài lẩm bẩm nói: “Đã lâu không gặp, cung Dục Khánh! Nhờ anh linh tổ tông trên trời, vật thần này lại thuộc về ta!”
“Nhị gia, ông nói gì vậy?”
Sau lưng bỗng nhiên một giọng nói truyền tới. Dận Nhưng quay đầu nhìn, thì là Chu Thiên Bảo và Trần Gia Du, hai người đi cùng Vương Diệm đến thăm anh. Hơn năm tháng không gặp Vương Diệm, mới nhìn ông thầy một mình bảo vệ chính nghĩa trong lúc nguy nan, không sợ chết bảo vệ mình, lòng Dận Nhưng ấm lên, anh vái chào, nói nghẹn ngào: “Sư phụ... xem ra Người già lắm rồi!” Vương Diệm cũng rất xúc động, vội quỳ hai gối xuống, hai tay nắm chặt, chỉ nói một tiếng: “Gặp được Nhị gia rồi...”. Giọt lệ già lặng lẽ trào ra. Hai người dìu nhau đứng lên, Dận Nhưng nói: “Con rất lo cho thầy. Thiên Bảo và Gia Du đều cho con biết, Hoàng thượng không gây khó dễ cho thầy, đó là tốt! Mấy ngày nữa, con sẽ viết cho Thi Thế Luân một bức thư, khi nào về kinh tiện dịp gặp nhau chuyện gẫu... Cùng cộng sự với nhau, một khi rời đi, thật làm người ta nhớ...”.
“Nhị gia”, Chu Thiên Bảo không như Trần Gia Du, Trần Gia Du một mực trung thành, nhưng Chu Thiên Bảo lại là người không để bụng điều gì, “Đức ông giờ chưa được viết thư cho quan chức bên ngoài. Vạn tuế bảo đức ông đọc sách, chi bằng mời cụ già về cung yên tâm đọc sách là tốt nhất”.
Chu Thiên Bảo tuy chưa nói rõ, thực ra đang khuyên can đừng hành động thiếu suy nghĩ, lôi kéo lòng người. Dận Nhưng nghe sắc mặt thoáng vẻ không vui, chỉ cười dửng dưng, bước vào thư phòng, ngồi xuống sạp. Thấy Vương Diệm xoa chỗ lưng, biết ông muốn hút thuốc, bèn lấy cái đánh lửa bật lên, mồi lửa cho thầy, nói: “Sư phụ cứ việc ngồi. Thầy được cho phép cưỡi ngựa trong Tử Cấm Thành, sau này gặp con, mọi lễ nghi đều miễn - Lời Thiên Bảo ta cũng hiểu rõ. Nhưng ta lần này thiệt thòi là vì quá thực thà, non gan. Trước kia ta làm được bao nhiêu việc tốt, Bát đệ ra nói là chú ấy làm, tay trắng mà mua lòng người; việc làm sai, hậu quả đổ lên đầu ta, ta chẳng phân biệt nổi! Ta một dạ trung thành, vất vả bao nhiêu, đều gán cho người khác. Bây giờ thập tử nhất sinh từ trong hang hổ thoát ra, ta chẳng còn sợ gì nữa. Hơn nữa, như lời Tứ đệ - Sợ thì được việc gì?”
“Thiên Bảo nói vẫn đúng”. Vương Diệm nhả ra một làn khói đậm. Những lời Dận Nhưng nói ông chưa suy ngẫm kỹ lắm, nhưng hình như có ý như không ăn thì đạp đổ, nên ông nói chậm rãi: “Người quân tử dưỡng đức, nhờ ở bản thân mình. Cho nên cách vật mà trị yên, điều quan trọng nhất là hai chữ thận độc (thận trọng trong độc lập). Thận độc được thì trăm điều tà ngụy không xâm hại được. Nhị gia, bây giờ không giống như trước, ngài tuyệt đối không được giữ lòng ân oán, tình hình bên ngoài hoàn toàn không giống nửa năm về trước. Ngài không được để xảy ra chuyện gì, nếu lại có họa từ trong nhà, e rằng khó chống chọi với sóng to”.
Mấy ngày nay Trần Gia Du cảm thấy Dận Nhưng như nảy sinh một tội lỗi trái đạo, nên lòng đầy lo lắng nói: “Nhị gia, Vương sư phụ nói đúng. Tuy nói rằng một lần ngã là một lần khôn ra, tôi vẫn cảm thấy hòa khí có thể đưa tới may mắn lớn. Không biết ngài đã nghĩ tới chưa, lần này xảy ra sự việc, không phải chỉ vì Vạn tuế không bằng lòng sự yếu đuối của ngài. Tôi lại thấy Vạn tuế thấy ngài nhân hậu, vô cớ bị oan ức, mới thả ngài ra”.
“Ta đã hiểu”. Dận Nhưng cười nhạt, “Nếu như ta không có làm gì hết, không chừng đã bị bọn em nuốt sống rồi. Muốn làm một ẩn sĩ, muốn làm một ông nhà giàu, đều là không đủ!” Nói tới đây trong lòng chán nản, nước mắt đã tràn ra.
“... Hồi đó thanh toán nợ kho, nếu tôi mạnh dạn lên, bớt đi những do dự thiếu quyết đoán, điều tra xử lý hết những chuyện Bát đệ lén đào nhân sâm bên ngoài Liễu Điều, thu riêng thuế vàng... thì đâu có chuyện sau này?”
Hai việc này ba người đều không biết, mới nghe nói đều ngạc nhiên. Thu riêng thuế vàng cố nhiên phạm tội, còn chuyện nhân sâm, những năm Thuận Trị, có lệnh ghi rõ, nhân sâm là vật cấm nhằm tích lũy bạc cho quốc gia, bất kể người nào đào trộm đều phải xử tử! Chu Thiên Bảo hít một hơi khí lạnh, nói: “Chả trách Bát gia nhiều tiền như vậy!”
Lại nói chuyện một lát, sắp tới giờ Ngọ, Dận Nhưng bỗng nhớ có hẹn đi thăm Dận Tường, chỉ sợ đợi sốt ruột, bèn nói mình ra ngoài cung có chuyện, bảo ba người cứ ở lại cung dùng cơm, rồi cáo từ đi ra.
Phủ bối lặc Thập tam gia cách lầu số Bốn không xa. Dận Nhưng lần đầu đến đây. Người ở đây rất tạp, người phủ Bối lặc cũ đã tan đàn xẻ nghé vì Dận Tường có chuyện. Dận Tường trở về không thu nhận lại một người nào, toàn là chọn mới. Người cầm đầu là già Văn thấy Dận Nhưng thắt đai vàng, biết là thân thích tôn quý, vội đi tới thỉnh an nói: “Văn Bảy Mươi Tư chào đức ông kim an, chúc Đức ông may mắn!”
“Thập tam gia có ở nhà không?”
Câu hỏi làm mọi người nhìn nhau, không hiểu thế nào. Văn Bảy Mươi Tư vội cười nói: “Xin cho biết chức danh đức ông, ở phủ nào?” Dận Nhưng cười nói: “Ta hả? Không thuộc nha môn nào, ngươi vào bẩm cho một tiếng, nói Dận Nhưng đến thăm là được”. “Ôi chao! là Thái... Nhị gia ngài đấy à!” Văn Bảy Mươi Tư hoảng kinh, vội lạy nói: “Thập tam gia chúng tôi sáng sớm đã tới phủ Tứ gia. Nghe nói Tứ gia phụng chỉ có việc gì đó, bảo đức ông đến giúp lo liệu, chỉ e ăn cơm ở đó - Nhị gia, mời ngài vào trước, ngồi uống một chén trà, nô tài sẽ cho người đi mời”.
“Ta đến vốn định quấy chú ấy một bữa cơm”, Dận Nhưng cười nói, “Không ngờ chú đến chỗ Tứ đệ ăn cơm. Nếu đã vậy, thì ta về”. Văn Bảy Mươi Tư nghe nói anh chưa ăn cơm, đâu chịu để cho anh đi, liền gọi người đến bảo: “Làm cơm cho Nhị gia, không cần nhiều, thanh đạm, sạch sẽ một chút - Đi vào bẩm cô Tử Cô, mời Nhị gia đến thư phòng Thập tam gia nghỉ ngơi!” Vừa nói vừa niềm nở mời Dận Nhưng vào trong: “Đức ông, ngài chưa rảnh tới đây, bây giờ bụng đói đi về, Thập tam gia trở về tôi nói làm sao? Tốt xấu gì cũng cho nô tài chút vinh hạnh, Thập tam gia sẽ về ngay thôi!” Vừa nói vừa dẫn vào trong, đưa vào thư phòng, lau phủi bàn ghế, mời trà, bưng điểm tâm, Tử Cô đã dẫn Kiều Thư và A Lan đi vào hầu hạ.
Dận Nhưng nhặt một quả vải trên mâm ăn thử, rồi hỏi về tình hình trong phủ: “Bảy Mươi Tư! Sao ngươi lấy cái tên lạ lùng như vậy?” Văn Bảy Mươi Tư cười nói: “Nô tài là người Bảo Đức, theo phong tục Mông Cổ, ông cụ bảy mươi tư tuổi sinh ra tôi là người đầu tiên, nên đặt tên là Bảy Mươi Tư. Hi hi!” “Bảo Đức?” Dận Nhưng chau mày suy nghĩ hồi lâu, “Là Bảo Đức Hà Thao chăng? Gần huyện Hà Khúc, cũng khổ cho người từ xa thế mà vào kinh tìm kế sinh nhai”. Văn Bảy Mươi Tư vừa sai bọn A Lan bày mâm rót rượu, ông cười nói, “Nói ra thì bẽ mặt ông cha những năm mùa màng không tốt, từ năm Khang Hy thứ 30 đã đem đất sang tên cho ông lão Ngưu, những mong người ta có danh hiệu tiến sĩ có thể được miễn thuế đinh, thuế ruộng. Ai ngờ ông lão Ngưu mất đi, ông con không có lương tâm, chiếm mất mảnh đất đó. Kêu thì không kêu được, sống thì không còn đường sống, nên mới về kinh buôn bán... Ở phủ Thập tam gia gần mười năm rồi. Hồi trước đức ông bị oan, người ta đi cả, chỉ tiểu nhân không đi, Thập tam gia thấy tiểu nhân còn có lương tâm, trở về nâng lên làm quản gia...”. Dận Nhưng không có lòng nào nghe ông ta lải nhải, anh bưng chén nhắp một ngụm rượu, nói: “Được, rượu gạo vùng Tam Hà chính cống!” Thấy ba cô gái, một cô đoan trang, một cô điềm tĩnh xinh đẹp, một cô dáng vẻ yểu điệu, anh bèn cười hỏi: “Không ngờ Thập tam đệ lại biết hưởng phúc, mới thả ra mấy ngày, đã sắm đủ rượu ngon người đẹp!”
“Nhị gia thật biết nói đùa, chúng con đều xuất thân gái nghèo thôn dã, đâu có phải là người đẹp nào đâu?” Kiều Thư rót rượu cười nói: “Ngay cả chị Tử Cô vốn là người của Thập tam gia, con và A Lan là người của Cửu gia, Bát gia đưa sang chỗ Thập tam gia làm nô tỳ sai vặt...”.
Dận Nhưng nghe nói bỗng ý thức rằng người chỗ Dận Tường rất tạp, ngoài mặt nói cười như thường, nhưng không dám tùy tiện nói gì. Một lát thấy Dận Tường nâng vạt áo nhanh chân đi vào. Dận Nhưng chưa kịp nói gì thì Dận Tường đã nói: “Chà! Đệ đã lo Nhị ca đến sớm, chỉ vì bên Tứ ca có khách, phải nán lại. Đệ nói Nhị huynh có hẹn hôm nay sẽ đến, người ta còn bảo đệ nói dối để trốn rượu. May mà ở nhà cho người tới, nếu không thì không biết làm sao thoát thân!” Dận Nhưng vừa nhường ngồi vừa hỏi: “Ai đến vậy?”
“Niên Canh Nghiêu, là môn khách cũng là anh vợ của Tứ ca”. Dận Tường không chú ý, ngồi xuống trước mặt, bưng rượu uống “ực” một hơi, cười nói: “Tứ ca cũng lạ thật, thấy ông ta tới, trước tiên nổi nóng một hồi, nói năm nào mang lễ không đủ thành ý, còn nói không nên tới bộ Lại trước rồi mới đi gặp Tứ vương gia, đều là những chuyện vặt vãnh không đâu. Mắng cho tên Niên ma vương giết người không chớp mắt một trận mồ hôi chảy ròng ròng. Sau đó lại đem rượu ra chiêu đãi, nói những chuyện tầm phào, làm cho đệ ở không được mà đi cũng không xong”. Dận Tường vừa nói vừa cười, gắp thức ăn bỏ vào bát Dận Nhưng, cười nói: “Mấy khi Nhị ca tới, nói một câu khó nghe, nhân lúc huynh tạm thời chưa phục vị, đệ xin mời huynh - A Lan, Kiều Thư! Các ngươi làm sao bắt Nhị gia và ta phải uống rượu khan? Chơi một bản nhạc thật tủ vào!” Dận Nhưng cười nói: “Ngươi vẫn là tính cũ không sửa, ta thích ngươi tính thẳng thắn đó! Ba cô gái này hầu hạ ngươi từ trong lúc khó khăn, bây giờ ngươi đã thoát nạn, sao không để cho họ được nở mày nở mặt?” Tử Cô nghe chỉ im lặng, A Lan và Kiều Thư thẹn đỏ mặt. Kiều Thư thử dây đàn tranh, A Lan lấy trên vách xuống một cây tì bà lên dây.
Trong chốc lát, A Lan tay lướt trên năm dây, liếc đưa sóng thu ba, chậm chậm múa, hát rằng:
Thiếp bạc phận! Yên Hoa, quan san mấy vạn trùng, nhan sắc tàn phai, trang điểm vì ai? Than rằng nâng hoa cũng kiệt sức, lặng lẽ nhìn theo chiều gió đông! Chàng Nguyễn không hiểu ý Thiên thai, ngay cả trăng sáng cũng thương tình.
Lời ca chưa dứt, Kiều Thư đã bấm đàn hát tiếp:
Thiếp bạc mệnh! Võ Lăng tức là cung Tử Đài, khúc hát tì bà trên ngựa chưa xong. Sao mà vườn Lương Cảnh đẹp thay, chi bằng hái cúc trải nằm bên rào đông! Một khúc nhạc ca một đoạn trường, dám hận vương tôn chẳng si tình?
Đàn ngừng ca dứt, dư âm hãy còn văng vẳng, hai người sớm đã nước mắt lưng tròng. Dận Tường bỗng nhớ lại chuyện cũ năm xưa đêm trọ ở Giang Hạ, anh liếc nhanh A Lan một cái, thấy A Lan và Kiều Thư nhìn nhau, vội thu lòng mình lại. Dận Nhưng thì than rằng: “Lời ca xuyên qua đá, múa tựa tiên trên trời - Lâu ngày không nghe loại nhã nhạc này”.
“Nhị ca, thời nay đâu có núi cao suối chảy?” Dận Tường lạnh lùng cười nói: “Hát rất hay, nhưng gặp cảnh thì hát, huynh hà tất phải đa tình làm vậy”. Anh che miệng cười nói tiếp: “Ta và Nhị gia phải bàn việc, các ngươi lui hết ra ngoài!”