Khang Hy Đại Đế - TẬP 4 - Chương 03

3

Thập tam lang nghĩa khí cứu gái phong trần

Bát A ca xâu chuỗi nói giúp cho người

Dận Tường bị dội cả một chậu nước rửa, vô cùng bực tức, đến lúc nghe được lời cô gái, mới biết là có duyên cớ, đánh nhầm, đổ nhầm mình phải hứng chịu. Thấy cô gái xách chậu nước, thẹn thùng cúi đầu, mặt đỏ đến mang tai, trông lại thật dễ thương, liền nói: “Sao nói vậy? Cũng may là mùa hè, nếu mà mùa đông tháng giá, cô cho tôi bấy nhiêu nước, chẳng phải cướp cả mạng sống nhỏ của tôi sao?” Cô gái thấy anh trêu chọc, càng hổ thẹn, nhún người vái một cái, lẩm bẩm: “Quả thật tôi không cố ý. Bây... bây giờ làm sao đây? Anh đánh tôi cho bõ tức nhé?”

“Không dám!” Dận Tường bỗng phì cười, “Trời nóng như thế này, cô ăn mặc như người đua ngựa, một người đẹp kiều diễm, tôi đánh vào chỗ nào trên người cô được?” Cô gái nghe giọng nói như có vẻ không đứng đắn cho lắm, nhưng thực tình do mình sơ ý gây nên chuyện, cô cúi đầu, một lúc lâu mới nói: “Vậy anh xem nên làm thế nào - hay là tôi đền cho anh cái áo?” Dận Tường đang định nói thì nghe phía ngoài cửa Dận Chân kêu to: “Nói gì dài dòng vậy? Quần áo ướt thay cái khác là xong, chứ nói gì lâu vậy?”

“Đệ ra ngay đây!” Dận Tường nháy mắt, đáp một tiếng, liếc nhìn cô gái, cười hì hì: “Tôi không đánh cũng không mắng cô, không cần cô đền áo khác. Cô xinh đẹp thế này, ta muốn cưới cô làm vợ được không?” Nói xong liền bỏ đi. Cô gái nhổ bãi nước bọt nói: “Anh cũng không phải là người đứng đắn!” Vội dập cánh cửa lại nghe rầm một tiếng.

Dận Tường ra sân phía bắc, thấy bên cạnh vạt rừng bách có sáu bảy gian nhà, chung quanh có cây phong, bạch dương, hai thứ cây người ta gọi là “quỷ vỗ tay”, hơi có gió là reo lên vi vu. Già Vương Đầu đã sắp xếp xong cho Dận Chân. Thấy Dận Tường bước vào, Dận Chân nói: “Đệ có mang tiền theo không? Ông già này nhà nghèo lắm, lại nhiệt tình như vậy, lấy cho ông một ít tiền!” Dận Tường mò vào túi mình, thấy còn có hai đồng Nguyên Bảo, còn có một bọc hạt dưa vàng, là tiền uống rượu đố bài với Ngũ A ca thắng được, - đều không phải là thứ người đời thường dùng. Anh suy nghĩ một lát, lấy ra bốn năm hạt dưa vàng, nói: “Nguyên Bảo lớn quá, ngươi lấy e sinh chuyện. Cho ngươi cái này - đem đi đổi dùng dần vậy!”

“Không được!” Già Vương Đầu xưa nay chưa hề thấy vật này, ông lắc đầu xua tay lia lịa, “Đừng làm tôi tổn thọ! Người ngợm như tôi đi đâu mà đổi tiền? Có khi còn bị người ta cho là ăn trộm nữa!” Dận Tường thấy ông thật thà như vậy, bèn nắm tay ông nhét vào, cười nói: “Ông cho chúng tôi là hảo hán lục lâm hả? Cầm lấy, sáng sớm mai cho chúng tôi một ít lương khô, trời chưa sáng chúng tôi đã đi rồi! Đây coi như tiền mua cơm của ông. Nếu có chuyện gì, cứ nói là người phủ Thập tam gia cho. Không có ai đánh mất, người ta dám trị tội ông sao?” Già Vương Đầu nhận lấy, cảm ơn rối rít. Ông đi ra một lát mang về mấy cái bánh nướng, một củ dưa muối to, nói: “Không sợ hai ông lớn cười, tôi chỉ là loại đầy tớ hạng bét ở đây, không có gì ngon đâu. Chỉ chút ít mấy thứ này, nhà bếp còn không chịu cho, tôi nói, ‘Ai ra đường mà mang nhà theo được, được dễ dàng lúc nào thì hay lúc đó! Người ta ăn rồi chẳng phải còn ỉa trên đất ông Tám sao?’ mới lấy được một chút đó, không phải là chỗ đãi khách”.

Dận Tường nghe bất giác cười lớn, nói: “Không nhận ra ông nữa, ông thật thà như đếm còn biết phá rối bầy trò cười, làm sao ăn mấy cái bánh này còn phải ỉa trên đất Lưu Bát Nữ nhà ông?” Già Vương nghe nói chỉ cười, nói: “Trên đỉnh khám thờ còn một bao nến, các vị có sợ thì đốt đèn mà ngủ - Tôi phải đi tuần đêm ngay đây”. Nói xong bỏ đi. Dận Tường đi ra cái hồ bên ngoài rửa ráy, thay một bộ quần áo sạch, trở vào thấy Dận Chân chắp hai tay, cúi đầu ngồi im nhập thiền. Hai người từ nhỏ sống với nhau, biết rằng đây là việc làm hàng ngày của Dận Chân, anh chỉ cười, nằm ngửa trên chiếc chiếu cỏ ngủ thiếp đi.

Dận Tường là một trong hai mươi người con của Hoàng đế Khang Hy không giống với bất cứ người nào. Lời tục nói, con không mẹ đáng thương nhất, Dận Tường so với Thất A ca Dận Hựu và Thập bát A ca Dận Giới đều chết mẹ còn cách xa một bậc. Theo quy tắc tổ tiên đời Thanh, hoàng tử bất kỳ là con dòng đích hay dòng thứ đều có tám bảo mẫu, tám bà vú, may vá sáu người, nước nôi tắm rửa sáu người, đèn lửa sáu người, bếp núc sáu người, tổng cộng bốn mươi người phục dịch. Các hoàng tử khác dù lớn hay nhỏ đều trang bị đầy đủ, chỉ riêng anh ta chỉ có mười bảy, mười tám người phục vụ. Hoàng tử sáu tuổi vào trường học, mỗi người mỗi ngày tiền học phí tám lượng, anh ta chỉ năm lượng. Tổng biện các giáo tập trường học trước mặt các A ca khác đều coi như nô tỳ, đến, đi đều hô gọi đường hoàng không dám sai lời, nhưng họ lại đều dám ra oai với Dận Tường. Có một lần, Thập A ca nghe giảng bài trong lớp nghịch đập vỡ bàn toán, tổng biện Kha lại phạt anh đứng phơi nắng, bao nhiêu chuyện ức hiếp bất công không sao kể xiết. Ban đầu anh cũng không rõ, cũng đều là con vua như nhau, vì sao chỉ riêng anh phải chịu đựng nỗi tức giận của mọi người? Đến năm Khang Hy thứ 32 xóa bỏ trường học các hoàng tử, mà đều theo Thái tử vào học trong cung Dục Khánh, tình hình mới tốt hơn một chút. Thái tử và Dận Chân đều thương yêu chú em thông minh hoạt bát lại có chút tính hoang dã, Dận Chân càng yêu thương đùm bọc. Dận Tường có lén hỏi vì sao Cửu ca, Thập ca lại mắng mình là “con hoang”? Dận Chân dần dần giải thích, anh mới hiểu ra là mẹ mình vẫn còn sống, bà là con gái độc nhất của Hãn Thổ Tạ Đồ Mông Cổ. Bộ lạc Thổ Tạ Đồ chiến tranh loạn lạc, mẹ phải lưu lạc trung nguyên, đã từng có một thời gian yêu thương với một thư sinh người Hán tên Trần Hoàng, sau hôn nhân không thành, mẹ được chọn vào cung làm Quý phi, chàng thư sinh ốm chết trong tù. Mẹ nhìn thấu tình đời bèn xuất gia đi tu. Dận Tường tính cách mạnh mẽ, tự mình phấn đấu, bỏ văn theo võ, đọc binh thư, luyện võ công, muốn có một ngày được như vua cha là thánh văn thần võ, lập được công lao hiển hách trên đời, có thể bịt miệng những A ca coi thường mình.

Dận Tường từ trước hễ đặt mình nằm xuống là chìm vào giấc mộng, đêm nay anh không tài nào ngủ được. Bên ngoài không biết gió nổi lên từ lúc nào, rừng bách tối đen khẽ rên rỉ, cây phong, cây dương như một đám người vỗ tay cười vui. Anh bỗng nghĩ tới Thái tử Dận Nhưng, tuy có khoan dung đối với mình, nhưng không thân tình. Bát A ca Dận Tự đối với người thân thiết nhưng trong cách nói năng vẫn có gì lạnh lùng. Cửu A ca Dận Đường, Thập A ca Dận Nga, một người ủ ê buồn chán, một người thô bỉ vô cùng, tuy bây giờ không dám công khai ức hiếp anh, nhưng anh biết nếu không có một người nhắm mắt ngồi thiền, nghiêm túc khó xúc phạm như Tứ ca bao bọc thì chẳng biết sẽ ra sao! Nhưng anh không hiểu được, Thập tứ đệ Dận Đề cùng một lòng mẹ với Tứ ca, nói chung nho nhã phong lưu, thẳng thắn cởi mở, làm sao thấy mình lại trở mặt như vậy? Bỗng nhớ lời cô gái nói buổi tối, anh càng thấy trong lòng bấn loạn, hai mắt thao láo, không chút buồn ngủ. Anh trở mình ngồi dậy, hai tay ôm đầu gối, thở ra một hơi dài nói: “Tứ huynh, đêm khuya rồi, mai sớm còn lên đường! Tấm lòng thành của huynh, Phật tổ chứng giám, tiếp nhận rồi, hà tất phải ngồi suốt cả nửa canh giờ như vậy?”

“Đã thành thói quen tự nhiên rồi”. Dận Chân bỗng mở mắt ra nói, “Ngươi nhìn ta ngồi thiền, thực ra không hiểu thế nào, chứ nếu không tập trung tư tưởng, có chút tơ hào vương vấn thì khó nhập định. Ở Vu Hồ xem công báo, Hoàng thượng đã lệnh cho Mã Tề vào phòng dâng thư, phải thanh lý những thiếu hụt ở bộ Hộ. Ta xem công việc này chắc cũng sẽ rơi vào đầu ta thôi. Việc lớn như vậy, người dính tới người, mắt lưới này dính mắt lưới kia, rút dây động rừng, động đến toàn cục, ta quả thật chẳng biết thế nào!”

Dận Tường bỗng bật cười, nói: “Té ra là huynh đang lo cho nước cho dân! Giết người đền mạng, vay nợ trả tiền. Chỉ cần quan viên trả được tiền mượn kho nhà nước, thì những thiếu hụt của bộ Hộ cũng được lấp bằng chứ gì!” Dận Chân nghe im lặng hồi lâu, rồi nói: “Nói dễ quá nhỉ! Ngươi không ở trong công việc, không biết cái khó trong đó!” Dận Tường nói: “Xe tới trước núi tất có đường - huynh thường dạy đệ câu đó mà! Huynh không nghe người ta nói: Không sợ người thiếu nợ nghèo kiết, chỉ sợ người đòi nợ anh hùng!” Dận Chân đang định trả lời, đã nghe một tiếng kêu khô khốc trong góc cửa phía nam, hình như có một khúc gỗ gãy. Đêm hôm khuya khoắt hai người nghe thấy sởn tóc gáy. Dừng lại một lát có một giọng đàn ông rè thô quát to lên:

“Kéo nó ra! Đồ đĩ, muốn sướng không muốn, trước mặt ta vờ ra vẻ đứng đắn, nhưng lại liếc mắt đưa tình với tên mặt trắng đó”.

Hai anh em, Dận Tường không nói không rằng, nhảy phóc xuống đất tới mò vào cái túi ngựa, mới biết là không mang theo gươm, Dận Chân vội quát, “Thập tam đệ, không được gây họa!” Dận Tường trước nay không sợ trời, không sợ đất, chỉ không dám trái lời Dận Chân, bèn ngồi xuống trước mặt Dận Chân, mặt mày tái ngắt. Rồi nghe lộn xộn một hồi lâu, tên đàn ông cười hề hề: “Trên tấm đá này mát đấy, ngồi ở đây! A Lan, vừa rồi có người nói mày bảo rằng ‘bán giọng hát không bán thân’, lúc đó ta đang tiếp ông lớn Nhiệm, không rảnh tới trị mày. Đã như vậy, thì tốt rồi, mày hát một bài đi, cho cha Hồ mày tỉnh rượu!” Dận Tường đưa mắt nhìn Dận Chân, muốn nói gì, nhưng thấy Dận Chân ngồi nghiêm trang, nét mặt không chút biểu cảm, anh không nói nữa. Ngoài sân, A Lan nghẹn ngào hát lên, đúng là giọng cô gái vừa lỡ tạt nước vào anh hồi nãy:

Hỏi người đời, việc gì đau lòng nhất? Mưa gió dập tơi bời, cỏ cây bay lả tả. Ngàn vạn dặm xa vời, sông dài núi cao vợi. Tìm ở đâu đào nguyên cảnh đẹp. Nói làm chi cảnh ly biệt vô tình, đem cha mẹ già em dại, phó mặc trời cao xanh thẳm...

Nghe ý lời thống thiết, Dận Tường sửng sốt. Không ngờ một cô gái chanh chua lại hát những lời thống thiết. Đang mải cúi đầu suy nghĩ, thì nghe tên Hồ nói giọng say túy lúy: “Không được, không được! Ai bảo mày khóc, mày sắp về Bắc Kinh, ở trong phủ ông lớn Chín mà hát điệu này thì có nước lột da thôi! Hát lại! Hát bài... ừm, bài... Mười tám sờ nhé!”

“Mười tám sờ” là một đoạn trong Lý Thiên Bảo viếng tang, câu chữ dâm ô, tục tĩu. Dận Tường nghe tên họ Hồ như vậy đã giận phát run lên. Nhưng Dận Chân không nói gì nên anh đành ngồi lặng yên, không dám có hành động gì. Một hồi lâu, nghe trong sân phía tây có tiếng roi quất, Dận Chân đứng lên than thở: “Đặt túi ngựa lên yên đi!”

Dận Tường không nói không rằng, hai tay nhắc hai cái túi ngựa nặng trịch, nén nỗi bực tức trong lòng, bước ra ngoài, đặt túi lên mình ngựa, anh quay đầu lại nhìn thì Dận Chân cũng đã bước ra, vừa mở dây buộc ngựa, vừa nói: “Ngươi đi dạy cho tên họ Hồ một bài học!” Dận Tường chỉ mong có lời này. Anh dạ, cởi chiếc áo vải ra, lộ ra những bắp thịt trắng gân guốc, dắt chiếc roi ngựa vào thắt lưng, dậm lên cỏ đi về phía cái cửa nhỏ. Anh dợm thử rồi đạp mạnh một cái. Cánh cửa không chắc lắm, đổ ụp xuống, kêu đánh rầm...

Bên trong, tên họ Hồ đang say túy lúy, vừa nghe hát vừa đánh người. Mấy con mụ mẹ mìn vây xung quanh trêu đùa cười cợt, nhìn A Lan ngất nằm dưới đất nói bóng gió châm chọc, bỗng thấy Dận Tường đạp ngã một góc cửa, bím tóc quấn trên cổ, cánh tay trần hùng hổ bước nhanh tới, bọn chúng sợ hãi run lên cầm cập. Dận Tường nhìn A Lan, hai tay chống nạnh, ánh mắt rực lửa căm tức, anh hỏi tên già Hồ: “Tên lưu manh này đánh người phải không?”

“Mày ở đâu chui ra đấy?” Tên họ Hồ một hồi lâu mới tỉnh hồn lại, hai tay chống người đứng lên, cởi phăng cái áo, để lộ bộ ngực đầy lông lá, hắn cười gằn hỏi, “Ta xử trị người của ta, việc gì tới mày? Hả? Mày là tên mặt trắng đó hả? Mẹ cha nó con mẹ nào rách đũng quần để lọt mày ra”. Lời chưa dứt, đã nghe “đốp” một tiếng, tên Hồ bị một cái tát nẩy đom đóm.

Dận Tường tức giận đùng đùng: “Ông nội mày tên là trời không quản, đất không thu! Sự việc hôm nay, ông nội mày phải quản! Cô ta đáng giá bao nhiêu bạc? Ta mua đứt!”

“Mày có một vạn lượng già Hồ cũng không bán!” Tên họ Hồ nhảy cẫng lên chửi: “Đang đêm vào nhà dân, không phải gian cũng là cướp! - Lý Nhị, Tiền Đại Mã, trói nó lại, trước tiên để nó xem ta tiêu khiển con đĩ này, ngày mai đưa nó vào huyện!”. Chưa nói xong, hắn đã bị một cú đấm vào ngực, hắn loạng quạng lùi lại mấy bước, vẫn chưa đứng vững chân, hắn ngã ngồi xuống đất, ộc ra một mồm máu. Dận Tường đang định đánh tiếp thì mấy tên nô bộc nấp trong góc phòng đã xông tới, hình như có con mắt ở sau lưng, Dận Tường nghiêng người tránh, thuận đà tống lên, một tay vặn cánh tay, một tay nắm bím tóc, thấy gương mặt hắn rỗ chằng rỗ chịt, Dận Tường cười nói: “Chắc mày là Tiền mặt rỗ đây hả?” Chân anh quét sát mặt đất, hai ba tên xông tới đã ngã chỏng gọng... Dận Tường thuận đà, xách tên Tiền mặt rỗ quay mạnh một vòng, năm sáu tên ngã sóng soài trên đất, mềm như cục thịt. Hoàng đế Khang Hy tuân theo lời dạy của tổ tiên, không quên tổ tiên khởi nghiệp bằng võ bị. Nhà vua có quy định, phàm là hoàng tử, hàng ngày phải tập võ, ngay cả Dận Chân thích đọc văn thư cũng không được ngoại lệ. Sư phụ các hoàng tử đều là những thị vệ nổi tiếng trong đại nội, những cao thủ võ lâm trong thiên hạ, dĩ nhiên người nào cũng võ nghệ cao cường. Huống chi Thập tam A ca, Thập tứ A ca lại là những người rất thích tập võ, đã thạo binh thư còn tinh võ thuật, thì mấy tên đầy tớ nhãi nhép các nhà giàu địa phương có đáng sá gì! Dận Tường nghiến răng cười, rút roi ra, dưới ánh đèn trong vườn thì chẳng phân đầu hay đít, anh quất ào cho một trận, làm cho bọn người khóc gào thảm thiết chúi mũi tìm chỗ nấp.

Trong viện náo loạn, mấy chục người bên ngoài chạy vào, thấy Dận Tường cây roi trong tay tung hoành ngang dọc, cũng không biết làm sao. Mấy cô gái trong phòng phía tây sợ quá kêu ré lên. Tên Hồ thấy có người đến tiếp cứu, làm ra vẻ gan góc, hô to: “Đóng cửa lại, đây là bọn cướp lớn cướp sông cướp biển, không cho nó thoát!” A Lan đã tỉnh lại, thấy tên Hồ đứng bên mình, cô quay người cắn mạnh một cái vào chân.

“Ối mẹ ơi!” Tên Hồ kêu to một tiếng, hai tay ôm bắp chân vừa lăn vừa kêu, không ngờ, Dận Tường nhảy tới mấy bước, quất sợi dây roi quấn quanh cổ hắn kéo mạnh, anh thét lớn: “Bảo bọn ở cửa tránh ra, tránh xa ra! Nếu không ...” Anh siết chặt sợi dây, tên Hồ lập tức há mồm lè lưỡi, hai tay quờ quạng. Bọn đứng chỗ cửa thấy tên cầm đầu bị bắt, đưa mắt nhìn nhau, đành mở ra một con đường.

“Nghe đây!” Dận Tường một tay nâng tên Hồ bị siết cổ dở sống dở chết, anh bước ra cửa, dừng lại, quát như sấm rền: “Ông lớn không phải là cướp sông cướp biển, mà là Thập tam A ca của đương kim triều đình, giữa đường thấy cảnh bất bình, vào đây dạy cho tên súc sinh một bài học!” Anh rút roi ngựa chỉ vào A Lan đầu tóc rối bời, nói: “Đây là A Lan, Thập tam gia đã mua rồi! Các người đưa cô ta tới Bắc Kinh, làm sứt một sợi lông chân, Cửu gia cũng không cứu nổi bọn bay! Hả!” Nói xong, vung tay ra, tên Hồ bị bắn ra xa đến hơn một trượng. Dận Tường phủi tay, ung dung bước ra khỏi cửa. Dận Chân đã đợi sẵn, thấy anh bước ra cười nói: “Ta không giỏi võ nghệ, thấy bọn chúng đóng cửa, đang lo sợ vã mồ hôi vì ngươi. Nếu thực phải đến huyện nha cáo kiện Hoàng A ca, thì cả thiên hạ không ai là không biết. Thì chúng ta bẩm báo với Hoàng thượng thế nào đây?” “Mấy tên giết mướn đó có đáng gì!” Dận Tường cười ha hả, quất con ngựa một roi nói: “Đệ trừ bạo yên dân, nghĩa hiệp cứu người, nếu có sinh chuyện gì, phụ hoàng chưa chắc đã giáng tội!” Nói xong, hai kỵ sĩ quất ngựa phóng nhanh, tiến về hướng miếu bên đường phía đông.

Giữa đường gặp việc đó, hai anh em Dận Tường không dám để sơ sẩy nữa. Vốn định trèo núi Thái Sơn xem mặt trời mọc, nhưng đành phải bỏ. Mỗi ngày chỉ tránh ba canh giờ nóng nhất Tỵ Ngọ Mùi, còn thì không cho ngựa dừng chân, vội vã về Bắc Kinh. Đi hai ngày mới hết ranh giới đất của Lưu Bát Nữ, hai người lè lưỡi hoảng kinh: tên Lưu Bát Nữ này khí thế tiền tài thật ghê gớm! Về đến Bắc Kinh đang vào tiết lập thu. Nghe nói phía nam đã có mưa to, nhưng Bắc Kinh vẫn khô hạn, nóng như bốc lửa, cũng may Bắc Kinh ngày nào cũng gió, không bức bối như ở Đồng Thành.

Hai anh em xuống ngựa tại cửa Triều Dương thì trời đã tối, Hoàng đế Khang Hy đang ở trong vườn Sướng xuân, không tiện cẩn kiến. Nhưng theo quy định, khâm sai về kinh phải báo cáo công việc ngay với Hoàng đế, nên cũng không thể về phủ, đành cho lui các quan viên bộ Lễ tới nghênh đón, và tạm nghỉ ở nhà khách bên cạnh bến tàu sông đào. Ăn cơm tối xong, hai người từ từ thả bộ xem quang cảnh ban đêm sóng nước lấp lánh trên sông đào. Chưa nói được mấy câu thì Cao Phúc Nhi từ phía sau chạy tới, quỳ một chân xuống vái bẩm: “Thưa Tứ gia, Thập tam gia! Bát gia đã tới nhà khách thăm hai ông. Cậu cả Hoằng Thời, cậu hai Hoằng Lịch phủ Tứ gia cũng đưa gia nhân tới vấn an. Mời hai vị gia quay gót!”

“Hả?” Dận Chân mắt sáng rực, liếc nhìn Dận Tường. Hai người đồng thời dừng bước. Phủ Bát bối lặc Dận Tự ở gần bến tàu, phía trước đèn đuốc sáng rực. Con người Dận Tự lễ nghi chu đáo, đến thăm thì không có gì lạ, nhưng nghe nói anh ta đi Cam Thiểm xem xét tình hình hạn hán, cứu tế, sao cũng trở về? Hai người cảm thấy hơi bất ngờ, nên không hẹn mà gặp, đều cùng quay gót. Thấy bên cạnh nhà khách có một thanh niên khoảng hăm bốn, hăm nhăm, mặc áo mãng xà bốn vuốt thêu vải Thạch thanh, đội mũ triều rồng vàng hai lớp thêu một cành hoa vàng cao, trên thắt lưng có nạm hai viên ngọc đông châu. Anh ta hao hao giống Dận Chân, nhưng da trắng như ngọc, mắt đen như sơn, má phải có núm đồng tiền, không giống như Dận Chân khóe miệng hơi vểnh lên, có vẻ hơi lạnh lùng - xem ra rất ung dung quý phái, trong cái tinh nhanh lão luyện lại có vẻ thâm trầm độ lượng.

“Tứ ca!” Thấy Dận Chân, Dận Tường trở về, Dận Tự đứng trên bậc thềm vội bước tới một bước chắp tay vái nói, “Tứ ca vất vả đường xa, dặm trường yên ngựa. Theo lẽ, đệ phải tới đón huynh sớm, nhưng mấy ngày trời nóng, Hoàng thượng cảm thấy đau đầu, buổi chiều đệ tới vườn Sướng xuân thỉnh an Hoàng thượng, vừa mới trở về, nghe nói Tứ ca và Thập tam đệ về, đệ vội tới ngay”. Dận Chân nghe nói Khang Hy ốm, hoảng kinh hỏi: “Bát đệ, chú nói rõ một chút, phụ hoàng thế nào? Ta có phải tới ngay vườn Sướng xuân để thỉnh an Hoàng thượng?”

Dận Tự bất giác bật cười: “Tứ ca trước nay đâu có vẻ yếu đuối như vậy! Chiều hôm nay đệ tới, Hoàng thượng còn nói chẳng hề gì, không cần ngày nào cũng vào vườn hai lần. Xem khí sắc vẫn tốt. Ngày mai huynh tới sẽ biết thôi. Ôi mà Hoàng thượng cũng già rồi, sức khỏe không bằng trước kia”. Nói xong, mỉm cười nhìn Dận Tường hỏi: “Đi theo Tứ huynh, đã không có rượu uống, lại không được xem hát, chắc buồn lắm nhỉ?” Dận Tường vòng tay thật rộng vái chào, cười nói: “Bát ca đoán đúng rồi. Có người nói sân khấu là thế giới nhỏ, thế giới là sân khấu lớn cũng có không ít chuyện đáng xem!”

Hai con trai của Dận Chân, đứa lớn Hoằng Thời mới tròn chín tuổi, đứa nhỏ Hoằng Lịch mới sáu tuổi. Thấy chúng xuôi tay áo đứng một bên như người lớn, Dận Chân hất hàm hỏi: “Gặp chú Tám chưa? Sao thấy chú Mười Ba không chào hỏi?” “Thôi thôi thôi!” Dận Tường khoát tay, cười khà khà: “Không cần đâu, lần gặp sau sẽ bù cái lễ này nhé?” Anh cúi người xuống mỗi tay bế một đứa lên hỏi ngắn hỏi dài, rất thân mật. Nhưng Dận Chân lại bảo: “Các con xuống đi, để chú Mười Ba còn nói chuyện!” Dận Tự biết gia giáo của nhà Dận Chân trước nay là vậy, nên chỉ cười cùng đi vào.

“Tứ ca!” Các thủ tục chào hỏi đã xong, Dận Tự tỏ ra hơi tùy tiện một chút, anh cởi áo khoác ngoài ra, chỉ còn mặc bộ đồ lụa Thạch thanh, cái bím tóc xanh mượt vắt ra sau ghế, nhắp ngụm trà rồi hỏi: “Nghe nói huynh tới Đồng Thành? Có gặp Phương Bao không?” Dận Chân hơi nghiêng người đáp: “Có gặp! Một con người rất bình thường. Danh vọng ông ta lớn thế, ta cứ tưởng phải là một tài tử phong lưu hào phóng! Vừa mới gặp đã thất vọng lắm! Đã giải ông ta tới Bắc Kinh, muốn gặp lại còn không dễ?” Dận Tự cười kín đáo, nói: “Tứ ca nói đùa rồi! Ông ta là kẻ đại nghịch vô đạo, làm sao đệ tới nhà lao thăm ông được? Đệ chỉ nghĩ cuốn Nam sơn tập mà tên cầm đầu tội ác Đái Danh Thế viết quả thật tội không thể chối, nhưng ông Phương Bao chỉ đề tựa. Danh sĩ hiện nay có một thói quen, chưa xem quyển sách đã cầm bút thổi phồng. Dù sao thì nhà cổ văn lớn ở Đồng Thành, ông thầy tổ một phái, đưa vào án phản nghịch thật cũng hơi quá đáng. Tứ ca, đệ rất muốn cứu ông ta, nhưng lại còn hơi nhìn trước ngó sau, e phụ hoàng nổi giận. Huynh là người thông minh nhất trong số A ca, đệ đặc biệt tới xin thỉnh giáo huynh”.

Dận Chân nghe anh ta nói khẩn khoản, lời lẽ tha thiết, bèn cười nói: “Bát đệ này cũng hay thật. Ta đâu phải là người thông minh. Theo ý ta, tốt nhất là đừng can dự vào, cứ để xem thế nào. Điều mà những người này tâm niệm không quên là thiên hạ nhà Đại Minh, để chiêu nạp những văn sĩ này, Hoàng thượng đã đề ra bao nhiêu biện pháp, nào ân khoa, nào tiến cử đặc biệt, còn chuyên tâm tổ chức khoa thi bác học hồng nho, bọn họ vẫn không phục, không để họ chịu khổ một chút thì còn ra thể thống gì?” Dận Chân trước nay nổi tiếng là cay nghiệt, nên khó tránh bị khước từ. Dận Tự chẳng qua là để ‘có lời nói trước’ nên chỉ cười. Mọi người ngồi im lặng rất lâu, Dận Tự cười nói: “Tứ ca không cứu, đệ phải thử xem!” Rồi quay mặt nói với Dận Tường: “Lần đi này nghe nói đệ có làm một chuyện vui lắm hả?”

Dận Chân, Dận Tường thất kinh: Việc ở Giang Hạ sao truyền tới tai anh ta nhanh thế! Dận Tường nói như không mấy để tâm: “Đúng ạ! Đệ đang định tìm Cửu ca xin lỗi đây!” “Đệ xin lỗi Cửu đệ vì chuyện gì?” Dận Tự ngạc nhiên nói, “Việc này dính dáng gì đến Cửu đệ?” Dận Tường sửng sốt, nói: “Thế huynh hỏi chuyện gì, đệ chẳng hiểu gì cả!”

“Chuyện Thi Thế Luân đó! Bố chánh sứ An Huy đã có tờ bảo lãnh chuyển lên rồi!” Dận Tự cười thoải mái, “Thập tam A ca này, giả vờ làm người buôn lậu muối, bộ đồ long ngư trắng quả thật làm cho Thi Thế Luân nóng đầu cho một trận đòn, vở kịch này đã có người hát rồi đó”.

Té ra là việc này! Dận Tường thở phào nhẹ nhõm, nói: “Đệ tưởng là bọn do thám của Cửu ca báo cho Bát ca rồi chứ!” Anh kể lại đầu đuôi chuyện nghỉ đêm ở trấn Giang Hạ, đánh cho tên họ Hồ một trận.

“Vui thật!” Dận Tự nghe xong cười thoải mái, “vì một cô gái giang hồ, hoàng A ca ra tay làm việc nghĩa, chẳng những phong cách xưa đáng khâm phục, hơn nữa không chừng bên trong còn có một đoạn kỳ duyên do trời tác hợp! Chỉ sợ có người mượn danh nghĩa A ca đi lừa là bán người. Nếu quả thật là người của Cửu đệ, thì đệ cứ yên tâm, Bát huynh đây xin bảo toàn mọi việc!” Rồi anh đứng lên chào Dận Chân, nói: “Tứ ca, Thập tam đệ mệt mỏi rồi. Đợi gặp Hoàng thượng xong, đệ xin làm tiệc tẩy trần cho hai người!” Nói xong cười hớn hở cáo từ đi về.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3