Khang Hy Đại Đế - TẬP 3 - Chương 09

9

Vịnh thủy tiên, Sĩ Kỳ ngưỡng mộ Phương Lan

Nghiêm cung yết, Mặc Cúc khống chế Minh Châu

Cao Sĩ Kỳ cũng giả say, loạng choạng đi ra. Một luồng gió lạnh thổi qua, anh mới hối hận hành động mình hôm nay rất không đúng. Sách Ngạch Đồ hiện là một khanh tướng quyền uy, cho dù không nhờ cậy ông ta tiến cử đề bạt thì cũng không nên khoe tài mà làm ông mất hứng. Anh hối hận vô cùng, men rượu bốc lên, mắt say lờ đờ chân đi lảo đảo, vừa quẹo qua ngõ phố miếu Ngọc Hoàng đã đâm ngay một người. Định thần nhìn lại, thì là một người ăn mày mù bị đẩy ngả vào tường, đầu sưng một cục to đùng. Cao Sĩ Kỳ biết việc không hay, vội tính đường tháo lui thì đã bị tên ăn mày níu lại, chửi: “Đồ chó má! Đâm vào lão Vương mù, không nói một tiếng xin lỗi đã tính chuồn?”

Cao Sĩ Kỳ thấy lão ăn mày không chịu thả ra, biết ông ta định vòi tiền. Nhưng bản thân mình nghèo rớt mùng tơi, không một xu dính túi. Thấy người chung quanh đã bâu tới xem hôi, anh vô cùng sốt ruột, hai tay chống nạnh, nhổ vào ông già mù một bãi nước bọt, mắng: “Ông mới là chó má! Tôi Cao mù mới bị ông đâm phải, nếu ông không chịu buông tôi ra, tôi mù, chẳng lẽ ông cũng mù à?”

Người chung quanh thấy hai người đều găng với nhau bỗng cười rộ lên. Già mù Vương vừa buông tay, ngơ ngác nói: “Ông cũng mù? Chà, mẹ cha nó, thật xúi quẩy...” Cao Sĩ Kỳ đâu dám đứng lại mà phân trần, thừa lúc mọi người cười rộ đã chuồn đi mất.

Về đến quán trọ cổng Tuyến Vũ đã là cuối giờ Mùi. Chủ quán thấy anh đi vào mặt đầy hơi rượu, liền ra đón cười hì hì: “Ông Cao, ông đã về à? Tìm khắp mà chẳng tìm ra ông! Quán chúng tôi hôm nay thanh toán tiền trọ, các quan khách đều có thưởng tiền...”.

Quả là khi người ta xui xẻo, đánh rắm cũng làm hỏng cả gót chân, Cao Sĩ Kỳ cười nhạt nói: “Chà! Nhất định là ông nghĩ rằng tôi trốn mất chứ gì, tôi cứ tưởng ông quan tâm đến các quan chứ! Tới đây, đến phòng tôi thanh toán!” Thấy bị chẹn họng, chủ quán ngơ ngác, vội đi theo sau cười trừ nói liến thoắng: “Ông nghĩ gì vậy! Ông Cao là một quân tử vui tính, dù một năm không thanh toán, chúng tôi cũng tin được! Có điều, thành Bắc Kinh này ông cũng biết đó, theo như các quan lớn nói là gạo châu củi quế... quả là chẳng biết làm sao...” Cao Sĩ Kỳ nghe ông ta ca cẩm, chẳng thèm để ý, chỉ bước nhanh về phòng mình, ngã ngay ra giường, giương mắt nói: “Ông lớn bây giờ nhức đầu lắm, ông cứ ngồi đây đợi một lát. Ta chẳng treo cổ, chẳng nhảy sông, thì vội cái gì? Ông xem cái nghiên vuông này... cái bồn hoa này... quần áo này... không phải đều là tiền sao? Ông không chịu khó... đợi, ôi! thì lấy đi...”.

Miệng anh liếng thoắng, toàn những chuyện không đâu, nói là thanh toán nhưng thực ra chỉ cốt đùa bỡn với chủ quán, làm chủ quán tức giận trợn trừng mắt, tìm cách đối phó thế nào với tên cử nhân vô lại này, Cao Sĩ Kỳ lại nhảy xuống đất, nhặt lấy một tấm thiệp đặt trên bàn, mắt sáng lên hỏi: “Của Tra tiên sinh đây, ông ta đến đây lúc nào vậy?”

“Hả, ông hỏi cái ông cử nhân nghèo đó hả?” Chủ quán thấy anh lúc say lúc tỉnh, không hiểu sao cũng trả lời, “Đến vào giờ Tỵ, đợi ông lâu quá đã đi rồi, nói là xế chiều sẽ tới thăm”. Cao Sĩ Kỳ hừ một tiếng, ném tấm thiệp lên bàn nói: “Cử nhân nghèo à? Quả là mắt chó không nhìn thấy ngọc dát vàng. Đó là Tra Thận Hành, thám hoa kỳ thi trước bây giờ là tế tửu Viện Hàn lâm! Chỉ cần chia cho ông một nửa của cải của gia nô hạng ba nhà họ Tra, thì một đời ông cũng không dùng hết!” Chủ quán một là không tin, hai nữa vì quá tức giận nên gượng cười nói: “Tôi đây cũng chẳng ham cái phú quý hư vô đó, có bao nhiêu bát thì ăn bấy nhiêu cơm, chỉ cần khách trả tiền sòng phẳng, thì cũng đủ sống qua ngày!” Hai người đang lời qua tiếng lại thì nghe ngoài sân có tiếng người nói to: “Anh Đàm Nhân trở về rồi hả?” Cao Sĩ Kỳ ngước đầu nhìn “ôi” một tiếng rồi chạy ra cửa chắp tay nghênh tiếp, cười nói: “Nói Tào Tháo là Tào Tháo đến! Anh Tra lâu lắm mới gặp ba năm rồi không gặp, anh xem ra càng phong lưu phong độ... Xin mời vào! Hôm nay tể tướng Sách mời đệ, đệ cứ tưởng hai trăm lạng bạc phát huy tác dụng, không ngờ, ông anh đã nói với họ Cao mỗ - Đáng giận tên nô tài này, cứ nói anh là một cử nhân nghèo hèn!” Chủ quán nhìn xem, Tra Thận Hành với người đến buổi sáng không giống nhau. Ông ta mặc chiếc áo vóc chẽn xanh da trời viền mép bằng lông chồn trắng, khoác chiếc áo dài lụa màu đen, thắt lưng màu be dắt một viên ngọc Hán, tua dây màu vàng, vừa hàn huyên vừa lắc lư bước vào, chủ quán trố mắt ra nhìn.

Tra Thận Hành cười ha hả, phẩy quạt đàn hương nói: “Xem ra cứ một mực giả nghèo hèn cũng không xong gặp được Sách Trung đường rồi, vẫn đắc ý chứ?”

“Gặp được rồi!” Cao Sĩ Kỳ cười mời ngồi, nói với chủ quán: “Ông đứng đực ra làm gì vậy? Còn không bảo người pha trà cho Tra tiên sinh sao!” Chủ quán như được giải thoát, vội dạ liền hồi rồi đi. Đã có một hầu bàn cung cung kính kính mang trà lên. Cao Sĩ Kỳ thấy trong phòng không có người ngoài, mới than rằng: “Đi thì đi rồi, nhưng chẳng được việc gì, thật xấu hổ với sự dẫn dắt của ông anh”. Rồi kể lại toàn bộ câu chuyện vừa xảy ra ở phủ Sách.

Tra Thận Hành phe phẩy quạt lắng nghe, rồi cười nói: “Tể tướng Sách không độ lượng, có đáng tức giận hạ nhục người ta như vậy không? Thôi thế này vậy, vừa rồi tể tướng Minh hỏi tôi có tiến cử văn nhân nào không, tối nay tôi sẽ đến phủ ông ta một chuyến nữa vậy”. Cao Sĩ Kỳ và Tra Thận Hành trước đây cùng du ngoạn Triết Giang, tuy đối xử tốt với nhau, nhưng vì một nghèo một giàu, Cao Sĩ Kỳ không muốn cầu xin. Không ngờ vào kinh, một sang một hèn, Tra Thận Hành vẫn cứ chân thành giúp đỡ, Cao Sĩ Kỳ cảm thấy xúc động nhưng không muốn nói tiếng “cảm ơn”. Anh cười nói: “Xem ra Minh Châu khát vọng tìm người hiền nghe nói ông ta bất hòa với Sách Ngạch Đồ. Còn anh bên nào cũng chơi được!” Tra Thận Hành nói: “Bọn họ đâu phải chuyện yêu tài cầu hiền. Hàng ngày Hoàng thượng đều cật vấn họ, buộc họ phải có học vấn nên bất đắc dĩ phải thế thôi. Còn tôi á, có lúc họ cần hỏi tôi khảo cứu chứng cứ để ứng phó với Hoàng thượng”.

Cao Sĩ Kỳ bỗng nảy ra một ý, Thiên tử coi trọng tài năng như vậy, thật quả là “Hà đồ Lạc thư xuất, lễ nhạc thiên hạ hưng”, sắp tới thời thịnh rồi. Nói tới đây, chủ quán bước vào, cung kính vái chào, nói: “Quan lớn Cao, hoa ngài đặt hôm trước, chủ tiệm hoa đã đưa tới rồi”.

Vừa nói xong, một cô gái khoảng 17, 18 tuổi bưng một chậu hoa thủy tiên hai màu bước vào, cô mặc chiếc áo xanh nõn chuối thêu hoa hai màu trắng đỏ, rất sống động. Cô gái mặt mày thanh tú, ngón tay thon thả, váy phồng xếp nếp trông hệt như trong tranh cô gái dâng lễ thọ. Cao Sĩ Kỳ ngơ ngác, anh đã ngày ngày nhìn thấy cô gái này bán hoa ở tại hành lang chợ hoa mà không để ý cô là một giai nhân tuyệt sắc! Tra Thận Hành nheo mắt nhìn Cao Sĩ Kỳ rồi cười nói: “Đàm Nhân, anh xem mặt người hay là xem hoa đấy?”

“À, à!” Cao Sĩ Kỳ chợt tỉnh vội nói, “Xin đặt lên trên bàn, anh Thận Hành, chúng ta cùng ngắm hoa nhé!”

Cô gái cười mắt sáng lên, đặt hoa lên trên bàn, hai tay chống gối xá hai cái. Tra Thận Hành trêu: “Hoa này mà được cô bưng để Cao tiên sinh thưởng thức thì sẽ đẹp hơn nhiều, đáng tiếc chậu nặng quá, cô tên gì?” Bây giờ cô gái mới nghe ra là hai người đang ca ngợi sắc đẹp của cô, mặt cô bỗng ửng đỏ, trả lời nhỏ nhẹ: “Hai quan lớn đừng cười, nô tỳ tên Phương Lan”.

“Lan xinh đẹp, cúc lại thơm, nhớ giai nhân hề, không thể quên”. Cao Sĩ Kỳ ngâm lên rồi nói: “Trong bài từ Gió thu của Vũ Đế, tên đẹp thật!” Tra Thận Hành nói: “Rượu không làm say người, người tự say, hoa không làm mê người, người tự mê hai câu tục ngữ này đều hiện ra trong một ngày ở cái xóm sông này”. Rồi hỏi Phương Lan, “Cô người Phong Đài à? Trồng hoa đến bậc này, đưa vào trong đại nội cũng là thượng hảo hạng rồi, Cao tiên sinh sao có duyên làm vậy?” Cao Sĩ Kỳ thấy anh ta cứ trêu đùa mãi cũng cảm thấy xấu hổ, bèn đứng lên ngắm nghía thủy tiên. Anh nói: “Anh Tra, anh chữa cuốn Đào hoa phấn của Khổng Thượng Nhậm xong chưa? Nghe nói anh đang tìm người cho diễn thì phải. Thượng Nhậm mà thấy chậu thủy tiên này, không biết còn làm được những câu thơ hay đến đâu nữa! Nhưng mà, hoa đẹp như thế này, tiến cống cũng tốt, sao lại đem ra chợ, e rằng đến lễ tết quan thái giám lại tìm không ra!”

Câu nói làm cho Phương Lan đỏ mặt. Nguyên Phong Đài là hạng nhất ở cửa hàng hoa kinh sư này, là nghề tổ truyền làm vườn trồng hoa trong cung thời nhà Minh trước. Dáng màu các loại hoa đều do các cụ tổ bí mật nuôi dưỡng, xuân có cúc, hạ có mai, có thể thay đổi bốn mùa, nhưng nếu không mua chuộc được thái giám thì có đẹp cũng uổng công. Phương Lan vì cha, anh bị bệnh, bán nó để mua thuốc. Những hoa này không thể đưa vào cung được, thấy Cao Sĩ Kỳ và Tra Thận Hành rộng rãi độ lượng, thấu hiểu tình lý, nên miễn cưỡng cười nói: “Các ngài nói phải cả, hoa cũng giống như người, không có tiền cũng khó gặp đức Vạn tuế!”

“Đừng buồn”. Cao Sĩ Kỳ nghĩ lại mình, bỗng nổi máu tri âm tri kỷ, vừa “ngắm hoa” vừa nói: “Hôm nay nhất định không để cô thiệt thòi. Anh Tra, cho tôi mượn mười lạng bạc thưởng cô gái... Hừm, Tra tiên sinh là thám hoa, bữa nay anh ta làm thơ tôi viết chữ ca ngợi hoa nhà cô đem về treo ở trong tiệm, chắc chắn người ta sẽ đến chen nhau đến vỡ cửa hàng hoa của cô!” Phương Lan kinh ngạc nói: “Một bức chữ mà thánh như vậy sao?” Đôi mắt cô sáng rực liếc nhìn lên suýt nữa thì hớp hồn Cao Sĩ Kỳ. Tra Thận Hành lại cười nói: “Uổng công cô tên là ‘Phương Lan’, tránh tên Tra của tôi ra, Cao Đàm Nhân viết một nét chữ đem sang xưởng thủy tinh bán thử xem!” Nói xong anh phấn khởi đứng lên đi một vòng quanh chậu hoa, mồm khẽ ngâm:

Hồn phách như ngọc vụn giá băng,

Lạnh ao đá trắng vẫn rỡ ràng

Tinh thần trong trắng như bông tuyết

Vạch được tiên sinh một vết hằn.

Cao Sĩ Kỳ xắn tay áo cầm bút chấm mực, nét bút như rồng bay phượng múa, anh vừa viết vừa nói: “Hay! Đây là thủy tiên trắng, thêm một bài nữa đi!”

Tra Thận Hành lặng yên suy nghĩ rồi ngâm tiếp:

Cắt trồng tỉa tót khéo tay chăm bón

Nảy nhánh nhụy non tha thướt dáng quỳnh

Tăng thêm ấm lạnh cho người hàn sĩ

“Anh Tra khoan ngâm, để tôi nối vào nhé!” Cao Sĩ Kỳ nổi hứng lên, cười lớn nói: “- Tốt ngày hoa nở cả phòng cùng xem!”

Tra Thận Hành vỗ tay khen: “ ‘Tối ngày hoa nở cả phòng cùng xem’ hay! Vừa tốt đẹp vừa tha thiết, nói được câu này chắc có ý gì đây?” Nói xong, liếc nhìn Phương Lan. Phương Lan tuy không hiểu lắm nhưng biết là câu trêu ghẹo gì đó, nàng vội vàng cuộn gói giấy lại, cảm ơn, rồi đỏ mặt, cúi đầu vội vàng bước đi.

Cho mãi đến lúc trời tối mịt, Tra Thận Hành mới để lại một ít bạc rồi giã từ ra về. Cao Sĩ Kỳ bèn gọi chủ quán tới, anh uể oải vắt chân chữ ngũ nói: “Ông già Lưu, ngày nào ông cũng nói ông lớn Cao thiếu tiền phòng rồi lấy cớ đó chửi chó mắng mèo. Ông hãy xem xem cái gì đây?” Chủ quán nhìn lên bàn thấy hai đĩnh bạc có viền hoa hẳn hoi, trên mặt lên nước bóng lộn, viền cong, đế vuông, quả là đĩnh bạc Nguyên Bảo chính hiệu. Ông trợn mắt nhìn một hồi lâu, mặt mày hớn hở cười nói: “Ông lớn, ngài để ý làm gì bọn tiểu nhân ít học như con? Thôi được, bây giờ con xin tạ tội cùng ông lớn đây!” Cao Sĩ Kỳ mỉm cười nói: “Ta để ý so đo gì với ông, bây giờ trả nợ xong là ta đi ngay, ông hãy coi chừng ta trị ông đấy! Bây giờ có việc cần nhờ ông làm giúp, làm được thì tiền bạc có gì đáng nói!” Vừa nói vừa thuận tay ném ra một đĩnh Nguyên Bảo.

“Ông lớn, có gì ngài cứ sai bảo!”

“Cô bán hoa vừa vào đây, ông biết chứ?”

“Cùng chung một phố, sao lại không biết?” Chủ quán Lưu cười nịnh trong lòng biết là việc khó, nhưng cũng bịa chuyện nói, “Cô Liên nhà họ Thái ở cửa Chính Dương đó, một người đẹp nổi tiếng. Thế nào, ông lớn... muốn gặp cô ta?”

Cao Sĩ Kỳ cười thầm, nhưng mồm lúng búng: “Cô ta là gái nhà lành, chỉ sợ...” “Gái nhà lành thì chẳng phải đâu”. Sợ cho việc làm ăn của mình hỏng, chủ quán liếc nhìn Cao Sĩ Kỳ cố ý làm ra vẻ suy nghĩ nói: “Có điều, những cô gái chưa xe lông mặt, mỗi đêm không có hai mươi lạng thì đừng hòng sờ tới. Con gái tân của người ta, thường là làm cao, lại xấu hổ, thủ tục phải nhiều hơn”.

“Hả? Thủ tục gì hả?”

“Canh một tối nay, bảo người nhà tôi đi một chuyến”. Chủ quán Lưu cười nói, “Canh hai không đến thì quan lớn đừng hy vọng nữa không được thắp đèn, cũng không được nói chuyện, trời chưa sáng đã phải để người ta đi. Ngài hãy xét kỹ cho, việc đó không nói chắc ngài cũng rõ...” Cao Sĩ Kỳ trọ quán này đã lâu, đã biết rõ thủ đoạn của chủ quán, thấy ông ta làm ra vẻ, thật đúng ý mình, anh bắt chéo chân chữ ngũ, nói chậm rãi: “Tôi biết rồi, cứ theo ý ông, ông đi làm đi!” Chủ quán Lưu cười, vái chào một cái rồi đi một mạch như chó cụp đuôi.

Đêm đó trời tối đen, sau canh hai, đèn đóm trong quán đã tắt. Khoảng nửa canh giờ, chủ quán gõ nhè nhẹ vào song cửa, mở cửa ra mồm thì thầm: “Cô đừng xấu hổ, Cao tiên sinh là người có văn hóa, quả là tài tử giai nhân! Ban ngày hai người chẳng đã gặp nhau rồi đó sao...”. Vừa nói vừa đẩy vào một người. Chẳng kể ba bảy hăm mốt, Cao Sĩ Kỳ nhảy vồ tới ôm hôn, vừa kéo vừa đẩy bế lên giường, vuốt ve một chặp...”.

Đến nửa đêm đang ngủ rất say, bỗng nhiên lò than trong phòng Cao Sĩ Kỳ bốc lên thành ngọn, ban đầu đốt cháy tờ giấy sau bén tới chân ghế, ngọn lửa cứ thế trườn lên trên, đốt cháy tờ giấy dán cửa sổ rồi thanh cửa sổ, chẳng mấy chốc cháy phừng lên hiên nhà. Cao Sĩ Kỳ kêu to một tiếng “Cháy!” rồi nhảy xuống giường, vơ một đống quần áo rồi chạy ra ngoài, vừa mặc quần áo vừa kêu to:

“Cháy! Cháy! Người chết hết rồi sao? Phòng tôi cháy”.

Trong khoảnh khắc, cả cái quán náo động hẳn lên. Mười mấy tên bồi phòng, mười mấy người khách trọ cả sân trước sân sau, có người thu dọn đồ đạc của mình, có người kêu to la lớn, có người tìm thùng tìm chậu, có người thắp nến, đều ùa cả ra sân ra sức tưới nước dập lửa. Cao Sĩ Kỳ nôn nóng chạy khắp nơi, giậm chân kêu to: “Cứu người! Đồ súc sinh, phải cứu người trước đã - bên trong còn có người...”

Những tên bồi bàn xông ngay vào trong, kéo ra một người đàn bà trần truồng, trên mình không mảnh vải che thân. Mọi người soi đèn nhìn kỹ thì ra là bà Vương, vợ chủ quán - một tay che vú, một tay che chỗ kín, ngồi sụp xuống đất xấu hổ tìm không ra chỗ nứt mà chui xuống. Những tên bồi bàn ngạc nhiên nhìn nhau, còn khách trọ đâu nhịn được, ôm bụng cười ngặt nghẽo.

Cao Sĩ Kỳ quá tức giận giậm chân chửi đổng một hồi, thấy trời sắp sáng, bèn cuốn gói nghênh ngang bỏ đi.

Thời gian từ Khai Phong trở về, Khang Hy tuy rất bận nhưng có vẻ vững tâm. Liên tiếp mấy lần triệu gặp Cận Phụ, lòng vua đã có chủ định, nhưng lại lệnh cho Cận Phụ không cần vội vàng đi nhậm chức, mà đi tìm hiểu các nha môn ở kinh sư cho quen người quen việc, đợi mở khóa bác học hồng nho xong rồi hãy đi Thanh Giang nhậm chức. Mọi việc trù liệu xong xuôi, đã có Minh Châu, Hùng Tứ Lý, Sách Ngạch Đồ, Lý Quang Địa ngày đêm chuẩn bị đại lễ. Khang Hy cũng cố tìm được chút rảnh rang, ngày nào cũng đến gác Tử Quang xem đám thị vệ luyện tập cung kiếm. Nếu không thì gọi đám quan văn Dương Bân, Trương Thành, Trần Hậu Diệu vào giảng Kinh Dịch, xem tranh chữ, học tiếng Tây, học thiên văn, số học, học các thứ thanh, quang, hóa, điện, hình học, trắc họa... cũng bận tối tăm mặt mũi. Trần Hậu Diệu trình độ số học rất cao nhưng ngày nào cũng giảng, học vấn cứ vơi dần, đến lúc cạn sạch, không còn thỏa mãn nhu cầu ham hiểu biết của Khang Hy nữa. Còn người Tây dương Trương Thành cứ mỗi lần ra ngoài cung gặp người đều bô bô ca ngợi: “Đại hoàng đế chúng ta thật là thiên tài! Kiến thức mà người châu Âu nửa năm chưa nắm được hết thì nhà vua chỉ cần một tháng đã tinh thông, tôi không còn đủ tư cách dạy thiên văn cho nhà vua nữa rồi!”

Hôm đó sau khi giảng bài xong, ăn điểm tâm sáng, nhân thấy trời âm u, gió thổi hơi lạnh, Khang Hy thay chiếc áo gió kép, mặt ngoài lụa Thạch Thanh, dắt theo hai người Mục Tử Húc và Lý Đức Toàn, theo Càn Thanh môn ra ngoài đi dạo, gặp chủ sự phòng dâng thư Hà Quế Trụ mang một chồng công văn từ Long Tông môn đi tới. Hà Quế Trụ thấy Khang Hy bèn dừng lại, khom người cười nói: “Hoàng thượng kim an, xin tha tội cho nô tài bưng chồng công văn này không quỳ xuống được...”.

“Thứ gì trong đó?” Khang Hy lơ đễnh hỏi, mắt ngước nhìn số công nhân đi qua đi lại tu sửa bên điện Thái Hòa, “Sao nhiều vậy? Bảo bên bộ rút gọn lại trình sang, chẳng phải có quy định như vậy từ trước sao?”

Hà Quế Trụ cười hì hì nói: “Bẩm đức Vạn tuế, bản rút gọn đã đưa sang bên Hùng Tứ Lý rồi. Còn mấy tấu chương này, một tờ là Thi Lang xin đưa theo lính thủy, một tờ là Phi Dương Cổ luyện quân ở Cửa Bắc cũ, còn có tờ tâu cống nạp của các nước Lưu Cầu, Xiêm La, Hà Lan, đều là việc quân việc nước lớn lao, đức Vạn tuế đã có ý chỉ, bảo phải đưa sang... Còn xấp dưới cùng là bài vở của các quan thượng thư trở lên.

Khang Hy lấy một bản trên cùng mở ra xem, thì là danh sách vật cống của nước Hà Lan, trên đó viết:

Hạt san hô lớn một xâu, gương lớn soi cả người hai cái, Hổ phách kỳ tú 24 cục, nhung nỉ Ta-tô-rô lớn 15 xấp, nhung nỉ Ta tô rô trung 10 xấp, thảm nhung lớn giác vàng bốn tấm...

Phía dưới còn một hàng dài, không kịp xem. Khang Hy cười nói: “Vật cống không nhiều, đó là tấm lòng. Mấy ngày nay các nước tới chúc mừng, Trẫm tiếp kiến không kịp - bài vở đưa vào, ta cần phê duyệt từng bản. Lý Đức Toàn nhớ đấy, những thứ nước Hà Lan cống hãy đem vào cho lão Phật gia xem, cái nào cụ thích thì giữ lại. Trẫm chỉ cần một giá nhiều đèn để đọc sách. Hai mươi cây súng bắn chim nạm vàng chia hết cho các thị vệ bậc 1, 2, mỗi người một cây; thưởng cho Ngụy Đông Đình một thùng rượu nho, một cây súng; cho Hùng Tứ Lý, Kiệt Thư, Minh Châu, Sách Ngạch Đồ, Phi Dương Cổ, Thi Lang, Ba Hải, Đồ Hải - cả Châu Bồi Công, Triệu Lương Đống, mỗi người một con dao găm trạm hoa, một đèn pha lê, mười xấp vải mềm. Số còn lại không được động vào, Trẫm còn phải thưởng cho người đậu bác học hồng nho - đã nhớ hết chưa?” Lý Đức Toàn đáp: “Dạ nhớ rồi ạ”. Anh lập tức nhẩm nhắc lại ý chỉ của Khang Hy không sót một chữ. Người thái giám này có trí nhớ thật tốt, Hà Quế Trụ bất giác nhìn anh ta với vẻ thán phục, rồi cười nói với Khang Hy: “Hoàng thượng hồng phúc to bằng trời, đây gọi là vạn quốc tới chầu, gặp thời vận đổi! Hồi trước khi ‘Tam phiên’ gây chuyện, bá quan văn võ người này cha chết, người kia mẹ ốm, ai cũng sinh bệnh, ai cũng xin nghỉ! - mà đều là quan lại, thế mà toàn là những người nô tài chịu ơn sâu nặng! Chuyện đời giống hệt như chuyện mở quán bán hàng...” Khang Hy nghe Hà Quế Trụ cà kê kể lể dài dòng, bỗng động lòng, cười nói: “Ông cũng biết nghĩ chuyện đời rồi đấy, tiến bộ không ít. Hãy đưa những thứ này sang điện Dưỡng Tâm, rồi đến Càn Thanh môn gọi Hùng Tứ Lý và mấy vị đại thần phòng dâng thư, Trẫm phải xem xét lời ghi của họ, nhân tiện bảo họ đi nghỉ một lát”. Nói xong vung tay bỏ đi.

Vừa ra khỏi ngõ Vĩnh Hạng, Khang Hy liếc mắt nhìn thấy hai cô gái đẹp đi theo một bà mệnh phụ nhị phẩm từ Cảnh Vận môn đi tới liền cười nói: “Nhất định là đến cung trai giới gặp lão Phật gia đây, không biết là mệnh phụ nhà ai, chân tay hình như không được nhanh nhẹn, Trẫm thấy như quen quen”. Mục Tử Húc nheo mắt nhìn một lát, rồi cười nói: “Hoàng thượng trí nhớ tốt thật, đó chính là cung nữ cưng của nương nương đã quy tiên, tên gì Cúc đấy, nay lấy Phi Dương Cổ...”.

“Mặc Cúc à!” Khang Hy bỗng nhớ lại, “Gọi bà ta tới đây!”

Thực ra không đợi truyền gọi, Mặc Cúc đã sớm nhìn thấy Khang Hy, thấy Khang Hy vẫy tay liền bước nhanh tới, quỳ mọp xuống làm đại lễ. Khang Hy mỉm cười nói: “Được rồi, được rồi, chân ngươi đau, không cần làm lễ”.

Mặc Cúc vốn là tỳ nữ của Hoàng hậu Hách Xá Lý đã mất. Năm Khang Hy thứ 12 Dương Khởi Long gây chuyện, người trong cung làm phản, do bảo vệ Hoàng hậu bị dao chém, từ đó chân bị tập tễnh. Cuối cùng nàng cũng làm lễ xong, rồi cười nói: “Nô tỳ là Lý Thiết quái của nhà Đại Thanh ta, cái chân này khỏi phải nói nữa, xin bẩm Hoàng thượng một câu, chồng nô tỳ trở về kinh đã được ba ngày rồi, muốn xin gặp Hoàng thượng!”

Khang Hy cười to nói: “Đại Thanh có một nữ Lý Thiết quái cũng tốt chứ sao! Mấy năm nay không gặp, bây giờ ngươi vẫn như xưa - Phi Dương Cổ có về hay không, thì ngươi thế nào cũng phải siêng vào đây một chút, để giải khuây cho lão Phật gia, hơn nữa, Thái tử cũng được phong ngay trong tay nhà ngươi, ngươi không nhớ Thái tử sao?”

“Hoàng thượng, đây mới là nghĩ tới tình người, đúng là phải nói lời này!” Mắt Mặc Cúc rướm lệ, nhưng nàng vỗ tay than rằng: “Chỉ hai năm nay, phép tắc càng ngày càng rườm rà, các thái giám mới vào đều hau háu như mắt chó, không có chút tình người! Mấy lần nô tỳ muốn vào cung Dục Khánh thăm Ông chủ nhỏ, đều bị ngăn cản, thì hỏi còn cách nào khác?”, Khang Hy cười nói: “Người khác không được, lẽ nào ngươi cũng không vào được?” Mặc Cúc nói: “Ông chủ không biết chứ, người già trong cung bị đuổi đi hầu hết, bây giờ mấy thái giám mới bên cạnh Ông chủ nhỏ, đều không phải do con người sinh ra, hôm trước nghe nói ngay cả con người thực thà như Thái Bình cũng bị đuổi xuống phòng giặt giũ, Trương Vạn Cường đứng ra xin xỏ cũng bị phòng Kính sự đuổi đi...”.

Mặc Cúc khó khăn lắm mới gặp được Khang Hy một lần, nàng trước nay vẫn mau miệng lòng thẳng như ruột ngựa, nín không được đều phun ra hết. Từ khi quyền bính đại nội giao hết cho Minh Châu, Khang Hy cứ tưởng mọi việc đều ổn thỏa, không ngờ sự tình lại như vậy, bất giác biến sắc.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3