Khang Hy Đại Đế - TẬP 3 - Chương 10

10

Sửa sử Minh bàn dựng chuyện Nhị thần

Phê văn thơ chửi khéo bọn quyền thần.

Khang Hy quay đầu nhìn lại, thấy chỉ có một mình Mục Tử Húc đi theo, thấy Triệu Bồi Cơ thái giám điện Dưỡng Tâm từ xa đi tới, liền vẫy tay gọi tới: “Ngươi đi làm gì đó?” Triệu Bồi Cơ vội làm lễ vái chào, cười đáp: “Tể tướng Minh Châu... đến hầu ở điện Dưỡng Tâm quên mang theo tứ thư, sai nô tỳ đi mượn cho quan một bản...” Khang Hy tức giận nói: “Ông ta là cha của ngươi chăng? Sao mà hiếu kính với ông ta như vậy! Bây giờ nước đến chân mới nhảy thì được việc gì! Đi tới phòng Kính sự truyền chỉ: Trương Vạn Cường là đô thái giám lục cung, có việc còn phải thỉnh thị ông ta, bảo phòng Kính sự tra cứu xem mấy năm nay đuổi đi bao nhiêu thái giám, bao nhiêu cung nữ, đều phải gọi lại về hầu hạ chủ cũ, bảo họ hãy coi chừng, Trẫm sẽ tra xét đấy!”

Khang Hy nói xong liền bỏ đi, lòng bỗng nảy ra một ý: Minh Châu tham dự vào việc đại nội có thái quá không, thái giám cắt đứt liên hệ của Thái tử với bên ngoài, có được không? Nhưng chưa đi được mấy bước, vua lại cảm thấy mình đa nghi vô cớ thật buồn cười, chỉ mới nghe Mặc Cúc nói mấy câu đã có lòng nghi cho đại thần, việc bên trong cung cấm quản chặt một chút vẫn chẳng tốt hơn sao! Đến khi tới trước cửa Thùy Hoa điện Dưỡng Tâm Khang Hy đã trở lại bình tĩnh, nhân thấy Lý Quang Địa, Sách Ngạch Đồ, Minh Châu và Hùng Tứ Lý đều đứng nghiêm dưới hành lang liền cười nói: “Vào đi, nói là khảo hạch, nhưng thật ra là để thư giãn bàn chuyện phiếm cho vui, sợ cái gì? Hùng lão phu tử, Trẫm không xem bài của khanh, làm sao mà sắc mặt tái xanh thế?”

Vừa nói vừa đi vào điện ngồi xuống, thở phào một cái nói: “Việc khoa bác học hồng nho chuẩn bị hòm hòm rồi chứ? Xong việc này, Trẫm cho các khanh nghỉ ba ngày!” Vừa nói vừa cầm một tờ sớ thỉnh an bìa vàng lên xem, lại là do Ngụy Đông Đình chuyển tới, vì thấy Giang Nam ngày hôm đó giá lúa bảy tiền một thạch, bèn chấm son đỏ, phê trước một câu “Trẫm rất yên lòng”. Suy nghĩ một lát, nhà vua lại xóa đi, viết một câu khác: “Thóc rẻ khổ nhà nông, có thể xuất tiền hải quan và kho Kim Lăng mua lương thực, giá mua cao hơn thị trường một chút thì giá thị trường có thể nhanh chóng bình ổn”. Vua vừa viết vừa nói với Hùng Tứ Lý: “Hôm trước khanh có giảng ‘tính tương cận’ (tính gần nhau) cho Thái tử, Trẫm chưa nghe rõ lắm, xin nói lại một lần nữa được không?”

“Vâng ạ”. Hùng Tứ Lý vội cúi người đáp, “Tính chất, người thông minh và kẻ ngu dốt, thánh hiền và người thường vốn trời sinh ra như nhau. Nhưng đó chỉ là nói trên lý thuyết, còn nói tính khí thì không thể giống nhau, nói ‘gần nhau’, tức nhiên là không phải ‘giống nhau’ ”.

“Hả?” Khang Hy đặt tờ sớ thăm hỏi sang một bên, ngước đầu cười hỏi, “Lẽ nào tính chất và tính khí là hai cái tính khác nhau?”

Hùng Tứ Lý suy nghĩ một lát, cười gượng nói: “Thần chưa đi sâu vào cái đạo lý bên trong. Nhưng thần cho rằng tính chất và tính khí tuy hai mà một, tuy một mà hai, tính chất chỉ có ở trong tính khí”. Khang Hy nghe xong mỉm cười gật đầu. Minh Châu có một lô công chuyện nóng lòng muốn bẩm báo Khang Hy, ngồi một bên nghe không kiên nhẫn nổi, khó khăn lắm mới chen được vào chỗ trống, liền nói: “Vừa rồi Vạn tuế có hỏi về khoa thi bác học hồng nho. Nô tài đang cần xin thỉnh chỉ, sau khi thi xong, sẽ sắp xếp số hồng nho đó như thế nào, có thể để cho Bộ sắp xếp không?” Khang Hy cười nói: “Các khanh nghĩ thế nào, cứ nói trước thử xem”.

“Theo ý nô tài, đưa những người này vào Viện Hàn lâm đương nhiên là không được”. Minh Châu nói nghiêm trang, “Đây là ngự giá thân hành cho thi, là ngày lễ long trọng muôn đời, không giống với tiến sĩ thông thường. Còn đưa xuống làm quan địa phương, thì tuổi tác hơi già một chút. Đều là hồng nho do quan viên địa phương phụng chỉ xem xét tìm ra, người thi không đỗ, nếu cho trở về địa phương thì các tổng đốc tuần vũ cũng khó nghĩ. Nhưng nếu đưa hết vào phòng dâng thư thì hơi nhiều. Thần nghĩ mấy ngày vẫn không tìm ra cách nào thỏa đáng”.

Minh Châu nói rất có lý, thực ra còn một điều quan trọng hơn ông không dám nói nhưng Khang Hy thì thấy rất rõ: Tiến sĩ đỗ ở khoa bình thường và khoa bác học hồng nho, nếu công việc sắp xếp khác nhau quá nhiều, thì không tránh khỏi sinh chuyện. Bây giờ đã có những cử nhân đi thi làm thơ châm biếm rồi. Nếu xếp vào một chỗ thì sinh ra nạn bè đảng! Khang Hy đắn đo suy nghĩ, rồi cười nói: “Minh Châu nghĩ rất phải, Hùng Đông Viên, khanh thấy thế nào?”, Hùng Tứ Lý đã có dự định sẵn, liền nói: “Thần cho rằng cho làm quan không cần phải đặt thêm môn này môn nọ. Đáng thị giảng thì cho thị giảng, đáng thị độc thì cho thị độc; đáng vào Hàn lâm viện thì vẫn cho đi làm biên soạn. Xuất thân khoa giáp, thầy trò tựa vào nhau có thể dẫn tới bè cánh môn phái, nếu đưa số thạc nho dự khoa thi này vào thì phá được số môn phái đó, nếu sử dụng, thần cho rằng bọn họ phần lớn đều thông thạo sự tình chính sự của nhà Minh trước, có thể tổ chức họ thành ban bệ để tu soạn sử Minh...”.

Khang Hy nghe ánh mắt sáng lên: Môn phái nhiều thì thành ra không còn môn phái Hùng Tứ Lý quả là khác với mọi người, nói đạo lý có thể có kiến giải khác thường. Giao cho hồng nho việc tu sửa sử Minh, thì đúng là việc họ mong muốn mà chưa được làm, còn bá tánh thì nghĩ đây là “Thánh triều nhân chính” (triều đại thánh thiện, chính trị nhân ái). Kiến nghị này quả là một mũi tên bắn trúng nhiều mục tiêu, thật là tuyệt diệu! Vua phấn chấn đứng lên, bước tới mấy bước, nói: “Đúng, tu sửa sử Minh! Phải sửa khác với mọi người, đây là một việc lớn, Trẫm phải tự mình coi quản. Đã ưu đãi sĩ tử tài cao, lại xóa bỏ những ý đồ phản trắc, lại có thể trình ra cho thiên hạ nguồn gốc tai họa làm mất nhà Minh, dạy lại bài học cho lớp con cháu. Ví như nói, có thể dựng ra Truyện Nhị thần chăng, nếu không thì làm sao đánh giá công tội của những người như Hồng Thừa Trù, Tiền Khiêm Ích?” Suy nghĩ của nhà vua rất linh hoạt, nói rất nhanh, mọi người không kịp hiểu hết.

Hùng Tứ Lý động lòng, ngẫm nghĩ ba chữ Truyện Nhị thần, càng nghĩ càng sâu; thảo nào Khang Hy cứ nhắc đi nhắc lại mãi, trong chốc lát đã nghĩ ra một từ có hơi khắt khe nhưng lại đường đường chính chính. Khổng Tử viết Xuân Thu, bọn loạn thần tặc tử sợ, thực ra bọn loạn thần tặc tử thời nào cũng có, không bao giờ hết, bây giờ ngay cả những đại thần công lao hiển hách của triều này cũng liệt vào hạng “loạn thần” của triều trước, vậy thì ai còn dám làm “Nhị thần” của triều này? Đang suy nghĩ lung tung, Sách Ngạch Đồ bên cạnh hỏi: “Sớ của Quang Địa tâu xin đánh Đài Loan, không biết Hoàng thượng đã xem chưa?”

“Trẫm đã ngó qua rồi”. Khang Hy đã bình tĩnh lại, nhà vua ngồi xuống hớp một ngụm trà, hỏi Lý Quang Địa: “Sao khanh không nói gì hết? Tin Trịnh Thành Công chết có đáng tin không?” Lý Quang Địa lần đầu tiên bàn việc với phòng dâng thư, lòng ông rất xúc động; xem ra bản thân mình cũng có khả năng tham dự bàn việc triều, vào phòng dâng thư rồi, bỗng nghe Khang Hy hỏi vội đáp: “Chuyện đó tin được, không chỉ Trịnh Thành Công mà Trịnh Kinh cũng đã chết, Đài Loan như rắn mất đầu, bên trong Giang, Triết nổi dậy. Cho nên thần và Thị Lang ý kiến giống nhau, xin Chúa Thượng lập tức hạ chiếu, lệnh cho đoàn quân đánh thủy chuẩn bị vượt biển thu hồi đất cũ”.

“Còn tướng?” Khang Hy hỏi, “Lính thủy đã tập luyện rồi, còn tướng chỉ huy nên cử ai?” Minh Châu ngồi bên nói to: “Thần tiến cử Thi Lang!” Lý Quang Địa thì nói: “Nên để Tổng đốc Phúc Kiến Diêu Khải Thánh thống lĩnh binh lính vượt biển. Thi Lang nguyên là bộ hạ cũ của Trịnh Thành Công, e không hết lòng lo việc”. Hùng Tứ Lý thì nói: “Quốc gia chinh chiến đã nhiều, nguyên khí còn chưa hồi phục, không nên ra binh”. Mất một lúc lâu tranh cãi ồn ào, ai cũng có ý kiến riêng, không ai chịu nhượng bộ ai. Khang Hy nghe một hồi lâu mới vỡ lẽ, trước khi mình bước vào Hùng Tứ Lý và Lý Quang Địa hai người vì việc này mà ý kiến ngược nhau, đã có va chạm mất tình cảm rồi. Hùng Tứ Lý thấy Lý Quang Địa nói lên khảng khái, luôn luôn liếc nhìn mình, bèn cười gượng nói: “Đó đều là những lời hại nước, Chúa thượng nhất thiết không nên cả tin!”

Khang Hy nghe nói mỉm cười, hỏi như chẳng có chuyện gì: “Hùng Tứ Lý, lời khanh nói Trẫm không hiểu rõ, là ai hại nước? Lời nói này có chỗ nào hại nước đâu?”

“Vạn tuế!” Hùng Tứ Lý nghe giọng nói của Khang Hy có khác, bèn vén áo quỳ xuống, “Đài Loan chỉ là một quận nhỏ tí tẹo, còn hoang sơ chưa khai hóa, vốn không đáng xem là kẻ địch lớn. Nay khói lửa “Tam phiên” chưa đứt hẳn, quân sĩ còn mỏi mệt, hàng triệu bá tánh còn chưa hồi tỉnh, nay ta đem binh đánh vào chỗ không biết thắng bại ra sao, thắng thì không đáng là chiến công, còn bại thì gây hiềm khích biên cương, cúi xin Thánh thượng suy nghĩ kỹ!”

Lý Quang Địa thấy vậy cũng quỳ xuống tâu rằng: “Đài Loan từ đời Hán đã là đất của Hoa Hạ, sao lại bỏ đi tùy tiện như vậy? Quân ta mới dẹp yên “Tam phiên”, sĩ khí đang lên, đúng là lúc một cú quét tan sào huyệt, không thể nuôi ung nhọt để thành tai họa!” Cả Sách Ngạch Đồ và Minh Châu cũng đều quỳ xuống, mỗi người nói lên ý kiến của mình.

Khang Hy nghe xong, trầm ngâm rất lâu mới nói: “Ông Đông Viên, Trẫm cũng không nói xuất binh ngay lập tức! Khanh nên biết, khuyết một mảnh, cái âu không hoàn chỉnh; một quận không yên cũng là tội lỗi của Tể tướng. Tống Thái Tổ còn biết được ‘nằm bên cạnh sạp, không để người ta ngủ say’ nữa là!” Hùng Tứ Lý nghe Khang Hy nói như vậy cảm thấy gay go. Triệt “Tam phiên” ông không tán đồng, Khang Hy vẫn quyết hạ chỉ triệt phiên; “Tam phiên” làm loạn, ông lại chủ hòa, lại bị Khang Hy nghiêm khắc chỉ trích bây giờ sự thật đã chứng minh mình ta hết sai này đến sai khác, lần này không biết có sai nữa không? Ông suy nghĩ rồi thở ra nói giọng hòa hoãn: “Thần vốn là quan Đại Thanh, há chịu để người ta chia cắt đất nước Đại Thanh? Nhưng trước mắt, sức nước khó nổi xuất quân. Hoàng thượng đã có ý định, thần cũng không dám nói khác, chỉ mong Hoàng thượng tích lũy đủ lương thực, chuẩn bị tốt binh lính, cẩn thận chọn tướng chỉ huy, thần mong rằng xuất quân là chiến thắng!” Khang Hy vốn định gọi những đại thần bận tối tăm mặt mũi này đến chuyện trò khuây khỏa coi như nghỉ ngơi, không ngờ diễn ra cuộc tranh cãi như vậy, kể cũng buồn cười. Nhà vua ngước đầu nhìn đồng hồ chuông, nói: “Việc chọn tướng Trẫm sẽ lưu ý. Hôm nay không nói chuyện này nữa, truyền dọn bữa Trẫm muốn làm tiệc chiêu đãi các khanh, vua quan chúng ta vừa ăn vừa luận bàn văn chương nghệ thuật, chẳng thú hơn sao?” Mấy vị đại thần nghe nói đều tạ ơn đứng dậy.

Nhà bếp vua ngự, thức ăn lúc nào cũng có, một lúc sau tiệc bày đầy đủ. Lý Quang Địa lần đầu được hưởng vinh dự đặc biệt này ngồi ở cuối bàn. Khang Hy ngồi trên cùng, một mặt bảo các quan “cứ ăn thoải mái” một mặt chọn mấy món ăn nhẹ để tiếp các quan, vừa tiện tay cầm cuốn sổ ghi chép của Minh Châu lên xem. Các tấu sớ của Minh Châu gần đây đều do một môn khách mới Cao Sĩ Kỳ chấp bút, nhiều lần được chỉ dụ khen ngợi, thấy Khang Hy xem xét văn chương của mình, ông đắc ý cười nói: “Chỉ e không làm đẹp mắt Thánh thượng. Hai năm nay nhờ ơn Thánh thượng dạy dỗ, nô tài cảm thấy học vấn tiến nhiều, nhớ lại trước kia tấu đối chẳng ra sao, mà cảm thấy xấu hổ...”.

Khang Hy căn bản không tin những tờ sớ tâu, điều trần đều do tự tay Minh Châu viết, nghe ông khoác lác, liền cười nói: “Đúng là như vậy. Ghi chép của khanh xem rất thú vị, không biết có thơ hay không?” Gần đây Minh Châu học đòi phong nhã thỉnh thoảng cũng có làm thơ, đang được Khang Hy gãi đúng chỗ ngứa, liền rút trong ống giày ra một tập vở, hai tay dâng cho Khang Hy, nói: “Đây là sổ tập làm thơ từ của nô tài, cũng có mấy bài văn bát cổ, trên đó có lời phê của bạn bè, xin Hoàng thượng xem qua”. Khang Hy nhận cuốn sổ, lật tùy tiện xem hết trang này đến trang khác, bỗng cười lên thành tiếng nói: “Hùng lão phu tử này, lời phê này rất có ý nghĩa, khanh xem bài văn Không tự bỏ mình” Sách Ngạch Đồ đang ngồi phía dưới Hùng Tứ Lý, ông tuy coi thường cách đối nhân xử thế của Minh Châu, nghe Khang Hy nói vậy rất đỗi ngạc nhiên liền xích gần lại bên Hùng Tứ Lý ghé mắt xem:

“Thánh nhân nói ‘da tóc thân thể do cha mẹ cho, không dám hủy hoại’, đó lá cái gốc không tự bỏ mình vậy. Da tóc còn không tùy tiện làm tổn thương, huống hồ là tấm thân ta? Thân ta do cha mẹ cho, lại được ơn Thánh mưa mà sống ở đời, là trời còn thương mà trọng vậy, thân thể hèn mọn sao dám trái lẽ trời mà tự khinh tự bỏ?” Hùng Tứ Lý chau mày đọc, rồi nói: “Lời phê thế nào - trống Hạt bốn gõ, thống thiết!” Lý Quang Địa lắc đầu nói: “Chỉ nghe nói ‘trống Hạt một gõ, vạn hoa đều rụng’, ‘bốn gõ’ này là nghĩa gì? Còn hai chữ ‘thống thiết...’ ” Ông suy nghĩ, nhưng không giải thích nổi. Sách Ngạch Đồ như lạc vào giữa đám sương mù. Khang Hy suy đoán, lời phê này không tốt, nên cười nói: “Chắc là muốn nói ‘trống Hạt bốn gõ, hoa bốn phương đều rụng’ đấy!” Lời chưa nói xong đã thấy Lý Quang Địa che miệng cười, bèn nói: “Khanh cười cái gì?”

Lý Quang Địa vội bỏ đũa xuống, nói: “Người phê chưa nói rõ ý. Trống Hạt bốn gõ nguyên là ‘bú thùng rồi bú thùng’ (tiếng trống kêu tùng tùng, còn có nghĩa là bất thông); ‘thống’ giảng theo nguyên lý y học cũng có ý là ‘thống tắc bất thông’ (đau thì không thông), Minh Châu bị người này gạt rồi!” Khang Hy ngửa mặt suy nghĩ. Quả là không sai, bất giác ha hả cười lớn. Minh Châu đỏ mặt, đánh trống lảng: “Nguyên bài văn viết không thông lắm, cũng chẳng trách người ta phê như vậy!”.

Hùng Tứ Lý trước nay trang trọng nhân từ hòa nhã, không thích thái độ khinh bạc, nghe Lý Quang Địa giải thích chỉ cau mày, rồi lật tiếp phía sau, thì là một bài thơ vịnh mai, bèn đọc khe khẽ:

Giữa tường rồng cuộn nở bông tuyết,

Đầu nhánh sum suê ánh sắc hoa.

Không tin Đông Quân không để ý,

Say tựa dây xanh quấn quanh hoa.

Khang Hy do nghe không rõ lắm, bèn tìm bản thảo xem lại, nói: “Bài thơ này bình thường quá, lời phê cũng hàm hồ ‘như ở dưới Tề, mà cao hơn Đỗ’ là ý gì? Lẽ nào bài thơ này hay hơn thơ Đỗ Công Bộ chăng? Lại có tên họ Tề nào làm thơ hay hơn ông Thánh Thơ hay sao?” Hùng Tứ Lý bình phẩm ý thơ, bất giác lắc đầu, cho dù uyên bác đến đâu thì một lúc cũng không giải nổi. Ông đọc đi đọc lại hai lần bỗng đỏ mặt, cố nhịn cười nói: “Những lời phê này thấp hèn thô tục, không đáng để Thánh thượng nghe, thôi đi vậy”.

Khang Hy nghiêng đầu suy nghĩ rất lâu, vẫn không hiểu nổi ý nghĩa tám chữ này nên cười nói: “Nói ra cho mọi người cười thoải mái một trận cũng hay chứ sao!”

Bỗng Lý Quang Địa chợt tỉnh ra, vì thấy Hùng Tứ Lý ngập ngừng không chịu nói bèn nói: “Rất bất nhã, chữ ‘Tề’ vốn đồng âm với chữ ‘tề’ là cái rốn dưới bụng, ‘Đỗ’ cũng đồng âm với ‘đỗ’ là cái bụng...”.

Minh Châu trợn mắt lắng nghe, biết là lời phê không tốt, nhưng không hiểu rõ ý; Sách Ngạch Đồ chỉ lẩm bẩm ‘như ở dưới tề (rốn) mà cao hơn đỗ (bụng)...’ Võ Đơn thấy mọi người chau mày suy nghĩ, anh rất ngạc nhiên nói: “Tám chữ này có gì khó hiểu đâu? Ở dưới rốn mà cao hơn bụng đó chính là cái đó chăng!”

Một lời nói toạc ra, cả phòng lập tức cười rộ lên. Khang Hy tay vịn thành ghế cười muốn đứt hơi, Sách Ngạch Đồ cười phát ho phải lấy tay vuốt ngực, Hùng Tứ Lý mặt càng đỏ gay, nghiến răng cố nín, cố giữ mình không được sỗ sàng. Ngay cả Mục Tử Húc, Tố Luân và số thị vệ đứng ngoài cửa, có người ngồi thụp xuống, có người bưng mặt, không ai là không cười ngặt ngoẽo, chỉ riêng Lý Đức Toàn nhịn được, anh đi tới đấm lưng cho Khang Hy. Minh Châu dở đứng dở quỳ, trong lòng chửi thầm: Cao Sĩ Kỳ, tên lưu manh, ta đối xử với mi như vậy, mà mi lại trêu tức ta, đợi ông mày về phủ cho biết tay!”

“Thơ này quả thực không hay”. Hùng Tứ Lý định thần lại, cười giảng rõ thêm, “Bình trắc không nói, Bắc Kinh làm gì có thứ mai hồng giữa tường? Hơn nữa, hoa mai nở ánh sắc tuyết, trong lúc mùa rét đậm làm gì có dây xanh? Có điều người phê cũng quá đáng”. Khang Hy cũng dứt cười, nhà vua hớp một ngụm trà lạnh, cười nói với Minh Châu: “... Thật là vui! Khanh đừng làm khó dễ cho con người này, Trẫm muốn gặp hắn, thế mà khanh xuất thân là đồng tiến sĩ đấy, không biết quan chấm thi hoa mắt hay là lơ đễnh, cũng không biết khanh bỏ ra bao nhiêu tiền móc ngoặc...”.

“Chuyện móc ngoặc thì không có”. Minh Châu thấy Khang Hy không để ý, mới yên lòng, hì hì tự giễu mình nói, “Lúc đó người đi thi ít, lấy không đủ số. Quan thi hồ đồ, văn chương chó đẻ, điểm khuyên loạn xạ cũng có, không ngờ hôm nay lòi đuôi trước mặt Hoàng thượng! Có điều, làm cho Hoàng thượng cười, cũng không uổng tài ‘thơ’ này của nô tài, môn khách này tên là Cao Sĩ Kỳ, nguyên là tài tử Tiền Đường, ông ta với thần rất hợp nhau, Chúa thượng muốn gặp thì quả là vận may cho ông ta, nô tài đâu dám gây khó dễ ông ta!” Nói xong liếc mắt nhìn Sách Ngạch Đồ. Sách Ngạch Đồ nghe nói Cao Sĩ Kỳ ban đầu sửng sốt, nhưng thấy Khang Hy vui vẻ nên cũng góp vui đem chuyện Cao Sĩ Kỳ chửi khéo các danh sĩ tại phủ hôm đó kể lại làm cho mọi người lại được một trận cười ròn rã nữa.

Sau đó, Khang Hy mới thôi cười, lời Minh Châu nói đã nhắc nhở nhà vua. Những năm đầu Khang Hy, cử tử đi thi không có mấy, không lấy đủ số. Bây giờ mỗi người như cắm một cái thẻ tre trên đầu ráng sức chen vào cổng, hai trường thi nam bắc chỉ đề phòng mỗi chuyện lừa đảo mưu lợi cũng không phòng nổi. Nhưng khoa bác học hồng nho, những người này cốt cách khác. Người đi thi tổng cộng có 182 người, nhưng số cáo lão, sinh bệnh, tìm cách lẩn tránh có đến hơn bốn mươi người. Như những người Cố Viêm Vũ, Phó Sơn làm ra vẻ “vì nghĩa không chịu nhục” có chết cũng không đi thi, tuy rằng được đưa về kinh một cách “thỏa đáng” bằng khóa vàng xích bạc, nhưng cứ nằm trong miếu cổ không chịu gặp người... Xét cử chỉ của những di lão nhà Minh trước thì rõ là lòng người thiên hạ còn chưa chịu quy hết về “thánh hóa”! Trầm ngâm hồi lâu Khang Hy mới nói chậm rãi, “việc hai trường thi nam bắc bảo các quan giám khảo chịu khó đi làm thôi. Việc khoa bác học hồng nho nhất định phải làm tốt. Trẫm cũng biết dùng vũ lực kéo họ đi thi là không hợp lòng người, lẽ trời là vậy nhưng cũng đành vậy thôi, cung phải kéo cho thật cứng, đã đến rồi, không thi cũng phải thi! Sau khi thi xong, bất kể ưu liệt cũng đều cho làm quan, cần thiết nhất là không bắt họ thi không được! Các khanh nghe rõ chứ?”

“Dạ!” Mấy vị đại thần vội dập đầu vâng lệnh.

“Minh Châu,” Khang Hy cười nói: “khanh coi bốn ty bộ Lại, bốn ty đó đều có biệt hiệu, khanh biết không?”

“Nô tài biết”. Minh Châu trả lời không chút do dự, “Ty chọn văn, nắm giữ việc thăng chức, gọi là ‘ty vui’; ty khảo công nắm giữ việc phạt, giáng chức, cách chức gọi là ‘ty giận’; ty xét công nắm giữ việc hiếu hỷ, gọi là ‘ty buồn’; ty nghiệm phong nắm giữ việc phong tặng âm đức gọi là ‘ty mừng’. Hợp lại thành bốn ty vui, giận, buồn, mừng!”

Khang Hy gật đầu nói: “Khanh coi như người nắm vững tình hình trong bộ - Trẫm xem khoa thi bác học hồng nho này cũng dùng được bốn chữ này. Trẫm lấy quân vương vạn thặng làm chủ khảo, đây là vinh dự trước nay chưa có, gọi là ‘vui’; có người không chịu là vi phạm, trói lại đưa đến, gọi là ‘giận’, hắn không thích, không ngại, cho hắn ‘buồn’ một trận, đợi sau khi thi xong, Trẫm sẽ đề cử hắn, chẳng phải ‘mừng’ sao? Các khanh đi về làm tốt đi!” Nói xong bất giác cười to hả hả.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3