Khang Hy Đại Đế - TẬP 3 - Chương 08

8

Tú tài áo vải bàn việc trị sông

Hiếu liêm ngạo mạn mượn cớ chửi đổng

Cận Phụ và Phong Chí Nhân đều kinh ngạc, quay đầu lại nhìn, thấy đứng dưới ánh đèn một người gầy đen, mặc áo dài đen, nụ cười còn chưa tắt trên môi, trừ cặp mắt đầy thần sắc ra thì anh ta chẳng có vẻ gì khác lạ. Trần Thiên Nhất mà danh tiếng được nhiều người biết, bây giờ gặp mặt tướng mạo chẳng ra sao, làm sao người ta tin được? Phong Chí Nhân quỷ quyệt nháy mắt cười nói. “Hả... ông anh tôn quý vốn là em ruột của lão tiên sinh Tâm Dật, nghe tiếng đã lâu! Người anh họ Minh Túy Công từ khi chuyển lên chức tước cao, mới mà đã ba năm, bây giờ ông ta nhậm chức ở đâu nhỉ?”

Trần Hoàng nghe nói bỗng ngơ ngác, sau đó cười cởi mở nói: “Tiên sinh, có phải ngài truy tìm lý lịch của tôi chăng? Trần Tâm Dật là người Thiệu Hưng, chi phái cách rất xa với họ Trần ở Tiền Đường. Anh nhà chính là Trần Bá Nhân, tự Thủ Trung. Còn Minh Túy Công ngài nói đó, căn bản tôi không biết!” Cận Phụ thấy Phong Chí Nhân xấu hổ đỏ mặt, vội lấp liếm: “Đó là ông Chí Nhân nhớ sai rồi. Quả thực không dám dấu gì tiên sinh Thiên Nhất, tôi là Cận Phụ, về kinh nhận lệnh, sắp tới sẽ nhậm chức đốc sông. Đang muốn cầu thuật trị sông của tiên sinh, có duyên gặp nhau ở đây thật là hân hạnh ba đời, xin cùng quá bước tới trạm dịch để trò chuyện được chứ?” Trần Hoàng không để ý, chỉ cười nhìn Phong Chí Nhân. Ba người cùng đi về trạm Lâm Minh quan.

Trần Hoàng từ Hà Nam trở về Hoàng Lương Mộng đã được ba hôm, nhưng không dám đến Tòng Chủng, vì biết A Tú đang ở trong nhà họ Hàn. Đi vào gặp mặt làm sao đối xử với bà Vương nữ không biết phép tắc lễ nghĩa này? Anh hối hận trước khi đi vội vàng đã để ở nhà họ Hàn bản thảo cuốn Hà phòng yếu thuật. Nếu không lấy lại cuốn sách tích lũy bao tâm huyết gian khổ của anh hơn mười năm trời thì không yên lòng. Do dự suy nghĩ mãi, Trần Hoàng tạm trú ở nhà trọ, từ từ nghĩ cách lấy cuốn bản thảo về. Đêm nay đi chơi cho đỡ buồn, tình cờ gặp Cận Phụ.

Một chén trà ngon, một bàn rượu thịt. Trong sảnh chính trạm dịch Lâm Minh quan, Cận Phụ và Trần Hoàng ngồi đối mặt nhau, Phong Chí Nhân ngồi một bên tiếp. Cận Phụ đi thẳng vào đề, hỏi ngay: “Đương kim Hoàng thượng sáng suốt, lấy trị sông làm chính sách hàng đầu. Tiên sinh học thông kim cổ, không biết có gì giúp dạy cho tôi?”

Trần Hoàng xúc động, anh nhắp một ngụm trà, bỗng chốc thần sắc ngời sáng: “Trung thừa đại nhân, đã có ý hỏi kẻ dưới này, Trần Hoàng sao dám không phơi gan trải mật nói thẳng với ngài? Hoàng Hà hiện nay là nguồn tai họa đối với vận chuyển đường sông, muốn giải quyết tốt việc vận chuyển này, không thể không bắt tay từ dòng Hoàng Hà, ông bà xưa thường nói như vậy, mà cũng là câu nói thấu tình đạt lý. Từ xưa Hoàng Hà có tên là sông Khốn Khổ, từ Quý Đức Thanh Hải chảy qua cao nguyên đất vàng Cam Túc, Thiểm Tây chảy nhanh xuống, trong nước có đến sáu phần cát. Sau khi vào Khai Phong, địa thế bằng phẳng, nước chảy chậm chạp, bùn cát tích đọng giữa lòng sông. Đông Hà Nam, bắc An Huy, nam Sơn Đông, bắc Giang Tô đã trở thành nơi sông nước tự do hoành hành. Từ sau năm Hy Ninh triều Tống dòng sông chuyển về phía nam, hai sông Hoàng, Hoài hợp dòng gặp nhau ở Thanh Giang, chảy vào kênh đào, làm cho bùn đất tích đọng, đê điều sạt lở, làm tắt nghẽn con đường sông vận chuyển lương thực. Sở dĩ có hậu quả ác hại đó, nguyên nhân tuy nói là do thiên nhiên, nhưng thực ra là do quan lại trị sông trước nay kém năng lực, không tinh tường tính chất của nước”.

“Hả?” Cận Phụ vừa nghe vừa gật đầu, mỉm cười nói: “Xin cho nghe cụ thể”.

“Nghe nói Trung thừa dự định chuyển phủ đốc sông từ Tế Nam về Thanh Giang, kẻ ngu hèn này cho rằng kiến thức đại nhân cao hơn Vu Thành Long”. Trần Hoàng khẽ ho một tiếng, nói tiếp: “Vu Thành Long tuy có ý chí trị sông, nhưng không có phương pháp trị sông. Từ Khang Hy năm thứ nhất đến nay, năm nào Hoàng Hà cũng vỡ đê, sông Hoài đê ở động Cao Lương vỡ có đến 37 chỗ, đập nhà họ Cao vỡ 7 chỗ, sông Hoàng nước lên cao ở Tứ Hối, phá vỡ Thiên Gia Cương, chảy vào đầm Lạn Nê, lại chia một phần đổ vào hồ Hồng Trạch, đương nhiên không trở về biển nữa, mà chảy tràn qua Túc Thiên, Thuật Dương, Hải Châu, An Đông và xuống sông Thất Châu, lòng sông thực sự bị tắc nghẽn. Ông Vu dùng phương cách trị thủy cũ rích từ ngàn năm của Đại Vũ, lắng cát trừ bùn, hao phí hàng triệu nhân công, nhưng tới kỳ lũ thì lại công cốc. Đủ thấy phương cách của ông không tinh, suy nghĩ không chu đáo, không nhìn ra căn bệnh”.

Trần Hoàng đã nói đúng căn bệnh, trong lòng Cận Phụ bỗng cảm thấy như có tri âm, ngay cả Phong Chí Nhân, một quan lại già đời trị sông, nghe Trần Hoàng phân tích cũng cảm thấy mới mẻ. Nhưng chỗ khó của Cận Phụ cũng là ở chỗ này, ông thở dài nói: “Vu công cũng có cái khó của ông. Nếu từ từ trị từ gốc thì trước mắt khó phù hợp với ý vua. Trực Lệ không có chuyện gì thì mỗi năm cũng phải chuyển đến bằng đường sông bốn triệu thạch lương thực, huống hồ...” Ông bỗng nhớ lại Khang Hy đang luyện tập thủy quân ở Bạch Dương điện tại hồ Vi Sơn, là công việc tuyệt mật, liền ngừng lại, chỉ nói: “Đường sông không thông là không được!” “Phải vừa trị lòng sông vừa trị Hoàng Hà!” Trần Hoàng nói lạnh lùng: “Vu công chỉ một mực mở rộng lòng sông, mà bùn cát Hoàng Hà này sức người có làm sạch được không? Làm trong rồi nó lại đục, đục rồi lại trong, một vạn năm cũng không trị được! Hoàng thượng cách mất chức đốc sông của ông ta, quả là sáng suốt như thần”.

Thấy Trần Hoàng nói năng găng quá, Phong Chí Nhân liếc nhìn Cận Phụ, nghiêng người hỏi: “Vậy theo ý anh?”

“Bốn chữ”, Trần Hoàng ngửa bàn tay nói, “Thắt đê giội cát!”

“Thắt đê giội cát!” Ánh mắt Cận Phụ bỗng sáng lên, ông đứng dậy ngửa tay vò đuôi bím tóc, bước tới hai bước, rồi vội quay người nói: “Xin tiếp tục, anh nói rất phải!”, “đắp đê thắt nước, dùng nước giội cát.” Trần Hoàng ưỡn người nói: “Đây không phải do tôi tự nghĩ ra, Phan Quý Thuần nhà Minh trước đã có viết sách rồi. Đê đắp thêm vững thêm cao làm hẹp lòng sông, thế nước nhất định mạnh thêm, dòng chảy thêm nhanh, cát mới chẳng những không chìm xuống, cát cũ cũng có thể cuốn lôi ra biển. Lòng sông tất phải càng ngày càng sâu, dòng chảy cũng nhất định càng ngày càng thấp, thì không thể có nạn vỡ đê...”. Nói xong bỗng vỗ tay cười: “Bỏ mất không dùng phép trị sông cao siêu này, lại đi học Vũ Vương bốn ngàn năm trước, há chẳng phải là làm việc viển vông trèo cây kiếm cá sao?”

“Anh Thiên Nhất”, Phong Chí Nhân nghe nói bỗng động lòng, nghiêng người nói, “những điều anh nói vừa rồi quả thật có giá trị cảnh tỉnh làm sáng mắt mọi người. Nhưng điều khó khăn của Cận đại nhân trong công việc này một lời khó nói hết...”.

“Quả là như vậy...” Cận Phụ vỗ trán, lòng đầy thương cảm, như nói một mình, “Hiện nay nạn vỡ đê nặng nề. Nước sông Hoàng chảy ngược, hai sông Hoàng, Hoài nhập lại cùng chảy về đông, Hoài Dương đã thành đầm nước...”. Vừa nói bỗng ngồi xuống, lặng yên. Phong Chí Nhân cười gượng nói: “Làm việc với hai con sông này quả thật khó khăn. Đốc sông thay đổi hết người này đến người khác, bất luận là quan thanh liêm hay quan tham nhũng, đến đây đều bị lật thuyền, người nghe kinh hồn, người thấy ớn lạnh!”

Trần Hoàng nghe nói mỉm cười, ngồi lại vào ghế, gác chân lên, hớp một ngụm trà, đặt chén xuống nói: “Vốn là gặp gỡ tình cờ, nói chuyện phiếm mà thôi. Trần Hoàng tôi trước nay nhỏ bé, huyên thuyên bát nháo, chỉ là nói suông thôi. Cận đại nhân cứ xem như tôi chưa nói gì nhé”. Nói xong đứng lên đi thẳng “Đêm khuya rồi, Trần Hoàng xin cáo từ!”

“Thiên Nhất tiên sinh!” Cận Phụ vội kêu to, “Xin dừng bước!” Trần Hoàng quay người lại, dưới ánh đèn ba người, sáu con mắt nhìn nhau, thần sắc luôn đổi thay, một hồi lâu không ai nói gì. Một lát sau, Cận Phụ mới lên tiếng: “Việc trị sông sửa chữa kênh đào, ý Hoàng thượng đã quyết. Chúng ta nói rất sâu rồi mới nói tới chỗ khó khăn này. Tôi xin nói thẳng: “Chỉ sợ trị sông có gì sai sót thì khổ dân hại nước, phụ lòng gửi gắm của Hoàng thượng!”

“Cũng sợ làm hỏng tiền đồ công danh và tính mạng của Trung thừa?” Trần Hoàng cười, nói vẻ trang trọng, “công việc sông nước khó khăn, trách nhiệm nặng nề, sự việc phiền toái, làm sao không lo cho được? Nhưng tình hình sông nước ở An Huy, Trần Hoàng có biết, nếu thực thà làm việc như vậy, thì việc thiên hạ có gì không thành. Tôi cùng ngài hôm nay nói chuyện tâm tình, cũng là vì Hoàng thượng biết nhìn người, chọn trúng ngài! Cành lá đan xen rối rắm thì mới thấy được công cụ sắc bén, việc sông lâu nay làm không tốt, tất có người hăng hái đảm trách. Đảm trách chức vụ to lớn này nếu không phải là ngài thì là ai? Cớ gì phải lo trước ngó sau, bàng hoàng do dự?”

Cận Phụ chớp mắt ngấn nước, bước nhanh lên hai bước, nắm vai Trần Hoàng hỏi: “Trần tiên sinh, quả thật là những lời tri âm! Tôi có đọc sách của anh, đọc sách người, muốn gặp mặt người, bây giờ người đã gặp rồi... Anh có chịu giúp tôi một tay không?” Lòng Trần Hoàng bỗng nóng như lửa đốt, anh run run nói: “Hoàng này là hàn sĩ rơm rác, có chí lập công nhưng không có đường tiến thân. Kẻ sĩ chết vì người tri kỷ, Hoàng này nguyện suốt đời theo ngài quanh quẩn ven sông lớn!” Phong Chí Nhân ngồi bên nghe Trần Hoàng nói: “Có chí lập công nhưng không có đường tiến thân”, nghĩ tới thân phận mình nửa đời trôi dạt trên trường danh lợi, bất giác buồn tủi rơi lệ.

Lập tức ba người thân phận khác nhau nhưng chí đồng đạo hợp đã cùng nhau uống rượu luận bàn, người này một câu, người kia một ý, bàn nhau khi gặp Khang Hy nên tấu việc gì. Bỗng chốc đã tới canh tư. Trần Hoàng mới trở về chỗ trọ nghỉ ngơi, người gác cổng trạm dịch bước vào dâng lên một cái bọc cười nói: “Ông Trần, vừa rồi nhà họ Hàn ở Tòng Chủng đưa đến cái gói này, nói là của ngài...”

“Còn người đâu?” Trần Hoàng hoảng kinh hỏi.

“Để vật này lại rồi đi mất”, người gác cổng cười nói, “Người ấy nói mời ông Trần mở bọc ra thì biết ngay”.

Trần Hoàng nghi ngờ mở bọc ra, phía trên là bản thảo cuốn sách của mình, phía dưới là một tờ giấy viết thư Tiết Đào gấp lại, khi mở ra đọc thì không thấy chữ, chỉ thấy một lọn tóc nhỏ đen lánh buộc lại bằng chỉ đỏ, còn có một nhánh hoa “đừng quên tôi” làm bằng lụa mỏng. Đêm hôm đó, Trần Hoàng suy nghĩ trằn trọc, lòng rối như tơ vò, không chợp mắt được chút nào.

Khoa thi bác học hồng nho tiến hành đồng thời với khoa thi hàng năm năm đó, đã làm xôn xao cả thành Bắc Kinh. Khoa thi bác học này năm thứ 39 Khai Nguyên đời Đường đã mở một lần, sau khi Tống Cao Tông dời về nam lại mở một lần, cho đến nay đã cách hơn năm trăm năm, nguyên lấy tên là “Khoa thi bác học hồng từ”, Khang Hy chỉ sửa một chữ, đổi “hồng từ” thành “hồng nho”. Người đến dự thi dù có đỗ hay không đỗ đều có danh phận là “hồng nho”, danh phận này vô cùng vinh dự. Từ mùa hè năm Khang Hy thứ 17, các hiếu liêm nườm nượp đi dự thi, xe thuyền chen nhau không ngớt, tụ hội về kinh, đủ loại xe ngựa thuyền bè chật cứng trên đường, trên sông, các chùa viện, nhà quán trong ngoài kinh, quán trà tiệm rượu đều trở thành nơi văn nhân trú ngụ, gặp gỡ bạn bè. Hiển hách nhất vẫn là các bậc thạc nho được các địa phương tiến cử về dự khoa thi bác học. Họ đi bằng đường thủy, thường ngồi thuyền lầu của các đại sứ biên cương, đi đường bộ, họ ngồi kiệu quan tám người khênh, phu khênh kiệu chưa đến phiên khênh thì thay nhau cưỡi ngựa to cao, đi đường nào cũng tiền hô hậu ủng phía trước đều có bản hiệu đầu hổ vàng đề chữ “Phụng chỉ ứng thí”, “Yên lặng tránh đường”, vào đến kinh cũng không ngụ ở quán trọ mà chia nhau ngụ ở nhà các quan lại thành đạt.

Các ông cử nhân ở trường thi phía bắc so với các bậc thạc nho này xem ra có phần nghèo kém.

Cao Sĩ Kỳ vào kinh mang theo năm trăm lạng bạc. Anh ta vốn tính nóng nảy, tiêu pha rộng, nên số tiền nhanh chóng hết nhẵn. Vừa vào kinh, anh đã đi thăm hỏi các nhà quyền quý, nhưng không am hiểu phép tắc của họ, vào cửa nào cũng đều phải bỏ ra một mớ tiền, đâu đâu cũng phải “anh lỗ vuông” dắt dẫn, bỏ ra bốn trăm lạng bạc chỉ mới làm quen được với hai anh quản gia hạng hai phủ Minh Châu và Sách Ngạch Đồ. Bây giờ tính lại tất cả chỉ còn tiền mặt hai lạng sáu tiền, còn thiếu chủ quán tiền phòng trọ, tiền cơm mười sáu lạng chưa biết tính kiểu nào. Cao Sĩ Kỳ tuy trong bụng có giận nhưng không biết buồn, vẫn cứ vung tay, bảo chủ quán “cứ việc ghi sổ nợ”. Chủ quán vốn xuất thân ở nhà chứa, thấy nhiều biết rộng rành rỏi sự đời, thấy Cao Sĩ Kỳ tuy ngày nào cũng rượu chè hát xướng náo động đất trời, rồi tiền chi dần dần eo hẹp lại, biết là sự việc không xong, nên tuy lời nói vâng dạ nhưng xem ra đã tỏ vẻ không cung kính. Cao Sĩ Kỳ ngầm oán hận trong lòng nhưng cũng không cách nào khác.

Ngày hôm trước, quản gia nhà Sách Ngạch Đồ có tới nói, ngày rằm tháng ba, trung đường đại nhân tập hợp danh sĩ bình văn, bảo anh đi xem xem, chỉ cần làm trung đường hài lòng, thì không cần dự thi vẫn có thể tiến cử làm hồng nho. Ngày đêm trông ngóng đến ngày này, Cao Sĩ Kỳ thay một áo dài lụa Lam cống, mặc một bộ áo ngắn vải xanh, đi bộ tới phủ Sách ở phố miếu Ngọc Hoàng. Quản gia đã đứng đợi trước cổng, thấy anh ăn mặc như vậy bèn giậm chân trách móc: “Anh Cao, anh ăn mặc như ăn mày thế này làm sao gặp được Trung đường? Anh phải đợi một lát, Lý Quang Địa đại nhân và Cận Phụ đại nhân đang nói chuyện với ông lớn ở thư phòng...”. Câu nói chưa dứt, phía nhà sau có tiếng gọi “tiễn khách”, Cao Sĩ Kỳ đành phải lui sang một bên.

Một lát, Lý Quang Địa và Cận Phụ kẻ trước người sau đi ra, đều mặt lạnh như tiền. Ra khỏi cổng lớn, hai người cùng dừng lại, Lý Quang Địa vái một cái, giang tay ra hiệu, nói: “Cận công, xin mời”.

“Tấn Khanh”, Cận Phụ nói lạnh lùng, “việc tôi vừa nói, mong hãy suy nghĩ kỹ, nếu kinh động thiên tử e không xong đâu”. Nói xong liền khom lưng bước lên kiệu. Lý Quang Địa bực tức nói một câu: “Tùy ông”. Rồi cũng lên kiệu đi mất. Cao Sĩ Kỳ và mọi người trước cửa nhìn thấy không hiểu chuyện gì. Thấy họ đi rồi, Cao Sĩ Kỳ mới quay lại cười, nói với người quản gia: “Chớ coi tôi quần áo giản dị, đó vốn là bản sắc thư sinh, giàu nghèo sang hèn do trời định, ông Thái cứ yên tâm đi”. Nói xong theo ông Thái đi vào đã thấy Sách Ngạch Đồ từ sảnh sau bước ra.

“Anh là Cao Sĩ Kỳ?” vì chuyện Lý Tú Chi mà Lý Quang Địa và Cận Phụ ngoảnh mặt không nhìn nhau, Sách Ngạch Đồ đang khó xử, thấy ông Thái đưa người vào mới nghĩ tới chuyện này, liền dừng bước, nhìn chằm chằm Cao Sĩ Kỳ từ trên xuống dưới hỏi.

“Vâng ạ, học sinh là Cao Sĩ Kỳ!” Cao Sĩ Kỳ thấy ông coi thường khách như vậy trong lòng không vui, bèn nuốt nước bọt đáp. Sách Ngạch Đồ cũng cảm thấy câu hỏi vừa rồi quá cứng nhắc, bèn thở ra cười nói: “Danh tiếng anh không nhỏ, cả bên kiểm tra cũng tiến cử, nói anh có tài đã đến thì cứ ngồi tự nhiên, đừng câu nệ lão tiên sinh Uông Minh Đạo đang ra đề cho mọi người thử tài!” Nói xong liền đi vào nhà chính, ngồi lên chiếc sập lớn nhìn ra cửa, tựa người vào chiếc gối cao nhìn ra ngoài xem cảnh náo nhiệt.

Giữa sảnh lớn bày bốn chiếc bàn to, ở chiếc bàn đầu là vui vẻ nhất, có năm sáu người ngồi cười nói quanh một ông già râu dê. Cao Sĩ Kỳ biết ngay là một môn khách trong phủ Sách, các bàn bên cạnh cũng có hơn hai mươi người, gồm đủ hạng người, có người là danh sĩ phương bắc, có người là cử nhân thi hỏng, thầy thuốc, thầy bói, có người làm thơ hay, có người vẽ giỏi, hạng gì cũng có, đại khái đều được mời tới bình văn, những người này tỏ vẻ không được tự nhiên. Cao Sĩ Kỳ nhắm tướng, nghĩ rằng ông già râu dê gầy gò kia nhất định là Uông Minh Đạo một trong bốn danh nho Bắc Yên, bèn vái dài một cái, tự báo tên họ mình rồi bước tới bàn đầu tự kéo ra chiếc ghế, nghiễm nhiên ngồi xuống nói: “Nghe nói cụ tiên sinh đang khảo văn mọi người, xin cho biết đề mục là gì?”

Uông Minh Đạo là môn khách hạng nhất của phủ Sách, vào phủ từ năm Khang Hy thứ 13, Sách Ngạch Đồ đối xử như người thầy, chuyên thảo tấu chương cho Sách Ngạch Đồ, thấy Cao Sĩ Kỳ gàn bướng như vậy tỏ vẻ không vui, ông chau mày nói: “Ừm, có ba cái phá đề bát cổ, ‘Tam thập nhi lập’ đã có người làm rồi, còn hai cái ‘Trên giếng có lý’ và ‘Đồng khuyết tương mệnh’, mọi người đang suy nghĩ”. Cao Sĩ Kỳ liếc nhìn Sách Ngạch Đồ, tự mình rót rồi uống một chén rượu, cười nói: “Đây cũng là một cái phá đề, có gì là khó?”

“Khó thì không khó”, một người khoảng ba mươi tuổi ngồi đối diện, gỡ chiếc kính gọng đồi mồi ra, nói lạnh lùng, “Nhưng phải làm với ý mới thì không dễ”.

Uông Minh Đạo gượng cười nói với người trung niên và người thanh niên ngồi bên: “Thiết Gia, Tích Gia, người này đã nói khoác lác, làm sao biết không có thực học? Hai anh em ngươi hãy nghe văn hay của Cao tiên sinh”. Bây giờ Cao Sĩ Kỳ mới biết là hai anh em danh sĩ Thông Châu Trần Thiết Gia, Trần Tích Gia. Anh chầm chậm nhặt hai hạt lạc bỏ vào mồm nhai lạo xạo, không nói năng gì, mọi người thấy anh ngông cuồng như vậy đều rất ngạc nhiên.

Trần Tích Gia không chịu được, hỏi: “Sĩ Kỳ tiên sinh, đã nói ‘có gì là khó’, vì sao không chịu nói đi?” Cao Sĩ Kỳ nghển cổ, lại uống một chén rượu, cười, nói: “ ‘Trên giếng có lý’ ‘Trên giếng có mận’ phá như thế này - tựa như đào mà không phải đào, trên mình nó thiếu một lớp lông, tựa như hạnh mà không phải hạnh, trên người nó thừa một khe nứt...”

Lời nói chưa dứt, tiếng cười đã vang khắp phòng. Sách Ngạch Đồ phun ra ngụm nước trà trong mồm làm ướt đẫm cả vạt áo trước, đang định nói thì Cao Sĩ Kỳ lắc đầu nói tiếp: “...gió đông thổi cũng lay, gió tây thổi cũng động, rơi xuống thành giếng, nhặt lên nhìn thì là quả mận...”. Phá đề vừa xong, người trong sảnh đều cười bò cả ra.

“Bậy bạ!” Uông Minh Đạo không cười, đưa tay vuốt râu nói: “Cái thứ đó mà cũng dám bước lên nơi sang trọng”.

“Xin hỏi lão tiên sinh, thế nào là bậy bạ?” Cao Sĩ Kỳ mặt không biến sắc, cười hỏi: “Làm văn quý ở chân thực không dối trá, mà phải khôi hài. Không biết vãn sinh phá đề sai ở chỗ nào?” Uông Minh Đạo suy nghĩ hồi lâu mà không tìm được chỗ sai, đành xị mặt nói: “Trước nay thiên tử lấy văn chương chọn anh hào, những người dùng tiểu xảo bậy bạ dành thắng lợi, làm sao bước vào nơi thượng thừa được?” Cao Sĩ Kỳ cười, thấy tài năng ông ta chỉ như vậy, nên mạnh dạn nói to: “ ‘Đồng khuyết tương mệnh’ tôi cũng có rồi - nơi khách khứa tấp nập, bỗng thấy có một người chẳng có tí hiểu biết gì cả!”

“Đồng khuyết tương mệnh” có từ sách Luận ngữ. Khổng Tử nguyên có ý chỉ việc tiếp đãi khách, lệnh cho tiểu đồng phục dịch. Cao Sĩ Kỳ có kiến giải mới độc đáo, mượn đầu đề mà phát huy chửi ngầm Uông Minh Đạo “chẳng có tí hiểu biết gì”. Mọi người nghe đều buồn cười nhưng ngặt vì Uông Minh Đạo là cố vấn hàng đầu của chủ nhà nên không dám cười. Trần Thiết Gia là học trò của Uông thấy Cao Sĩ Kỳ vô lễ như vậy giận lắm, hắn cười gằn một tiếng, liếc nhìn tả hữu, nhân thấy hoa hải đường nở trong chậu liền nói: “Làm văn như vậy thật là mất hứng, tôi có một vế đối xin mời đối cho”. Cao Sĩ Kỳ bỏ đũa xuống cười nói: “Xin chỉ dạy”.

“Xuân hải đường!”

Cao Sĩ Kỳ bỗng ngơ ngác, cảm thấy khó đối được sít sao. Nhưng anh ta vốn là người tài ba trong lĩnh vực này, suy nghĩ một lát, liền vỗ tay cười nói: “Có rồi - Hạ sơn dược!”

“Xuân hải đường có lá!” Trần Tích Gia thấy anh mình không trị được tên họ Cao bèn đứng ra trợ chiến.

“Có gì khó đâu?” Cao Sĩ Kỳ ứng khẩu nói ngay: “Hạ sơn dược đeo râu!”

“Một cành xuân hải đường có lá”. Trần Thiết Gia nói.

“Nửa củ hạ sơn dược đeo râu!”

“Mái tóc giai nhân mặt phấn Giang Nam, một cành xuân hải đường có lá!” Trần Tích Gia nói với khẩu khí áp đảo.

Bực mình thấy hai anh em họ Trần luân phiên chiến đấu, Cao Sĩ Kỳ cười khanh khách nói: “Thi văn mà, hà cớ gì phải tuốt kiếm dương cung? Cao tôi không địch nổi hai vị rồi. Thắt lưng lực sĩ rỗ đen Quan Tây, nửa củ hạ sơn dược đeo râu!”

Lời vừa nói ra, mọi người đã vỗ tay cười lớn. Mấy cô gái ngoài cửa nghe thấy thô tục, thẹn thùng đỏ mặt, cúi đầu cười lén. Cao Sĩ Kỳ đứng lên nói với Sách Ngạch Đồ đang cười nghiêng cười ngã: “Trung đường, có một câu chuyện cười, ngài có muốn nghe chăng?”

Sách Ngạch Đồ tuy cảm thấy Cao Sĩ Kỳ quá trớn, nhưng bọn Uông Trần tới phủ đã lâu mà chưa từng gặp phải đối thủ nên cũng thấy hứng thú, ông cười ngặt nghẽo nói: “Chỉ cấm không được chửi người ta nữa!”

“Không ai bức bách tôi thì đương nhiên tôi không chửi ai”. Cao Sĩ Kỳ nói, “Ở chỗ tôi có một vị tiên sinh già họ Cẩu, dạy học là chính, người rất ngay thẳng, đối với học sinh rất nghiêm. Một bài làm không đúng ý tiên sinh, thì chỉ có thước bảng sắt mà phang, các trò tức giận nhưng không biết làm sao, bèn bỏ vào bô tiểu của tiên sinh mấy con cá chạch...”.

Cao Sĩ Kỳ vừa gắp thức ăn vừa nhíu mày nói ung dung, mọi người ngơ ngác lắng nghe.

“Nửa đêm đám học trò không ai ngủ, nấp ở sát vách phòng thầy nghe động tĩnh, nghe thấy tiếng ông mò mẫm tìm bô tiểu, ai nấy bụm miệng cười thầm...”.

“Nghe đánh rầm một tiếng, ông thầy già vất cái bô tiểu ra cửa sổ, làm cái bô vỡ tan tành!”

Nói tới đây mọi người đã cười lên tiếng. Cao Sĩ Kỳ vẫn nghiêm sắc mặt nói tiếp: “Hôm sau, ông thầy Cẩu lại thay cái bô tiểu bằng thiếc, nhưng không đề phòng để học trò đục một lỗ to bằng ngón tay, đêm đó nước tiểu tí tách chảy ra khắp phòng... ông thầy Cẩu vô cùng bực tức, dứt khoát đổi cái bô tiểu bằng sắt, lúc đó mới coi như bình yên”.

Mọi người nghe nói thú vị, tưởng rằng đoạn sau nhất định sẽ hay hơn, không ngờ Cao Sĩ Kỳ cứ lạnh lùng rót rượu rồi uống, không nói năng gì. Sách Ngạch Đồ bỗng hỏi: “Lẽ nào như vậy là xong rồi à?”

“Xong rồi”. Cao Sĩ Kỳ nói, “Chỉ nghe nói sau đó một hôm, học trò hỏi thầy ‘bô tiểu sành với bô tiểu thiếc, cái nào tốt hơn?’ Ông thầy nói ‘Thiếc tốt’ (Tích giai là thiếc tốt - cũng có thể hiểu là Tích Gia, chữ giai với chữ gia tiếng Trung Quốc đọc như nhau) học sinh lại hỏi ‘Vậy thì bô tiểu thiếc với bô tiểu sắt, cái nào tốt?’ Ông thầy đáp ‘Sắt tốt’ (Thiết giai - cũng có thể đọc là Thiết Gia)!”

“Mi!” Uông Minh Đạo nghe Cao Sĩ Kỳ nói câu “chuyện cười” như vậy chợt nghĩ ra, là hết lời phỉ báng anh em họ Trần, còn nói mình là thầy Cẩu (chó), ông giận run người, lắp bắp chỉ Cao Sĩ Kỳ dạy cho một mẻ: “Người có học phải có lễ nghĩa, không khinh người... mi như vậy... ôi, lưu manh quá quắt... mi là học trò nhà ai? ...”.

Cao Sĩ Kỳ nheo mắt tí tởn, đáp lại: “Học trò chỉ đọc sách Khổng Mạnh; Khổng Mạnh là thầy ta vậy, chứ không có thầy nào khác, các ông Trình, Châu, Vương, Lục, đều là sư huynh của ta cả!”

“Cao tiên sinh!” Sách Ngạch Đồ trước nay kính trọng Uông Minh Đạo, rất nhiều cơ mật của triều đình đều bàn bạc với bọn Uông Minh Đạo, thấy bộ mặt cậy tài khinh người của Cao Sĩ Kỳ đâm ra đáng ghét. Ông ho lên một tiếng, lấy vẻ nghiêm nghị nói: “Xin hãy tự trọng! Bay đâu, dìu hắn ra, hắn say rồi!”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3