Danh Tướng Việt Nam - Chương 80: Nguyễn Súy

2. Võ tướng Nguyễn Súy

Trong tất cả thư tịch cổ mà chúng tôi hiện có, không một dòng nào cho biết về năm sinh cũng như nguyên quán của võ tướng Nguyễn Suý. Tên ông được sử chính thức chép đến kể từ tháng 3 năm Kỉ Sửu (1409). Sau trận Bô Cô (tháng 12 năm 1408), buồn về nỗi thân sinh của mình bị giết oan, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đã chạy ra Thanh Hoa đón Trần Quý Khoáng về Chi La và cùng đồng lòng tôn Trần Quý Khoáng lên ngôi Hoàng Đế. Tại Chi La, là một trong những người có công tôn lập, Nguyễn Suý được Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng phong cho làm Thái Phó. Như vậy, Nguyễn Suý đứng hàng thứ hai trong hàng Tam Công (Thái Sư, Thái Phó và Thái Bảo), tức là còn cao hơn cả Thái Bảo Nguyễn Cảnh Dị và Đồng Bình Chương Sự Đặng Dung.

Ngay sau khi Trần Quý Khoáng lên ngôi Hoàng Đế, lực lượng của nhà Hậu Trần cũng dần dần bị suy yếu nghiêm trọng bởi những cuộc công kích lẫn nhau, giữa một bên là quân sĩ của Trần Ngỗi với một bên là quân sĩ của Trần Quý Khoáng. Để nhanh chóng ngăn chặn và hơn thế nữa, để chấm dứt tình trạng nguy hiểm này, chính Nguyễn Suý là người đã vạch kế hoạch và trực tiếp chỉ huy cuộc tấn công rất bất ngờ vào đại bản doanh của Giản Định Đế Trần Ngỗi tại thành Ngự Thiên (nay thuộc huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Giản Định Đế Trần Ngỗi bị bắt cóc đem về Nghệ An. Tại Chi La, Trần Ngỗi đã dược Trần Quý Khoáng tôn lên làm Thượng Hoàng còn Trần Quý Khoáng thì chỉ ở ngôi Hoàng Đế. “Lúc bấy giờ, trời u ám đã lâu, thế mà bỗng dưng trở nên quang đãng, bốn bề rực rỡ sắc mây vàng, mọi người đều lấy đó làm kinh ngạc.” Nhưng cách hợp nhất lực lượng theo kiểu áp đặt ấy chỉ có ý nghĩa rất tạm bợ. Một không khí ngờ vực luôn bao trùm lên mọi hoạt động của nghĩa quân mà diễn biến của trận Hạ Hồng – Bình Than (tháng 7 năm Kỉ Sửu, 1409) đã thể hiện rất rõ điều đó. Bấy giờ, ưu thế đã và đang có phần nghiêng về phía nghĩa quân thì nhà Minh sai Anh Quốc Công Trương Phụ đem đại binh tới cứu viện. Thượng Hoàng Trần Ngỗi thấy khó bễ chống đỡ nên đã lẳng lặng rút quân về Thiên Quan (Thiên Quan nay thuộc tỉnh Ninh Bình và một phần nhỏ của tỉnh Hoà Bình. Chính ở cuộc rút lui này, Trần Ngỗi đã bị Trương Phụ bắt được. Cùng bị bắt với Trần Ngỗi còn có Thái Bảo Trần Hy Cát). Nghe tin đó, Trùng Quang Đế ngờ là Thượng Hoàng có ý khác liền lập tức sai Nguyễn Suý đem quân đuổi theo nhưng không kịp.

Trận thắng quan trọng, có ý nghĩa mở đầu cho sự nghiệp cầm quân của Nguyễn Suý có lẽ là trận Bài Lâm, diễn ra vào tháng 9 năm Tân Mão (1411). Bằng lối đánh úp rất bất ngờ vốn là sở trường riêng của mình, Nguyễn Suý đã tiêu diệt hoàn toàn lực lượng quân Minh đóng tại đây và bắt giết được tên tay sai của giặc là Nguyễn Chính.

Tháng 6 năm Nhâm Thìn (1412), Nguyễn Suý và các tướng lĩnh xuất sắc nhất của nghĩa quân như Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đã có một cuộc đọ sức quyết liệt với quân Minh ở Mô Độ. Nhưng đang lúc đôi bên chưa phân thắng bại thì do hợp đồng tác chiến và nhất là mệnh lệnh chỉ huy thiếu chặt chẽ. Nguyễn Suý và Nguyễn Cảnh Dị đã rút lui quá sớm. Tướng giặc là Trương Phụ đã triệt để khai thác chỗ yếu kém này để điên cuồng tổ chức phản công. Nghĩa quân phải chịu tổn thất rất nặng nề.

Tháng giêng năm Quý Tị (1413), Nguyễn Suý và Nguyễn Cảnh Dị theo Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng, đem quân vượt biển tiến ra tận Vân Đồn để đồng thời thực hiện ba nhiệm vụ khác nhau. Một là thăm dò thực lực của quân Minh ở vùng duyên hải đông bắc, hai là sẵn sàng tổ chức tấn công giặc khi có điều kiện và ba là thu gom lương thực cho nghĩa quân. Nguyễn Suý đã rất cố gắng nhưng rất tiếc là lực bất tòng tâm. Tháng ba cùng năm 1413 ông buộc phải theo Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng và các tướng lĩnh khác trở về Nghệ An, lúc đi quân sĩ mười phần thì khi về chỉ còn lại chừng ba bốn phần.

Tháng 9 năm Quý Tị (1413), Nguyễn Suý là một trong những vị tướng có vinh dự được trực tiếp cầm quân tham gia vào trận tấn công rất lớn ở Thái Gia (cũng tức là Sái Già): Trong trận đánh có ý nghĩa quyết định số phận ấy, lại thêm một lần nữa, do hợp đồng tác chiến không chặt chẽ và đặc biệt là do hiệu lệnh chỉ huy của nghĩa quân trên dưới không thống nhất, cho nên, tướng giặc là Trương Phụ đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội thuận tiện này để lật ngược tình thế và đã chuyển bại thành thắng.

Sau trận Thái Gia, toàn bộ lực lượng của nhà Hậu Trần kể như đã hoàn toàn bị tan rã, tuy nhiên, Nguyễn Suý vẫn cố gắng tổ chức thêm được một trận mai phục nhỏ vào tháng 10 năm Quý Tị (1413). Bấy giờ, Trương Phụ dốc quân thuỷ bộ đi lùng bắt tàn quân của Trần Quý Khoáng. Thấy việc canh phòng của chiến thuyền Trương Phụ có vẻ lơi lỏng nên Nguyễn Suý đã bố trí cho ba thích khách cùng bí mật núp dưới bè cỏ rỗi bất ngờ leo lên chiến thuyền, định sẽ giết chết Trương Phụ. Nhưng, cơ mưu này không thành.

Vào cuối tháng 11 năm Quý Tị (1413), Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng cùng với các tướng lĩnh cao cấp nhất của nghĩa quân như Nguyễn Suý, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đều bị giặc Minh bắt được. Nguyễn Cảnh Dị thì bị giết ngay khi vừa bị bắt còn Trùng Quang Đế, Đặng Dung và Nguyễn Suý thì bị giặc giải về Yên Kinh (Trung Quốc). Dọc đường bị áp giải, nhân lúc lính canh sơ hở, Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng đã nhảy xuống nước để tự tử, Đặng Dung cũng nhảy xuống chết theo. Riêng tướng Nguyễn Suý thì có cách xử trí rất khác. Sử cũ chép rằng Nguyễn Suý “ngày ngày chơi cờ với viên Chỉ huy coi giữ mình, dần dần thấy quen nên hơn không hề phòng bị, (Nguyễn Suý) bèn bất ngờ lấy bàn cờ đánh hắn ngã xuống nước chết, xong, (Nguyễn) Suý cũng nhảy xuống nước tự tử.”

Nguyễn Suý là nhân vật cao cấp cuối cùng của nhà Hậu Trần đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp cứu nước. Cùng với các anh hùng hào kiệt lừng danh khác như Đặng Tất, Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Biểu … ông thực sự xứng đáng là một trong những biểu tượng sáng ngời của ý chí quật khởi, xứng dáng được đời đời kính trọng. Ông đã góp phần chứng minh một cách thật sinh động rằng: “chính khí trong khắp cõi trời đất bao la, dẫu có sấm sét gầm vang, dẫu có gió bão dữ dội cũng không sợ, dẫu có hung hăng như lũ quỷ thần cũng chẳng dám tới gần.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3