Danh Tướng Việt Nam - Chương 79: Nguyễn Cảnh Chân và Nguyễn Cảnh Dị

2. Nguyễn Cảnh Chân và Nguyễn Cảnh Dị: Hào kiệt sinh hạ anh hùng

a) Nguyễn Cảnh Chân và cuộc hội ngộ với Trần Ngỗi

Nguyễn Cảnh Chân sinh trưởng tại làng Ngọc Sơn (nay đất làng quê ông thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ông sinh vào năm nào chưa rõ, sử cũ cũng không hề cho biết ông đã bắt đầu sự nghiệp của mình ra sao. Dưới thời nhà Hồ (1400-1407), Nguyễn Cảnh Chân từng là một trong những quan lại thuộc hàng cao cấp. Tháng 9 năm Ất Dậu (1405), không rõ ông đã phạm phải lỗi lầm gì trong quá trình làm quan, song, sử cũ cho biết rằng chính ông bị triều đình nhà Hồ biếm chức, đưa đi làm An Phủ Sứ ở lộ Thăng Hoa. An Phủ Sứ đã là một chức quan cao, vậy thì chức vụ của ông trước năm 1405 ắt hẳn là còn cao hơn nữa. Ngày 2 tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), Trần Ngỗi chính thức lên ngôi Hoàng Đế ở bến Mô Độ và dựng cờ xướng nghĩa kêu gọi nhân dân cả nước vùng dậy chống quân Minh xâm lược thì đến tháng 4 năm Mậu Tí (1408), Nguyễn Cảnh Chân đã đem toàn bộ lực lượng của mình tới tham gia. Đó thực sự là một cuộc hội ngộ rất tương đắc của các bậc cùng chí cả. Bấy giờ, Nguyễn Cảnh Chân được Trần Ngỗi phong làm Tham Mưu Quân Sự. Với chức vụ quan trọng này, ông là một trong những người trực tiếp tham gia vạch kế hoạch cho hầu hết những hoạt động lớn của nghĩa quân. Cùng ông đến ra mắt và tình nguyện sát cánh chiến đấu với Giản Định Đế Trần Ngỗi lúc này còn có cả Đại Tri Châu Đặng Tất và ngay lập tức, hai ông đã trở thành hai cánh tay đắc lực nhất của Trần Ngỗi. Bằng tất cả ý chí và tài năng của mình, Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân đã thực sự xứng đáng với niềm tin cậy lớn lao của Trần Ngỗi, của tất cả nghĩa quân và của toàn thể nhân dân yêu nước đương thời. Tuy nhiên, khác với Đặng Tất, công việc chủ yếu của Nguyễn Cảnh Chân không phải là trực tiếp cầm quân tả xung hữu đột mà là âm thầm suy nghĩ để hoạch định kế sách. Mặc dù vậy, mọi chiến công của nghĩa quân Trần Ngỗi từ tháng 4 đến hết tháng 12 năm Mậu Tí (1408) đều gắn liền với những cống hiến xuất sắc của Nguyễn Cảnh Chân.

b) Thương thay, hương lửa chưa nồng …

Ngày 14 tháng 12 năm Mậu Tí (1408), nghĩa quân của Trần Ngỗi đã đại thắng quân Minh tại Bô Cô. Người trực tiếp cầm quân trong trận đánh lịch sử này là Quốc Công Đặng Tất nhưng người vạch kế hoạch là Tham Mưu Quân Sự Nguyễn Cảnh Chân. Như trên đã nói, tướng tổng chỉ huy quân giặc là Chinh Di Tướng Quân, Kiềm Quốc Công Mộc Thạnh suýt nữa thì bị bắt sống, một số quan lại và tướng lĩnh cao cấp của nhà Minh như Binh Bộ Thượng Thư Lưu Tuấn và Đô Ti Lữ Nghị đều bị chém đầu, hơn mười vạn quân giặc đã bị tiêu diệt.

Từ đây một vùng giải phóng rộng lớn và liên hoàn đã bước đầu hình thành, cũng từ đây, tương quan thế và lực đôi bên đã thay đổi theo chiếu hướng rất có lợi cho nghĩa quân Trần Ngỗi. Nhưng tiếc thay, ngay sau ngày đại thắng tại Bô Cô, trong nội bộ của bộ chỉ huy nghĩa quân đã nảy sinh những bất đồng không nhỏ. Giản Định Đế Trần Ngỗi thì chủ trương rằng, phải nhân thế chẻ tre đánh theo lối cuốn chiếu thẳng một mạch ra tận Thăng Long, khiến cho giặc phải lâm vào thế “bị sét đánh chẳng kịp bịt tai”, ngày toàn thắng ắt sẽ không còn xa nữa. Nhưng, Quốc Công Đặng Tất và Tham Mưu Quân Sự Nguyễn Cảnh Chân lại chủ trương rằng, trước tiên, phải bắt hết bọn giặc còn sống sót, quyết không để mối lo về sau. Đúng vào lúc rất cần sự tỉnh táo để quyết đoán thì Giản Định Đế Trần Ngỗi lại thiếu hẳn cả hai tố chất có ý nghĩa cực kì quan trọng này. Quân Minh đã nhân cơ hội đó tổ chức giải cứu cho Mộc Thạnh và nhanh chóng giành lại thế chủ động cho mình. Bấy giờ, có viên hoạn quan là Nguyễn Quỹ và một học trò tên là Nguyễn Mộng Trang đã liên tiếp tìm cách nịnh hót Giản Định Đế Trần Ngỗi, đồng thời, đã không ngớt nói lời xúc xiểm đối với Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Trong chỗ thiếu tỉnh táo và quá vội vã, Trần Ngỗi đã giết chết cả Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân. Nhận xét về sự kiện rất đau lòng này, sử thần kiệt xuất thế kỉ XV là Ngô Sĩ Liên viết: “Hoàng Đế may thoát được vòng vây nguy hiểm, nhờ cầu người giúp sức nên mới được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Nguyễn Cảnh Chân giỏi bày mưu lược, tưởng chừng như đã đủ để có thể khôi phục và dựng nghiệp trung hưng. Với trận thắng lớn ở Bô Cô, thế nước vừa nổi lên, vậy mà đã nghe lời gièm pha li gián của lũ hoạn quan, cùng lúc giết cả hai người bề tôi phò tá, nào có khác gì tự mình chặt bỏ hết tay chân vây cánh của mình, thử hỏi làm sao nên việc được..” Quốc Sử Quán triều Nguyễn cũng có Lời phê với nội dung tương tự: “Đang khi tình thế còn đảo điên, quân thần đong lòng chung sức mà còn lo chưa chắc làm nổi việc lớn, huống nữa là tàn hại lẫn nhau, tự làm mất cả tay chân của mình, như thế thì tránh sao khỏi thất bại được.” Giản Định Đế Trần Ngỗi đã nêu gương xả thân vì nước, ông đã làm được tất cả những gì có thể làm. Nhưng như trên đã nói, người giỏi không phải lúc nào cũng giỏi, trong chỗ cạn nghĩ và vội vã nhất thời, ông đã gây tổn thất cho nghĩa quân, cũng là gây tổn thất cho sự nghiệp của chính mình. May mắn thay, con của Đặng Tất là Đặng Dung và con của Nguyễn Cảnh Chân là Nguyễn Cảnh Dị đã sáng suốt lựa chọn cho mình một phép ứng xử đúng đắn và thật cảm động.

c) Tôn lập Trần Quý Khoáng lên ngôi Hoàng Đế quyết tận trung với sự nghiệp chống xâm lăng

Ngay sau cái chết oan khuất của cha, Nguyễn Cảnh Dị đã cùng với Đặng Dung, đem tất cả lực lượng nghĩa quân người Thuận Hoá trở về Thanh Hoa. Tại đây, ông và Đặng Dung cùng với một số tướng lĩnh xuất sắc khác đã cùng đồng lòng tôn lập Trần Quý Khoáng lên ngôi Hoàng Đế nhằm nhanh chóng tạo ra ngọn cờ chính thống cho cuộc chiến đấu chống quân Minh xâm lược và đô hộ. Sau khi rước Trần Quý Khoáng về đất Chi La, ngày 17 tháng 3 năm Kỉ Sửu (1409), ông đã góp phần rất quan trọng vào việc chính thức tổ chức lễ lên ngôi cho Trần Quý Khoáng. Nhờ công tôn lập này, Nguyễn Cảnh Dị được Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng phong làm Thái Bảo.

Nhưng, trong cùng phong trào đấu tranh chung và cùng chống một kẻ thù chung, khi sự nghiệp lớn còn đang dang dở mà đã có đến hai vị Hoàng Đế thì quả là rất không nên. Bấy giờ, một sự thật đau lòng cũng đã diễn ra, đó là chính quyền của Giản Định Đế Trần Ngỗi và chính quyền của Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng đã bắt đầu có những mâu thuẫn và xung đột. Chấm dứt mâu thuẫn và xung đột, hơn thế nữa phải nhanh chóng thống nhất cả hai lực lượng là một nhu cầu hết sức cấp thiết. Để đáp ứng nhu cầu hết sức cấp thiết này, một trận đánh úp vào đại bản doanh của Giản Định Đế Trần Ngỗi rồi bắt sống Giản Định Đế Trần Ngỗi đem về Nghệ An đã được thực hiện. Ngày 20 tháng 4 năm Kỉ Sửu (1409), tại bến sông Tam Chế, Giản Định Đế Trần Ngỗi được tôn làm Thượng Hoàng còn Trần Quý Khoáng thì ở ngôi Hoàng Đế. Đối với Nguyễn Cảnh Dị, đây là một thử thách rất lớn. Vì ôm hận mất cha, ông đã buộc lòng phải từ bỏ Giản Định Đế để tôn phò Trùng Quang Đế và giờ đây, dẫu muốn hay không thì ông cũng lại phải chấp nhận ở dưới trướng của Giản Định Đế thêm một lần nữa. Nhưng cũng tương tự như Đặng Dung, ý chí tận trung với nước và khí khái của đấng đại trượng phu anh hùng đã giúp ông vượt qua được tất cả. Trước sau thì Nguyễn Cảnh Dị vẫn là Nguyễn Cảnh Dị, hiên ngang và dũng mãnh nơi trận mạc, hờn riêng dẫu lớn cũng chẳng hề làm ông chao đảo.

Sau ngày nhận hàm Thái Bảo, trận đánh lớn nhất do Nguyễn Cảnh Dị chỉ huy là trận Bến La, diễn ra vào tháng 5 năm Canh Dần (1410). Trong trận này, Nguyễn Cảnh Dị dã bất ngờ cho quân tấn công vào lực lượng quân Minh do viên Đô Đốc tên là Giang Hạo cầm đầu. Giang Hạo tuy có quân số đông, lương thực và vũ khí rất dồi dào nhưng vẫn không sao có thể chống đỡ nổi. Hắn buộc phải bỏ cả dại bản doanh là Bến La mà chạy. Tất cả dinh trại, binh khí và chiến thuyền của quân Minh bỏ lại đều bị nghĩa quân đốt hết. Nhân đà thắng lợi, Nguyễn Cảnh Dị đã thúc quân truy kích đến tận bến Bình Than. Thắng lợi của Nguyễn Cảnh Dị đã gây được tiếng vang rất lớn, nhân dân các địa phương nhân đó nổi dậy khắp nơi, thanh thế của nghĩa quân được tăng lên rất nhanh, ngược lại, quân Minh phải một phen khiếp đảm.

Nhưng sự kiện hợp nhất hai chính quyền của Trần Ngỗi và Trần Quý Khoáng được thực hiện theo lối áp đặt một cách khiên cưỡng đã gây nên những tác động ngày càng lớn. Hiệu lệnh của bộ chỉ huy nghĩa quân trên dưới không thống nhất và giặc Minh đã nhanh chóng phát hiện rồi triệt để tận dụng nhằm tổ chức phản công. Các sử thần trong Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã có lời nhận định rất chính xác rằng: “Quân không có người thống lãnh, hiệu lệnh không thống nhất nên giặc Minh đánh đến đâu là binh sĩ ở đó đều bị tan vỡ.”

Sau trận Bến La, Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng rút quân về Nghệ An, các tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Suý và Hồ Bối dẫn một đạo quân thuỷ bộ đi hộ vệ ở tuyến sau. Hai viên tướng khét tiếng nhất của nhà Minh lúc ấy là Trương Phụ và Mộc Thạnh lập tức đuổi theo.

Tháng 6 năm Nhâm Thìn (1412), một cuộc đụng độ lớn giữa đạo quân hộ vệ này với binh sĩ của Trương Phụ và Mộc Thạnh đã xảy ra tại vùng Mô Độ. Điều rất đáng tiếc là bởi sự không thống nhất trong mệnh lệnh chỉ huy vẫn tiếp tục kéo dài, cho nên, mối liên lạc giữa Đặng Dung, Hồ Bối với các tướng như Nguyễn Suý và Nguyễn Cảnh Dị hầu như không thể thiết lập được. Một lần nữa, Trương Phụ đã triệt để tìm cách khai thác nhược điểm này của nghĩa quân để tổ chức tấn công. Nguyễn Cảnh Dị phải rút lui về Thuận Hoá.

Tháng giêng năm Quý Tị (1413), Nguyễn Cảnh Dị cùng với Nguyễn Suý theo Trùng Quang Đế đem quân ra khu vực Vân Đồn để thực hiện ba nhiệm vụ khác nhau. Một là thăm dò thực lực của quân Minh ở vùng đồng bằng ven biển phía Bắc. hai là tổ chức tấn công khi có điều kiện và ba là thu gom lương thực cho nghĩa quân. Nhưng cả ba nhiệm vụ này đều không thu được kết quả. Như trên đã dẫn, ngày 4 tháng 3 cùng năm, Trùng Quang Đế và các tướng phải quay về Nghệ An, quân lính ra đi mười phần thì khi về chỉ còn độ ba bốn phần.

Sau trận thua lớn ở Thái Gia (cũng tức là Sái Già) vào tháng 9 năm Quý Tị (1413), lực lượng của Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng đã nhanh chóng bị tan rã. Vào tháng 11 cùng năm, Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung cùng bị Trương Phụ bắt được. Nguyễn Cảnh Dị đã luôn miệng mắng Trương Phụ rằng: “Tao định giết mày, ngờ đâu lại bị mày bắt”, cho nên, “Trương Phụ giận lắm, giết (Nguyễn Cảnh) Dị rồi móc lấy gan mà ăn.”

Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị là hai con người khác nhau nhưng hành trạng và khí phách thì lại rất tương đồng với nhau. Ngay từ thời trai trẻ, cả hai ông đều sớm cùng với thân sinh của mình hăng hái tham gia cuộc chiến đấu một mất một còn chống quân Minh xâm lược và đô hộ. Hai ông đều có thân sinh chết rất oan uổng ngay khi vừa lập công lớn nhưng ý chí trước sau của cả hai thì vẫn rất son sắt thuỷ chung với lí tưởng cứu nước. Trong khói lửa cực kì ác liệt của chiến tranh, Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị đều là những vị tướng trực tiếp cầm quân xông pha trận mạc và mức độ tuy có khác nhau nhưng cả hai đều thực sự là những tướng lĩnh giàu tài năng. Đến bước đường cùng, hai ông đều trân trọng để lại cho đời tấm gương hi sinh sáng ngời tiết tháo bất khuất.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3