Danh Tướng Việt Nam - Chương 81: La Bình Vương Phạm Ngọc
3. La Bình Vương Phạm Ngọc
Phạm Ngọc là thế danh của một Thiền Sư nhưng hiện vẫn chưa ai rõ đạo hiệu của ông là gì. Chính sử thời Nguyễn cho biết rằng ông người làng An Lão, nay đất làng quê ông thuộc thị xã Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng. Sinh thời, Phạm Ngọc là người rất mộ Phật, từng tu hành tại chùa Đồ Sơn.
Sau thất bại của Trần Quý Khoáng (1413), quân Minh đã thẳng tay tiến hành hàng loạt những cuộc đàn áp rất tàn khốc. Mặc dù vậy, các phong trào đấu tranh với nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau vẫn liên tục nổ ra. Phạm Ngọc là một trong số những lãnh tụ của các phong trào đấu tranh sôi động đó. Dẫu đang là một nhà tu hành, Phạm Ngọc cũng không sao có thể chịu khoanh tay ngồi nhìn cảnh giết chóc rất dã man của giặc. Các bộ chính sử của ta tuy chép rất sơ sài nhưng truyền thuyết dân gian vùng Hải Phòng và La Bình Vương thần tích cho biết: để có danh nghĩa chính thống cho việc tập hợp lực lượng nồi dậy, Phạm Ngọc đã cho phao tin đi khắp nơi rằng ông là người được Trời tin cậy ban cho ấn thiêng và gươm báu, đồng thời, sai xuống địa giới và cho nắm quyền làm chủ cả thiên hạ. Vì thế, ông xưng là La Bình Vương và đặt niên hiệu là Vĩnh Ninh.
Tin này vừa mới được truyền đi thì lập tức, một số thủ lĩnh của các phong trào đấu tranh ở những vùng lân cận đã nô nức đem lực lượng của mình theo về với Phạm Ngọc. Trong số đó có:
- Trịnh Công Chứng và Lê Hành ở Hạ Hồng (Nay Hạ Hồng tương ứng với đất dai của các huyện Gia Lộc, Thanh Môn, Ninh Giang và Tứ Kỳ của tỉnh Hải Dương).
- Phạm Thiên ở Tân Minh (nay là huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng).
- Nguyễn Đặc ở Khoái Châu.
- Nguyễn Đa Cấu và Trần Nhuế ở Hoàng Giang.
Khi lực lượng đã tương đối hùng hậu, vào cuối năm Kỉ Hợi (1419) Phạm Ngọc liền thành lập một guồng máy chính quyền (thực chất đây chỉ mới là bộ chỉ huy của nghĩa quân) với sự tham gia của các bậc hào kiệt đương thời như:
+ Ngô Trung làm Nhập nội Hành Khiển.
+ Đào Thừa làm Xa Kị Đại Tướng Quân.
+ Phạm Thiện làm Nhập Nội Kiểm Hiệu Tả Tướng Quân.
+ Lê Hành làm Tư Không.
Cũng ngay vào cuối năm Kỉ Hợi (1419), Phạm Ngọc đã bất ngờ cho quân tấn công vào Kiến An và đã dễ dàng chiếm được toàn bộ vùng này. Tại đây, ông đã cho xây dựng một số chiến luỹ kiên cố, đồng thời, biến Kiến An thành một sào huyệt khá vững chắc, thanh thế của lực lượng Phạm Ngọc vì thế mà nổi lên rất nhanh.
Thắng lợi đầu tiên rất to lớn nhưng cũng khá dễ dàng đã khiến cho Phạm Ngọc và bộ chỉ huy nghĩa quân có phần chủ quan. Tháng 6 năm Canh Tí (1420), khi tướng Tổng Binh của nhà Minh (lúc này là Lý Bân) đưa đại quân tới đàn áp, thay vì bình tĩnh tìm cách bảo toàn lực lượng và cố gắng phát hiện cho dược chỗ yếu nhất của giặc để đánh thì Phạm Ngọc đã tổ chức một trận nghênh chiến ở ngay tại Kiến An. Chỉ trong một trận tập kích chớp nhoáng, Lý Bân đã phá vỡ hoàn toàn thế trận của Phạm Ngọc, dồn tất cả lực lượng của Phạm Ngọc mới tập hợp và còn rất non nớt trong kinh nghiệm trận mạc vào tình thế hết sức bi đát. Các tướng như Phạm Thiện và Ngô Trung đều bị bắt và giải về Đông Quan (tức Hà Nội ngày nay). Phạm Ngọc và một số tì tướng phải chạy ra Đông Triều nhưng cũng chỉ được một thời gian rất ngắn thì mất. Đông đảo nghĩa sĩ đã bị bắt và bị giết. Do chưa rõ năm sinh nên cũng chưa rõ là khi mất, Phạm Ngọc hưởng thọ bao nhiêu tuổi.
Trong số những nhân vật quan trọng nhất của Phạm Ngọc may mắn thoát được vòng vây của Lý Bân có Tư Không Lê Hành. Ông chạy về Đa Cẩm và tập hợp tàn binh, hợp nhất với lực lượng của Đào Cường để đánh giặc. Nghĩa binh Lê Hành và Đào Cường có lúc đông đến 8.000 người, nhưng, tất cả cũng chỉ hoạt động được trong một thời gian ngắn thì bị Lý Bân đánh bại.