Dặm đường vàng - Chương 31
Chương 31
Janna chở Derek về
khách sạn của y vào buổi trưa để y rộng rãi thời gian chuẩn bị cho chuyến máy
bay tới London. Nàng ngỏ ý sẽ chở y ra sân bay nhưng y từ chối, lấy cớ còn vài
công việc phải giải quyết trước khi rời Singapore. Derek bảo y đi tắc xi tiện
hơn, nhưng Janna cảm thấy đó không phải là lý do thật.
Sau đêm ân ái trong nhà
trọ xiêu vẹo ngoài bãi biển, trên đường trở về, nàng cảm thấy Derek chìm đắm vào
những suy nghĩ gì đó còn sâu xa hơn lúc y dạo chơi trên khu rừng nhiệt đới trưa
hôm qua. Tuy Janna cố xua tan nỗi đăm chiêu của Derek bằng cách nói hết chuyện
này đến chuyện khác nhưng y vẫn trả lời từng câu cụt lủn như thể bảo nàng rằng
đừng can thiệp vào tâm tư riêng của y.
Nàng rất bực nhưng cố
không để lộ và khi y hôn nàng chia tay trong xe trước khi bước ra để vào khách
sạn, nàng vẫn tỏ thái độ thân tình, chúc y thượng lộ bình an trên máy bay về
London. Họ không hề nói gì đến chuyện sẽ còn gặp nhau nữa hay không.
Nếu như cuộc làm tình
đêm qua đối với y chỉ là thứ giải trí trong dịp nghỉ cuối tuần thì thật tồi tệ.
Nàng lại đã tỏ ra, bằng lời nói hay cử chỉ, coi đó là khoảnh khắc quan trọng
bậc nhất trong cuộc đời nàng. Thật nhục nhã biết bao. Khi quay xe trở về nhà,
nàng cảm thấy cô đơn và uất ức vô cùng tận. Nước mắt nàng trào ra chảy ròng
ròng trên hai má.
Tâm trạng đau đớn,
Janna khao khát được thổ lộ, chia xẻ tâm sự này với một người nào đó. Như theo
bản năng, nàng lái xe về phía đại lộ Cầu phương Bắc đến hiệu thuốc của Janet
Taylor. Nhưng khi quặt xe vào phố Hock Lam, nàng sửng sốt thấy quang cảnh vắng
lặng. Các cửa nhà đều đóng chặt. Không còn thấy áo quần vẫn thường phơi trên
những cây sào bắc ngang qua bao lơn hay sân trời. Khắp đường phố lặng lẽ, im
ắng đến mức phát sợ. Vào giờ này, mọi khi ở đây nhộn nhịp biết bao nhiêu.
Khi đến số nhà hiệu
thuốc của Janet Taylor, nàng bị một thanh chắn đường giữ lại. Trên thanh tre
một tấm biển dán tờ giấy viết mấy dòng chữ màu da cam, bằng tiếng Hoa, tiếng
Malay và tiếng Anh: “Không phận sự không được vào”.
Đứng trước thanh chắn
là hai nhân viên cảnh sát mặc sắc phục. Thấy Janna bước ra khỏi xe, một nhân
viên cảnh sát bước tới, nói:
- Không ai được vào
đây.
- Tôi là Janna Maxell-
Hunter. Tôi có quen Janet Taylor. Ở đây có chuyện gì vậy?
Một người da trắng cao,
thon, trạc ngoài ba mươi tuổi, mặc áo sơ mi kaki, đeo cầu vai cấp Đại úy Cảnh
sát Vũ trang Singapore, bước trong nhà ra; ông ta nói:
- Cho bà vào. Tôi đang
chờ bà Maxell-Hunter.
- Có chuyện gì vậy?
Janna hỏi, trong lúc viên cảnh sát nâng thanh chắn để nàng bước qua.
Viên đại úy cảnh sát
nói:
- Tôi là đại úy Oldham.
Xin mời bà vào nhà cho chúng tôi hỏi vài câu.
Đi theo ông ta vào,
Janna ngạc nhiên thấy bao nhiêu lọ thuốc trên giá đều không còn và gian phòng trống
rỗng. Chỉ còn rác rưởi, xác con khỉ đã và vài khúc xương hổ.
Nàng hỏi:
- Bà Janet đâu?
- Tôi e bà ta chết rồi.
- Viên đại úy bình thảnh đáp.
- Chết?
- Bà Taylor bị giết vào
khoảng giữa mười hai giờ đêm hôm thứ sáu và hai giờ sáng thứ bảy.
Ông ta nhấc ghế đặt
cạnh Janna:
- Mời bà ngồi.
Janna vội ngồi xuống,
bởi nàng cảm thấy sắp ngã sụp mất. Câu ông ta báo tin đánh vào nàng như một đòn
choáng váng khiến nàng không còn biết gì nữa.
- Sao lại thế được?
- Kẻ nào đã cắt cổ họng
bà Taylor. Đúng vào động mạch chính.
Đại úy Oldham nhấc
chiếc mũ vải và dùng cùi tay quệt mồ hôi trán:
- Xin lỗi bà là tôi đã
báo cái tin ấy cho bà bằng giọng quá thản nhiên. Nhưng bao nhiêu năm làm trong
ngành cảnh sát khiến tim tôi đã thành đá.
- Nhưng tại sao vậy?
- Điều đó hiện chưa rõ,
thưa bà Maxell-Hunter. Có thể do mối quan hệ giữa bà Taylor với Tak Chen đã
khiến cho bà có lắm kẻ thù.
- Tôi lại cho rằng
nguyên nhân khác. - Janna cay đắng thốt lên.
- Xin bà nói cho rõ
hơn?
- Ai chẳng biết ông chủ
tôi, ông Wong rất cần khoảnh đất của Janet Taylor, nhưng bà ấy nhất định không
bán cho ông Wong.
- Chúng tôi có biết
chuyện đó, thưa bà Hunter, nhưng chúng tôi đã điều tra và biết rõ ông Wong
ngoại phạm. Ông ta ở một nơi khác, trong thời gian bà Taylor bị ám hại. Ông ta
lúc đó tiếp một đoàn khách, trong đó có ông Derek Southworth, đến tận mờ sáng
hôm sau, thứ bảy.
- Ông đã hỏi ông Derek
Southworth chưa?
- Rồi, trước khi bà đón
ông ta ở khách sạn Cockpit một tiếng đồng hồ.
Vậy ra Derek biết về
cái chết của Janet Taylor mà không hề nói gì với mình hết, ý nghĩ ấy làm Janna
càng uất hận hơn.
Nàng hỏi:
- Các ông để thi hài bà
Janet ở đâu?
- Tại nhà xác ở đại lộ
Sago.
Đại úy Oldham đưa mắt
đi chỗ khác tránh cái nhìn của Janna:
- Bà ta không có họ
hàng thân thích gì ở đây. Chúng tôi có cử người đến tìm bà, thưa bà Hunter,
nhưng không biết bà đi nghỉ cuối tuần ở đâu. Bà thông cảm cho, thời tiết rất
nóng bức, nếu để thi hài lâu…
- Ông còn hỏi tôi thêm
gì nữa không? - Janna lạnh lùng nói.
Viên đại úy cảnh sát
lấy trong cặp ra một phong bì to đưa cho nàng:
- Đây là những vật dụng
riêng của bà Taylor. Chúng tôi bỏ vào một chỗ để lỡ có ai hỏi đến. Tuy chẳng có
gì nhiều nhưng bà cũng nên giữ lấy.
Janna đỡ phong bì nhưng
vẫn ngồi bất động, trong khi đại úy Oldman ra ngoài cửa ra lệnh bỏ thanh chắn.
Còn lại một mình, Janna miên man suy nghĩ đến tác động của Janet đến những
người dân xung quanh. Việc bà qua đời sẽ gây một lỗ hổng lớn trong tâm trí
người dân quanh vùng, những người được bà bắt mạch, cho thuốc và khám sức khoẻ.
Nàng nhìn quanh. Mới hôm nào nơi đây còn tấp nập mà bây giờ trống trải khủng
khiếp. Đâu rồi, những lọ thuốc, những chiếc kim châm cứu và bao nhiêu dụng cụ
chữa bệnh khác?
Tay vẫn cầm chiếc phong
bì lớn, Janet từ từ bước lên thang gác. Nàng bước vào gian phòng nhỏ, nơi cũng
đã bị cảnh sát thu dọn hết, kể cả quần áo, thậm chí vài cuốn sách của Janet.
Chỉ còn bếp than, tấm nệm ngủ và vài chiếc xoong nồi lỏng chỏng.
Nàng bước vào chỗ
giường nằm, thấy vẫn còn vệt máu khô trên tường, đàn ruồi bâu kín mít. Nàng
rùng mình nghĩ đến cảnh Janet giẫy dụa chống lại bọn sát nhân. Thậm chí sau khi
bị cắt cổ rồi, bà vẫn quằn quại cho đến lúc kiệt sức thì mới chịu ngã xuống
chết hẳn. Bởi nàng nhìn thấy vệt năm ngón tay in máu trên tường ngay cạnh đó.
Cảnh sát tin rằng Janet
chết là do những kẻ thù của ông Tak Chen và việc bà bị giết rõ ràng tạo nên một
tiếng thở phào nhẹ nhõm cho đám người âu Châu sống ở xứ sở này. Cho nên họ cũng
chẳng cần điều tra gì thêm. Những tang chứng hung thủ để lại họ cũng chẳng buồn
đem đi cất giữ để sau này dùng vào việc xét xử.
Xuống dưới nhà, Janna
mở chiếc phong bì lớn, đổ tất cả lên mặt bàn. Những thứ Janet để lại chẳng có
gì nhiều: một ống nghe của thầy thuốc đã cũ kỹ, một cuộn băng cát xét và một
tấm ảnh chụp bốn người bạn gái. Janna biết Janet vẫn còn một tấm ảnh của Tak Chen
nhưng không thấy trong phong bì.
Ngắm nhìn Janet trong
tấm ảnh chụp chung, khi đó bà mới ngoài hai mươi tuổi, một cô gái trẻ trung đầy
kiên nghị, trong lòng Janna trào lên sự cảm phục con người đáng quý kia. Janet
luôn khao khát được sống vì một mục đích cao thượng và bà sẵn sàng quên mình để
làm những việc mà bà luôn cho là đúng.
Đột nhiên Janna thấy
mình là kẻ có tội. Giá như nàng giữ đúng lời hứa, đến với Janet trong dịp nghỉ
cuối tuần vừa rồi, chắc sẽ chẳng xảy ra chuyện đau thương này. Vậy mà nàng đã
nói dối người bạn thân thiết của mẹ nàng, đồng thời cũng là người yêu nàng nhất
trên đời hiện giờ sau mẹ Anna. Để làm gì kia chứ? Để dạo chơi và tình tự với
Derek, một kẻ chỉ coi nàng là một thứ trò giải trí! Ân ái với nàng, phá trinh
nàng rồi lạnh nhạt bỏ đi, không hề hẹn ngày gặp lại. Thậm chí y không có ý định
gặp lại nàng nữa kia. Ôi nàng đúng là một kẻ có tội với Janet!
Janna lắp băng vào máy
cát xét và giọng nói của Janet vang lên. Giọng nói mới dịu hiền, xúc động làm
sao. “… Lễ Thiên chúa giáng sinh lại làm bác nhớ lại ngày Thiên chúa giáng sinh
bác đã trải qua trong trại tập trung Mirande de Ebro cùng với Anna Maxell,
Genevieve Fleury và cháu, lúc đó mới được vài tháng tuổi! May mắn thay và sung
sướng thay, bây giờ Janna lại ngồi bên bác. Bác rất tự hào về cháu. Anna và
Mark đã nuôi nấng cháu khỏe mạnh và xinh đẹp như ngày hôm nay. Bác cũng góp một
phần nhỏ bé trong điều kì diệu ấy. Bác đã cùng với bác sĩ đỡ cháu ra đời trong
một bản làng nhỏ… Bác thèm có một đứa con mà không được. Nhưng bây giờ bác đã
có, đó là cháu, Janna!…”
Janna khóc thổn thức và
không chịu nổi nữa, nàng tắt máy.
Có tiếng người bên
ngoài, Janna vội lau nước mắt, hốt hoảng hỏi:
- Ai đấy?
Một tiếng người dịu
dàng đáp:
- Tôi đây cô Maxell.
Janna nhìn lên, ông
Soong, luật sư, bạn của Janet.
Ông sửa lại gọng kính
nói:
- Tôi nghe nói cô đến
đây. Bà con hàng xóm giục tôi sang nhờ tôi chuyển lời chia buồn của họ.
Janna đáp:
- Cảm ơn ông Soong, tôi
cũng vừa mới biết tin này.
Soong nói khẽ:
- Thật khủng khiếp! Dân
nghèo trong thành phố và hàng xóm đều rất quý trọng bà Taylor. Tôi và bà đã
quen nhau rất lâu và thân thiết với nhau. Được tin bà bị nạn tất cả chúng tôi
đều rất vô cùng thương tiếc.
- Ông đại úy cảnh sát
cho tôi biết thi hài bác Janet được đưa đến nhà xác ở phố Sagọ.
Ông luật sư người Hoa
nói:
- Chúng tôi bảo để
chúng tôi chôn cất bà ấy nhưng cảnh sát không chịu. Ông đại úy Oldham bảo là
phải là bà con mới nhận được thi hài của bà ấy.
- Thế đám tang thì thế
nào?
Ông Soong nói:
- Chính vì chuyện ấy mà
tôi vội đến đây gặp cô, thưa cô Janna. Chúng tôi định sẽ đưa đám ngay bây giờ.
Vì vậy cô gấp lên để cùng đi với chúng tôi.
Lúc đến nơi đặt thi hài
Janet ở phố Sago, Janna mới hiểu tại sao phố Hock Lam vắng vẻ như thế. Bởi dân
phố đều đến đây để đưa tang bà Janet. Quan tài đặt trên một cỗ xe đòn phủ cánh
hoa, đỗ sát vỉa hè. Một tốp nhạc công thổi kèn đứng chờ sẵn. Trên xe đòn chất
đủ các thứ hàng mã: ngựa giấy, nhà giấy, xích lô giấy, cả tiền âm phủ nữa.
- Tục lệ ở đây, người
thân của người đã khuất phải mặc thứ này.
Soong nói, trao cho Janna
tấm trắng và nàng mặc ra ngoài quần áo.
Đám tang đông đúc hàng
mấy trăm người. Ra đến nghĩa trang nằm ở bên ngoài thành phố, người ta hạ huyệt
trong tiếng kèn sáo ai oán và tiếng khóc thảm thiết của những người đã chịu ơn
Janet.
Ông Soong dẫn Janna về
nhà trong lúc nàng vẫn còn thổn thức. Khách đã về hết chỉ còn ông và Janna.
Ông nói:
- Lúc này cô không nên
về nhà một mình. Cô nên ngủ lại đây đêm nay.
Janna đưa mắt nhìn căn
nhà. Cách bố trí giống hệt nhà của Janet, chỉ khác là cửa hàng dưới nhà không có
giá để thuốc và quầy mà kê bàn giấy.
Soong nói tiếp:
- Tôi sống độc thân,
nên không có hai phòng ngủ. Cô lên gác nghỉ, tôi ở dưới này.
- Ông định làm việc
suốt đêm ư?
- Hai hôm nay tôi bận
lo chuyện của bà Taylor nên đọng lại rất nhiều giấy tờ công việc của tôi.
- Tôi không có quyền
quấy rối ông…
Nói xong, Janna định
đứng dậy đi về.
Soong nói vội:
- Không, trái lại là
khác. Tôi coi được cô nghỉ trong nhà tôi là một vinh dự, cô Maxell.
Sống ở đây nhiều tháng
Janna rất hiểu phong tục nghiệt ngã của dân tộc Trung Hoa. Nàng biết rằng việc
để một phụ nữ qua đêm trong nhà trong khi nhà chỉ có một người đàn ông là điều
cấm kị và rất có thể sẽ gây ra đàm tiếu cho mọi người. Nhưng tấm lòng chân
thành của Soong cũng như tình cảm của ông đối với Janet làm nàng cảm động.
Janna không nỡ từ chối. Nàng lẳng lặng lên gác, và để nguyên quần áo như thế,
nàng nằm xuống giường.
Janna không sao ngủ
được. Cảm giác cô đơn trong cái đêm hôm Mark và Anna cho nàng biết nàng không
phải là con đẻ của họ, khiến nàng trằn trọc. Tuy vậy gần sáng, nàng cũng thiếp
ngủ vì quá mệt và căng thẳng trí óc.
Thức dậy, nàng đã thấy
ánh nắng bên ngoài tràn qua cửa sổ. Nàng dậy rửa mặt và súc miệng. Miệng nàng
đắng ngắt.
Ông Soong đã bưng khay
lên, đứng ở đầu cầu thang:
- Mời cô ăn chút mì
điểm tâm và uống trà.
- Cảm ơn ông. - Janna
nói và cầm đũa.
- Đúng ra trong lúc cô
ăn tôi không nên nói chuyện nhưng mà tôi có chuyện quan trọng cần bàn với cô.
- Ông cứ tự nhiên, ông
Soong. - Nàng đáp.
- Cô đã biết tôi là
bạn, đồng thời cũng là luật sư của bà Janet Taylor. Chính tôi đã làm giấy tờ
khi bà ý tậu khoảnh đất, hiện làm sân chơi cho trẻ em.
- Vậy chắc ông biết ông
Wong đang gây sức ép để bà Janet phải bán khoảnh đất đấy cho ông ta?
- Có, ông Wong đã nhiều
lần xin tậu lại và trả giá rất cao. Nhưng lần nào bà Janet cũng từ chối. Thật
ra thì tôi cho rằng bán cũng được nhưng bà Janet lại có kiểu hành động cương
quyết. Không ai thuyết phục được bà làm điều gì mà không phù hợp với nguyên tắc
của bà.
Janna nói:
- Giá bà Janet nghe tôi
thì có lẽ bà không phải chịu cái chết vừa rồi.
Soong gật đầu:
- Cũng có thể, bởi Wong
là một con người vô cùng tàn nhẫn.
- Tôi có nói điều tôi
nghi ngờ với đại úy Oldman nhưng ông ta bảo ông Wong có đủ chứng cớ ngoại phạm.
- Nếu định gây tội ác,
ông ta có thiếu gì tay chân.
- Và tôi nghĩ bà Janet
qua đời đột ngột này, không để lại chúc thư, ông Wong sẽ dễ dàng chiếm đoạt
được khoảnh đất ấy.
Soong nói:
- Cô lầm rồi. Bà Janet
có để lại chúc thư. Chính tôi đã nẩy ra ý định bảo bà ấy viết chúc thư, sau khi
cô gặp bà hai ngày. Trong chúc thư, cô là người thừa kế của bà, sở hữu toàn bộ
tài sản của bà, kể cả khoảnh đất kia. Có nghĩa bây giờ nếu Wong muốn lấy mảnh
đất ấy, ông ta phải thương lượng với cô.
Janna suýt bật cười vì
rơi vào một tình thế mà nàng hoàn toàn không ngờ đến.
Soong nói tiếp:
- Vậy bây giờ tôi muốn
biết ý kiến của cô. Cô tính sử dụng tài sản của bà Janet như thế nào?
Janna đáp:
- Xin ông để tôi có
thời gian suy nghĩ đã.
Về đến nhà ở ngoài bãi
biển, nàng mệt rã rời, định lên phòng nằm nghỉ nhưng nghe tiếng chuông điện
thoại reo. Đó là Foster.
- Cô đi đâu đấy? Ông
Wong cho người tìm cô khắp nơi mà không thấy.
- Thật ư? - Janna đáp.
- Ông chủ cần gặp cô
ngay bây giờ. Tôi sẽ đến và chờ cô ngoài cửa văn phòng, được chứ? - Foster hỏi
và không đợi nàng trả lời đã đặt máy xuống.
Trong khi chờ đợi,
Janna liên lạc với New York. Khi giọng nói của Anna vang lên ở đầu dây bên kia,
Janna kể ngay với bà về cái chết của Janet. Bà Anna rõ ràng bị choáng váng.
- Con nghi lão chủ của
con dính và vụ giết người này. - Nàng nói với mẹ.
- Ôi, nếu vậy thì mẹ
khuyên con hãy bỏ ông ta mà về đây ngay! Mẹ cũng đang nhớ con dứt ruột dứt gan.
Mẹ rất mong được có con bên cạnh…
Đặt máy xuống, Janna
bước vào buồng tắm, mở vòi hoa sen kì cọ liền một tiếng đồng hồ rồi thay quần
áo. Sau đó nàng xuống nhà, lấy xe lái đến văn phòng của lão Wong.
Lúc Janna bước vào,
Foster đã đang đi lại lại ngoài hành lang, vẻ mặt sốt ruột. Tuy trong lòng rất
bực bội nhưng y vẫn dùng giọng điềm tĩnh:
- Tôi không hiểu sao cô
lại chậm trễ thế, thưa cô Maxell-Hunter?
Không để Janna dừng
lại, y kéo nàng đi luôn vào thang máy. Đến trước cửa phòng giấy của Wong, nàng
đứng lại trấn tĩnh.
Foster mở cửa, đẩy nàng
vào phòng rồi khép lại, ông ta không vào. Wong đứng sau bàn giấy đồ sộ hỏi:
- Mấy hôm vừa rồi cô đi
đâu vậy?
Janna bình tĩnh đáp:
- Tôi tưởng ông đã
biết.
Wong không giữ nổi bình
tĩnh:
- Tôi sai người đi tìm
cô khắp nơi mà không thấy, để chia buồn với cô về cái chết bi thảm của bà Janet
Taylor.
Janna hét lên:
- Ông đừng giả dối.
Chính ông sai người giết bà ấy để đoạt khoảnh đất kia! Vậy mà bây giờ ông còn
dám mở miệng nói chia buồn với tôi ư?
Wong đã trấn tĩnh được.
Mặt ông ta lại lạnh lùng như mọi khi:
- Tôi biết cô là người
được hưởng quyền thừa kế của bà Taylor. Vậy bây giờ cô đòi bao nhiêu tiền cho
khoảnh đất đấy? Hai mươi triệu đô la được không?
Janna lắc đầu.
- Ba mươi triệu?
- Không đời nào tôi
bán.
- Bốn mươi triệu? Tôi
xin nói để cô biết bốn mươi triệu đô la ở đây tương đương gần một trăm triệu đô
la Mỹ đấy.
- Tôi không mua bán gì
với kẻ sát nhân. - Janna nói rồi quay gót bước ra cửa.
- Cô nhầm rồi. Cô tưởng
tôi dính vào vụ giết bà Taylor ư? Đúng là tôi cần khoảnh đất của bà ấy, nhưng
không phải đến nỗi giết bà ta. Cô thử suy nghĩ một chút là thấy ngay. Vừa rồi
tôi đề nghị trả cô một khoản tiền rất lớn. Nếu tôi giết bà Janet thì ngại gì
tôi không giết cô luôn, dễ dàng hơn rất nhiều vì cô đang nằm trong tay tôi?
Hai mươi bốn giờ sau,
Janna ngồi trong máy bay Boeing 707 trên đường từ Singapore đến Paris. Những
câu nói của Wong vẫn còn văng vẳng bên tai nàng. Lão ta có phần đúng. Nếu lão
giết Janet thì việc gì lão phải đề nghị trả cho nàng một khoản tiền lớn như
vậy, trong khi lão hoàn toàn có thể thủ tiêu nàng không mấy khó khăn?
Nhìn xuống thành phố
Singapore nhà cửa san sát, dòng sông tàu bè đậu kín hai bờ, Janna trào lên một
nỗi băn khoăn. Nàng sẽ sống ra sao đây? Tuy nhiên câu hỏi về nguyên nhân cái
chết của Janet lại trở lại. Nếu kẻ giết Janet không phải là tay chân của lão
Wong thì là ai? Ai có thể giết người phụ nữ Anh phúc hậu và giàu lòng nhân ái
đến như thế?