Con tầu trắng - Chương 15
Vui mừng tíu tít, đúng là nó chạy ra đón từng chiếc xe, chạy theo xe một quãng rồi lại đón chiếc xe sau. Những chiếc cam-nhông đó toàn là xe khá mới, buồng lái đẹp, ô kính rộng. Ngồi trong buồng lái những chàng gighit trẻ tuổi anh nào nom cũng còn măng sữa, một số buồng lái có hai chàng trai. Những thợ lái bạn đi để xếp và bó cỏ khô. Thằng bé thấy bọn họ người nào cũng đẹp trai, can trường vui tính. Y như trong phim ảnh.
Nói chung thằng bé không lầm. Sự thể đúng là như thế. Ô-tô của họ chạy tốt, bon nhanh trên con đường đá dăm rắn chắc sau khi xuống hết đoạn dốc núi Karaun. Họ rất hào hứng: thời tiết khá tốt, thêm nữa không biết tự đâu bỗng xuất hiện một thằng bé đầu to tai vểnh, chẳng rõ con cái nhà ai, chạy ra đón từng chiếc xe, cứ cuống lên vì vui sướng điên cuồng. Chẳng thể nào không cười và giơ tay vẫy nó, không dọa đùa nó để nó càng vui vẻ và tinh nghịch hơn…
Chiếc cam-nhông đi sau chót thậm chí còn dừng lại. Một chàng trẻ tuổi, mặc quần áo lính với chiếc áo khoác ngắn, nhưng không đeo cầu vai và không đội mũ lưỡi trai quân nhân, mà đội mũ cát-két. Đấy là anh lái xe.
- Chào chú bé! Tại sao em lại ở đây, hả? – Anh niềm nở nháy mắt với thằng bé.
- Chơi thế thôi. – Thằng bé trả lời không chút bối rối.
- Em là cháu ông Mômun phải không?
- Vâng.
- Chú biết mà. Chú cũng là người Bugu đấy. Và tất cả anh em trong đoàn xe này đều là người Bugu cả. Các chú đi lấy cỏ khô. Người Bugu bây giờ không ai biết ai nữa, tản tác hết cả… Nói với ông chú có lời hỏi thăm nhé.
Hãy nói rằng cháu đã gặp chú Kulubêc, con trai ông Sốtbai. Hãy nói rằng chú Kulubêc đi bộ đội đã về và hiện giờ làm lái xe ở nông trường quốc doanh. Thôi, cháu ở đây nhé! – Lúc chia tay, chú lái xe tặng thằng bé một chiếc huy hiệu quân nhân gì không rõ, rất hấp dẫn. Nom như chiếc huân chương.
Xe gầm lên như con báo và chạy đi, đuổi kịp những chiếc khác trong đoàn. Đột nhiên thằng bé muốn ngồi xe cùng đi với chú ấy, cái chú mặc áo khoác ngắn, niềm nở, can trường, người cùng bộ lạc Bugu. Nhưng đường đã vắng tanh, và thằng bé phải trở về nhà. Nó về nhà lòng đầy tự hào, và nó kể với ông về cuộc gặp gỡ đó. Còn chiếc huy hiệu thì nó đeo trước ngực.
Hôm ấy, lúc gần tối, gió Xan-tasơ chợt nổi lên đùng đùng từ dãy núi cao ngất trời. Gió ào tới, giật dội từng cơn. Lá cây cuốn bốc lên, quện thành cả một cây cột trên rừng, và mỗi lúc một vươn cao lên trời, ào ào băng qua các trái núi. Trong khoảnh khắc, đất trời quay cuồng mù mịt đến nỗi không thể mở mắt ra được. Tuyết lập tức trút xuống. Bóng tối trắng mờ bất thình lình chụp lấy trái đất, rừng cây nghiêng ngả, sóng sủi réo. Tuyết xuống dày đặc, biến thành cơn bão.
Họ phải chầy chật lắm mới lùa được gia súc về, thu dọn được mấy thứ ở sân, vất vả lắm mới khuân đựơc kha khá củi vào nhà. Sau đó không ai thò mũi ra khỏi nhà nữa. Ra ngoài sao được: bão tuyết đến sớm và ghê gớm như thế này.
- Thế là cái quái gì nhỉ? – Ông Mômun băn khoăn lo lắng trong lúc nhóm bếp lò. Ông vẫn lắng nghe tiếng gió rít, chốc chốc lại đến gần cửa sổ.
Bên ngoài, bóng tối tràn ngập tuyết trắng, cuộn xoáy nhanh chóng dày đặc lại.
- Thôi ông về chỗ của ông đi! – Bà cằn nhằn. – Đây là lần đầu tiên như thế chắc? “ Thế là cái quái gì nhỉ?” – Bà nhại lại – Thế là mùa đông đã đến chứ còn gì nữa.
- Bất chợt như thế, trong vòng có một ngày thôi ư?
- Sao lại không nhỉ? Nó phải hỏi ông chắc? Mùa đông, nó cần đến là nó cứ đến thôi.
Gió gào rú trong ống khói bếp lò. Lúc đầu, khi giúp ông làm việc nhà, thằng bé rụt rè và rét cóng nữa. Nhưng lát sau củi cháy to, trong nhà bắt đầu ấm, thơm mùi nhựa nóng, mùi khói gỗ thông, thằng bé yên tâm, cảm thấy ấm áp.
Rồi cả nhà ăn tối. Xong, họ đi ngủ. Bên ngoài tuyết vẫn xuống, cuộn xoáy, gió lồng lộn.
“Trong rừng chắc là khiếp lắm”. – Thằng bé nghĩ, lắng nghe những âm thanh ngoài cửa sổ. Nó thấp thỏm bồn chồn khi bỗng nhiên có những tiếng nói mơ hồ, những tiếng thét gọi gì không rõ vẳng đến. Có người nào gọi ai không rõ, có người nào lên tiếng. Thoạt tiên thằng bé cho rằng nó mường tượng thế thôi. Lúc này ai đến đây làm gì? Nhưng cả ông Mômun và bà đều chột dạ.
- Có người. – Bà nói.
- Ừ đúng. – Ông già đáp, giọng ngập ngừng.
Rồi ông bắt đầu lo lắng: Ở đâu mà lại đến đây vào cái giờ như thế này? Ông già vội vã mặc quần áo. Bà cũng hối hả. Bà trở dậy, thắp đèn. Thằng bé sợ hãi điều gì không rõ, nhanh chóng mặc quần áo. Trong lúc đó có người đến gần cửa sổ. Nhiều tiếng nói, nhiều tiếng bước chân, tiếng tuyết bị giẫm ken két. Những người mới tới nện gót ủng thình thịch ngoài hiên, gõ cồng cộc ở cửa ra vào.
- Ăcxakan, mở cửa ra! Chúng tôi chết rét rồi đây này.
- Ai đấy?
- Người nhà đây mà.
Ông Mômun mở cửa. Hơi lạnh, gió và tuyết cuồn cuộn thốc vào nhà, và ùa vào theo là những con người tuyết bám suốt từ đầu đến chân, chính là những người lái xe lúc ban ngày đã đánh xe đến khu Arsa lấy cỏ khô.
Thằng bé nhận ra họ ngay. Nó nhận ra cả Kulubêc mặc chiếc áo khoác ngắn, chú lái xe đã cho nó chiếc huy hiệu quân nhân. Một người được họ dìu đi, người đó rên rỉ, kéo lê một chân. Trong nhà lập tức nháo nhào cả lên.
- Axtapranla!(1) Có chuyện gì vậy? – Ông Mômun và bà đồng thanh lên tiếng than thở.
--------------------- (1) Axtrapanla: cầu trời phù hộ (chú thích của bản tiếng Nga.)
- Chúng cháu sẽ kể chuyện sau! Vẫn còn mấy anh em chúng cháu đang đi ở ngoài kia, bảy người. Chỉ e họ lạc đường. Nào, cậu ngồi xuống đây. Sái chân đây mà. – Kulubêc nói nhanh, đồng thời đặt anh chàng đang rên rỉ ngồi xuống bệ bếp lò.
- Hiện giờ họ ở đâu, người của các anh ấy mà? Ông Mômun vội vã. – Tôi sẽ đi ngay, dẫn các anh ấy về. Còn cháu, -Ông nói với thằng bé. – Cháu chạy đi nói với chú Xâyđăcmat mau mau mang đèn đến đây, đèn pin ấy.
Thằng bé nhảy bổ ra khỏi nhà và nghẹn thở. Cho đến chót đời nó vẫn còn nhớ giây phút ấy. Một con quái vật gì không rõ, lông lá, lạnh giá, rú rít thộp lấy cổ nó và bắt đầu vần vò. Nhưng nó không run sợ. Nó vùng ra khỏi những cẳng chân bám chặt, dùng hai tay che đầu, chạy tới nhà Xâyđâcmat.
Tới đây chỉ có vài ba mươi bước, mà nó tưởng chừng như nó chạy rất xa, qua bão táp, như một batưr tới giúp sức các chiến binh của mình. Lòng nó tràn đầy dũng khí và quyết tâm. Nó cảm thấy nó cường tráng và vô địch. Và trong lúc chạy đến nhà Xâyđăcmat, nó đã kịp lập nên những kì công anh hùng đáng kinh ngạc. Nó nhảy từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, vượt qua những vực thẳm, nó dùng gươm hạ sát cơ man nào là địch quân, nó cứu những người đang bị lửa thiêu và chìm nghỉm dưới sông, nó cưỡi chiếc máy bay phản lực có lá cờ đỏ phấp phới, đuổi theo con quái vật đang chạy trốn, luồn qua các khe núi và các vách đá hòng thoát khỏi tay nó. Chiếc khu trục phản lực của nó lao vút đi như viên đạn, đuổi theo quái vật. Thằng bé nã súng máy vào con quái vật và reo hò: “ Giết chết tên phát xít đi!”. Trong cuộc chiến đấu này, ở đâu cũng có Mẹ Hươu Sừng. Mẹ tự hào về nó: Khi thằng bé đã chạy gần đến nhà Xâyđăcmat, Mẹ bảo nó: “Bây giờ hãy cứu lấy các con trai của ta, những người lái xe trẻ tuổi!” –“Con sẽ cứu họ, thưa Mẹ Hươu Sừng, xin thề với Mẹ!” –thằng bé nói thành tiếng và gõ cửa ầm ầm.
- Nhanh lên, chú Xâyđăcmat, đi cứu lấy anh em ta! Nó nói một thôi một hồi đến nỗi Xâyđăcmat và Gungiaman hoảng sợ lùi lại.
- Cứu ai? Có chuyện gì xảy ra?
- Ông bảo chú mang đèn pin đến ngay, những người lái xe của nông trường bị lạc.
- Đồ ngốc! –Xâyđăcmat mắng nó. –Thì cứ nói luôn như thế có hơn không. – Rồi anh đâm bổ đi sửa soạn mọi thứ cần thiết.
Nhưng thằng bé không mảy may bực mình. Làm sao Xâyđăcmat biết được rằng nó đã lập nên những vĩ công như thế nào mới đến được nhà chú ấy, nó đã thế nào mới đến được nhà chú ấy, nó đã thề nguyền như thế nào.
Thằng bé cũng chẳng ngượng ngùng gì lắm ngay cả khi nó biết ông Mômun và Xâyđăcmat đã gặp cả bảy người lái xe ở ngay gần trạm gác và đưa họ về nhà. Thì sự tình cũng có thể khác lắm chứ! Khi nguy hiểm đã qua thì người ta thấy nó chẳng có gì ghê gớm… Nói chung, những người kia cũng biết ứng phó mau lẹ. Xâyđăcmat dẫn họ về nhà mình. Cả Ôrôzơkun cũng cho năm người ngủ đêm ở nhà mình: phải đánh thức y dậy. Tất cả những những người còn lại chen chúc trong nhà ông Mômun.
Bão tuyết trong núi vẫn không ngớt. Thằng bé chạy ra hàng hiên và lát sau nó đã không còn hiểu đâu là bên phải, đâu là bên trái, đâu là đầu trên đâu là đâu là đầu dưới. Đêm bão tuyết quay cuồng, lồng lộn như hoá rồ.
Tuyết ngập đến ngang đầu gối.
Mãi đến bây giờ, khi đã tìm được tất cả anh em lái xe của nông trường, khi họ đã được sưởi ấm, đã hết sợ và hết rét, ông Mômun mới thận trọng dò hỏi xem chuyện gì đã xảy đến với họ, tuy chẳng cần hỏi cũng đã rõ là họ gặp bão giữa đường. Anh em lái xe kể chuyện, còn hai ông bà già thở dài.
- Ối trời ơi! –Hai ông bà già ngạc nhiên về chuyện đã xảy ra và cảm tạ Thượng đế, hai tay áp vào ngực.
- Thế mà các anh ăn vận phong phanh quá, -Bà vừa trách vừa rót trà nóng cho họ. – Đi vào núi mà mặc như thế được ư? Các anh thật trẻ con quá, trẻ con quá!... Lúc nào cũng trưng diện, muốn cho ra người thành phố. Nếu các anh bị lạc, ở ngoài trời cho đến sáng thì lạy trời, không khéo các anh chết cóng, biến thành những khối băng mất.
- Nào ai biết đâu nên cơ sự ấy. –Kulubêc trả lời bà lão. –Chúng con mặc ấm làm gì? Nếu có chuyện chi thì ôtô của chúng con được sưởi ầm từ bên trong kia mà. Cứ ngồi trong xe như ngồi ở nhà ấy chứ. Chỉ việc vặn tay lái thôi.
Trong máy bay chẳng hạn, máy bay bay tít trên cao, nhìn xuống núi nonn chỉ như những quả đồi nhỏ, bên ngoài rét bốn mươi độ dưới không, vậy mà ở bên trong người ta mặc sơ-mi…
Thằng bé nằm trên tấm da cừu giữa các chú lái xe. Nó nằm thu lu cạnh chú Kulubêc và dỏng tai nghe người lớn nói chuyện. Chẳng ai đoán được rằng thậm chí nó vui sướng vì đột nhiên đã xảy ra trận bão như vậy khiến những con người này phải trú vào trạm gác nhà nó. Trong thâm tâm nó hết sức mong muốn bão kéo dài nhiều ngày không ngớt, ít ra là ba ngày. Để họ phải ở lại đây. Ở với họ mới vui làm sao! Thú vị lắm. Thì ra ông biết tất cả bọn họ, nếu không biết chính bản thân người đó thị cũng biết bố mẹ anh ta.
- Đấy nhé, -Ông nói với cháu, giọng hơi lộ vẻ kiêu hãnh. –Cháu đã gặp những người dòng họ Bugu của mình. Bây giờ cháu sẽ biết họ là những người như thế nào. Xem đấy! Ôi chao, các chàng ghigit bây giờ mới cao lớn làm sao! Cầu trời ban sức khoẻ cho các anh. Lão vẫn nhớ mùa đông năm bốn mươi hai, lão cùng với những anh em khác được đưa đến Magơnhitôgorxk để tham gia công cuộc xây dựng…
Và ông bắt đầu kể chuyện mà thằng bé đã thuộc làu: những người lao động được đưa từ khắp nơi trong nước về đây xếp thành hàng dài dằng dặc theo thứ tự, cao thấp, thế là hầu hết người Kirghidi đều lọt vào cuối hàng, vì tầm vóc thấp. Người ta điểm danh, sau đó moị người được nghỉ để hút thuốc. Một anh chàng cao kều, tóc hung, nom khoẻ mạnh tới gần họ. Anh ta nói oang oang:
- Ở đâu ra những người như thế này nhỉ? Người Mãn-Châu à?
Trong số người Kirghidi có một ông giáo già. Ông ta trả lời:
- Chung tôi là người Kirghidi. Khi chúng tôi đánh nhau với bọn Mãn-Châu ở cách đây không xa thì chưa hề có ai nhắc đến Magơnhitôgorxk. Và tầm vóc chúng tôi hồi ấy cũng như anh bây giờ. Rồi đây khi làm xong nhiệm vụ chiến đấu, chúng tôi sẽ còn cao thêm nữa…
Ông nhớ lại câu chuyện xa xưa đó. Ông cười hể hả, đưa mắt nhìn khắp lượt các vị khách đêm của mình lần nữa.
- Ông giáo ấy nói đúng. Đôi khi ra thành phố, hay đi trên đường, để ý xem xét, lão thấy dân ta bây giờ cao to, đẹp đẽ không như thời trước…
Các chàng trai mỉm cười, hiểu ý: ông già thích bông đùa.
- Chúng cháu lớn xác thì có lớn xác thật, -Một người trong bọn họ nói. – Thế mà vừa rồi lại để cho một chiếc xe sa xuống rãnh. Ngần này con người mà không đủ sức…
- Ù, làm gì nổi! Xe chất đầy cỏ khô, lại bão tuyết thế này. –Ông Mômun biên bạch cho họ. –Thế là thường. Nhờ trời, ngày mai là ổn thôi. Cần nhất là trời lặng gió.
Các chàng tai kể với ông về việc họ đánh xe lên bãi cắt cỏ Arsa ở trên cao như thế nào. Ở đấy có ba đống cỏ lớn, cỏ cắt trên núi. Họ chất cao lên xe cao hơn nóc nhà, thành thử phải từ trên cao giòng dây thả bỏ cỏ xuống.
Bằng cách đó, họ chất đầy hết xe này đến xe khác. Không còn trông thấy buồng lái, chỉ thấy kính chắn gió, mui xe và bánh xe. Đã có công đưa xe đến, họ muốn chở một lần cho hết để khỏi phải quay lại. Họ biết rằng nếu không chở hết thì số còn lại phải đến năm sau mới lấy được. Họ làm việc hăng hái. Xe nào đã chất xong thì tránh sang một bên và người lái chiếc xe đó giúp một tay chất cỏ lên xe khác. Họ đã chất được gần hết cỏ, chỉ còn chừng hai xe, không hơn. Họ nghỉ hút thuốc, thoả thuận với nhau về việc xe nào sẽ đi sau xe nào, rồi tất cả cùng lên đường, kéo thành một đoàn dài. Họ đi một cách thận trọng, gần như dò dẫm cho xe xuống núi. Cỏ là thứ hàng chở không nặng, nhưng cồng kềnh và thậm chí nguy hiểm, đặc biệt ở những chỗ hẹp và những chỗ ngoặt dốc.
Họ cho xe đi, không ngờ trước mắt cái gì đang chờ đợi họ.