Con tầu trắng - Chương 14
Tiếng chuông mỗi lúc một rõ. Đấy là Mẹ Hươu băng qua các ngọn núi, mang theo chiếc nôi trẻ em có quai, treo trên sừng của mẹ- chiếc bêsic bằng gỗ phong có cái chuông con. Chuông gắn vào nôi reo vang. Mẹ Hươu Sừng rất vội. Tiếng chuông ngân mỗi lúc một gần…
Nhưng cái gì thế nhỉ? Hoà vào tiếng chuông có tiếng động cơ ầm ì xa xa. Ở đâu đó có chiếc cam-nhông đang chạy. Tiếng ù ù của động cơ một lúc một mạnh, một rõ hơn, còn tiếng chuông trở nên rụt rè, nhịp reo thảng thốt và lát sau thì mất hẳn trong tiếng động cơ ồn ào.
Thằng bé nghe thấy chiếc ô-tô tới gần sần, tiếng sắt khua động ầm ầm. Con chó sủa vang nhảy xổ ra sân sau. Ánh đèn pha hắt lên bừng sáng ở cửa sổ trong giây lát rồi tắt ngấm. Động cơ cũng im bặt. Tiếng sập cửa buồng lái.
Những người mới tới trao đổi với nhau – nghe tiếng nói thì có ba người, - họ đi qua cái cửa sổ chỗ thằng bé nằm.
- Xâyđăcmat đã về, - Bỗng có tiếng nói mừng rỡ của Gungiaman và nghe tiếng chân chị hối hả chạy đến đón chồng. – Gớm, mọi người đợi hết cả hơi!
- Chào chị! – Những người lạ trả lời chị.
- Thế nào, ở nhà ra sao? – Xâyđăcmat hỏi.
- Chẳng có gì lạ. Vẫn sống bình thường. Sao về muộn thế?
- Em phải nói là anh gặp may mới đúng. Cố về được tới nông trường quốc doanh, anh chờ mãi để đón một chiếc ô-tô đi cùng đường. Ít ra là đi nhờ đến giêlêxai. Thế mà lại gặp đúng mấy người này đến chỗ chúng ta lấy gỗ, - Xâyđăcmat kể. – Hẻm núi tối om. Đường xá thì em biết đấy.
- Thế Ôrôzơkun đâu? Có nhà không? – Một trong hai người vừa tới hỏi.
- Có nhà. – Gungiaman ngập ngừng trả lời. – Bác ấy hơi khó ở. Nhưng các ông đừng lo. Đêm nay mời các ông nghỉ lại đây, có đủ chỗ mà. Ta đi đi.
Họ đi. Nhưng mới được mấy bước, họ dừng lại.
- Kính chào ăcxakan, chào baibitsê.
-Những người mới tới chào ông Mômun và bà. Như vậy là sợ mang tiếng với người nơi khác đến, ông bà đã ra sân đón khách lạ cho phải phép. Có lẽ cả Ôrôzơkun cũng sẽ sợ mang tiếng chăng? Dù sao chắc bác ta cũng không muốn bản thân bác ta và những người khác phải mang tiếng xấu.
Thằng bé hơi yên tâm. Nói chung nó thấy dễ chịu hơn. Đầu bớt nhức. Thậm chí nó nghĩ không biết có nên trở dậy, ra xem chiếc xe hay không: đấy là loại xe gì, bốn bánh hay sáu bánh. Mới hay cũ? Rơ-mooc như thế nào? Mùa xuân năm nay, có lần thậm chí một chiếc cam-nhông quân sự đã tạt vào trạm gác này: bánh xe cao, mũi xe hếch như bị chặt cụt. Anh lính lái xe trẻ tuổi cho thằng bé ngồi lên ngồi ca-bin. Tuyệt thật! Còn người quân nhân đeo cầu vai vàng choé tới đáy bằng chiếc cam-nhông đó cùng với Ôrôzơkun đi vào rừng. Để làm gì nhỉ? Chưa từng bao giờ có chuyện như thế.
- Các chú làm gì thế, đi lùng gián điệp à? – Thằng bé hỏi người lính.
Ngưi kia nhếch mép cười.
- Ừ, đi lùng gián điệp.
- Nhưng chưa hề có tên gián điệp nào đến đây bao giờ cả, - Thằng bé buồn rầu thốt lên.
Anh lính cười phá lên:
- Thế nhưng cháu cần tên gián điệp để làm gì?
- Cháu sẽ truy lùng nó và tôm cổ nó.
- Ái chà, cháu hăng hái quá đấy! Còn nhỏ quá, hãy lớn leen chút nữa đã.
Trong lúc người quân nhân đeo cầu vai vàng choé cùng với Ôrôzơkun đi vào rừng, thằng bé và anh lái xe nói chuyện với nhau.
- Cháu thích tất cả các ô-tô và tất cả những người lái xe. – Thằng bé nói.
- Tại sao vậy? – Người lính tò mò hỏi.
- Ô-tô là loại xe tốt, khoẻ và nhanh. Lại có mùi xăng thơm thơm. Lái xe người nào cũng trẻ, và tất cả đều là con của Mẹ Hươu Sừng.
- Cái gì? Cái gì? – Người lính không hiểu. – Mẹ Hươu Sừng nào?
- Thế mà chú không biết ư?
- Không. Chưa bao giờ chú nghe thấy điều kì lạ như thế.
- Thế chú là người ở đâu?
- Chú là người Kazăc ở Karaganđa. Chú đã học ở trường của mỏ.
- Không, cháu hỏi chú con ai kia.
- Con của bố và mẹ chú.
- Thế bố và mẹ chú con ai?
- Lại là con của một ông bố và một bà mẹ.
- Thế ông bố và bà mẹ ấy là con ai?
- Này, cứ như thế thì có thể hỏi mãi không cùng.
- Còn cháu là con của các con trai của Mẹ Hươu Sừng.
- Ai nói với cháu như thế?
- Ông cháu.
- Cái chuyện hơi lẩm cẩm đấy. – Anh lính lắc đầu hoài nghi.
Anh thú thằng bé đầu to, tai vểnh, con trai của các con trai của Mẹ Hươu Sừng này. Nhưng anh lính hơi ngượng ngập khi vỡ lẽ ra rằng chẳng những anh không biết dòng họ mình khởi nguyên từ đâu, mà thậm chí còn không biết cả tông chi bẩy đời của mình, điều này người ta nhất thiết phải biết.
Anh chỉ biết bố, ông, cụ mình. Còn tiếp nữa thì sao?
- Thế không ai dạy chú nhớ tên các cụ bẩy đời à? – thằng bé hỏi.
- Không. Mà biết để làm gì kia chứ? Như chú đây này, chú không biết, vậy mà cũng chẳng sao. Chú vẫn sống bình thường.
- Ông cháu bảo rằng nếu người ta không nhớ đến tổ tiên thì sẽ đâm ra hư hỏng.
- Ai hư hỏng? Con người ấy ư?
- Vâng.
- Nhưng tại sao kia chứ?
- Ông cháu bảo rằng khi ấy sẽ không ai xấu hổ về những việc làm xấu xa, bởi vì con cháu có nhớ đến cha ông đâu mà lo. Và cũng sẽ không ai làm việc tốt, vì đằng nào thì con cháu cũng chẳng biết đến kia mà.
- Ông của cháu kì thật đấy! – Anh lính ngạc nhiên thành thực. – Một người ông lí thú. Có điều ông cụ nhồi vào đầu cháu đủ mọi chuyện vớ vẩn. Còn cháu là một thằng bé to đầu… Tai cháu nom như cái máy định vị ở bãi thử của các chú. Cháu đừng nghe ông cụ. Chúng ta đang đi tới chủ nghĩa cộng sản, bay vào vũ trụ, vậy mà ông già dậy cháu cái gì vậy? Giá như ông cháu đến học lớp chính trị của các chú, người ta sẽ làm cho ông cụ hiểu ra ngay tức khắc: Rồi đây cháu lớn lên, học thành tài, cháu nên đi nơi khác, đừng ở với ông nữa. Ông cháu là một người dốt nát, vô văn hoá.
- Không, cháu chẳng bỏ ông đi đâu cả. – Thằng bé không chịu. – Ông cháu là người tốt.
- Ấy là bây giờ thì cháu nghĩ thế thôi. Sau này cháu sẽ hiểu.
Lúc này, lắng nghe tiếng người nói, thằng bé nhớ tới chiếc xe quân sự ấy và nhớ tới việc hồi ấy nó không làm cách nào giảng giải cho anh lính hiểu rõ được tại sao những người lái xe ở đây, ít nhất là những người nó biết, đều tự coi mình là con cháu Mẹ Hươu Sừng.
Thằng bé đã nói với anh lính như thế, và điều đó là có thực. Nó không bịa đặt chút gì. Năm ngoái, đúng vào tiết thu như thế này, hay hình như muộn hơn chút nữa, có những chiếc ô-tô của nông trường quốc doanh vào núi chở cỏ khô. Xe không đi qua trạm gác, mà cách trạm gác một quãng thì theo con đường lớn lớn rẽ vào thung lũng Arisa và đi lên phía trên, nơi mùa hè ngưi ta đã cắt cỏ khô để mùa thu đưa xe lên chở về nông trang. Nghe thấy tiếng động cơ gầm gào chưa từng thấy trên núi Karaun, thằng bé chạy ra ngã ba đường. Nhìn thấy ngay bao nhiêu là ô-tô! Chiếc nọ nối đuôi chiếc kia. Cả một đoàn dài. Thằng bé đếm được mười lăm chiếc.
Thời tiết cữ này rất dễ xoay chuyển đột ngột, chưa biết ngày nào tuyết có thể ập xuống. Khi ấy thì “vĩnh biệt cỏ khô, hẹn đến năm sau”. Ở vùng này, không kịp thời chở cỏ đi thì sau đó đừng nghĩ gì đến cỏ nữa. Xe không tài nào đi được. Chắc hẳn ở nông trường quốc doanh, người ta bấn bíu công việc kia việc nọ nên cứ trì hoãn mãi, rồi khi thời gian đã gấp, người ta bèn quyết định có bao nhiêu xe đưa đi hết, chở vệ một lần toàn bộ số cỏ đã cắt.
Nhưng đâu có ơ ngon như vậy!..
Song thằng bé không biết điều đó, và lại thực ra chuyện đó bận gì đến nó?