Chiến Tranh Tiền Tệ - Phần 2 - Chương 08

Chương 8

Giới cầm quyền và “đầu sỏ vô hình”

CHỈ DẪN CHƯƠNG

“Chỉ sở hữu của cải thôi sẽ không đủ để dập tắt ham muốn và lòng tham không đáy của những người thuộc tầng lớp siêu giàu. Thay vào đó, nhiều người trong số họ sử dụng nguồn tài sản dồi dào, cùng với sức ảnh hưởng mà sự giàu có này mang lại để tìm kiếm quyền lực lớn hơn. Sự thịnh vượng của loại quyền lực này ngay cả những bạo chúa và những kẻ chuyên chế trong quá khứ cũng chẳng thể mơ nổi. Đây là một quyền lực có thể chi phối thế giới, không chỉ chi phối của cải của thế giới, mà nó có thể chi phối tất cả những người đang sống trong thế giới này.”

Câu nói trên mô tả rất chính xác “kế hoạch vĩ đại” cuối cùng của các chủ ngân hàng quốc tế, đó là thành lập một chính phủ thế giới với “tập đoàn quyền lực Anglo-American” đứng trên đỉnh của kim tự tháp. Đây không phải là một suy đoán ảo tưởng hay là một ý niệm điên rồ, mà là một chiến lược đã tiến hóa và phát triển qua nhiều thế hệ.

Từ mô hình xã hội Rhodes của Anh cho đến Hiệp hội Quan hệ Ngoại giao Hoa Kỳ sau này, giới cầm quyền Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã tiến hành một cuộc thăm dò toàn diện về lý thuyết và hoạt động thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu chiến lược là thống trị thế giới.

Việc thực hiện kế hoạch quy mô lớn và có tổ chức này không thể tách rời khỏi sự hỗ trợ của ba thế lực tài chính hùng mạnh phía sau.

Thế giới phương Tây mà chúng ta thấy ngày nay rõ ràng là một xã hội dân chủ, tự do và đa nguyên. Những kẻ đầu sỏ tài chính của quá khứ đã bị đẩy ra khỏi cung điện quyền lực bởi nền dân chủ thần thánh. Các gia tộc quyền lực và siêu giàu dường như đã bốc hơi khỏi thế giới loài người, và không thể tìm thấy bất cứ dấu vết nào. Lịch sử liệu đã thay đổi? Chủ nghĩa tư bản không còn phục vụ một vài nhóm quyền lực nữa sao? Có phải các chủ ngân hàng quốc tế đã chủ động từ bỏ quyền lực tối cao, và trở về núi rừng để sống cuộc đời của những người bình thường?

Bản chất con người không bao giờ thay đổi. Dục vọng lòng tham và ham muốn kiểm soát chưa bao giờ thay đổi kể từ lúc nhân loại xuất hiện trên trái đất cho đến khi họ bước vào đời sống xã hội hiện đại. Ngay cả trong tương lai mà chúng ta có thể tưởng tượng đến, nó cũng sẽ không thay đổi. Những gì được thay đổi chỉ là hình thức của lòng tham lam và sự kiểm soát. Từ chủ nghĩa tư bản thương mại đến chủ nghĩa tư bản công nghiệp, từ chủ nghĩa tư bản tài chính đến chủ nghĩa tư bản độc quyền, cho đến hình thức ngày nay được gọi là chủ nghĩa tư bản đa nguyên, sự cai trị của nhóm quyền lực thiểu số đối với toàn bộ xã hội chưa bao giờ thay đổi. Tuy nhiên thủ đoạn cai trị và hình thức của nó đã thay đổi rất nhiều. Các đầu sỏ tài chính trực tiếp, hữu hình, trần trụi ẩn sau hậu trường, thay vào đó là các hệ thống quỹ mới nổi khổng lồ. Chúng đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng trong sức mạnh thống trị của thế giới phương Tây ngày nay, và người kiểm soát vẫn là các gia tộc nắm giữ quyền lực tài chính khi xưa.

VỤ TAI NẠN HÀNG KHÔNG BÍ ẨN CỦA CHUYẾN BAY KAL007 CỦA KOREAN AIR

Sáng sớm ngày 31 tháng 8 năm 1983, trên màn hình radar phòng không khu vực đảo Sakhalin của Liên Xô, một chiếc máy bay lớn không xác định đang đột nhập vào khu vực nhận dạng phòng không của Căn cứ tên lửa liên lục địa Viễn Đông. Hai máy bay chiến đấu SU-15 của Liên Xô đã được lệnh cất cánh khẩn cấp để tiến hành đánh chặn. Năm phút sau, các phi công Liên Xô đã yêu cầu căn cứ đưa ra chỉ thị hành động, và chỉ huy căn cứ đã ra lệnh “lập tức bắn hạ máy bay xâm phạm”. Cùng ngày hôm đó, các hãng tin trên thế giới đã gửi một thông điệp rằng máy bay chở khách Boeing 747 hiệu KAL007 của hãng Korean Air đã bị máy bay Liên Xô bắn hạ trên đảo Sakhalin và 269 người trên máy bay đều thiệt mạng. Tin tức ngay lập tức gây chấn động thế giới và trở thành một trong những sự kiện nghiêm trọng nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Hoa Kỳ tuyên bố rằng sáng sớm ngày 31 tháng 8, chuyến bay KAL007 từ Anchorage, Alaska, đến Seoul đã bay nhầm vào không phận bán đảo Kamchatka và đảo Sakhalin của Liên Xô. Đây là một tai nạn do hỏng hóc cơ học, không phải sắp xếp có chủ ý, vì vậy không ai có thể dự đoán và ngăn chặn kịp thời. Kết quả là lúc 3 giờ 27 phút sáng, KAL007 đã bị không quân Liên Xô bắn hạ trên đảo Sakhalin. Không ai trong số 269 hành khách và phi hành đoàn của máy bay còn sống sót. Vào thời điểm đó, Tổng thống Hoa Kỳ Ronald Reagan cực lực lên án vụ việc, coi đó là một màn thảm sát máu lạnh đối với những thường dân tay không tấc sắt. Đây là điều không thể tha thứ và đáng phải hứng chịu các lệnh trừng phạt và lên án từ cộng đồng quốc tế. Ngược lại, Liên Xô chỉ ra rằng KAL007 đã xâm phạm không phận của mình và nỗ lực do thám các cơ sở quân sự trên bán đảo Kamchatka và đảo Sakhalin. Do đó, quân đội Liên Xô đành phải hạ lệnh bắn hạ để bảo vệ an ninh quốc gia.

Đó là một hành động tự vệ thích hợp và buộc phải được thực hiện. Vì vậy Liên Xô không đáng phải hứng chịu sự hiểu lầm và lên án có chủ đích.

Trong suốt hơn 20 năm, những cuộc tranh cãi xung quanh vụ tai nạn hàng không bí ẩn của chiếc máy bay KAL007 thuộc hãng Korean Air chưa từng bị gián đoạn. Lập luận nổi bật nhất là thông tin tình báo bí mật của cơ quan tình báo Israel Mossad từ Liên Xô năm 1992 đã chỉ ra: Máy bay KAL007 sau khi bị trúng tên lửa không đối không đã không phát nổ ngay lập tức mà tiếp tục bay trong khoảng 12 phút và cuối cùng đã hạ cánh thành công trên đảo Sakhalin hoặc vùng biển lân cận. Sau khi máy bay KAL007 bị buộc phải hạ cánh, chính quyền Liên Xô đã tiến hành di tản các hành khách trên máy bay đến nhà tù Lubyanka gần Moscow và trại thu dung Wrangel ở Viễn Đông. Ngày 15 tháng 1 năm 1996, đài truyền hình Hàn Quốc cũng tiết lộ một câu chuyện tương tự. Chương trình nói rằng máy bay KAL007 không bị bắn hạ và hầu hết những người sống sót trên máy bay vẫn đang bị nhốt trong hai trại thu dung của Liên Xô. Cũng trong ngày hôm đó, đài truyền hình KBS của Hàn Quốc cũng công bố một tài liệu tuyệt mật của CIA. Trong tài liệu dài 38 trang này, CIA khẳng định chuyến bay KAL007 của Hàn Quốc đã bị các máy bay chiến đấu của không quân Liên Xô buộc phải hạ cánh xuống biển. Những người trên máy bay may mắn thoát nạn, nhưng hiện không rõ tung tích.120

120 Bert Schlossberg, Rescue 007: The Untold Story of KAL007 and its Survivors. Xlibris Corporation, 2000, Retrieved on 2009–01–01.

Trong 269 hành khách trên KAL007, có một nhân vật rất đặc biệt là Nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ – Lawrence Patton McDonald. McDonald là anh em họ của danh tướng Patton của Mỹ trong Thế chiến II.

Thật trùng hợp, hai anh em họ này có một trong những đặc điểm nổi bật nhất. Đó là kiên quyết phản đối ý tưởng của cái gọi là “Trật tự thế giới mới” (New World Order) và phản đối việc phá hủy chủ quyền quốc gia nhân danh “chủ nghĩa quốc tế” và “toàn cầu hóa”. Cả hai đều có tầm ảnh hưởng và sức hiệu triệu rất lớn ở Hoa Kỳ. McDonald đang chuẩn bị đại diện cho Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1988. Vào thời điểm đó, tại Hoa Kỳ, McDonald là chính trị gia “có tiếng nói nhất” và “có khả năng phá hoại nhất” trong số những người chỉ trích Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ và Ủy ban ba bên.

Sau sự cố chuyến bay KAL007, MacDonald “sống không thấy người, chết chẳng thấy xác”. Jerry Falwell – lãnh đạo chủ chốt của giáo phái Phúc Âm có ảnh hưởng lớn đến xã hội Mỹ, có chung tư tưởng với McDonald và cũng thuộc phe cánh hữu của Mỹ. Ông ta phản ứng một cách bản năng với vụ tai nạn máy bay KAL007. “Vấn đề thực sự làm tôi khó chịu là Liên Xô đã bắn hạ KAL007 khiến 269 người chết, và mục tiêu chính của họ là McDonald.”121 Cũng giống như những suy đoán liên quan đến vụ sát hại tướng Patton, liệu Liên Xô có thực sự là thủ phạm? Có lẽ vẫn tồn tại những khả năng khác.

121 Who killed congressman Lawrence Patton Mcdonald?, Todd Brendan Fahey, July 01 2001.

Các lực lượng chính trị đại diện bởi MacDonald thuộc nhóm cánh hữu truyền thống của Mỹ. Triết lý cơ bản của họ là bảo vệ Hiến pháp Hoa Kỳ và tinh thần lập quốc, ủng hộ Tuyên ngôn nhân quyền, tin tưởng một cách kiên định đối với tự do và dân chủ cá nhân, phản đối sự can thiệp quá mức của chính phủ đối với các quyền dân sự, ủng hộ nền kinh tế thị trường toàn diện và giữ thái độ phản đối kiên định đối với tất thảy những thế lực quốc tế muốn lấn át chủ quyền của các quốc gia. Thế lực của phe này có một nền tảng dân ý mạnh mẽ ở Hoa Kỳ, đặc biệt là sự kế thừa lịch sử chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ chống lại sự thống trị của thực dân Anh, khiến họ nghĩ rằng người dân có thể sở hữu súng đạn. Trong trường hợp chính quyền trở nên chuyên chế và độc tài, nhân dân sẽ có quyền nổi dậy. Họ tin rằng các chính phủ nhỏ phục vụ người dân, trong khi các chính phủ lớn thì cai trị nhân dân. Họ đã nghĩ trăm phương ngàn kế nhằm áp đặt các hạn chế đối với quyền lực của chính phủ liên bang, chứ chưa cần nói đến việc phó mặc cho một “chính phủ thế giới” nào đó vượt qua “chủ quyền của Hoa Kỳ” và cai trị người dân Mỹ.

Có một cuộc xung đột gay gắt và kịch liệt giữa niềm tin chính trị này và các chính sách “toàn cầu hóa” và “chính phủ thế giới” vốn tập trung vào lợi ích của các chủ ngân hàng quốc tế.

Tháng 11 năm 1975, McDonald đã đưa ra một thách thức công khai đối với các chủ ngân hàng quốc tế. Trong lời nói đầu của cuốn sách Rockefeller File (tạm dịch: Hồ sơ Rockefeller):

Chỉ sở hữu của cải thôi sẽ không đủ để dập tắt ham muốn và lòng tham không đáy của những người thuộc tầng lớp siêu giàu. Thay vào đó, nhiều người trong số họ sử dụng nguồn tài sản dồi dào, cùng với sức ảnh hưởng mà sự giàu có này mang lại để tìm kiếm quyền lực lớn hơn. Sự thịnh vượng của loại quyền lực này ngay cả những bạo chúa và những kẻ chuyên chế trong quá khứ cũng chẳng thể mơ nổi. Đây là quyền lực có thể chi phối thế giới. Không chỉ chi phối của cải của thế giới, mà nó có thể chi phối tất cả những người đang sống trong thế giới này.

Trong hơn một trăm năm, kể từ ngày John D. Rockefeller sử dụng một phương thức không chính đáng để thành lập một đế chế độc quyền dầu mỏ, những cuốn sách nói về gia tộc Rockefeller mọc lên như nấm sau mưa, đủ để lấp đầy một thư viện. Tôi đã đọc rất nhiều sách về Rockefeller, và không có ai dám tiết lộ phần quan trọng nhất trong câu chuyện liên quan đến Rockefeller: Rockefeller và các đồng minh đã lên kế hoạch cẩn thận để sử dụng quyền lực kinh tế của họ trong 50 năm qua, trước tiên là kiểm soát Hoa Kỳ, sau đó là kiểm soát thế giới.

Tôi đang nói về một âm mưu ư? Vâng, chính là nó. Tôi tin chắc rằng có một âm mưu như vậy: đây là một kế hoạch với bản chất xấu xa, có quy mô quốc tế, đã được lên kế hoạch qua nhiều thế hệ.

Lawrence Patton McDonald

Thành viên Quốc hội

Tháng 11 năm 1975122

122 Gary Allen, The Rockefeller File, Buccaneer Books Inc, 1976.

Khi các phương tiện truyền thông chính thống ở Hoa Kỳ tỏ ra thờ ơ với một thách thức như vậy, McDonald thậm chí còn tự mình đứng ngoài đường với các tài liệu tuyên truyền và nói to với bất kỳ người đi bộ quan tâm nào. Mức độ cố chấp của ông ta đã vượt quá các quy tắc ngầm trong giới chính trị Hoa Kỳ, đạt tới ngưỡng mà giới tinh hoa cầm quyền quốc tế không thể chịu đựng được nữa.

Nghiêm trọng hơn, MacDonald thực sự đang chuẩn bị chạy đua cho chức tổng thống. Trong bài phát biểu của chiến dịch, ông có một bài diễn thuyết đặc biệt về kế hoạch của các chủ ngân hàng quốc tế nhằm kiểm soát thế giới. Hàng triệu người sẽ được trực tiếp lắng nghe những lời nhận xét “khó chịu” này. Bầu nhiệt huyết của McDonald không hề kém cạnh so với người anh em họ không bao giờ chịu thua của mình – tướng Patton, và trong mắt người dân Hoa Kỳ thì hai anh em họ có thể nói là những vị “anh hùng hảo hán” không sợ trời cũng chẳng sợ đất. Nếu ông ta thực sự tham gia vào cuộc bầu cử tổng thống, có trời mới biết được bước ngoặt hệ trọng nào sẽ xảy ra, và rất có thể tình hình khi đó sẽ vượt ra khỏi tầm tay. Bài học liên quan đến sự mất kiểm soát của Tổng thống Kennedy vẫn sờ sờ ở đó, trong khi sự uy hiếp của McDonald còn lớn hơn cả Kennedy. Ông ta không chỉ có một sức hiệu triệu dân sự trên phạm vi rộng, mà còn mượn uy danh của tướng Patton để có được cam kết trung thành của các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội nhân danh lợi ích quốc gia của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Nhóm người này không hề có hứng thú đối với ý tưởng về một “Chính phủ thế giới” vượt qua “chủ quyền của Hoa Kỳ”. Hơn nữa, McDonald và các đồng minh của mình thậm chí còn thiết lập mạng lưới tình báo bí mật của riêng mình để chống lại các lực lượng của CIA và FBI. Nếu như họ liên kết với số đông quần chúng đang “lăm lăm tay súng” thì rất có thể Hoa Kỳ sẽ “đổi màu”.

Trong kế hoạch mà McDonald chỉ trích liên quan đến “Rockefeller và những người bạn”, “lên kế hoạch qua nhiều thế hệ”, những người bạn đó rốt cuộc là ai? Kế hoạch qua nhiều thế hệ đã diễn tiến như thế nào? Muốn làm rõ những điều này, chúng ta cần phải bắt đầu từ ngọn nguồn kế hoạch.

ĐẾ QUỐC KIM CƯƠNG VÀ NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU ƯU TÚ

John Ruskin nói với sinh viên Oxford rằng tầng lớp thượng lưu của họ có truyền thống vĩ đại trong lĩnh vực giáo dục, nghệ thuật, chuẩn mực pháp lý, ý chí tự do, thanh lịch và kỷ luật tự giác. Tuy nhiên, những truyền thống này phải được mở rộng cho các tầng lớp thấp hơn của Anh và thế giới, và chỉ có như vậy thì những giai cấp hạ đẳng mới có thể và xứng đáng được cứu vớt. Nếu tầng lớp thượng lưu ở Anh không thể phát huy truyền thống quý giá của mình, họ sẽ sớm bị tầng lớp thấp kém nuốt chửng và những truyền thống này sẽ bị xóa bỏ. Để tránh những hậu quả khủng khiếp như vậy, họ phải đưa truyền thống của mình đến mọi nơi trên thế giới càng sớm càng tốt.

Bài phát biểu “lay động lòng người” của Ruskin đã được ghi lại bởi một sinh viên, đó chính là Cecil Rhodes, người đã lưu giữ cẩn thận ghi chú này trong suốt 30 năm tiếp theo.123

123 Carroll Quigley, Tragegy and Hope, GSG & Associates, 1996.

“Kim cương sẽ mãi mãi được tồn tại và lưu truyền.” Đứng sau khẩu hiệu quảng cáo nổi tiếng này là De Beers, gã khổng lồ kim cương lớn nhất thế giới. Tập đoàn này nắm giữ 40% thị trường kim cương của thế giới hiện nay, con số có thời điểm còn lên tới 90%.

Người sáng lập của De Beers, Cecil Rhodes sinh năm 1853. Ông là một chính trị gia và doanh nhân nổi tiếng người Anh, một chủ thực dân khét tiếng của Rhodesia (tên cũ của Zimbabwe), và Rhodesia được đặt theo tên ông. Bằng cách cướp đi các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở miền nam châu Phi, Rhodes đã có được rất nhiều của cải và thành lập quỹ học bổng Rhodes sau khi ông qua đời.

Là con trai của một mục sư vùng ngoại ô, có thể coi Rhodes là một “anh hùng” trong quá trình bành trướng thuộc địa của Anh. Rhodes đã kiếm được rất nhiều tiền khi khai thác kim cương ở Nam Phi và thành lập nên Đế chế kim cương De Beers, kiểm soát 90% ngành công nghiệp kim cương của thế giới. Nhưng tham vọng của ông còn xa hơn thế. Ngay cả người Anh cũng nghĩ rằng “ông không chỉ muốn toàn bộ trái đất thuộc về người Anh, mà còn muốn đặt cả mặt trăng nằm dưới quyền cai trị của Anh”.

Đầu năm 1882, Rhodes đã cố gắng tiếp cận gia tộc Rothschild bằng cách tiếp xúc với người đại diện được gia tộc Rothschild phái từ San Francisco đến châu Phi để khai thác kim cương. Vào thời điểm đó, ngành công nghiệp khai thác kim cương ở Nam Phi đang chết dần chết mòn trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Rhodes đánh giá một cách chính xác rằng, ai có thể nhận được hỗ trợ tài chính từ London trước, thì người đó có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến kim cương này. Ông đã rất khôn ngoan khi quyết định dựa vào “cây đại thụ” gia tộc Rothschild. Đến năm 1885, trên chuyến tàu tới London, Rhodes tình cờ gặp một kỹ sư người Mỹ khác phụ trách khai thác kim cương của gia tộc Rothschild, bèn lập tức trao cho ông ta vị trí Tổng Giám đốc Tập đoàn De Beers. Sau khi được giới thiệu, hai tháng sau, Rhodes có thể chính thức gặp gỡ Nathan – “chưởng môn” của gia tộc Rothschild của London.124

124 Niall Ferguson, The House of Rothschild, Penguin Books, 1999.

Nathan tỏ ra rất lạc quan về De Beers, minh chứng là ông lập tức mua 5.754 cổ phiếu của De Beers và trở thành cổ đông lớn nhất của tập đoàn này. Với sự hỗ trợ của gia tộc Rothschild, cá nhỏ De Beers của Rhodes đã xơi tái những con cá lớn, lần lượt nuốt chửng một số công ty kim cương mạnh hơn, cuối cùng đặt nền móng cho Đế chế kim cương của thế giới.

Rhodes dành cho Rothschild một sự tin tưởng cao độ. Trong một cuộc họp vào năm 1888, Rhodes đã nói với Nathan rằng: “Có ngài đứng sau hỗ trợ, tôi tin rằng tôi có thể thực hiện được tất cả những điều mà mình đã hứa.” Sự tín nhiệm này đã khiến cho hai bên nhanh chóng trở thành một liên minh chiến lược kinh doanh hết sức mật thiết. Năm 1889, De Beers đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp trị giá 1,75 triệu bảng và Ngân hàng Rothschild chi nhánh London đã mua 17,8%. Năm 1894, ngân hàng Rothschild chi nhánh London đã phát hành thêm 3,5 triệu bảng trái phiếu cho De Beers.

Với sự hỗ trợ và khuyến khích của gia tộc Rothschild, Rhodes đã mở rộng tốc độ bành trướng của mình.

Công ty kim cương De Beers đã phát triển nhanh chóng sau hàng loạt vụ sáp nhập thành công, với cổ tức hàng năm là 1,6 triệu bảng (40% mỗi cổ phiếu) trong giai đoạn từ 1896 đến 1901, và lên tới 2 triệu bảng trong giai đoạn từ 1902 đến 1904.

Năm 1900, Nathan đưa ra lời đánh giá rất cao đối với Rhodes: “Ngài đã biến De Beers thành một huyền thoại. Ngài đã thiết lập nên thế độc quyền về sản xuất kim cương, và một tay kiểm soát thị trường tiêu thụ kim cương, đồng thời ngài còn thiết lập thành công một cơ chế hoàn chỉnh để duy trì mô hình thương mại này.”

Rhodes và Nathan có một quan điểm hết sức trùng khớp đối với các ý tưởng chính trị của chủ nghĩa thực dân và bành trướng Đế quốc. Hai người ngày càng trở nên đồng cảm. Đối với những công ty mà Rhodes thành lập, Nathan đều không tiếc tay ủng hộ hết mình về mặt tài chính. Năm 1889, khi Rhodes thành lập Công ty Anh - Nam Phi (British South Africa Company). Đầu tiên, Nathan bơm vốn với tư cách là cổ đông sáng lập, sau đó còn nhiệt tình làm cố vấn đầu tư cho công ty một cách miễn phí. Tháng 6 năm 1888, Rhodes đã sửa đổi di chúc, trao cho Nathan toàn bộ cổ phần của công ty De Beers mà trước đó ông định sẽ truyền lại cho anh chị em của mình.

Trong bức di chúc này, ông còn dặn dò Nathan rằng hãy sử dụng khoản tiền đó để xây dựng nên “một xã hội được lựa chọn vì lợi ích của đế chế”. Rhodes nhận định rằng Rothschild là “quý nhân” duy nhất có thể hỗ trợ ông ta đạt được lý tưởng của mình.125

125 Carroll Quigley, Tragegy and Hope, GSG & Associates, 1996.

Đôi mắt của gia tộc Rothschild nhìn chằm chằm vào giá trị thương mại khổng lồ của De Beers trong ngành công nghiệp kim cương, còn đôi mắt của Rhodes thì vượt qua cả Nathan, hướng về phía mảnh đất màu mỡ rộng lớn của châu Phi và cả thế giới. Kim cương trong mắt Rhodes tượng trưng cho tham vọng đạt được ảnh hưởng chính trị của ông. Trong bức thư gửi Nathan, Rhodes nói rằng De Beers phải là “một công ty Đông Ấn khác” và xây dựng được “khuôn mẫu cuối cùng để đạt được lý tưởng” bắt đầu từ Châu Phi.

XÃ HỘI RHODES: “TRƯỜNG QUÂN SỰ HOÀNG PHỐ” CỦA GIỚI LÃNH ĐẠO ANH QUỐC

Không một quốc gia nào coi trọng an ninh của chính mình sẽ cho phép Tập đoàn Milner thực hiện tham vọng của họ. Đó là một nhóm nhỏ có thể kiểm soát quyền lực lớn với chính phủ và chính trị, gây ảnh hưởng lớn đến dư luận bằng cách lợi dụng các các kênh thông tin, có thể lũng đoạn hoàn toàn việc ghi chép và truyền thụ giai đoạn lịch sử mà họ đang sống

Carroll Quigley126

126 Carroll Quigley, The Anglo-American Establishment, GSG & Associates, 1981.

Quyền viết nên lịch sử có thể là quyền lực tối cao trong chính trị, bởi vì các thế hệ tương lai không bao giờ có thể trải nghiệm đầy đủ cuộc sống và cảm xúc của những thời đại trước. Họ chỉ có thể gián tiếp biết về những điều đã từng xảy ra trong quá khứ bằng cách dựa vào những thư tịch lịch sử. Việc lưu giữ, cắt bỏ, biên tập, bình luận đều có thể ảnh hưởng rất lớn đến góc nhìn của mọi người đối với một sự kiện hay sự vật nào đó. Ai có thể khống chế được quyền viết sử thì người đó có thể làm chủ “hiệu ứng hình ảnh” cuối cùng của tấm gương mang tên lịch sử. Người đó có thể biến sự xấu xí thành vẻ đẹp và biến ác quỷ thành thiên thần. Lịch sử đã định hình ý thức của mọi người, và lịch sử đã ảnh hưởng đến sự phán xét ngày nay.

Giáo sư hướng dẫn thời đại học của Tổng thống Clinton, Carlo Quigre, đã đề cập trong cuốn sách nổi tiếng được xuất bản năm 1949 của ông mang tên Tập đoàn quyền lực Anglo-America, trong đó ông có nhắc tới việc xã hội Rhodes thành lập năm 1891 sẽ “thống trị thế giới thông qua tuyên truyền”. Đây là một tổ chức bí mật rất ít được biết tới và có ảnh hưởng rất lớn đối với lịch sử thế giới thế kỷ XX.

Năm 1877, Rhodes, 24 tuổi, đã viết bản di chúc đầu tiên của mình tại Đại học Oxford. Trong di chúc, ông đã diễn giải về mục đích “cao siêu” của việc tạo ra một xã hội bí mật: “Mở rộng sự cai trị của Đế quốc Anh ra toàn thế giới, hoàn thiện hệ thống bành trướng của Đế quốc Anh, tiến hành thực dân hóa tất cả các địa điểm khả thi của các công dân Anh... tái nạp Hoa Kỳ vào Đế quốc Anh, thống nhất toàn bộ đế chế, thực hiện một hệ thống đại diện thuộc địa trong Quốc hội đế quốc, đoàn kết lại các thành viên đế chế đang còn phân tán, từ đó đặt nền móng cho một thế giới không bao giờ có chiến tranh, phù hợp với mưu cầu hạnh phúc của con người.”

Theo thiết kế của Rhodes, mục tiêu này sẽ được thực hiện bởi các hiệp hội bí mật, với những thành viên trung thành với nhau và sẵn sàng hiến thân cho mục đích chung. Phương thức để thực hiện là gây ảnh hưởng về mặt chính trị và kinh tế từ phía sau, đồng thời “thao túng các cơ quan tin tức, giáo dục và tuyên truyền”. Để đạt được mục tiêu này, Rhodes đã sử dụng tất cả tài sản của mình để thành lập một tổ chức bí mật được hợp thành bởi những “nhà tuyên truyền”, tương tự như Cơ-đốc giáo và phục vụ cho Đế quốc Anh – gọi là “xã hội Rhodes”.

Xã hội Rhodes được cấu thành bởi ba vòng tròn đồng tâm. Vòng tròn cốt lõi bên trong bị chi phối bởi chính Rhodes. Các thành viên đều là những người cực kỳ giàu có, sở hữu một lượng tài sản cá nhân khổng lồ và cùng chia sẻ triết lý bá quyền của Đế quốc Anh. Họ tạo thành “xã hội bí mật Rhodes” (được gọi là “nhóm Milner” sau năm 1901). Vòng tròn thứ hai là “nhóm Cecile”, bao gồm các nhân vật quyền lực trong vòng tròn chính trị do Hầu tước Salisbury lãnh đạo. Vòng tròn ngoài cùng sẽ do Arnold J. Toynbee – người chú của tác giả Arnold Toynbee của cuốn Nghiên cứu lịch sử, cùng với nhà tài chính Lord Milner cùng nắm giữ vai trò lãnh đạo, toàn bộ các thành viên đều là thành phần trí thức, được gọi là “Nhóm Toynbee”.

Trong số ba nhóm trong xã hội Rhodes, nhóm thứ hai chịu trách nhiệm tạo sức ảnh hưởng đến lĩnh vực giáo dục và tuyên truyền của Đế quốc Anh. Nhóm này kiểm soát Times trong suốt nửa thế kỷ và đóng vai trò quan trọng trong Đại học Eton và Đại học All Souls Oxford thông qua các quỹ học bổng. Ba vòng tròn đồng tâm này luôn hỗ trợ và bổ sung cho nhau. Nhóm Toynbee sẽ hỗ trợ về ý thức hệ. Nhóm Cecile tạo ra ảnh hưởng chính trị. Nhóm Milner cung cấp nguồn tài chính. Ba nhóm nhất thể này sẽ tạo thành một tổ chức bí mật ảnh hưởng đến Đế quốc Anh và vận mệnh của thế giới.

Đến năm 1938, xã hội Rhodes đã thu hút một lượng lớn những người thuộc tầng lớp thượng lưu giàu có và hình thành nên quyền lực chính trị có ảnh hưởng nhất ở Anh.

Các thành viên cốt lõi của xã hội Rhodes được lựa chọn thông qua các thủ tục tiêu chuẩn: những sinh viên giỏi nhất tại Đại học Oxford được chọn để vào Học viện All Souls, sau hàng loạt những thử thách và quá trình thải loại, những “hạt giống tinh tú” sẽ được chọn ra để bước chân vào Sở Nghiên cứu Sự vụ Quốc tế Hoàng gia, Thời báo Times, Tạp chí Round Table, Bộ Ngoại giao hoặc Văn phòng Thực dân để rèn giũa. Tất nhiên, những người này tối đa chỉ có thể lọt vào vòng tròn thứ hai, chiếm vị trí quan trọng trong giới học thuật, định hướng và gây ảnh hưởng đến dư luận thông qua các phương tiện truyền thông. Ví dụ, Isaiah Berlin - một nhân vật tiếng tăm lừng lẫy đã bước vào lớp thứ hai, Arnold. J. Toynbee thì đã sớm nắm giữ một vị trí trong Sở Nghiên cứu Sự vụ Quốc tế Hoàng gia. Chiến lược của xã hội Rhodes là sử dụng một số ít những nhân vật tinh hoa để từ đó tạo ảnh hưởng đến số đông quần chúng, do đó họ luôn nhắm rất chuẩn vào những nhân vật tinh anh trong xã hội.

Thông qua các sự kiện lịch sử sau đây, chúng ta có thể hiểu về cách xã hội Rhodes – một tổ chức muốn “thống trị thế giới thông qua tuyên truyền” – đã ảnh hưởng đến lịch sử hiện đại như thế nào:

• Kích động cuộc tấn công Jameson năm 1895.

• Kích động Chiến tranh Boer từ 1899 đến 1902.

• Thành lập Liên minh Nam Phi từ năm 1906 đến 1910.

• Năm 1910, thành lập tạp chí tuần san Round Table của Đế chế Anh (đây là cơ quan ngôn luận của xã hội Rhodes).

• Tạo ra tầm ảnh hưởng lâu dài đến ba trường đại học tại Oxford: All Souls, Balliol College, New College.

• Kiểm soát Times trong hơn nửa thế kỷ.

• Thao túng phái đoàn Anh đến Pháp tham gia Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919.

• Là nhà thiết kế và quản lý chính của Hội Quốc Liên.

• Thành lập và kiểm soát Viện Quan hệ Quốc tế Hoàng gia vào năm 1919.

• Từ năm 1917 đến năm 1945, chi phối chính sách của Anh đối với Ireland, Palestine và Ấn Độ.

• Ảnh hưởng đến những chính sách nhân nhượng đối với Đức từ 1920 đến 1940.

• Kiểm soát nguồn dữ liệu và những ghi chép lịch sử về các chính sách đối nội-đối ngoại của Đế quốc Anh kể từ giai đoạn Chiến tranh Boer.

• Khái niệm về “Liên hiệp Anh” do chính tổ chức này đề xuất, công bố rộng rãi và trở thành hiện thực.

Xã hội Rhodes đã vươn vòi bạch tuộc ra khắp các lãnh thổ tự trị, lãnh thổ thực dân và thuộc địa cũ của hoàng gia Anh như Hoa Kỳ, Canada, Ấn Độ, Úc, New Zealand và Nam Phi. “Hội đồng Quan hệ Đối ngoại” trứ danh của Mỹ (CFR, Council on Foreign Relations) chính là một chi nhánh tại Mỹ của xã hội Rhodes. Chi nhánh của xã hội Rhodes tại các lãnh thổ tự trị khác nhau của Anh sẽ có những buổi hội họp bí mật không được tổ chức thường xuyên. Họ sẽ lên kế hoạch và phương thức triển khai thống nhất, tạo sức ảnh hưởng đến việc xây dựng và thực thi các chính sách kinh tế và chính trị từ phía sau hậu trường, thao túng các tổ chức tin tức, giáo dục và tuyên truyền. Các quốc gia coi tiếng Anh là ngôn ngữ chính của mình cuối cùng sẽ thành lập nên chính phủ thế giới theo một hình thức nào đó, thực hiện mục tiêu “thế giới đại đồng”. Mọi danh xưng và tư tưởng có từ “thế giới” được lưu truyền trên trường quốc tế như chính phủ thế giới, tiền tệ thế giới, thuế thế giới… về cơ bản đều bắt nguồn từ xã hội Rhodes.

Hầu tước Salisbury, nhân vật nòng cốt của nhóm Cecile, nhận chức thủ tướng suốt ba nhiệm kỳ, tại vị suốt 14 năm, vượt qua bất kỳ thủ tướng nào trong lịch sử hiện đại của Anh. Phương pháp phát huy sức ảnh hưởng của ông: Thứ nhất là thâm nhập vào ba lĩnh vực chính trị, giáo dục và báo chí; Thứ hai là tuyển dụng người tài (chủ yếu từ Đại học All Souls), sử dụng các cuộc liên hôn, danh tiếng hoặc quyền lực để kết nối những người này vào nhóm Cecile; Thứ ba là đặt các thành viên cốt lõi vào các vị trí quyền lực quan trọng theo cách bí mật nhất có thể, gây ảnh hưởng đến chính sách công.

Các thành viên cốt lõi khác của nhóm Cecile là: Balfour (Bộ trưởng Ngoại giao Anh), Tử tước Littleton, Nam tước Wilhelm, Công tước xứ Grosvenor, Bá tước Palmer, Công tước xứ Cavendish, Gaisson – Bá tước Hardy.

NHÓM MILNER

Nhóm Cecile tiếp tục tồn tại trong một khoảng thời gian dài sau cái chết của Hầu tước Salisbury – lãnh đạo của gia tộc Cecil vào năm 1903, nhưng nhà lãnh đạo mới của nó, Balfour lại tỏ ra thiếu tham vọng và quyết tâm, khiến cho tổ chức này dần trở nên lỏng lẻo và dần bị thay thế bởi nhóm Milner. Milner không thiếu tham vọng và sự quyết đoán. Ông đã hy sinh hạnh phúc cá nhân và đời sống xã hội của mình để đạt được mục tiêu chính trị. Điều này là không thể chấp nhận được đối với Balfour – một người vốn thích hưởng lạc. Milner nhận thức sâu sắc rằng không thể tiếp tục dựa vào các mối quan hệ gia tộc để củng cố nhóm, thế nên ông quyết định chuyển sang ý thức hệ. Salisbury tìm cách xây dựng một nhóm bao gồm bạn bè và người thân, chơi trò chơi chính trị để duy trì nước Anh cũ mà họ thích. Milner không phải là một người bảo thủ. Ông có lý tưởng riêng của mình. Mở rộng và tích hợp hệ thống phúc lợi xã hội của Đế quốc Anh, điều này là vô cùng cần thiết cho lối sống của người dân Anh. Tiếp theo đó, quảng bá ra toàn thế giới “phương thức sống kiểu Anh – thể hiện sự tốt đẹp nhất và năng lực cao của con người”. Tuy nhiên, vật đổi sao dời, sau này ông chỉ còn nhấn mạnh đến việc thúc đẩy thống nhất lý luận và các hoạt động tuyên truyền trong nội bộ nhóm Milner.

Ảnh hưởng về mặt tư tưởng của Arnold Toynbee đối với nhóm Milner có ba khía cạnh. Thứ nhất, lịch sử Anh đại diện cho tư tưởng đạo đức vĩ đại – tự do tư tưởng, có lợi nhất đối với sự thống nhất hoàn toàn của Đế quốc Anh. Thứ hai, điều mà bất cứ ai cũng phải dành sự quan tâm hàng đầu đối với trách nhiệm và nghĩa vụ phục vụ đất nước. Thứ ba, giai cấp lao động sẽ đảm nhận công tác dịch vụ trong xã hội Anh, đặc biệt công tác giáo dục là hết sức thiết yếu.

Thời báo Times là một mắt xích quan trọng tạo nên sức ảnh hưởng của nhóm Milner đối với giới thượng lưu. Tờ báo này nhắm đến một nhóm nhỏ giới tinh hoa có sức ảnh hưởng hơn là số đông quần chúng nói chung. Nó hợp tác chặt chẽ với các chi nhánh độc lập khác của nhóm Milner để ảnh hưởng đến độc giả và tăng cường khả năng ảnh hưởng của từng chi nhánh. Thế giới bên ngoài trông giống như những mặt khác nhau của cùng một sự thật. Ví dụ, một thành viên của Quốc hội (cũng là thành viên của nhóm) công bố chính sách. Gần như cùng lúc đó, Sở Nghiên cứu Sự vụ Quốc tế Hoàng gia đã xuất bản một báo cáo nghiên cứu về cùng một chủ đề. Một nhà nghiên cứu (thành viên của nhóm) tại Đại học All Souls cũng cho ra mắt một cuốn sách về cùng một chủ đề (thông qua một nhà xuất bản có liên quan đến nhóm). Những chuyên đề xã luận trên thời báo Times ban đầu phân tích chính sách của các nghị sĩ theo giọng điệu phê phán, sau đó sẽ tán thành với chính sách đó. Trong cùng thời gian, hai ấn phẩm được bình thẩm theo cách đồng nhất trên tờ Phụ san văn học (diễn đàn bình luận văn học có ảnh hưởng nhất ở Anh). Những bài bình thẩm này đều do các thành viên của nhóm viết dưới dạng nặc danh. Cuối cùng, một bài viết nặc danh trên tờ Round Table sẽ lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ chính sách này. Mặc dù mỗi chiến lược và bước đi chỉ ảnh hưởng đến một bộ phận công chúng, nhưng hiệu ứng tích lũy của các chiến lược này là rất đáng kể. Nếu cần thiết, viên thư ký mà Rhodes tin tưởng có thể đến Hoa Kỳ để thực hiện một loạt các cuộc phỏng vấn không chính thức với những người từng giành học bổng Rhodes, đồng thời thuyết phục một chính trị gia nổi tiếng đã nghỉ hưu (như cựu Tổng đốc Ấn Độ) phát biểu đôi lời trong buổi tưởng niệm một vị lãnh đạo nào đó đã qua đời của trường Đại học All Souls hoặc Đại học New School. “Sự trùng hợp” dễ khiến dân tình thắc mắc là cả các cuộc phỏng vấn ở Mỹ và bài phát biểu trong buổi tưởng niệm của Oxford đều nhấn mạnh cùng một chủ đề.

Số đầu tiên của tạp chí Round Table được xuất bản vào ngày 15 tháng 11 năm 1910, không có chữ ký của nhà xuất bản và tác giả của năm bài báo trong đó. Truyền thống này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Tạp chí đã biện giải rằng sự ẩn danh là để đảm bảo tính độc lập và tự do. Nhưng nguyên nhân thực sự lại “thực tế” hơn nhiều. Các biên tập viên và tác giả trong giai đoạn đầu thành lập tạp chí đều vô danh tiểu tốt, nếu để họ ký tên lên đó thì sẽ khiến độc giả chê cười. Khi một số tác giả sau này trở thành những “nhân vật lớn”, các biên tập viên sẽ cho rằng cần phải bảo vệ danh tiếng chính trị của họ. Ẩn danh các tác giả là thông lệ của họ. Round Table là công cụ tuyên truyền chính cho xã hội Rhodes hoặc nhóm Milner. Biên tập viên và tác giả của Round Table gọi là “Nhóm Bàn tròn”. Niềm tin kiên định của họ là tự do, văn minh và phẩm giá của nhân loại chỉ có thể được phát triển tốt nhất thông qua Đế quốc Anh.

Quan điểm của các thành viên của nhóm thường mang tính nhất quán. Sự khác biệt lớn nhất luôn bắt nguồn từ kinh tế – lĩnh vực mà nhóm luôn thể hiện sự mỏng yếu và bảo thủ. Cho đến trước năm 1931, quan điểm tài chính của nhóm đến từ Robert Brand, một đối tác của công ty Lange Brothers. Anh em nhà Lange cũng là một trong số “17 gia tộc ngân hàng quốc tế lớn nhất trên thế giới”. Đại diện cho quan điểm của các gia tộc ngân hàng quốc tế cuối thế kỷ XIX, họ tin rằng chìa khóa cho sự thịnh vượng kinh tế là ngân hàng và tài chính. Một loại tiền tệ mang tính kiện toàn, một dự toán cân bằng và tiêu chuẩn kim bản vị quốc tế sẽ mang lại sự thịnh vượng kinh tế và cải thiện mức sống. Điều này trái với quan điểm của Milner. Milner khẳng định rằng tài chính nên phụ thuộc vào nền kinh tế và nền kinh tế nên phụ thuộc vào chính trị. Nếu các chính sách giảm phát kinh tế (bắt nguồn từ nguyên nhân liên quan đến tài chính) gây ra những hậu quả khó lường về mặt kinh tế hoặc chính trị, vậy thì chúng nên được bãi bỏ. Milner tin rằng chính sách tài chính 12 năm do Brand chủ trương vào năm 1919 là một thảm họa đối với Đế quốc Anh, vì nó gây ra thất nghiệp, suy thoái và hủy hoại xuất khẩu. Ông chủ trương tách Đế quốc Anh khỏi thế giới thông qua thuế quan và các rào cản khác, đồng thời khuyến khích phát triển kinh tế thông qua việc tự điều chỉnh chi tiêu của chính phủ, nguồn vốn, lao động và phúc lợi xã hội.

Trên thực tế, quan điểm của nhóm Milner đại diện cho một sự thay đổi lớn lao trong tư duy của các chủ ngân hàng quốc tế chính thống đối với vàng và tiền. Các mặt hạn chế của vàng đối với vấn đề chi tiêu của chính phủ và huy động tài chính cho chiến tranh đã không thể đáp ứng được nhu cầu của các chủ ngân hàng, tư tưởng về tiền tệ định giá thấp với quy mô lớn đã dần trở thành một xu hướng mới.

Quan điểm của Milner dựa trên “chủ nghĩa tư bản độc quyền”, thậm chí là “chủ nghĩa tư bản quốc gia”, chứ không phải là “chủ nghĩa tư bản tài chính” đã lỗi thời mà Brand từng đề xướng. Quan điểm này từ sau năm 1931 đã được hầu hết các thành viên của nhóm Milner chấp nhận. Cùng năm đó, việc bãi bỏ tiêu chuẩn kim bản vị đã chứng minh rằng chính sách tài chính do Brand chủ trương năm 1919 đã hoàn toàn thất bại. Kết quả là, sau năm 1931, chủ nghĩa tư bản độc quyền mà nhóm Milner đề xướng đã chiếm thế thượng phong. Trên thực tế, Milner và Toynbee chưa bao giờ tin vào chủ nghĩa cá nhân trong lĩnh vực kinh tế.

Sự khác biệt giữa Milner và Brand không mấy quan trọng. Điều quan trọng là ý kiến của Brand đã trở thành tư tưởng từ năm 1919 đến 1931, còn quan điểm của Milner thì chiếm thế thượng phong từ sau năm 1931. Những sự thật này chứng minh rằng chính sách tài chính do Đế quốc Anh thực hiện từ năm 1919 đến năm 1945 hoàn toàn phù hợp với chính sách của nhóm Milner trong cùng thời kỳ. Nhóm Milner đã nắm địa vị thống trị trong hội đồng của Đảng Bảo thủ từ Thế chiến I. Có thể thấy rằng, nhóm Milner có ảnh hưởng lớn đến chính sách đối nội của Đế quốc Anh.

Từ 1919 đến 1939, các thành viên của nhóm Milner chiếm 1/5 đến 1/3 thành viên trong nội các. Điều này cũng giải thích lý do tại sao chính phủ Anh áp dụng chính sách nhân nhượng (mà nhóm Milner đề xướng) đối với Đức.

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI ĐỨC CỦA NHÓM MILNER DỰA TRÊN HAI YẾU TỐ CỐT LÕI

Một mặt, họ cho rằng lịch sử là kết quả của cuộc đấu tranh giữa công lý và cái ác. Người Đức được chia thành “những kẻ độc tài Phổ” và “những người tốt”. Nếu những kẻ độc tài Phổ mất quyền lực và tầm ảnh hưởng trong khi những người tốt được đối xử bằng sự khoan hồng, vậy thì nước Đức sẽ vĩnh viễn ly khai khỏi chế độ “chuyên chế châu Á”, và quay trở lại với “nền văn minh phương Tây”. Lý thuyết này là hợp lý, nhưng lại rất khó thực hiện, vì không có tiêu chuẩn khách quan nào để phân biệt giữa những “người Đức tốt” và “người Đức xấu”. Trên thực tế, đại đa số người Đức đã tham gia vào Thế chiến I. Tạp chí Round Table vào tháng 12 năm 1918 cũng đưa ra một quan điểm tương tự, nhưng nhóm Milner lại không ghi nhớ. Họ vẫn cho rằng những “người Đức xấu” đã bị quét sạch cùng với hoàng đế của họ từ năm 1918. Hoàng đế Đức chỉ là đại diện của bốn nhóm quyền lực khác nhau. Bốn nhóm quyền lực lớn của Đức, bao gồm các sĩ quan Phổ, địa chủ Junker, quan chức chính phủ và các đại gia công nghiệp, đã quyết định từ bỏ hoàng đế – khi đó đã trở thành gánh nặng – để tự cứu lấy mình. Sức mạnh và tầm ảnh hưởng của họ vẫn tồn tại và thậm chí còn lớn hơn trước. Tướng lĩnh cấp cao trong quân đội có thể ra lệnh cho thủ tướng với giọng điệu trực tiếp hơn cả hoàng đế. Nói tóm lại, không có cuộc cách mạng nào ở Đức vào năm 1918, nhưng nhóm Milner lại nhắm mắt làm ngơ. Brand phải chịu trách nhiệm chính cho việc này, bởi ông tin rằng chỉ khi nền kinh tế Đức phục hồi càng sớm càng tốt thì mới có thể tránh sự hỗn loạn và bất ổn xã hội. Trong con mắt của các chủ ngân hàng truyền thống, sự thịnh vượng kinh tế không thể tách rời các nhà tư bản công nghiệp và các chủ ngân hàng. Ngoài ra, Brand tin chắc rằng nếu giảm nhẹ mức bồi thường mà nước Đức phải gánh chịu và cung cấp tín dụng, vậy thì các tập đoàn công nghiệp cũ sẽ sớm khôi phục lại sức sống kinh tế.

Mặt khác, Philip Kerr – một thành viên trong nhóm ủng hộ chính sách cân bằng quyền lực mà Anh sử dụng từ thế kỷ XVI để hỗ trợ cường quốc thứ hai của lục địa châu Âu chống lại cường quốc thứ nhất. Nhóm Milner đã nhận thấy một điều sau khi tham gia Hội nghị Hòa bình Paris năm 1919, việc xuất khẩu chế độ nghị viện hoặc chế độ tự chủ sang lục địa châu Âu là điều không thể. Bởi vì Pháp kiên quyết cho rằng vũ lực là nền tảng của đời sống chính trị xã hội. Họ đặc biệt ủng hộ việc đưa quân đồn trú trên lãnh thổ Đức và thành lập một lực lượng cảnh sát quốc tế do Hội Quốc Liên trực tiếp lãnh đạo. Khoảng cách trong quan điểm giữa nhóm Milner và Pháp ngày càng sâu sắc. Theo lý luận Kitô giáo của nhóm Milner, việc sử dụng vũ lực sẽ không hiệu quả đối với các vấn đề liên quan đến đạo đức và chỉ khiến cho những người sở hữu nó trở nên hủ bại, nền tảng thực sự của đời sống chính trị và xã hội là tập quán và truyền thống. Sự cân bằng quyền lực này có một mục tiêu kép: dùng sự thỏa hiệp để biến Đức thành một tội nhân được cứu rỗi, tái sinh và thanh lọc nước Đức nhằm chống lại Liên Xô và làm suy yếu nước Pháp, nơi mà bầu không khí dân tộc quá đỗi nặng nề.

Thế nhưng, Hitler đã lợi dụng đánh giá sai lầm của giới cầm quyền Anh để trỗi dậy một cách quật khởi. Ông ta nhìn thấu tham vọng của tập đoàn quyền lực mới nổi Mỹ nhằm lật đổ quyền bá chủ toàn cầu của Đế quốc Anh, và việc các chủ ngân hàng quốc tế Do Thái đang khao khát chống lại hệ thống thực dân Anh để giành lấy Palestine, thực hiện đại nghiệp phục quốc Israel. Hitler đã khéo léo hợp nhất hai lực lượng chính trị và sự hỗ trợ tài chính giúp Đức thực thi chính sách bành trướng xâm lược, từ đó đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế và tái thiết quân sự của Đức. Có thể nói rằng trong giai đoạn 1933 - 1938, Hitler tận dụng triệt để âm mưu giữa các cường quốc Âu - Mỹ và các lực lượng tài chính Do Thái để đạt được mục tiêu chiến lược của mình. Rõ ràng ông ta đã “dắt mũi” được các cường quốc và thể hiện được kỹ năng chính trị tuyệt vời của mình.

TẬP ĐOÀN QUYỀN LỰC ANGLO-AMERICA

Từ những năm 1920, xã hội Rhodes đã dốc sức thiết lập mối quan hệ đặc biệt giữa Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, để hướng đến mục tiêu cuối cùng là đạt được sự thống nhất Anglo-America. Trong cuốn sách Bi kịch và hy vọng: Lịch sử thế giới của thời đại chúng ta, tác giả Quigley nói rằng để đạt được các mục tiêu chiến lược nói trên, cần phải xuất hiện một “Tập đoàn quyền lực Anglo-America” giữa Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.127

Năm tờ báo có ảnh hưởng lớn nhất đến dư luận Mỹ, tờ The Boston Evening News, Christian Science Monitor, New York Times, New York Herald Tribune và The Washington Times đều nằm trong tay của nhóm quyền lực này. Các nhà lãnh đạo của các phương tiện truyền thông chính thống này đều được cất nhắc qua lại đúng theo nguyên tắc “cử hiền bất bế thân”128. Ví dụ, Tổng Biên tập tờ Christian Science Monitor là người liên lạc tại Hoa Kỳ của Tạp chí Round Table Anh. Cựu Tổng Biên tập Tạp chí Round Table – Huân tước Loma khi còn là Đại sứ Anh tại Hoa Kỳ, từng cộng tác viết bài cho tờ Christian Science Monitor và đồng thời là cựu Tổng Thư ký Quỹ ủy thác Rhodes. Nhiều nhà tài chính nổi tiếng ở Phố Wall đều từng là đại sứ Hoa Kỳ tại Vương quốc Anh.

127 Carroll Quigley, Tragegy and Hope, GSG & Associates, 1996.

128 Tiến cử và trọng dụng người tài, cho dù đó là người thân hay từng là kẻ thù của mình. (ND)

Quigley chỉ ra rằng, chí ít là vào đầu thế kỷ XX, quyền quyết định các trường đại học quan trọng của Mỹ nằm trong tay “Tập đoàn Quyền lực Anglo-America”. Cho đến những năm 30 của thế kỷ XX, Tập đoàn Morgan về cơ bản đã kiểm soát quyền ra quyết định của Đại học Harvard và Đại học Columbia; Đại học Yale thì chịu sự chi phối của Công ty Dầu khí Tiêu chuẩn Hoa Kỳ thuộc Tập đoàn Rockefeller, Đại học Princeton thuộc Công ty Bảo hiểm Prudential. Tuy nhiên, mặc dù Tập đoàn Quyền lực Anglo-America này có ảnh hưởng rất lớn, nhưng vẫn không thể kiểm soát hoàn toàn chính phủ Mỹ. Đầu thế kỷ XX, dưới áp lực của phong trào tiến bộ, chính phủ Hoa Kỳ đã thông qua một số đạo luật thuế bất lợi cho các tập đoàn quyền lực này, đặc biệt là thuế thừa kế tài sản. Và thế là các tập đoàn này dần dịch chuyển những khối tài sản tư nhân khổng lồ ở Phố Wall sang thành nền tảng miễn thuế, từ đó hoàn thành quá trình biến thân tuyệt vời, hô biến toàn bộ tài sản thành vô hình.

Walter Lippmann – một thành viên của Xã hội Rhodes, nhà phê bình chính trị Hoa Kỳ và cố vấn chính phủ, đã có tác động sâu sắc đến chính sách xã hội và đối ngoại của Mỹ trong thế kỷ XX. Kế hoạch Marshall tái thiết châu Âu ban đầu do chính tay ông soạn thảo. Các chiến lược tâm lý chiến trong Thế chiến I, Thế chiến II và Chiến tranh lạnh cũng do ông chủ trì hoạch định. Ông là một người liên lạc quan trọng giữa Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ và Xã hội Rhodes. Với tư cách là một mưu sĩ quan trọng cho các đời tổng thống của Hoa Kỳ từ Wilson đến Nixon, trong Thế chiến I, ông đã cùng với Tổng thống Woodrow Wilson thành lập Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ trong thời gian tham gia Hội nghị Hòa bình Paris.

Bất kể xuất thân hay nhiệm vụ của từng thành viên ra sao, dù ảnh hưởng đến dư luận hay với các chính sách đối nội – đối ngoại của Hoa Kỳ, có thể coi Hiệp hội Đối ngoại là “Chính phủ ngầm” của Hoa Kỳ, là “phiên bản Hoa Kỳ” của Xã hội Rhodes, Cơ quan ngôn luận quan trọng của nhóm hoạch định chính sách đối ngoại Hoa Kỳ. Tạp chí Ngoại giao là “tờ báo cơ quan”, ấn phẩm hàng đầu của Hiệp hội Đối ngoại – cơ quan ngôn luận của các thế lực nắm quyền ra quyết sách đối ngoại của Mỹ. Họ dùng nó để gây ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Các tác giả chủ chốt của Tạp chí Ngoại giao hầu hết là những mưu sĩ quan trọng nhất trong cơ quan đối ngoại Hoa Kỳ, gồm Lippmann, George Kenan, Brzezinski và Kissinger. Bài viết Sự xung đột giữa các nền văn minh(Clash of Civilization) của Huntington được đăng lần đầu trên tạp chí này.

Khi Hội nghị Hòa bình Paris được tổ chức vào năm 1919, nhân lúc đang ở địa vị của kẻ thắng cuộc, cả Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đều muốn thiết lập một hệ thống xã hội quốc tế do họ thống trị. Sau Hội nghị Hòa bình Paris, Lippmann và hầu hết những người Mỹ khác tham dự hội nghị đều là thành viên của xã hội Rhodes, và Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ được thành lập tại một khách sạn ở Paris.

Là một chi nhánh của xã hội Rhodes, Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ ban đầu tiến vào Hoa Kỳ dưới danh nghĩa Sở Nghiên cứu Sự vụ Quốc tế Hoàng gia. Năm 1921, Chi nhánh Hoa Kỳ của Sở Nghiên cứu Sự vụ Quốc tế Hoàng gia đã sáp nhập với một tổ chức được thành lập năm 1918 bởi một chủ ngân hàng và luật sư ở New York để thảo luận về các vấn đề kinh doanh và ngân hàng trong thời chiến, tên là Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ mà chúng ta chứng kiến ngày nay.

Cho đến nay, Hội đồng Đối ngoại Hoa Kỳ đã tồn tại hơn 80 năm. Nó chắc chắn đã đi lệch khỏi ý định ban đầu của Rhodes với hy vọng Anh sẽ cai trị Hoa Kỳ, nhưng nó vẫn đang dần hiện thực hóa giấc mơ của tập đoàn quyền lực Anh - Mỹ nhằm thống trị thế giới. Khi Trung Quốc cổ vũ cho toàn cầu hóa, không biết ai sẽ nhìn thấy nụ cười đắc ý trên khuôn mặt lạnh lùng của xã hội Rhodes đằng sau cỗ máy xã hội khổng lồ này?

Không có gì lạ khi có nhiều quan điểm cho rằng thế giới đang bị điều khiển bởi một vài hội nhóm bí mật, và đây cũng không phải là một điều kỳ quặc hay lạ lùng. Như một học giả người Anh đã nói: “Chúng ta nên sớm hiểu ra một điều rằng, những người có quyền lực và những người giàu có đang làm mọi việc vì lợi ích của chính họ. Đây được gọi là chủ nghĩa tư bản.”

Thế giới phương Tây mà chúng ta thấy ngày nay rõ ràng là một xã hội dân chủ, tự do và đa nguyên. Những kẻ đầu sỏ tài chính của quá khứ đã bị đẩy ra khỏi cung điện quyền lực bởi nền dân chủ thần thánh.

Các gia tộc quyền lực và siêu giàu dường như đã bốc hơi khỏi thế giới loài người, và không thể tìm thấy bất cứ dấu vết nào. Lịch sử liệu đã thay đổi? Chủ nghĩa tư bản không còn phục vụ một vài nhóm quyền lực nữa sao? Có phải các chủ ngân hàng quốc tế đã chủ động từ bỏ quyền lực tối cao, và trở về núi rừng để sống cuộc đời của những người bình thường?

Bản chất con người không bao giờ thay đổi. Dục vọng tham lam và kiểm soát chưa bao giờ thay đổi kể từ lúc nhân loại xuất hiện trên trái đất cho đến khi họ bước vào đời sống xã hội hiện đại. Ngay cả trong tương lai mà chúng ta có thể tưởng tượng đến, nó cũng sẽ không thay đổi, những gì được thay đổi chỉ là hình thức của lòng tham lam và sự kiểm soát. Từ chủ nghĩa tư bản thương mại đến chủ nghĩa tư bản công nghiệp, từ chủ nghĩa tư bản tài chính đến chủ nghĩa tư bản độc quyền, cho đến hình thức ngày nay được gọi là chủ nghĩa tư bản đa nguyên, sự cai trị của nhóm quyền lực thiểu số đối với toàn bộ xã hội chưa bao giờ thay đổi. Tuy nhiên thủ đoạn cai trị và hình thức của nó đã thay đổi rất nhiều. Các đầu sỏ tài chính trực tiếp, hữu hình, trần trụi ẩn sau hậu trường, thay vào đó là các hệ thống quỹ mới nổi khổng lồ, chúng đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng trong sức mạnh thống trị của thế giới phương Tây ngày nay, và người kiểm soát của vẫn là các gia tộc nắm giữ quyền lực tài chính khi xưa.

THÀNH LẬP CÁC QUỸ: BÍ KÍP CHE GIẤU CỦA CẢI

“Đại lộ vô hình”, “Những bí ẩn lớn nhất luôn ẩn giấu phía sau các triều đại”, người Trung Quốc từ lâu đã nhận thức được bí ẩn trong tâm trí con người. Những sự thật sâu sắc nhất thường được nhìn thấy ở khắp mọi nơi. Cảnh giới cao nhất của tất cả những kẻ cai trị là làm cho các đối thủ trở nên hữu hình và bản thân trở nên vô hình, như vậy họ có thể mãi mãi bất khả chiến bại.

Đầu thế kỷ XX, khi các ngân hàng tài chính quốc tế phát triển chủ nghĩa tư bản độc quyền tài chính lên đến trạng thái đỉnh điểm, gia tộc của họ sở hữu lượng tài sản rất khổng lồ và ảnh hưởng chính trị là rất lớn, nhưng tác dụng phụ cũng rất đáng lo ngại. Sức mạnh của các “đầu sỏ tài chính” càng lớn thì kẻ thù càng nhiều, sức phản kháng càng mạnh, sự bất mãn càng tăng và sự căm thù càng rõ ràng. Điều đáng sợ nhất là khi tất cả các lực lượng đối lập trong xã hội cùng chung tay, các đầu sỏ tài chính sẽ có nguy cơ bị rơi vào tình cảnh nguy hiểm, “vạn kiếp bất phục”.

Khi các chủ ngân hàng quốc tế cuối cùng đã thẩm thấu được sự thật này, dường như mọi người đã đồng ý và các gia tộc lớn đã biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng gần như đồng thời trong giai đoạn trước và sau Thế chiến I. Họ đưa ra một lời giải thích khiêm tốn và nhất quán rằng, thế hệ con cháu của gia tộc họ không còn quan tâm đến việc kiểm soát tài sản. Mỗi người đều theo đuổi lợi ích và sự nghiệp khác nhau, tài sản của gia tộc thường đem đi đầu tư. Với sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp mới nổi và công nghệ cao trong xã hội hiện đại, tài sản tích lũy theo truyền thống gia tộc bị thu hẹp rất nhiều. Vật đổi sao dời, thế giới hiện nay là một thế giới hoàn toàn khác, con người hiện tại cũng là những người hoàn toàn khác, các gia tộc cũ dần suy tàn, những gia tộc nhiều đời giàu có giờ đã rút lui khỏi vũ đài lịch sử, và ánh đèn sân khấu đã chuyển sang soi rọi vào “thế hệ ưu tú” tiếp theo.

Điều này có đúng không?

Trên thực tế, tài sản của các gia tộc giàu có lớn không hề bị thu hẹp, mà được giấu kín một cách hợp pháp và hợp lý. Những người siêu giàu chỉ biến thân một cách đẹp đẽ và giấu mình trước mắt công chúng. Sự kiểm soát và thống trị của cải thực sự chưa bao giờ rời khỏi bàn tay họ. Sự kiểm soát của họ đối với của cải lại càng được khuếch đại. Song, những bậc phú hào thời hiện đại từ lâu đã không có dấu vết, không có âm thanh, nhưng họ ở khắp mọi nơi và chiến lược thống trị của họ dần dần đạt đến cảnh giới “đại đạo vô hình”, chủ yếu dựa vào các những con rối đại diện, còn bản thân họ thì đứng sau hậu trường, kiểm soát hoạt động của xã hội.

Quy tắc trò chơi tài sản hoàn hảo và tân tiến này chính là hệ thống các quỹ khổng lồ hiện đang thao túng các hoạt động xã hội ở châu Âu và châu Mỹ.

Trong nửa đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản tài chính đã hoàn thành quá trình chuyển đổi sang chủ nghĩa tư bản độc quyền. Các tập đoàn thế lực tài chính đã thay đổi từ mô hình kiểm soát trực tiếp ngay tại tuyến đầu của chủ nghĩa tư bản công nghiệp sang phương thức đứng phía sau để thao túng và kiểm soát một cách gián tiếp. Trọng tâm trong kết cấu kinh doanh của các công ty mới nổi là: chia tách quyền sở hữu và quyền kiểm soát, huy động nguồn vốn cộng đồng trong xã hội. Mục đích của nó là sử dụng nguồn vốn tối thiểu thông qua hiệu ứng đòn bẩy để khống chế của cải trong xã hội theo quy mô cực lớn, khống chế những nguồn lực cốt cán trong mọi ngành nghề của xã hội ở mức độ rộng rãi nhất, hình thành nên cơ sở mô thức kim tự tháp của chủ nghĩa tư bản độc quyền. Nếu nhìn từ hình thức biểu hiện bên ngoài thì vẫn không để lộ thân phận thực sự của những người đang kiểm soát nó. Bề ngoài của công ty được điều hành bởi các nhà quản lý chuyên nghiệp, nhưng hội đồng quản trị và quyền kiểm soát vốn lại tập trung trong tay một số cực ít các gia tộc tài chính. Điểm cốt lõi của luật chơi nằm ở chỗ, hệ thống các quỹ khổng lồ và những tập đoàn đầu tư khác do các gia tộc tài chính kiểm soát, sẽ thông qua các cơ cấu bình phong để thực hiện quyền kiểm soát hội đồng quản trị và quyền kiểm soát vốn chủ sở hữu theo kiểu “hình tan nhưng hồn thì không tan”. Những cơ cấu bình phong là các tổ chức tài chính và công ty quản lý tài sản nổi tiếng (Street Names), vai trò của họ là đóng vai trò của một bức “tường lửa”, giúp cho các tổ chức và nhóm đầu tư dưới trướng các gia tộc tài chính tránh được sự chú ý của công chúng. Càng ở trong thời đại của chủ nghĩa tư bản đa nguyên, hiện tượng này càng phổ biến.

Nhưng để tham gia vào trò chơi mới này, các gia tộc giàu có trước tiên phải thực hiện một “sự hy sinh”. Cũng giống như câu nói của người Trung Quốc “Dục luyện thần công, dẫn đao tự cung”, nếu không chịu “buông” thì sao có thể “nhận”? Từ bỏ danh nghĩa để nhận được thực chất. “Bài học nhập môn” của bí kíp che giấu tài sản đó là quyên góp, và cơ sở lý luận của sự quyên góp là: từ bỏ quyền sở hữu, mở rộng quyền kiểm soát và qua đó che giấu tài sản một cách hợp pháp. Điều mà những gã tài phiệt này đánh mất chỉ là vị trí trong bảng xếp hạng những người giàu nhất thế giới gây được sự chú ý của giới truyền thông, và điều mà họ nhận được chính là sự tự do mát rượi phía sau cánh gà và quyền kiểm soát tài sản tăng thêm gấp bội.

Việc thành lập quỹ sẽ giúp các đại gia này tránh được việc phải nộp các khoản thuế mà họ căm hận nhất như thuế bất động sản, thuế thu nhập và thuế trao tặng (đôi khi mức thuế phải nộp lên tới 50%). Thậm chí tuyệt vời hơn ở chỗ, khi giá trị đầu tư của các quỹ gia tăng thì cũng không phải nộp thuế lợi vốn. Trong trường hợp miễn thuế hoàn toàn, tài sản của quỹ lại càng phát triển thần tốc như những quả bóng tuyết. Theo báo cáo của Quốc hội Hoa Kỳ, có tới tổng thu nhập hàng năm ở Hoa Kỳ được miễn thuế do sự tồn tại của quỹ. Tương ứng, áp lực của gánh nặng thuế quốc gia đang ngày càng đè nặng lên tầng lớp trung lưu – những người không bao giờ có khả năng thiết lập các quỹ của riêng mình. Nguồn tài sản từ các quỹ của giới siêu giàu tựa như những tế bào ung thư đang lây lan trên diện rộng. Họ không ngừng hút lấy chất dinh dưỡng từ các tế bào của cải của tầng lớp trung lưu, và sự phân phối của cải trong xã hội càng trở nên bất công hơn.

Theo thống kê, năm 1969, thu nhập ròng của 596 quỹ tại Hoa Kỳ đã vượt gấp đôi thu nhập ròng của 50 ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ. Kể từ khi thành lập quỹ đầu tiên vào năm 1790, số lượng các quỹ tại Hoa Kỳ ngày càng nhiều hơn:

• Trước 1900, 18 quỹ

• Từ 1910 đến 1919, 76 quỹ

• Từ 1920 đến 1929, 173 quỹ

• Từ 1930 đến 1939, 288 quỹ

• Từ 1940 đến 1949, 1.638 quỹ

• Từ 1950 đến 1959, 2.839 quỹ

• Năm 2002, lên tới 62.000 quỹ129

129 David Rivera, Final Warning: A History of the New World Order-Illuminism and the master plan for world domination, 1994.

Các quỹ này mỗi năm chỉ cần đóng góp 5% để thực hiện hoạt động từ thiện, và thủ đoạn kiếm tiền của các chủ ngân hàng quốc tế đâu chỉ để nhận được 5% tiền lãi. Hơn nữa, 5% khoản đầu tư từ thiện này cũng có thể được sử dụng để đạt được ảnh hưởng xã hội và kiểm soát nghiên cứu học thuật, qua đó giành được sự ủng hộ từ xã hội và thiên hướng chính sách pháp lý tốt hơn cho chính họ, và sau đó họ sẽ thu được lợi ích lớn hơn.

Ngày nay, những người giàu đã học được trò chơi tương tự. Tại sao phải lọt vào danh sách người giàu? Tại sao phải đặt toàn bộ của cải dưới tên mình mà không phải bằng tên của người khác, trong khi quyền kiểm soát thực chất vẫn là của mình? Mục đích chính của việc sở hữu của cải không phải để thỏa mãn sự phù phiếm, mà là để đạt được sự kiểm soát có thể mãi mãi trường tồn! Điều này khiến cho những người kiểm soát thực tế của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán cố gắng tránh bị lộ thân phận bằng cách nhờ người khác nắm giữ cổ phiếu. Sự khác biệt giữa Trung Quốc với Âu Mỹ là Trung Quốc không có một loại véc-tơ pháp luật “hợp pháp”, “duy trì mãi mãi”, “miễn thuế”, “được kế thừa”, “che giấu tài chính”, “phụ thuộc lẫn nhau” và “có thể dẫn xuất” để giúp giới tài phiệt che giấu tài sản của mình, để thực hiện quá trình thăng cấp trong chiến lược kiểm soát tài sản hết sức quan trọng. Đó là sự chuyển đổi giữa kiểm soát trực tiếp sang kiểm soát gián tiếp, chi phối một cách minh bạch sang chi phối một cách ẩn giấu.

NHỮNG KẺ MỘNG MƠ THƯỜNG NÓI: CÀNG TỪ BỎ, BẠN SẼ CÀNG CÓ NHIỀU

Những cuốn sách theo kiểu “súp gà dành cho tâm hồn” luôn coi câu chuyện của Rockefeller trong những năm cuối đời như một bài học kinh điển: Cuộc sống của Rockefeller chỉ xoay quanh vấn đề tiền bạc và ông làm mọi thứ để có thể tiết kiệm tiền. Ở tuổi 53, ông được chẩn đoán mắc bệnh nan y, vô phương cứu chữa. Với thu nhập ròng hàng năm lên tới hàng triệu đô-la, vậy mà ông chỉ có thể ngày ngày ăn loại bánh quy và sữa chua trị giá chưa tới 2 đô-la để duy trì sự sống. Sau khi tỉnh ngộ, ông quyên góp hầu hết tài sản của mình, thành lập các tổ chức nghiên cứu khoa học và các tổ chức từ thiện. Cuộc sống của ông như bước sang trang mới bừng bừng sức sống, nhờ vậy ông sống một cách vui vẻ đến năm 98 tuổi.

Thế là “súp gà dành cho tâm hồn” nói với tất cả mọi người: Càng từ bỏ, bạn sẽ càng có nhiều.

Thực ra điều này là cực kỳ chính xác, Rockefeller thực sự có được nhiều hơn thông qua sự quyên góp. Công cụ để đạt được “phép màu” này là các quỹ.

Trong sự nghiệp của mình, Rockefeller khét tiếng với việc luôn sử dụng những thủ đoạn tàn ác, không hề nhân nhượng, do đó danh tiếng bị vấy bẩn không ít. Ông đã từng là người bị công chúng Mỹ ghét nhất. Để thay đổi hoàn toàn hình ảnh của mình trong mắt công chúng, Rockefeller cũ đã chấp nhận lời khuyên của một vị cố vấn, thành lập một tổ chức từ thiện lớn.

Trên thực tế, hiệu quả và ý nghĩa mà Rockefeller nhắm đến trong nước cờ này hoàn toàn không chỉ để cải thiện hình ảnh trong mắt công chúng.

Rockefeller quyên góp một lượng lớn tài sản, nhưng tài sản “quyên góp” đó không hề chệch khỏi tầm kiểm soát của ông ta. Thông qua một loạt các hoạt động chiến lược như gây quỹ, Rockefeller còn đạt được sự kiểm soát lớn hơn và mạnh mẽ hơn đối với khối tài sản sau khi được “quyên góp”. Đây chính là “nguyên tắc quyên góp khoa học” của Rockefeller: càng quyên góp nhiều, bạn càng có nhiều quyền kiểm soát.

Quỹ Rockefeller130 đầu tiên được thành lập vào năm 1910. Đó là năm hầu hết các tiểu bang ở Hoa Kỳ đã thông qua việc sửa đổi điều luật thứ 16, trong đó áp dụng thuế thu nhập lũy tiến. Có thể nói Quỹ Rockefeller là loại quỹ theo dạng “kế hoạch trước thuế” thành công và hiệu quả nhất. Việc thành lập quỹ này giúp Rockefeller tránh các khoản thuế thu nhập lũy tiến ngay trước khi điều luật có hiệu lực. Trong cùng thời gian, Công ty Dầu mỏ Tiêu chuẩn (Standard Oil) nhận phán quyết chia tách của Thẩm phán tối cao Hoa Kỳ – Kenesaw Landis. Tập đoàn Rockefeller lập tức đối phó bằng việc thành lập bốn loại quỹ miễn thuế và quyên tặng phần lớn cổ phần của tập đoàn cho bốn quỹ này. Chẳng khác gì việc lấy tiền từ túi bên trái bỏ sang túi bên phải, nhưng chỉ cần thay hình đổi dạng là danh phận của số tiền này đã hoàn toàn khác rồi. Thế là các công ty dầu mỏ sau khi chia tách vẫn có thể nhận được số tiền họ cần, mà lại tránh được các khoản thuế thu nhập và tài sản. Trong chương trình của các quỹ, chỉ cần điền thêm tên các thế hệ sau của gia tộc vào đó là họ có thể tiếp tục “phục vụ” từ đời này qua đời khác cho các quỹ đó. Không những vậy họ còn nắm trong tay một phiếu phủ quyết rất quan trọng, vừa có công năng miễn thuế, vừa tạo ra hiệu quả gia tăng đáng kể giá trị tài sản. Bởi vì các quỹ có thể mua và bán nhiều loại tài sản khác nhau, bao gồm bất động sản và chứng khoán nhưng lại không phải công bố báo cáo tài chính, thế nên nó có thể đạt được một ảnh hưởng ngầm trên thị trường.

130 Ron Chernow, Titan: The Life of John D. Rockefeller, Sr. Warner Books, 1998, 563–566.

Quyên góp tiền cho các quỹ và tái đầu tư vào các công ty đa cấp trong các ngành nghề khác nhau. Khi quy mô đầu tư đã đủ, hội đồng quản trị của tất cả các đơn vị nhận tiền đầu tư bắt buộc phải do quỹ chỉ định và ủy phái. Do đó, mặc dù tiền không còn thuộc danh nghĩa của một gia tộc, nhưng quyền sử dụng và quyền quản lý thực tế vẫn nằm trong tay họ. Lưu ý rằng tại thời điểm này tiền đã được thay đổi trên danh nghĩa. Thông qua hình thức này, trước tiên, khoản thuế thu nhập cá nhân khổng lồ mà Rockefeller phải chịu đã biến mất. Thứ hai, nếu Rockefeller đem tiền cho “Rockefeller vừa”, “Rockefeller nhỏ” và “Rockefeller tí hon”, vậy thì ông cũng không cần phải nộp thuế quà tặng nữa. Tiếp theo là thuế thừa kế, đây gần như là công cụ duy nhất có thể hạn chế quyền thừa kế của những người giàu có. Loại thuế này cao nhất có thể lên tới 50% tại Hoa Kỳ, vì tiền không còn mang danh nghĩa của Rockefeller, thế nên thuế thừa kế cũng được miễn trừ hoàn toàn. Thông qua quyên góp, Rockefeller đã để lại tiền một cách hợp pháp và hợp lý cho chính mình và “Rockefeller vừa”, “Rockefeller nhỏ” và “Rockefeller tí hon”, và danh sách này có thể kéo dài thêm nữa nếu cần thiết.

Kể từ đó, Rockefeller đã đầu tư một nửa thu nhập hàng năm của mình vào quỹ, qua đó tránh được rất nhiều khoản thuế mà đáng lẽ ông ta phải nộp. Rockefeller tiết kiệm được thuế thu nhập, “Rockefeller vừa”, “Rockefeller nhỏ” và “Rockefeller tí hon” sẽ tránh được thuế thừa kế và thuế quà tặng. Tuyệt vời hơn nữa, đó là thu nhập được tạo ra từ các quỹ đầu tư này, cũng có thể né được khoản thuế lợi nhuận. Do lợi ích của việc miễn thuế, nên khối tài sản của các quỹ đã tăng vọt. Cái gọi là phi lợi nhuận (non-profit) thực chất là phi thuế (non-taxation) mà thôi.

Năm đó, Rockefeller đã quyên tặng hàng triệu cổ phiếu Công ty dầu Titanic mà ông sở hữu cho quỹ Do Good Foundation dưới quyền kiểm soát của Rockefeller. Chỉ đơn giản là ông chuyển cổ phần vào quỹ và dễ dàng hoàn thành sự “thăng hoa” của tài sản. Có rất nhiều tổ chức tương tự như Do Good Foundation với cấp bậc và quy mô khác nhau.

Quả thực, quỹ đã tài trợ cho lượng lớn các nghiên cứu khoa học, các dự án y tế và xóa đói giảm nghèo, nhưng những chi phí này chẳng thấm tháp vào đâu so với tiền thuế mà hệ thống quỹ này giúp các nhà tài phiệt né tránh. Thêm nữa, việc nguồn thu nhập từ các dự án đầu tư thông qua các quỹ này cũng được miễn thuế. Tập đoàn Rockefeller vừa là người kiểm soát tài sản, vừa được miễn thuế thu nhập từ đầu tư, những yếu tố đó khiến cho tốc độ tăng trưởng tài sản của nó càng nhanh.

Tờ Washington Post từng báo cáo rằng, nhờ sự dụng tâm chăm chút của hai thế hệ gia tộc, tuyệt đại đa số tài sản của Rockefeller đã được chuyển sang các quỹ ở các cấp độ khác nhau, cũng như những chi nhánh trực thuộc của chúng. Công ty kiểm soát từ trực tiếp sang gián tiếp, từ đó hình thành nên một hệ thống mạng lưới quỹ với quy mô khổng lồ. Báo cáo tài chính của mỗi “đơn vị” mắt xích trong mạng lưới quỹ này đều không bị thẩm tra, không cần phải công khai. Tất cả các cuộc điều tra liên quan đều bị từ chối một cách lịch sự và hợp pháp, do đó chúng hoàn toàn mất tăm mất tích trong “radar” của hệ thống quản lý giám sát và chế độ kiểm toán. Trên thực tế, đây chính là bí kíp ẩn giấu tài sản do gia tộc Rockefeller phát minh ra, và những nhà tài phiệt siêu cấp hiện nay không ai là không học theo. Trò chơi quyên góp tài sản của Gates và Buffett chỉ là sự tiếp nối theo phương pháp của gia tộc Rockefeller hồi đầu thế kỷ XX mà thôi.

Sau 6 - 7 thập kỷ hoạt động, gia tộc Rockefeller kiểm soát hàng trăm hoặc thậm chí hàng ngàn quỹ và chi nhánh trực thuộc, và không ai có thể loại bỏ được mạng lưới này. Tài sản được gia tộc Rockefeller tiết lộ cho công chúng là khoảng 1 - 2 tỷ đô-la. Tất nhiên đây chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Lượng tài sản thực sự của giới siêu giàu là hoàn toàn không thể đo đếm, kiểm chứng hay truy tìm được.

Đây là bí ẩn của việc từ bỏ càng nhiều, kiểm soát càng lớn.

GIA TỘC ROCKEFELLER GIỮA HỒI SUY BẠI

Các phương tiện truyền thông đại chúng đã truyền tải tới công chúng suốt nhiều năm qua rằng, tập đoàn Rockefeller hiện đã đến hồi suy bại, giờ họ đã rớt xuống tầng lớp trung lưu. Nếu quy kết sự suy tàn của gia tộc Rothschild châu Âu từ vị thế dẫn đầu trong bảng xếp hạng giàu có cho những cuộc chiến tranh liên miên ở châu Âu, gia tộc Rothschild phải chịu sự liên lụy bởi cục diện chung của thế giới, vậy thì làm sao chúng ta có thể giải thích hợp lý sự biến mất của cải của Rockefeller? Liên minh Rockefeller đã thống trị các ngành công nghiệp dầu mỏ, hóa chất và dược phẩm, điều hành các ngân hàng cốt lõi của Hoa Kỳ trong hơn 100 năm qua và quá trình phát triển kinh tế của Hoa Kỳ đã không bị gián đoạn bởi các cuộc chiến trước đó. Ngày nay, tổng tài sản của Rockefeller chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đô-la, chỉ có thể so sánh với những người giàu nhất ở Trung Quốc trong 20 năm qua ư?

Trước tiên hãy xem liệu các chủ ngân hàng quốc tế có thực sự đang trên đà suy bại hay không.

Trong những năm 1960 và 1970, khi Nielsen Rockefeller ra tranh cử tổng thống, Thượng viện Hoa Kỳ thường xuyên tổ chức các phiên điều trần về tình trạng tài sản của ông. Lần đầu tiên, Nielsen tuyên bố rằng tài sản cá nhân của ông vào khoảng 33 triệu đô-la. Sau một cuộc điều tra sơ bộ tại Thượng viện và nhiều lần chất vấn Nielsen, Nielsen đã thay đổi lời nói ban đầu và thừa nhận rằng tài sản cá nhân của ông là 218 triệu đô-la, gấp sáu lần so với con số ban đầu. Vào thời điểm này, đồng đô-la vẫn còn trong giai đoạn đỉnh cao. 1 đô-la tương ứng với 0,88 gram vàng, vậy suy ra tài sản cá nhân của ông tương đương với 191 tấn vàng. Giả sử tính theo giá vàng (900 đô-la/ounce), vậy thì hiện nay giá trị của số tiền này đã gấp tới 25 lần. Con số 218 triệu đô-la mà Nielsen thừa nhận với Thượng viện là một con số khá sửng sốt, nó vượt xa tổng tài sản cá nhân của 37 tổng thống hàng đầu của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, đại đa số khối tài sản cá nhân này đã được Rockefeller “quyên góp” cho các quỹ do ông ta lập ra, phần còn lại sau khi được phân phối cho 84 thành viên gia tộc thì cuối cùng Nielsen chỉ nhận một phần thôi.

Trong cuộc điều tra của Thượng viện về tài sản cá nhân của Nielsen, có một vấn đề mà ông ta đã phải đối mặt nhưng không thể giải thích một cách hợp lý. Đó là vào thập niên 70, Nielsen đã không trả một xu thuế thu nhập cá nhân trong suốt vài năm. Thực ra nguyên nhân rất đơn giản. Năm 1970, đội ngũ chuyên gia tư vấn tài chính và luật sư của Nielsen đã thực hiện một loạt “điều chỉnh và cân đối” các tài sản dưới danh nghĩa của ông ta. Hiệu quả trực tiếp là suốt mấy năm sau đó, Nielsen chẳng phải nộp một xu thuế nào. Có lẽ, điều mà các nhân viên tham gia khảo sát muốn làm nhất là lưu lại số điện thoại của bộ phận thuế vụ của Nielsen, để khi nào cần báo thuế họ sẽ gọi đến.

Thượng viện tiến hành điều tra tài sản của Nielsen. Ông ta luôn thao thao bất tuyệt rằng, nếu các vị nghi ngờ gia tộc chúng tôi đang nắm trong tay quyền lực kinh tế khổng lồ nào đó, câu trả lời của tôi là điều này không tồn tại. Chúng tôi chỉ đầu tư chứ không kiểm soát. Các thành viên gia tộc không hề có hứng thú với việc kiểm soát tài sản. Cho dù là thành viên gia đình hay đội ngũ quản lý tài sản, mục tiêu và kỳ vọng của tất cả mọi người chỉ là làm sao để đạt được lợi nhuận hợp lý.

Vậy, đội ngũ quản lý tài sản Rockefeller có quy mô ra sao?

Thủ quỹ tài sản của tập đoàn Rockefeller là Richardson Dilworth. Ông gia nhập tập đoàn Rockefeller năm 1958 và trở thành chuyên gia chính trong vấn đề quản lý tài sản của cả gia tộc. Trước khi gia nhập Tập đoàn Rockefeller, Richardson Dilworth là đối tác chính của công ty Kuhn Loeb. Đầu thế kỷ XX, vị trí của Kuhn Loeb tương đương với Goldman Sachs ngày nay, đó là ngân hàng đầu tư nổi tiếng nhất Phố Wall, đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống điều hành tài chính. Các đối tác chính của nó bao gồm Loeb, Kuhn, Warburg, gia tộc Schiff và các gia tộc tài chính Do Thái khác, đó toàn là những chủ ngân hàng đầu tư hàng đầu. Kuhn Loeb, tập đoàn Rockefeller và tập đoàn JP Morgan đều có mối quan hệ hợp tác hết sức sâu sắc với nhau.

Richardson Dilworth quản lý một khối tài sản khổng lồ, bao gồm khoảng 1.033 tỷ đô-la tài sản cá nhân dưới danh nghĩa 84 thành viên gia tộc Rockefeller. Những tài sản này chủ yếu được lưu trữ trong hai quỹ tín thác phức tạp do bởi John Rockefeller thành lập. Một cho các con vào năm 1934, và một cho các cháu vào năm 1952. Có hơn 200 quỹ dưới tên Rockefeller, và số lượng các quỹ tín thác được kiểm soát trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua nắm giữ cổ phần còn vượt xa con số này, với ước tính lên tới hàng ngàn. Tất cả các tổ chức và quỹ tín thác đều mang tính quốc tế. Hoạt động kinh doanh và tài chính của chúng đều luân chuyển tự do trên toàn cầu, rất hiếm khi bị giám sát quản lý. Điều này khiến cho việc xác minh rõ dòng vốn và số lượng thực sự của các quỹ là hoàn toàn bất khả thi. Hơn nữa, giống như các tập đoàn giàu có khác, tập đoàn Rockefeller không bao giờ để tên thật trong các dự án đầu tư của nó, mà chỉ mượn tên của các cơ cấu hoặc tổ chức đại diện, vì vậy chúng ta sẽ chỉ thấy những cái tên như Merrill Lynch hoặc Goldman Sachs mà thôi.

Các quỹ tín thác này hoạt động theo mô hình và tên của các tổ chức thương mại hiện đại. Các cấp độ và mối quan hệ giữa chúng rất phức tạp, tầng tầng lớp lớp và rất khó nắm bắt. Ở mỗi cấp độ chúng đều có một đội ngũ quản lý và luật sư hoạt động hết sức mạnh mẽ và hiệu quả. Trong số đó, e rằng chỉ có một vài luật sư cao cấp nắm rõ được con số và tình hình thực sự của tài sản. Theo nguyên tắc bảo vệ tài sản cá nhân và bảo mật thông tin, tình trạng tài chính chi tiết của các tổ chức đó không bao giờ được tiết lộ công khai, hoàn toàn không minh bạch. Xét từ thiết kế cấu trúc, dạng tổ chức như vậy có thể thiết lập các cơ cấu trực thuộc và chi nhánh mà không bị hạn chế. Trạng thái thực sự của tổ chức được ẩn giấu hoàn toàn và nghiêm ngặt.

Kết quả khảo sát tại Thượng viện không tiết lộ số lượng tài sản của từng thành viên trong gia tộc Rockefeller, chỉ có một số được công khai trước dư luận. Lý do đưa ra là sự riêng tư cá nhân cần được tôn trọng một cách đầy đủ. Các hồ sơ và văn kiện trong các cuộc họp tài chính của gia tộc Rockefeller đều không được tiết lộ. Có thể thấy việc bảo mật thông tin cá nhân đã ngay lập tức che khuất quyền được biết của công chúng.

Công chúng chỉ có thể tìm hiểu từ một vài thông tin được phép tiết lộ công khai, chẳng hạn như:

Một bất động sản của gia tộc Rockefeller ở New York, chỉ riêng giá trị đất đai đã lên tới hơn 50 triệu đô-la vào năm 1930.

Trong trang viên thuộc quyền sở hữu của con trai Nielsen, Steve, có một con đường riêng dài 70 dặm Anh (tức 100km), diện tích rộng hơn 4.000 mẫu Anh. Thông tin trước đó tiết lộ rằng khu đất này có diện tích 7.500 mẫu Anh. Năm 1929, có 75 tòa nhà và hơn 100 gia đình sống ở đó. Nhưng tài liệu nội bộ của gia tộc lại nói rằng trang viên này chỉ trị giá 4,5 triệu đô-la.

Đề cập đến “việc tu sửa” của trang viên, Rockefeller đã từng trả 700.000 đô-la cho Công ty Đường sắt Mỹ để yêu cầu họ tháo dỡ một phần của tuyến đường sắt đi ngang qua “lãnh thổ” của mình, và trả thêm 1,5 triệu đô-la coi như là “phí di dời” cho một trường đại học nằm trong trang viên.

Đây mới chỉ là một bất động sản của Rockefeller vào năm 1930. Ngoài ra, Rockefeller sở hữu một căn biệt thự có 32 phòng ở New York, một lâu đài ở Washington và một số trang viên ở Maine. Ở đây còn chưa liệt kê đến những bất động sản ở khu vực Trung Mỹ như đồn điền ở Venezuela, một số trang trại hoạt động ở Brazil…

Năm 1975, Nielsen đã mua 18.000 mẫu đất ở Texas, chỉ để lấy đó làm “địa điểm hoạt động ngoài trời”.

Tại sơn trang trên đồi Pocantico có hơn 500 nhân viên luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ, bao gồm người dọn dẹp, nhân viên bảo vệ, đầu bếp và người làm vườn. Ở thị trấn nghỉ mát Port Sil có một đội ngũ nhân viên phục vụ gồm 45 người, một căn biệt thự riêng ở Nelson thuê tới 15 người hầu. Theo thống kê chưa đầy đủ, gia tộc Rockefeller có hơn 2.500 người hầu. Mọi thành viên trong gia tộc Rockefeller đều thích đi du lịch, vì vậy tất cả các trang viên đều được giữ trong tình trạng hoàn hảo để có thể sử dụng bất cứ lúc nào.

Ngoài bất động sản, túi tiền không đáy của Rockefeller còn chứa toàn bộ cổ phiếu tập đoàn mà ông nắm giữ. Ví dụ, Exxon là tên thay đổi của Công ty Dầu mỏ Tiêu chuẩn New Jersey. Đây là một trong số những công ty con của Công ty Dầu mỏ Tiêu chuẩn sau khi bị phân tách. Cổ phiếu Exxon do tập đoàn Rockefeller trực tiếp nắm giữ trị giá 156 triệu đô-la (năm 1974). Con số này không bao gồm các cổ phiếu được gia tộc Rockefeller gián tiếp nắm giữ dưới dạng các cơ cấu và quỹ tín thác.

Trung tâm Rockefeller nổi tiếng có mức định giá được công bố là 98 triệu đô-la, nhưng đây là một con số vô lý. Thời báo Los Angeles, ngày 30 tháng 9 năm 1974, đăng một bài thảo luận về việc định giá chính xác Trung tâm Rockefeller. Kết luận của các chuyên gia khác nhau là “không thể ước tính được”. Thị trường tin rằng khối tài sản này trị giá 1 tỷ đô-la vào năm 1974.

Tính toán sơ qua lượng vốn đầu tư do tập đoàn Rockefeller vận hành vào năm 1975. Lượng cổ phiếu của Công ty Tiêu chuẩn California có giá trị 85 triệu đô-la, 72 triệu đô-la tại IBM và hơn 10 triệu đô-la cổ phiếu của các công ty: Chase Manhattan Bank, Mobil Oil, EaMac, General Electric, Texas Instruments, Minnesota Mining & Manufacturing, v.v...

Tập đoàn tài chính Rockefeller nắm giữ cổ phần lớn của 50 công ty quan trọng nhất tại Hoa Kỳ. Theo một thống kê chưa đầy đủ, tập đoàn Rockefeller có 154 nhân viên toàn thời gian quản lý các tài sản này, và dưới trướng của vị “thủ quỹ tài chính” Richardson Dilworth là 15 chuyên gia tài chính hàng đầu. Những nhân viên quản lý tài sản này cũng đóng vai trò là giám đốc và quản lý ở nhiều cơ cấu và quỹ tín thác thuộc nhiều cấp độ khác nhau, họ quản lý khối tài sản lên tới 70 tỷ đô-la. Một lần nữa, tôi xin nhắc để các bạn nhớ rằng: Đây là 70 tỷ đô-la vào năm 1974!

Gia tộc Rockefeller là như vậy, chẳng lẽ gia tộc Rothschild và các gia tộc ngân hàng quốc tế khác lại không như vậy?

Ngoài tài sản ra, gia tộc Rockefeller cũng đã thiết lập một liên minh chiến lược chặt chẽ với các gia tộc quyền lực nhất nước Mỹ thông qua những cuộc liên hôn, nhờ đó mở rộng hơn nữa tầm ảnh hưởng đối với xã hội. Theo thống kê chưa đầy đủ, gia tộc Rockefeller có mối quan hệ hôn nhân với một nửa trong số 60 gia tộc giàu nhất nước Mỹ. Trong số đó, những nhân vật cốt lõi bao gồm Stillman, Dodge, McAlpin, McCormick, Carnegie và Aldrich.

HIỆU ỨNG ĐÒN BẨY VÀ KIỂM SOÁT SỰ GIÀU CÓ

Trong số các công ty cổ phẩn đại chúng lớn nhất được tạp chí Fortune công bố năm 1974, Exxon đã thay thế General Motors trở thành công ty công nghiệp số một. Rockefeller nắm giữ lượng cổ phiếu dầu mỏ trị giá 324 triệu đô-la, đại diện cho khoảng 2% cổ phần của bốn công ty dầu mỏ lớn nhất. Theo thông tin được tiết lộ trong cuộc điều tra Quốc hội năm 1966, 9 quỹ của gia tộc Rockefeller đã nắm giữ tổng cộng khoảng 3% cổ phần của các công ty trực thuộc Công ty Dầu mỏ Tiêu chuẩn. Bằng cách này, gia tộc Rockefeller nắm giữ khoảng 5% cổ phần sở hữu của bốn công ty dầu khí lớn nhất. Cùng với số lượng lớn cổ phiếu của công ty dầu mỏ được nắm giữ bởi các quỹ tín thác, ngân hàng, công ty bảo hiểm và các quỹ đại học, gia tộc Rockefeller có quyền kiểm soát trực tiếp và tuyệt đối đối với ngành dầu khí Hoa Kỳ.

Trong ngành ngân hàng, các ngân hàng do gia tộc Rockefeller kiểm soát bao gồm: Ngân hàng Quốc gia Đệ nhất và Ngân hàng Chase Manhattan. Chase Manhattan là tổ chức ngân hàng lớn thứ ba trên thế giới. Ngôi vị thứ ba này xét theo quy mô, còn thực tế nó là ngân hàng có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Chase Manhattan là sự hợp nhất của Ngân hàng Chase và Ngân hàng Manhattan nổi tiếng do gia tộc tài chính Do Thái kiểm soát. Việc sáp nhập này mang lại thành công và lợi ích thương mại lớn cho cả hai đối tác. Sau đó, ngân hàng lại tiến hành sáp nhập và trở thành JP Morgan Chase ngày nay.

Đây vẫn chưa phải là toàn bộ tài sản của Rockefeller.

Thời báo New York đã đưa tin rằng phần lớn hoạt động thương mại của Ngân hàng Chase Manhattan thực hiện thông qua các tổ chức ở nước ngoài và không có trong các báo cáo công khai.

Theo tạp chí Time năm 1975, Chase Manhattan có 28 chi nhánh ở nước ngoài và hơn 50.000 ngân hàng trực thuộc trên toàn thế giới.

Giả sử một chi nhánh ngân hàng có giá trị tài sản là 10 triệu đô-la, vậy thì Chase Manhattan có khả năng chi phối tới 500 tỷ đô-la tài sản tiềm năng. Sở hữu khả năng chi phối và tầm ảnh hưởng với quy mô như vậy, họ hoàn toàn có thể trong nháy mắt gây ra những cú sốc lớn về tiền tệ, ngoại hối và vàng trên toàn cầu, tạo ra một trạng thái hoảng loạn trên thị trường để thu lợi từ nó. Đây là một hành động “cắt lông cừu”, “ngư ông đắc lợi” điển hình.

Tại phiên điều trần trong cuộc đua đến chức phó tổng thống, Nielsen tuyên bố rằng: Tôi không sở hữu bất kỳ cổ phiếu nào của Ngân hàng Chase Manhattan.

Xét về mặt kỹ thuật thì tuyên bố này thực sự hoàn hảo và chẳng ai có thể bắt bẻ, tên cá nhân ông không có trong danh sách cổ đông của Chase Manhattan. Tuy nhiên, gia tộc Rockefeller nắm giữ 623.000 cổ phiếu (tương đương 2,54%) cổ phần tại Ngân hàng Chase Manhattan, quỹ Rockefeller Brothers nắm giữ 148.000 cổ phiếu và Đại học Rockefeller nắm giữ 81.000 cổ phiếu. Gia tộc Rockefeller và các tổ chức liên quan thuộc sở hữu của Ngân hàng Chase Manhattan nắm quyền kiểm soát tương đương với 4% vốn chủ sở hữu.

Năm 1974, báo cáo thường niên của Ngân hàng Chase Manhattan đã tiết lộ tổng tài sản là 4,2 tỷ đô-la và thu nhập ròng hàng năm của gia tộc Rockefeller là 170 triệu đô-la.

Sự kiểm soát và quyền sở hữu công ty của các gia tộc tài phiệt là một bí mật được bảo vệ hết sức cẩn thận. Nếu phải tiết lộ các thông tin liên quan, họ sẽ đưa ra những cái tên làm bình phong. Đương nhiên, thông tin của các tổ chức bình phong này cũng rất mơ hồ và có sự khác biệt rất lớn với thực tế, chưa kể một số tổ chức hoàn toàn không có thực. Thông tin liên quan đến người giám sát không hề phản ánh danh tính của chủ sở hữu và người thụ hưởng thực sự.

Ngoài Chase Manhattan Bank, tập đoàn Rockwell cũng kiểm soát ngân hàng lớn nhất New York – Ngân hàng National City. Chủ tịch của ngân hàng – Stiegman là đối tác kinh doanh của William Rockefeller và là một trong những người quản lý của Công ty Standard Oil Trust. Hai cô con gái của ông đã kết hôn với hai con trai của William Rockefeller. Bản thân Stiegman cũng liên hôn với gia tộc Carnegie giàu có. Một mối quan hệ “thân càng thêm thân” như vậy đã giúp cho thế lực của gia tộc Rockefeller càng trở nên khổng lồ.

Ngân hàng thứ ba dưới trướng Tập đoàn Rockefeller – Ngân hàng Chemical do gia tộc Hakennesse quản lý. Edward Hakennesse là đối tác kinh doanh lâu năm của Rockefeller và là một trong những người quản lý Standard Oil Trust. Năm 1939, Edward Hakennesse là cổ đông lớn thứ hai của Standard Oil, chỉ đứng sau Rockefeller.

Ngoài hệ thống ngân hàng ra, tập đoàn Rockefeller còn gia tăng thêm quyền kiểm soát thực tế đối với các doanh nghiệp thông qua hệ thống công ty bảo hiểm. Như chúng ta đã biết, các ngân hàng thương mại là kênh chính để phát hành tín dụng ngắn hạn cho các doanh nghiệp, trong khi các công ty bảo hiểm thì cung cấp tín dụng dài hạn. Bằng cách làm chủ song song cả hệ thống ngân hàng thương mại lẫn công ty bảo hiểm, điều đó tương đương với việc sử dụng hai sợi dây để buộc chặt nguồn vốn của các doanh nghiệp vào tay mình.

Do đó, khả năng kiểm soát tổng thể của tập đoàn Rockefeller đối với các doanh nghiệp đã tăng lên đáng kể.

Tập đoàn tài chính Rockefeller và ba công ty bảo hiểm lớn của Hoa Kỳ (Bảo hiểm Metropolitan, Bảo hiểm nhân thọ Metropolitan và Bảo hiểm nhân thọ New York) hình thành nên một mối quan hệ đan xen giữa các thành viên hội đồng quản trị. Ước tính, tập đoàn Rockefeller kiểm soát 25% tài sản của 50 ngân hàng thương mại hàng đầu tại Hoa Kỳ và 30% tài sản của 50 công ty bảo hiểm hàng đầu.

Thông qua những đòn bẩy này, sự kiểm soát của Tập đoàn Rockefeller với nền kinh tế và của cải trong xã hội đã được khuếch đại một cách vô hình vô ảnh, hoàn toàn bí mật.

Năm 1974, theo báo cáo của Ủy ban Ngân hàng của Thượng viện, Tập đoàn Rockefeller nắm quyền kiểm soát 5% đối với một số lượng lớn các công ty niêm yết công khai. Trên thực tế, sự kiểm soát của Tập đoàn Rockefeller với các ngân hàng và công ty gia tăng đáng kể, bao gồm 5% quyền cổ phần trực tiếp, cộng 2% quyền cổ phần khác, cộng thêm quyền cổ phần của các cấp quản lý... Các công ty như vậy bao gồm: Exxon Mobil Oil, California Standard Oil, Indiana Standard Oil, v.v...

Ngoài ba ngân hàng lớn và ba công ty bảo hiểm lớn, tập đoàn Rockefeller cũng kiểm soát những bộ phận ủy thác của ngân hàng để đạt được sự kiểm soát cao độ hơn nữa đối với các doanh nghiệp. Bộ phận ủy thác ngân hàng đóng một vai trò quan trọng trong quyền sở hữu và quyền bỏ phiếu. Nhiều nhà đầu tư lớn sẽ lưu ký cổ phiếu của mình cho bộ phận ủy thác của ngân hàng, đồng thời họ cũng ủy thác cả các quyền biểu quyết tương ứng cho bộ phận ủy thác của ngân hàng, nghĩa là cho phép bộ phận ủy thác của ngân hàng làm đại diện để thực hiện quyền ra quyết định của họ đối với doanh nghiệp.

Có một câu nói phổ biến: Bất kỳ công ty nào cũng phải sợ bộ phận ủy thác của ngân hàng. Phần lớn Quyền quyết định khổng lồ và hết sức hệ trọng đều nằm trong tay bộ phận ủy thác của ngân hàng. Năm 1967, tập đoàn Rockefeller có 35 tỷ đô-la tài sản ủy thác ngân hàng, chiếm 14% tổng tài sản ủy thác tại Hoa Kỳ.

Thông qua các cổ phần trực tiếp và gián tiếp ở trên, Tập đoàn Rockefeller có quyền kiểm soát mạnh mẽ và hiệu quả đối với các công ty trong tất cả các ngành công nghiệp.

Công ty quản lý đầu tư tín thác Datong là cổ đông đơn lẻ nắm nhiều cổ phiếu nhất của 21 công ty quan trọng nhất tại Hoa Kỳ. Các công ty dưới sự kiểm soát trực tiếp của Tập đoàn tài chính Rockefeller bao gồm: United Airlines, Northwest Airlines, Long Island Power, National Steel, National Airlines và 16 công ty lớn khác.

Các công ty đã được sáp nhập vào lãnh thổ của cường quốc Rockefeller thông qua quá trình thắt chặt quyền kiểm soát gồm: IBM, AT&T, Central Rail, Delta Air Lines, Motorola, Safeway, HP, v.v...

Các công ty chịu sự kiểm soát thông qua ảnh hưởng của tín dụng ngân hàng và sự liên kết giữa các thành viên trong hội đồng quản trị bao gồm: DuPont, Shell, v.v...

Tập đoàn Rockefeller kiểm soát 37/100 công ty công nghiệp hàng đầu Hoa Kỳ, 9/20 công ty vận tải lớn nhất, tất cả các công ty cung cấp điện, nước và khí đốt lớn nhất, 3/4 công ty bảo hiểm hàng đầu, và vô số các công ty đầu tư, cho vay và bán lẻ vừa và nhỏ.

Sự kiểm soát bao phủ nền kinh tế như vậy chắc chắn sẽ tạo ra ảnh hưởng chính trị tương ứng. Giữa các tập đoàn tài chính siêu cấp và chính phủ, giờ đã rất khó để phân biệt rõ ai là người nắm quyền quyết định chủ đạo. Hai bên đã hợp nhất thành một.

Washington Post chỉ ra rằng một khi Nielsen được bầu làm phó tổng thống, gần như mỗi khi xử lý một nghị quyết kinh tế công nào đó, ông sẽ phải cân nhắc đến những lợi ích liên quan đến tập đoàn Rockefeller, do đó sẽ tạo ra các xung đột lợi ích rõ ràng.

Ngoài ra, sự quản lý và kiểm soát lẫn nhau cũng được thực hiện giữa các quỹ tín thác chính, chẳng hạn như Quỹ Rockefeller, Quỹ Ford và Quỹ Carnegie. Quỹ Carnegie là một phần quan trọng của Quỹ Rockefeller. Các nhà điều hành chính của nó là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ do Quỹ Rockefeller kiểm soát. Hai trong số sáu thành viên chính của Ủy ban Quản lý Tài chính là thành viên hội đồng quản trị của cơ cấu tài chính thuộc tập đoàn Rockefeller. Chủ tịch của Quỹ Ford từ năm 1953 đến năm 1965 là chủ tịch của Ngân hàng Manhattan. Người kế nhiệm ông cũng là giám đốc của Ngân hàng Manhattan và từng là chủ tịch của Ngân hàng Thế giới. Nhiều người đứng đầu và điều hành Quỹ Ford là thành viên của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ.

CUỘC ĐIỀU TRA CỦA QUỐC HỘI

Việc gia tộc Rockefeller có sự kiểm soát tài sản mạnh mẽ và ảnh hưởng chính trị tất nhiên đã thu hút sự chú ý của Quốc hội Hoa Kỳ.

Năm 1950, dân biểu Patman đã mở một cuộc điều tra về tài sản của quỹ, nhằm điều tra xem quỹ có sử dụng nhiều danh mục tài sản khác nhau để thao túng thị trường một cách trá hình hay không. Các kết luận của cuộc điều tra này được viết theo cách sau: “Đời sống kinh tế của cả nước chúng ta đan xen với các hoạt động thương mại của một số lượng lớn các quỹ tín thác. Nếu không lập tức triển khai các biện pháp tương ứng để đối phó thì mọi khía cạnh của cuộc sống Mỹ sẽ nằm dưới sự kiểm soát của các quỹ tín thác này.”

Bản báo cáo này sau khi được đệ trình chẳng khác gì ném bùn xuống biển, không hề có văn bản phúc đáp, cũng chẳng có biện pháp thực sự nào được thực hiện, và cuối cùng nó đã chết từ trong trứng nước.

Năm 1952, nghị sĩ Edward Cox đã lãnh đạo cuộc điều tra thứ hai của Quốc hội Hoa Kỳ về các quỹ được miễn thuế, cố gắng tìm hiểu kỹ xem liệu các quỹ đó có sử dụng nguồn lực của họ để vi phạm lợi ích và truyền thống quốc gia Hoa Kỳ hay không. Từ khi bắt đầu cuộc điều tra, Tập đoàn Rockefeller tận dụng thế lực lâu đời của Đảng Dân chủ, tìm trăm phương ngàn kế để chấm dứt cuộc điều tra. Đầu tiên là, họ đặt ra thời hạn vỏn vẹn 6 tháng cho một cuộc điều tra quy mô lớn vốn phải mất vài năm để hoàn thành.131

131 David Rivera, Final Warning: A History of the New World Order–Illuminism and the master plan for world domination, 1994.

Sau vài tháng liên tục gặp trắc trở và đối mặt với trùng trùng khó khăn, cuối cùng ông Cox đã không thể vượt qua những trở ngại của đối thủ. Trong quá trình điều tra, do mệt mỏi sinh bệnh nên cuối cùng ông đã lao lực mà chết.

Một thời gian sau, dân biểu Carroll Reece đã đệ trình một cuộc điều tra lần thứ ba, với ý định tiếp tục tiến hành và duy trì cuộc điều tra. Động thái này ngay lập tức đã gây ra một cuộc phản công dữ dội từ Tập đoàn Rockefeller. Mọi người đều biết rằng nếu kết luận của cuộc điều tra phơi bày bản chất hoạt động của các quỹ, hệ thống quỹ sẽ phải đối mặt với làn sóng nghi ngờ và phản đối mạnh mẽ, và rất có khả năng nó sẽ bị chấm dứt.

Tờ Washington Post, vốn có mối liên quan mật thiết với Rockefeller, ngay lập tức nhảy ra và cáo buộc cuộc điều tra là hoàn toàn ngu ngốc, vô dụng và lãng phí nguồn lực công cộng với giọng điệu nghiêm khắc hiếm có.132

132 Gary Allen, The Rockefeller File, Buccaneer Books Inc, 1976, 43.

Các phương tiện truyền thông chính thống không chịu kém cạnh, họ cũng dồn sức tấn công Reece và cuộc điều tra này. Họ đã gắn mác “thuyết âm mưu” và cố gắng hết sức để làm ô uế, tấn công và chế giễu Reece, mô tả Reece là “người theo chủ nghĩa McCarthy”.

Cuộc điều tra tiến hành trong trạng thái gần như bị vây đánh một cách toàn diện.

Cùng với những khó khăn khủng khiếp mà cuộc điều tra đang phải đối mặt, Reece phát hiện ra rằng trong số năm thành viên của ủy ban điều tra, ngoại trừ chính ông, bốn người còn lại đều là người đại diện của Rockefeller. Trong số các thành viên này, sự phản đối, cản trở và đối kháng của nghị sĩ Wayne Hayes là gay gắt nhất. Hayes thường xuyên đến một khách sạn ở Washington để ăn trưa định kỳ mỗi tuần. Trong khoảng thời gian này, ông ta đã gặp gỡ với đại diện của một số quỹ lớn, âm thầm bàn bạc đối sách.

Tại phiên điều tra, Hayes đã thể hiện khả năng ngắt lời người khác uyên thâm của mình. Trong phiên điều trần kéo dài 185 phút, Hayes ngắt lời 264 lần. Ông cũng từ chối tuân theo quy chế điều trần, liên tục công kích, phỉ báng và hạ thấp lời khai của nhân chứng, không ngừng quấy nhiễu họ. Cuối cùng phiên tòa bị đình chỉ.

Hayes cũng tiết lộ rằng Nhà Trắng đã liên lạc với ông để thảo luận xem làm thế nào để chấm dứt cuộc điều tra của ủy ban.

Trong cơn tuyệt vọng, ủy ban của Reece chỉ có thể dần dần thu hẹp phạm vi điều tra và cuối cùng tập trung vào ba quỹ tín thác lớn nhất. Tuy nhiên, do những áp lực và sự cản trở ngày càng mạnh mẽ, cũng như những hạn chế về thời gian, tiền bạc, nhân sự, v.v... Cuối cùng ủy ban này đã phải giải tán.

Ngày 19 tháng 8 năm 1954, Reece đã tổng kết cuộc điều tra như sau: “Các mạng lưới quỹ tín thác chính là quyền lực thứ hai, chỉ đứng sau chính phủ liên bang... Có lẽ Quốc hội nên thừa nhận rằng, các cơ cấu quỹ đang ngày càng có quyền lực hơn ở một số lĩnh vực, chí ít là ở cơ quan lập pháp.”133

133 David Rivera, Final Warning: A History of the New World Order–Illuminism and the master plan for world domination, 1994.

Kể từ đó, sự kháng cự có tổ chức của chính phủ và Quốc hội đối với quỹ không còn xuất hiện thêm nữa.

TỔ CHỨC, TẦNG LỚP TINH ANH VÀ CHÍNH PHỦ

Cảnh giới cao nhất của chủ nghĩa tư bản độc quyền là đàn áp đối thủ và loại bỏ cạnh tranh. Để đạt được điều này, hợp tác với chính phủ là điều cần thiết. Để đạt được sự kiểm soát theo nghĩa rộng hơn đối với công nghiệp, thương mại, vốn, công nghệ, nhân lực và tài nguyên thì bắt buộc phải có được sự phối hợp và đồng hành của chính phủ, cho đến khi cái gọi là “chính phủ thế giới” được thực hiện.

Sự tác động của các chủ ngân hàng quốc tế đối với chính trị và chính phủ chủ yếu thông qua việc thành lập và tài trợ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ. Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ đã nằm dưới sự kiểm soát của quỹ Rockefeller kể từ khi thành lập.

Bất kỳ ai có tầm ảnh hưởng lớn trong xã hội Mỹ, có ảnh hưởng đến các quyết định chính trị của Chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt là chính sách đối ngoại thì hầu như đều trở thành đối tượng chiêu mộ của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ.

Kể từ thời Tổng thống Roosevelt, đại đa số các Tổng thống Mỹ kế tiếp cũng là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Tổng thống được luân chuyển theo nhiệm kỳ, các quan chức chính phủ cũng có thể thay đổi, nhưng những lãnh chúa tài chính đứng đằng sau tổng thống, các tập đoàn thế lực đằng sau chính phủ và quyền lực tài chính đằng sau chế độ tam quyền này sẽ không bao giờ thay đổi.

Ảnh hưởng của gia tộc Rockefeller đối với Nhà Trắng bắt đầu hiển hiện trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1894 của McKinley, tiếp tục đến thời kỳ Roosevelt, và ảnh hưởng của Rockefeller dần đóng vai trò quyết định. Chính sách Kinh tế mới của Roosevelt thực chất là Chính sách Kinh tế mới của Rockefeller.134 Sau khi lên nắm quyền, đại đa số các quyết định mà Chính sách Kinh tế mới đưa ra đều phản ánh trực tiếp lợi ích thương mại của Tập đoàn Rockefeller. Một nhân tố quan trọng mà Rockefeller sắp xếp bên cạnh Roosevelt là Harry Hopkins. Hopkins quản lý một cơ cấu dịch vụ xã hội đã được quỹ Rockefeller tài trợ trong suốt 10 năm. Hopkins như một bản sao của Franklin Roosevelt, mối quan hệ giữa họ giống như Đại tá House và Tổng thống Wilson. Quyền lực thực sự của Hopkins trong Thế chiến II chỉ đứng sau Tổng thống Roosevelt, và ông ta cũng là nhân vật quyền lực thứ hai ở Washington. Hopkins từng thừa nhận rằng Rockefeller đã tích cực nâng đỡ mình, và ông ta nợ ân tình của Rockefeller rất nhiều.

134 Antony C. Sutton, Wall Street and FDR, Arlington House Publishers, 1975

Mối quan hệ giữa Nelson Rockefeller và Roosevelt rất sâu sắc. Trong nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, Nelson Rockefeller là một nhà điều hành quan trọng của Chính sách Kinh tế mới Roosevelt.135 Thời báo New York đã đăng tải bài viết vào ngày 20 tháng 5 năm 1960, nói rằng Rockefeller là một người bạn rất thân của Roosevelt. Trong dịp nghỉ họ thường đến Shangri-La, tức khu nghỉ dưỡng Camp David ngày nay.

135 Gary Allen, The Rockefeller File, Buccaneer Books Inc, 1976, 156.

Quốc vụ khanh đầu tiên của Eisenhower, Dulles, là em họ của Rockefeller; Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai, Chris, là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ kiêm Giám đốc Công ty Dầu mỏ Tiêu chuẩn. Tổng công tố viên Eisenhower là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và cũng là nhân viên của Rockefeller. Sau khi nhậm chức, Eisenhower đã lựa chọn hàng trăm thẩm phán và luật sư của tòa án liên bang và địa phương, cũng như các quan chức chính phủ cao cấp. Toàn bộ 17 quan chức chủ chốt trong chính quyền Eisenhower đều là thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Bản thân Tổng thống Kennedy cũng là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, và Bộ trưởng Ngoại giao của ông, Dean Rusk, là người đại diện được chính tay Rockefeller sắp xếp. Trước khi bổ nhiệm vị Bộ trưởng Ngoại giao này, Kennedy còn chưa từng gặp ông ta lần nào. Tình trạng này không phải là hiếm. Khi ra quyết định bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao và Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang thì Reagan, Carter và các tổng thống khác đều chưa từng gặp mặt những người này. Khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Ngoại giao, Rusk cũng đang có chức danh chính thức trong quỹ Rockefeller. Trên thực tế, ông đã “xin nghỉ phép” để nhậm chức Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Hoa Kỳ. Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao của Kennedy cũng là thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là người quản trị kiêm thành viên hội đồng quản trị của quỹ Rockefeller Brothers. Trợ lý Bộ trưởng Thương mại – Alexander Trowbridge là thành viên Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và quản lý Công ty Dầu mỏ Tiêu chuẩn. Trong thời gian cầm quyền, Kennedy đề bạt ông ta lên làm Bộ trưởng Bộ Thương mại, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được bổ nhiệm trong thời gian đó cũng là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Tổng chưởng lý thời Tổng thống Nixon là luật sư riêng của Rockefeller. Ông ta là điều phối viên và cố vấn quốc gia cho cuộc tranh cử của Nixon.

Spiro Agnew – Phó Tổng thống thứ nhất của Nixon, là Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Rockefeller trong cuộc tổng tuyển cử năm 1968. Ông đã phản đối Nixon trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử và sau đó được sắp xếp ở cạnh Nixon trong vai trò cố vấn chính phủ. Cố vấn chính của Nixon là Kissinger, và Kissinger là cố vấn chính sách đối ngoại cá nhân của Nielsen Rockefeller trong suốt 10 năm.

Kissinger di cư từ Đức đến Hoa Kỳ vào năm 1956. Trong vòng chưa đầy 20 năm, từ một Giáo sư vô danh của Đại học Harvard, ông đã trở thành một nhân vật nòng cốt trong chính giới Mỹ.

Chính vì phía sau lưng ông luôn có sự hỗ trợ hết sức mạnh mẽ của Rockefeller. Kissinger và Nixon có sự khác biệt trong ý tưởng của nhiều cương lĩnh chính trị. Trước khi Nixon bổ nhiệm Kissinger làm trợ lý an ninh quốc gia, hai người chỉ gặp gỡ có một lần và Nixon không có cảm tình với Kissinger. Nhưng Kissinger là người được chính Rockefeller chỉ mặt đặt tên, thế nên Nixon đành phải “tuân chỉ” và thực hiện quy trình bổ nhiệm.

115 quan chức ở tất cả các cấp trong chính phủ Nixon đều là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, và hầu hết trong số họ vẫn nắm giữ vị trí cao trong chính quyền Ford. Trong thời gian chính quyền Cộng hòa chấp chính, Nelson Rockefeller đã sắp xếp nhiều nhân vật quan trọng vào các vị trí quan trọng trong các ủy ban chính sách của Hạ viện và Thượng viện.

Liên quan đến tầm ảnh hưởng của gia tộc Rockefeller đối với Nhà Trắng, ước tính vào năm 1975, hơn 5.000 quan chức ở các vị trí cấp cao trong chính phủ liên bang là ứng viên do tập đoàn thế lực Rockefeller sắp đặt.

Gia tộc Rockefeller có những lợi ích rất hệ trọng trong các vấn đề quốc tế, đặc biệt là đối ngoại. Do đó, các đời nhiệm kỳ của chính phủ đều phải đảm bảo hai vị trí chủ chốt – Ngoại trưởng và người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương là người của tập đoàn Rockefeller. CIA được dẫn dắt bởi người em họ của Rockefeller, Alan Dulles, ông là giám đốc đầu tiên và nắm quyền triển khai toàn bộ đội ngũ. Xét từ khía cạnh nhân sự, gần như nó chính là một phòng chấp pháp hải ngoại của Công ty Dầu mỏ Tiêu chuẩn. Một người em họ khác của Rockefeller, John Foster Dulles, là Ngoại trưởng của chính quyền Eisenhower. Tập đoàn Rockefeller và chính phủ Hoa Kỳ đã thực sự đạt tới cảnh giới “như những người thân trong gia đình”, không phân biệt anh - tôi.

Rockefeller từng nói: “Quốc hội Washington chính là trợ thủ lớn nhất của chúng tôi, rất nhiều đại sứ và bộ trưởng đã giúp chúng tôi mở ra thị trường mới ở những góc khuất xa xôi nhất trên thế giới.” Chính phủ Hoa Kỳ luôn phục vụ lợi ích của tập đoàn Rockefeller và thúc đẩy việc thực thi chính sách của họ ở tất cả các cấp. Phóng viên Jack của Washington Post đã viết, xét từ một khía cạnh nhất định, các quyết định chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ luôn xoay quanh lợi ích của các công ty dầu mỏ. Khi một công ty dầu mỏ không thể có được một khoản lãi ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ đứng ra để giúp đỡ giải quyết. Ở nhiều quốc gia, chức năng của Đại sứ quán Hoa Kỳ tương đương với văn phòng ở nước ngoài của một công ty dầu khí. Trong mọi chính sách công mà Quốc hội tiến hành, phía sau chúng đều ẩn hiện bóng dáng của 7 công ty dầu khí lớn nhất này.

Rockefeller cũng giữ vững vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính để đảm bảo Bộ Tài chính hoạt động như một chi nhánh của JP Morgan Chase.

Robert Anderson, Bộ trưởng Bộ Tài chính của Tổng thống Eisenhower, là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Douglas Dillon, Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền Kennedy là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, người ủy thác của quỹ Rockefeller Brothers.

Henry Fowler, Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền Johnson, là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

William Simon, Bộ trưởng Tài chính trong chính quyền Ford, là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Nhưng trong những năm gần đây, quyền lực này đang dần bị các ngân hàng đầu tư trên Phố Wall tước mất.

HỆ THỐNG QUỸ VÀ HỆ THỐNG GIÁO DỤC

Năm 1890, Andrew Carnegie đã xuất bản 11 bài báo của mình trong một cuốn sách có tên là Phúc âm về của cải. Trong cuốn sách của mình, ông cho rằng hệ thống thị trường tự do đã chấm dứt khi đối mặt với thế hệ khổng lồ của ngành công nghiệp và tài chính. Họ không chỉ có sự giàu có tuyệt đối mà còn kiểm soát cả chính phủ. Nhưng ông lo ngại rằng khi thế hệ tiếp theo bước vào giai đoạn trưởng thành, họ sẽ ý thức được sự nghiêm trọng của vấn đề và đấu tranh chống lại chính hệ thống đang mang lại lợi ích cho họ. Kết luận của ông là hệ thống giáo dục phải được kiểm soát.

Các gia tộc lớn nhận ra sự phân tán mang tính khu vực của hệ thống giáo dục Mỹ, thế nên họ cho rằng rất khó để tiến hành “thu nạp” một cách lần lượt được. Vì vậy, giới siêu giàu vẫn áp dụng chiến lược “kẻ nào nắm được kênh thì kẻ đó sẽ làm vua”. Họ tập trung đầu tư cho các hiệp hội giáo viên và xuất bản giáo khoa, chỉ cần kiểm soát được giáo viên và nội dung giáo dục là họ có thể khống chế được hệ thống giáo dục một cách hiệu quả. Vì vậy, Quỹ Rockefeller đã đầu tư rất nhiều vào Hiệp hội Giáo viên – một tổ chức giữ vai trò rất quan trọng trong ngành giáo dục Hoa Kỳ.

Rockefeller từng nói chúng tôi có nguồn lực vô hạn để khiến mọi người tuân theo, và các phương pháp giáo dục hiện tại đã lỗi thời.

Quỹ Rockefeller và Quỹ Carnegie cũng đang tài trợ và phân phối sách giáo khoa trên quy mô lớn, trên thực tế điều này sẽ mang lại cho họ tầm ảnh hưởng gián tiếp đến hệ thống giáo dục. Khi một thế hệ, hai thế hệ và nhiều thế hệ lớn lên dưới ảnh hưởng của cùng một khái niệm ý thức hệ, suy nghĩ của mọi người sẽ dần dần tập hợp theo một hướng. Quỹ Rockefeller và Quỹ Carnegie đã tài trợ một cách toàn diện cho ngành xuất bản sách giáo khoa ở tất cả các cấp học và cơ sở giáo dục trên khắp Hoa Kỳ kể từ những năm 1920 và 1930.

Ngoài ra, một trọng tâm khác là kiểm soát hệ thống giáo dục cấp cao. Hai phần ba ngân sách dành cho giáo dục của Quỹ Rockefeller và Quỹ Carnegie được đầu tư vào lĩnh vực giáo dục đại học. Trong những năm 1930, 20% tổng số tiền tài trợ mà các trường đại học Hoa Kỳ nhận được đều đến từ Quỹ Rockefeller và Quỹ Carnegie. Họ thực sự hoạt động như là một phần của Bộ Giáo dục Hoa Kỳ. Tác động của hai quỹ này đối với giáo dục đại học Mỹ là hết sức hiệu quả.

Trong báo cáo năm 1934, Hiệp hội Giáo viên Hoa Kỳ - được kiểm soát bởi Quỹ Rockefeller và Quỹ Carnegie, đã báo cáo rằng mô hình thị trường tự do vốn đang ngắc ngoải chắc chắn sẽ bị sụp đổ hoàn toàn, và mọi người phải tuân theo sự kiểm soát lớn hơn từ xã hội.

Quan điểm này hoàn toàn ủng hộ triết lý của Rockefeller. Rockefeller đề xuất rằng “cạnh tranh là một tội lỗi” và cần được loại bỏ. Cốt lõi của khái niệm này là nhằm mục đích kìm hãm và loại bỏ các đối thủ cạnh tranh, đạt được sự độc quyền và giành được sự kiểm soát lớn hơn đối với xã hội.

ĐỊNH HÌNH Ý KIẾN DƯ LUẬN

Ảnh hưởng đối với chính trị và ý kiến dư luận không thể tách rời khỏi sự kiểm soát của giới truyền thông.

Ảnh hưởng của Tập đoàn Rockefeller trên các phương tiện truyền thông cũng theo nguyên tắc “kẻ nào nắm được kênh dẫn thì kẻ đó sẽ làm vua”. Liên minh Rockefeller thâu tóm 3 cơ quan thông tấn lớn để kiểm soát nguồn tin tức, và thông qua đó cung cấp thông tin chính thống cho các phương tiện truyền thông địa phương. Nội dung và ý tưởng biên tập của truyền thông địa phương nhất nhất đi theo 3 cơ quan thông tấn hàng đầu này. Ngoài ra, họ còn kết hợp các loại sách, báo, tạp chí và in ấn vào phạm vi quản lý của mình.

Ngoài nguyên tắc cốt lõi “kẻ nào nắm được kênh thì kẻ đó sẽ làm vua”, các phương tiện truyền thông cũng cần phải chịu sự kiểm soát cấp cao. Theo nguyên tắc “đánh rắn phải đánh dập đầu”, Rockefeller quyết định nắm lấy Thời báo New York - “ngọn hải đăng chỉ đường” của các phương tiện truyền thông khác. Lập trường trong các bài xã luận trên tờ New York Times sẽ là chuẩn mực cho góc nhìn và thái độ của các phương tiện truyền thông chính thống, và các báo cáo của họ luôn được điều chỉnh một cách kịp thời và nhất quán với Thời báo New York.

Rockefeller cũng rất coi trọng Washington Post. Washington Post được phát hành tại thủ đô, là tờ báo mà mọi chính trị gia đều phải đọc hằng ngày. Người đứng đầu của nó, Katharine Graham, là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Franklin Murphy, người đứng đầu Los Angeles Times, tờ báo lớn nhất ở phương Tây, cũng là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Bằng cách thành lập và tài trợ cho Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Rockefeller đã điều phối xu hướng lợi ích của các nhà lãnh đạo của các hãng truyền thông lớn.

Với truyền thông trên truyền hình, William S. Paley – người đứng đầu Công ty Truyền thông Columbia (CBS) với hơn 200 đài truyền hình và 255 đài phát thanh, là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại và là người quản lý chính của quỹ Rockefeller.

NBC (National Broadcasting Corporation) là đài truyền hình trực thuộc của RCA (American Radio Corporation). Người đứng đầu của nó, David Sarnoff, là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại.

Công ty Truyền thông Hoa Kỳ (ABC) có 153 đài truyền hình và tập trung vào giải trí. Ngân hàng Chase Manhattan nắm giữ 6,7% cổ phần của công ty này.

Thông qua cổ phiếu các ngân hàng và tổ chức tín thác năm giữ, Rockefeller nắm giữ 14% cổ phần của CBS và 4,5% cổ phần của RCA.

Những gã khổng lồ trong lĩnh vực truyền thông trên truyền hình này trên thực tế đều chịu sự kiểm soát của tập đoàn tài chính Rockefeller. Một số người nói đùa rằng cho dù là ABC, CBS hay NBC, thì thực ra đều là RBC (Rockefeller Broadcasting Company), tức Công ty Truyền thông Rockefeller.

Phương tiện truyền thông còn có một lĩnh vực không thể bỏ qua, đó chính là quảng cáo. Doanh thu tới từ quảng cáo chiếm 2/3-3/4 tổng doanh thu của các phương tiện truyền thông in ấn, rõ ràng là con gà đẻ trứng vàng mà các phương tiện truyền thông hết sức coi trọng. Khách hàng lớn nhất của quảng cáo là hệ thống chuỗi cửa hàng và trung tâm mua sắm. Các biên tập viên truyền thông sẽ không để cho các thông tin bất lợi liên quan những chủ tài chính được lan truyền một cách công khai.

Các chuỗi cửa hàng và cửa hàng chuyên dụng lớn nhất ở Hoa Kỳ, như Macy, JCPenny, Sears, v.v... đều ít nhất có một thành viên hội đồng quản trị của họ là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, không những vậy còn có lợi ích đan xen với hội đồng quản trị của các ngân hàng, doanh nghiệp mà các thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại đang kiểm soát.

Ngoài ra, các công ty dầu mỏ và những tổ chức tài chính cũng là khách hàng quảng cáo chính của truyền thông. Liệu phương tiện truyền thông nào đủ can đảm để chọn những ngôn từ mà các chủ tài chính không muốn nghe đây?

Quỹ cũng coi trọng việc định hướng các thông tin liên quan đến tôn giáo. Hoa Kỳ là một cường quốc tôn giáo, và không thể đánh giá thấp ảnh hưởng của các lực lượng tôn giáo đối với xã hội. Quỹ Rockefeller và Quỹ Carnegie tài trợ cho Hiệp hội Thần học New York và Hội đồng Giáo hội Liên bang. Tiếng nói của các hội thần học “chủ lưu” trong xã hội đã dần dần chuyển hướng sang khía cạnh khống chế và kế hoạch hóa xã hội. Họ cũng đề xướng tiến hành kiểm soát đối với tiền bạc và các hoạt động tài chính. Hội đồng Kitô hữu Liên bang có hơn 40 triệu thành viên tại Hoa Kỳ. Hiệu ứng quyền lực mà loại ảnh hưởng tư tưởng tiềm tàng này có thể mang đến là không thể đo đếm được.

CHÍNH PHỦ THẾ GIỚI: MỤC TIÊU CỦA TẬP ĐOÀN QUYỀN LỰC ANGLO-AMERICA

Một số người thậm chí nghĩ rằng chúng tôi là một phần của một tập đoàn bí mật, cố gắng gây nguy hiểm cho những lợi ích cốt lõi của Hoa Kỳ. Họ miêu tả gia tộc tôi và bản thân tôi là những “phần tử theo chủ nghĩa quốc tế”, đang âm mưu hợp tác với một số người (có cùng lý tưởng) ở các quốc gia khác để xây dựng nên một kết cấu chính trị và kinh tế mang tính toàn cầu - một thế giới duy nhất (chính phủ). Nếu đây là một lời buộc tội, vậy thì tôi nhận tội, nhưng tôi tự hào về điều đó

*

David Rockefeller

Lý tưởng tối thượng của Rhodes là cuối cùng Hoa Kỳ sẽ trở về vòng tay của Đế quốc Anh và truyền bá phúc âm về “hệ thống xã hội tốt đẹp” của họ đến thế giới với cốt lõi là tập đoàn thế lực Mỹ - Anh, mong ước xây dựng nên một “Chính phủ thế giới”. Tất nhiên, đây không phải là một kim tự tháp quyền lực công bằng. Tầng lớp thượng đẳng Anglo-America với “truyền thống vĩ đại” và ”khí chất tao nhã” của mình sẽ nghiễm nhiên ngự trị trên đỉnh kim tự tháp để thống trị thế giới gồm những giai cấp hạ đẳng có quy mô lớn hơn họ rất nhiều.

Vì lý tưởng vĩ đại này, Rhodes đã thành lập nên quỹ Rhodes để khuyến khích và tài trợ cho những người Mỹ trẻ đi du học ở châu Âu, giáo dục giới trẻ Mỹ nỗ lực hướng tới mục tiêu xây dựng một chính phủ thống nhất trên toàn thế giới. Trong nhiều thập kỷ, một số lượng lớn giới tinh hoa Mỹ đã chấp nhận và làm theo ý tưởng thành lập một chính phủ thế giới dưới ảnh hưởng của Rhodes. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton từng được trao tặng học bổng Rhodes.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Anh đã mất khả năng lôi kéo Hoa Kỳ vào quỹ đạo của mình. Cán cân lực lượng của cả hai bên đã trải qua những thay đổi mang tính bản chất. Đồng thời, hai bên phải đối mặt với một mối đe dọa còn nghiêm trọng hơn Đức Quốc xã, đó chính là Liên Xô. Và thế là tập đoàn quyền lực Anglo-America đã đi hợp nhất hoàn toàn hai bên để có thể đánh bại Liên Xô và các thế lực thách thức khác, cố gắng thành lập một “Chính phủ thế giới”.

Liên quan đến vấn đề này, giới tinh hoa chia thành hai phe: phái tiềm tiến (xúc tiến dần dần) và phái kích tiến (xúc tiến ngay).

Phái tiềm tiến ủng hộ việc tổ chức các liên minh khu vực, dần dần mở rộng, và sau đó thống nhất để đạt được mục tiêu chính phủ thế giới. Việc thành lập Liên minh Đại Tây Dương là một ví dụ điển hình. Liên minh này về cơ bản đã vi phạm tinh thần của Hiến pháp Hoa Kỳ, phản bội lại tôn chỉ tự chủ của chủ quyền quốc gia của Hoa Kỳ, nhưng tổ chức này với những ý tưởng mà nó ủng hộ đã giành được sự công nhận của một số lượng lớn những người thuộc giới siêu giàu. Trong số các thành viên của Liên minh Đại Tây Dương có 871 người siêu giàu, 107 người trong số họ là thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại. Giữa những năm 1970, Liên minh Đại Tây Dương đạt hơn con số 2.000 thành viên. Một nghị quyết quan trọng do tổ chức này đề xuất là “Nghị quyết Liên minh Đại Tây Dương”, chủ trương bãi bỏ Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, vượt qua các nguyên tắc của Hiến pháp Hoa Kỳ để thành lập nên một quốc gia liên hợp Anh - Mỹ hoàn toàn mới.

Năm 1949, Nghị quyết Liên minh Đại Tây Dương chính thức được đệ trình lên Quốc hội Hoa Kỳ. Tất nhiên nó không được Quốc hội thông qua. Một đề xuất như vậy rõ ràng là quá sốc và tuyệt đại đa số các nghị sĩ không thể chấp nhận ngay lập tức. Kể từ đó, mỗi năm đều sẽ có ai đó đứng ra đề nghị xem xét lại đề xuất này và nhận được sự chấp thuận của một số nhân vật có tiếng nói, chẳng hạn như Rockefeller, Nixon, Eisen. Năm 1975, đề xuất này được đệ trình lên Hạ viện xem xét. Thật bất ngờ, 111 thành viên của Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ. Trong những năm qua, Liên minh Đại Tây Dương nhận được sự hỗ trợ bí mật của gia tộc Rockefeller. Nelson Rockefeller cung cấp một tòa nhà văn phòng tại số 10 East 40th Street ở New York cho Liên minh sử dụng.136

136 Gary Allen, The Rockefeller File, Buccaneer Books Inc, 1976.

Đại diện của phái kích tiến của chính phủ thế giới là James Warburg – con trai của Paul Warburg – một trong 17 chủ ngân hàng lớn nhất thế giới. Paul là người ủng hộ Cục Dự trữ Liên bang, là đối tác của ngân hàng đầu tư nổi tiếng Phố Wall – Kuhn Loeb. Bên cạnh đó, James cũng là cố vấn tài chính cho Tổng thống Roosevelt. ”Phong trào Liên bang Thế giới” (United World Federal, UWF) được thành lập vào năm 1947 bởi James, đã nhận được tài trợ mạnh mẽ từ Rockefeller. Khẩu hiệu nổi tiếng được đề xuất bởi James Warburg là “Một thế giới thống nhất hoặc không có gì“ (One World or None). Năm 1949, Giáo sư Milton với tư tưởng kích tiến cực đoan, đã đăng bài viết nói rằng ông sẽ tháo lá cờ Mỹ xuống và nhổ nước bọt vào nó.

Một trong những nguồn sức mạnh tinh thần cho phái kích tiến của Chính phủ thế giới là Hoa Kỳ đã kích nổ quả bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử loài người năm 1945. Tại thời điểm James Worberg thành lập “Phong trào Liên bang Thế giới” năm 1947, không có quốc gia thứ hai nào có vũ khí hạt nhân. Vũ khí hủy diệt hàng loạt sẽ mang đến cho những người theo “Phong trào Liên bang Thế giới” sự kiêu ngạo lớn, “theo ta thì sống, chống ta thì chết”. Quốc gia nào dám chống lại Chính phủ thế giới sẽ bị xóa sổ lập tức. Năm 1954, James Warburg nói: “Chúng ta nên xây dựng một Chính phủ thế giới, dù mọi người có thích hay không. Câu hỏi duy nhất là liệu chính phủ này được tạo ra thông qua một cuộc đồng thuận (hòa bình) hay chinh phục (quân sự).”

“Phong trào Liên bang Thế giới” khẳng định rằng, hòa bình thế giới sẽ đạt được thông qua một hệ thống hoặc cơ cấu tổ chức thế giới. Một số lượng lớn những người trẻ tuổi ở Hoa Kỳ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi xu hướng tư tưởng này. Họ tin rằng một hệ thống như vậy hoàn toàn có thể đảm bảo tự do cá nhân, tự do tư tưởng tôn giáo và hòa bình thế giới. “Phong trào Liên bang Thế giới” đã làm việc hết mình trong nhiều thập kỷ để thành lập chính phủ thế giới, tuy nhiên vẫn chưa đạt được tiến bộ đáng kể nào.

Tập đoàn tài chính Rockefeller đã đưa ra nhiều hình thức hỗ trợ mạnh mẽ cho cả phái tiềm tiến và phái kích tiến, nhưng để công chúng Mỹ từ bỏ khái niệm truyền thống về một quốc gia độc lập và chấp nhận thành lập chính phủ thế giới rõ ràng không thể chỉ trong một sớm một chiều. Những người thuộc phái tiềm tiến và kích tiến đã làm việc không mệt mỏi trong nhiều thập kỷ, nhưng họ vẫn còn cách mục tiêu cuối cùng rất xa.

Vì lẽ đó, những người ủng hộ tư tưởng chính phủ thế giới đã tạo ra một tổ chức thứ ba, gọi là “Ủy ban Ba bên” để thay đổi phương thức và góc độ, tiếp tục nỗ lực hướng tới các mục tiêu chung của họ. Lãnh đạo của Ủy ban ba bên là Brzezinski, và quan điểm của ông khác với quan điểm của Liên minh Đại Tây Dương và Phong trào Liên bang Thế giới. Brzezinski tin rằng việc yêu cầu người Mỹ từ bỏ ý tưởng truyền thống hàng thế kỷ về một quốc gia độc lập là một điều không dễ chấp nhận cả về trực quan lẫn cảm tính. Để thúc đẩy việc thành lập một chính phủ thế giới, chúng ta nên từng bước đạt được mục tiêu cuối cùng bằng đủ các phương thức và thủ đoạn mang tính gián tiếp, chậm rãi, uyển chuyển, khéo léo và quanh co.

Các ý tưởng do Liên minh Đại Tây Dương đưa ra là quá hẹp, không phù hợp với những thách thức của một thế giới đang dần dần đa cực hóa trong những năm 70 của thế kỷ XX, bao gồm cục diện Chiến tranh Lạnh và bàn cờ quan hệ quốc tế đang có những diễn biến ngày càng phức tạp. Do đó, chúng ta không nên trực tiếp ủng hộ khái niệm một chính phủ thế giới đơn giản, mà nên hướng dẫn và thu hút sự chú ý của công chúng đối với các vấn đề mà thế giới phải đối mặt và tìm kiếm các giải pháp nhất quán, như khủng hoảng kinh tế, suy thoái môi trường sinh thái và cạn kiệt tài nguyên, v.v…

Nếu chính phủ và công chúng chỉ quan tâm đến các vấn đề địa phương và các vấn đề nội bộ, thì quá trình này rõ ràng sẽ không thể tiến triển.

Chỉ khi mọi quốc gia trên thế giới, từ các lãnh đạo nhà nước cho đến công chúng buộc phải chú ý đến một vấn đề chung, từ đó dần dần đạt được nhận thức chung, tư tưởng dần dần đi đến thống nhất. Như vậy việc thành lập một chính phủ thế giới toàn cầu mới có thể trở thành hiện thực.

Những người đề xuất tư duy của chính phủ thế giới đã tiến hành theo bốn hướng chính:

1. Thiết lập một hệ thống tiền tệ thế giới mới.

2. Tài nguyên mang tính thế giới và khủng hoảng môi trường sinh thái.

3. Đề xướng nhất thể hóa hội nhập thương mại thế giới.

4. Khủng hoảng năng lượng.

Tư duy tổng thể của nó là hội nhập và tạo thêm các cuộc khủng hoảng, thúc đẩy nhận thức chung trong quá trình hội nhập, chờ đợi điều kiện chín muồi trong quá trình xúc tiến, tạo ra các cuộc khủng hoảng trong lúc chờ đợi và đẩy mạnh hành động trong khủng hoảng.

Nếu bất kỳ quốc gia nào không tuân theo định hướng như vậy và chỉ chú ý đến các vấn đề trong nước và các vấn đề cục bộ, quốc gia đó phải đối mặt với ba thách thức lớn: khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính. Quy mô và khả năng hủy diệt của những cuộc khủng hoảng này sẽ tương đương với mức độ của cuộc Đại khủng hoảng những năm 1920 và 1930. Các nhà lãnh đạo của nhiều quốc gia đã phải ngồi lại với nhau và thảo luận cách giải quyết các nhu cầu cấp thiết của họ. Họ đã thỏa hiệp và thừa nhận lẫn nhau trong quá trình đánh cược với những lợi ích đan xen hết sức phức tạp. Mỗi bên đã chấp nhận từ bỏ một phần chủ quyền kinh tế và chủ quyền tiền tệ để đạt được một nhận thức chung hiệu quả.

Tại thời điểm này, có lẽ trên khuôn mặt của một số người đang ánh lên một nụ cười đắc ý.

Có người sẽ tỏ ý nghi ngờ. Các chủ ngân hàng quốc tế đã có một tầm ảnh hưởng và kiểm soát rất lớn đối với Hoa Kỳ. Tại sao họ vẫn cố gắng xóa bỏ chủ quyền độc lập của Hoa Kỳ và thành lập một chính phủ thế giới?

Đây là lý luận tư tưởng được chia sẻ bởi hơn 95% thành viên của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ. Ở một mức độ nào đó, việc giải trừ và bãi bỏ độc lập chủ quyền của Hoa Kỳ là để kiểm soát thế giới một cách rộng hơn và sâu hơn, thực hiện “ý tưởng vĩ đại“ về một chính phủ thế giới. Mục tiêu đầy tham vọng này đang trải qua những tiến trình với nhiều hình thức khác nhau, đôi khi cấp tiến, đôi khi chậm rãi và đôi khi “vu hồi”, nhưng cương lĩnh tổng thể thì chưa bao giờ thay đổi.

Trong thời khắc cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất 80 năm qua càn quét khắp thế giới, một lý tưởng dường như rất đỗi xa vời đang dần dần trở nên rõ nét hơn.

Cơn sóng thần tài chính năm 2008 có thể là một thời cơ ông trời ban tặng mà họ đã chờ đợi từ lâu!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3