Chiến Tranh Tiền Tệ - Phần 2 - Chương 09

Chương 9

Phía sau cơn sóng thần khủng hoảng tài chính

Roosevelt có một câu nói nổi tiếng: “Không một sự kiện lịch sử quan trọng nào xảy ra một cách ngẫu nhiên và tự nhiên. Tất cả những sự kiện này đều là kết quả của những âm mưu đã được lên kế hoạch cẩn thận.” Roosevelt quả thực có con mắt tinh tường, tất cả các sự kiện đều có người đứng sau. Nếu một sự việc nào đó xảy ra không mang lại bất cứ lợi ích nào cho các bên liên quan, vậy thì sự việc sẽ không phát triển thành một sự kiện trọng đại. Càng là những sự kiện quan trọng, phức tạp và có tác động sâu rộng thì càng cần có một thế lực mạnh mẽ nào đó đứng ra để điều phối tổ chức. Không những vậy họ còn buộc phải khắc phục trùng trùng khó khăn mới thực hiện được điều đó, rất khó tưởng tượng rằng có ai đó lại chấp nhận thực hiện công việc tốn công nhọc sức mà chẳng được báo đáp này.

Các sự kiện chính trị trong lịch sử là như vậy, các sự kiện tài chính cũng hệt như vậy.

Đằng sau thị trường tài chính vẫn là trò chơi đặt cược lợi ích của con người. Toàn bộ mục đích của mọi người khi tham gia vào các hoạt động của thị trường tài chính là thu được lợi ích. Cũng giống như tất cả các trường hợp đặt cược lợi ích khác, những người tham gia phải tuân thủ các quy tắc của trò chơi, bao gồm các quy tắc bất thành văn. Sự khác biệt trong thị trường tài chính không gì hơn ngoài việc “đóng gói” và định giá một cách tiêu chuẩn hóa lợi ích của mọi người, khiến cho việc chuyển nhượng lợi ích trở nên “có tính lưu động” hơn, chi phí thấp hơn và tốc độ nhanh hơn mà thôi. Do đó, các sự kiện tài chính lớn cũng sẽ phản ánh lợi ích của những người chơi “siêu cấp”, và những người chơi “siêu cấp” có năng lượng khủng khiếp này thường đóng vai trò quyết định trong mọi bước ngoặt quan trọng của thị trường.

Cơn sóng thần khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 cũng là sự lặp lại sự thao túng mà thôi. So với các cuộc khủng hoảng khác trong lịch sử, nó cũng có những quy luật tương tự, đó là lòng tham và nỗi sợ hãi trong nhân tính con người. Những người giành phần thắng sau cùng nhờ hiểu rõ những nhược điểm trong nhân tính con người để tận dụng một cách tối đa và triệt để.

Cốt lõi của trò chơi đặt cược lợi ích đó là trò chơi có tổng bằng không (zero-sum game). Miễn là tính hợp pháp của tài sản tư hữu vẫn còn hiệu lực, tại một thời điểm nhất định, tài sản đó chỉ có thể có một chủ sở hữu duy nhất, cho dù là tài sản hữu hình hay vô hình. Mọi giao dịch trên thị trường tài chính không gì khác hơn là quyền sở hữu các lợi ích đã được tiêu chuẩn hóa (được thể hiện là tài sản hoặc quyền đối với tài sản), và loại quyền sở hữu này sẽ không bao giờ được chia sẻ, nó có tính độc quyền điển hình.

CHỈ DẪN CHƯƠNG

Bản chất của sóng thần tài chính là các công cụ tài chính phái sinh nằm trên cùng một tài sản cơ bản, tạo nên một sự ảo tưởng về quyền sở hữu nhiều lợi ích “khủng”. Khi tài sản cơ sở không thể tiếp tục tạo ra đủ doanh thu để đổi lấy quyền sở hữu lợi ích ảo tưởng này và bị những người tham gia thị trường phát hiện, khi đó biểu hiện ra bên ngoài là nguy cơ “đột biến rút quyền sở hữu lợi ích”. Các tài sản tài chính như CDO về cơ bản là sự copy liên tục và lặp đi lặp lại đối với quyền sở hữu thu nhập tài sản. Những giao dịch liên quan đến quyền sở hữu lợi ích mang tính ảo tưởng này là điển hình của “Mô hình Ponzi”.137

137 Mô hình Ponzi là trò vay tiền của người này để trả nợ người khác. Kẻ đi vay đưa ra cam kết trả lợi tức cao cho người cho vay và quảng cáo với họ về những tấm gương đã từng nhận được lợi tức cao trước đây để hấp dẫn người cho vay. (ND)

Câu hỏi ở đây là, có thực các ngân hàng quốc tế không hiểu rằng một “Mô hình Ponzi” điển hình như vậy cuối cùng sẽ kết thúc bằng thảm họa tài chính – một điều vốn quá dễ để lường trước? Những trò lừa đảo như vậy lặp đi lặp lại nhiều lần trong lịch sử và chẳng có điểm gì mới mẻ mà chúng ta “không thể lường trước”. Các cuộc khủng hoảng đã được lên kế hoạch từ sớm và cũng nằm trong toan tính của họ từ lâu.

Thực tế là hồi đầu năm 2005, Buffett đã gọi các công cụ tài chính phái sinh là “vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Năm 2006, Paulson từng nói rõ với Tổng thống George W. Bush rằng cuộc khủng hoảng liên quan đến các công cụ tài chính phái sinh sắp nổ ra. Các công ty như Fannie Mae cũng bắt đầu những đợt sa thải nhân viên quy mô lớn từ mùa hè năm 2006. Trên trang bìa của tạp chí The Economist tháng 1 năm 2006 đã minh họa rõ nét cảnh tượng Greenspan cầm trên tay khối “thuốc nổ” khủng hoảng kinh tế Mỹ và giao cho người kế nhiệm xui xẻo Bernanke.138 Năm 2005, những nhà quản lý các quỹ phòng hộ lớn đã xôn xao thảo luận trên blog về cách bán lại những “loại tài sản rác thải” như CDO mà họ đang nắm giữ cho các nhà đầu tư châu Á. Cuốn sách Chiến tranh tiền tệ hoàn thành vào nửa cuối năm 2006, cũng chỉ ra rằng không thể tránh khỏi của cuộc khủng hoảng liên quan đến các công cụ tài chính phái sinh, Fannie Mae - Freddie Mac, cũng như rủi ro của đồng đô-la và trái phiếu kho bạc Mỹ. Cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn sẽ diễn tiến thành một cơn sóng thần tài chính toàn cầu, một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong nền kinh tế thế giới.

138 The Economist, 2006.

Có phải Greenspan – người đứng đầu chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ cho đến năm 2006 vẫn chưa nhận ra sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng? Là do ông ta vô tâm hay cố tình “phóng sinh” cho các công cụ tài chính phái sinh? Có phải cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lớn nhất trong cả trăm năm này thực sự “xảy ra ngẫu nhiên” và “không thể đoán trước”?

Làm sao hiểu được những ý tưởng thực sự của Greenspan và những nhà cầm quyền thế giới, rốt cuộc họ muốn đạt được mục tiêu chiến lược nào, thế giới này sẽ đi về đâu, và cuộc khủng hoảng sẽ tiến hóa ra sao?

Điều mà Trung Quốc thiếu nhất không phải là các chuyên gia, mà họ thiếu một nhà chiến lược có thể đập vỡ những rào cản giữa các lĩnh vực khác nhau. Trong hệ thống giáo dục tuân thủ theo những quy tắc nghiêm ngặt, hầu hết các chuyên gia khác nhau đều được định hình thành các học giả theo kiểu “tủ sách”, bộ não của họ chủ yếu để lưu trữ và xử lý thông tin theo các mô thức riêng của nó. Kỳ thực, việc đặt ra câu hỏi chính xác cũng đồng nghĩa với việc chúng ta đã giải quyết được một nửa vấn đề. Thế nào gọi là sáng tạo? Cốt lõi của sáng tạo là có thể đặt ra các câu hỏi hoàn toàn khác so với quy tắc thông thường. Góc độ của vấn đề quyết định chiều rộng và chiều sâu của ý tưởng. Tư duy sẽ cấu thành nên việc thu thập, gia công, xử lý những nguồn thông tin phức tạp và khổng lồ như một “bộ xử lý trung tâm”. Việc nghiên cứu một câu hỏi không chính xác cũng chẳng khác gì một xác chết biết đi nhưng không có linh hồn, việc nghiên cứu mà thiếu đi một óc tư duy mạnh mẽ cũng chẳng khác gì “gãi ngứa qua giày”.

Chúng ta biết những gì chúng ta biết, chúng ta cũng biết những gì chúng ta không biết, nhưng chúng ta không biết những gì mà chúng ta không biết.

GREENSPAN: KỸ SƯ CỦA CỖ MÁY KINH TẾ

Khi nói đến nhà toán học vĩ đại nhất thế kỷ XX, có lẽ tên của Greenspan không có trong danh sách, nhưng trong số các nhà kinh tế, ông lại cực kỳ nhạy cảm với các con số và mô hình, và rõ ràng xứng đáng được coi là thiên tài.

Khi theo học tại Đại học New York, các chuyên ngành chính mà Greenspan theo học là tài chính và kế toán. Trong cuốn tự truyện của mình, ông đã đề cập rằng trong những năm đi học, ông từng là thực tập sinh tại một doanh nghiệp Hoa Kỳ. Tổ chức này là công ty Brown Brothers nổi tiếng ở Phố Wall.

Công việc đầu tiên mà Greenspan làm tại Brown Brothers là sắp xếp và điều chỉnh một số dữ liệu do Cục Dự trữ Liên bang công bố theo tuần, đặc biệt là số liệu thống kê của các chuỗi siêu thị lớn. Công việc này có vẻ đơn giản, nhưng lại hết sức lắt nhắt và tốn nhiều công sức. Vì thời điểm đó chưa có máy tính nên không dễ để thao tác các dữ liệu thống kê. Rất nhiều tính toán thủ công, liên tục phải dùng bút chì để tạo các bảng vẽ và sau đó thực hiện từng bộ quy trình để điều chỉnh từng dữ liệu một. Dù công việc hết sức khô khan, nhàm chán, nhưng Greenspan lại rất mực yêu nghề. Ông bẩm sinh đã rất nhạy cảm với những con số. Đối mặt với những con số buồn tẻ và nhàm chán, ông có thể tìm thấy những thứ mà người khác không thể thấy. Thông qua công việc này, Greenspan đã hoàn toàn nắm vững và thành thạo các kỹ năng cơ bản trong thống kê. Quan trọng nhất, dưới sự chỉ dẫn của các phương pháp khoa học, sự nhạy cảm siêu hạng của ông đối với dữ liệu đã đạt đến cảnh giới “cho phép dữ liệu bước ra để kể chuyện”.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Greenspan đã làm công tác liên quan đến lĩnh vực dữ liệu thống kê tại Hiệp hội Công nghiệp Quốc gia (The Conference Board, một viện chính sách ở New York). Đối tượng phục vụ của hiệp hội này chính là Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.139 Thư viện sách khổng lồ của Hiệp hội Công nghiệp Quốc gia đã trở thành phần quan trọng nhất trong cuộc sống của Greenspan. Bằng cách xem xét các thư tịch, tài liệu và báo cáo thống kê, Greenspan bắt đầu hiểu được cơ chế hoạt động của nền kinh tế Mỹ.140 Đồng thời, ông hiểu cách các ngành công nghiệp khác nhau vận hành và liên kết với nhau để tạo thành một hệ thống kinh tế quốc gia toàn diện như thế nào. Trong đầu Greenspan bắt đầu có những hình dung rõ nét về quá trình phát triển của hệ thống công nghiệp kể từ thời Cách mạng Công nghiệp cho đến nay. Từ động cơ hơi nước đến dệt may, từ đường sắt đến luyện kim, từ vận chuyển đến đóng tàu, từ máy móc đến quân sự, từ điện báo đến điện thoại, từ than đá đến dầu mỏ, từ ô tô đến máy bay... Vô số ốc vít của khía cạnh kinh tế xã hội đã được vặn chặt với nhau trong tư duy của Greenspan để làm cho cỗ máy khổng lồ của nền kinh tế quốc gia được vận hành.

139 Justin Martin, Greenspan: The Man behind Money, 2000.

140 Alan Greenspan, The Age of Turbulence, Penguin Group, 2007.

Thư viện của Hiệp hội Công nghiệp Quốc gia cũng cung cấp một loạt các số liệu thống kê cho Greenspan. Hầu hết các số liệu thống kê đều đã “già”, trong đó có không ít số liệu bắt đầu thống kê từ thời Nội chiến năm 1861. Hiệp hội này đã tiến hành thu thập số liệu thống kê hết sức chi tiết của hầu hết các ngành công nghiệp và ngành nghề quan trọng ở Hoa Kỳ. Greenspan vùi mình trong thư viện của Hiệp hội Công nghiệp Quốc gia chẳng khác gì một con chuột rơi vào bể gạo, ông hoàn toàn bị mê hoặc bởi những dữ liệu thống kê này. Nếu đi sâu tìm hiểu ngành sản xuất bông, ông sẽ nghiên cứu tất cả các loại bông, từ thành phần, chất lượng cho đến chủng loại, quy trình sản xuất. Các loại bông khác nhau sẽ được sử dụng như thế nào trong ngành công nghiệp, cách gia công chúng, cần những loại máy móc và quy trình sản xuất ra sao, cho đến cả việc tiêu thụ trên thị trường. Trong mắt của Greenspan, những dữ liệu này là một thế giới đầy màu sắc. Những dữ liệu quan trọng bậc nhất của Hoa Kỳ như vận tải đường sắt toàn quốc, ngành cao su, thống kê nhân khẩu học năm 1890 của Hoa Kỳ lại càng thu hút được sự chú ý của Greenspan. Những con số và tài liệu vô tận này hẳn sẽ khiến nhiều người buồn ngủ, ấy nhưng Greenspan lại thích thú vô tận và chẳng thể kìm nổi. Đắm chìm trong đại dương dữ liệu, Greenspan nhanh chóng có được sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về số liệu thống kê của các ngành công nghiệp khác nhau ở Hoa Kỳ.

Sau một vài năm, Greenspan đã hoàn toàn hiểu rõ về cơ chế tổng thể liên quan đến vận hành của bộ máy kinh tế Hoa Kỳ. Cộng thêm những nghiên cứu chuyên sâu của ông về dữ liệu của các ngành công nghiệp khác nhau qua các thời kỳ, lúc này chàng trai trẻ Greenspan đã trở thành “công nhân kỹ thuật” hết sức lành nghề trong lĩnh vực “cơ khí kinh tế”. Ông thuộc nằm lòng nguyên lý máy móc, biết tất cả các thông số vận hành và đã tích lũy được khá nhiều “kinh nghiệm lịch sử” trên dữ liệu động của từng thành phần và hiệu ứng liên kết của nó.

Bộ não của ông như thể được trang bị một phần mềm có khả năng phân tích nhanh chóng tình trạng công nghiệp và xu hướng phát triển hiện tại của Hoa Kỳ, và có thể nắm bắt chính xác quy luật và nhịp đập của hoạt động kinh tế từ dữ liệu. Thông qua việc đọc và tích lũy dữ liệu một cách liên tục và chuyên sâu trong suốt nhiều năm. “Mô hình Greenspan” đã thành công trong việc tạo ra một mô-đun dữ liệu và các luồng dữ liệu độc đáo và chính xác để phân tích trạng thái hoạt động của bộ máy kinh tế từ tổng thể cho đến cục bộ. Nếu nhập một loạt các thông số cơ bản liên quan đến phạm vi hoạt động kinh tế của doanh nghiệp, bộ não của Greenspan có thể ngay lập tức tạo ra một báo cáo dự đoán chu kỳ kinh tế vĩ mô, và tự động kèm thêm những biểu đồ và cột mốc hoàn chỉnh.

Giống như những kỹ sư trong các ngành công nghiệp khác, Greenspan không quan tâm lắm đến lý thuyết kinh tế. Bởi vì các kỹ sư quan tâm đến cách giải quyết các vấn đề khác nhau trong thực tế, thay vì các cuộc thảo luận lý thuyết trừu tượng. Trong cuốn tự truyện của mình, Greenspan cũng đề cập rằng ông không quan tâm lắm đến nghiên cứu vĩ mô của Keynes. Sự hưng phấn của ông chỉ đổ dồn cho khía cạnh kỹ thuật, đặc biệt là dữ liệu và mô hình. Greenspan quan tâm đến cách bộ máy kinh tế thực sự hoạt động, không cần biết lý thuyết kinh tế được giải thích như thế nào.

Trong quá trình học tập về lý luận, điều duy nhất gây ấn tượng với Greenspan là bộ môn kết hợp giữa thống kê dữ liệu và lý luận kinh tế được hướng dẫn bởi giáo sư Jacob Wolfowitz, mà ông đã chọn học vào năm 1951. Vị giáo sư này là cha của Wolff – người từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ của Tổng thống Bush (con). Wolff là một trong những nhà hoạch định chính của cuộc chiến tranh Iraq. Sau khi rút lui khỏi Bộ Quốc phòng, ông trở thành nhân vật đại diện chủ chốt của chủ nghĩa bảo thủ mới, sau đó ông đảm nhận vai trò Chủ tịch Ngân hàng Thế giới.

Trong bộ môn của Giáo sư Wolfowitz, lần đầu tiên Greenspan đã chấp nhận khái niệm hoàn toàn mới về tiến hành xây dựng các biến lượng giữa các cấu trúc kinh tế bằng cách sử dụng phương pháp thống kê số liệu toán học. Trước khi tiếp xúc với lý thuyết kinh tế lượng, Greenspan đã tự trang bị “Mô hình Greenspan” do ông tự nghiên cứu để hình thành nên một phân tích đầy đủ và thành thục về xu thế động và sự phát triển kinh tế nói chung. Chỉ là chưa hình thành nên một hệ thống lý thuyết tương đối rõ ràng và thiếu các công cụ toán học để thể hiện chính xác.

Khi lắng nghe khái niệm về kinh tế lượng của Giáo sư Wolfowitz, Greenspan đột nhiên bừng tỉnh, và ông dự cảm rằng mình chắc chắn sẽ trở thành một nhân tố nổi bật trong lĩnh vực này. “Mô hình Greenspan” đã có một siêu cơ sở dữ liệu, lưu trữ nguồn dữ liệu lịch sử toàn diện và chân thực từ mọi ngành công nghiệp nặng đến công nghiệp nhẹ như khai thác, luyện kim, thép, vận tải đường sắt, công nghiệp ô tô… Một khi những dữ liệu này được đưa vào mô hình toán của kinh tế lượng, nó có thể lập tức đưa ra những dự báo về xu hướng kinh tế trong tương lai. Bởi vì những dữ liệu mà Greenspan nắm trong tay đều bắt nguồn từ thực tiễn sản xuất, không những vậy còn có sự tích lũy cực lớn qua các thời kỳ, thế nên kết quả của sự kết hợp giữa khuôn mẫu toán học của “Mô hình Greenspan” và kho dữ liệu siêu cấp trong não ông thậm chí còn chính xác và thực tế hơn các mô hình kinh tế dựa trên lý thuyết thuần túy.

Ngoài trữ lượng phong phú và bao la vạn tượng, kho dữ liệu trong đầu của Greenspan còn có một điểm độc đáo là nó chứa đựng một lượng lớn thông tin lịch sử. Trong diễn tiến lâu dài của lịch sử, tất cả các ngành nghề đều trải qua sự phát triển và thay đổi liên tục, nhiều dữ liệu khác nhau cũng đã hình thành nên một đường dẫn dữ liệu động cùng với diễn biến của hệ thống kinh tế. Khung lý thuyết và hệ thống mô hình của “Mô hình Greenspan” không tĩnh và biệt lập, mà nó có một đặc tính tự tiến hóa và tự học tập tương đối cao. Khi nhận được sự hỗ trợ từ các công cụ toán học, khả năng nắm bắt của ông đối với các quy luật vận hành của nền kinh tế đã được cải thiện một cách rõ rệt.

Bộ não của Greenspan có thể thể hiện những hình ảnh vĩ mô rõ ràng, giống như việc Newton có thể nhìn thấy quy luật vận hành của thế giới tự nhiên và các thiên thể. Trong suy nghĩ của ông, thế giới này hoàn toàn có thể được xây dựng thành một mô hình toán học phức tạp. Miễn là dữ liệu được tích lũy trong một thời gian đủ dài, việc sử dụng mô hình này để dự đoán xu hướng kinh tế trong tương lai về mặt logic là hoàn toàn khả thi. Chỉ cần nhập vào đầy đủ các biến lượng ban đầu, sự phát triển kinh tế trong tương lai mà “Mô hình Greenspan” đưa ra sẽ rất tiệm cận với thực tế.

Vào thời điểm này, khối óc của Greenspan đã leo lên đỉnh Everest trong lĩnh vực kinh tế. Nó mang tới cho ông một sự tự tin cao độ và khí phách cần thiết để có thể quan sát thấu triệt, nhìn xa trông rộng sự vận hành của toàn bộ nền kinh tế thế giới. Ông muốn lý giải thế giới bằng mô hình của riêng mình, sử dụng nguồn dữ liệu của riêng mình để xác minh những suy đoán này.

CHIẾN TRANH TRIỀU TIÊN KHIẾN GREENSPAN NỔI TIẾNG CHỈ SAU MỘT ĐÊM

Sự si mê và sự tự tin của Greenspan đối với dữ liệu và mô hình toán học đã lên đến đỉnh điểm sau khi Chiến tranh Triều Tiên bùng nổ.

Trong thời gian xảy ra cuộc chiến, do Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cần tiến hành công tác chuẩn bị với quy mô lớn, mọi thông tin liên quan đến quân sự như máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và dữ liệu chế tạo máy bay mới khác... đều được liệt vào danh sách bí mật quân sự và bị phong tỏa triệt để. Trong chuỗi các hoạt động kinh tế này, nhiều mắt xích có liên quan mật thiết đến việc sản xuất máy bay, chẳng hạn như các nhà sản xuất kim loại đặc biệt, nhôm, đồng, thép, công nghệ đặc biệt và kỹ sư… các quần thể công nghiệp này rất muốn biết thông tin về sản xuất quân sự. Ngành công nghiệp chế tạo máy bay quân sự đã có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế xã hội, đặc biệt là trong năm 1953, chi tiêu quân sự chiếm tới 14% GDP. Đây là mức đáng báo động. Phố Wall và các nhà phân tích đều thiếu dữ liệu về ngành công nghiệp và quân sự, không rõ chiến tranh sẽ có tác động gì với sự phát triển kinh tế trong tương lai.

Và Greenspan xuất hiện. Ông tin rằng tình trạng “mù thông tin tập thể” ở Phố Wall và các ngành công nghiệp liên quan sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Mỹ. Do đó, ông cố gắng đưa ra những dự đoán về thông tin sản xuất quân sự – vốn bị phía quân đội niêm phong chặt chẽ, dựa trên số liệu thống kê thường niên của tất cả các ngành nghề ở Hoa Kỳ, bổ sung thêm các công cụ toán học trong kinh tế lượng và niềm tin của Greenspan với “Mô hình Greenspan”.

Đầu tiên, Greenspan bắt tay vào tìm kiếm từ kênh thông tin công khai, và ngay lập tức phát hiện ra rằng cục bảo mật thông tin của phía quân đội không phải là “dạng vừa”. Tất cả các thông tin liên quan đến sản xuất máy bay quân sự, từ mô hình máy bay, vật liệu để sản xuất máy bay, biên chế máy bay cho đến kế hoạch sản xuất, v.v.. đều bị quân đội niêm phong chặt chẽ, không chút kẽ hở.

Greenspan đành phải dừng lại ở kênh thông tin công khai, chuyển qua tìm kiếm dữ liệu trong giai đoạn Thế chiến II. Bởi lẽ vào những năm 40 của thế kỷ XX, quân đội Hoa Kỳ không tiến hành bảo mật các dữ liệu quân sự này. Thông qua các biên bản ghi chép của Quốc hội từ thập niên 1940, Greenspan đã tìm kiếm những dữ liệu ít ỏi được nhắc đến trong các phiên điều trần và công bố chính thức liên quan đến lĩnh vực này. Ông sử dụng các dữ liệu thu thập trong hồ sơ năm 1940 làm chuẩn, nghĩ trăm phương ngàn kế để tiến hành tích lũy các thông tin và dữ liệu có thể công khai thu thập được về các khía cạnh trong ngành sản xuất máy bay. Chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, sổ tay vận hành của các kỹ sư, báo cáo sản xuất, báo cáo quản lý và một số lượng lớn các báo cáo thống kê liên bang từ các công ty liên quan khác nhau, cũng như các đơn đặt hàng được phép công khai của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đối với ngành công nghiệp ngoại vi, được chất thành đống trên bàn làm việc của Greenspan.

Dựa trên các cột mốc dữ liệu chuẩn từ Thế chiến II, dựa trên nguồn thông tin ít ỏi được phép công khai (chẳng hạn như trọng lượng của một loại máy bay nhất định), mô hình Greenspan tính toán chi tiết tỷ lệ và số lượng nhôm, đồng, thép và các vật liệu cấu thành nên máy bay, sau đó tổng hợp, tiếp theo là lật ngược lại để xem xét tác động kinh tế của ngành công nghiệp quân sự Hoa Kỳ đối với các thành phần khác nhau của nền kinh tế, như sản xuất đồng, thép, luyện kim, vận tải đường sắt và điện.

Năm 1952, kết quả nghiên cứu của Greenspan đã ra đời. Bài viết có tựa đề Kinh tế học Không quân Hoa Kỳ đã được xuất bản, ngay lập tức gây ra một “trận động đất” làm rung chuyển Lầu Năm góc. Phản ứng trực giác đầu tiên từ phía quân đội là Greenspan chắc chắn là một điệp viên cao cấp, bởi vì số liệu thống kê được công bố của ông có sự tương đồng đáng kinh ngạc với dữ liệu bí mật mà quân đội Mỹ đang sở hữu. Đến nỗi những nhân vật trong Lầu Năm Góc ngay lập tức kết luận rằng “ông ta chắc chắn đã có được dữ liệu bí mật của chúng tôi, nếu không thì nó không thể chính xác đến vậy.”

Nhưng quả thực Greenspan có thể trả lời với vẻ mặt hết sức chân thành rằng: “Thực sự không phải vậy.” Ông nói rằng những kết quả này hoàn toàn xuất phát từ “Mô hình Greenspan”.

Lầu Năm góc sốc đến nỗi không thốt nên lời.

Và thế là Greenspan đã vươn lên như một ngôi sao mới trong ngành kinh tế học của Hoa Kỳ, khiến bất cứ ai cũng phải ngước nhìn bằng ánh mắt thán phục.

Vào những năm 50 của thế kỷ XX, “ngôi sao mới” Greenspan có lý do chính đáng để tin rằng ông đã đứng ở vị trí của Newton trong ngành vật lý. Ông nắm chắc các quy luật cơ bản và quy tắc chung liên quan đến sự vận hành của nền kinh tế thế giới. Chỉ cần bàn tay của Chúa khẽ đưa đẩy một chút thì mọi phương hướng của nền kinh tế thế giới, ông đều có thể tính toán một cách chính xác.

Ngay khi Greenspan nổi lên như một ngôi sao, một ngôi sao khác trên bầu trời đêm cũng ngay lập tức xuất hiện. Ánh sáng rạng ngời của cô chiếu thẳng vào những góc tăm tối trong nội tâm của Greenspan và không bao giờ mờ đi.

AYN RAND: CỐ VẤN TINH THẦN CỦA GREENSPAN

Các bậc thầy về ý thức hệ mà bạn ngưỡng mộ đã dạy bạn rằng trái đất phẳng và nguyên tử là chất nhỏ nhất. Quá trình phát triển của khoa học là quá trình mà dư luận không ngừng đặt câu hỏi. Chỉ những người vô tri và ngu muội nhất mới tin vào những luận điệu lỗi thời theo kiểu “mắt thấy tai nghe thì cho là thực”. Đầu tiên, bạn phải học cách nghi ngờ những điều mà bạn nhìn thấy.

*

Ayn Rand141

141 Ayn Rand, Atlas Shrugged, 50th Anniversary Edition, 1957.

Nếu ai không biết đến tên của Ayn Rand thì chứng tỏ người đó không có sự hiểu biết sâu sắc về Hoa Kỳ. Những tác phẩm nổi tiếng của Ayn Rand đã ảnh hưởng sâu sắc đến thế giới quan của giới thượng lưu Hoa Kỳ và toàn bộ thế giới phương Tây kể từ những năm 50 của thế kỷ XX.

Ayn Rand là một tác giả xinh đẹp người Do Thái Liên Xô, thuở thiếu thời bà sống ở Liên Xô, đến tuổi thanh niên thì di cư sang Hoa Kỳ. Bà có mối quan hệ hết sức mật thiết với các gia tộc ngân hàng quốc tế châu Âu và Mỹ. Cuốn Atlas Shrugged của bà được xuất bản năm 1957 có tổng cộng 1.168 trang và lượng phát hành lên tới 80 triệu bản, trở thành cuốn sách có quy mô phát hành lớn thứ hai ở phương Tây chỉ xếp sau Kinh Thánh. Một số người nói rằng “nếu cuốn sách được đặt trên đường ray, tàu có thể bị trật bánh”. Trước khi xuất bản, biên tập viên của Tập đoàn xuất bản Langdon, Hoa Kỳ đã đề nghị cô xóa một số nội dung, Ayn Rand trả lời rằng: “Liệu cô có cắt bớt Kinh Thánh không?” Kết quả là cuốn tiểu thuyết đã được xuất bản mà không thay đổi bất cứ câu chữ nào142, và nó lập tức gây ra một trận động đất tinh thần siêu cấp trong tầng lớp trí thức của Hoa Kỳ. Suốt nửa thế kỷ qua, sự đánh giá đối với cuốn sách này vẫn chưa từng có dấu hiệu nguội lạnh, các quan điểm trái chiều vẫn diễn ra không ngớt.

142 Justin Martin, Greenspan: The Man behind Money, 2000.

Năm 1952, Greenspan khi đó mới chỉ 26 tuổi nhưng đã nổi tiếng khắp nơi, được bạn bè giới thiệu, ông gia nhập vào “Hội hâm mộ Ayn Rand”. Anh chàng Greenspan lúc nào cũng nghiêm túc, phong thái có phần khô khan, vậy mà khi tiếp cận với nhà văn tuyệt sắc giai nhân Ayn Rand, ông hoàn toàn bị chinh phục. Trong suốt hơn tám năm, Greenspan đến chỗ của Ayn Rand gần như mỗi tuần để thảo luận các vấn đề với cô. Có một điều khiến người ta hơi khó hiểu, đó là “Hội hâm mộ Ayn Rand” quan tâm tới các vấn đề triết học và tư tưởng “thượng lưu”, trong khi Greenspan rõ ràng không có điểm gì tương đồng với nhóm này. Ông là một chuyên gia tinh thông về mô hình và thống kê toán học. Greenspan cũng từng đề cập rằng khi còn trẻ ông không có thói quen suy nghĩ vĩ mô, thiếu hứng thú với lý thuyết, chỉ đổ dồn sự phấn khích vào kỹ năng hoặc dữ liệu thực tế. Vậy điều gì khiến ông ấy quan tâm đến Ayn Rand?

Tất nhiên, ai chẳng yêu thích cái đẹp, nhưng động lực của Greenspan dường như không bắt nguồn từ vẻ đẹp của Ayn Rand, bởi lẽ có lần ông còn tác thành cho Ayn Rand với một người bạn của mình để cuối cùng họ trở thành người yêu của nhau.

Hãy thử tưởng tượng một chút, vài giờ thảo luận mỗi tuần trong suốt tám năm liên tiếp, điều này chắc chắn không dễ dàng đối với những người hiện đại vốn rất bận rộn. Ngay cả khi họ sống cùng thành phố với người thân hoặc cha mẹ, hầu hết mọi người không thể tổ chức các cuộc họp hàng tuần, chứ đừng nói đến Greenspan – một người đàn ông hết sức bận rộn. Rõ ràng Greenspan không phải là một tiểu thuyết gia, không phải là một triết gia, cũng chẳng phải là một người quan tâm đến lý thuyết vĩ mô. Ông có thể kiên trì lâu như vậy, chứng tỏ rằng Ayn Rand có một “từ trường tinh thần” siêu cấp, sở hữu sức hấp dẫn phi thường khiến cho Greenspan mê mẩn.

Trên thực tế, điều thu hút Greenspan là tư tưởng và thế giới quan của Ayn Rand – một tâm hồn, một cõi tâm linh mà ông không thể tưởng tượng ra, một sự thăng hoa về mặt trí tuệ giúp ông hiểu lại cơ chế vận hành của nền kinh tế thế giới!

Từ năm 1952 đến 1957 là giai đoạn cao trào Ayn Rand sáng tác nên Atlas Shrugged. Đó cũng là 5 năm mà Greenspan trải qua một sự biến đổi lớn về nhận thức đối với thế giới. Cuốn sách này không chỉ khiến cho Greenspan như bị “chấn động não” vĩnh viễn, mà còn giúp Ayn Rand trở thành bậc thầy tâm linh trọn đời của Greenspan.

Atlas trong Atlas Shrugged là Hercules trong thần thoại Hy Lạp. Một tay cố sức chống giữ bầu trời đang ngả nghiêng, che chở cho tất cả chúng sinh bên dưới, nhưng con người lại không mảy may biết ơn, không dành sự tôn trọng đối với sự cống hiến vô tư của Hercules.143 Chỉ một số ít người ưu tú trên thế giới như vị thần Hercules “một tay chống đỡ bầu trời” – những người có thể thúc đẩy sự phát triển của lịch sử loài người. Họ là nguồn gốc của sự tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, những nhân vật tinh hoa này đã bị xã hội đối xử bất công và không được trao cho đầy đủ quyền lực. Đại đa số những người bình thường không có tư tưởng và linh hồn kia có thể đình công hoặc “giở chứng” bất cứ lúc nào. Vậy nếu một ngày nào đó, giới tinh hoa cũng đình công thì thế giới sẽ ra sao?

143 Ayn Rand, Atlas Shrugged, 50th Anniversary Edition, 1957.

Ayn Rand đưa ra một vấn đề lịch sử quan và thế giới quan với sự sắc nét khác thường: ai là động lực chính của lịch sử? Trong lịch sử nhân loại kéo dài hàng ngàn năm, vấn đề này đã được tranh luận kịch liệt suốt một thời gian dài. Động lực chính cho sự phát triển của lịch sử là quần chúng nhân dân hay nhóm tinh hoa thiểu số?144

144 Rubin Harriet, “Ayn Rand’s Literature of Capitalism”, The New York Times, 2007.

Điểm mấu chốt của tác phẩm này nằm ở chỗ, tiền bạc là động lực quan trọng nhất trong các cơ chế vận hành của xã hội. Tất cả các khía cạnh của xã hội, chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa, nghệ thuật, lịch sử và các khía cạnh khác đều xoay quanh tiền bạc. Ý tưởng của cuốn sách này không phải là thừa nhận bất cứ giá trị đạo đức nào, mà cho rằng tiền bạc là thước đo duy nhất của đạo đức. Khả năng tạo ra của cải của những người có tiền luôn tốt hơn rất nhiều so với những người bình thường, thế nên tất nhiên họ sẽ trở thành kẻ mạnh trong xã hội. Ayn Rand tin rằng để đạt được tiến bộ, xã hội phải khuyến khích kẻ mạnh và không dành sự thông cảm với kẻ yếu.

Quan điểm này rất phù hợp với các phương pháp và ý tưởng cơ bản về sự trỗi dậy của quyền lực tài chính. Nói cách khác, sau hàng ngàn năm bị áp chế, quyền lực tài chính đóng vai trò thống trị xã hội, các chủ ngân hàng quốc tế nắm giữ quyền lực tài chính tất nhiên sẽ trở thành chủ nhân của thế giới. Đồng thời họ sẽ trở thành hình mẫu và hóa thân của đạo đức.

Cuốn sách này được đánh giá rất cao trong tầng lớp thượng lưu của xã hội Mỹ, bởi vì cuốn sách này đã nói thay tiếng nói của chính họ. Việc cuốn sách bán chạy đến mức đó đa phần là do tầng lớp tinh hoa đã kết hợp cùng nhau để quảng bá và tạo thanh thế. Tầng lớp thống trị sẽ sử dụng cuốn sách này để tiến hành một màn tẩy não đạo đức triệt để cho toàn xã hội.

Atlas Shrugged được giới thiệu ở Trung Quốc vào năm 2007, nhưng có rất nhiều người không thực sự hiểu hết ý nghĩa nội hàm của cuốn sách này. Đa phần họ coi nó như một cuốn sách triết học, hay tiểu thuyết, thậm chí có độc giả còn xem như một cuốn sách đại diện cho xu hướng nổi loạn. Trên thực tế, ý nghĩa quan trọng nhất của cuốn sách là nó mô tả một cách sinh động thế giới tinh thần của tầng lớp tinh hoa siêu cấp đang cai trị thế giới. Thông qua việc đọc cuốn sách này, độc giả có thể tiếp cận được linh hồn của “Tập đoàn quyền lực Anglo-America” với nguồn năng lượng khủng khiếp.

AI LÀ BÀN TAY CỦA CHÚA?

Có nhiều người trên thế giới này, nhưng cuối cùng chỉ phân làm hai loại người, một là lãnh đạo người khác và hai là làm theo người khác. Ý nghĩa của điều này là: nếu không làm nhân vật chính, vậy thì bạn sẽ phải làm chân sai vặt.

Khi 26 tuổi, Greenspan nghĩ rằng toàn bộ quy luật vận hành của nền kinh tế thế giới đã có trong “Mô hình Greenspan” của mình. Ông tin chắc rằng, chỉ cần có được các biến lượng chính xác ban đầu, “Mô hình Greenspan” của ông sẽ tính toán được toàn bộ các quy luật vận hành của nền kinh tế, giống như Newton đã làm được trong thế giới cơ học cổ điển.

Nhưng câu hỏi là, ai đặt các biến ban đầu? Đây là một câu hỏi Greenspan chưa bao giờ nghĩ đến trước đây. Theo lời của Newton, bàn tay của Chúa đã đẩy thế giới một cái, và phần còn lại là những gì mà phạm trù cơ học Newton có thể xử lý. Nhưng trong các hoạt động kinh tế thì Chúa là ai? Bàn tay của ai đã đẩy hệ thống kinh tế, ai nắm giữ chìa khóa bộ máy kinh tế? Vấn đề này lần đầu tiên đối mặt trực diện với Greenspan.

Sau khi gặp Ayn Rand, Greenspan lần đầu tiên nhận ra tầm quan trọng của “bàn tay của Chúa”. Chính Ayn Rand là người đã khởi động “trận bão trong não” của Greenspan, và cũng chính Ayn Rand đã giúp ông khám phá ra đáp án cho câu hỏi này.

Trong tiểu sử của mình, Greenspan nhấn mạnh rằng trước khi biết Ayn Rand, ông đã không nhận ra tầm quan trọng của con người trong các hoạt động kinh tế. Khi mối quan hệ với Ayn Rand ngày một sâu sắc, ông đột nhiên tỉnh ngộ và nhận ra rằng nhân tài mới là đối tượng nghiên cứu cần được dành sự quan tâm nhất trong lĩnh vực kinh tế.145

145 Alan Greenspan, The Age of Turbulence, Penguin Group, 2007.

Tất nhiên, người mà Greenspan muốn nói đến không phải là bà già bán kem ở ngoài cổng, cũng không phải ông già đang tập Thái Cực Quyền trên phố. Người mà ông muốn nói đến chính là tầng lớp tinh anh thống trị mà Ayn Rand đã không ngớt lời tán dương.

Chính họ là những người đang quyết định hướng đi của các hoạt động kinh tế. Chính họ thúc đẩy các hoạt động kinh tế. Những gì mà Greenspan thấy trước kia chỉ là tình trạng hoạt động kinh tế và xã hội sau khi họ thúc đẩy. Ông mô tả chính xác trạng thái này, chỉ vậy mà thôi. Trước đây, Greenspan chưa bao giờ chú ý đến việc thiết lập các điều kiện ban đầu. Ai đặt ra những điều kiện ban đầu này? Ai sẽ thúc đẩy nền kinh tế phát triển theo hướng này thay vì đi theo một hướng khác? Ai là động lực ban đầu cho nền kinh tế? Ai là bàn tay của Chúa?

Chính hàng loạt câu hỏi như sét đánh ngang tai này đã dẫn lối để Greenspan đến bên Ayn Rand. Bắt đầu từ năm 26 tuổi, và liên tục trong suốt 8 năm. Loại từ trường bí ẩn và mạnh mẽ đó không phải là triết lý, cũng không phải là một nghệ thuật, càng không phải là tiểu thuyết. Greenspan đang ngày càng tiến gần đến trung tâm của từ trường, và ông muốn biết bàn tay của Chúa sẽ hoạt động như thế nào.

Ayn Rand trở thành ngọn đèn dẫn lối cho Greenspan, hoàn toàn viết lại hành trình cuộc đời của ông. Sự tỉnh ngộ của Greenspan đã đưa ông thoát ra khỏi giới hạn của các mô hình toán học và dữ liệu. Kể từ đó Greenspan đã lưu danh thiên sử.

MỆNH ĐỀ SAI CỦA AYN RAND

Ayn Rand kiên quyết chỉ trích nhiều hình thức chính sách công bằng xã hội và sự can thiệp của chính phủ đối với nền kinh tế. Bà chỉ trích hành vi này là cướp của người giàu và chia cho người nghèo. Bà bày tỏ sự khinh miệt cực độ và kiên quyết phản đối những khái niệm nhấn mạnh sự công bằng xã hội. Bà cho rằng tiền bạc có thể dùng để đo lường năng lực của một người. Chỉ có kẻ mạnh mới có thể tạo ra nhiều của cải và có giá trị lớn hơn cho xã hội, thế nên họ không nên bị trừng phạt. Ở một mức độ rất lớn, hệ thống xã hội hiện tại có khuynh hướng trừng phạt kẻ mạnh và bức ép những người khôn ngoan phải đứng ra giúp đỡ những kẻ vô dụng và yếu đuối. Còn trong mắt Ayn Rand, đây chắc chắn là một tội ác.

Cho dù chính phủ sử dụng bạo lực và cường quyền để cướp bóc của cải do kẻ mạnh tạo ra, hay kẻ yếu khóc lóc và năn nỉ để xin xỏ kẻ mạnh, hay đạo đức xã hội và dư luận xã hội khác gây áp lực lên kẻ mạnh, buộc họ phải cho đi, hoặc dùng đủ mọi cách thức và hành vi để cướp bóc tiền bạc, của cải của kẻ mạnh, những hành vi này là vô cùng sai lầm và lố bịch theo quan điểm của Ayn Rand.

Trong xã hội hiện tại của Trung Quốc, tư tưởng của bà có thể được chứng thực và ủng hộ sâu sắc bởi một số người đang nắm trong tay ưu thế lớn về tài sản và vật chất.

Xét về mặt bản chất, không nên suy diễn lý luận của Ayn Rand là một sai lầm, nó chỉ phản ánh một khuynh hướng mà thôi. Luận bàn về sự đúng-sai phụ thuộc vào việc người quan sát và đánh giá đang đứng ở góc độ nào. Nếu là một thành viên của giới tinh hoa trong xã hội thì rõ ràng bạn sẽ đồng ý với phán đoán và triết lý của Ayn Rand, bạn sẽ ca ngợi cuốn sách của Ayn Rand. Tương tự như vậy, nếu bạn là thành viên của một nhóm yếu thế trong xã hội, với tư cách là những người không sở hữu một lượng lớn của cải vật chất và sống trong sự nghèo đói, tự khắc họ sẽ có thái độ tiêu cực và tẩy chay đối với Ayn Rand. Những người này được Ayn Rand định nghĩa là “không có bản lĩnh, không có năng lực, bẩm sinh đã là một dạng ‘ký sinh trùng’”.

Ayn Rand cũng đưa ra một thách thức độc đáo đối với khái niệm “ký sinh trùng” nêu trên. Quan điểm truyền thống là các nhà tư bản và tư sản mới là những “ký sinh trùng” ăn bám và bóc lột giai cấp vô sản. Tuy nhiên, Ayn Rand đã đưa ra một loạt câu hỏi sắc bén. Giới tinh hoa đã tạo ra nhiều của cải hơn cho xã hội, tại sao họ lại bị buộc tội là ký sinh trùng? Giới tinh hoa mang đến cơ hội việc làm, nhưng tại sao họ lại bị coi là kẻ bóc lột? Giới tinh hoa là động lực đằng sau những phát minh và sáng tạo khác nhau, nhưng tại sao họ bị xã hội đánh giá là những kẻ không làm mà hưởng? Giới tinh hoa biết cách vận hành nền kinh tế xã hội và đang ở một vị trí quan trọng, nhưng tại sao họ lại bị chỉ trích là có quá nhiều quyền lực và thu được lợi ích quá lớn? Nói một cách dễ hiểu, những người này có tiền bạc, kiểm soát được tài sản là vì họ xứng đáng, là vì họ đã nỗ lực nhiều hơn. Còn những người bình thường thì chỉ biết ăn no mặc ấm, không biết dụng tâm tư duy, đạo đức thấp kém, góc nhìn thiển cận, hay oán trời trách người, năng lực có hạn nhưng lại hay đố kị với những người tài giỏi. Do đó, bà đưa ra kết luận rằng, tầng lớp tinh hoa thiểu số trong xã hội là động lực cho sự phát triển lịch sử, trong khi công chúng nói chung chính là loài ký sinh trùng ăn bám.

Quan điểm và ngôn từ của bà thực sự rất có tính kích thích và thách thức.

Không một chính phủ nào công khai ủng hộ quan điểm của Ayn Rand, ngay cả trong một quốc gia với nền chuyên chính tinh anh điển hình như Hoa Kỳ. Khi đối diện với quan niệm đạo đức rằng “quyền lực tài chính là sức mạnh tối thượng” mà Ayn Rand đã thẳng thừng tuyên dương, chính phủ chỉ có thể giữ sự im lặng. Bởi lẽ Hoa Kỳ cũng cần cân nhắc duy trì một quan niệm đạo đức giúp xã hội duy trì sự hài hòa ở vẻ ngoài. Trong bất kỳ xã hội nào, những người thông minh tuyệt đỉnh và những người cực kỳ tài giỏi, xét cho cùng đều thuộc nhóm thiểu số ngự trị trên đỉnh của kim tự tháp, và tuyệt đại đa số những người có năng lực và trí lực tầm thường sẽ cấu thành chủ thể của xã hội. Bất kỳ chính phủ nào cũng hiểu rằng, nếu cứ thẳng thừng ngả theo lập trường của nhóm thiểu số và phản đối lập trường chính trị của nhóm đa số thì chắc chắn sẽ gây ra tác động cực lớn và hỗn loạn trong tư tưởng và quan niệm của xã hội. Do đó, cả chính phủ Mỹ và các phương tiện truyền thông chính thống đều không thể ra mặt ủng hộ quan điểm của Ayn Rand. Vì thế cuộc tranh cãi ngày càng trở nên dữ dội.

Không ít người thuộc tầng lớp trí thức của Mỹ giữ thái độ phản đối quan điểm của Ayn Rand. Ayn Rand cũng không ít lời đả kích nhắm vào họ, cho rằng những người này là đạo đức giả và vô dụng. Đánh giá của Ayn Rand không hoàn toàn sai, nhưng trên thực tế, không một xã hội nào có thể duy trì trạng thái phân lập sắc nét, trắng đen rõ ràng như cô khẳng định. Sự chỉ trích của giới trí thức xuất phát từ thái độ bất phục trước những nhận xét cực đoan của Ayn Rand. Đó có thể là những thành phần giả tạo, muốn phô trương tỏ vẻ, nhưng đa phần là vì quan điểm “quyền lực tài chính là sức mạnh tối thượng” của Ayn Rand đã thách thức giới hạn nhận thức của bản tính con người. Có nghĩa là những giá trị quan cơ bản theo kiểu “rốt cuộc điều gì đúng và điều gì sai” đã bị lật đổ một cách triệt để. Tất nhiên, tầng lớp trí thức – những người luôn coi chuyện thiên hạ thuộc trách nhiệm của mình, sẽ không chịu khoanh tay đứng nhìn. Quan niệm “tiền bạc chính là đạo đức” cũng là điều không thể chấp nhận đối với nhiều người. Nếu dùng tiền bạc làm tiêu chí duy nhất để đánh giá một người có thành công hay không, có giá trị hay không, thì chắc chắn các chủ ngân hàng quốc tế chính là những người có giá trị nhất trong xã hội. Bởi lẽ họ biết cách kiếm tiền, ngoài ra còn kiểm soát các kênh lưu động và nguồn vốn để tạo ra tiền. Rõ ràng họ nên là những người thống trị thế giới.

Vậy còn những người khác thì sao? Lẽ nào số phận của họ sinh ra là để làm nô lệ? Một quan điểm như vậy thật nguy hiểm và đe dọa đến sự ổn định của cấu trúc xã hội tổng thể.

Trên thực tế, việc tiền bạc đại diện cho đạo đức hay tội ác không phải là điều cốt lõi của vấn đề. Mấu chốt ở đây là liệu việc phân phối tiền bạc có hợp lý và công bằng hay không. Tiền bạc đại diện cho của cải, và của cải đại diện cho sự đóng góp chung của giới thượng lưu và công chúng nói chung. Sở dĩ nói xã hội này bất công, xét đến gốc rễ của vấn đề là do hệ thống phân phối tiền bạc. Chế độ tiền tệ không hợp lý sẽ đảm bảo một cách có hệ thống rằng sự phân phối lợi ích bị thiên lệch về phía tầng lớp tinh anh thiểu số. Nó tạo ra một sự bất công nghiêm trọng đối với công chúng nói chung. Đây là căn nguyên của tội ác.

Do đó, điều mà Ayn Rand đưa ra chỉ là một mệnh đề giả. Không cần phải đánh giá xem tiền là tốt đẹp hay xấu xa. Đây không phải là bản chất của vấn đề, bản chất và cốt lõi của vấn đề là làm thế nào để phân phối tiền bạc một cách hợp lý. Ayn Rand đã né tránh cốt lõi của vấn đề bằng những ngôn từ to tát và đầy tính kích thích. Đây chính là đường phân thủy giữa đạo đức và tội ác của sự phân phối của cải không công bằng, phân chia và chiếm hữu của cải không công bằng.

Trong cuốn sách, Ayn Rand đã cố gắng tiến hành biện hộ cho quan niệm về tiền bạc và quan điểm về đạo đức của tầng lớp tinh hoa thiểu số, qua đó khiến cho công chúng nói chung chấp nhận tính hợp lý của việc để tầng lớp tinh hoa cai trị xã hội. Ở Hoa Kỳ, cuốn sách của Ayn Rand được chỉ định là một cuốn sách ngoại khóa mà học sinh tiểu học và trung học phải đọc. Quy định này do ai đưa ra? Tất nhiên là quy định của giới tinh hoa thống trị. Bằng cách kiểm soát các tổ chức giáo dục của Hoa Kỳ và Hiệp hội Giáo viên Hoa Kỳ, bao gồm cả việc lựa chọn sách giáo khoa, giới tinh hoa thống trị đã đưa khái niệm này thẩm thấu một cách có hệ thống vào tư tưởng của thế hệ trẻ Hoa Kỳ. Mỗi trường sẽ chỉ định học sinh thuộc các lứa tuổi khác nhau phải đọc những phiên bản và trích đoạn khác nhau của cuốn Atlas Shrugged. Con số 80 triệu bản không phải là lượng tiêu thụ trên thị trường, mà là thành tích bán hàng của tầng lớp tinh anh trong việc thực thi màn tẩy não triệt để đối với công chúng trong xã hội. Đây mới là nguyên nhân chân thực nhất khiến cho cuốn sách có lượng tiêu thụ khủng khiếp, nhưng lại không được liệt vào danh sách những tác phẩm kinh điển của thế giới.

Ayn Rand đã nói thay tiếng lòng của những người tự nhận mình là chủ nhân của thế giới, là những người được Chúa chọn, là tầng lớp thống trị tất yếu của thế giới, dù đặt ở đâu, nó sẽ khơi dậy sự bất mãn của đa số mọi người. Bởi lẽ nếu chỉ xét về bản chất con người, mọi người dân bình thường luôn theo đuổi một xã hội bình đẳng và chân thiện mỹ, không ai muốn trở thành nô lệ, thế nhưng cuốn sách của Ayn Rand đã công khai thách thức những giá trị cơ bản và giới hạn đạo đức của mọi người. Bà nhấn mạnh và thấm nhuần một sự hợp lý không công bằng, ngoài ra còn liên tục khẳng định tầm quan trọng đặc biệt của tiền bạc và sự giả tạo của đạo đức xã hội. Tất cả những điều này đã gây ra xung đột trực tiếp với trực giác và ý thức thông thường của nhân loại.

NẾU CÁC VỊ THẦN “HERCULES” ĐÌNH CÔNG

Trong cuốn sách, Ayn Rand mô tả rằng để có được quyền lực lớn hơn, giai cấp tinh hoa sẽ âm thầm lên kế hoạch một cách cẩn thận và dài hạn cho một cuộc khủng hoảng hệ thống có quy mô lớn. Đó như một cuộc “đình công tập thể của các vị thần Hercules”.146 Trong một khoảng thời gian nhất định, tất cả các thành phần ưu tú trong xã hội, như chủ tịch của ngành ngân hàng, ông chủ của ngành vận tải đường sắt, đại gia dầu mỏ, ông vua luyện kim và các gia tộc khai thác khoáng sản có cơ nghiệp kéo dài hàng trăm năm, kết hợp cùng các chính trị gia, nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà phát minh nổi tiếng, v.v., nghĩa là tất cả các bộ phận quan trọng kiểm soát hoạt động của toàn bộ bộ máy kinh tế và xã hội và giới cầm quyền cốt lõi đã thiết kế và vận hành cỗ máy khổng lồ này sẽ đột nhiên biến mất mà không hề báo trước. Theo các bước và thời gian biểu định sẵn, họ sẽ tách ra khỏi các bộ phận chính của xã hội và ẩn trong núi rừng, sống tiêu dao qua ngày. Vậy lúc này, điều gì sẽ xảy ra đối với thế giới hồng trần vẩn đục do quần chúng phổ thông làm đại diện – thế giới mà tầng lớp tinh anh kia đã ruồng bỏ và trừng phạt?

146 Ayn Rand, Atlas Shrugged, 50th Anniversary Edition, 1957.

Trong thiết kế của Ayn Rand, khi tầng lớp tinh anh này rút khỏi các bộ phận chủ chốt khác nhau, họ sẽ cố tình áp dụng cách tiếp cận “tự hủy diệt chính mình”. Nhân vật chính trong tiểu thuyết là một chủ mỏ đồng tự ra tay phá hủy cơ nghiệp mà gia tộc để lại suốt hàng thế kỷ. Sau khi anh ta phá hủy mỏ đồng, đừng hòng có ai đào được một cân đồng từ trong đống đổ nát của khu mỏ. Khi công ty đường sắt rút khỏi, họ sẽ phá hủy toàn bộ tuyến đường sắt mà biết bao thế hệ phải dày công xây dựng. Khi các ngân hàng rút tiền, nó sẽ dẫn đến tê liệt toàn bộ hệ thống tài chính xã hội. Hệ thống kinh tế của Hoa Kỳ đã sụp đổ và xã hội dần rơi vào tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng. Ngọn lửa của nền văn minh sẽ lụi dần cho đến khi nó tắt ngấm. Khi thế giới đang chìm trong đen tối và hỗn loạn, tất cả công chúng sẽ nhận ra rằng họ chẳng thể làm gì nếu không có tầng lớp tinh anh. Lựa chọn duy nhất là cầu xin tầng lớp tinh anh “xuất núi” và giải cứu thế giới. Tầng lớp tinh anh đưa ra các điều kiện rằng, họ phải có quyền lực hơn, phải kiểm soát xã hội và xã hội phải vận hành theo ý tưởng của họ. Tóm lại, tầng lớp tinh anh phải đạt được mục đích cuối cùng là độc quyền tất cả các nguồn lực xã hội.

Nếu so sánh thời loạn thế được mô tả trong cuốn sách với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, chúng ta sẽ thấy mức độ tương đồng rất cao giữa chúng. Lẽ nào sự phân rã của các thực thể kinh tế và sự sụp đổ của hệ thống tài chính thực sự chỉ mang tính tự phát và không thể tránh khỏi? Liệu có phải là giới tinh hoa đang đình công? Liệu có phải tập đoàn quyền lực Anglo-America đã lên kế hoạch cho cuộc khủng hoảng này để giành quyền kiểm soát xã hội và có quyền lực lớn hơn trên thế giới?

Theo quan điểm của Roosevelt, chẳng có sự cố chính trị nào xảy ra hoàn toàn ngẫu nhiên mà không có kế hoạch từ trước. Phía sau mọi sự kiện chính trị đều là những kế hoạch đã được toan tính cẩn thận. Các sự kiện chính trị là như thế. Vậy các sự kiện kinh tế và những thay đổi lớn trong hệ thống tài chính có phải là ngẫu nhiên không? Nếu không thì đằng sau những sự kiện này ắt phải có những âm mưu quan trọng và kế hoạch nghiêm ngặt.

Tầng lớp tinh anh với Ayn Rand là người phát ngôn luôn cho rằng bản thân họ sở hữu IQ và năng lực vượt xa “người phàm”. Họ tin rằng mình là những người được Thượng đế lựa chọn, là nhóm người từ khi sinh ra đã hết sức đặc biệt. Còn những “thường nhân” khác, tức là những “kẻ ngoại bang” được nhắc đến trong Kinh Thánh thì phải quy phục trước số mệnh vô vọng, chấp nhận và phục tùng sự quản lý của những người được Thượng đế lựa chọn.

Theo tuyên bố này, những “kẻ ngoại bang” sẽ không bao giờ trở thành người được Thượng đế lựa chọn. Chúng ta chấp nhận khái niệm và hình thái ý thức này mà không mảy may nghi ngờ, chấp nhận thuận làm kiếp nô lệ, chấp nhận bị quản lý bằng các quy tắc mà tầng lớp tinh anh Anglo-America đã thiết kế ra mà không còn sự lựa chọn nào khác. Dưới vỏ bọc của cái gọi là tự do dân chủ chính trị, những khác biệt thâm căn cố đế trong tín ngưỡng tinh thần không thể được hòa giải. Giới tinh anh cho phép “người phàm” tham gia. Đây hoàn toàn không phải là một trò chơi bình đẳng, cũng không phải là một cuộc sống bình đẳng, vậy còn nói gì đến một xã hội bình đẳng đây?

Khi đọc Atlas Shrugged, bạn sẽ có nhận thức sâu sắc hơn về một hình thái xã hội tuyệt đối khách quan, lý tính nhưng cũng cực kỳ tuyệt vọng đó. Bạn có thể hiểu tại sao những người này lại luôn tự coi bản thân là kẻ thống trị. Tại sao họ lại nghĩ như vậy, tại sao họ lại làm điều đó. Khi bạn vén bức màn của sự hiểu biết này, tất cả các cuộc chiến tranh, đảo chính và bất ổn xã hội trên thế giới ngày nay – đều sẽ biến thành một cảnh tượng khác ngay trước mắt bạn.

Chúng ta có cần nhìn thế giới bằng một “con mắt khác” và nhìn vào sự thật đằng sau bức màn từ một góc độ khác không? Liệu chúng ta có tiếp tục chấp nhận thông điệp từ các phương tiện truyền thông chính thống phương Tây mà không mảy may nghi ngờ gì?

Ai đang nắm trong tay các phương tiện truyền thông quốc tế? Vẫn là các chủ ngân hàng quốc tế. Giả dụ những người này dùng những cách thức đấu trí đấu dũng trong giới tình báo giữa KGB và CIA để áp dụng vào truyền thông đại chúng, thì trong những “thông tin thực tế” kia, có bao nhiêu phần trăm đã bị bóp méo nghiêm trọng, có bao nhiêu phần trăm là đạo cụ của những bậc thầy phù thủy?

Làm thế nào chúng ta có thể nhìn thấy sự thật, làm thế nào chúng ta hiểu được trạng thái thực sự của thế giới? Đây là một vấn đề hệ trọng mà mọi thành viên có khả năng tư duy độc lập trong xã hội đều phải đối mặt và suy nghĩ một cách nghiêm túc.

VÀNG: LOẠI TIỀN TỆ LÝ TƯỞNG CHO TẦNG LỚP TINH ANH

Trong câu chuyện của Ayn Rand, khi những người thuộc tầng lớp tinh hoa lặng lẽ “đình công” và rút khỏi tất cả các vị trí quan trọng trong xã hội, họ đã cùng nhau trốn trong một vùng đất thuần khiết của dãy núi Colorado, sẵn sàng xây dựng lại một vương quốc thiên đường. Ở nơi “thế ngoại đào nguyên” này, điều thú vị nhất là loại tiền mà họ sử dụng không phải là đô-la, cũng không phải là một loại tiền giấy, mà là một loại tiền làm từ vàng thật. Trên thực tế, cho dù là sự cắt nghĩa đối với vàng mà Greenspan đề cập trong cuốn sách Vàng và tự do kinh tế,147 việc gia tộc Rothschild kiểm soát quyền định giá đối với vàng trong gần một trăm năm, hay là sự thao túng âm thầm của các ngân hàng trung ương siêu cấp trên thế giới đối với vàng, không ai là không công nhận sự hứng thú đặc biệt của các chủ ngân hàng quốc tế đối với vàng.

147 Alan Greenspan, Gold and Economic Freedom, The Objectivist 5, July 1966.

Vàng chiếm một vị trí “tối cao vô thượng” trong tâm trí của các chủ ngân hàng quốc tế. Điều này giải thích tại sao những người này lại nắm giữ vàng chặt chẽ đến vậy, không những thế họ còn tẩy não người khác, khiến mọi người ở các quốc gia khác nghĩ rằng vàng không quan trọng. Bằng cách diễn giải có phần mờ ám và quanh co, cuốn sách này đưa ra một câu trả lời rõ ràng.

Trong Atlas Shrugged, Francisco là linh hồn của toàn bộ câu chuyện. Khi giải thích tiền là gì và sự giàu có là gì, anh ta liên tục đưa ra một tiêu chí quan trọng, tiền phải dựa trên giá trị tiêu chuẩn.Giá trị này phải có ý nghĩa thực sự như một thước đo khách quan về hoạt động kinh tế. Nó bắt buộc phải là một loại hàng hóa, chẳng hạn như một đơn vị vàng. Vàng là một phương tiện lưu trữ của cải và giá trị, nó phản ánh chính xác giá trị của các hàng hóa và dịch vụ khác nhau.

Với Francisco, tiêu chuẩn giá trị của tiền bạc đang bị xói mòn bởi lạm phát. Ông tin rằng sự mất giá tiền tệ chủ yếu là do con người đã dùng tiền giấy để thay thế cho vàng, và đó cũng là nguyên nhân cốt yếu dẫn đến sự suy đồi về đạo đức xã hội.148 Do đó, trong mắt tầng lớp tinh anh trên thế giới và các chủ ngân hàng quốc tế, vàng là một loại tiền tệ trung thực. Nó khách quan, công bằng và không lừa đảo, là một sự đảm bảo trang nghiêm và không giả dối khi thực hiện các giao dịch trong xã hội. Nó đại diện cho mọi của cải mà bạn sở hữu trong hôm nay có thể đổi lấy hàng hóa và dịch vụ tương đương trong ngày mai, năm sau và trong cả tương lai xa hơn nữa.

148 Ayn Rand, Atlas Shrugged, 50th Anniversary Edition, 1957.

Francisco tin rằng vàng đóng một vai trò lưu trữ của cải, là một thước đo công bằng và hợp lý trong toàn bộ hệ thống tiền tệ. Ngược lại, một hệ thống tiền tệ hợp lý trên thực tế là một hệ thống phân phối của cải xã hội. Liệu nó có công bằng và hợp lý hay không, quyết định ở mức độ đạo đức và luân lý của toàn xã hội. Một hệ thống tiền tệ hợp lý sẽ mang lại sự công bằng xã hội và đối xử bình đẳng cho những người làm việc siêng năng, chăm chỉ để tạo ra của cải, giỏi tiết kiệm và tích lũy. Những kẻ đầu cơ trục lợi, gian manh xảo trá sẽ phải chịu sự ngăn chặn và hạn chế từ hệ thống tiền tệ hết sức hợp lý này. Do đó, một hệ thống tiền tệ hợp lý là nền tảng quan trọng cấu thành nên đạo đức xã hội.

Hệ thống tiền tệ sẽ quyết định phương thức phân phối của cải, thế nên cuối cùng nó cũng sẽ quyết định giới hạn của đạo đức xã hội. Một hệ thống tiền tệ hợp lý có thể kích thích tạo ra của cải và kiềm chế đầu cơ. Ngược lại, một hệ thống tiền tệ vô lý khuyến khích đầu cơ sẽ ngăn chặn việc tạo ra của cải thực sự và làm tan rã giới hạn đạo đức xã hội, hệ thống luân lý sẽ sụp đổ và nền văn minh xã hội chắc chắn sẽ ngày càng mờ nhạt và lụi tàn. Từ quan điểm của Francisco – nhân vật đại diện cho các chủ ngân hàng quốc tế, một hệ thống tiền tệ không hợp lý chính là một âm mưu và thủ đoạn để cướp sạch của cải trong xã hội.

Bài viết năm 1966 của Greenspan với tựa đề Luận về tự do kinh tế đã thể hiện những ý tưởng của ông hoàn toàn ăn khớp với quan điểm và lý luận bên trong nhân vật Francisco. Greenspan cũng chỉ ra sự chán ghét của Francisco với tiền tệ mất giá và lạm phát. Rõ ràng có thể thấy, quần thể của họ đã cùng nhau lên tiếng phản đối chính sách nới lỏng tiền tệ, phản đối hệ thống tiền tệ pháp định và tin tưởng rằng Chính phủ Hoa Kỳ, Cục Dự trữ Liên bang… không nên can thiệp vào các hoạt động kinh tế. Họ là những người phát ngôn kiên định của nền kinh tế Chủ nghĩa Tư bản theo phương hướng tự do và buông lỏng triệt để.

Điều này khiến cho chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi nghi vấn. Greenspan đã 40 tuổi khi ông xuất bản bài viết này vào năm 1966, quan điểm cá nhân, giá trị quan và thế giới quan của ông từ lâu đã được định hình. Tuy nhiên, khi ngồi vào vị trí Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang, ông đã buông tay phó mặc đồng đô-la, nới lỏng chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ trong một khoảng thời gian siêu dài, dẫn đến cơn sóng thần tài chính càn quét khắp thế giới. Rốt cuộc Greenspan đang nghĩ gì? Những hành động thực tế của ông hoàn toàn khác biệt với niềm tin của chính ông.

Những lời nói và hành động của Greenspan trong việc ra quyết định và thực thi chính sách tiền tệ không ăn nhập với niềm tin và sự kiên định nhất quán của ông, khiến chúng ta càng có thêm lý do để đặt câu hỏi về cuộc khủng hoảng tài chính cuối năm 2008. Greenspan thực sự không nhận ra cuộc khủng hoảng kinh tế đang đến? Năm 1957, Greenspan đã dự đoán được cuộc khủng hoảng kinh tế 1958 trước sáu tháng. Khi tư vấn cho các doanh nghiệp sắt thép của Mỹ, ông dự đoán chính xác khủng hoảng kinh tế sắp xuất hiện. Nhưng năm 2002, khi thực thi chính sách nới lỏng tiền tệ, quyết định bơm một lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế, ông lại hoàn toàn không hay biết rằng bong bóng bất động sản đang ngày một phình to. Lẽ nào ông thực sự không nhìn thấy một cơn bão khủng khiếp sắp ập tới, cuối cùng sẽ dẫn đến một thảm họa tài chính?

Cho đến đầu năm 2007, Greenspan vẫn phát biểu rằng cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn sẽ không gây ra vấn đề gì đáng ngại.149 Nếu như khả năng ra quyết sách của ông tệ đến như vậy thì chắc chắn ông đã không phải là Greenspan rồi.

149 William A. Fleckenstein and Frederick Sheehan, Greenspan’s Bubbles: The Age of Ignorance at the Federal Reserve, 2008.

Liệu có tồn tại một khả năng rằng, Greenspan đang cố ý phá hủy giá trị của đồng đô-la, phá hủy tín dụng đồng đô-la và phá hủy cơ sở sinh tồn của đồng đô-la? Xin lưu ý rằng, sự sụp đổ của đồng đô-la không có nghĩa là Hoa Kỳ sụp đổ. Ngược lại, sau khi “xù” được tất cả các khoản nợ bằng đồng đô-la, Hoa Kỳ sẽ càng trở nên nhẹ gánh. Dựa trên sức mạnh quân sự, khả năng đổi mới khoa học – công nghệ và nguồn lực dồi dào, Hoa Kỳ có thể thông qua cái gọi là “bảo hộ phá sản” để rũ bỏ mọi vướng mắc nợ nần và thay đổi quy tắc trò chơi tiền tệ thế giới. Cuối cùng, Hoa Kỳ sẽ lấy ra 8.100 tấn vàng dự trữ và 3.400 tấn vàng từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Lúc này, để “giải cứu tín dụng tiền tệ”, Hoa Kỳ sẽ buộc lòng phải gắn kết giữa vàng và loại “tiền tệ mới” để níu giữ lòng tin của thế giới. Tất nhiên, các quốc gia thiếu lượng dự trữ vàng trên thế giới sẽ là những kẻ thua cuộc lớn nhất. Đến lúc đó, ngoài một “chuỗi nợ” ra thì đồng đô-la sẽ chẳng mất gì, và thứ mà nó đạt được đó sẽ là một thế giới mới lấp lánh ánh vàng.

Chúng ta sẽ giẫm lên vết xe đổ của cuộc siêu lạm phát ở Đức năm 1923 ư? Nếu đúng như vậy, thì việc một số lượng rất nhỏ người bắt đầu bán khống đồng đô-la với quy mô lớn chính là một tín hiệu cực kỳ nguy hiểm.

ĐỒNG ĐÔ-LA VÀ “HỒ NỢ NẦN”

Đồng đô-la không thể giải quyết vấn đề, bởi chính đồng đô-la mới là vấn đề

Nếu chúng ta coi một quốc gia là một công ty, thì quốc gia đó cũng có bảng cân đối kế toán riêng. Trong mục “tài sản” của bảng cân đối kế toán này là toàn bộ của cải của quốc gia đó, nghĩa là các loại hàng hóa và dịch vụ khác nhau được tạo ra bởi lao động. Trong mục “các khoản nợ” là “biên lai” của những thành quả lao động này, tức là tiền tệ. Tiền tệ không phải là bản thân của cải, mà chỉ đơn thuần là “quyền đòi hỏi” đối với của cải và “quyền phân phối” của cải.

Bảng cân đối kế toán xã hội

Nếu nói rằng các bộ phận chủ yếu của nền kinh tế thực thể của xã hội chủ yếu là đang “làm bánh ngọt”, vậy thì vai trò cốt lõi của hệ thống tiền tệ là “cắt bánh ngọt”. Hệ thống tiền tệ sẽ xác định định hướng giá trị của việc phân phối của cải xã hội, từ đó cấu thành nên hệ thống thưởng-phạt của xã hội đối với những người tạo ra của cải và những người sở hữu của cải. Tác dụng mà một hệ thống tiền tệ hợp lý có thể mang lại chính là “thưởng chăm, phạt lười”. Miễn là chúng ta làm việc chăm chỉ để tạo ra của cải và trung thực tiết kiệm thành quả lao động, hành vi đó sẽ nhận được sự bảo vệ mang tính chế độ và sự tưởng thưởng mang tính hệ thống, qua đó khuyến khích mọi người tạo ra nhiều của cải hơn và tận hưởng sự phân phối thành quả công bằng. Ngược lại, một hệ thống xã hội không hợp lý chắc chắn sẽ tạo ra hiệu ứng “thưởng lười, phạt chăm”. Nó sẽ kích thích hành vi đầu cơ và đánh cược, làm sai lệch nghiêm trọng cơ chế phân phối của cải trong xã hội, trừng phạt những người đang tạo ra của cải một cách trung thực và bóc lột tàn nhẫn những người đang chăm chỉ tích lũy của cải. Nếu bạn có thể kiếm bội tiền bằng cách chơi cổ phiếu, vậy thì tại sao mọi người phải làm việc chăm chỉ? Nếu tất cả mọi người có thể dễ dàng thu được lợi nhuận khổng lồ trên thị trường tài chính, vậy ai sẽ làm việc chăm chỉ trong nền kinh tế thực? Sự dối trá lừa lọc, tranh thủ vụ lợi ngày một gia tăng, còn sự cần kiệm làm ăn, gian khổ phấn đấu thì ngày một suy bại. Bầu không khí sục sôi sáng tạo nên của cải trong toàn xã hội sẽ bị xói mòn nghiêm trọng, cuối cùng khiến cho quốc gia và thậm chí cả nền văn minh sẽ lụi tàn. Nhà tiền tệ học trứ danh Franz Pique có một câu nói nổi tiếng: “Vận mệnh của tiền cuối cùng sẽ trở thành vận mệnh của đất nước.”

Hệ thống tiền tệ là nền tảng của một xã hội và thậm chí là nền tảng đạo đức của nền văn minh. Xét từ quan điểm này, Greenspan và những người khác từ lâu đã hiểu thấu đáo một hệ thống tiền tệ trung thực có ý nghĩa gì đối với nền văn minh của loài người. Đây cũng là lý do tại sao cuối cùng họ sẽ từ bỏ hệ thống đồng đô-la vốn đang nợ nần chồng chất và có trăm ngàn kẽ hở về mặt đạo đức.

Cuộc khủng hoảng tài chính càn quét toàn cầu rõ ràng không phải là hậu quả của một loạt sự ngẫu nhiên và tình cờ, mà là một màn “tổng thanh toán” liên quan đến sự mất cân bằng nghiêm trọng trong kết cấu kinh tế trên phạm vi toàn cầu đã được trù liệu từ lâu. Yếu tố quan trọng nhất góp phần tạo nên cục diện biến dạng nghiêm trọng hiếm có của cấu trúc kinh tế trong lịch sử thế giới là việc phát hành quá mức đồng đô-la kể từ khi hệ thống Bretton Woods bị giải thể năm 1971. Xu hướng phình to một cách tràn lan, bừa bãi của đồng đô-la đã dần dần thu thập thêm các yếu tố rủi ro tiềm ẩn khác nhau trong nền kinh tế thế giới. Trải qua quá trình suy thoái một cách chậm rãi suốt 30 năm, chắc chắn sẽ đi đến trạng thái không thể tiếp tục được nữa, và cuộc khủng hoảng cuối cùng đã xảy ra.

Bản chất của cuộc khủng hoảng này là một cuộc khủng hoảng lớn trong hệ thống đồng đô-la. Nó khác với cuộc suy thoái kinh tế những năm 30 của thế kỷ XX. Cho dù cuộc khủng hoảng này hạ màn như thế nào, thế giới sẽ không bao giờ trở lại với cục diện xưa cũ. Từ mô hình phát triển kinh tế thế giới đến sự phân công thương mại quốc tế, từ cơ chế tiền tệ toàn cầu đến sự tái thiết thị trường tài chính, từ cán cân quan hệ quốc tế đến bản đồ địa chính trị, từ cuộc Cách mạng năng lượng mới đến sự ra đời của kỷ nguyên xanh, tác động của cuộc khủng hoảng tài chính này đối với cục diện của thế giới hiện tại sẽ không kém gì một cuộc thế chiến.

Năm 1971, Hoa Kỳ đơn phương bãi bỏ hệ thống Bretton Woods. Kể từ đó, việc phát hành đồng đô-la đã không chịu sự ràng buộc cứng nhắc của vàng, cũng như sự “giám sát mềm” của các tổ chức quốc tế. Hoa Kỳ bắt đầu buông lỏng việc phát hành đồng đô-la, tận dụng địa vị đặc quyền là nơi dự trữ của thế giới và tiền tệ thanh toán, để tận hưởng những lợi ích đáng kinh ngạc của việc trưng thu “thuế phát hành tiền” đối với thế giới.

Kể từ năm 1959, sự lưu thông của đồng đô-la đã tiếp tục vượt qua tốc độ tăng trưởng GDP của nền kinh tế thực thể Hoa Kỳ. Hành vi phát hành quá mức đồng đô-la đã bước vào giai đoạn tăng vọt mới từ sau năm 1997. Ở một mức độ nào đó, khoảng cách giữa hai đường đồ thị trong hình đã phản ánh lượng “thuế phát hành tiền” mà Hoa Kỳ đã áp đặt và trưng thu đối với toàn thế giới thông qua việc phát hành đô-la quá mức trong nhiều thập kỷ. Cụ thể, năm 1971, Hoa Kỳ đơn phương bãi bỏ hệ thống Bretton Woods. Đây là hành động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế về đồng đô-la. Hệ thống Bretton Woods là một công ước quốc tế có sự ràng buộc pháp lý do các nước lớn trên thế giới cùng ký kết. Chính phủ Mỹ đột nhiên bãi bỏ sự liên kết giữa đồng đô-la và vàng mà không cần tham khảo ý kiến của bất kỳ ai. Điều này tương đương với một hành vi “xù nợ” nghiêm trọng của đồng đô-la. Vì đồng đô-la từng vi phạm công ước quốc tế như vậy, nên trong tương lai việc nó tiếp tục đột nhiên vi phạm công ước quốc tế và xù nợ như vậy cũng là điều có thể tưởng tượng được.

Nếu nói rằng quyền lực tuyệt đối chắc chắn sẽ dẫn đến sự hủ bại tuyệt đối, vậy thì điều tương tự cũng áp dụng cho đồng đô-la. Trong khi đặc quyền của đồng đô-la đã mang lại lợi ích to lớn cho Hoa Kỳ, tác động tiêu cực mà nó mang lại cũng ngày càng tăng.

Một mặt, bằng cách cứ in đô-la là có thể tận hưởng thành quả lao động của người khác, hành vi không làm mà hưởng này chẳng khác gì nghiện ma túy. Nó dần dần làm tan rã tinh thần Thanh giáo và hệ thống đạo đức xã hội đề cao sự cần kiệm khắc khổ mà Hoa Kỳ đã tuân thủ kể từ khi lập quốc, đi ngược lại với tinh thần cần cù sáng tạo nên của cải trong “Giấc mơ Mỹ”, thúc đẩy và dung túng cho các quan niệm tiêu cực trong toàn xã hội như khuyến khích sự đầu cơ, sùng bái sự xa xỉ, tiêu dùng phóng túng, tự bành trướng, làm xói mòn lòng nhiệt tình tạo ra của cải của thế hệ xã hội mới, từng bước làm cạn dần lượng của cải xã hội mà Hoa Kỳ đã tích lũy được trong suốt 200 năm qua.

Lượng tồn tiền tệ và GDP thực sự của Mỹ

Mặt khác, trong quá trình xuất khẩu đồng đô-la để đổi lấy hàng hóa trên thế giới, chắc chắn sẽ tích lũy một số lượng lớn thâm hụt và nợ phải trả. Quy mô nợ và chi phí lãi vay ngày càng lớn về bản chất sẽ làm suy yếu sức mạnh quốc gia của Hoa Kỳ. Để bù đắp thâm hụt, họ buộc phải mở rộng quy mô in tiền, từ đó dẫn đến sự phân phối tài sản xã hội ngày càng không đồng đều. Áp lực nợ của tầng lớp trung lưu tăng lên theo từng năm, trong khi mức thu nhập lại thấp hơn nhiều, tình hình tài chính của các gia đình ngày càng mong manh và cuộc khủng hoảng thanh toán nghiễm nhiên sẽ hình thành.

Bảng so sánh nợ và thu nhập quốc dân của Mỹ

(Nguồn: Cục phân tích kinh tế Hoa Kỳ)

Chính việc phát hành quá mức đồng đô-la đã gây ra những biến dạng nghiêm trọng trong cấu trúc của nền kinh tế toàn cầu. Nếu không có một hệ thống đô-la bất hợp lý đứng ra chống đỡ, cục diện mất cân bằng cực đoan giữa nợ và tiêu dùng quá mức ở Hoa Kỳ, giữa sản xuất và tích trữ quá mức ở các nước mới nổi sẽ không thể duy trì. Chưa có quốc gia nào có thể liên tục thâm hụt thương mại và thâm hụt tài khóa suốt hơn 30 năm như Mỹ. Dưới áp lực nợ nặng nề, thế nhưng nền kinh tế quốc gia vẫn không bị sụp đổ một cách có hệ thống. Nguyên nhân sâu xa là sau khi đồng đô-la tách khỏi sự liên kết với vàng, trên thực tế Hoa Kỳ không cần phải làm việc vất vả để trả nợ, chỉ cần khởi động cỗ máy in tiền là họ có thể giảm đáng kể áp lực nợ và san đều hậu quả của lạm phát ra toàn thế giới. Sự phi lý, suy thoái và bất công của một hệ thống tiền tệ như vậy có thể nói là chưa từng có trong lịch sử thế giới.

Mặc dù vậy, hệ thống đồng đô-la vẫn khó có thể tồn tại mãi mãi.

Đến năm 2008, tổng quy mô của trái phiếu Kho bạc Hoa Kỳ, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu tài chính và nợ tư nhân đạt 57 nghìn tỷ đô-la. Trong những năm gần đây, con số đó tăng 7 - 8% mỗi năm. Cách lấy lãi trả lãi ngày càng tăng thêm, trong khi đó GDP và thu nhập bình quân của Hoa Kỳ mỗi năm chỉ tăng khoảng 3%. Do tốc độ tăng nợ luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân thu nhập quốc dân, từ năm 1980, tỷ trọng tổng nợ của Mỹ (không chỉ nợ quốc gia) so với GDP liên tục tăng trong suốt 30 năm, từ 163% lên 370% hiện nay. Do hiệu ứng của phương thức lấy lãi trả lãi, quy mô gia tăng tổng nợ của Mỹ sẽ ngày càng trở nên khủng khiếp hơn trong tương lai. Hiện tại, tổng số nợ của Hoa Kỳ đã hình thành nên một “hồ nợ nần” nguy hiểm.

Kể từ khi đồng đô-la tách khỏi sự liên kết với vàng năm 1971, tổng nợ của Mỹ đã tăng trung bình 6%, kể từ năm 2000 thì luôn chạm mức 7-8%. Nếu chúng ta tính toán với tỷ lệ lạc quan nhất là 6%, thì sau 41 năm, tổng số nợ của Hoa Kỳ sẽ đạt tới con số kinh hoàng: 621,5 nghìn tỷ đô-la! Thu nhập quốc dân Mỹ với quy mô hiện tại khoảng 11 nghìn tỷ đô-la, với tốc độ tăng trưởng trong dài hạn là 3%/năm, vậy thì sau 41 năm cũng chỉ đạt mức 37 nghìn tỷ đô-la. Nếu khối nợ là 621,5 nghìn tỷ đô-la, chi phí lãi vay trung bình là 6%, vậy chi phí lãi vay sẽ cao tới 37,3 nghìn tỷ đô-la.

Nói cách khác, năm 2051 sẽ là một năm rất quan trọng, đến thời điểm đó, tổng số tiền lãi phải trả cho tất cả các khoản nợ của Hoa Kỳ sẽ vượt quá tổng thu nhập quốc dân của Hoa Kỳ, điều đó có nghĩa là nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ hoàn toàn phá sản!

Những khoản nợ này không bao gồm các khoản nợ tiềm ẩn hiện tại của bảo hiểm y tế và quỹ an sinh xã hội lên tới hơn 100 nghìn tỷ đô-la.

Xã hội Mỹ đang ở vào trạng thái vận hành trên đòn bẩy rất cao. Toàn bộ nền kinh tế quốc gia cuối cùng sẽ không thể chịu được áp lực nợ cả gốc và lãi trầm trọng đến như vậy, điều đó sẽ dẫn đến sự sụp đổ cuối cùng.

Do đó, một cuộc khủng hoảng đồng đô-la không phải là vấn đề có xảy ra hay không, bởi nó chỉ là vấn đề thời gian. Khả năng cao là khi “đáo hạn” vào năm 2051 thì sự sụp đổ của đồng đô-la đã xảy ra từ trước đó rồi. Có lẽ, cơn sóng thần tài chính năm 2008 là khởi đầu cho sự tan rã của đồng đô-la.

TƯƠNG LAI CỦA NỀN KINH TẾ THẾ GIỚI: 14 NĂM ĐẠI SUY THOÁI TIÊU DÙNG

Điều chúng ta cần chú ý không phải là những gì đã xảy ra trong cơn sóng thần tài chính, mà là những gì sẽ xảy ra trên thế giới sau thảm họa tài chính.

Đánh giá từ xu hướng cơ bản hiện tại của nền kinh tế, tâm lý hoảng loạn do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra dường như đã tạm thời lắng xuống, và ánh sáng hy vọng cho sự phục hồi kinh tế dường như đang ở ngay trước mắt. Kể từ năm 2009, thị trường chứng khoán thế giới đã có một sự hồi phục bất ngờ. Rốt cuộc đây là khởi đầu mới cho sự tăng giá của thị trường bò,150 hay nó là dấu hiệu cho thấy sự mất giá khủng khiếp sắp xảy ra trên thị trường gấu? Nền kinh tế thế giới thực sự sắp phục hồi rồi sao?

150 Thị trường bò và gấu là hai xu hướng khác nhau trong thị trường chứng khoán.Bò là dự kiến sẽ có sự tăng giá trên thị trường chứng khoán và có xu hướng lạc quan. Gấu là dự kiến thị trường chứng khoán sẽ suy giảm và có xu hướng bi quan trong tương lai. (ND)

Sự sụt giảm trên thị trường chứng khoán Mỹ năm 1929 chỉ là bước khởi đầu cho cuộc Đại suy thoái. Năm 1930, thị trường chứng khoán Mỹ xuất hiện một đợt mất giá rất giống với trạng thái của thị trường gấu, khiến cho ai nấy đều nhen nhóm một niềm hy vọng hết sức mãnh liệt. Tuy nhiên, điều tiếp theo ập đến lại là một cuộc khủng hoảng tài chính với quy mô lớn hơn vào năm 1931, nó đã đánh sập hoàn toàn niềm tin trên thị trường tài chính và gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài hàng thập kỷ.

Greenspan từng mô tả cơn sóng thần tài chính này là “trăm năm có một”. Tất nhiên, hẳn là không có sự chuyển biến nào trong tâm trí của ông khi cuộc khủng hoảng diễn ra. Từ suy nghĩ hoàn toàn coi nhẹ nguy cơ khủng hoảng tài chính, để có “một bước nhảy vọt trong nhận thức”, cuộc khủng hoảng sẽ nghiêm trọng hơn năm 1929.

Trên thực tế, có lẽ nhiều người sẽ thấy rằng triển vọng kinh tế thế giới trong tương lai là rất bi quan. Kỳ thực, sự suy thoái kinh tế trong những năm 30 của thế kỷ XX không còn xa với thế giới ngày nay. Mọi người luôn cho rằng thế giới ngày nay đã có sự thay đổi không thể nói rõ về bản chất so với lịch sử quá khứ. Con người dường như đã bước lên đỉnh cao thịnh vượng vĩnh viễn. Mọi cuộc suy thoái đến rất nhanh và mọi sự phục hồi cũng nhanh không kém. Các ngân hàng trung ương dường như đã tìm ra những loại “linh đơn diệu dược” để tránh cuộc Đại suy thoái. Các chính sách tiền tệ có thể tạo ra của cải theo kiểu “từ không thành có” và ngăn chặn sự lây lan của các cuộc khủng hoảng. Các chính phủ tin rằng chính sách tài chính có thể giúp nền kinh tế xoay chuyển tình thế và đạt được sự thịnh vượng vĩnh viễn như mong muốn. Nếu nói rằng quả thực nền kinh tế tồn tại những quy luật nội hàm, vậy thì nhân lực buộc phải chuyển đổi vai trò để thuận theo xu hướng đó, nhận thức được quy luật và lèo lái một cách linh hoạt – đây là điều rất đỗi quan trọng đối với các nhà đầu tư.

Chỉ số sinh của người di cư sau khi điều chỉnh

Nguồn: Cục thống kê lao động Hoa Kỳ

Sau khi trải nghiệm màn trượt suối thác cực kỳ kích thích và mạo hiểm, mọi người trôi đến một hồ nước yên ả với niềm hứng khởi vô bờ, mọi thứ dường như đã lắng dịu. Lúc này, chỉ có người đứng trên cao mới bàng hoàng nhận ra rằng cách hồ nước không xa là một thác nước kinh hoàng đang ào ào trút xuống.

Đây chính là “kỷ nguyên đại suy thoái tiêu dùng” của thế hệ 77 triệu “baby boom” tại Hoa Kỳ.

Thế hệ “baby boom” ở Hoa Kỳ là hiện tượng “4664” sau Chiến tranh Thế giới thứ hai ở Hoa Kỳ: trong giai đoạn 18 năm từ 1946 đến 1964, dân số sinh ra ở Mỹ là 77 triệu người, chiếm 1/4 dân số Hoa Kỳ. Thế hệ này hiện nay đang là lực lượng nòng cốt của xã hội Mỹ. Cùng với sự trưởng thành của thế hệ “baby boom”, nền kinh tế Mỹ đã bước vào thời kỳ thịnh vượng rực rỡ. Từ thập niên 1960 đến thập niên 1970, thế hệ “baby boom” ở Hoa Kỳ đã kéo theo sự phát triển của đồ chơi, phim hoạt hình và nhạc pop. Từ thập niên 1970 đến thập niên 1980, thế hệ “baby boom” đã bước vào thời kỳ hôn nhân tích cực, kéo theo sự phát triển của bất động sản, ngành công nghiệp ô tô. Từ những năm 1980 đến 1990, dân số “baby boom” bước vào thời kỳ “tiêu dùng vàng”, dẫn đến sự phát triển của máy tính cá nhân và Internet. Trong giai đoạn này, thế hệ “baby boom” đã tạo ra mức tăng trưởng lớn nhất trong lịch sử thị trường chứng khoán, tăng giá bất động sản và nhu cầu về hàng không quốc tế, máy tính cá nhân, mạng máy tính và các công cụ thể thao và giải trí.

Biểu đồ chi tiêu và đầu tư quan trọng của người tiêu dùng

Nguồn: Cục thống kê lao động Hoa Kỳ

(Bản ghi nhớ nghiên cứu chi tiêu tiêu dùng hàng năm)

Có thể thấy từ biểu đồ trên, điểm uốn cong cuối cùng của thời kỳ đỉnh cao của sự ra đời của thế hệ “baby boom” là năm 1962. Xét đến Hoa Kỳ là một quốc gia nhập cư khổng lồ, đường cong nhân khẩu học này đã được điều chỉnh bởi dân số nhập cư. Lưu ý: Hãy nhớ đây là năm 1962.

Theo thống kê của Bộ Lao động Hoa Kỳ, mức tiêu thụ cao nhất trong cuộc đời của người Mỹ là năm 47 tuổi. Vào thời điểm này, cuộc sống của họ đã vào độ chín, tiềm lực mạnh mẽ và thu nhập đạt đến đỉnh điểm. Sau tuổi 47, họ bắt đầu nghĩ đến việc nghỉ hưu và dưỡng lão, cơ thể cũng ngày càng suy yếu, không thể không chuẩn bị cho việc khám bệnh và uống thuốc. Kể từ thời điểm này, kỳ vọng của mọi người đối với thu nhập trong tương lai đã giảm, tiêu dùng ít dần và cuộc sống ngày càng trở nên đạm bạc. Khi tuổi tác tăng lên, những ham muốn khác nhau cũng bắt đầu suy giảm.

Thế hệ “baby boom” ở Hoa Kỳ chưa bao giờ có thói quen tiết kiệm. Nửa đầu của cuộc đời họ vừa hay đúng vào lúc Hoa Kỳ trở thành đế chế bá quyền thống trị thế giới. Tâm lý của họ nói chung là cực kỳ lạc quan về tương lai. Ngông cuồng và phung phí trở thành bình thường, tùy ý và phô trương trở thành nét đặc trưng trong thế hệ của họ. Họ không có ký ức về cuộc Đại khủng hoảng hết sức ảm đạm, cũng không phải trải qua “lễ rửa tội” một sống hai chết tàn khốc trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Mọi thứ thật suôn sẻ, mọi thứ thật tuyệt vời.

Đường tiêu thụ

(đỉnh dân số tụt hậu so với đỉnh tiêu dùng hộ gia đình)

Nguồn: Cục thống kê lao động Hoa Kỳ

Thế hệ “baby boom” năm 1962 đã trải qua 47 năm sống xa hoa để đến với bước ngoặt năm 2009 của Hoa Kỳ. Thế giới đột nhiên trở nên mờ mịt, sự thịnh vượng kinh tế biến mất, cơn sóng thần tài chính ầm ầm xô tràn bờ và nạn thất nghiệp điên cuồng quét qua. Tiền lương hưu của họ đã mất gần một nửa trên thị trường chứng khoán và tiền gửi trong tài khoản ngân hàng giờ “mỏng như lá lúa” vì suốt một thời gian dài chi tiêu phung phí. Đồng thời, thói quen sinh hoạt phóng túng và mức tiêu dùng tùy tiện khiến cho họ càng thêm nợ nần chồng chất. Trong tình cảnh đó, mức tiêu thụ của họ đang từ đường cong tiêu dùng tuổi lão niên thông thường đột nhiên lao dốc, mức độ và tốc độ thắt lưng buộc bụng buộc phải đẩy nhanh để đối phó với cái lạnh kinh tế tàn khốc trong tương lai.

Năm 2009 sẽ là một năm bước ngoặt của nền kinh tế thế giới. Từ biểu đồ chúng ta thấy, chỉ số chứng khoán Dow Jones và tuổi tiêu dùng dân số có mức độ nhất quán cao đáng kinh ngạc. Lý do rất rõ ràng, thị trường chứng khoán phản ánh kỳ vọng về hiệu suất của các công ty niêm yết, hiệu suất của các công ty thì phụ thuộc vào doanh số sản phẩm, và tất nhiên doanh số lại đến từ việc tiêu dùng của người dân, mức tiêu dùng ở Hoa Kỳ đã chiếm tới 72% GDP.

Từ năm 1966 đến 1982, thị trường chứng khoán Mỹ đã duy trì trạng thái của một thị trường gấu trong suốt gần 16 năm (điều chỉnh theo lạm phát). Chu kỳ thị trường gấu này hoàn toàn trùng khớp với đường cong của chu kỳ già hóa dân số trước đó. Sau khi bước vào thập niên 80 của thế kỷ XX, thế hệ “baby boom” sinh ra vào đầu thập niên 60 giờ đã tốt nghiệp đại học và tham gia vào thị trường lao động. Thế hệ trẻ tuổi này tràn đầy sức sống, chấp nhận rủi ro, dám khởi nghiệp và tiêu dùng táo bạo, kích thích nền kinh tế Mỹ, thúc đẩy quy mô tiêu dùng trong xã hội, tạo ra một kỷ nguyên thịnh vượng kinh tế chưa từng có. Thị trường chứng khoán cũng xuất hiện trạng thái thị trường bò trong gần 20 năm.

Năm 2009 cũng vừa hay nằm ở ngay sát miệng của thác nước được biểu thị bằng đường cong tiêu thụ dân số, chỉ cần tiến thêm một bước là sẽ rơi thẳng xuống “thác nước tiêu dùng”. Nếu những người cuối cùng của thế hệ “baby boom” ra đời vào năm 1962, lúc này họ đã qua tuổi 47 – đỉnh điểm tiêu dùng cao nhất năm 2009, tiếp theo đó chu kỳ tiêu thụ sẽ giảm mạnh, kéo dài đến tận năm 2024. Đây sẽ là khoảng thời gian 14 năm sụt giảm tiêu dùng. Trong trường hợp nợ cao, thị trường tiêu dùng Mỹ sẽ rơi vào thời kỳ băng giá kéo dài tương đương với những năm 1930!

Xin lưu ý rằng, cho dù là chính sách tiền tệ hay chính sách tài khóa đều sẽ không tạo được ảnh hưởng đáng kể đến một thế hệ đã bước vào tuổi niên lão. Bởi xét cho cùng, những chính sách này không thể khiến con người cải lão hoàn đồng. Việc khuyến khích người cao tuổi vay tiền và chi tiêu là không thực tế. Sự suy giảm tiêu dùng qua từng năm sẽ khiến cho “mầm xanh” của sự phục hồi kinh tế trông có vẻ tươi sáng bị mất đi vùng đất màu mỡ tín dụng. Bởi xét cho cùng, tiêu dùng đang thúc đẩy tới 72% tăng trưởng kinh tế Mỹ!

Nhật Bản đã đạt đến đỉnh điểm dân số tiêu thụ vào năm 1994, sau đó là sự suy thoái kéo dài hơn một thập kỷ. Chính phủ Nhật Bản đã giảm một mạch lãi suất xuống mức 0. Tổng nợ quốc gia (được tạo ra bởi chính sách kích thích tài chính) đã lên tới 160% GDP Nhật Bản. Nền kinh tế Nhật Bản vẫn chưa thể khởi động vào guồng. Điều này có liên quan chặt chẽ đến việc chính phủ không có khả năng ép buộc người già phải vay rất nhiều để tiêu dùng vào những sản phẩm hoặc dịch vụ mà chỉ những người trẻ tuổi mới quan tâm.

Điều nghiêm trọng hơn là, chu kỳ dân số châu Âu cũng tương đồng với Hoa Kỳ, thế nên Âu - Mỹ, hai khu vực kinh tế chủ đạo của thế giới sẽ rơi vào thời kỳ đóng băng tiêu dùng kéo dài. Đây sẽ là thách thức với tất cả các quốc gia mới nổi, có năng lực sản xuất dư thừa nghiêm trọng do đối tượng xuất khẩu chủ yếu của họ là thị trường Âu - Mỹ. Các quốc gia không thể thích ứng với sự thay đổi này sẽ bị đào thải, và con đường phía trước sẽ vô cùng khó khăn.

Tầng lớp tinh hoa thống trị thế giới từ lâu đã hiểu rõ các quy luật cơ bản của nền kinh tế. Điều họ phải làm là lợi dụng những quy luật này để đạt được mục đích chiến lược quan trọng của riêng mình. Họ đã chờ đợi từ rất rất lâu. Xin các bạn đọc hãy chú ý rằng, 2024 sẽ là một năm rất quan trọng với thế giới. Đó rất có thể là lúc giấc mơ thế kỷ của các chủ ngân hàng quốc tế sẽ trở thành hiện thực!
 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3