Bạn Đắt Giá Bao Nhiêu? - Chương 07
Chương 24: Đừng làm thủ môn của hôn nhân
Hồi xưa, tôi từng gặp phải một tình huống dở khóc dở cười vì không hiểu bóng đá. Thời trung học, trường tôi tổ chức thi đấu bóng đá, bạn tôi rủ tôi fdi cổ vũ cho đội lớp mình. Vì tôi chỉ thích cầm kỳ thi họa nên gần như chưa xem bóng đá bao giờ, bạn tôi bèn dặn tôi:
“Cậu không cần hiểu đâu, khi nào thấy bóng vào lưới, cậu vỗ tay khen là được.”
Tôi gật đầu tỏ ý đã hiểu. Sau đó để tỏ ra là người nhiệt tình tham dự hoạt động của lớp, thấy bóng vào lưới là tôi lập tức vỗ tay khen nóhay, bạn tôi vội kéo tôi lại, rầu rĩ nói:
“Đội bạn đá vào, cậu vỗ tay gì chứ?”
Sau đó tôi nhận ra có một thành viên không giống những người còn lại, bèn chỉ vào người đó hỏi:
“Sao bạn ấy cứ loanh quanh ở cầu môn thế?”
Bạn tôi bèn cho tôi biết, đó là thủ môn, nhiệm vụ của cậu ấy là bảo vệ cầu môn cho tốt, không để bóng của đối phương lọt vào.
Mấy hôm trước, một vị phu nhân vui mừng gọi điện cho tôi, nói chị ấy đã tìm thấy địa chỉ và công ty của ả bồ nhí, tới tận nơi đàm phán, chị ấy nói nếu đối phương không chịu chấm dứt quan hệ với chồng mình thì chị ấy sẽ đưa sự việc này tới công ty cô ả, để tất cả mọi người đều biết cô ta là kẻ thứ ba. Đối phương sợ hãi nên đồng ý rời khỏi chồng chị ấy.
Chị ấy còn nói với tôi, chị ấy có rất nhiều kinh nghiệm đối phó với bồ nhí của chồng, đây đã là cô bồ thứ sáu chị ấy đánh đuổi thành công. Nếu sau này tôi muốn viết sách về việc đối phó với bồ nhí thì chị ấy có thể hết lòng giúp đỡ.
Không hiểu sao chị ấy lại khiến tôi nghĩ tới người thủ môn, chỉ là chị ấy không phải thủ môn trên sân bóng, là là thủ môn trong hôn nhân.
Mấy năm trước, tôi quen một vị phu nhân cũng là người Quảng Đông, chị ấy nói chồng mình ngoại tình thành thói, nhiệm vụ hàng ngày của chị ấy là bắt quả tang và đánh ghen.
Vì chỉ quen trên mạng nên chúng tôi trò chuyện khá cởi mở. Chị ấy kể với tôi, ở vùng của chị ấy, có rất nhiều phụ nữ sống như vậy, ngày ngày theo dõi chồng, bắt tại trận rồi ép chồng chia tay với bồ.
Tôi không biết chị ấy đang lừa mình dối người, hay là tình trạng hôn nhân ở vùng đó thực sự đáng báo động như vậy. Tôi hỏi chị ấy, đuổi kẻ thứ ba đi rồi thì còn có kẻ thứ tư, thứ năm, thứ sáu, cuộc sống như vậy bao giờ mới kết thúc, chẳng lẽ chị ấy không thấy người đàn ông kia mới là mấu chốt của vấn đề ư?
Nếu đàn ông không muốn ngoại tình thì đâu cần khổ sở như vậy?
Chị ấy đáp, đàn ông nào chẳng thế, trên đời này làm gì có đàn ông chung thủy? Tôi hiểu vì sao chị ấy lại nói như vậy, phần lớn phụ nữ bị chồng phản bội đều không làm gì chồng mình, mà lại dồn mọi phẫn nộ lên một người phụ nữ khác, bởi vì chỉ làm vậy thì họ mới có lý do để tha thứ cho chồng, cũng chỉ khi đánh đồng mọi đàn ông thì họ mới tìm được cảm giác cân bằng trong tâm lý.
Nhưng tôi lại cực kỳ căm ghét luận điệu này, thực ra bị chồng phản bội là một chuyện đáng được đồng cảm. Song có vài phụ nữ ngoài miệng nói tha thứ cho đàn ông, nhưng trong lòng vẫn thấy việc chấp nhận một người đàn ông phản bội là vô cùng nhục nhã. Thế nên họ tự tưởng tượng ra một suy nghĩ: Đàn ông trên thế giới này đều là vậy, không phải chỉ mình mình phải sống khổ sở như thế.
Nếu suy nghĩ này chỉ để an ủi bản thân thì cũng không có gì đáng trách, nhưng những người này đáng ghét ở điểm họ ép người khác phải tán đồng quan niệm ấy, tuyên truyền tư tưởng tiêu cực đu khắp mọi nơi.
Chồng tôi cũng từng nghe được luận điệu này, lúc đó anh ấy hừ lạnh một tiếng rồi thẳng thắn phản bác, khiến tôi phải cảm thán khen hay:
“Nếu chị cho rằng ngoại tình là bản tính của đàn ông, cũng như việc con người đói bụng cần ăn cơm, vậy sao chị lại không cho chồng chị ngoại tình, chị không định để người ta ăn cơm à? Dù sao đàn ông trên thế giới này đều ngoại tình cả, có gì đâu mà chị phải ngạc nhiên?”
Người phụ nữ nói ra luận điệu trên á khẩu rất lâu mà không thể phản bác, chồng tôi lại bồi thêm một câu:
“Nếu tôi là chồng chị, chắc chắn tôi cũng ngoại tình, vì dù tôi có ngoại tình hay không thì chị cũng đã định tội cho tôi rồi, tôi không ngoại tình thì đúng là có lỗi với chị.”
Nói chuyện một lúc, chúng tôi quay lại chủ đề khi nãy, tôi tiếp tục hỏi vị phu nhân kia:
“Sao phải biến bản thân thành thám tử nghiệp dư? Chị có nghĩ là chỉ cần chồng chị còn chưa tu tâm dưỡng tính, thì chị sẽ mãi mãi không thể sống yên ổn? Trừ khi có ngày anh ta già rồi, không chơi nổi nữa, nhưng cuộc đời của chị cũng gần hết rồi.”
Tôi hỏi một đằng chị ấy lại đáp một nẻo:
“Thứ quan trọng nhất với phụ nữ là hôn nhân, bảo vệ hôn nhân là trách nhiệm của phụ nữ. Đánh đuổi kẻ thứ ba chính là bảo vệ hôn nhân.”
Tôi không thể không phản bác:
“Thế nếu chị đã dốc hết sức lực ra để ngăn chồng chị ngoại tình, nhưng anh ta vẫn ngoại tình hết lần này đến lần khác thì sao? Điều này chứng tỏ thực ra phương pháp của chị không hề có tác dụng. Trừ khi chị có thể theo dõi anh ta 24/24, nhưng chị có làm được không? Nếu chị chỉ cần bảo đảm rằng mình không ly hôn, mà không bận tâm tới chất lượng hôn nhân, thì đâu cần mất công như vậy, dù sao hiện giờ chồng chị cũng đâu có đòi ly hôn!”
Có lẽ những lời này của tôi đã khiến những lý do mà chị lấy ra để duy trì hôn nhân hoàn toàn sụp đổ, bởi vậy sau đó chị ấy không còn trò chuyện với tôi nữa. Tôi biết, không ai có thể đánh thức một người giả vờ ngủ.
Tôi luôn cho rằng, bạn không thể quản thúc một người đàn ông, chỉ cần anh ta muốn, anh ta sẽ luôn tìm được cơ hội. Nếu đàn ông không quý trọng hôn nhân thì dù người phụ nữ có cố bảo vệ nó, cũng đâu còn ý nghĩa gì?
Huống chi bạn lại phí phạm thanh xuân của minh để chơi đuổi bắt với đàn ông suốt nhiều năm, có đáng không?
Tôi đã theo dõi từ lâu, những vị phu nhân làm thủ môn của hôn nhân này luôn tiều tụy hốc hác, hoặc là không có sinh khí, hoặc là cay nghiệt cố chấp. Nhưng tôi nghĩ trước khi lấy chồng, họ đều là những cô gái xinh đẹp như hoa, tràn đầy sức sống. Thế mà giờ họ lại hành hạ bản thân thành xác sống thế này.
Thức ra nếu muốn hôn nhân hoàn chỉnh về hình thức thì quá đơn giản, miễn là phụ nữ đủ thỏa hiệp thì tôi nghĩ hầu hết đàn ông đều không muốn ly hôn, bởi vậy không ly hôn là chuyện không hề khó, nhưng khiến đàn ông chung thủy với mình mới là không dễ dàng. Có điều chúng ta không chỉ câng hôn nhân, chúng ta còn cần hôn nhân hạnh phúc, kể cả hai vị phu nhân trong câu chuyện của tôi cũng không ngoại lệ.
Tôi hỏi vị phu nhân thứ nhất:
“Tuy chị đã đánh đuổi được kẻ thứ ba, nhưng chị có thực sự vui vẻ không? Sống như vậy chị không thấy mệt mỏi ư?
Chị ấy bỗng bật khóc, như muốn trút đi nỗi oan ức ngột ngạt suốt bao nhiêu năm:
“Tôi mệt chứ, tôi đã mệt mỏi từ lâu rồi,lúc nào tôi cũng phải lo lắng chuyện anh ta có ngoại tình hay không, ngày ngày điều tra theo dõi, tôi thấy cuộc sống của tôi u ám vô cùng, không có ngày nào tôi yên tâm, thoải mái. Nhưng tôi làm gì còn cách nào khác?”
Tôi biết chị ấy vẫn sẽ tiếp tục canh giữ hôn nhân của mình, nhưng từ tiếng khóc đau khổ của chị ấy, tôi hiểu được việc bảo vệ một cuộc hôn nhân không tốt khiến phụ nữ tổn thương đến nhường nào, nó sẽ hoàn toàn phá hủy tự tin và mọi mưu cầu hạnh phúc trong cuộc sống của người phụ nữ ấy.
Bởi vậy dù là đàn ông hay phụ nữ, cũng đừng làm thủ môn của hôn nhân, mỗi chúng ta chỉ cần làm thủ môn của chính mình là đủ. Hơn nữa, một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc dài lâu không phải kết quả của việc canh giữ tra xét, mà dựa trên sự tin tưởng, thưởng thức và suy nghĩ sẽ sống bên nhau trọn đời của cả hai vợ chồng.
Chương 25: Bi kịch “Luân Hồi”
Nếu năm 20 tuổi có người nói với tôi, trước khi lấy chồng thì phải xem gia đình anh ta, xem hình thức hôn nhân của cha mẹ anh ta, rồi hẵng quyết định xem có nên kết hôn với người này hay không, tôi sẽ thấy cực kỳ phản cảm:
“Rốt cuộc là kết hôn với anh ấy hay kết hôn với cha mẹ anh ấy , nếu gia đình anh ấy không hạnh phúc thì phải chia tay với anh ấy sao?”
Thậm chí tấm lòng nhân hậu sẽ nổi lên, cảm thấy một người đàn ông như vậy thật đáng thương, trước đây chưa từng cảm nhận được tình thân ấm áp, phải đối xử với anh ấy tốt hơn, cho anh ấy hạnh phúc.
Nhưng tới năm 25 tuổi, nếu có người nói với tôi như vậy, tôi sẽ tán thành một nửa, đồng thời lập tức ra đối sách:
“Dù sao người tôi lấy cũng là anh ấy, nếu không thích tiếp xúc với cha mẹ anh ấy thì tôi sẽ thuyết phục anh ấy mua nhà xa họ một chút, sau đó hai người sống cuộc sống của mình, gia đình anh ấy sẽ không ảnh hưởng nhiều tới tôi.”
“Lần sau trước khi kết hôn, nhất định tớ phải xem xét kỹ gia đình đối phương. Nếu trong nhà anh ta, người cha có cũng như không, vậy chắc chắn tớ sẽ không lấy anh ta nữa.”
Đây là kinh nghiệm xương máu mà cô bạn Tiểu Lương rút ra sau khi cô ấy ly hôn
Ba năm trước, trước khi kết hôn có người bạn nhắc khéo Tiểu Lương rằng, mẹ chồng cô ấy cực kỳ thương con trai, bấy giờ cô ấy thấy người đó thật tức cười, mẹ nào mà chẳng thương con?
Cho tới khi kết hôn, cô ấy mới biết mẹ chồng có ảnh hưởng lớn thế nào tới hôn nhân của mình, tuy mẹ chồng không hề muốn phá hoại hôn nhân của họ, nhưng lại có rất nhiều hành vi dẫn đến điều đó. Hầu như ngày nào mẹ chồng cũng tranh con trai với Tiểu Lương, chồng Tiểu Lương mua cho cô ấy một bộ quần áo, mẹ chồng sẽ giận dỗi không vui, cho tới khi con trai mua cho bà ấy một bộ đắt hơn thì mới bỏ qua.
Hai người muốn đi nghỉ mát, mẹ chồng liền thản nhiên nói:
“Dù sao mẹ ở nhà cũng không có việc gì làm, chi bằng đi chơi với hai đứa!”
Tiểu Lương không vui, chồng cô ấy khó xử nói:
“Bà ấy là mẹ anh, sao anh có thể từ chối bà ấy được? Bà ấy sẽ rất thương tâm.”
Trong cuộc đấu này, Tiểu Lương mong chồng có thể đứng về phía mình,mà mẹ chồng cũng muốn có quyền kiểm soát tuyệt đối với con trai. Hai người phụ nữ bắt đầu một cuộc chiến tranh không khói súng.
Chiến tranh bùng nổ, nhưng chiến lợi phẩm lại trốn biệt từ lâu, anh ta cảm thấy gia đình này quá ngột ngạt, nên bắt đầu mượn cớ đi công tác, hoặc tiếp khách để khỏi phải về nhà, cho tới một ngày bên cạnh anh ta có những người phụ nữ khác.
Khi Tiểu Lương ly hôn thì không có con, tôi thấy đây là chuyện may mắn nhất với cô ấy, nếu không bi kịch này sẽ tiếp tục “Luân hồi”.
Tôi luôn cho rằng hôn nhân tthời nay thực dụng hơn ngày trước rất nhiều, từ “ngày xưa” này là chỉ mấy chục năm trước đây, xa hơn nữa thì không có giá trị tham khảo. Khi đó mọi người đều không giàu có, chỉ cần hai người vừa ý nhau, thì dù điều kiện gia đình đối phương có thế nào, họ đều sẽ toàn tâm toàn ý mà kết hôn, hôn nhân như vậy thường bền chặt suốt đời. Đương nhiên, điều này có liên quan tới sự biến chuyển của thời đại, bởi ngày đó rất ít người muốn ly hôn.
Nhưng hiện giờ hôn nhân cần dựa trên rất nhiều yếu tố. Tôi từng cùng bạn mình tới hai buổi xem mắt, cảm giác của tôi về cuộc gặp mặt ấy là một buổi trao đổi điều kiện, trước tiên phải nhìn vào công việc, bằng cấp, thu nhập, gia cảnh của đối phương để cân nhắc. Nếu thấy những điểm này đều ổn thì mới tìm hiểu xem con người này tính cách thế nào, còn yêu cầu về tình cảm thường không quá cao, có lẽ là chỉ cần người nọ trông đáng tin một chút, tạo cảm giác an toàn. Sau đó dưới sự thúc giục của cha mẹ đôi bên, chẳng bao lâu sau hai người sẽ kết hôn.
Song điều ảnh hưởng lớn nhất tới hôn nhân của bọn họ không phải điều kiện gia đình, mà là hoàn cảnh gia đình.
Tôi từng quan sát rất kỹ kiểu hôn nhân này, phát hiện phương thức ấy khá thích hợp với phụ nữ, nhưng lại không phù hợp với phần lớn đàn ông. Bởi vì phụ nữ thích nghi với vai trò mới nhanh hơn đàn ông, hơn nữa phụ nữ cũng dễ dàng chấp nhận hiện tại. Nhưng đàn ông thì không giống vậy, có thể họ đã kết hôn gần một năm, nhưng vẫn chưa thích nghi với vai trò của mình.
Thế nên phụ nữ thường không cảm thấy an toàn, họ không cảm nhận được sự nhiệt tình của người đàn ông. Họ sẽ cực kỳ khao khát cảm giác an toàn. Thường thì con đường để phụ nữ tìm đc cảm giác an toàn là khống chế, trói buộc. Nhưng đàn ông đâu chấp nhận để một người phụ nữ khống chế?
Huống hồ còn là người vợ chưa có bao nhiêu tình cảm, điều này khiến anh ta cảm thấy ngột ngạt. Những người đàn ông này hầu như đều từng chịu sự khống chế của mẹ hồi nhỏ, khi còn bé không có năng lực chống cự, nhưng giờ thì khác, anh ta có năng lực phản kháng. Anh ta muốn thoát khỏi sự khống chế này, bởi vậy anh ta sẽ kiếm đủ lý do để trốn tránh vợ mình.
Thế nên phụ nữ sẽ càng thiếu cảm giác an toàn, một khi thiếu cảm giác an toàn, cô ấy càng muốn nắm bắt được thứ gì đó, đây quả thực là một vòng luân hồi tai quái. Tới khi có con, cô ấy sẽ chợt nhận ra bản thân không thể khống chế chồng, nhưng con hoàn toàn ỷ lại vào cô ấy, cô ấy bỗng tìm được mục tiêu sống mới. Nếu đứa bé này là con trai, vậy nó sẽ vừa phải sắm vai con, vừa phải thay thế vị trí của cha, để bù đắp cho sự trống vắng về mặt tình cảm của người mẹ.
Sự xuất hiện của bé trai này đã dời đi phần lớn sự chú ý của phụ nữ, dục vọng khống chế chồng của họ sẽ giảm xuống rất nhiều. Đàn ông nhận ra sự xuất hiện của con khiến bản thân giành được tự do, anh ta sẽ nóng lòng hưởng thụ sự tự do hiếm hoi này, mà không hề bận tâm tới sự thật đáng sợ khuất sau tất cả.
Thế nên phụ nữ sẽ ở bên con trai như hình với bóng, tới khi con trai tới tuổi lấy vợ. Lý trí nói với phụ nữ rằng, con trai nên có tình yêu và gia đình thuộc về riêng nó, cô ấy vẫn sẽ tích cực lo liệu cho hôn sự của con trai, nhưng về mặt tình cảm, cô ấy không thể chấp nhận việc con trai rời xa mình để bước vào vòng tay của một phụ nữ khác. Bởi vậy mới có chuyện mẹ chồng suốt ngày soi mói bắt bẻ con dâu, rồi tranh giành con trai với con dâu.
Vậy đứa con trai này phải làm sao bây giờ?
Về tình cảm anh ta biết mình đã kết hôn, nên có cuộc sống của riêng mình, nhưng anh ta đã gắn bó với mẹ từ nhỏ, anh ta không thể thoát khỏi sự ảnh hưởng của mẹ, cũng không muốn thấy mẹ thương tâm, bởi vì bà ấy gần như chưa từng giữ được cha, nếu anh ta lại phản bội bà ấy thì bà ấy cũng quá đáng thương. Dựa theo tâm lý này, anh ta sẽ yêu cầu vợ phải nhường nhịn mẹ mình một cách vô tội vạ, mà vợ anh ta không thể từ chối, vì có sự trói buộc của đọ hiếu từ xưa tới nay. Song người vợ lại cảm thấy bản thân mới là một gia đình với chồng, thế nên hai người phụ nữ sẽ bắt đầu “cuộc chiến” đoạt vị thế.
Và rồi người con trai này cũng sẽ tìm cách trốn tránh giống như cha anh ta vậy.
Trong rất nhiều gia đình, cha chồng gần như không tồn tại trong nhà, thế rồi hình thức sống không lành mạnh này sẽ được đời đời “Luân hồi”.
Không phải nói người đàn ông có hình thức gia đình không lành mạnh thì không được kết hôn, chẳng qua lấy người đàn ông như vậy thì nguy hiểm hơn lấy những người khác quá nhiều, khả năng không hạnh phúc cũng cực kỳ lớn.
Lúc tôi và ông xã yêu nhau, tôi cũng chưa hiểu rõ điều này. Thời điểm đó, tôi yêu anh ấy hoàn toàn là vì anh ấy rất chín chắn, có kiến thức uyên bác, lại đối xử với tôi vô cùng tốt, tôi rất ít khi hỏi tới gia đình của anh ấy, anh ấy cũng ít khi nhắc tới gia đình mình.
Cho tới khi quan hệ hai người đã xác định, trước khi tới gặp cha mẹ anh ấy, anh ấy mới cho tôi biết. Thậm chí khi đó anh ấy còn nói với vẻ khá bối rối, rằng cha mẹ anh ấy không giống cha mẹ người khác, họ không chấp nhận làm trâu làm ngựa cho con cái. Sau khi kết hôn, việc chúng tôi muốn bọn họ tới chăm sóc là điều không thể.
Với cha mẹ anh ấy – thậm chí ông bà anh ấy, người họ yêu thương nhất không phải con cái, mà là bạn đời. Ngày anh ấy còn bé, bà nội anh ấy luôn dành thứ tốt đẹp nhất cho ông nội anh ấy trước tiên, sau đó mới tới con cháu. Người mà mẹ anh ấy quan tâm nhất chính là cha anh ấy, chứ không phải nh ấy. Lúc đó tôi còn bật cười nhéo mặt anh ấy:
“Bé con đáng thương, sau này đã có em thương anh.”
Anh ấy còn nói với tôi, anh ấy rất ít khi nhắc tới gia đình là bởi gia đình anh ấy chưa từng can thiệp hay giúp đỡ con cái quá nhiều. Anh ấy sợ tôi bận tâm tới điểm này.
Tới khi kết hôn, tôi mới biết kiểu truyền thống gia đình này có lợi với tôi nhiều thế nào. Đầu tiên, mẹ chồng chưa bao giờ can thiệp vào cuộc sống của tôi, dù tôi có phá hỏng nhà thì bà ấy cũng không bận tâm, tôi và chồng có thế nào chăng nữa, bà ấy cũng sẽ không hỏi tới, cùng lắm là dặn dò chúng tôi phải chú ý giữ gìn sức khỏe.
Thêm nữa, mẹ chồng tôi tỏ thái độ rất rõ ràng: Sau khi kết hôn, hai đứa chính là người quan trọng nhất của nhau, những người khác mãi mãi là thứ yếu.
Bởi vậy chúng tôi tự phải cân nhắc thật kỹ mọi bước tiến trong hôn nhân, mẹ chồng tôi chưa bao giờ nổi giận, bà ấy cho rằng: Sống vậy mới đúng, cha mẹ và con cái chỉ bên nhau trong một giai đoạn cuộc sống, người thực sự ở bên mình suốt đời chính là bạn đời của mình.
Mặt khác, vì cha mẹ chồng tôi chưa từng giúp đỡ chồng tôi quá nhiều, nên năng lực của chồng tôi đc rèn luyện rất tốt, anh ấy cũng cực kỳ có trách nhiệm.
Bản thân chồng tôi đã thấm nhuần tư tưởng hôn nhân từ ông bà và cha mẹ anh ấy, anh hoàn toàn tán thành quan điểm “bạn đời mới là người quan trọng nhất”, đương nhiên anh ấy sẽ coi tôi là người quan trọng nhất, mọi chuyện đều lo lắng cho tôi trước tiên, tôi chưa bao giờ phải lo nghĩ chuyện tranh đoạt với mẹ anh ấy.
Nhưng mẹ chồng tôi có yêu chúng tôi không? Tôi nghĩ bà ấy rất yêu chúng tôi, nhưng tình yêu của bà ấy không biểu hiện bằng sự can thiệp khống chế, mà biểu hiện bằng một hình thức cao cả hơn:
“Mẹ chỉ chúc phúc cho các con, bản thân các con phải nỗ lực vun vén cho gia đình.”
Bởi thế tôi luôn cảm kích cha mẹ chồng của mình. Tôi cho rằng trong hạnh phúc của tôi và chồng, họ có công lao rất lớn.
Rất nhiều phụ nữ đều nói:
“Nếu muốn hôn nhân hạnh phúc, ngoài việc tìm được một người chồng tốt, còn phải tìm được một người mẹ chồng tốt.”
Tôi lại cho rằng, nếu muốn hôn nhân hạnh phúc, ngoài việc tìm được một người chồng tốt, còn phải xem hôn nhân của cha mẹ anh ấy có hạnh phúc hay không, đây là yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định hôn nhân của bạn có hạnh phúc hay không.
Chương 26: Không ai có thể tiên đoán trước tương lai
Cuối tuần, tôi và ông xã định tới Cửu Trại Câu chơi mấy ngày, vừa lên xe thì điện thoại không ngừng báo có tin nhắn weixin, ông xã tôi bực dọc:
“Ai thế, nhắn mãi không thôi.”
Nửa năm rồi tôi với anh ấy đều quá bận rộn cho sự nghiệp riêng, hiếm khi có dịp du lịch cùng nhau, anh ấy hi vọng mấy ngày nghỉ này chúng tôi chỉ thuộc về nhau.
Tôi đành đưa di động cho anh ấy xem, tin nhắn thứ nhất:
“Cậu ơi, cậu nghĩ sau khi ly hôn, tớ còn có thể tìm được người yêu thương tớ nữa không?”
Tin nhắn thứ hai:
“Nếu tớ chấp nhận ly hôn thì liệu một ngày nào đó, anh ta có hối hận rồi quay về cầu xin tớ tha thứ hay không?”
Tin nhắn thứ ba:
“Nếu mọi người xung quanh biết tớ ly hôn thì liệu họ có nhìn tớ bằng ánh mắt khác thường hay không? Tớ muốn nghe suy nghĩ của cậu.”
Tôi còn chưa kịp nói gì thì ông xã tôi đã kêu lên:
“Em có phải nhà tiên tri đâu mà biết được? Những vấn đề này vốn không có câu trả lời, không ai có thể cam đoan với cô ấy, mọi chuyện phải dựa dẫm vào bản thân cô ấy.”
Người nhắn tin là bạn học cũ của tôi, thực ra với tôi, những câu hỏi này đã quá quen thuộc, dù tới tận bây giờ tôi vẫn ko thể đưa ra những câu trả lời vừa chân thật vừa khiến đối phương thỏa mãn.
Có thể nói, tôi đã được hỏi về hầu hết các vấn đề trong hôn nhân. Vấn đề được hỏi nhiều nhất chính là:
” Chị Vãn Tình ơi, chị nghĩ anh ấy có yêu em không?”
Nếu tôi đáp không yêu, đối phương sẽ đưa ra rất nhiều ví dụ để chứng minh người đàn ông kia rất tốt với mình; nhưng nếu tôi đáp yêu, đối phương sẽ lập tức hỏi:
“Vậy tại sao anh ấy lại đối xử với em như thế?”
Những vấn đề khác thì nhiều tới không đếm nổi.
Người bị phản bội hỏi tôi:
“Chị nghĩ anh ấy có hồi tâm chuyển ý ko? Nếu em cố cứu vãn hôn nhân thì liệu sau này chúng em có hạnh phúc được không?”
Người vừa chia tay hỏi tôi:
“Chị nghĩ anh ấy còn tìm gặp em nữa không? Em rất nhớ anh ấy, liệu anh ấy có đang nhớ em không?”
Người có chồng trắng đêm không về hỏi tôi:
“Chị nghĩ đêm qua anh ấy đi đâu? Có phải anh ấy tới chỗ bồ nhí hay không?”
Tôi vốn không thể trả lời được những vấn đề này, ví dụ như vấn đề của bạn học tôi, sau khi ly hôn liệu còn có thể tìm được tình yêu chân thành hay không, chỉ số mệnh mới biết đáp án. Nếu may mắn thì sau khi ly hôn, cô ấy sẽ lập tức tìm được một người đàn ông tốt hơn chồng cũ, nhưng cũng có thể rất nhiều năm sau, cô ấy vẫn không thể tìm được một người phù hợp. Không ai đoán trước được điều gì, chỉ có thể nói, nếu biết điều chỉnh bản thân cho tốt thì cơ hội gặp được người đàn ông phù hợp sẽ cao hơn nhiều, nhưng điều đó cũng không phải chắc chắn tuyệt đối.
Sau khi ly hôn liệu anh ta có hối hận hay không?
Nếu sau khi ly hôn, cuộc sống của anh ta không tốt như trước kia, có lẽ anh ta sẽ hối hận; nhưng nếu cuộc sống của anh ta hạnh phúc hơn trước khi ly hôn rất nhiều, anh ta sẽ không hối hận đâu. Còn việc sau khi ly hôn anh ta sống thế nào, là do chính anh ta quyết định, những phân tích và suy đoán trước đó thực ra đều là vô nghĩa.
Liệu người khác có nhìn mình bằng ánh mắt khác thường hay không? Có lẽ có, có lẽ không, dù không ly hôn thì cũng không ai thoát được miệng lưỡi người đời, quan trọng là mình có quan tâm hay không, nếu nội tâm đủ mạnh mẽ thì người khác nói gì cũng chẳng quan trọng, mình cứ sống như mình muốn là được.
Sau khi cứu vãn hôn nhân liệu có hạnh phúc hay không?
Thế thì phải xem hai người sống bên nhau thế nào, nếu hai người đều cố gắng bù đắp cho cuộc hôn nhân này, thực lòng quan tâm lo lắng cho đối phương, vậy thời gian dần trôi, những chuyện đã qua sẽ ngày càng phai nhạt.
Song đối phương có bằng lòng như vậy hay không lại là ẩn số. Trước khi hỏi vấn đề trên, tôi nghĩ bạn nên tự hỏi thế này trước:
“Nếu tôi không thể cứu vãn hôn nhân thì liệu tôi có chấp nhận được một cuộc hôn nhân thật hay không?” – vậy sẽ thực tế hơn đấy.
Có những vấn đề chỉ người trong cuộc mới biết, ví dụ như “Có phải anh ấy cũng đang nhớ tôi không?”, “Đêm qua chồng tôi có đi gặp bồ nhí hay không?” … Nếu thực sự muốn biết câu trả lời, vậy chỉ có thể hỏi người trong cuộc, những người khác làm sao mà biết được.
Ông xã tôi nghĩ rằng những vấn đề này vốn không cần hỏi, bởi không ai có thể tiên đoán trước tương lai, nhưng tôi rất hiểu kiểu tâm lý ấy, vì ai cũng từng có thời trẻ người non dạ x ai cũng từng có thời bơ vơ hoang hoải.
Lúc tôi và ông xã cãi nhau tới mức đòi chia tay, tôi cũng từng hỏi cậu bạn thân của mình:
“Cậu nghĩ anh ấy thực sự muốn chia tay với tớ ư? Liệu anh ấy còn đi tìm tớ nữa không?”
Cậu ấy sẽ an ủi tôi, nói chắc chắn rằng:
“Còn, hai người chỉ đang giận dỗi chút thôi, chẳng bao lâu nữa anh ta sẽ đi tìm cậu thôi.”
Tôi lại hỏi:
“Thế bao giờ anh ấy mới tìm tớ?”
Giờ ngẫm lại, những câu hỏi này của tôi khiến cậu ấy rất đau đầu, dù thế nào thì cậu ấy cũng không thể cho tôi câu trả lời chính xác. Ngộ nhỡ trả lời không đúng, có khi tôi còn tìm cậu ấy để gây sự:
“Cậu nói trong vòng ba ngày, chắc chắn anh ấy sẽ tìm tớ cơ mà? Sao giờ vẫn chưa thấy anh ấy đâu cả?”
Nhưng cậu bạn thân của tôi lại dạy tôi đối mặt với sự thật: Thường thì người thắc mắc những vấn đề này, đều là những người có nội tâm không đủ mạnh mẽ, dễ hoang mang, họ hi vọng người khác có thể cam đoan giúp mình.
Sau khi giải quyết xong sự hèn nhát trong nội tâm, rồi lật lại những vấn đề trên, ta sẽ nhận ra, có những câu hỏi thời gian sẽ trả lời cho ta, có những câu hỏi thâm tâm sẽ đưa ta đáp án, nhưng cũng có những câu hỏi vốn không có câu trả lời.
Chúng ta không thể tiên đoán tương lai để giải quyết vấn đề hiện tại, có những chuyện không cần nghĩ quá xa, cũng không cần phải sợ hãi.
Việc có nên ly hôn hay không, không phải xem sau này có gặp được tình yêu mới hay không, mà phải xem người đàn ông hiện tại còn có thể khiến mình hạnh phúc hay không. Nếu không thể, tại sao lại phải lãng phí thanh xuân?
Dù tương lai không gặp được người phù hợp, lẽ nào sống một mình ko tốt hơn bị dày vò hành hạ trong kiểu hôn nhân này ư?
Người bị chia tay thường mong đối phương hối hận, thảm thương, quả thực có nhiều người đợi được tới lúc đó, nhưng bọn họ nói với tôi:
“Trước kia đêm nào cũng mơ thấy anh ấy hối hận xin tôi tha thứ, nhưng khi đợi được tới ngày đó, tôi lại nhận ra mình cũng chẳng vui vẻ gì, quá khứ chỉ kà quá khứ mà thôi.”
Thế nên, dù đối phương không hối hận thì cũng có sao?
Trong khoảnh khắc anh ta bỏ đi, mọi thứ về anh ta đều không còn liên quan tới bạn, sao phải bận tâm về những chuyện không liên quan tới mình?
Bạn không thể hiểu được câu trả lời trong thâm tâm của người khác, nếu phí thời gian và sức lực vào những việc như vậy, chính là bạn đang khinh người bản thân mình.
Còn việc yêu hay không yêu, thực ra trong lòng mỗi chúng ta đều có đáp án rõ ràng, có trường hợp chỉ cần xác nhận lại lần nữa, cũng có trường hợp chỉ muốn lừa mình dối người. Nhưng là trường hợp nào thì cũng chắc chắn nội tâm cũng có câu trả lời cho bạn, dù nội tâm có một thoáng mơ màng, thì thời gian cũng sẽ đưa ra đáp án.
Chúng ta chỉ có thể sống thật tốt. Mọi chuyện đều phải làm mới biết, nếu cứ do dự, băn khoăn thì sẽ không bao giờ biết được đáp án, sẽ chỉ rơi vào một giả thiết khác: Nếu lúc trước tôi chọn ly hôn thì có lẽ tôi đã sống tốt hơn hiện tại cả trăm lần.
Tôi có cô bạn yêu một nhà nghệ thuật làm về hội họa – rất nhiều người vừa nghe tới nghệ sĩ là đã vội lắc đầu ngao ngán, cho rằng họ sống trên mây trên gió, nhưng bạn tôi lại yêu hết lòng hết dạ, rất nhiều người khuyên cô ấy:
“Yêu ai không yêu lại yêu loại người này, người làm nghệ thuật chẳng đáng tin chút nào. Sau này chắc chắn cậu sẽ không hạnh phúc đâu, mau yêu người khác đi!”
Bạn tôi liền trả lời đầy triết lý:
“Có lẽ sau này tôi sẽ không hạnh phúc, nhưng nếu không ở bên anh ấy, hiện tại tôi sẽ không hạnh phúc. Ai cũng biết trước được chuyện tương lai? Có khi tôi lại đá anh ấy trước ấy chứ, chỉ càn tôi có dũng khí chịu trách nhiệm, thì yêu ai cũng không thành vấn đề, dù sao không ai có thể tiên đoán được tương lai.”
Tôi âm thầm tán đồng suy nghĩ của cô bạn này, nếu chúng ta dùng thời gian để tiên đoán tương lai, sao không dùng nó để suy ngẫm về thực tại, chúng sẽ sống tốt hơn trước kia rất nhiều.
Lúc 20 tuổi, chúng ta không biết cuộc sống năm 30 tuổi sẽ ra sao, nhưng tuổi 30 chắc chắn sẽ tới. Có rất nhiều chuyện không thể vội vàng, chỉ cần để tất cả diễn ra tự nhiên, nghe theo tiếng nói của trái tim, lựa chọn cuộc sống cho chính mình.
Những chuyện còn lại, hãy để thời gian trả lời đi thôi!
Chương 27: Trí tuệ của người khác không thể tự động cứu giúp bạn
Tôi có một người bạn quen biết đã bảy năm, chúng tôi quen nhau trong một buổi tọa đàm. Lúc đó cô ấy thấy mình gặp khó khăn khi trao đổi với chồng, nên đăng ký tham dự một buổi tọa đàm về hạnh phúc cuộc sống, trùng hợp là chúng tôi lại ngồi cạnh nhau, liền để lại phương thức liên lạc cho nhau.
Một tháng sau, tôi hỏi liệu cô ấy có áp dụng phương pháp trong buổi tọa đàm hiệu quả không, cô ấy rầu rĩ đáp:
“Chẳng ra sao cả, vẫn thường xuyên cãi nhau, có lẽ những buổi tọa đàm kiểu này không hợp với tớ.”
Sau đó tôi nhận ra, không phải buổi tọa đàm không có tác dụng với cô ấy, mà là cái tính cách “ngựa quen đường cũ” của cô ấy khiến cô không thu được tiến triển thực tiễn nào.
Chúng tôi đã trò chuyện rất nhiều lần, chủ yếu là trò chuyện về vấn đề “Làm thế nào để trao đổi với bạn đời.”
Ví dụ như cô ấy nói với tôi:
“Tối qua chúng tớ lại cãi nhau vì chuyện mua nhà trước hay mua xe trước, tớ muốn mua nhà trước, hiện tại chúng tớ đang ở nhà cũ, diện tích lại rất nhỏ, chỉ có một phòng ngủ một phòng khách, mà giờ giá nhà đang xuống, có thể đổi sang một căn nhà lớn hơn. Nhưng anh ấy lại muốn mua xe trước, anh ấy than ngày nào cũng phải bắt xe khổ lắm.”
Thế là hai người không ai chịu ai, cuối cùng cô ấy hỏi tôi, nếu là tôi thì tôi sẽ làm thế nào.
Tôi nói cho cô ấy phương pháp của tôi, đầu tiên tôi sẽ cố gắng trao đổi với đối phương, trình bày thật rõ ràng lý do mình muốn mua nhà trước, cũng nghe thử lý do muốn mua xe của đối phương, phân tích xem trước mắt nên mua nhà hay mua xe, nếu vẫn không ai chịu ai thì giảm yêu cầu xuống, mua nhà nhỏ một chút, mua xe tàm tạm để khỏi đi bộ là được, mỗi người nhượng bộ một chút.
Cô ấy nói đã hiểu, nhưng sau đó vẫn cãi nhau với chồng, tôi bèn hỏi cô ấy:
“Cậu nói là muốn thay đổi cách thức trao đổi cơ mà?”
Cô ấy ngại ngùng đáp:
“Tớ quen rồi, cứ thấy anh ấy khăng khăng đòi mua xe là máu nóng lại xông lên đầu.”
Tôi thở dài một tiếng, thảo nào người xưa có câu: Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời.
Cho tới giờ, quan hệ giữa cô ấy và chồng vẫn không thay đổi chút nào, nhưng cô ấy luôn chăm chỉ học tập cách thức trao đổi với chồng.
Đôi lúc tôi nghĩ, chỉ cần cô ấy áp dụng một hai phương pháp mà cô ấy học được vào thực tế, thì quan hệ của hai người sẽ tốt hơn nhiều. Kinh nghiệm, trí tuệ của người khác dù có tốt tới đâu, cũng không thể tự động giúp cô ấy giải quyết vấn đề, bởi thế hành động còn quan trọng hơn kiến thức rất nhiều.
Mấy năm trước, tôi làm tư vấn viên cho một tổ chức tư vấn tình cảm. Mong muốn của tôi là giúp những người gặp khúc mắc tình cảm giải quyết vấn đề của họ, song tôi không thể không thừa nhận rằng: Tỷ lệ thành công khá thấp.
Ban đầu tôi tưởng do trình độ của tôi còn yếu, hoặc phương pháp của tôi không ổn, nên mới không thể giúp được cho họ. Nhưng rồi khi trò chuyện với các tư vấn viên khác, tôi mới biết, hóa ra bọn họ cũng thấy bất lực như tôi.
Khi làm việc ở đó, tôi đã gặp rất nhiều người thế này: Họ sẵn sàng nghe chúng tôi phân tích và kiến nghị nhiều lần. Thái độ của họ rất thành khẩn, rất ham học hỏi. Nhưng điều này không thể thay đổi được quan niệm tình yêu của họ, dù tình cảm ấy đau khổ tới đâu, dù tương lai xa vời cỡ nào, họ vẫn như thiêu thân lao đầu vào lửa. Biết bản thân yêu một người vô cùng tồi tệ, biết anh ta đối xử với mình cực kỳ không tốt, nhưng vẫn không muốn rời bỏ anh ta, tôi không thể hiểu nổi tại sao họ lại phải khổ sở chịu đựng như thế.
Mãi về sau tôi mới biết, tựa như một người bị dao đâm trong phim vậy, người bị thương luôn nói rằng “Đừng rút ra”, nếu bị đâm qá sâu, vết thương và sự đau đớn đã trở thành một phần không thể thiếu trong thân thể họ, họ đành tiếp tục sống chung với chúng.
Nhưng ý thức của họ vẫn tỉnh táo, đúng hơn là chút lý trí còn sót lại mách bảo họ nên cầu cứu ai đó. Có điều khi tôi thực sự muốn giúp họ rút con dao gây nguy hiểm cho tính mạng ấy ra, họ lại băn khoăn bối rối, cuối cùng từ bỏ cơ hội được cứu giúp, bởi vì họ không thể chịu nổi cơn đau ấy. Tôi đành trơ mắt nhìn họ dần mất máu mà chết, đây cũng là nguyên nhân thúc đẩy tôi rời khỏi tổ chức kia.
Vẫn có những người nhận giúp đỡ, thay đổi và bắt đầu cuộc sống mới, họ tới gặp tôi với lòng biết ơn sâu sắc, nói rằng nhờ tôi mà họ vượt qua sóng gió trong cuộc sống. Ngày trước, đây là những lúc tôi vui vẻ nhất, nhưng tôi dần hiểu ra, không phải tôi giúp họ, mà chính sức mạnh nội tại của họ đã giúp họ.
Thường xuyên có độc giả nói với tôi:
“Đọc sách của chị, hoặc đọc một đoạn văn trong sách của chị, em thường có cảm giác ‘tỉnh ngộ’, buông bỏ được mọi chuyện làm em băn khoăn và bứt rứt trước kia.”
Đó không phải công của tôi, mà là sức mạnh của chính độc giả, họ chợt tỉnh ngộ, tựa như bảo kiếm được rút ra khỏi vỏ, tỏa sáng bốn phương.
Thực ra nhiều khi chúng ta không cần tìm người cứu giúp mình, càng không cần phải dựa vào sức mạnh bên ngoài để giải quyết vấn đề của bản thân, vì nếu như vậy thì dù vấn đề được giải quyết, cũng chỉ là tạm thời. Trí tuệ của người khác không thể tự động cứu giúp bạn, chỉ có sức mạnh nội tại trong chính con người bạn kết hợp với hành động thực tiễn mới tạo nên thay đổi được thôi.