Trong cơn gió lốc - Chương 18
Chương mười tám
1
Đêm nay sư đoàn vượt sông Ba, ( từ đoạn này về xuôi đã bắt đầu có tên gọi
khác: Sông Đà Rằng), để tiến về giải phóng vùng đồng bằng ven biển Phú Yên.
Trăng đang lên. Mặt sông lấp lóa ánh vàng. Núi Trùm Cát dựng sừng sững bên
bờ sông thành một khối tím thẫm uy nghiêm, trầm mặc. Dưới ánh trăng, dòng sông
sáng rực lên, những con sóng nhỏ lăn tăn, gợn đều, mơn man vỗ nhẹ vào hai bên
bờ cát. Sau một ngày ồn ào náo động, đêm đang lắng dần; không gian như loãng ra,
thấm đượm hơi sương, thoảng chút ngọt ngào của hương cây, hương cỏ.
Các phân đội đi đầu đã gói buộc xong đồ đạc và bắt đầu vượt sông. Bóng các
chiến sĩ đổ dài trên bãi cát. Những tiếng quẫy nước ùm ùm, nghịch ngợm. Tiếng
cười nói ồn ã. Mặt sông như rung lên. Gió thổi mát lộng.
Trung đoàn trưởng Thuần leo lên một chiếc xe tăng M.41 bị bắn cháy ngay
trên bờ sông, ngồi một mình hút thuốc và xem bộ đội vượt sông. Tự nhiên ông thấy
lòng mình dịu xuống. Bao nhiêu lo toan, bao nhiêu nỗi niềm cũng như đang lắng
cả xuống. Trong ông đang xôn xao những con sóng kỷ niệm, những ký ức xa xôi. Ông
thấy mình cũng giống như dòng sông kia, sau khi chồm qua bao nhiêu ghềnh thác, len
lỏi qua bao nhiêu vùng núi non hiểm trở, giờ đây thanh thản đổ xuống đồng bằng.
Chưa phải đã hết gian lao, sóng gió, nhưng phải chăng cũng như dòng sông kia, ông
đã nhìn thấy cái đích của mình phải đi tới.
Quê hương! Hai tiếng thiêng liêng ấy vang dội trong lòng ông. Bây giờ thì
nó vang lên bằng một âm điệu ngọt ngào, nhưng đã bao lần nó gào thét, nó cồn
xoáy trong lòng ông.
Trên bãi cát, các chiến sĩ của ông vừa gói buộc đồ đạc chuẩn bị vượt sông
vừa vui đùa, cười nói râm ran. Họ vui quá và họ còn trẻ quá. Ông ao ước một
tuổi trẻ như thế. Phải, nếu ông có được một sức trẻ như thế để trở về với quê
hương! Chiến tranh sẽ kết thúc, sớm muộn gì nó cũng sẽ kết thúc. Khi ấy, liệu
ông còn làm được gì nữa cho quê hương? “Mình già rồi, tuổi trẻ của mình đã đi
qua mất rồi.” Nghĩ tới đó ông khẽ thở dài.
Có một người đang đi lại phia ông, bóng anh ta xô về phía đằng trước vẻ tất
bật; tiếng anh ta oang oang:
- Gói buộc cho cẩn thận vào kẻo tới giữa sông chìm nghỉm thì khốn. Này, anh
nào còn ngồi vắt vẻo hút thuốc lá trên kia. Có phải lính đại đội ba không?
Trung đoàn trưởng khẽ cười, hỏi vọng xuống:
- Mánh đấy hả?
- Tôi đây. - Anh trung đội trưởng “Trung đội gió lốc” dừng lại hỏi với lên.
- Ai thế nhỉ?
- Tớ đây, Thuần đây mà.
- A... Thủ trưởng! Tôi lại cứ ngỡ lính của đơn vị tôi.
Mánh vừa trả lời vừa tiến lại bên chiếc xe M.41. Trung đoàn trưởng Thuần
vẫy tay ra hiệu cho anh ta tới bên mình rồi hỏi:
- Các cậu chuẩn bị xong chưa?
- Xong cả rồi ạ, chỉ còn đợi lượt là ào qua.
Trung đoàn trưởng rút bao thuốc lá trong túi ra đưa cho Mánh nhưng anh vội
xua tay rồi chìa ra một chiếc điếu cày bằng đuya-ra:
- Tôi có cái này rồi, thủ trưởng ạ.
Anh nhồi một điếu thuốc vào nõ điếu, mồi lửa rồi rít xeo xéo. Trung đoàn
trưởng cười, hỏi:
- Cậu vẫn nghiện thuốc lào?
- Bỏ hai ba bận mà chẳng xong, thủ trưởng ạ. Khốn thế, nhiều lúc điêu đứng
vì nó đấy.
Như vô tình, Mánh quay sang hỏi tiếp:
- Sắp về tới quê thủ trưởng rồi đấy nhỉ?
- Đây cũng là quê hương mình rồi!
- Thích nhỉ? Tôi cho là... cái cuộc kháng chiến của mình kỳ lạ thật...
Mánh định nói một điều gì đó nhưng anh không tìm ra lời để diễn đạt. Trung
đoàn trưởng dường như cũng không chú ý đến câu nói vừa rồi của anh. Ông vẫn
ngồi yên, trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi đột nhiên hỏi:
- Cậu có nhớ hồi mình rút lui khỏi Công Tum không?
- Nhớ chứ. - Mánh vui vẻ đáp. - Hồi đó thật điêu đứng, thủ trưởng nhỉ?
- Cậu còn giận mình vì... chuyện ấy không?
Mánh chợt ngẩn người. Không ngờ thủ trưởng vẫn nhớ chuyện cũ, một câu
chuyện chẳng lấy gì vui vẻ.
- Tôi càng ngày càng thấm thía, thủ trưởng ạ.
- Tôi vừa kể câu chuyện ấy cho anh em trong trung đội nghe hôm qua. Trong
những lúc chiến thắng giòn giã, vui vẻ thế này cần phải nhớ lại tất cả. Nhớ lại
những ngày ấy...
... Ngày ấy, chiến dịch tiến công thị xã Công Tum gặp khó khăn, sư đoàn
buộc phải dừng lại rút lui sang phía Tây sông Pô Cô vì mùa mưa đã ập tới. Đó là
cuộc rút lui gian khổ nhất và nhiều hy sinh nhất của sư đoàn.
Các đơn vị đã bị thiệt hại nặng nề sau hơn một tháng thủ trời chiến đấu, uể
oải rút lui dưới trời mưa tầm tã. Bọn tướng tá quân đoàn 2 ngụy hí hửng vì đã
phá vỡ được một cuộc tiến công lớn của ta, chúng tuyên truyền rùm beng là đã
tiêu diệt sư đoàn Chiến Thắng. Truyền đơn chiêu hồi rải trắng rừng, máy bay lên
thẳng nghênh ngang bay lượn, gọi loa khiêu khích. Máy bay, pháo binh địch dồn
dập đánh phá các khu rừng, các ngả đường mòn khả nghi sư đoàn sẽ hành quân qua.
Hễ phát hiện ra một bến vượt nào bên sông Pô Cô là chúng không tiếc bom đạn.
Sư đoàn vẫn lặng lẽ rút lui.
Mưa mỗi ngày mỗi lớn, tầm tã ngày này qua ngày khác. Nước sông Pô Cô dâng
lên cuồn cuộn đục ngầu, gầm éo và cuốn phăng phăng những khúc cây lớn, những
bụi nứa khô. Thiên nhiên như phụ họa với địch, quyết chặn đứng con đường rút
lui của sư đoàn.
Đến lượt trung đoàn 6 vượt sông thì nước sông dâng to quá, không thể vượt qua
được nữa. Một nửa trung đoàn bị nghẽn lại bên bờ phía Đông.
Gạo ăn đã hết nhẵn. Các đơn vị bắt đầu phải nấu rau môn thục cho bộ đội ăn
trừ bữa. Nhưng, môn thục cũng chỉ có hạn, vài ngày sau, các chiến sĩ đành phải
nhịn đói, ngồi nhìn mưa, sốt ruột sốt gan chờ nước sông rút xuống.
Nhưng mưa vẫn mỗi lúc mỗi to. Núi rừng như tối sầm lại. Con sông Pô Cô vẫn
hung dữ gào thét.
Trung đội của Mánh lúc đó chỉ còn lại năm người. Cũng như tất cả các đơn vị
khác, Mánh và các chiến sĩ của anh cũng phải nhịn đói ngồi chờ con sông ác
nghiệt kia hạ mức nước xuống để qua sông. Nhịn đói một ngày còn khả dĩ; bước
sang ngày thứ hai, thứ ba thì mọi người đều như kiệt sức. Tình thế thật tuyệt
vọng. Đã có người sợ chết đói, liều lĩnh vượt ào xuống sông định bơi qua. Rốt
cuộc, người ta không bao giờ còn gặp lại họ nữa.
Trong khu vực giấu quân chỉ còn có một loại cây có thể ăn được. Đó là cây
búng báng, một loại cây to như cây dừa, mọc rải rác bên các bờ suối. Để giữ bí
mật khu giấu quân và bến vượt, trung đoàn đã ra lệnh nghiêm cấm chặt loại cây
này. Ngày nào bọn “trực thăng” địch cũng chà xát hai bên bờ sông, chỉ cần một
vài dấu vết khả nghi là lập tức bom đạn sẽ dội xuống.
Đó là một đêm cực khổ nhất trong cuộc đời Mánh. Năm chiến sĩ của trung đội
anh đều còn trẻ, đang sức ăn sức lớn. Họ ôm nhau trong một chiếc hầm lộ thiên, khóc
thút thít. Lòng Mánh như có ai xát muối. Anh ngồi bó gối lắng nghe tiếng mưa
rơi, tiếng nước sông gầm réo, nghe tiếng khóc thút thít của mấy cậu lính trẻ mà
xót xa. Rồi, cầm lòng không được, anh bật dậy quát khẽ:
- Thôi! Đừng khóc nữa, một thằng đi theo tao.
Một chiến sĩ còn khỏe nhất theo anh lần xuống bờ suối. Hai người đánh vật
suốt đêm với một cây búng báng. Tới gần sáng thì mọi việc xong xuôi. Anh em xì
xụp che võng, che tăng đun nấu ăn uống. Suốt đời, Mánh chưa thấy bao giờ mình
ăn ngon như cái đêm hôm ấy, mặc dù chỉ có ruột cây búng báng nấu với muối trắng.
Sáng hôm sau tai họa liền ập đến. Bọn “trực thăng” vũ trang địch hầu như
nhớ rõ từng gốc cây, ngọn cỏ hai bên bờ sông liền phát hiện ngay ra dấu vết con
người.
Bom đạn dội xuống như mưa suốt hai tiếng đồng hồ. Kết quả thật khủng khiếp:
sáu đồng chí hy sinh, mười người khác đã bị thương vì một cây búng báng.
Mánh đau xót, quằn quại dằn vặt. Chiều hôm đó, anh lên gặp ban chỉ huy trung
đoàn xin nhận kỷ luật.
Trung đoàn trưởng Thuần cũng bị thương, quấn băng trắng trên đầu trông như
một vòng khăn tang, trừng trừng nhìn anh như nhìn một kẻ khốn nạn. Rồi đột
nhiên ông nghiến răng, vung tay lên...
Mánh chờ đợi một sự trừng phạt... Nhưng không, trung đoàn trưởng nặng nề hạ
tay xuống và ông bỗng ôm mặt khóc rưng rức như một đứa trẻ. Điều đó đối với
Mánh còn đáng sợ hơn tất cả.
Anh bị mất chức trung đội trưởng và đáng lý một ngày sau anh đã được kết
nạp vào Đảng, quyết định đã gửi về đến chi bộ nhưng việc tổ chức kết nạp đã bị
đình lại vì “vố” kỷ luật này. Kỷ luật như vậy là nặng, là xứng đáng. Nhưng anh
còn sống, còn có cơ hội lập công chuộc lại lỗi lầm.
Mỗi khi nghĩ tới những đồng chí đã hy sinh vì lầm lỗi của mình, anh lại xót
xa như có ai cứa vào gan ruột. Kỷ luật đó đối với anh mới là đáng kể, nó đi
theo anh suốt đời không có cách gì xóa đi nổi...
- Tôi làm sao quên được chuyện đau xót đó thủ trưởng. Nhất là mỗi khi đứng
trước một dòng sông như thế này...
- Mình cũng vậy. Mình cứ băn khoăn mãi, tại sao lúc đó mình lại nỡ...
- Đừng băn khoăn về điều đó nữa, thủ trưởng ạ...
Trong chiến tranh có bao nhiêu điều lớn lao phải nghĩ đến, những chuyện nhỏ
nhặt như vậy...
- Nhỏ... nhưng nó là những bài học lớn.
- Vâng!...
Họ im lặng nhìn ra mặt sông. Trăng mỗi lúc một sáng hơn. Nhìn rõ từng tốp
chiến sĩ đang bơi nhấp nhô, quẫy nước tung tóe. Trung đoàn trưởng đứng dậy vươn
vai, vặn mình mấy cái rồi quay sang nói với anh trung đội trưởng vẫn đang ngồi
tư lự:
- Sắp tới đơn vị cậu vượt sông rồi đấy.
Mánh như sực tỉnh. Anh vội đứng dậy chào thủ trưởng rồi nhảy xuống đất chạy
về phía trung đội mình đang tập trung đợi đến lượt vượt sống. Trung đoàn trưởng
nhìn theo cái bóng thấp nhỏ của Mánh và khẽ thở dài, chép miệng:
- Ngày ấy mình thật quá đáng. Cậu ấy cũng đau khổ lắm chứ. Vậy mà mình lại
nỡ...
2
Trăng vẫn sáng vằng vặc. Dường như càng về khuya bầu trời càng xanh trong, trăng
càng sáng. Có thể nhìn thấy cái dáng xiêu xiêu của mấy anh chàng xạ thủ DKZ vác
nòng pháo kềnh càng đi trên đầu hàng quân khi đơn vị bắt đầu vượt qua dãy đồi
trọc cuối cùng.
Con đường đá sỏi rung lên bởi nhịp bàn chân bước. Thỉnh thoảng trên mặt
đường lại lóe lên những vệt sáng trắng nhỏ và mỏng, khiến nhiều anh lầm tưởng
những chiếc kẹp tóc của mấy của mấy cô du kích dẫn đường đánh rơi. Khi cúi
xuống nhặt thì hóa ra là những mảnh đá mã não có nhiều tinh thể trắng sáng lấp
lánh.
Bỗng như có một làn gió mát thổi tới khiến cả hàng quân xôn xao.
- Đồng bằng!
- Tới đồng bằng thật rồi.
- Tiến về đồng bằng, ta quét sạch giặc thù...
- ...
Tiếng xôn xao truyền đi, nối dài mãi. Những anh chàng đang vừa đi vừa ngủ
gật bỗng tỉnh hẳn, nghiêng đầu dòm dáo dác rồi chun mũi hít hà:
- Đâu? Đồng bằng đâu các cha?
- Thì sắp tới! Trên kia họ thấy đồng bằng cả rồi.
Trung đội trưởng Mánh sốt ruột hơn cả. Anh khao khát được nhìn thấy đồng bằng,
nhìn thấy những cánh đồng bát ngát, những xóm làng ẩn hiện sau lũy tre. Khao
khát được ngửi thấy mùi bùn đất, rơm rạ. Đối với anh đồng bằng là đất đai, là
sự trù phú; là những quần tụ họ hàng, làng xóm; là cây đa, giếng nước, mái đình...
Trong những năm đi đánh giặc, nỗi nhớ đất đai, nhà cửa, ruộng vườn thỉnh thoảng
lại cháy lên trong lòng anh. Đó là những buổi trưa Trường Sơn vắng lặng, thâm
nghiêm bỗng vang lên một tiếng gà gáy; những buổi hành quân bỗng bất chợt gặp
một đàn bò rừng nhởn nha gặm cỏ... Những lúc ấy, lòng anh lại cồn cào, xao
xuyến. Nhớ những ngày mùa nhộn nhịp, làng xóm vào mùa tấp nập như mở hội, khắp
đường thôn ngõ xóm thoảng hương lúa mới; nhớ những ngày tháng sáu nóng như
thiêu như đốt, thục bàn chân xuống ruộng tưởng như lột cả da thịt... anh nhớ cả
cái xe Công Nông của anh có hai cái cánh tay lái vênh vang như đôi sừng hươu. Khi
nào hết giặc, anh lại trở về lái máy kéo. Biết đâu, lúc đó hợp tác xã của anh
đã có những chiếc máy kéo Bông Sen hẳn hoi rồi. Như vậy thì thú biết mấy...
Tiếng xôn xao lại nổi lên khi đoàn quân đã tới đỉnh dãy đồi trọc cuối cùng
ngăn cách những dải đồng bằng trù phú với vùng đồi đá sỏi. Mánh chợt thấy
choáng ngợp bởi sự thoáng đãng, rộng rãi đang trải ra trước mặt, trong ánh
trăng.
- Đồng bằng thật rồi!
Đến lượt chính anh reo lên như thế. Lòng anh rưng rưng, tưởng như có thể
phát khóc lên được. Bao nhiêu năm lăn lội với núi rừng mới có đêm nay... Thiên
nhiên cũng như chiều lòng người nên trăng bỗng sáng vằng vặc. Một luồng gió mát
thổi tới. Mánh đã nhận ra trong gió cái hơi hướng quen thuộc của đồng bằng.
- Chú Mánh!
Anh chợt quay lại thấy Nguyên đi song song với mình tự lúc nào.
- Tới đồng bằng rồi, chú nhỉ!
- Ờ... tới rồi!
- Chú ơi! - Nguyên ngập ngừng. - Chú có nhớ nhà không?
- Nhớ chứ! Nhớ.
- Cháu cũng vậy. Nhớ quá! Cứ có cảm giác như mình đi trên đường về, mỗi lúc
một gần nhà vậy.
- Dịp này ngoài ta chuẩn bị gặt lúa xuân rồi!
Nguyên khẽ cười:
- Mau quá chú nhỉ? Mới hôm nào cháu về phép gặp chú bành bạch cái xe Công
Nông. Vậy là đã năm năm rồi. Thống nhất chú lại về lái máy kéo chứ?
- Điều đó thì đã hẳn. Còn cháu, cháu định làm gì khi chiến tranh kết thúc?
Nguyên trả lời quả quyết:
- Cháu sẽ tiếp tục ở lại xây dựng quân đội. Cháu xin đi học thêm để nắm
vững lý luận quân sự cơ bản.
trung đội trưởng Mánh vẫn bước đều bên Nguyên. Anh chuyển khẩu súng sang
vai trái cho đỡ mỏi rồi hỏi lại:
- Chú hỏi thực nhé. Có thực cháu say mê hay ngại ra khỏi bộ đội phải về làm
ruộng hay đi học một ngành nghề mới.
Nguyên mỉm cười. Một câu hỏi hóc búa đấy. Anh co cẳng nhảy qua một cái rãnh,
suy nghĩ giây lát rồi trả lời:
- Cháu say mê. Thực sự là như vậy. Bởi vì cháu nghĩ, quân sự cũng là một bộ
môn khoa học. Tổ chức một trận đánh, một chiến dịch hay nghiên cứu một cuộc
chiến tranh cũng là những công tác khoa học. Đối với một đất nước như đất nước
ta, ở trong tình hình hiện nay, vấn đề xây dựng quân đội trở thành một quân đội
chính quy, hiện đại luôn luôn sẵn sàng chiến đấu là cần thiết lắm chứ.
- Ấy đấy. - Chú Mánh cười vui vẻ. - Chú không nghĩ sâu sắc được như cháu. Chú
chỉ nghĩ đơn giản là, hễ làm bất cứ việc gì, dù nhỏ hay lớn mà không say mê thì
đều thất bại hoặc có thành công cũng chẳng đâu vào đâu. Và, nếu không có sự say
mê thì sẽ không có niềm vui trong công việc.
Nguyên khẽ kêu lên:
- Chú nghĩ như thế mà bảo là không sâu sắc? Chú nêu ra một quan niệm hẳn
hoi đấy. Mà thôi... chú cháu mình nói chuyện xa xôi quá, lính của chú đang cười
đấy.
Hưng đi sát ngay sau trung đội trưởng, vội lên tiếng:
- Không ai cười đâu thủ trưởng ạ. Anh em chúng tôi vẫn chăm chú nghe đấy. Vấn
đề anh Mánh nêu ra hay lắm. Có điều cho anh em giải lao một chút đi thủ trưởng
ơi. Mỏi nhừ người ra rồi.
Anh nào đó đi phía sau cũng lên tiếng gợi ý:
- Có con sông Máng ở trước mặt ta kia kìa. Được nằm lăn lóc trên bờ sông ấy
một lúc thì khoái phải biết.
Nguyên liếc nhìn đồng hồ. Chết thật, anh đã để đơn vị đi gần hai tiếng đồng
hồ rồi, mải vui quên cả giờ giấc. Anh vội đứng tách ra ngoài hàng quân rồi ra
lệnh.
- Nghỉ giải lao mười phút. Ngồi thưa. Không hút thuốc và nói chuyện to.
Tiếng khẩu lệnh ran lên. Lát
sau, toàn tiểu đoàn đã hạ ba lô. Nguyên tiếp tục đi vượt lên đầu hàng quân.
Tới đội hình của tiểu đoàn bộ,
anh đặt ba lô. Và, cũng như mọi người, anh ngả lưng trên cỏ, đầu gối lên ba lô,
mặt hướng về phía Đông, nơi đơn vị đang đi tới. Bầu trời rất yên tĩnh, không có
một tiếng máy bay, không một vệt đèn dù. Bên kia cánh đồng là những xóm làng lơ
mơ sương phủ. Từ đó, thỉnh thoảng vọng lại một vài tiếng chó sủa vu vơ. Những
chú vạc đi ăn đêm bay trên cao thẳm, thỉnh thoảng lại buông một vài tiếng vác...
vác tẻ ngắt.
Gió thổi phóng khoáng! Hình
như dưới cánh đồng, lúa đang làm đòng. Thoảng trong gió những làn hương chỉ có
riêng của lúa, ngọt và say. Quện lẫn với hương lúa là mùi bùn đất tanh nồng, mùi
phân trâu trộn với rơm rạ hoai mục. Tất cả những thứ đó làm nên hương vị đồng
ruộng, gợi lên những nỗi nhớ man mác, xa xôi...
Hai cô du kích đưa đường cho
tiểu đoàn đã thôi rủ rỉ trò truyện. Thấy mọi người xung quanh đều im lặng, một
cô ngạc nhiên hỏi:
- Sao các anh không nói
chuyện đi cho vui? Chưa tới khu vực cần tuyệt đối im lặng mà!
Chính trị viên Khẩn cười, trả
lời:
- Anh em họ đang nhớ nhà đấy,
các cô ạ.
- Nhớ à? Thiếu chi lúc nhớ mà
lại nhớ lúc ni, mấy anh?
- Đây chính là lúc nhớ nhất, cô
bạn ạ. Hầu hết anh em chúng tôi đều con nhà nông, lớn lên ở đồng bằng Bắc Bộ.
Nguyên mỉm cười mơ hồ khi nghe
chính trị viên trả lời hai cô du kích như vậy. Phải, các cô chẳng hiểu được đâu.
Chúng tôi đang nhớ nhà. Người chiến sĩ thì trước hết vẫn là con người, vẫn có
một trái tim để rung động, để buồn vui, thương nhớ. Chúng tôi đang nghĩ đến hai
tiếng giản dị “đồng bằng”. Hai tiếng ấy đối với những người lính bao năm lăn lộn
trên Trường Sơn thiêng liêng lắm. Những năm chiến đấu trên cao nguyên, chúng
tôi hằng thao thức nhớ về đồng bằng. Đồng bằng không chỉ gợi cho chúng tôi những
kỷ niệm của thời thơ ấu, gợi nỗi nhớ những gì thân thuộc; mà đồng bằng còn là
một cái đích chúng tôi khao khát đi tới. Thỉnh thoảng chúng tôi vẫn có những
khao khát nho nhỏ, nhưng thương lắm. “Khi nào về đồng bằng...” Chúng tôi thường
nói với nhau như vậy. Anh bạn thân nhất của tôi, trong một trận vây ép trên một
điểm cao hơn ngàn mét ở phía Tây sông Pô Cô đã nói với tôi: “Khi nào về đồng
bằng, mình sẽ đi mò một bữa trai về, hai thằng nấu cháo ăn. Cháo trai! Chà ít
có thứ sơn hào hải vị nào khiến mình có thể quên được nó.” Sáng sớm hôm sau thì
anh bạn tôi hy sinh, mang theo cả cái ước mơ giản dị ấy. Điều đó cô không biết
được, nhưng chính vì những điều ấy khiến những người lính thích sống sôi nổi, ồn
ào như chúng tôi bỗng đột nhiên im lặng như lúc này, trước một dải đồng bằng
thân yêu. Nhưng còn điều này thì có lẽ các cô hiểu: “Không dễ gì đưa được một
sư đoàn chủ lực xuống đồng bằng. Phải có thời cơ của cách mạng và phải có quyết
tâm.” Bà con Phú Yên chờ chúng tôi lâu lắm rồi, phải không cô?
3
Khi đơn vị bắt đầu rời những
vạt đồi lúp xúp sim mua, ướt đẫm sương đêm, rẽ xuống một con đường cát mịn, cô
du kích dẫn đường đột nhiên dừng lại, chờ trung đoàn trưởng Thuần đi tới sát
bên mình rồi thì thào:
- Lịnh cho bộ đội tháo giày
dép ra, thủ trưởng hè!
Trung đoàn trưởng ngạc nhiên
hỏi:
- Để làm gì?
Cô du kích chợt ngẩn ngơ rồi
đột nhiên cười khúc khích:
- Cháu lẩm cẩm, bác hè! Thói
quen của du kích vùng ven mà. Cháu cứ nghĩ... Ờ nhỉ! Đấy là vì mọi khi tụi cháu
vô thị xã luôn phải nhớ không được để lại một dấu vết gì, dù là một dấu dép cao
su. Ôi, không thể tưởng tượng được ngày mai, trên mảnh đất này sẽ không còn
chúng nó.
Trung đoàn trưởng Thuần bỗng
bồi hồi, sao xuyến. Niềm vui nhỏ của cô du kích lần đầu tiên đi vào thị xã mà
không phải lo tháo dép để không để lại một dấu vết, đã truyền sang ông một niềm
vui lớn, một niềm hạnh phúc. Thương biết bao những bạn bè, đồng chí, trong đó
có vợ con ông, đã bao năm đi về âm thầm, lặng lẽ, để chuẩn bị cho ông cuộc trở
về lớn lao này. Mười năm, hai mươi năm sau, nhắc tới ngày này, con cháu ta hẳn
chỉ kể về những tiếng đại bác rền trời, những đoàn xe tăng giải phóng ầm ầm lao
trên đường, những đoàn chiến sĩ áo xanh chiến đấu dũng cảm, giành giật từng
ngôi nhà, góc phố; mấy ai đã biết đến niềm vui nhỏ nhặt này của cô du kích vùng
ven, mấy ai hiểu hết những hy sinh lặng lẽ, âm thầm của những người chiến sĩ
cách mạng bao năm kiên trì bám đất bám làng, củng cố niềm tin cho nhân dân. Không!
Sau này phải có cách gì mà ghi nhớ, mà truyền lại cho cháu con tất cả những
điều ấy. Để cho những thế hệ mai sau đừng có nghĩ rằng: chiến tranh chỉ có
nghĩa là những cuộc đọ sức bằng súng đạn.
Trung đoàn trưởng vừa nghĩ
vậy vừa muốn nói với cô du kích dẫn đường cho đơn vị mình một câu gì đó mà chưa
tìm ra lời nào cho thích hợp. Một lát sau ông mới ngập ngừng nói được một câu
mà thâm tâm ông không ngờ rằng mình lại nói ra điều đó:
- Cháu ạ! Bác cũng là ngừơi Phú
Yên đấy.
Cô du kích không hề ngạc
nhiên về điều ấy, cô chỉ khẽ “dạ” một tiếng nhỏ nhẹ, rồi nói:
- Cháu biết, chỉ nghe tiếng
bác đã biết liền là dân Phú Yên. Nhưng, cháu không dám hỏi. Chị Tư đã dạy chúng
cháu: điều gì không liên quan tới công tác của mình thì không nên hỏi, hoạt
động bí mật phải rèn được thói quen như vậy.
Trung đoàn trưởng vừa bước
sát tới bên cô vừa hồi hộp hỏi:
- Cháu vừa nói chị Tư... chị
Tư nào vậy?
Cô du kích ngập ngừng:
- Dạ... chị Tư... chị Tư An
đó bác.
Trung đoàn trưởng giật mình, một
chút nữa thì ông buột miệng “Tư An là vợ tôi đấy...”, nhưng ông đã tự ghìm được
lòng mình. Lòng ông như ấm lại. Một ý nghĩ mới mẻ lại vang lên: “Hẳn cũng như
bao đêm An âm thầm đi về trên con đường này. Nếu An biết đêm nay người chồng
thân yêu của mình cũng đi trên con đường ấy để trở về, nhưng không phải một
mình âm thầm lặng lẽ, mà trở vể với cả một đoàn quân?”
- Nhà bác ở gần đây không ạ?
- Gần đây thôi cháu ạ. Bên
kia sống Đà Rằng thôi mà!
Cô du kích vui vẻ hẳn lên:
- Làng cháu cũng ở bên đó. Không
chừng... cháu ở Đông Tác đó bác.
Cô định hỏi thêm: “Bác có
phải người làng đó không?”, nhưng cô vội kìm câu hỏi tò mò ấy lại. “Chị Tư đã
dặn...” Cô lại nghĩ tới điều đó. Còn trung đoàn trưởng, ông cũng muốn hỏi cô
thật nhiều. Những câu hỏi về quê hương, làng xóm và những người thân yêu lúc
nào chẳng vang lên trong lòng ông. Nhưng lúc này đâu phải là lúc rảnh rỗi để mà
nghĩ tới điều đó. Một trận đánh đang ở phía trước, trận đánh trên quê hương
thân yêu của ông. Chỉ còn hai tiếng đồng hồ nữa, khi mặt trời lên, nó sẽ bắt
đầu. Từ bây giờ tới lúc đó, ông biết mình sẽ bồn chồn, xao xuyến lắm. “Phải
tỉnh táo! Phải thật tỉnh táo.” Ông vừa lâng lâng bước đi vừa tự nhủ lòng như
vậy.
Trăng vẫn sáng, sáng đến bồn
chồn. Một vài tiếng gà eo óc gáy. Những xóm nhỏ ngoại thị vẫn chìm trong giấc
ngủ mê mệt. Tiếng lá dừa khua lanh tanh, tiếng ếch nhái ềnh oang ngoài đồng. Và,
vang đội hơn là cả tiếng sóng biển. Tiếng sóng lúc lắng xuống, lúc trào lên cồn
cào, trăn trở.