Trong cơn gió lốc - Chương 13 phần 1

Chương mười ba

1

Mai tỉnh dậy bởi ánh mặt trời
rọi thẳng vào mặt, nóng ran. Cô nhỏm dậy, ngơ ngác nhìn xung quanh. Khắp người
cô như đau như dần; những vết gai cào ở chân tay, ở cổ, ở mặt vừa xót vừa nhức
nhối. Mạch máu trên thái dương cô đập mạnh. Mắt cô hoa đi khi nhìn lên những
luồng ánh nắng khiến cô phải vội vã nhắm mắt lại.

Phải một lát sau, trí nhớ của
cô mới trở lại hoạt động bình thường. Cô chợt rùng mình khi nhớ ra mình đang ở
đâu và vội mở choàng mắt, ngơ ngác nhìn quanh.

Cô gái nằm bên cạnh cô đã dậy
từ bao giờ và bỏ đi đâu rồi? Mai ngoảnh nhìn sang chỉ thấy bên mình một đống lá
khô dẹp xuống, in hình một người nằm.

Vậy là Mai vẫn không biết cô ấy tên là gì? Nhưng nỗi đau khổ của cô thì Mai
biết rõ.

Chiều qua, Mai gặp cô ấy bước thất thểu trong rừng như một cái bóng. Mặt
mũi cô tím bầm, áo quần nhàu nát, tóc tai rũ rượi.

- Chị ở đâu? - Mai hỏi

- Plây Cu! - Cô ấy trả lời.

Trông dáng người thon thả, nước da trắng hồng, những ngón tay thuôn búp
măng trên móng còn vương chút dấu son, Mai đoán cô gái này không thuộc vào hạng
người quen lam lũ. Có lẽ cô cũng là một nữ sinh, con một gia đình khá giả nào
đó ở thị xã. Nghĩ vậy, nhưng Mai không tiện hỏi. Mai cứ lặng lẽ đi bên cô gái, cùng
với những người dân di tản khác đi về hướng Đông. Họ nói rằng, cố gắng đi về
hướng ấy, vượt khỏi thung lũng sẽ gặp quân quốc gia.

Mãi tới xế chiều, khi đoàn người mệt mỏi dừng lại tìm chỗ ngủ qua đêm, Mai
mới nói chuyện được với cô gái ấy. Mai đang vun lá khô lại thành một đống để
lấy chỗ nằm thì cô uể oải bước tới.

- Chị cho em nằm với, được không?

Mai vội vã gật đầu:

- Được, nằm hai người cho đỡ sợ.

Khi đã chuẩn bị xong chỗ nằm, họ ngồi bên nhau, cùng im lặng ngắm những
chiếc lá khộp cuối cùng vàng vọt rơi trong bóng hoàng hôn. Một lúc lâu, cô gái
ấy mới quay sang hỏi Mai:

- Hôm nay chị được ăn gì chưa?

Mai uể oải lắc đầu.

Cô gái kéo cái sắc vải vào lòng, nhìn quanh rồi cô sục tay vài tận đáy túi
lôi ra một chiếc bánh mì vàng ươm.

- Chúng mình ăn một nửa thôi nghen, còn để dành sáng mai.

Họ chia nhau một nửa cái bánh mì. Mai để ý thấy cô gái bẻ cho mình miếng to
hơn. Cô nhai ngấu nghiến tưởng như chưa hề được ăn cái của này bao giờ. Nhìn
Mai ăn, cô gái chép miệng, thở dài:

- Tội nghiệp, chị đói quá phải không?

Mai thấy mặt mình nóng ran, bản tính con gái chợt trở lại với cô. Cô thấy
mắc cỡ vì đã ăn như ma đói trước mặt một người lạ. Cô gái sục tay vào đáy túi, lôi
nửa chiếc bánh mì còn lại bẻ thêm cho Mai một miếng:

- Chị ăn thêm đi.

Mai đỡ miếng bánh mì trên tay người bạn gái rồi vội vão quay đi, ứa nước
mắt.

Được ăn, Mai tạm quên cái khát. Nhưng khi đã nuốt xong miếng bánh mì, cơn khát
lại bắt đầu cào xé trong cổ, trong ngực cô. Mai cũng không hiểu tại sao mình
lại có có đủ nước bọt để thấm vào miếng bánh mì, đưa nó xuống dạ dày. Hình như
đoán được cơn khát của Mai hay chính vì mình cũng đang khát cháy họng mà bỗng
dưng cô gái nghĩ ra cái trò ấy. Cô hỏi Mai:

- Chị có muốn ăn xoài tượng không?

- Ủa, có xoài à? - Đôi mắt Mau sáng lên. - Đưa ăn cho đỡ khát!

- Nhưng còn xanh lắm. - Cô gái nhắm mắt lắc đầu. - Chua lắm, hổng có ăn
được đâu.

Mai bắt đầu thấy nước miếng mình tứa ra, mát khắp chân răng, mát cả trong
miệng, trong cổ. Nhưng cô cũng vụt hiểu. Cô bạn gái của Mai chỉ nói giỡn vậy để
đánh lừa cơn khát của hai đứa thôi chứ làm chi có xoài. Biết vậy, nhưng cô cũng
hùa theo cái trò ấy của bạn:

- Ừa! Thôi để giấm cho chín rồi hãy ăn nghen! - Hai người nhìn nhau, cười, cơn
khát quả nhiên có dịu đi thật.

Bóng đêm đen ngòm dần dần sập xuống, đầy đe dọa.

Hai người bạn gái ôm chặt lấy nhau. Một chiếc lá rơi, một tiếng mang tác
cũng khiến họ giật mình, run bắn lên. Cô bạn gái xiết chặt lấy Mai. Mùi mồ hôi
và thứ mùi khó chịu nhất của phụ nữ sau ba bốn ngày không được tắm rửa từ người
họ tỏa sang nhau. Nhưng lúc này chả hơi đâu mà nghĩ tới điều đó.

Mai lại muốn nói chuyện, muốn hỏi vì sao mà cô bạn của mình lại trôi giạt
tới đây? Ba má và những người thân thiết của cô hiện đang ở đâu? Cô cũng muốn
kể chuyện mình, muốn nói về những ngày khủng khiếp mà mình vừa trải qua với
người bạn mới quen. Nhưng, thấy cô bạn gái vẫn nằm im như một khúc cây, Mai
cũng không tiện gợi chuyện.

Bỗng đôi vai cô gái rung lên từng chặp. Rồi cô nấc lên, rưng rưng khóc. Mai
vòng tay qua, vuốt ve đôi vai cô bạn gái của mình, thay cho những lời an ủi.

Cô gái nghẹn ngào, nói trong tiếng nấc:

- Cực nhục quá... Chị ơi!

Mai lựa lời, an ủi:

- Ráng mà sống, bạn ạ. Mọi nỗi cực khổ rồi cũng sẽ qua đi cả thôi.

- Nhưng... em!... Hu hu... hự hự... Em hết muốn sống nữa rồi. Bọn chó má!
Chúng nó... cướp... hu hu... cướp mất đời con gái của em rồi...

Mai chợt lạnh người. Cô đã hiểu cái điều kinh khủng khiếp mà người bạn gái
vừa nói ra. Cô ôm xiết bạn vào lòng biểu lộ một nỗi thông cảm sâu sắc. Khóc một
chặp, cô gái mới tức tưởi kể chuyện. Qua lời kể đứt nối của cô, Mai hiểu được
rằng, khi lạc rừng, người bạn gái của mình đã bị ba thằng lính thiết giáp thay
nhau hãm hiếp.

- Chị ơi! Đời em vậy là hết rồi! - Cô gái nấc lên. - Em chỉ còn một ước
muốn: có một trái lựu đạn trong tay và gặp lại ba thằng khốn nạn ấy. Em sẽ ăn
thua đủ với tụi nó.

Sau đó Mai biết thêm rằng là cô gái là con gái một vị bác sĩ có tiếng ở
Plây Cu. Ba cô đã về Sài Gòn từ đầu tháng trước vì có công chuyện. Má cô chết
trong vụ lính biệt động và cảnh sát tranh gái chọi lựu đạn giữa phố hồi đầu
tháng. Cô điện cho ba lên để chôn cất má nhưng chiến sự đã nổ ra, đường dưới
Nha Trang lên tắc nghẽn, ba cô còn mắc kẹt dưới đó. Cô đành nhờ bà con lo lắng
chuyện chôn cất cho má. Luýnh quýnh vừa xong công chuyện thì Buôn Mê Thuột thất
thủ rồi đến vụ “tùy nghi di tản”. Cô bỏ lại tất cả nhà cửa, đồ đạc, chỉ xách
theo một va li gồm toàn đồ nghề quý giá của ba, nhảy nhờ một chiếc xe của người
quen để đi di tản. Nhưng cuối cùng, cả cái va-li gồm toàn thứ đồ lương thiện ấy
của cô cũng mất, rồi, cay cực hơn, đến tuổi trẻ trinh trắng của cô cũng bị tước
đoạt.

Người bạn gái khốn khổ ấy của cô cứ rủ rỉ vừa kể vừa khóc như vậy cho đến
khi mệt mỏi ngủ thiếp đi...

Mai bâng khuâng nhìn lại chỗ mình và cô bạn gái đã nằm qua một đêm. Cô ân
hận vì chưa kể gì về mình cho cô ấy nghe. Đáng lý cô phải hỏi tên cô ấy, ghi
cho cô ấy địa chỉ của mình ở Sài Gòn. Qua cơn tai biến này, hai đứa mà gặp nhau
thì hẳn sẽ thương quý nhau lắm.

Vậy mà cô ấy đã đi rồi. Tại sao cô ấy lại lặng lẽ bỏ đi một mình? Cô ấy đi
đâu? Mai chợt lo lắng nhìn quanh. Dân tị nạn ngủ đêm ở đây đã đi gần hết, chỉ
còn lèo tèo vài người ngủ dậy muộn, đang soạn đồ và lay thức những đứa trẻ mệt
mỏi, đói khát cứ nằm li bì không chịu dậy.

Dễ đến tám giờ sáng rồi còn gì. Rừng đã khô sương. Ve kêu râm ran. Nắng bắt
đầu le lói.

Mai chợt ngơ ngẩn, cô cảm thấy hình như hôm nay có điều gì khác lạ. Một lúc
lâu cô mới hiểu rằng cái khác lạ chính là sự yên tĩnh. Hình như ở ngoài đường
không còn đánh nhau nữa. Thỉnh thoảng mới nghe một loạt súng ngắn ngủi rồi tất
cả lại lặng trang.

Tiếng ve vẫn rộn rã, nồng nhiệt. Hình như bản nhạc rừng ấy đã an ủi Mai
nhiều, khiến Mai bớt cô đơn, thức dậy trong Mai những tia hy vọng và nỗi khát
khao cuộc sống.

Cô đứng dậy, vươn mình vài cái, thở căng lồng ngực bầu không khí trong lành
của buổi mai rồi hăm hở bước theo những người dân tị nạn.

Họ lại nhắm theo hướng mặt trời mà đi tới.

2

Có nhiều tiếng xôn xao ở phía trước rồi một người đàn bà nào đó chợt kêu rú
lên:

- Nước! Có nước rồi.

- Trời ơi!

- Có nước thiệt sao?

Một người mẹ rên rỉ:

- Có nước rồi! Sống rồi con ơi!

Đoàn người bước nhanh hơn. Có người chen lên trước, tất tưởi chạy như sợ
mình sẽ đến chậm. Mai nhắm nghiền mắt, tưởng tượng tới cái giây phút những dòng
nước mát cứ từ từ chảy vào cơ thể mình. Cô liếm môi, thấy xót. Trời ơi, đôi môi
mình đã nứt nẻ cả rồi sao thế này?

Họ đã gặp những người đã lấy được nước, hay nói cho đúng hơn là đã được
uống nước. Họ ngồi tựa vào những gốc cây, lim dim đôi mắt, tiếp tục thưởng thức
dư vị ngọt ngào của nước. Mặt mày họ tươi tỉnh như một cái cây sắp chết khô vừa
được một cơn mưa.

- Nước ở mô dì?

- Nước ở mô thế bác?

Một người đàn ông trạc bốn mươi tuổi, gương mặt nhăn nhúm, khắc khổ ngồi
bên gốc khộp với một đứa con trai chừng sáu bảy tuổi, có lẽ là con ông ta. Trên
tay ông vẫn ôm khư khư một cái nón sắt. Trong nón đúng là nước. Nhưng trời ơi!
Một thứ nước nhờ nhờ đùng đục. Nhưng, dù sao vẫn là nước. Mai mới nhìn vào đã
thấy chóng mặt, chếnh choáng như những người nghiện ngập đã lâu lắm mới được
ngửi thấy hơi rượu.

- Nước ở đằng nớ. Nhưng phải có tiền hoặc có thứ chi đổi.

Nhiều tiếng người xôn xao:

- Ủa, sao kỳ vậy?

- Nước của trời của đất chớ của ai?

- Bộ có người bán nước sao?

- Bán nước! Phải, bán nước đó. Hực... hực... hức... hức. - Người đàn ông ôm
nón nước trong tay cưới sặc sụa. - Chớ sao! Bán nước. Tui phải đổi một cái đồng
hồ Sen-kô mới được nón nước này đó. Hai cha con uống lưng nón rồi. Mà tui phải
ghìm thằng nhỏ này, nếu không nó dám làm hết cả nón.

Mặc dù nghe hai năm rõ mười vậy nhưng người ta vẫn không tin. Hoặc có tin
nhưng họ vẫn phải bước tới. Bởi vì phía ấy là nước. Dù sao vẫn có nước. Theo
tay người đàn ông chỉ, họ tụt xuống sườn đồi, tụt xuống mãi.

Họ lại gặp những người vừa được uống nước đi ngược trở lên. Có người túm
nước vào trong những chiếc túi ni lông, vừa đi vừa mút chùn chụt vào những lỗ rò,
nước đang phun ra từng tia li ti. Có người dáng chừng không kiếm ra thứ chi để
đựng nước nên ở trần, cái áo trên tay ướt sũng.

Cuối cùng, Mai và đoàn người đã tìm ra nước và những kẻ bán nước.

Đó là một cái hố nằm lọt giữa một bãi cỏ rộng kẹp giữa hai dải đồi. Có lẽ, trong
mùa mưa voi rừng và bò rừng đã thi nhau đằm đìa ở đây nên tạo nên một cái hố rộng
như một cái hố bom.

Người có công phát hiện ra nó là một gã đại úy biệt động quân. Sau bao năm
lăn lộn, trầy vi tróc vẩy ngoài chiến trường, bây giờ trời bỗng phú cho gã một
cơ hội làm giàu hiếm có. Gã và bốn tên lính dưới trướng, có cả súng máy FM và
súng phóng lựu M.79 liền chiếm luôn lấy hố nước quý báu đó. Gã đại úy biệt động
quân biên phòng hẳn đã lăn lộn nhiều vùng rừng núi khắc nghiệt này nên hiểu giá
trị của vũng nước trời cho ấy.

Và cuộc kinh doanh bắt đầu.

Đám dân khốn khổ còn cách gì hơn là lộn tất cả những thứ gì còn lại trên
người để đổi lấy nước.

Cái nón sắt của gã chẳng mấy chốc đã đầy ắp những tiền, những đồng hồ, nhẫn,
dây chuyền... Gã đứng trên miệng hố, một tay cầm súng ngắn, một tay bê chiếc
nón sắt. Mắt gã gườm gườm nhìn “khách hàng”. Mồm gã luôn la hét:

- Ê! thằng kia! Lưng nón thôi nghen. Thôi! một cái đồng hồ cà là mèng mà
uống nhiều của tao thế mậy? Lên! Đù mẹ. Cho nó một báng súng đi tụi bay.

Bộ mặt hắn đen xỉn, tối tăm. Ba bốn cái răng vàng lấp lóa trong miệng. Một
mắt hắn đã thui, mắt còn lại trắng dã. Giọng hắn the thé, rổn rảng như tiếng
xích sắt.

- Mụ ni có chi? Cà rá hả? Ngon đó. Đưa coi đồ thiệt hay đồ giả chớ. Được
rồi. Mụ xuống đi. Một nón thôi nghe. Mặc mụ, tui đâu có đồ chứa cho mụ. Xuống
đi! Lẹ lên không thôi đây nè... Bộ cái cà rá của mụ quý lắm hẳn? Đây, đưa trả
mụ đó!

Hắn ném chiếc cà rá xuống trước mặt. Người đàn bà vội cúi xuống nhặt lên
rồi tiến lại thả chiếc cà rá vào bàn tay đầy những sẹo na-pan của tên đại úy. Xong
xuôi, chị rên rỉ bước xuống hố nước với lấy chiếc nón sắt vục đầy một nón nước
đục ngầu lên rồi nhắm mắt uống một hơi dài. Nhưng dẫu khát chị cũng không thể
uống hết cả một nón đầy nước. Chị lúng túng, ngước nhìn mấy người lính rồi kẹp
chiến nón vào giữa hai đùi, cởi phăng chiếc áo mình đang mặc ra. Mặc cho bọn
lính cười nhăn nhở và tuôn ra đủ những câu tục tĩu, chị nhúng chiếc áo vào nón
nước.

Rồi cũng đến lượt Mai.

Trên tay cô còn một chiếc nhẫn có gắn đá quý và trên cổ cô còn một sợi dây
chuyền. Hai thứ đó cô phải hy sinh để đổi lấy nước, lấy sự sống. Chiếc nhẫn của
má mua cho cô, cô không nỡ. Còn chiếc dây chuyền là của anh Hai cô mua tặng
nhân dịp mừng cô đỗ tú tài hai.

“Anh Quang ơi! Đây là vậy kỷ niệm của anh. Nhưng, em đành phải dứt nó ra
thôi, vì em cần phải sống. Dù sao thì anh cũng dùng thứ tiền do anh đi làm công
tác cho “áp-phe chiến tranh” mà có để mua nó. Vậy thì, bây giờ em xin lỗi anh, em
trả lại nó cho chiến tranh. Nếu anh còn sống sót trở về thì khi gặp nhau em sẽ
xin lỗi anh, sẽ kể cho anh nghe chuyện này. Hẳn anh sẽ thông cảm, sẽ không
trách em gái tội nghiệp của anh đâu.”

Mai nghĩ vậy rồi tiến lại, khinh bỉ quẳng chiếc dây chuyền vào chiếc nón
sắt của tên đại úy rồi bước xuống hố nước. Không hiểu vì căm giận, khinh bỉ hay
vì cơn khát chợt bùng lên dữ dội khi đôi môi khô cứng, nứt nẻ của cô sắp được
tiếp xúc với nước mà cô run bắn lên, loạng choạng rồi ngã một cái “ạch” giữa
đống bùn đất nhão nhoét. Bọn lính cười ré lên. Mặc chúng! Cô chẳng thèm đứng
dậy, cứ ngồi nguyên trong đám bùn đất ấy rồi lết xuống, cầm lấy chiếc nón sắt
vục nước lên. Bằng một cảm giác đê mê trộn lẫn với đắng cay, cô vục đầu vào nón
nước tanh tưởi, vừa lùa nước vào lòng mình vừa để mặc cho nước mắt mình rơi lã
chã vào chính cái dòng nước đó.

Chưa bao giờ cô thấm thía nỗi thống khổ mà con người phải chịu đựng trong
chiến tranh như giây phút ấy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3