Trong cơn gió lốc - Chương 12 phần 2
Có một người mẹ, đến lúc con
sắp lịm đi vì đói khát mới tỉnh ra. Chị xé rừng, ôm con lao như điên ra phía có
những tiếng loa đang gọi. Khi gặp chúng tôi, chị quỳ xuống đưa đứa con ra trước
mặt mà van vỉ:
- Các ngài làm ơn cứu lấy con
tôi. Tiền bạc của tôi đây. Cái thân xác của tôi đây. Các ông muốn làm gì thì
làm. Các ông giết tôi cũng được. Nhưng hãy cứu lấy cháu. Nó không có bệnh tật
gì đâu, nó chỉ đói quá, khát quá mà thôi.
Chúng tôi đỡ lấy đứa trẻ, chị
gục xuống, xỉu đi. Nhưng chúng tôi đã không cứu nổi đứa trẻ. Chị đã tới với
chúng tôi quá chậm.
Chúng tôi đổ nước đường cho
chị. Khi tỉnh dậy, nhìn thấy đứa con đã chết, mắt chị long lên sòng sọc. Chị
nhảy xổ vào chúng tôi mà chửi rủa, cấu xé cho tới khi mệt quá, ngất lịm đi. Vết
tay chị cào cấu vẫn còn hằn trên mặt tôi đây. Nhưng tôi không oán trách chị đâu,
người mẹ đau khổ ạ.
Biết bao nhiêu cảnh đau
thương như thế đã diễn ra trên con đường rút chạy của quân đoàn 2 ngụy. Chúng
tôi đã làm hết sức mình để giảm bớt những đau thương ấy. Chúng tôi gọi loa suốt
một ngày, anh nào anh nấy cổ đã khản đặc. Nhưng chúng tôi đã cứu được hàng ngàn
đồng bào thoát khỏi cảnh lang thang đói khát trong rừng. Một số người, nghe
tiếng gọi tha thiết cho chúng tôi, họ xúc động tìm đến chúng tôi. Một số người
vì đói khát, kiệt sức cùng đường mới chịu bò ra với ý nghĩa đằng nào cũng chết,
cứ bò bò ra nếu Việt cộng có lòng thương nhân loại thì may ra được cứu sống. Nhiều
người, khi tìm thấy họ chỉ còn thoi thóp thở. Khi được cứu sống, phần lớn họ đã
khóc trước mặt chúng tôi. Nhất là các bà, các chị, họ tự dằn vặt, chửi rủa mình
ngu ngốc để bị bọn địch lừa phỉnh, dọa dẫm; đến nỗi mất sạch cả của cải, gia
đình ly tán, kẻ mất người còn. Rồi họ tố cáo, buộc tội kẻ thù. Đó là những tòa
án nhân dân. Chúng tôi lắng nghe tất cả và ghi nhớ. Vì chúng tôi là những người
thi hành những lời tuyên án của nhân dân, của lịch sử.
Đêm nay hoặc ngày mai sư đoàn
sẽ mở cuộc tiến công toàn diện vào những lực lượng địch bị dồn ứ lại trong thu
lũng này. Chiều nay đã nghe pháo lớn bắn vào thị xã. Vậy là sắp bắt đầu rồi. Sau
đó có lẽ chúng tôi sẽ tiến về tiến công. Tiếp tục truy kích kẻ thù. Hưng nói: “Biết
đâu, có thể chúng ta sẽ đánh ra tới tận bờ biển.”
Không chỉ riêng Hưng khao
khát được đuổi địch ra tới bờ biển. Bao năm chiến đấu trên cao nguyên, chúng
tôi đều khao khát như vậy. Chúng tôi sẽ tới, nhưng không phải như những nhà du
lịch mà tới với tư thế của người chiến thắng.
Mình ghi linh tinh quá nhỉ?
Chẳng vào đâu cả. Đọc lên chúng nó lại cười cho đấy. Mà sao pháo của ta bắn
nhiều vậy? Nghe khoái cái lỗ tai thật.
Trận đánh đã bắt đầu rồi
chăng?
3
Trận tiến công vào thị xã Hậu
Bổn đã bắt đầu từ năm giờ chiều. Bây giờ đã gần mười giờ đêm rồi mà vẫn chưa có
dấu hiệu gì chứng tỏ trận đánh sắp kết thúc. Tiếng súng vẫn nổ ran trong thị xã.
Những cột lửa đỏ sậm ngả nghiêng theo từng đợt gió khô. Sông Ba lấp lóa trong
ánh lửa; chỗ tối, chỗ sáng như một con rắn khúc trắng khúc đen trơn nhẫy, đang
cố sức trườn ra khỏi cái thị xã nóng bỏng kia. Khói đùn lên, nhưng đọng thành
những mảng đen, hình thù quái dị trên bầu trời thị xã. Đạn lửa, từng dân dài, đỏ
đọc, đan chéo nhau thuốn vào bóng đêm.
Ở những làng xóm ven thị xã, chó
thi nhau sủa từng tràng inh ỏi. Chú nào mệt quá, hoặc mỏi mồm, mới chịu gâu gâu
tiếng một. Nhưng chỉ một lát, như sợ thua chúng bạn, nó lại tru tréo xổ từng
tràng dài như một khẩu đại liên.
Trung đoàn 6 chỉ còn một đại
đội tham gia đánh hai chốt phía Đông Nam thị xã, còn lại toàn bộ lực lượng, trừ
bộ phận đã vượt đèo Tu Na, đều được lệnh nằm yên, hình thành thế vây lõng. Sẵn
sàng đón địch từ thị xã bung ra; đồng thời, cũng sẵn sàng nhảy vào tiếp sức cho
trung đoàn 4 khi cần.
Trung đoàn trưởng Thuần luôn
bám máy, theo dõi sát diễn biến của trận đánh. Thỉnh thoảng ông lại quay điện
thoại xin tổng đài sư đoàn cho nói chuyện với ban tác chiến. Đồng chí trực tổng
đài bực mình gắt um lên trong máy:
- Đang bận chỉ huy tác chiến,
cụ ơi!
Trung đoàn trưởng Thuần cười
dàn hòa:
- Cậu thông cảm chút, cùng
dân máu mê cả mà. Hay cậu cắm phích cho mình nghe với.
Đồng chí chiến sĩ điện thoại
la lên:
- Như vậy phạm nguyên tắc, thủ
trưởng ơi!
- Chậc! Mình thề sẽ không tố
cáo cậu đâu mà lo.
Anh chiến sĩ điện thoại cười
vang:
- Một tút Ru-bi “chân co chân
duỗi”. Đồng ý không?
Trung đoàn trưởng quay lại
nháy mắt với chính ủy Tâm và tham mưu trưởng Sự.
- Đang mặc cả đấy, thằng lỏi
con!
Rồi ông lại bấm công tắc và
cũng bắt chước giọng mặc cả của anh chiến sĩ điện thoại:
- Gì mà đắt thế! Nửa tút, xong
không?
Đầu dây bên kia lại có tiếng
cười:
- Thôi được! Nói vậy cho vui
thôi. Mời thủ trưởng nghe nhé. Trung đoàn 4 đang báo cáo tình hình đấy.
Có tiếng rột rẹt trong ống
nghe rồi giọng nói khao khao của trung đoàn trưởng Đặng Ngọc San vọng lại, nghe
xa lắc:
- ... Khu trại Ngô Quyền cơ
bản xong rồi. Vâng. Nhưng địch túa ra ngoài phố đông quá. Những khi ta đánh
lướt qua rồi khi quay lại thấy có địch. Vâng! Nó cứ chạy quẩn vậy mới mệt. Trời
tối quá! Chúng tôi chưa biết thằng đại đội 7 ở xó nào bây giờ cả. Liên kạch V. T.
Đ với nó vẫn tốt. Nhưng hỏi nó đang ở đâu thì nó trả lời: “Chúng tôi đang ở
giữa phố, bốn xung quanh đều địch cả. Không hiểu ở chỗ nào.” Sao? Bảo nó bắn
pháo hiệu ạ? Vâng. Tiểu đoàn anh Diệu vừa chiếm xong tiểu khu. Thực ra đánh
chiếm tiểu khu chẳng khó khăn bao nhiêu. Sao ạ? Đúng như thế! Cơ bản là thằng
địch bên ngoài thôi ạ. Nhưng trời tối quá! Chúng nó mà nằm im thì chẳng biết
đường nào mà lần.
Im lặng một lúc khá lâu. Tham
mưu trưởng Sự vẫn ngồi chầu hẫu bên cạnh, thỉnh thoảng lại hỏi: “Sao rồi anh?” Chính
ủy Tâm ngồi im lìm như một bức tượng, điếu thuốc trên môi ông vẫn lập lòe.
Có tiếng chuông reo nhẹ và từ
tốn rồi từ trong máy vang lên giọng nói điềm tĩnh, trầm ấm của tư lệnh trưởng
sư đoàn:
- Anh San đâu! Anh còn nghe
đấy không? Ờ, này... bây giờ thế này nhé. Anh ra lệnh cho các đơn vị ngừng tiến
công. Chỗ nào nằm yên chỗ đó nhưng phải tổ chức người bám địch, canh gác. Cho
các phân đội củng cố lại đội hình, bổ sung đạn dược, đưa thương binh và giải tù
bình ra ngoài. Sáng mai ta sẽ đánh tiếp! Những mục tiêu cơ bản xong rồi, còn
lại chủ yếu là bọn địch lẩn tránh trong các ngách phố. Ta đợi ban ngày ban mặt
đánh cho đỡ mệt, tránh thương vong vô ích. Anh có đề nghị gì nữa không?
- Báo cáo thủ trưởng, các
phân đội đều xin đạn. Nhất là B.40, B.41 và đạn cối, lựu đạn. Đánh thành phố
xài những thứ đó nhiều lắm. Đề nghị sư đoàn cho xe chở xuống khu sân bay cho
chúng tôi.
- Được rồi! Anh tổ chức đón
nhé. Tôi lệnh cho quân giới sư đoàn đưa đạn xuống ngay cho các anh. Bây giờ anh
tổng hợp lại toàn bộ tình hình. Ba mươi phút nữa báo cáo.
- Rõ
Trung đoàn trưởng Thuần cũng
đặt máy, quay lại với chính ủy và tham mưu trưởng.
- Ngừng tiến công rồi!
- Sao? - Sự sửng sốt hỏi. -
Đã xong rồi cơ à?
- Chưa! Nhưng cơ bản thì cũng
coi như xong. Trời tối quá, địch túa ra phố rất đông, trốn trong các ngõ ngách
rồi nằm im. Không biết đường nào mà lần. Sư đoàn lệnh ngừng tiến công. Sáng mai
đánh tiếp!
Chính ủy cười:
- Đấy! Tôi đoán ngay mà. Đánh
đêm có nhiều thuận lợi nhưng rất khó mà tiêu diệt triệt để được. Nhất là cái
thằng địch này, chúng nó nằm đầy các ngả đường chứ có co cụm lại một vài cụm
đâu. Đụng vào là chúng túa ra, chạy lung tung, có trời mà lần.
Trung đoàn trưởng thắp thêm
một cây nến, cắm vào chỗ cây nến cũ sắp lụi trên chiếc thùng đạn đại liên rồi
quay lại nói với hai người.
- Ngày mai quân mình sẽ mệt
đấy. Đêm nay chúng nó sẽ chuồn ra rừng rất nhiều. Ngày mai thế nào mà sư chẳng
lệnh cho ta đi càn, truy quét nốt.
Sự ngồi xuống bên cây nến, châm
một điếu thuốc lá rồi quay lại nói với trung đoàn trưởng:
- Từ giờ tới sáng thế nào các
chốt của ta cũng gặp địch trong thị xã chạy ra.
- Đúng đấy! - Trung đoàn
trưởng vỗ vai Sự. - Anh gọi điện thoại cho các đơn vị nhắc các chốt phải tỉnh táo.
Lính tráng ngủ tịt cả, nó chạy qua đầu cũng chẳng biết đâu.
Sự đến bên điện thoại, giọng
ồm ồm như nói trong chum của anh lại vang lên. Chính ủy cũng đứng dậy luôn, vươn
vai rồi nói với trung đoàn trưởng:
- Từ giờ tới sáng chắc chẳng
có chuyện gì đặc biệt. Anh đi ngủ một chút đi.
Trung đoàn trưởng cũng giục:
- Cả anh cũng phải đi nghỉ đi
chứ.
Chính ủy đưa bàn tay đập đập
lên trán:
- Tôi chưa ngủ được đâu. Chập
tối, tưởng phải thức suốt đêm tôi đã dại dột uống một ly cà phê với tay Nhuận. Khéo
thức tới thấu sáng ấy chứ lại.
Sự đã gọi điện thoại xong, anh
quay lại khoát tay nói với hai thủ trưởng:
- Thôi! Mời hai bố già đi ngủ
cả cho. Tôi và tay Nhuận trực cũng đủ rồi.
Chính ủy vỗ vai trung đoàn
trưởng, hóm hỉnh:
- Ông này ông ấy không thích
gọi là “bố già” đâu nhé! Cậu chỉ bậy. Ông ấy còn đủ sức đánh một mạch xuống Phú
Yên tìm bà xã kia đấy.
Sự cười khơ khớ:
- Hay nhỉ! Cứ như Lục Vân
Tiên đi tìm Kiều Nguyệt Nga ấy! Tìm cảm dồn nén hai mươi năm, gặp nhau chắc hẳn
sẽ nổ bùng nên như một... quả mìn ĐH 10!
Trung đoàn trưởng thụi vào
lưng Sự một cái:
- Cậu chỉ được cái dại mồm
dại miệng.
Sự vẫn không chịu buông tha.
- Này! Nhưng tôi hỏi thật nhé.
Nếu gặp chị ấy anh có dám ôm hôn một cái trước ba quân không nào?
Trung đoàn trưởng gật đại:
- Thừa sức! Sợ gì mà không
dám hôn.
Sự vỗ tay cười.
- Đấy! Chính ủy nhớ lấy nhé!
Chính ủy vội xua tay “phanh”
anh chàng tham mưu trưởng lắm mồm lại.
- Thôi! Mày đừng có phá. Để anh
ấy đi ngủ một lát đã chứ. Lại sáng bạch bây giờ!
Hiểu ý chính ủy, Sự đứng ngẩn
ra giây lát rồi cố xuống giọng nghiêm chỉnh:
- Ờ nhỉ, tôi quên mất! Mải...
vui quá. Thôi, hai thủ trưởng cứ yên tâm mà đi ngủ. Tôi đã nhắc các đơn vị chú
ý đón lõng địch trong thị xã chạy ra rồi.
Trung đoàn trưởng uể oải đi
về hầm của mình. Cậu công vụ của ông đã ngủ say, chân tay dang rộng ra thành
một chữ “đại”. Chà sao mà chúng nó dễ ngủ đến thế không biết? Nằm xuống là ngáy
liền. Sao mà nó nặng thế! Nằm xích vô đi chú mày. Cậu công vụ ú ớ lên vài tiếng,
đưa tay lên cổ gãi sồn sột rồi lại ngáy sôi lên.
Thuần ngả lưng xuống tấm bạt
dưới trải nền hầm, xương cốt ông giãn ra, kêu lục cục. Bây giờ ông mới thấy
lưng mình đau như dần. Lúc này mà nó quật cho một cơn sốt thì mệt đấy. Đang lúc
tác chiến liên miên thế này mà nằm trùm chăn thì vô duyên thật. Chi bằng “nghênh
chiến” trước là hơn. Nghĩ vậy, ông ngồi dậy, bật đèn pin lục ba lô tìm hộp
thuốc cá nhân lấy ra hai viên Ni-va-kin rồi với bi đông, bỏ thuốc vào miệng tu
ực một hơi.
Xong xuôi, ông yên trí nằm
xuống. “Nhưng sao đầu óc mình vẫn tỉnh như sáo thế này?” Ông trăn trở, bồn chồn.
Rồi cũng như nhiều đêm không ngủ khác, điếu thuốc lá lại lập lòe trên môi ông.
Ông chợt nhớ lại cảm giác ngượng
ngùng pha chút vui sướng khi chính ủy và Sự nhắc tới ngày ông gặp lại vợ con. Hình
như bây giờ, không phải chỉ riêng ông mà tất cả cán bộ tham mưu xung quanh ông đều
nghĩ rằng, việc tiếp tục truy kích địch, tiến về đồng bằng ven biển Phú Yên là
điều tất nhiên rồi. Sư đoàn cũng đã thông báo cho ông biết rằng, những lực
lượng địch đã vượt qua được thung lũng Cheo Reo trước khi ta kịp chặn còn khá
đông. Chúng đang bị các lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Phú Yên đón đánh dọc
đường và có khả năng sẽ cụm lại thành một cụm lớn ở quận lị Củng Sơn, Quận Sơn
Hòa, địa đầu của tỉnh Phú Yên để chờ sửa đường và làm cầu qua sông Ba rồi mới
tiếp tục hành quân về Nha Trang được. Vì thế sư đoàn phải nhanh chóng thanh
toán bọn địch ở Cheo Reo để tiếp tục hành quân truy kích và bao vây tiến công
tiêu diệt nốt lực lượng này.
Như vậy, những trận đánh sắp
tới của sư đoàn, mặc nhiên sẽ diễn ra trên mảnh đất quê ông.
Chỉ mới nghĩ tới điều đó ông
đã thấy lòng mình nôn nao. Ông nhắm mắt lại và hình dung gương mặt của vợ mình
nhòe lệ. Hơn hai mươi năm nay, bất cứ khi nào trong tưởng tượng và cả trong mơ
ông cũng chỉ gặp gương mặt vợ mình nhòe lệ như buổi tiễn ông ra Quy Nhơn để
xuống tàu đi tập kết. Chưa bao giờ ông hình dung được một gương mặt khác với
gương mặt thân yêu của vợ mình ngày ấy. Không! An không thể giữ mãi được gương
mặt trẻ trung, căng tràn nhựa sống của tuổi mười tám đôi mươi. An không thể giữ
mãi được nước da trắng mịn, mái tóc đen dài mỗi khi buông xõa lại thơm ngát
hương dầu dừa. Sức tàn phá của thời gian đối với sắc đẹp của con người thật ghê
gớm. Nhưng sức chịu đựng tàn phá của nỗi nhớ thương, của sự dồn nén chịu đựng
của nỗi cay đắng, cực nhục trong những ngày đen tối của quê hương lại càng ghê
gơm hơn. Có thể An đã già đi rất nhiều. Đôi mắt lúc nào cũng như có nắng đọng
đầy những nét u buồn. Mái tóc đen huyền buổi ấy hẳn đã điểm nhiều sợi bạc. Nhưng,
có một điều mà chắc chắn An vẫn giữ được nguyên vẹn như buổi ban đầu, đó là
tình thủy chung đối với chồng, là niềm tin và lòng trung thành đối với cách
mạng. Những điều đó không chịu sự tàn phá của thời gian và nanh vuốt kẻ thù...
... Khi gặp lại, anh sẽ nói
với em những gì đây? Kể cho em nghe về quãng đời hai mươi năm vắng em của cuộc
đời mình ư? Nó có nghĩa gì đâu so với hai mươi năm vắng anh trong cuộc đời em?
Hai mươi năm đó, nếu em chỉ là một người vợ thủy chung, chỉ biết nuôi con và
chờ đợi, thì cũng đủ để cho anh, khi gặp lại phải kính phục. Nhưng hai mươi năm
đó đối với em còn là hai mươi năm chiến đấu. Bởi vì hai mươi năm qua, ở miền
Nam đau thương này, đứng trước một kẻ thù tàn bạo như đế quốc Mỹ và bè lũ tay
sai của nó, thủy chung cũng có nghĩa là chiến đấu. Và, chỉ có chiến đấu mới giữ
được lòng chung thủy, giữ vững được niềm tin.
Anh yên lòng khi nghĩ tới con
của chúng ta. Em sẽ biết cách dạy dỗ nó nên người. Em đã chọn cho nó con đường
chiến đấu, trở thành người chiến sĩ cách mạng; đó cũng cách tốt nhất để em giữ
được nó mãi mãi bên chúng ta; mặc dù, trong cuộc chiến đấu này, con đường chiến
đấu bao giờ cũng đồng nghĩa với sự hy sinh, với đau thương, mất mát.
Anh biết ơn em biết mấy! Hỡi
em, người vợ hiền, người đồng chí của anh!...
Trung đoàn trưởng Thuần lại
nghiêng người bật lửa châm thuốc. Cũng không biết là điếu thứ bao nhiêu rồi. Ngoài
trời, vẫn sương rơi, gió thổi. Phía thị xã Cheo Reo, thỉnh thoảng lại rộ lên
một đợt súng nhưng vẫn không đủ để khuấy động cả không gian yên tĩnh.