Trong cơn gió lốc - Chương 12 phần 1

Chương mười hai

1

Đài quan sát của sở chỉ huy nhẹ Bộ tư lệnh sư đoàn đặt trên một điểm cao
hơn một ngàn mét. Buổi trưa, không khí trên điểm cao như bị nung lên, nóng hầm
hập. Bầu trời cao vống, xanh nhức mắt. Thỉnh thoảng mới có một vài ngọn gió như
ngái ngủ, uể oải thổi qua nhưng chỉ thốc vào mặt mọi người một làn hơi khô khốc
và nóng như hơi lò nung.

Từ đây có thể nhìn thấy thấu tận bên kia thung lũng. Cái lòng chảo nhỏ bé
này hẳn sẽ chẳng mấy ai biết tới nếu không có những trận đánh dữ dội trong mùa
xuân lịch sử này. Con sông Ba cũng chỉ như vô tình chảy qua đây. Nó kiêu hãnh
chảy vắt ngang thung lũng, đến chân đèo Tu Na nó uốn lượn ngoằn ngoèo như làm
duyên rồi luồn lách qua những khe núi chảy về phía đồng bằng ven biển.

Thị xã Hậu Bổn (Cheo Reo) cũng chỉ nhỉnh hơn những phố huyện trù phú một
chút. Nó chỉ có mấy dãy phố ngang dọc, nhấp nhô vài dãy nhà cao tầng, mấy cái
tháp chuông và một sân bay nhỏ cho các máy bay hạng nhẹ có thể lên xuống. Vốn
xưa Cheo Reo cũng chỉ là một quận lị. Năm 1962, chính quyền Diệm cắt phần đất
của bốn tỉnh Phú Yên - Plây Cu - Đắc Lắc và Bình Định để lập ra một tỉnh mới và
đặt tên là tỉnh Phú Bổn. Các cụ già ở vùng này kể lại rằng, sở dĩ có cái tên “Phú
Bổn” là vì Diệm làm ra vẻ cũng thuộc vào lớp đệ tử cuối mùa của đức Khổng Mạnh,
rất tâm đắc câu cần giả phú vi bổn (cần kiệm là căn bản của thịnh vượng) trong
sách thánh hiền. Quận lị Cheo Reo được đổi tên là Hậu Bổn và trở thành tỉnh lị
của tỉnh này.

Đứng trên đài quan sát, chiếu ống nhòm xuống khu vực thị xã, tư lệnh trưởng
Thanh Đồng như cảm thấy sự ngột ngạt, bức bối của cái thị xã này. Ở đó hiện nay
đang nhung nhúc những lính. Sự hỗn loạn, ầm ĩ chỉ có thể ví như trong một cái
tổ ong đã bị người ta bịt hết lối chui ra. Chúng nó đang giãy giụa một cách
điên cuồng và tuyệt vọng. Suốt ngày hôm qua và buổi sáng nay, chúng điên cuồng
dùng các lực lượng thiết giáp kết hợp với các đơn vị biệt động quân liên tiếp
mở những đợt phản kích hòng mở lấy một cái lỗ để thoát ra khỏi cái thung lũng
ngột ngạt, đầy chết chóc này nhưng vô hiệu. Các chiến sĩ trung đoàn 6 đã thực
sự lập được một bức tường thép. Số phận của đạo quân ấy đã được định đoạt. Tư
lệnh trưởng chiếu ống nhòm ra khu vực sân bay rồi dừng lại ở điểm đó khá lâu. Một
lát sau, ông quay sang hỏi trung đoàn trưởng trung đoàn 4 Đặng Ngọc San:

- Anh thấy khu vực sân bay thế nào?

Anh trung đoàn trưởng chẳng buồn nâng ống nhòm lên, trả lời luôn:

- Như một cái chợ. Xe pháo chúng nó dồn cả về đấy dễ đến vài trăm chiếc.

Tư lệnh trưởng buông thõng ống nhòm trước ngực và vẫn đăm đăm nhìn xuống
thung lũng. Bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận thấy sự lộn xộn, ngổn ngang ở khu
sân bay. Xe cộ đậu san sát, kính gió phản chiếu ánh nắng mặt trời lấp lóa. Ông
thầm nghĩ: “Nếu bây giờ mà nện cho nó một vài quả pháo vào đó thì sẽ loạn lên
ngay cho mà xem. Phải. Hãy tỏ ra hào phóng một chút!” Nghĩ vậy, ông mỉm cười
rồi quay sang đồng chí trưởng ban pháo binh sư đoàn đang cắm cúi tính toán trên
bản đồ.

- Đã có thể cho những con gà cồ của anh gáy lên được chưa, anh Dũng?

Anh trưởng ban pháo binh đứng dậy, xoa xoa hai tay vào nhau, nhăn nhó báo
cáo:

- Báo cáo sư trưởng, pháo thì đã sẵn sàng nhưng đạn mới có ba chục viên, xe
chở đạn chưa tới ạ.

Tư lệnh trưởng chỉ xuống thung lũng:

- Anh có thấy bãi xe kia không?

- Có ạ! Nhộn nhịp quá, phải không thủ trưởng?

Tư lệnh trưởng cười, khôi hài:

- Hãy chi vào đó hai chục quả đi, anh bạn ạ.

Anh trưởng ban pháo binh phấn khởi đáp:

- Có ngay! Hai chục quả là mấy, chốc nữa xe chở đạn của trung đoàn pháo sẽ
tới nơi thôi mà.

- Vậy thì tốt. Nổ đi!

Anh trưởng ban pháo binh đứng nghiêm lại:

- Báo cáo, xin thủ trưởng chờ cho mười phút.

Rồi anh quay điện thoại liên lạc với trung đoàn pháo binh cơ giới. Trong
khi chờ đợi, tư lệnh trưởng quay lại bàn thêm với trung đoàn trưởng Đặng Ngọc
San về phương án tiến công thị xã trong đêm nay.

- Xe tăng có thể gặp khó khăn khi phát triển vào khu sân bay. - Ông nói. - Chúng
ta không có thời gian để dọn đường đâu. Vì vậy, nếu gặp trắc trở, xe không tham
gia xung phong được thì ta phải tự xoay xở, không nên ỉ lại vào thiết giáp.

- Báo cáo thủ trưởng, chúng tôi đã dự kiến tình huống này. Nếu xe tăng
không lên được thì chúng tôi sẽ tăng cường hỏa lực cho mũi đột phá. Chỉ yêu cầu
pháo binh sư đoàn chi viện thật đắc lực.

- Yên chí! Trong kế hoạch hỏa lực, các cậu vừa được sự chi viện hỏa lực của
trung đoàn pháo binh cơ giới của sư vừa được sự chi viện của trung đoàn pháo
binh cơ giới do Bộ chỉ huy chiến dịch tăng cường. Pháo binh sẽ bắn từ ba giờ
cho đến khi các đơn vị vào tiếp cận vị trí xuất phát xung phong. Nhưng, khi các
cậu vào tới trung tâm thị xã thì sự chi viện của pháo binh sẽ khó khăn hơn. Chủ
yếu là phải giải quyết bằng hỏa lực đi cùng các phân đội.

Trung đoàn trưởng San lắc
đầu:

- Chuẩn bị cập rập quá. Đánh
một thị xã mà sơ đồ mạng đường sá cũng không có thì gay thật. Địch lại lúc nhúc
khắp các xó xỉnh của thị xã chứ không tập trung ở một vài mục tiêu. Tôi chỉ lo
khi phát triển, các đơn vị khó mà bắt liên lac được với nhau.

- Vậy nên phải có kế hoạch
hiệp đồng cho thật cụ thể. Các phân đội lấy trục đường chính chạy xuyên qua thị
xã theo hướng từ Tây sang Đông mà làm trục trung tâm phát triển. Rồi phải có ký
tín hiệu để nhận nhau, nếu không, trời tối nhập nhoạng lại nện vào đầu nhau thì
khốn.

Tiếng anh trưởng ban pháo
binh sư đoàn bỗng vang lên:

- Báo cáo thủ trưởng, pháo
sắp bắn đấy ạ.

Tư lệnh trưởng sư đoàn, trung
đoàn trưởng San và các chiến sĩ thông tin, trinh sát, bảo vệ có mặt trên đài
quan sát đều đứng cả dậy, hướng về phía sân bay thị xã. Tất cả bỗng yên lặng, trang
nghiêm như chuẩn bị chứng kiến một sự kiện nào đó hết sức trọng đại. Anh trưởng
ban pháo binh thì rõ ràng là đang xúc động. Chỉ riêng anh đứng quay lưng lại, nhìn
về một hướng khác, phía bên kia dãy núi, những khẩu pháo nòng dài của ta chuẩn
bị lên tiếng.

Cùng... cùng... cùng... cùng...

Tiếng nổ đầu nòng của những
khẩu pháo nòng dài âm vang, đĩnh đạc vọng vào các triền núi. Rồi, trên đầu họ
vang lên những tiếng xé gió ào ào của đạn đại bác.

Ầm... ầm... ầm...

Những ánh chớp lóa lên trong
nắng. Rồi những đụn khói đùn lên, lửa bốc rừng rực. Khu sân bay bỗng chốc chìm
nghỉm trong khói lửa.

- Khá lắm!

Tư lệnh trưởng cười ha hả rồi
trịnh trọng nâng ống nhòm lên.

- Cùng... cùng... cùng...

Những con gà cồ lại tiếp tục
lên tiếng. Nó không chỉ gây nên sự hoảng loạn cho cái đám lính tráng, xe cộ
đang nằm trong tọa độ lửa ấy mà nó sẽ gây một sự kinh hoàng cho cả một đoàn
quân đang như cá nằm trên thớt trong cái thung lũng ngột ngạt này. Pháo binh đã
lên tiếng nghĩa là khúc nhạc dạo đầu đã tấu lên rồi. Số phận của chúng nó đã
đến lúc kết thúc!

Cùng... cùng... cùng...

Tiếng pháo lại nổ rền, âm
vang thung lũng.

2

Ngày 18-3-1975.

Hai hôm nay không ghi được
nhật ký. Chiều nay sau khi đi làm nhiệm vụ gọi dân về, tự nhiên Đạt nhắc tôi: “Anh
Mánh, để tôi dẫn anh em đi nhận đạn cho, anh nghỉ mà ghi nhật ký đi. Phải ghi
kẻo quên anh ạ.”

Nào thì ghi.

Trong những ngày nay có nhiều
chuyện đáng ghi lắm chứ.

Suốt ngày hôm qua và cả ngày
hôm nay, chúng tôi quần nhau với giặc. Một thằng giặc điên cuồng trong cơn giãy
chết. Chưa bao giờ thấy chúng lắm xe, lắm pháo đến thế. Tổ sư chúng nó, giàu
thật. Cháy nhà mới ra mặt chuột. Sự thừa thãi vũ khí, phương tiện của chúng
chưa bao giờ được phơi bày rõ rệt như vậy. Có thể nói cả ngày hôm qua chúng tôi
quần nhau với xe tăng và xe bọc thép, bọn bộ binh trở thành nhãi nhép, bọn tôi
không thèm quan tâm nhiều đến chúng.

“Trung đội gió lốc” chúng tôi
đã nêu một kỷ lục diệt xe: ban ngày mười tám chiếc, ban đêm thêm bảy chiếc nữa
là hăm nhăm. Số xe ấy có lẽ gần đủ để trang bị cho một chi đoàn thiết giáp. Cánh
xạ thủ phất to. Không ngờ láu táu như Ổn mà lại vớ được những năm chiếc. Nếu
đem năm chiếc xe tăng mà đặt trước một thằng bé loắt choắt, nửa trẻ con nửa người
lớn như Ổn thì sẽ ra sao nhỉ? Thú vị thật! Bất quá, cân cả bã nó cũng chỉ nặng
bằng vài cái mắt xích xe tăng chứ mấy. Vậy mà khốn nạn với nó đấy, các ngài chỉ
huy xe thiết giáp ngụy ạ! Mới biết câu thơ của Tố Hữu tài thật: “Ra thế to gan
hơn béo bụng”.

Hãy ghi vào đây bốn chiến sĩ
yêu quý của “Trung đội gió lốc” đã hy sinh trên con đường này.

1. Nguyễn Văn Mùi: quê Lập
Thạch, Vĩnh Phú. Đánh trận thứ ba. Hy sinh khi diệt xe tăng địch.

2. Lê Mạnh Hùng: khu Ba Đình,
Hà Nội. Cái chết của Hùng là một bài học đau xót đối với chúng tôi. Lần đầu
tiên đối mặt với xe tăng M.48, Hùng hoảng quá, không bắn nổi. Nhưng điều tai
hại nhất là Hùng lại quay lại quay đầu chạy. Hùng đã chết vì một viên đạn đại
liên xuyên trúng vào lưng.

Ở mặt trận, có lẽ không cái
chết nào nhục nhã bằng cái chết khi quay đầu tháo chạy để cho đạn kẻ thù xỉa
vào lưng.

3. Nguyễn Trung Kiên: quê
Quốc Oai, Hà Sơn Bình. Kiên đã hy sinh sau khi dùng tiểu liên tiêu diệt hơn hai
mươi tên địch, yểm hộ cho đồng đội đánh tăng. Kiên đã tắt thở trên tay tôi. Cậu
ấy chỉ còn một mẹ già và một đứa em gái. Trước khi tắt thở, Kiên dặn tôi: “Nếu
anh còn sống trở về, nhờ anh thỉnh thoảng tới thăm mẹ em.” Kiên ơi! Mánh xin
hứa rằng nếu Mánh còn sống trở về thì Mánh sẽ tới thăm Mẹ Kiên. Nếu em gái Kiên
đi lấy chồng, Mánh sẽ đón bà cụ về với vợ chồng Mánh. Yên lòng nghe Kiên!

4. Nguyễn Mạnh Thắng: quê thị
xã Thái Bình, Đảng viên dự bị. Hy sinh sau khi đã tiêu diệt hai xe tăng và hơn
chục tên địch. Trong giây phút nguy nan nhất của trận địa, địch ào ên như kiến
và đã áp sát tuyến công sự trận địa chốt, nếu ngồi dưới công sự mà bắn thì đạn
sẽ nổ vọt sau lưng chúng, Thắng đã vọt lên khỏi công sự, đứng thẳng, bắn găm
trái B.40 xuống giữa đội hình xung phong của địch. Sau đó Thắng trúng đạn và hy
sinh. Khi liệm Thắng, chúng tôi tìm thấy một lá thư viết cho cô bạn gái, Thắng
chưa có dịp gửi đi và một mảnh giấy nhỏ có ghi mấy dòng chữ: “Nếu tôi hy sinh, khi
trở về hậu cứ, các anh lấy cây đạn của tôi trao cho đồng chí Lệ nuôi. Lệ đang
học chơi đàn bầu, tỏ ra say mê và có nhiều triển vọng.”

Vậy là trước khi ra trận, Thắng
đã sẵn sàng đón nhận sự hy sinh.

Từ nay dơn vị không còn được
nghe tiếng đàn tuyệt vời của Thắng nữa. Nhưng, chiến công của Thắng thì vẫn mãi
mãi âm vang trong lòng mọi người.

Vĩnh biệt bốn đồng chí thân
yêu!

“Trung đội gió lốc” sẽ trả
thù cho các đồng chí một cách xứng đáng.

Cũng cần phải ghi vài dòng về
đứa bé mà Hưng đã nhặt được trên đường. Tên đứa bé là Phương. Hỏi ra mới biết
bố cháu không phải lính ngụy mà là một họa sĩ. Còn mẹ cháu là một cô giáo dạy
nhạc ở trường trung học.

Hưng giao đứa bé cho bộ phận
dân vận của trung đoàn. Họ hữa sẽ chăm nom cháu bé cẩn thận và đến khi giải
phóng sẽ trao cho ủy ban quân quản. Hẳn rồi người ta sẽ đưa cháu tới một trại
mồ côi nào đó. Lúc chia tay, cháu bé đã khóc thét lên và ôm chầm lấy Hưng. Các
anh trong ban dân vận đã phải giằng nó ra khỏi tay anh. Hưng vội vàng quay đầu chạy
cho nhanh để khỏi khóc trước mặt nó.

Hình như tất cả nỗi đau
thương của chiến tranh đều dồn cả lên đầu trẻ em và phụ nữ.

Suốt ngày hôm nay chúng tôi
chia thành từng tiểu đội, đi sâu vào rừng để gọi dân. Chưa bao giờ tôi căm giận
kẻ thù như hôm nay khi được chứng kiến những thảm cảnh mà chúng đã gây ra cho
nhân dân. Chúng xuyên tạc, bịa đặt, tô vẽ cho chúng ta như một loại người khát
máu, man rợ, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến bắn giết, hãm hiếp, trả thù. Khi rút
chạy khỏi những thị xã vùng cao nguyên, chúng đã lừa phỉnh, dọa dẫm để ép dân
chạy theo với mưu đồ chỉ bỏ lại cho chúng ta những đống gạch vụn, những phố
phường làng xóm không có bóng dáng con người. Phần vì sợ bị trả thù, phần vì sợ
bom đạn của Mỹ đánh hủy diệt, nhân dân đã rời bỏ nhà cửa, phố phường, ùn ùn
chạy theo quân đội. Nhưng đến khi lâm trận, họ lại bị chính cái quân đội ấy đạp
xéo lên để tháo chạy. Ai sống sót chạy vào rừng thì lại bị bọn tàn binh cướp
bóc, hãm hiếp. Họ kiệt sức vì đói khát, tuyệt vọng. Chúng tôi đã tìm thấy nhiều
nơi hàng chục người chết vì đói khát, hàng chục đứa trẻ bị bỏ rơi trong rừng, nhiều
đứa chỉ còn thoi thóp thở.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3