Cơ hội của Chúa - Chương 08 - Phần 4

Khi nóng giận người ta thường mất khôn. Tôi đã nhiều lần chứng kiến hoặc mình hoặc người khác cuồng loạn trong cơn lũ tức bực. Tình yêu của chúng tôi đã từng bị tử thương bởi một hành vi nông nổi và ngu xuẩn của chính tôi, xin đừng lặp lại. Thủy đi vào ngõ nhà mình không chào tôi và bước vội. Ðáng nhẽ tôi phải giữ tay em lại hôn lên môi em như bao lần tôi đã làm như vậy khi đưa em về. Sự tự ái của người đàn ông khác xa sự tự trọng. Nhưng hai cái có mối quan hệ âm bản nào đấy. Nếu cô ta không muốn gặp mình nữa thì thôi. Tình yêu cao cả thật nhưng nhân cách còn cao hơn. Chiều nào tôi cũng đi tới quán lê la với bạn bè. Tôi không biết em còn rất bé và đáng ra tôi phải rất dịu dàng. Tôi buông xuôi theo sự ích kỷ của tôi. Ma đưa lối, quỷ dẫn đường, lại một buổi tối nữa. Tôi uống đã kha khá và tôi thấy vô lý là hai tháng chúng tôi không gặp nhau. Tôi loạng choạng dựng xe, Thủy ngồi trên giường xem chương trình thời sự quốc tế ở tivi. Tôi chào bố mẹ Thủy, hai cụ đáp lễ xã giao. Mấy đứa em đang học nhìn tôi e dè. Thế là mọi người phong phanh biết chuyện. Tôi chẳng giữ ý, chăm chăm nhìn em. Thủy ngước nhìn tôi, cặp mắt lấp lánh có nét mừng. Tôi xin phép cho hai đứa, Thủy không nói gì vào buồng trong thay đồ. Mẹ Thủy hỏi mấy giờ về, Thủy nói cũng có thể về hơi muộn. Từ đầu phố Hàng Bột tôi đi xe chầm chậm qua lăng Bác lòng vòng tới đường Thanh Niên. Ngày xưa những lúc vu vơ đi lang thang chúng tôi vẫn thường như vậy. Suốt một đoạn im lặng. Tôi vòng tay ra sau cầm tay Thủy, em để yên.

“Chắc em còn giận anh.”

“Ðừng nói chuyện ấy nữa.”

“Anh yêu em.”

Một tốp đua xe lạng lách qua chúng tôi. Bọn trẻ từng mười sáu, mười bảy ăn mặc kỳ dị. Cả con trai lẫn con gái đều quấn khăn phu la chéo quanh đầu, nhang nhác trông như cướp bể. Tôi nín thở hồi hộp nhìn theo, phía trước là ngã tư Hoàng Diệu thường có cảnh sát cơ động. Gần ba chục cái xe rồ ga cắn đuôi nhau vào cua. Từ sau gốc cây, hai viên cảnh sát giao thông đã nấp nhảy ra vụt túi bụi. Đều hụt cả, bọn trẻ cười hô hố.

“Chúng mình bàn chuyện cưới đi.”

“Anh lại uống rượu rồi phải không?”

“Có chút chút.”

“Anh vẫn vậy, chẳng thay đổi gì cả.”

“Em muốn anh phải như thế nào?”

Thủy im lặng, bàn tay em vẫn để hờ trong tay tôi.

“Hay em muốn anh phải giống như Trần Bình.”

Thủy nhấc tay ra khỏi tôi. Ðám đua xe rầm rầm lượn lại. Ngu xuẩn tôi buột thêm.

“Trần Bình tuyệt vời, có đúng không?”

Tôi bỗng thấy không khí xung quanh khô đặc. Dù đã uống nhiều tôi cũng biết mình việt vị. Tôi hay đùa cay độc. Nhưng đùa sau lưng kẻ khác là điều tôi vẫn không thích. Khi người ta đang hậm hực, người ta thường đổi tính. Hai đứa chúng tôi miên man đi quanh Hồ Tây trong căng thẳng. Chợt Thủy khàn khàn khô khốc nói.

“Chúng mình không còn yêu nhau.”

“Anh không biết em như thế nào, còn anh, bao giờ cũng yêu em.”

“Anh ngộ nhận.”

“Ngộ nhận được coi là một thuật ngữ sở hữu riêng của chủ nghĩa hiện sinh.”

“Anh nghiêm túc đi.”

“Nhiều người nghiêm túc hơn anh rồi.”

Thủy chợt hét lên: “Anh chán lắm.” Thủy nhoài xuống khỏi yên xe, tôi vội vàng đạp phanh gấp. Dù tốc độ có chậm nhưng cái kiểu nhảy xuống đột ngột ấy cũng làm Thủy loạng choạng suýt ngã. “Ðứng lại.” Tôi gằn giọng. Thủy vẫn không quay đầu bước thấp bước cao trên vỉa hè nham nhở. Tôi buông tay lái xe, với theo. Cái xe đổ nghe rõ tiếng đen xi nhan vỡ. “Ðứng lại.” Chúng tôi đối đầu đứng giữa vỉa hè. Thủy lầm lì nhìn tôi. Cho đến bây giờ tôi đã hiểu được nhiều điều và điều cuối cùng tôi hiểu là cái nhìn lầm lì ấy.

Con bé Phương Phương vẫn đòi ngồi trước. Mái tóc dày của nó, thơm mùi Lux, cọ ngang cằm tôi. Mới ngày nào tôi còn bế nó một tay. Nó nói đủ chuyện linh tinh nhưng không thấy đòi quà. Nó cũng không hỏi tại sao tôi đi xa lâu, chắc Nhã dặn nó, cũng có thể không phải. Nó biết tôi buồn và nó thương tôi. Khi gặp chuyện đau đớn tuyệt nhiên không nên gặp những người tự nhận là chín chắn là trưởng thành. Cái quan tâm sắc sảo của họ đầy thô bạo chủ quan. May mắn là tôi biết uống rượu. Cử bôi tiêu sầu, sầu hoàn sầu. Thà vậy còn hơn là không biết cầm chén. Nhưng mệt mỏi đến mức không uống nổi rượu thì tôi hay xem bọn trẻ con chúng nó đùa. Bé Phương Phương vĩnh viễn là tuyệt vời. Tôi tì cằm xuống vai con bé cố không nghẹn ngào, cứ thế chẳng để ý vượt qua ngã tư đang đèn đỏ. Nhã tự làm cơm chiều có con cá quả chừng cân rưỡi luộc bia. Tôi mở cánh tủ lạnh đầy nặng vì xếp nhiều rượu. Nhã bảo là uống Henessy. Bà U dọn xong mâm bát xin phép đi xuống bếp. Tôi thuộc tính U rồi nên cũng không nài.

“Con có ăn lòng cá không?”

Tôi ướm, vì thấy vẻ chăm chăm của con bé Phương. Nó đang tròn đôi mắt nhìn bát tôi.

“Cá quả ngon nhất là bộ lòng.”

“Con ghê.”

“Ừ, thế con ăn lòng gà đi vậy.”

“Cậu kệ nó.” Nhã nhấp một ngụm rượu. “Cậu làm thế nó lại quen cái thói ăn phải đút.”

Con bé Phương hơi phụng phịu, có tôi nó làm nũng tí xíu. Nhã chủ trương trẻ con phải tự lập từ bé. Tôi không dám góp ý, mọi người bảo tôi hay dựa dẫm. Mà có lẽ đúng, cho đến giờ đã ba tư ba nhăm tuổi đầu, tôi cũng chẳng định nổi mình là cái giống gì. Tôi uống hết ly đúp và thèm thuốc. Cái cửa sổ có rèm hồng nhạt, Nhã bịt đi lắp vào đấy điều hòa National một cục.

“Trước hôm vào Huế cậu có qua cơ quan không?”

“Có.”

Tôi nghỉ đều đặn không ăn lương chừng nửa năm thì đi làm lại. Khánh và Thu Trang cầm thông báo của đích danh giám đốc gửi cho tôi. Có vẻ một cơ chế kinh tế mới đang thành hình. Văn phòng chỗ tôi, sau một hồi tách nhập lăn lóc qua khoảng ba bốn nơi chủ quản đã chuyển sang thành công ty. Mộng Hoa làm kế toán trưởng tất tả đi đứng cho đúng kiểu một cán bộ năng động trong thời kỳ kinh tế thị trường mở. Mọi người bắt buộc phải đeo thẻ ghi tên và chức danh, tuyệt đối không được hút thuốc trong giờ. Giờ hành chính nghiêm túc được bắt đầu 7 giờ 30. Hai cậu bảo vệ, vốn là bộ đội đặc công giải ngũ, vừa được tuyển đứng nghiêm trong bộ đồng phục là thẳng ly ghi tên những kẻ hay đến muộn. Tôi cùng hai nữ cán bộ nữa vào trình giám đốc. Hai chị này có lý do chính đáng, vì hơn bốn mươi tuổi mới sinh con đầu lòng. Tôi cung kính đưa một xấp y bạ. Sếp gạt đi nghiêm mặt phủ dụ. Sếp của tôi có bằng Phó tiến sĩ tại chức, đây được coi là tiêu chuẩn mới để đánh giá cán bộ. Hôm đại hội toàn công ty nhằm mục đích giới thiệu giám đốc, tôi đến từ sớm vì Mộng Hoa dặn sẽ phát tiền ăn trưa vào đầu buổi họp. Sếp ra mắt trong bộ comlê sẫm, nói ngọng nhưng khá dễ nghe. Cứ mỗi đoạn ngắt mọi người lại vỗ tay rầm rầm. Lúc sớm phát phong bì, ai nấy đều ngấm ngầm mở, hóa ra sếp thoáng thật. Lương trong vòng ba tháng tăng lên gấp bốn lần. Bản tin của ngành cho biết, theo những dự báo kinh tế chiến lược thì ngành tôi được coi là mũi nhọn mà công ty tôi lại là mũi nhọn của ngành. Phòng làm việc được lắp tứ tung điều hòa (air-conditionner) và nhà vệ sinh (toilette) thơm đậm mùi nước hoa Pháp. Một số cán bộ nữ cao tuổi chậm chồng khi đăng tên mình lên mục tìm bạn bốn phương có kèm tên cơ quan đã liên miên nhận được thư làm quen. Ðột nhiên, có tin sếp “băng”. Toàn bộ nam phụ lão ấu của công ty bật nức nở, trước đấy hai hôm giám đốc tuyên bố đến cuối quý sẽ có thưởng. Mọi người lũ lượt hàng đôi đến nhà thăm sếp, hóa ra sếp bị bắt khi đang đánh bài. Giám đốc của tôi không thua nhưng ông giám đốc bạn ngồi cùng chiếu lại thua. Ông này đặt cái xe Toyota mười hai chỗ mà xí nghiệp ông ta vừa mua. Khi ra tòa ông ta vừa khóc vừa khai sếp tôi chơi cờ bạc bịp. Mọi người ở cơ quan nửa tin nửa ngờ, nhưng ai cũng phải công nhận khi sếp ký tập công văn dày sếp lật nhanh như tráo bài. Tôi thi thoảng có xem phim Hồng Kông thấy người đánh bạc thường tiêu không tiếc tiền, thảo nào sếp hay có thói quen thưởng hậu. Khoảng hai tuần ròng rã cơ quan xôn xao rồi mọi việc đâu lại vào đấy. Ðám phụ nữ tiếp tục kể bệnh mình và kể tội chồng. Ðám đàn ông vò đầu bứt tai vì sự lên xuống thất thường của đội AC Milan. Mộng Hoa vẫn là trưởng phòng trực tiếp của tôi. Tôi được phân công ngồi trực điện thoại, thẻ làm việc đề chức danh là telephonist. Bản lĩnh của Mộng Hoa, nếu theo bảng phân loại của Kim Dung tiên sinh sẽ liệt nàng vào môn phái Nga My, môn phái này có nhiều nữ cao thủ chuyên sử dụng võ công âm nhu. Nội lực và hỏa hầu của tôi đều kém, trúng phải “sát âm thủ” của Mộng Hoa nữ hiệp kể cũng không ân hận. Phòng điện thoại tổng đài rộng chừng năm mét vuông ngột ngạt tà khí, liên tục nhấp nháy những tín hiệu hai màu xanh đỏ. Tôi không thể đứng dậy đi đâu vì thi thoảng lại có cú phôn xin được nối máy. Mười lăm ngày đầu tôi kiên nhẫn nhai kẹo cao su ngồi đọc Camus, suốt hai tuần cứ ngắc ngứ không hết nổi chương đầu dịch hạch. Chuông reo, nhấc phôn nghe giọng nam còn đỡ sợ, sợ nhất là giọng nữ cao eo éo một ngữ điệu tra tấn. Tôi nhã nhặn thưa gửi chỉ được vài ngày, sau bẳn tính, nói năng cộc lốc. Có một nàng ở công ty thương mại quận là bạn của Mộng Hoa, chắc cũng vừa được lên sếp cứ chừng mười lăm phút lại gọi. Nhiều lúc tôi ngấm ngầm bật speaker nghe trộm. Ðủ thứ chuyện. Nàng có chồng rồi và đang định mai mối cho sếp tôi một anh bốn mươi tám tuổi ở văn phòng hội đồng Bộ trưởng. Anh này bỏ vợ, có một con riêng. Rất tiếc gần đây thằng bé có vài triệu chứng dở hơi. Sếp tôi áng chừng đã đi chơi vài ba lần với trung niên Rômêô, nhí nhảnh tường thuật cho bạn câu chuyện hẹn hò bằng văn phong thuyết minh của phim “Người giàu cũng khóc”. Chị nàng kia vun vào với nhiệt tình khá khả nghi. Sếp tôi hớn hở: “Anh ấy đa cảm nhưng hơi bướng. Anh ấy lo lắng chuyện thằng bé con và mình. Anh ấy chưa thể hiểu được sự cao thượng ở phụ nữ. Hôm rồi, anh ấy đọc tặng mình một bài lục bát đã gửi báo Người Hà Nội. Ồ, tất nhiên là chưa đăng. A lô nghe mình đọc nhớ. Mưa tháng sáu lây rây. Gió ơi... Công 124 văn tôi xem rồi. Vâng, đồng chí cứ chờ máy.” Lúc đầu tôi cũng ngớ ra vì nhịp điệu trữ tình bị phá vỡ bởi tác phong hành chính, nhưng về sau cũng hiểu. Ðúng lúc ấy có người đưa trình sếp ký vài cái chứng từ vớ vẩn. Tôi thò đầu ra khỏi buồng trực ngó sếp. Ở góc phòng, vẻ quan trọng, sếp ngắm nghía cái hóa đơn màu đỏ mà cô bé văn thư trịnh trọng đưa. Chừng phút rưỡi sau bài thơ tình lục bát lại du dương cất lên. Phía đầu dây bên kia, đôi khi cũng xảy ra chuyện tương tự. Tôi nhả kẹo cao su lôi chai rượu giấu ở gầm bàn vừa nhấm nháp vừa tính kế. Sang sáng đầu tuần của một ngày giữa tháng, tôi đi muộn và khi đi ngang qua chỗ sếp tôi gật đầu chào “alô”. Sếp nhíu mày. Ðến trưa tôi tiếp tục chào hai người cùng phòng cũng bằng “alô”. Ngày đầu mọi người còn cười, sang ngày thứ hai thì không dám. Ðể tăng sức ép tôi bắt đầu trả lời phôn cực kỳ lễ độ nhưng với ngữ điệu của một kẻ sắp khóc. Thông tin vẫn chuẩn nhưng được diễn tả não nuột. Ðầu dây bên kia chắc người đối thoại ngạc nhiên mồm há hốc, nghe rõ tiếng răng cụng mạnh vào ống nói. Tôi đã thành công mỹ mãn. Cuối tuần họp phòng, Mộng Hoa chính thức chuyển tôi ra ngoài đọc và soạn các công văn, thời gian rảnh theo dõi số liệu các các đơn vị đối tác. Thay vào chỗ tôi là một chị đang có con mọn. Thi thoảng, phải đi ngang qua phòng trực điện thoại, tôi thường thấy chị hướng cặp mắt căm thù về phía trưởng phòng đang cầm ống phôn ba hoa. Bất chợt, chị ngoái lại tôi nhoẻn cười thông cảm.

Cơ quan tôi trống vắng ghế “sếp nhất” được chừng hai tuần, rồi một ngày đẹp trời ông Vụ phó Vụ tổ chức đưa về một giám đốc mới. Sếp đẹp trai cao ráo, giọng trầm trầm của người miền Trung. Việc đầu tiên, Giám đốc mới cho bỏ cái khẩu hiệu “tám giờ vàng ngọc”, sếp coi đấy là một thứ phù phiếm đạo đức giả. Thay vào phòng hành chính cho treo lịch ngày. Tờ bìa có Việt Trinh mặc áo dài, tờ hai có Diễm Hương mặc áo tắm. Các quy chế hành chính được nới lỏng, giám đốc tuyên bố chỉ chú trọng vào hiệu suất công việc. Sếp làm việc suốt ngày, tám rưỡi chín giờ khuya mới chịu rời văn phòng. Vợ và con sếp đều ở quê, nên sếp coi cơ quan là nhà. Một không khí mới thông thoáng khắp công ty. Các cán bộ nam đều lấy sếp làm thần tượng, mọi người ăn mặc theo thời trang giám đốc. Cũng cái kiểu vét-tông-đờ-mi, phong phanh xám nhạt. Cái kiểu tóc vuốt mái hờ một bên bồng bềnh ốp gáy. Tôi đành phải bỏ tiền mua mũ. Tóc tôi bò liếm giữa trán, từ bé chỉ để được độc kiểu bổ đầu ngôi giữa. Tôi không muốn bị đồng nghiệp coi là người xa lạ. Sếp gần gũi mọi người, công ty tôi đông nhân viên nữ, đương nhiên sếp phải thân mật với chị em. Sếp luôn đeo kính râm nhưng cũng có lúc bỏ, mấy cô bé kế toán nhõng nhẽo chưa chồng có kể là mắt sếp ướt át nhưng đẹp. Một lần tôi lên trình sếp một văn bản vừa ban hành của thủ tướng quy định mức thuế mới đánh vào hàng nhập. Mộng Hoa bắt tôi viết bản diễn giải những phần quy định có dính dáng đến nghiệp vụ công ty. Ðêm qua tôi thức trắng ngồi uống rượu với mấy thằng bạn của Tâm. Tôi vào toilette xối nước vào mặt liên tục mà người cứ rũ mệt. Loay hoay mãi đến giờ nghỉ trưa mới làm xong. Tôi nhảy ba bậc cầu thang một, không gõ cửa khẽ mở phòng sếp. Giám đốc tôi đang làm một việc mà tôi nghĩ đa phần giám đốc có sức khỏe hay làm vào giờ nghỉ. Tôi không ngạc nhiên nhưng chuyện bình thường ấy làm tôi vẩn vơ mất gần hai tuần. Ðơn giản ở trong vòng tay sếp là tấm thân lõa lồ của vợ một anh bạn cùng phòng. Cả hai vợ chồng tôi đều không thân nhưng tôi lại thân với thằng con trai khoảng hơn bốn tuổi mà bố mẹ nó vẫn hay dẫn đến cơ quan. Thằng bé thông minh dút dát, hay chuồn vào chỗ tôi ngồi trực điện thoại. Bố nó đang phấn đấu lên phó phòng, luôn được coi là người đứng đắn về tư cách và vững chắc về nghiệp vụ. Hai bố mẹ đều ne nét dạy dỗ nó. Thằng bé quý tôi vì đồng sở thích chơi bài. Ðể giết thời gian, tôi với nó liên miên chơi “tiến lên” ăn văn phòng phẩm. Có thể là thước kẻ, là bút bi, là giấy trắng học sinh in dòng. Khi thua tôi bài, nó lượn lờ khắp các phòng nhã nhặn chào mọi người lân la vào các bàn ngấm ngầm rút trộm. Cái áo bu-dông thùng thình của thằng nhóc là cả một kho tạp hóa. Sau hôm tôi gặp mẹ nó trên phòng giám đốc, tôi không thấy chị ta dắt thằng bé đến cơ quan nữa. Tôi thầm hứa nếu còn gặp thằng bé tôi sẽ cố dạy nó uống rượu. Lớn lên, nhở nó có gặp cay đắng chuyện gì, nó trở thành kẻ nghiện ngập còn khả dĩ hơn là đóng vai người tốt.

Nhã hỏi: “Cậu chán cơ quan lắm à?” Tôi lắc đầu.

“Không, mình quen rồi.”

“Cậu về làm xê crát te cho mình nhé.”

“Cậu nói không bao giờ thèm tuyển mình cơ mà.”

“Bây giờ khác đấy.”

Tôi biết Nhã nói vậy là muốn giúp tôi đỡ bị luẩn quẩn trong mệt mỏi. Quá nhiều lần bạn tôi thật lo cho tôi. Tôi ăn hết bộ lòng cá và uống hết một phần ba chai rượu. Người tôi lem nhem một nỗi buồn chán. Tôi loay hoay và tôi làm phiền nhiều người. Tại sao lại thế. Tôi xoa đầu bé Phương Phương xin phép nó về qua nhà. Nhã đưa tôi ra cửa.

“Mai cậu định làm gì?”

Ừ nhỉ, mai tôi phải làm gì. Tôi vẩn vơ đi bộ trên vỉa vè ngân ngấn những vệt nước của trận mưa vừa tạnh. Ðã nhiều lần tôi không biết ngày mai tôi sẽ làm gì. Cái thời hăm hở của tôi sẽ chẳng bao giờ vòng lại. Nghĩ như thế là mình đã già. Tôi trẻ hay già. Kafka hay ai đấy nói. “Hỡi ôi, tôi không bao giờ được trẻ. Khi tôi trẻ tôi đã già một nghìn tuổi hơn tất cả các ông già.” Có những người như thế và bị thế. Hầu như những người đó đều là thiên tài. Thiên tài là những người dị thường hoặc phi thường. Còn tôi là một kẻ bình thường đang tha hóa thành tầm thường. Những đam mê và khát vọng lớn dần dần thui chột khi liên tục bị vây bởi những điều tủn mủn. Tôi yêu và được yêu. Tôi yêu và không được yêu. Ở chỗ này chắc tôi lầm lẫn. Chẳng nhẽ tình yêu lại tầm thường sao. Tôi bị “sốc”, cú đột ngột lớn bành trướng làm mọi chuyện chao đảo. Tôi đang mất bình tĩnh, và muốn lấy thăng bằng ở thời điểm này tôi đừng nên đọc sách nữa. Có một dạo, kể cũng hơi dài, tôi ngồi lì lợm trong thư viện. Lúc đầu tôi đọc linh tinh báo và tạp chí để tạo dựng thói quen, sau đấy thì kê những xê ri sách mà tự nghĩ là cần đọc. Thật ra vô nghĩa nhất là đọc sách. Những người biết chữ mà chẳng biết làm gì thì phải đọc. Tôi ngạc nhiên khi thấy nhiều người hăm hở đọc sách để tìm kiếm kiến thức. Họ muốn đạt một cái gì đấy hoặc danh hoặc lợi bằng cách nhồi nhét thật nhiều dữ kiện. Người họ lõng bõng uyên bác, tự tin một cách lố bịch vào mớ chữ nghĩa đã được ướp khô trong họ. Muốn có danh hay lợi thì có nhiều cách và đọc sách là cách vất vả nhất. Nghĩa là về mặt phương pháp luận chưa hẳn đã sai nhưng theo ngôn ngữ thời thượng bây giờ là không kinh tế. Các bậc hiền nhân đều nói đọc sách là một thói quen tốt. Các cụ chắc hẳn nói thật. Em giai tôi bảo: “Các cụ chí thì lớn, đam mê thì nhiều, khát vọng cồn cào khác người thường. Nhưng có cái chết là không có tiền, có muốn cũng không dám chơi trò gì đương nhiên phải ngồi đọc sách.” Cũng kể là có lý. Tôi chịu ơn ở sách vở nhiều nên không dám nói bạc, nhưng nếu thấy tự cảm đã đủ rồi thì cũng đừng nên đọc. Kinh Thánh dạy “cứ gõ thì cửa mở” vậy quan trọng không phải đặt vấn đề là khi gõ cửa có mở không mà chính là tại sao lại phải gõ. Cũng như vậy tôi muốn hỏi Nhã hỏi Tâm là tại sao lại phải kiếm tiền thay vì kiếm có được tiền không. Goethe bảo: “Hãy giữ lấy bởi vì chứ đừng hỏi tại sao.” Một câu chơi chữ thông minh. Câu hỏi “tại sao” thường ám ảnh những người đọc sách. Họ gặp vấn nạn đó ở mọi chỗ và thường vò đầu bứt tai làm khổ mình để cố tìm ra “bởi vì”. Tôi yêu thiền bởi vì tôi chưa hẳn là một Catholic. Lâm Ngữ Ðường nói: “Người Trung Quốc rất khó trở thành một người Ky tô giáo, tôi là một người Việt Nam và là láng giềng của người Trung Hoa, nơi sản sinh ra quá nhiều những câu hỏi “tại sao” mang đậm chất tâm linh phương Ðông. Ða phần những người đọc sách đều cuồng si kiến thức. Họ hoang tưởng vào năng lực tuyệt vời của chữ nghĩa dẫn đến thảm cảnh là rơi vào “hố thẳm” của bấn loạn. Khác với triết gia tự hay hỏi mình, các vị thiền sư với lòng đại từ đại bi thường trực diện hỏi thẳng những kẻ sa cơ. Người nào có căn gặp duyên bíu vào đó hầu như đều thoát. Những kẻ phúc phận đấy kể cũng không nhiều. Thư viện quốc gia khá đông người si đọc. Những kẻ nghiện chữ ôm giấc mộng bách khoa ngồi đọc qua trưa nuốt bánh mỳ khô và chiêu giọng bằng nước nhân trần loãng. Họ hiền lành hay cười mủm mỉm và rất thích lân la nói chuyện làm quen. Nhiều năm trước bọn dở hơi thường là bọn say mê văn thơ, giờ đây nền kinh tế mở nó lây lan sang bọn làm Toán, làm Lý, làm computer, làm ngoại ngữ. Hình như có hợp đồng không thành văn là hàng năm thư viện giao cho trại tâm thần Châu Quỳ từ tám đến mười người. Kế hoạch này dễ dàng được thực hiện và luôn luôn vượt mức. Những người đọc sách nhiều trở nên lẩn thẩn là điều dễ hiểu. Tôi không phải nhà tâm lý học, tôi giải thích theo kiểu của tôi. Kiến thức giống như rượu. Có người uống được một chén, có người uống được ba chén thậm chí có người tu được hàng lít. Say hay không say tùy thể tạng nói khác đi là ân sủng của Chúa. Vì thế có người cũng chỉ nên đọc một cuốn hoặc ba cuốn. Quá ngưỡng là loạn, có cố cũng không thể nổi. Nát chữ hư hỏng hơn nát rượu. Cụ Trang mạt sát những kẻ sùng bái chữ. Một người mê sách và hay khuyên đọc sách như Mạnh Tử cuối cùng cũng phải nói không sách thì hơn. Khi khen một đứa bé ngoan người ta hay khen là nó chịu khó đọc. Nghe thế tạm được. Nhưng khen một thằng người lớn cũng như vậy, đa phần là hàm ý xỏ xiên. Bọn lỗ mỗ chữ nghĩa hơi dư tiền là nghĩ sắm một tủ sách. Hạ cám thượng vàng. Trinh thám kiếm hiệp đè đầu bách gia chư tử. Xộc xệch triết học lẫn lộn với ngăn nắp văn chương. Phúc cho nhà nào coi tủ sách là đồ trang trí. Tôi tán thành ý tưởng đem sách về bầy biện để tăng phần sang trọng nội thất. Nếu không vậy các nhà xuất bản cố cải tiến mẫu mã màu mè vỏ bìa để làm gì.

Tôi đi lang thang và thật sự không muốn về nhà. Người tôi lấp lửng một sự loay hoay của bảy năm về trước. Bảy năm trước tôi mò mẫm đi tìm công danh sự nghiệp. Giờ đây, tôi vớt vát đi tìm tình yêu. Có lẽ suốt đời tôi phải lê lết vác cây thập giá thất bại. Lạy Chúa, xin Người đừng chọn con là vậy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3