Cơ hội của Chúa - Chương 08 - Phần 3

Ngày cuối cùng ở Sài Gòn, mọi người tổ chức pícníc mừng thành công của triển lãm. Nhã gõ cửa phòng rủ tôi đi Lái Thiêu. Anh Sáng đang chờ dưới nhà tự tay lái cái Toyota Crona. Tôi nói với Nhã không phải tôi mệt, nhưng tôi không muốn đi. Bạn tôi chỉ muốn tôi khuây khỏa. Ơn lớn của bạn, tôi chỉ biết để trong tâm. Mấy hôm nay tôi và Nhã đều nhớ con bé Phương. Tôi theo Nhã đi xa lần này là lần đầu, bé Phương phải đi học. Nhã đi rồi và tôi úp mặt vào cuốn Tân Ước. Cuốn này tôi cầm của thư viện Nhà Chung, ở nhà tôi cũng có vài bản Tân Ước, nhưng bản này do chính Ðức Hồng Y chấp bút. Nhiều hôm không uống rượu, tôi vào tòa Tổng trình với cha Mai xin người cho phép tôi đọc lại mấy đầu sách của cha Teilhar de Chardin. Cha Mai là quản thủ phòng đọc của chủng viện có dáng dấp một nhà giả kim thuật thời trung cổ. Cha là vị linh mục có tầm tri thức bách khoa rộng đến kinh ngạc. Thông thạo khoảng tám ngoại ngữ, kể cả từ ngữ Sancrit. Cha là bộ đại từ điển về lịch sử truyền giáo vào đất Việt. Người thương tôi nhiều, có lẽ vì loay hoay thần học ở tôi. Cũng như nhiều kẻ đọc tạp nham, sự trong trắng của đức tin của tôi bị vấy sạm bởi những lập luận logique lạnh lùng của chữ nghĩa. Jean Guiton, một triết gia rất già người Pháp nói: “Có một sự đối lập thê thảm giữa đức tin và lý trí. Bằng cách làm cho lý trí tin là điều khá khó khăn nhưng nhất thiết phải làm cho đức tin trở nên có lý.” Cha Mai cười hiền với tôi khi tôi trích dẫn. Ở mức độ nào đó, tôi là người đọc sách. Có những thông điệp của Thiên Chúa tôi đòi thực chứng. Ông trẻ của tôi, cụ linh mục Ðức khuyên tôi nên có cái nhìn trực giác, hao hao thiền tông. Tôi làm sao mà đạt tới cảnh giới đó. Tôi không thể đủ bản lĩnh và nội lực tham chiếu những bí nhiệm của thần học. Tôi biết, những vấn nạn mà tôi đang vấp không chỉ vò xé riêng mình tôi. Nhưng mọi người vượt qua được mà sao tôi tụt lại. Tôi ngồi một mình trong căn phòng lớn có đậm mùi đặc biệt của sách cũ. Những cuốn sách của nhiều thứ tiếng gáy bọc da chữ màu vàng. Trên cao vút của bức tường đối diện là mẫu tượng Chúa Jésus chịu nạn. Tôi đăm đăm nhìn. Meirter Eckhart nói: “Ðôi mắt của tôi nhìn Chúa là mắt của Chúa nhìn tôi.” Tôi vĩnh viễn không còn cặp mắt xanh non nhìn đời nữa. Và như thế là tôi mất hết. Tôi cúi mặt vào trang sách thầm cầu nguyện. Chao ôi, một triết gia lý trí như Pascal cũng phải nói: “Ðức tin là món ân tặng của Chúa chứ không phải là món ân tặng của lý luận.” Tôi chọn cuốn dễ đọc nhất, hành trình đến với Chúa của thánh Phan Xi Cô. Tôi không thấy hào hứng. Ðã có giai đoạn dài tôi từng bị như vậy, đọc sách cứ chuội ra. Cha Mai nói dạo này tôi không được khỏe.

“Thưa cha, tại sao người con yêu nhất lại chán ghét con?”

“Con nghĩ đến con nhiều quá không.”

“Con có tội ư. Không, ở đây không có sự công bằng.”

“Ðối với Thiên Chúa lòng nhân từ còn cao hơn công lý.”

“Con muốn giáp mặt với Chúa, con muốn thấy một thực thể.”

“Bình tĩnh nào con. Meister Eckhart diễn giải thế này. Anh có biết gì về Thượng Ðế không. Ngài không phải là như thế và nếu anh biết về ngài như là một cái gì, thì anh hoàn toàn dốt nát và dốt nát luôn đưa đến thô bạo. Vì trong các tạo vật cái dốt nát là thô bạo. Con không được hận thù kể cả khi con cùng quẫn trong bất hạnh.”

“Lạy Chúa, con mệt mỏi nhưng con xin Chúa cho con dịu dàng.”

“Ơn Chúa, con sẽ trở nên vậy.”

Tôi cố nuốt buồn vào trong thở dài.

“Khi đối diện với bất hạnh, con người ta trở nên gần Chúa. Ở người công chính, nỗi bất hạnh càng lớn đức tin càng sâu sắc. Huyền học Cơ đốc nói, Mourir sur sa Croix, chết trên cây thánh giá của mình. Và chính Chúa Jésus cũng nói, phải chết mới được phục sinh.”

“Nhưng bây giờ con biết làm gì?”

“Hãy thành thực cầu nguyện, đừng có ngã lòng.”

“Con có còn gì nữa đâu.”

“Con còn tình yêu. Hãy yêu như con đã từng yêu. To love is to pray.”

Tôi khép cửa nhà nguyện, đi ra vườn hoa tìm cha Mai, tôi muốn hỏi ý kiến cha đôi điều thuần túy học thuật. Từ xa, tôi thấy cha đang quỳ dưới chân tượng Thánh cả Phê rô, đức quan thầy của người. Tôi mông lung.

Sau hồi đi Sài Gòn ra được vài tuần, anh Sáng mời Nhã đến nhà riêng ăn cơm. Nhã nhờ tôi đèo đi. Tôi từ chối, danh không chính thì ngôn trắc trở lắm. Nhã nói kệ và tư cách pháp nhân của Nhã đủ đảm bảo cho tôi. Nhà riêng anh Sáng mới xây thật đẹp, cũng như Nhã anh ở một mình. Anh có mời hai người bạn đã có vợ. Nhìn mọi người tròn đôi, anh Sáng vui vẻ. “Chủ nhân bao giờ cũng là số lẻ. Chủ nhân phải hơi cô đơn, bữa ăn mới ngon miệng.” Bạn anh Sáng đều là những chuyên gia trong lĩnh vực hẹp của họ. Một hình như về tài chính, một hình như về sinh học. Suy cho cùng tôi không có một thứ chuyên môn nào hết. Tôi tốt nghiệp trường đại học có vẻ danh tiếng và cái chuyên ngành của tôi lâu lắm không được sử dụng. Một nghề thì sống đống nghề thì chết. Tôi bạc nhược không neo dính vào bất cứ chỗ nào. Hai chị vợ trông đều trẻ đảm đang đi ra đi vào bếp phụ với một bà giúp việc cho anh Sáng. “Hoàng uống đi.” Bữa ăn thân mật, mọi người không khách sáo. Anh Sáng rót tràn li cho tôi rượu Sakê. Tôi không thích cái rượu nổi tiếng này của Nhật. Có lẽ tôi nghiện ngập những đồ uống đậm. Cũng giống như những bữa ăn có chế độ đạm cao, sau khi điểm qua về thời sự chính trị mọi người chuyển từ tranh luận nghệ thuật sang đề tài tôn giáo. Anh phó tiến sĩ tài chính có vẻ hăng say. Anh nhảy một cú ngoạn mục từ kinh điển Phật giáo Đại thừa sang Kinh Dịch. Ðó là một trước tác kì lạ đỉnh cao của tư duy người xưa. Ðem biện chứng của Hégel so với biện chứng của Dịch như đom đóm so với mặt trời. Anh hùng hồn: “Hơn năm nay, tôi đắm chìm trong Dịch. Từ đó tôi có một cách nhìn mới về lưu thông tiền tệ. Dịch quả là vĩ đại.” Chị vợ ngồi cạnh tế nhị tiếp cho nhà Dịch học một miếng cá quả. Cá quả thuộc âm rất lợi cho hùng biện. Anh Sáng tham gia tranh luận bằng kiến thức chắc chắn về triết học Phương Ðông. Anh kể về cuộc nói chuyện gần đây nhất giữa anh và giáo sư Nguyễn. Anh không tán thành lý thuyết tập mờ trên phương diện logic thuần túy. Anh có nhãn quan của một người thực chứng và muốn anh thay đổi nhận thức bắt buộc phải có những kiểm nghiệm cụ thể. “Triết học Phương Ðông với sự siêu hình và uyển chuyển của nó, đẻ ra đầy rẫy những ngụy tín. Những người Phương Tây ưu tú nhất khi tiếp cận những vấn đề huyền học, họ luôn phân loại và sắp xếp thành hệ thống. Từ đó dễ dàng để biết kẻ trí với người ngu những thằng điên và những thiên tài. Ngược lại, sự mập mờ của Phương Ðông tạo ra hiện tượng, chầu rìa quanh đỉnh cao học thuật nhan nhản là tà ma ngoại đạo.” Anh Sáng sắc sảo và hùng biện. Nhã bảo, anh là một trong vài số ít trí thức của các trường đại học chính quy được đào tạo tại Pháp, trung tâm văn hóa châu Âu. Những năm gần đây anh Sáng công tác nhiều ở Nhật và Trung Quốc. Một mẫu người văn hóa kết hợp tinh hoa Ðông Tây luôn là khao khát muôn đời của Unesco. Anh Sáng với chai Sakê rót đều, rồi từ tốn nâng cốc chạm riêng với tôi, cái li của anh khiêm nhường để dưới. Tôi tự chửi thầm mình. Ở tôi có một thói xấu cố sửa không nổi, đã uống rượu là quên hết phép tắc lễ nghi. Anh Sáng tiếp tục: “Tuy thế khi nghiên cứu những vấn đề nhận thức luận, nền văn minh Phương Ðông đã đưa ra một phương pháp có thể hãnh diện với Phương Tây đó là thiền.” Anh Sáng, bằng những thông tin chuẩn, giới thiệu sơ lược lịch sử Thiền tông. Anh đưa ra những lập luận tối ưu của người Phương Tây nhằm khám phá nhanh nhất những bí mật thiền. Tôi uống rượu và giữ ý tọng vào mồm mình miếng cá nướng to vừa phải. Phó tiến sĩ sinh học có hai năm rưỡi Ðông Du, tham gia đề tài này bằng những kinh nghiệm của chính bản thân. Thiền tiếng Nhật gọi là Zen. Một đạo pháp huyền nhiệm chỉ thành tựu ở những người có nghị lực. Sau ba năm hành Thiền, vừa thực nghiệm ngồi một hai tiếng ở tư thế hoa sen vừa tham khảo những tài liệu tiếng Nhật, phó tiến sĩ sinh học đã được mở tất cả các luân xa và đặc biệt gần đây phía trên dạ dày ở phía dưới cơ hoành có cảm giác đang thấy nở một bông sen. Nhã nhìn tôi khuyến khích. Tôi liên miên uống đến mức mọi người phát chán không rót thêm. Hồi tôi học Dịch với người thầy đã mất, tôi rủ thêm thằng Du. Ba thầy trò ngồi xếp bằng tròn uống rượu sắn làng Vân trên cái gác xép mà thầy mới cơi. Khi giảng đến câu “Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ”, thầy tôi đùa “nghĩa là kẻ hiền giả uống liên miên trôi chảy ngày đêm không ngừng”. Tôi là học trò trực truyền của thầy, với lối dạy phản khoa học ấy làm sao tôi dám tranh luận với người lạ. Anh Sáng quay sang tôi.

“Nhã khen Hoàng giỏi về tôn giáo lắm.”

“Thưa anh, nhà em theo đạo Thiên Chúa.”

“Mình đang muốn hỏi Hoàng vài điều thắc mắc ở Kinh Thánh.”

“Em sợ em không trả lời được vì có khi thắc mắc của anh thì cũng chính là của em.”

“Thế tại sao cậu lại có Ðức tin?”

“Em nói là băn khoăn giống anh vì ngày xưa em đọc Kinh Thánh còn bây giờ em hết băn khoăn rồi, đơn giản là em không đọc nữa.”

“Tôi không hiểu ý cậu.”

“Có lẽ em say rồi.”

Tôi uống nhiều không hẳn vì tôi buồn, mà vì tôi uống được Johnny Walker. Tôi cũng muốn tranh luận để anh Sáng vừa lòng nhưng sợ mình không biết cách. Anh Sáng được tiếp xúc nhiều với những người phương Tây, mà theo Suzuki nhận xét, người phương Tây (khái niệm bao trùm cả Mỹ) sống mũi thẳng cặp mắt sâu tinh anh dưới vầng trán rộng, có phải thế chăng mà họ rất giỏi về phân tích biện biệt. Tôi không có năng khiếu và cũng không được học hành theo kiểu đó, tôi thầm mong Sáng thông cảm. Riêng tôi thấy bữa rượu cũng vui. Những người đàn bà thì đảm đang, còn những người đàn ông thì thông minh. Tất cả những người thông minh đều yêu thích học thuật. Tôi cũng đã được rất nhiều những người thông minh dạy dỗ và đa phần trong số đó tôi thấy họ chỉ thông minh thôi. Tôi đã thấy những người có tiếng là giỏi Dịch mà không phân biệt nổi hai quẻ Càn Khôn. Nhiều người từng đọc vô số khảo cứu về Kinh Thánh nhưng Cựu Ước, Tân Ước chính bản chưa liếc lấy một dòng. Tri thức, thành phẩm cao hơn kiến thức ở họ chỉ là sự phô trương. Họ đầy đặn bằng cấp, có lòng tốt và nhiệt tâm theo kiểu của họ. Tri thức của họ rất sắc sảo nhưng tri thức là tri thức. Nếu tri thức là giải thoát thì hà cớ gì nhị tổ Huệ Khả phải chặt tay. Tôn giáo là thông dự chứ không phải để bàn thuyết.

Trời tạnh hẳn mưa, tôi dắt cái xe Dream II đi đến trường đón con bé Phương. Hai bên vỉa hè đông đầy phụ huynh học sinh. Trường Trưng Vương với luật bất thành văn là dành cho những nhà khá giả. Bọn trẻ con tan ra, phần đông mũm mĩm quần áo nhiều màu sắc. Tôi đỗ xe đằng sau một cái NISSAN biển trắng. Người đàn ông trong xe còn quá trẻ, mồm ngậm tẩu dáng doanh nhân. Người Hà Nội đang giàu. Thực ra có nhiều tiền không phải là xấu. Bạn tôi đã giàu và em tôi đang tập tọng làm giàu. Tôi đã thấy nhiều người có tiền, hoặc tốt, hoặc không tốt. Tôi đọc đâu đó thấy rằng, đồng tiền không có khuôn mặt riêng, nó mang bộ mặt của người cầm nó. Cũng có lý. Ðồng tiền ở tay người đại lượng thì khoáng đạt, ở đứa tiểu nhân thì đê tiện. Nhã bảo: “Người nhiều tiền thường phải tàn bạo.” Tôi không hiểu rõ lắm. Tài tôi hèn không có khả năng và điều kiện làm ra nhiều tiền. Con bé Phương lũn cũn đi đầu cầm biển lớp 4B. Lớp nó xếp hàng đôi, không hiểu sao chỉ toàn đứa béo. Con bé Phương mặc bộ thể thao tím sẫm cổ quàng khăn đỏ, càng lớn trông nó càng giống thầy Lâm. Năm ngoái trước khi đi Pháp, thầy Lâm qua tôi. Thầy sang đấy bảo vệ luận án doctor theo lời mời đích danh của một Ðại học đường có tiếng ở Pari. Thầy Lâm đi với vợ chưa cưới và sẽ làm lễ thành hôn tại Pháp. Vợ của thầy là con một giáo sư đầu ngành y, kém thầy mười chín tuổi. Chúng tôi ngồi tay ba ở khách sạn Dân Chủ, tôi chúi mặt vào lá số tử vi thầy vừa đưa. Phụ nữ khi sắp có hôn nhân thường say mê bói toán. Tôi hay uống rượu với chân gà của một quán có cô chủ còn trẻ. Bỗng một tối vật nài đòi tôi xem số. Tôi biết chắc thằng bạn nào đùa nhả định từ chối, nhưng thấy vẻ quá thành tâm của cô chủ nên không dám. “Anh cố xem về sau em có nhiều tiền không.” Tôi bảo, nếu bán chân gà với giá này đương nhiên hậu vận sẽ dồi dào tài lộc. Cô chủ quán lườm, rằm tháng sau cô lên xe hoa về nhà chồng. Tôi thấy hôn phu rồi, lái xe “công nông” bắp chân cùng cục. Tối thứ bảy nào cũng qua, tỏ tình bằng cách véo mông cô chủ một cái, lặng lẽ ngồi vào góc làm một hơi hết cốc vại rượu thuốc. Tôi nói đùa: “Anh ấy trầm tính nhưng là người dịu dàng. Biết uống rượu chút ít, nhưng làm được bội tiền. Nếu có gia đình chỉ biết vợ với con.” Cô chủ quán tươi mặt ngấm ngầm cắt vào đĩa của tôi cái mề ngỗng. Vợ chưa cưới thầy Lâm nhìn tôi dò xét, tôi lẩm bẩm tính can chi. Nữ số có Phá quân thủ mệnh thì chẳng đơn giản. Cô bé hai mươi tuổi với cặp kính 4,5 diop. Mũi to và cái mồm mênh mông được viền bằng cặp môi dày. Vì thầy Lâm môn tự nhận là tín đồ của chủ nghĩa duy mỹ nên tôi nghi ngờ tính chất của cuộc hôn nhân. Ái nữ của giáo sư có tên họ mang huyết thống hoàng tộc ăn miếng thỏ quay, nhai tí ty rồi hình như ngậm, chắc lúc nhỏ được bố mẹ chiều. Cô nàng nũng nịu quay sang hỏi thầy Lâm, nước dãi nhỏ giọt xuống khăn bàn trắng muốt, thầy Lâm cau có nhăn mặt. Tôi uống cạn suất đúp Whiski và bắt đầu thấy thương thầy.

“Anh Hoàng, lá số của em thế nào?”

“Thưa, lần đầu được thấy một lá số đẹp đến vậy.”

“Anh xem thật kỹ đường chồng con hộ em.”

“Dạ, cung Phu ứng đúng thầy đây ạ. Ðẹp trai, hiển đạt, tài lộc dồi dào.”

“Ðâu, đâu, những sao nào?”

“Dạ. Ân quang này, Thiên quý này. Thưa, cả một chùm lấp lánh.”

Thầy Lâm nhìn tôi, cố nén thở dài. Thầy trò biết nhau mười mấy năm tính tôi thế nào thầy đã thuộc.

“Cách đây chừng hai tuần mình có gặp Nhã.”

“Dạ.”

Tôi muốn né đề tài thầy nêu. Thầy đã có một hôn nhân phẳng phiu, chuẩn mực. Tôi mong thầy nhớ ra và đừng tự làm gợn. Thầy Lâm vẫn thản nhiên.

“Cô ấy đi cùng với một người mà mình biết.”

“Dạ.”

“Hoàng này, thực sự cậu tin có số không?”

“Sáng chủ nhật em vẫn đi lễ đều.”

“Nhưng hình như giới thuyết tôn giáo của cậu không đề cập đến số mệnh.”

“Thưa vâng. Ðức Chúa Jésus không phải là một nhà tiên tri. Và khi Người nói đến cái quá xa xôi và siêu hình của tương lai, em chỉ hiểu đơn giản đấy là những khải thị.”

Thầy Lâm chợt gõ mạnh ngón tay trỏ xuống bàn. Một thói quen nhiều năm của giảng đường.

“Ðừng ăn kiểu ấy nữa.”

Cô vợ sắp cưới mồm méo xệch bắt đầu sụt sịt. Tôi uống rượu như thằng phàm phu, cắm mặt vào ly. Lúc tôi ngẩng lên, chỉ thấy mình thầy Lâm. Tôi rủ.

“Em với thầy đi chỗ khác uống đi.”

“Tôi bất hạnh quá.”

“Ðến mùng mấy thì thầy bay.”

“Leo lên lưng cọp không tụt xuống được nữa. Ðời tôi là một chuỗi sai lầm.”

Bữa rượu cuối cùng với người thầy tôi có nhiều cảm tình là vậy. Cái gì đấy chán nản buồn bã theo tôi suốt mấy tuần kế tiếp. Tôi đến đón Thủy chỗ thực tập mới. Sau lần cãi nhau có cái tát, mọi chuyện trở nên gắng gượng. Thủy lầm lì và tôi mệt mỏi.

“Em cứ muốn tình trạng này kéo dài mãi sao?”

“Anh Hoàng, em cứ thấy mình ngất ngư trên mây.”

“Em cứ thư giãn đi.”

“Hay chúng mình tạm không gặp nhau.”

“Em giận anh đến thế kia à?”

“Em thấy người khó chịu lắm.”

“Ðược rồi tùy em. Nhưng em nhớ rằng chuyện chúng ta không phải một sớm một chiều.”

Thủy gục đầu vào vai tôi, đột nhiên tôi thấy cáu.

“Nghĩa là anh có lỗi.”

“Không, anh chẳng có lỗi gì. Em chỉ thấy anh không yêu em và hình như em cũng hết yêu anh.”

“Em muốn chia tay.”

“Em chưa nói vậy, nhưng cho em xin một khoảng thời gian.”

“Anh cho em đấy, hai tháng có đủ không.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3