Cơ hội của Chúa - Chương 08 - Phần 2
Tôi
cúp máy. Nói cho thật đúng là tôi không đủ sức cầm phôn nữa. Em không tha thứ
cho tôi. Cái điều bất hạnh tôi linh cảm đã tới. Tôi có lỗi và lạy Chúa, sao
Người thật nặng nề với con. Tôi đi dọc theo đường Lê Lợi. Anh yêu em mà, bình
tĩnh đi em. Chẳng nhẽ anh phải chịu một hình phạt kinh khủng thế sao. Không có
em, anh còn biết làm gì. Từ bưu điện đến nhà thờ Phú Cam có đường ngắn hơn kia.
Loanh quanh rất lâu dưới trời mưa tôi không tìm thấy nhà thờ. Mà tôi cũng cóc
cần nhà thờ. Tôi chẳng tin ai cả, tôi chẳng tin vào một cái gì cả. Tất cả chỉ
lừa dối. Càng dịu dàng càng nhân ái lại càng lừa dối. Càng xinh xắn lại càng
lừa dối. Ðâu có phải lỗi tại mình tôi. Ðập vỡ, cứ đập vỡ đi. Sao em ác độc vậy.
Mình điên rồi. Mình phải đi xích lô thôi. Sẽ đi qua một nhà thuốc. Tôi lập cập
trèo lên một cái xích lô. Mình mua một vỉ hay hai vỉ Seduxel. Thực ra Seduxel
là thuốc an thần. Mình có anh bạn mất ngủ tối nào cũng uống bốn viên, tôi đưa
cả nắm tiền lẻ vò nhàu trong túi quần ẩm. Ðứa bé gái đang mải chơi bài rút đại
mấy vỉ đưa tôi. Bình tĩnh đi. Tôi mở khóa phòng lơ mơ leo cả giày lên giường.
Tôi nhớ ra chưa trả tiền xích lô. Tôi chạy xuống nhảy ba bậc một suýt đâm phải
hai nàng nhân viên đang khanh khách cười đi ngược cầu thang. Ông xích lô vẫn
chờ. Tôi rút tờ tiền chẵn đưa ông, máy móc đợi trả lại. Ông xích lô loay hoay
không có tiền lẻ. Tôi bỗng thét lên giọng căm giận vô cớ. “Tôi cho ông đấy.”
Ông xích lô vội vã đạp, đến ngã tư còn ngoái cổ lại. Tôi lên phòng mở một chai
bia trong tủ lạnh. Tôi thong thả uống từng viên Seduxel. Ðếm đúng viên thứ năm
là ngừng. Tôi chậm chạp đặt mình xuống giường. Chân tay thư giãn hết cỡ. Bỗng
tôi lẩm nhẩm. Tôi cầu gọi Ðức Mẹ. Hình như tôi cũng khóc. Tôi lơ mơ nhớ những
khuôn mặt quen, lạ. Ơn Chúa, tôi đã ngủ.
Sáng
hôm sau tôi dậy rất muộn, người tỉnh táo. Cửa sổ gió lùa thổi tung, máy điều
hòa vẫn chạy. Ngoài trời tiếp tục mưa. Mọi vật ảm đạm nhưng rõ nét. Tôi tháo giày
ra khỏi chân đi tìm cái gì uống. Hết sạch rượu nhưng bia thì còn nhiều. Tôi
cũng cảm thấy đói. Thấy thèm một cái gì đó có nước và nóng. Bát mỳ vằn thắn
chẳng hạn. Tôi ngồi thừ một lúc lâu. Trên mặt bàn, dưới cái gạt tàn, một bức
thư tay của ai gửi. Anh bạn nhà thơ rủ tôi đi nhậu. Anh hẹn sáu rưỡi tối qua
đón. Từ giờ cho đến lúc ấy thời gian còn rất dài. Theo kinh nghiệm những lúc
như thế này không nên uống rượu một mình. Tôi tắm nước nóng thật kỹ, rồi đi qua
ga hỏi mua vé tàu về Hà Nội. Vé nằm phải ba ngày nữa mới có. Bây giờ ở đâu với
tôi cũng vậy. Về sớm mà làm gì. Tôi mua vé chuyến bảy giờ. Tôi mông lung quay
về khách sạn. Khi ngang qua mấy quán quen cắm đầu đi thẳng. Tôi ở Huế ít ngày,
nhưng đến quán nào cũng kêu Johnny Walker cả chai nên được thuộc mặt. Tôi không
cầm ô, mưa phùn bám đầy tóc và môi tôi ngòn ngọt.
Tôi
xuống ga Hà Nội có cơn mưa rào bất chợt. Cụ bà nằm cùng buồng nhờ tôi xách hộ
hai can nước mắm. Suốt đêm qua tôi mất ngủ vì cái mùi nặng. Bà cụ hơn sáu mươi
đi thăm con trai làm ở sở hỏa xa Ðà Nẵng. Tàu đỗ. Một ông già thắt cà vạt đỏ
tóc khó tả màu vì thuốc nhuộm phai, giơ tay vẫy bà già: “Mình ơi, tôi đây.” Bà
cụ nở nụ cười móm tình tứ, rồi giới thiệu tôi với phu quân. Tôi nhẹ người khi
ông quý tộc già nói merci và bảo tôi chuyển hai can nước mắm cho một thằng nhỏ
chừng mười ba, mười bốn. Thằng bé nhìn hai can nước mắm bằng đôi mắt mang hình
viên đạn. Hai ông bà già quen dùng bữa ở tiệm, còn đây là thức ăn khô trong
vòng vài tháng của nó. Tôi đi xe ôm, ướt lướt thướt bấm chuông nhà Nhã. Bạn của
tôi không có nhà. Bà U đi kiếm bộ pyjama tôi vẫn để ở đây vì có những lúc dăm bảy
ngày tôi trông nhà khi Nhã đi vắng. Tôi tắm xong, bà U nấu cho bát cháo nhiều
thịt gà. Tôi uống hai lon bia Tiger, tiện tay mở tủ thấy chai Gordon lưỡng lự
uống thêm mấy ly. Tôi bật tivi, giám đốc ngân hàng mặt xấu giai đang giải thích
về lãi xuất tiết kiệm, lại tắt. Lơ mơ, tôi với tờ báo Lao động xem chuyên mục
thể thao. Có một bài cằn nhằn về giải bóng đá quốc gia ký tên Tường Vi, anh
chàng này tôi thích vì cái giọng gay gắt gần văng tục. Lật mặt kia tôi xem mục
tản mạn cuối tuần, tâm trạng của tác giả áy náy mặc cảm với lương tâm khi uống
hết lon bia thứ hai thì trông thấy một bà già ăn mày hao hao mẹ mình. Tôi vứt
tờ báo xuống nền nhà. Tôi vẫn không hiểu sao người ta lại gọi báo chí là lá
cải. Trời vẫn day dứt mưa và rượu trong chai trắng đáy. Tôi thấy bơ vơ và ngần
ngừ tôi thiêm thiếp trên đi văng. Bừng mắt dậy thấy Nhã ngồi đối diện, mặc bộ
váy ở nhà có hoa tím rất to.
“Trông
cậu mệt lắm.”
“Nhã
về từ lúc nào?”
“Lâu
rồi, cậu ngủ ngon phát khiếp.”
“Mình
tu hết cả chai rượu.”
“Chiều
nay mình mua thêm. Cậu thử uống Remy Martin xem, rượu mới quảng cáo đấy.”
“Ở
Huế rượu ly rẻ, nhưng nói chung dân Huế không nghiện.”
“Ở
Huế cũng mưa à?”
“Ừ,
nhiều lắm.”
Tôi
đi vào toilette rửa mặt. Nhã pha cho tôi một cốc cam vắt. Tôi đùa.
“Tái
ngộ là phải uống rượu.”
“Còn
nửa chai Gordon cậu uống hết rồi. Cứ nghĩ vài tuần nữa cậu mới ra, hôm nọ có
chai giôn đen, cầm đến biếu thầy Phi.”
“Chết
rồi, quên không mua cái gì cho bé Phương.”
“Cậu
chết, biệt tăm mấy hôm không phôn ra, hai mẹ con lo phát khóc.”
“Mấy
giờ đi đón bé Phương?”
“Chìa
khóa xe kia kìa, chừng nửa tiếng nữa.”
Tôi
im lặng, cố nén không hỏi chuyện về Thủy. Nhã nhìn tôi.
“Lúc
nãy cậu mơ nói.”
“Có
văng tục à?”
“Ác
khẩu thế, cậu gọi tên mình.”
Mặt
Nhã sẫm buồn. Hình như chỉ có một lần tôi thấy Nhã khóc. Tôi không muốn bạn tôi
xót xa nhưng không hiểu sao không thể đùa nổi. Tôi thở dài. “Mình chỉ còn vài
ba người mà bây giờ đặc biệt là cậu.”
Cũng
có một lần uống rượu nhiều Nhã nói trên đời này Nhã còn duy nhất hai người, tôi
và bé Phương. Cách đây chừng sáu bảy tháng cho đến trước hôm tôi đi Huế, có một
phó tiến sĩ không trẻ lắm nhưng rất giàu con một vị cựu bộ trưởng theo đuổi
Nhã. Tôi gặp vài ba lần, có nhiều cảm tình. Anh ta nhẹ nhàng ẩn giấu một vẻ quý
phái thông minh. Tên anh ta là Sáng. Lần đầu gặp nhau ở nhà Nhã anh đầy cởi mở.
Có lẽ chuyện tôi là bạn thân của Nhã, anh đã biết. Anh cư xử đúng mực, lịch
lãm. Hôm ấy tôi ra sức ba hoa cho mọi người vui. Tôi thuộc tính Nhã, rất khó
chịu với bất kỳ ai không được mời mà đến. Hôm sau Nhã kể.
“Mình
quen anh ta ở một salon thượng lưu. Bảo hoàn toàn không biết tí gì trước thì
cũng không phải. Nhiều người vun vào. Kỳ quái, đa phần là những đứa vay tiền
mình. Anh ta là giai tân theo nghĩa hành chính. Mải học, mải làm cũng được
tiếng là ngoan nên chưa kịp lấy vợ. Xuất sắc trên nhiều phương diện, có cái tệ
là biết làm thơ.”
Nhã
có phản ứng cực đoan với thi ca. Ngày xưa, với Du, thằng bạn thi sĩ của tôi,
Nhã ghét. Nhã nhắc đi nhắc lại không biết bao lần là quá may tôi chỉ viết được
văn xuôi. Hồi năm thứ hai, cô bạn thân duy nhất của Nhã quay sang làm thơ. Có
một chùm tham gia cuộc thi “Ngày xanh học đường” do một báo thuộc Trung ương
Ðoàn tổ chức. Vô phúc, đấy là theo lời Nhã, cô bạn trúng giải. Mấy nhà phê bình
xúm vào vuốt ve cô bé thi sĩ. Nữ sinh viên ngoại ngữ năm thứ hai bập bềnh lãng
đãng trôi từ “Câu lạc bộ thơ trẻ” sang “Tọa đàm các nhà thơ nữ”. Tôi chỉ biết
ba năm sau khi vừa xong tốt nghiệp, tôi đèo Nhã sang thăm cô bạn ở Châu Quỳ.
Cặp mắt long lanh ngày xưa bây giờ mất thần ngơ ngác nhìn tôi với Nhã cười vô
cớ. Nhã đứng lặng, bất lực văng một câu rất tục. Còn tôi về đặt mua liên tiếp
ba tháng cái tờ báo khởi xướng cuộc thi ấy, dùng đi toa lét. Tôi không vay tiền
Nhã, nhưng cũng vun vào chuyện anh Sáng. Lần thứ hai tôi gặp anh khi theo Nhã
vào Sài Gòn dự lễ khai trương một triển lãm kinh tế của Nhật. Một nửa các gian
quầy dùng quảng cáo các dây chuyền tái chế sản phẩm nông nghiệp, phần nửa còn lại
khoe những thiết bị dân dụng. Ðây gần như lần đầu tiên Nhật Bản, thiên đường
kinh tế trong mơ mà người Việt Nam quá quen với những Sony, National, sau nhiều
năm đứt đoạn chính thức được phép đưa hàng hóa không phải rò rỉ tủ lạnh, xe
máy, tivi qua những đội tàu viễn dương buôn lậu. Anh Sáng là một trong đồng chủ
tịch của ban tổ chức. Anh nói tiếng Nhật nhuần nhuyễn và mê thơ Haiku. Anh thổ
lộ thêm điều ấy vì Nhã nửa nạc nửa mỡ tiết lộ tôi viết văn. Anh Sáng hỏi tôi
hay đăng ở báo nào, tôi nói là tôi mới bắt đầu viết, đang dự định một bộ trường
thiên tiểu thuyết dài ba nghìn trang và hiện nay tôi đã xong cái đề cương dài
ba trang. Anh Sáng cụng ly với tôi, cố giấu vẻ giễu cợt. Tôi cám ơn và thấy
trân trọng. Tôi biết, một công tử đại gia dòng dõi cao môn lệnh tộc như anh,
thường thường rất hay gặp những thằng nói phét. Hôm ấy chúng tôi ngồi uống rượu
thân mật ở Rex, anh mời riêng những người thân, vì hôm trước Nhã nhất quyết từ
chối không dự bữa tiệc khai trương tại khách sạn Continnentan. Ngoài ba chúng
tôi còn có hai người Nhật. Cả hai thương gia đều chưa đến bốn mươi có vẻ sắc
sảo. Họ ăn bằng đũa, lịch sự nói với tôi bằng tiếng Anh. Khi chạm cốc, cố ý để
ly dưới thấp tỏ ý khiêm nhường. Anh Sáng giải thích, người Nhật ăn uống cẩn
thận, họ là cha đẻ ra kiểu oskawa chỉ ăn gạo lứt muối mè. Anh Sáng hỏi tôi có
biết Basho không tôi thưa có rồi cung kính nghe anh cất giọng trầm ấm đọc bài
con ếch nhảy vào ao nước bằng nguyên bản tiếng Nhật. Hai thương gia đồng hương
của đại thi hào phục lăn và tôi cũng lăn ra vì phục. Chúng tôi ở Sài Gòn thêm
ba ngày và đã ba tháng tôi chưa gặp Thủy. Nhiều hôm tôi lảng vảng ở đầu ngõ
không dám vào sâu vì cái ngõ nhỏ chật người đã quá quen mặt tôi. Tôi chặn đường
em lúc ấy đã bốn rưỡi chiều. Tôi đứng bên số lẻ của đường Bà Triệu hút thuốc cứ
nửa điếu là lại dụi. Mấy tay mua lậu xe đạp ăn cắp thay nhau nhìn tôi. Thủy đi
thực tập rất chăm, đều đặn hai buổi sáng chiều. Ngân hàng công thương quận Hai
Bà tan ra toàn đàn bà. Thủy vẫn đi xe đạp, song song cùng một nàng mặc váy bó
lộ những đường nét trung niên. Tôi theo sau, loáng thoáng ngược gió nghe tiếng
xưng hô cô cháu. Ðến gần hồ Halais thì Thủy có một mình. Trong tình yêu hay có
nhiều nốt láy. Lần đầu tiên tôi đưa Thủy về cũng chính ở đoạn này.
“Anh
chào em.”
Thủy
quay sang, một vẻ dửng dưng, không ngạc nhiên.
“Em
tan muộn vậy?”
Thủy
mím môi rồi nói từng câu.
“Chắc
anh muốn nói chuyện.”
“Vâng.”
Im
lặng dài. Chúng tôi đi rất chậm và cây hai bên đường đầy gió.
“Thế
này nhé. Tôi sẽ ngồi với anh hết lần này, nếu cần đến tận đêm. Có điều gì muốn
nói với tôi thì cứ nói hết. Rồi từ mai anh bỏ cái kiểu loanh quanh trước ngõ
hay trước cơ quan tôi đi. Tôi không muốn mọi người dị nghị và tôi cũng mỏi mệt
rồi.”
Chúng
tôi ngồi ở quán cà phê có vườn trông ra hồ, một đoạn phố còn sót nhiều Villa
kiểu Pháp. Bà chủ quán gầy sắc, ánh mắt nhìn đanh, tôi kêu một lon băm ba và ly
cà phê đá. Bao nhiêu lần tôi với em ngồi cùng nhau hay uống kiểu này. Trong túi
tôi còn một gói dở Marlboro. Tôi nhìn em và em nhìn mung lung. Khuôn mặt của em
những tháng gần đây gầy, da sạm, cặp mắt hơi nhíu hằn vài nét nhăn trên vầng
trán xanh khắc khổ. Bây giờ nhớ lại lần gặp cuối đấy, tôi vẫn thấy buồn. Một
kiểu buồn với những nét cào nhức buốt. Tôi đã làm gì để em đau đớn và trở nên
dửng dưng. Tôi hút thuốc miệng đắng nhả những vòng khói vô hồn lễnh loãng. Tôi
nhấp ngụm bia quen tay khuấy hộ em ly cà phê. Ở trong sâu xa tôi biết mọi
chuyện cơ hồ khó cứu vãn. Tôi bắt đầu nói và nói nhiều, cố dẫn giải như hồi đầu
mới yêu em. Tôi tránh không nhắc về cái tát, không nói về Trần Bình. Tôi nói,
tính tôi em đã biết, dở nhiều hay ít. Nếu em còn yêu tôi mong em bỏ qua những
chuyện linh tinh, tôi sẽ dần dần sửa chữa. Lưỡng lự, tôi cũng xin lỗi mặc dù
không thật lòng. Tôi cũng ghen tuông như bất cứ người con trai nào yêu lần đầu.
“Anh
nói hết chưa?”
Thủy
nhìn đồng hồ và cau mặt khi tôi lấy tay che đồng hồ.
“Anh
yêu em.”
“Anh
nói hết chưa?”
“Vâng,
anh đã nói hết.”
“Thế
thì đến lúc phải về rồi.”
“Em
không nghe anh nói một chút gì sao?”
Thủy
đột nhiên thở dài, hình như là cay đắng.
“Quá
nhiều lần nghe anh nói rồi.”
“Tha
lỗi cho anh, một lần nữa, anh xin em.”
“Thực
ra anh có lỗi gì đâu.”
“Em
đừng nói thế.”
“Ngày
xưa, có nhiều lúc, cứ luôn nghĩ mình là người hạnh phúc nhất.”
“Lúc
nào anh cũng yêu em.”
“Thôi.”
“Cái
gì cơ.”
“Ðã
đến lúc phải đi về.”
Thủy
dứng lên. Tôi cầm hai tay của em.
“Anh
bỏ ra.”
“Tha
lỗi cho anh.”
“Anh
bỏ tay ra.”
“Thủy.”
“Anh
đừng làm tôi khó chịu.”
Có
cái gì hung bạo chợt gầm lên trong sâu tôi, vô thức tôi giơ cánh tay. Thủy đứng
thẳng trừng trừng nhìn tôi. Thật là hết. Tự nhiên tôi thấy bải hoải. Thủy kêu
thanh toán tiền. Tôi ngồi yên vô hồn nhìn Thủy mở khóa xe, đạp từng vòng từng
vòng, khuất nẻo vào ngã tư Nguyễn Du - Trần Bình Trọng. Tôi khóc, gục mặt uống
cái bàn mây ngai ngái mùi tàn thuốc ẩm mà nức nở. Không biết bao lâu, có tiếng
bà chủ the thé vọng vào gọi phích nước sôi trong nhà. Tôi đi về hướng hồ, mơ
màng thấy chân mình giẫm xuống nước. Mặt hồ đen thăm thẳm một màu tuyệt vọng.
Tất cả đều là vô nghĩa. Tôi giật mình vì một cái cấu bạo ngang sườn. Cô nàng
mặt phấn với mi mắt xanh lét nhẽo nhợt mời mọc. Tôi đang sống và tôi chưa biết
phải làm gì. Tôi quay về nhà với mẹ. Những tuần tiếp đó tôi lang thang bao
nhiêu quán rượu. Nhiều buổi chiều khi đã mềm mềm môi tôi phi xe lên cầu Thăng
Long. Từ trên cái lan can cao tít của cây cầu tôi nhìn dòng sông đỏ cuồn cuộn
chảy. Tôi bình tâm hơn, lẩm nhẩm kêu tên Ðức Mẹ. Ðột ngột có cơn gió sắc như
bất hạnh thổi tung tà áo tôi đã phanh dở. Lạy Chúa, Người thật công bằng. Tôi
có tội, không phải nghiệp chướng từ kiếp trước mà ngay ở kiếp này tôi đã làm
nhiều bậy bạ. Tôi kêu van Chúa xin Người hãy thương tôi. Hiển nhiên không oan
trái gì khi em bỏ tôi. Tôi cũng đã dửng dưng tàn nhẫn với nhiều người. Sao tôi
lại mất em. Không có em. Suốt năm năm liền tôi đã quen có em. Gió trên cao quần
quật thổi. Một cái xít-đờ-ca của cảnh sát cơ động đi tuần. Viên đại úy có hàm
râu quai nón nhìn tôi nghi ngờ. Tôi nhìn thật đậm vào lòng sông. Tôi thấy nhỏ
nhoi và tuân theo ý Chúa. Tôi là một tín đồ cơ đốc giáo và giáo lý không cho
phép tội tự hủy hoại. Tôi hét lên cho giọng mình lạc vào gió. Không phải hét mà
là gào gọi. Lạy Chúa, xin Người đừng bỏ con. Tôi thả người nằm xuống mặt cầu.
Ðỡ thấy hoang mang, đỡ thấy hư vô. Tôi lại trở về sở hữu sự mệt mỏi và bơ vơ.