Cơ hội của Chúa - Chương 08 - Phần 1
Chương tám
1
Tiết
trời giữa thu lá cây rừng đẫm ướt. Thanh thản của im lặng, nghe rõ những giọt
nước sót nhỏ xuống nền lá rụng dày. Vầng nhật đã ngang tán cây nhưng sương đêm
bảng lảng còn nặng. Hai tiểu đồng, một nam một nữ, nét mặt cũng kính đồng cầm
một cây nhang đại, nghi ngút hương, đi chầm chậm về núi. Nắng loáng qua tán lá
thưa, nhợt chiếu Dưỡng chân trang, thiền xá riêng của Tuệ Trung thượng sĩ. Ðây
nguyên là đất ấp Tịnh Bang thuộc Yên Quảng, sau khi chính thức lui về ở ẩn, tiết
độ sứ hải đạo Thái Bình Trần Tung đổi tên thành làng Vạn Niên, dựng trang viện
chênh chếch ép sát vào chân núi. Ðến gần thảo am, tường đá ong lợp cọ, hai tiểu
đồng cắm nhang vào một lư đồng lớn, lùi ba bước khoanh tay đồng thanh thưa.
-
Bẩm đức ông, có khách.
Mùa
kết hạ cách đây tám năm, Hưng Ninh Vương Trần Tung phát hạnh nguyện thọ Bồ Tát
giới lấy pháp hiệu Tuệ Trung, nhưng không xuất gia. Gia nhân trong nhà thường
mặc gấm hoặc lụa Tàu xưng hô vẫn theo truyền thống hoàng thất. Dưỡng chân trang
đông phụ nữ và cứ sau rằm tháng giêng người ta hạ thổ hàng trăm hũ rượu lớn ở
toàn bộ góc phải hậu đường. Thảng trong nhà có người mướn duy trì ngũ giới thì
tùy tâm. Sinh hoạt thường nhật không xa xỉ nhưng không thể nói là đạm bạc. Hồi đức
ông Hưng Ðạo Vương chơi thăm, trang viện tổ chức một cuộc săn lớn. Thú săn được
quay ngay trước sân, mùi thịt thơm lừng chập chờn quyện lửa đỏ trong buổi chiều
tà. Bữa rượu tàn, ca nhi hát xướng. Tuệ Trung mặc áo đạo sĩ thân cầm trống
chầu, Hưng Ðạo Vương lấy làm lạ và trọng lắm.
Cửa
gianh kẹt mở, thượng sĩ Tuệ Trung bước ra. Dong dỏng gầy lòa xòa tóc muối tiêu
quanh vai. Ông để quyển Tuyết Ðậu Ngữ Lục xuống thềm cửa khẽ
khàng hỏi.
-
Ai vậy?
Tiểu
đồng nam thưa.
-
Bẩm, đức ông Nhân Huệ và đức ông Hưng Nhượng.
Tuệ
Trung thượng sĩ hít một hơi chân khí, mắt bừng sáng có lẽ ông vui.
-
Các con dọn vườn xong thì đem níp sách về thư trai cho ta.
Khách
hai người đang chờ chủ nhân, ngồi trên bồ đoàn. Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư
nét thô dữ dội, mặt đầy dục vọng. Vương mặc võ phục, kiếm vừa cởi chuôi cẩn
ngọc dựng sát vách. Mảnh khảnh ngồi cạnh Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng cũng
trong bộ võ phục, nét vẻ đầy quý phái của một công tử đại gia. Cả hai thấy thượng
sĩ đều đổi tư thế đứng dậy ôm quyền khom mình. Tuệ Trung cười, đơn sơ đáp lễ.
Trong tộc hệ, so với hai người, ông thuộc hàng trưởng thượng. Sau tuần trà đầu,
Trần Khánh Dư vào chuyện.
-
Vương huynh, hôm nay em lại có việc quấy rầy Vương huynh đây.
Tuệ
Trung nhấp trà.
-
Chú khách sáo quá.
Trần
Khánh Dư thưa.
-
Thứ nhất là em mang sang biếu anh ít chè Vân, đặc sản của đảo Cái Bàn. Hai nữa
là cháu Quốc Tảng mới từ Thăng Long xuống muốn yết kiến anh. - Nhân Huệ Vương
cười khuôn mặt vuông trông đỡ thô hơn. - Tình hình nước sôi lửa bỏng mà thằng
này nó cứ băn khoăn những là khai tâm mới ngộ đạo. Em chẳng hiểu gì sất, thôi
thì cứ dẫn luôn sang anh.
Tuệ
Trung để chén trà xuống kỷ, tế nhị tránh nhìn vẻ bẽn lẽn của Quốc Tảng. Nhân
Huệ Vương chợt trầm giọng.
-
Thứ nữa, có vài ba việc quân cơ cũng muốn anh góp ý.
Phó
đô tướng quân Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư có tiếng là ăn nói bạo. Hung thần
trấn giữ suốt hải lộ Đông Bắc không bao giờ giấu giếm chuyện mình ghét sư sãi.
Chẳng qua cũng chỉ là phản động cái thái độ sùng mộ đạo Phật thái quá của cả vương
triều. Quan gia nhiều lúc cũng phật ý. Nhưng biết làm sao được, Ðức ông Hưng
Ðạo từng nói: “Tướng đánh thủy không ai hơn được Khánh Dư.” Có lẽ là người duy
nhất cho đến giờ vẫn xưng hô với Tuệ Trung thượng sĩ bằng ngôn từ trường tục.
-
Uống rượu nhớ.
Thượng
sĩ hồn hậu mời Khánh Dư và Quốc Tảng. Nhân Huệ Vương cả cười.
-
Ðệ xin vâng. Anh còn gì tươi tươi bảo dưới nhà làm đồ uống luôn, đi ngựa suốt
từ Chí Linh sang đây đói quá thể.
-
Hôm qua có người từ biển vào mang cho mớ sò huyết. Ðể anh bảo mấy đứa nhỏ nướng
ăn chơi.
Trần
Quốc Tảng suốt từ đầu vẫn im lặng, trầm ngâm nhìn quanh. Hai dãy nhà song song
tường đất lợp bằng lá gianh già móng nện đá hộc. Phòng khách không hoành phi,
không bàn thờ, duy nhất một lư trầm tỏa ngan ngát khói lên bức lụa vẽ Ðạt Ma tổ
sư lướt cành sậy qua sông. Quốc Tảng nhấp một ngụm trà nhỏ. Hôm rời kinh, biết
Quốc Tảng có ý đến thăm Tuệ Trung, quan gia cho người vời vào. Mong manh thì
hình như Nhân Tông Hoàng đế bái Tuệ Trung làm thầy. Cả nửa buổi chiều vị vua
trẻ ngồi luận bàn thiền lý với Hưng Nhượng Vương, người được coi là một trong
vài ba nhân vật thông minh nhất thành Thăng Long. Chốc chốc mấy tên tùy hiệu
của đội Thánh Dực lại quỳ ngoài cửa chờ xin thẻ quân lệnh. Vua Nhân Tông vừa
đọc lướt những tờ trình vừa điềm đạm giải thích ý của mình về câu “Cảnh cảnh
tòng tâm xuất”. Thực ra hai người đã đàm đạo với nhau nhiều lần và Quốc Tảng
luôn trội hơn về biện luận. Nhưng hôm đó, Nhân Tông Hoàng đế có đưa một kiến
giải rất lạ về tội, phúc. Quốc Tảng thật lòng không nịnh: “Với pháp nhãn này, thánh
thượng quả là nhục thể của biến chiếu tôn Phật.” Hoàng đế cười mà rằng chính
mình cũng chưa hiểu lắm, mặt pháp siêu việt này được truyền từ Tuệ Trung và hàng
ngày vị vua trẻ vẫn cố hết sức tham chiếu. Hưng Nhượng Vương đã tiếp xúc nhiều
với các bậc cao tăng, tất thảy đều khâm phục đạo hạnh của thượng sĩ. Hồi ở chùa
Báo Ân, Hưng Nhượng Vương có đến nghe Tuệ Trung thượng đường giảng kinh Bát
Nhã, không cảm thấy có sức thuyết phục. Uống rượu, ăn thịt, tham thiền. Chàng
thanh niên chăm chú nhìn ông bác ruột. Giáo lý nào, giới luật nào cho phép ông
già gầy gò có cái vẻ hồn nhiên tự tại quái lạ này. Câu trả lời với hoàng hậu
Thiên Cảm là một nghi án hay công án. Là đạo hay là tục. Là sự siêu thăng hay
là sự giả dối thượng thặng. Năm ấy nhân được mùa to, hoàng hậu Nguyên Thánh
Thiên Cảm, em gái Tuệ Trung thượng sĩ làm tiệc lớn tại cung riêng ở Tây Nam
Thăng Long thành. Khách mời nhiều, cả tăng lẫn tục. Vương hầu áo tía ngồi lẫn
thiền sư áo thâm. Trên bàn la liệt các món mặn và đương nhiên phải có món chay.
Tuệ Trung ăn một ít xôi xong, quay sang uống rượu với nem nai. Tảng bò thui để
cạnh ông bị vẹt từng miếng lớn. Trụ trì chùa Quỳnh Lâm, người trường chay suốt
mười bảy năm đang nuốt dở miếng cơm, nghẹn đến nỗi suýt viên tịch. Hoàng hậu
sửng sốt hỏi: “Anh tu thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được.” Tuệ
Trung cười: “Phật là Phật, anh là anh, anh không cần thành Phật, Phật không cần
thành anh. Em chẳng nghe cổ đức nói, văn thù là văn thù, giải thoát là giải
thoát đó sao?”
Trần
Quốc Tảng hơi nghiêng người để cô nữ tì xinh như hoa đặt bình rượu men ngọc lên
mặt án thư bằng gỗ trắc. Rượu ngan ngát thơm mùi nếp cái. Hết tuần đầu, Trần
Khánh Dư vào chuyện.
-
Em có vài tin mới. Nói thì đơn giản vậy, nhưng mỗi tin em phải mua bằng ngàn
rưỡi lượng bạc qua bọn thương nhân Liêm Châu, toàn tiền túi em cả. Soái thuyền
thằng Ô Mã Nhi đi trước, còn toàn bộ lương thảo theo sau. - Nhân Huệ Vương hơi
cao giọng. - Anh có biết ai làm đô đốc bọn vận lương không?
Tuệ
Trung thượng sĩ lắc đầu.
-
Tướng đánh thủy của nó duy nhất anh có đụng là Lưu Thế Anh.
Trần
Khánh Dư không nén phấn khích.
-
Có lẽ thật may mắn cho riêng em, và ơn trời, họ Ðông A nhà mình còn nhiều hồng
phúc. Quái quỷ như thằng Ô Mã Nhi lần này lại lẫn. Nó chọn Trương Văn Hổ làm
phó tướng chỉ huy đoàn thuyền lương. Một trăm lẻ hai chiếc và bảy mươi vạn hộc.
Những toán dũng thủ tinh nhuệ nhất đều đi theo đoàn chu sư của soái thuyền. -
Nhân Huệ Vương tu một hơi dài cạn chén. - Thằng hải khấu họ Trương này em thuộc
lắm. Em sẽ dìm cổ nó xuống đáy bể Vân Ðồn.
Sò
huyết tươi được bưng lên cùng một lò gốm da chu ủ than hoa. Người bưng là một
nữ tì khác xinh đẹp không kém cô bé trước. Trần Quốc Tảng định nói gì rồi thôi.
Cô nữ tì vén khéo thân vạt áo sau dịu dàng quạt than. Nhân Huệ Vương cho tay
vào phía trong áo trường bào lấy ra một tấm hải đồ bằng lụa.
-
Thuyền lương chắc chắn phải qua Ðồn Sơn. Vì vậy trước khi nó vào Hạ Long em cho
dân binh ra đánh dử. Làm sao cho nó giết được khoảng bảy phần, Trương Văn Hổ
say máu sẽ ham. Khi nó lọt vào đây, toàn bộ khinh chu cánh én của phong đội
trạo nhi Vân Ðồn sẽ nướng sống nó.
Trần
Khánh Dư thoải mái nhai miếng sò tươi vừa tái. Khuôn mặt như đá hơi ửng. Ông
chợt đưa tay vuốt dọc tấm lưng ong của cô nữ tì, có lẽ là thói quen. Cô bé hơi rúm
người, vẫn quạt than, khe khẽ nhìn lên. Tuệ Trung điềm đạm nhấp ngụm rượu nhỏ.
Khánh Dư ngồi thẳng người dậy, chắc đói, ông ăn tiếp cả cặp sò lớn. Nhân Huệ
Vương đánh trận có tiếng là dùng tốn binh nhưng kết cục phần thắng bao giờ cũng
thuộc về ông. Quốc Tảng bỗng rùng mình nhìn màu đỏ tươi của con sò, Khánh Dư ha
hả vỗ vai.
-
Nào thằng công tử bột, cạn chén đi. Ðừng nghĩ lung tung. Khi lâm trận tướng là
chim ưng, dân lính là vịt. Dùng vịt để nuôi chim ưng có gì là lạ. Phải vậy
không Vương huynh?
Tuệ
Trung cười cười quay sang Quốc Tảng.
-
Dạo này ở kinh thành có chuyện gì không?
Quốc
Tảng sửa lại áo, nhíu mày nghĩ cẩn thận, thưa.
-
Bạch Thượng sĩ, theo mắt kẻ tục nhân này thấy nhiều biến đổi nhưng chắc dưới
mắt Tuệ của Thượng sĩ mọi vật như như không khác.
Tuệ
Trung nhấp ngụm rượu nhỏ, lấy đôi đũa son gắp miếng sò nướng vừa được gỡ chấm
nhẹ vào đĩa muối chanh.
-
Ta cũng như cháu. Mùa xuân thì thấy chồi đâm hoa nở. Ðông tới thì thấy lá rụng
cỗi cành. Sinh thì là sinh, diệt thì là diệt, cớ sao cháu nghĩ là ta không thấy
khác.
Trần
Quốc Tảng ngờ vực mắt nhìn thẳng.
-
Kinh có nói: “Không sinh không diệt.” Lại nói: “Không tức là sắc, sắc tức là
không.” Kẻ tục nhân này tuy chưa đọc hết ba tạng nhưng một chân lý hiển nhiên
như vậy chẳng nhẽ lại không tin.
Tuệ
Trung thượng sĩ im lặng, ánh mắt xa xăm lộ thoáng buồn. Trần Khánh Dư ngáp dài
đứng lên lững thững đi ra ngoài sân tìm nhà sau. Thêm một tuổi Ðức ông Nhân Huệ
lại thấy thận mình thêm một yếu. Có lẽ phải bớt rượu và đàn bà. Tuệ Trung quay
lại nhìn vẻ hau háu của Trần Quốc Tảng điềm đạm hỏi.
-
Cháu đã thực hiểu câu ấy chưa?
-
Dạ.
-
Thế cháu có sắc thân không?
-
Dạ có.
-
Vậy sao nói “sắc tức là không”? Một tấm thân đường đường trượng phu cha mẹ chín
tháng mười ngày vất vả sinh thành sao lại nói là “không” được. Rồi nữa, cháu có
nhìn thấy cái “không” có trạng mạo gì không?
Trần
Quốc Tảng ngần ngừ.
-
Dạ thưa, không.
-
Vậy sao nói “không tức là sắc”? Bây giờ thế nước như trứng để đầu gậy. Quan gia
và bách tính ngày đêm tìm cách chống giặc. Một số kẻ cao đàm khoát luận coi mọi
chuyện là huyễn hoặc, là hư vô, như vậy có nên không?
Trần
Quốc Tảng hơi đỏ mặt nhưng vẫn hỏi.
-
Vậy rốt cục là thế nào ạ?
Tuệ
Trung thong thả.
-
Sắc tức là không, không tức là sắc. Tam thế Như Lai nói điều ấy theo lẽ quyền
biến. Cháu hãy nghe kỹ lời ta: “Không bản vô sắc, sắc bản vô không.” Cái gọi là
thể tính không có được không có mất.
Trần
Khánh Dư vào giục Trần Quốc Tảng xin phép cáo lui. Vương đã rượu hơi say say
thì thường tìm chỗ ngủ và đã ngủ thì ít chịu ngủ một mình. Trần Quốc Tảng đột
nhiên sụp lạy xuống chân Thượng Sĩ.
-
Xin người tha lỗi cho con.
Tuệ
Trung tiễn khách ra cửa, âu yếm nhìn Quốc Tảng mạnh mẽ nhảy lên lưng ngựa.
Khánh Dư vòng tay bái, Quốc Tảng không quay đầu lại, Tuệ Trung dõi theo đám bụi
hồng mà vó ngựa cuộn lên dần dần tan. Ông quay vào vẻ mặt tươi ngồi uống trà
một mình. Qua khung cửa sổ tre nhỏ, vài vệt khói mỏng bay lên từ lơ thơ dăm ba
mái nhà bên triền núi. Giữa thu trời trong mây cao xanh. Thiên nhiên muôn đời
vẫn vậy.
2
Hôm
Thủy đi xa, tôi biết. Tôi còn biết chuyến bay của Aeroflot sẽ cất cánh vào
khoảng hai giờ chiều. Tôi cũng biết số người ra tiễn Thủy ngần nào là bạn, ngần
nào là người thân. Tôi nằm một mình không hút thuốc, không uống rượu. Cả người
nhiều đờ đẫn. Có một mảng vôi lở ở trên trần lập lòe hiện hình quái dị. Tôi lấy
làm tiếc là tôi vẫn ở Hà Nội. Nằm bâng quơ một lúc lâu, tôi lấy làm may là tôi
không bỏ đi xa. Hai tháng trước tôi vào Huế, chơi lang thang. Tạp chí Sông
Hương cho tôi một cái giải nho nhỏ, truyện ngắn hay trong tháng. Tôi đã đến Huế
một lần, thuở vời vợi năm cuối sinh viên. Cũng chẳng nhớ nhiều vì nhập nhoạng ở
chưa hết một ngày. Ang áng thấy sông Hương là hiền và con gái Huế là dịu dàng.
Nói vậy để khỏi phụ thơ phú tiểu thuyết chứ hôm ấy tôi uống nhiều, từ sáng đến
tối chỉ gặp duy nhất hai phụ nữ, một bà già bán cơm hến và bà kia còn già hơn
bán bún bò giò heo. Tôi đứng cửa ga lưỡng lự hỏi thăm đường. Tôi không quen ai
ở Huế, trong túi chỉ bơ vơ có cái địa chỉ tòa soạn của tạp chí nọ. Lúc tôi lên tàu,
sân ga Hà Nội có mưa rào. Lúc tôi xuống tàu, Huế ảm đạm trong cái mưa nổi
tiếng. Tôi ở Huế một tuần và Huế mưa đủ bảy ngày. Tôi ích kỷ như bao kẻ lãng du
cưỡi ngựa xem hoa, tôi thấy mưa Huế là đẹp. Anh bạn nhà thơ mới quen ngồi đối
ẩm trầm ngâm lắc lắc đầu. Chúng tôi mồi bằng cật dê và uống nguyên một chai
Martel. Tôi cạn chén nhắc lại, nếu Huế không mưa Huế sẽ tầm thường như bất cứ
một thị xã lẻ nào. Anh bạn nhà thơ khoát khoát tay không hiểu phủ nhận hay đồng
ý. Tôi muốn ngày mai đi lăng Minh Mạng. Anh bạn góp ý đấy là lăng ở xa nhất
thường thường người ta hay đi vào ngày cuối. Tôi không thích giống các đoàn du
khách, trong ba hoặc bốn lăng đáng thăm, tôi sẽ lần lượt theo chiều dọc của
lịch sử. Anh bạn nhà thơ chiều tôi gật đầu. Những người biết làm thơ hiền và
lành nhất trên cái quả đất mà. “Mấy giờ thì Hoàng phải về khách sạn.” Tôi nói
là đêm đầu tiên ở xứ lạ bao giờ tôi cũng overnight ở ngoài đường. Anh bạn nhà
thơ rủ đến nhà một người bạn thơ, ở Huế trời ẩm nên đông người làm thơ. Anh bạn
cười. Thật hạnh phúc khi được uống rượu với những người thông minh mà không độc
ác. Ơn Chúa, chúng tôi mới quen nhau lúc buổi chiều. Tôi ở khách sạn số 5 Lê
Lợi. Một tổ hợp dịch vụ với giá bình bình. Ðợt này đi, Nhã đưa tôi nhiều tiền.
Tôi ngần ngừ cho xếp đô xanh vào túi ngực. Nhã hỏi “đã đủ chưa”, giang hồ vặt
như thế là quá nhiều. Tôi không dám nhìn thẳng, tôi đã nhìn thấy vài sợi bạc
trong mái tóc dày của bạn. Nhã nói thêm: “Không tiễn nhớ.” Tôi ừ. Cái truyện
ngắn tôi được giải lần này lấy bút danh là Phương Nhã. Cái truyện ngắn duy nhất
Nhã thích. Khi tòa soạn gửi báo biếu kèm một trăm ngàn nhuận bút, Nhã và tôi đi
ăn chả cá. Con bé Phương Phương tôi không bế nổi nữa rồi và nó vẫn ngồi đằng
trước xe. Tôi phải hơi ngước nhìn để cằm khỏi đụng vào đầu nó. Nhã đợi lấy bằng
xong thì mua ô tô. Chả cá Lã Vọng tối thứ bảy đông chật khách du lịch. Nhã
không ăn mấy ngồi đọc lại truyện. Tôi cũng hơi ngạc nhiên vẻ háo hức ở Nhã:
“Chính tay cậu đánh bản thảo cơ mà.” Nhã tự đánh bản thảo trên computer đời mới
nhất, bốn tám sáu. Nhã bảo: “Truyện này lạ lắm, cậu không làm nổi
cái thứ hai đâu.” Tôi cũng thấy thế, vài năm gần đây tôi hay chua chát nên làm
gì cũng ngấm đôi phần cay đắng còn truyện này, theo như Nhã, nó dịu dàng và có
hậu. Anh bạn nhà thơ đưa tôi qua nhà, một khu tập thể sẫm vào nền trời đen vì
mất điện, chạy vội lên khoảng tầng ba chắc báo vợ đêm nay không về. Anh bạn nhà
thơ hơn tôi chừng chục tuổi vẻ khắc khổ. Khi gõ cửa phòng tôi ở khách sạn rụt
rè tự giới thiệu. Tôi thật mừng. Vừa nãy tôi có gọi phôn yêu cầu tới tòa soạn.
Tôi trân trọng mời anh vào và thật sự thấy cảm động. Truyện ngắn đầu tiên ở một
tạp chí lạ. Tôi chả là cái gì cả. Anh nói là rất thích truyện đó và hình dung
tôi khác. Tôi hỏi anh xem quanh đây có quán nào uống được không. Anh và tôi vào
cái quán có vẻ nghèo. Rượu đế ngai ngái và đồ mồi thì thật dở. Tôi phải hơi cố
vì gần đây tôi hay được uống rượu ngon. Uống chừng hết một tuần tôi rủ anh về
khách sạn, uống ở quầy bar. Anh không quen ngồi ghế cao, tôi kêu kê một bàn ra
ngoài sân. Chúng tôi uống ly, linh tinh cognac lẫn Whisky và tôi thấy rượu ly ở
Huế thật rẻ. Khoảng bảy giờ chúng tôi thành bốn người, thêm hai thằng Tây tôi
quen trên tàu khi nằm cùng khoang. Một là Pháp, một là Hà Lan đều kém tuổi tôi.
Ðang trầm trầm uống tôi bỗng giật nảy người vì cái vỗ mạnh hai bên má liên tiếp
nhận những cái hôn bạo. Hóa ra cả Giắc và Vanh đều thuê cùng khách sạn nhưng ở
loại buồng tồi hơn tôi. Tôi lấy khăn ướt chùi kỹ má, có lẽ hai thằng này đã nốc
tới vài lít. Lúc trên tàu có bốn cái giường, duy nhất tôi là Việt. Còn một nàng
tóc hung hung đỏ quốc tịch Mỹ. Marry đi suốt vào Nha Trang vì đã đi Huế rồi. Tàu
chạy chúng tôi bắt đầu làm quen, tôi nói cho oai là đi công tác, đi tổ chức một
hội nghị Quốc tế to đùng về kỹ thuật ủ nấu rượu theo phương pháp truyền thống
thuần Việt. Mọi người khi biết tuổi tôi đều kêu là trẻ. Marry chân thành khen
tiếng Anh của tôi. Cô ta mặt tròn nhiều tàn nhang nghiên cứu dân tộc học và bập
bẹ chút tiếng Việt. Cô ta cũng biết Hai Bà Trưng. Tôi hỏi trong lịch sử Mỹ có
những phụ nữ vĩ đại nào không. Marry nghĩ một lúc và lắc đầu. Giắc quay sang
tôi nói về Janeda. Tôi mở ba lô lấy chai rượu Hà Bắc tôi thuở từ nhà. Tôi mời,
vì theo truyền thống của dân tộc tôi khi nói về các nữ anh hùng người ta thường
uống mừng. Các bạn nước ngoài trân trọng tán thành và đồng thanh coi đó là tập
tục đáng kính. Hóa ra Giắc và Vanh là hai con sâu rượu, tửu lượng không thua
tôi một ly nào. Tôi giới thiệu anh bạn nhà thơ. Giắc nói, năm năm gần đây anh
chỉ kính trọng hai loại người, thi sĩ và bartender. Tôi diễn nôm cho bạn tôi
hiểu, đó là người pha rượu ở các tiệm chuyên nghiệp. Bạn tôi bắt chặt tay Giắc
nhờ tôi dịch hộ, khen ý kiến lỗi lạc. Giắc chạy đến quầy lấy thêm một chai Lúa
Mới rút tiền trả trước. Vanh cao hứng đọc một bài thơ tiếng Hà Lan cổ rồi dịch
sang tiếng Anh. Trong bài thơ có rượu có tình yêu. Ðột nhiên tôi nhớ Thủy. Tôi
đi xa lần này em không biết. Trước lúc lên tàu tôi đi ngang qua ngõ nhà em. Cái
ngõ nhỏ rất nhiều lần tôi đã đưa em về và là đầu tiên em cho phép tôi hôn ở chỗ
khúc rẽ vắng người có tán cây si già mọc thấp. Bar rượu càng về tối càng đông
khách. Tôi không muốn ồn ào nữa lấy cớ là phải đưa anh bạn về nhà, và tôi với
nhà thơ đi uống tiếp. Ðã đến tăng ba phải uống cho tử tế. Tôi hỏi có quán nào
sang trọng không. Nhà thơ của tôi cười, anh không biết. Tôi chưa đọc thơ anh
nhưng biết chắc là anh nghèo. Chúng tôi mò mẫm quanh cửa Thượng Tứ rồi cũng vào
một quán sáng choang. Quán có bàn ghế đẹp và thưa khách. Cô bé đứng sau quầy
trạc ngoài hai mươi, khuôn mặt mỏng, kiểu mặt tôi không thích. Tôi hỏi đấy có
phải tiêu biểu của gái Huế không. Anh bạn lắc đầu, nếu tôi muốn, chiều thứ bảy
đi bộ dọc sông Hương nhìn nữ sinh trung học tan trường. Những tà áo trắng đến
nao lòng. Tôi cười và lẩm bẩm, áo em trắng quá nhìn không ra. Cảnh cổ điển, mà đã
clacssic thì ở đâu cũng vậy. Một ông già tóc bạc bưng ly tới. Chai Martel cả
chai tính đắt hơn Hà Nội chừng vài ba chục ngàn. Chúng tôi yên lặng uống. Nhiều
khi uống với Thủy hai đứa tôi cũng yên lặng. Những lúc hạnh phúc nhất là Thủy
để yên tay trong tay tôi và khe khẽ hát. Những hôm như thế không nhiều lắm.
Những hôm như thế uống rất khó say. Tôi lang mang ngắm cái mũi hơi hếch của
Thủy ở giữa chân mày phải, có một nốt ruồi đậm. Thủy cười vô cớ he hé hàm răng
ngà ngà màu tetracylin. Những năm chiến tranh trẻ con không có loại kháng sinh
nào khác. Tôi thì thầm
“Anh
yêu đôi hàm răng của em, nhất là mấy cái răng cửa.” Thủy nhìn tôi đầy cảnh
giác.
“Lại
bắt đầu giở trò đấy.”
“Anh
thề trong hội họa màu vàng là gam màu sang trọng. Và đâu phải ngẫu nhiên màu vàng
là màu riêng của hoàng gia cả Ðông lẫn Tây.”
Thủy
cấu tay tôi, cấu li ti rất đau như ong đốt. Tôi vô tình cho tay ra ngoài cửa
sổ. Mưa Huế về đêm nặng hạt hơn, nhàn nhạt lạnh chảy ngược vào trong ống tay
áo. Hết chừng nửa chai chúng tôi đi ra mưa. Anh bạn nhà thơ đèo tôi bằng cái xe
Phượng Hoàng xích chùng. Huế muộn đường phố càng trầm. Cả một đoạn dài hầu như
không quán xá. Chúng tôi lại đi qua cầu mới. Ðến đầu đường Lê Lợi tôi vẫy cái
xích lô đạp ngược. Chúng tôi cất cái xe Phượng Hoàng được gia cố quá nhiều
những phụ tùng Sài Gòn vào chỗ gửi xe của khách sạn. Anh nhà thơ đập tay vào
thành xích lô. Chiếc xe đỗ trước nhà có vườn rộng đường đất lép nhép ướt dẫn
vào căn phòng ồn ào đông người. Mọi người reo lên khi thấy nhà thơ và ngỡ ngàng
lịch sự nhìn tôi. Chiếu rượu đang dở bữa. Hai đĩa nhôm to đầy nem lụi và nhiều
mực khô. Quanh tường treo lộn xộn tranh sơn dầu và thuốc nước, đa phần vẽ hoa.
Anh bạn nhà thơ giới thiệu tôi, tôi trân trọng uống một ly đầy rượu thuốc của
một anh áng chừng chủ nhà. Chiếu rượu tiếp tục, mọi người đang bàn chuyện thơ.
Thơ miền Trung mang một tầm thế lớn trong nền thơ dân tộc. Ðấy là nghe nói vậy,
chứ thơ tôi không rành. Một đôi nam nữ còn trẻ hăng say đọc Nguyễn Tất Nhiên
hay Phạm Thiên Thư, tôi không rõ. Trong các nhà thơ của miền Nam trước bảy
nhăm, có dạo tôi rất thích Nguyên Sa. Hồi chơi nhạc ở ban Sóng Đêm, thằng Bích
kiếm đâu được tập thơ Bùi Giáng. Tôi đứng đọc dưới hiên vỉa đường Cô Giang, từ
đó thấy cũng bớt nhiều ác cảm với những ai là thi sĩ. Tôi rút chai Martel dở
ở phía trong áo khoác ra góp vui. Thiếu nữ tóc thề vừa đọc thơ vừa khẽ liếc
tôi, con gái Huế đa tình đã được ghi vào sách. Tôi vừa ăn nem vừa nghe một anh
trạc ngoài bốn mươi nói giọng Bắc bình luận giải thưởng của Hội nhà văn năm
ngoái. Tạp chí Sông Hương mấy số vừa rồi đăng nhiều bài phê bình văn học bị coi
là có vấn đề. Người Huế hiền, nhưng khi bàn học thuật, cũng khá là ác khẩu. Anh
chủ nhà bê ra thêm bình rượu. Mọi người ngất ngư uống và bắt đầu đọc thơ mới
sáng tác. Tiếng Việt có nhạc điệu cao, nhiều nhà ngôn ngữ nổi tiếng bảo vậy,
nên dân tộc ta ưa làm thơ. Chuông đồng hồ đánh một hay hai tiếng gì đấy. Sáng
hôm sau tôi tỉnh dậy trong khách sạn, chịu không thể nhớ mình về bằng cách nào.
Ðầu ê ẩm, người bị cắt khúc từng mảng. Chắc là có ngã. Trang Tử bảo: “Người hòa
với rượu khi ngã không đau.” Tôi vào toilette, cái gương hình bầu dục có khuôn
mặt nhợt nhạt phía dưới cổ áo là vệt nôn đậm chưa khô hẳn. Tôi đánh răng lau
mặt kỹ và tắm. Người ơn ớn lại thấy nôn nao. Tôi lảo đảo ra bàn uống hết chai
nước khoáng. Ðây là kinh nghiệm của riêng tôi đúc kết qua nhiều lần quá chén.
Bị lại rượu và buồn nôn cứ cho dạ dày ngập nước. Tôi để lại cái bô nhựa đỏ đựng
bã trà ra trước mặt bình tĩnh chờ. Tới rồi. Tôi thắt người ra mà nôn, nước mắt
nước mũi ứa nhòe nhoẹt. Một nhịp, hai nhịp cơ hoành bẻ gập xương sống. Bây giờ
mới thật ra hết. Tôi ngồi thẳng lưng thở dốc, thấy ân hận chuyện rượu chè quá.
Từ mai nhất quyết không đụng đến ly cốc nữa. Trong cái đám nước sùng sũng nhờ
nhờ mấy giọt quánh màu nâu. Ðúng là ra mật xanh mật tím. Các cụ nhà mình thật
giỏi. Tôi tỉnh hẳn. Lại xúc miệng cẩn thận rồi mềm mại thả lỏng chân tay nằm
dềnh dang cả giường. Tôi nằm dài xem báo đến chừng mười một rưỡi trưa thì kêu
xích lô tìm quán bún bò giò heo. Tôi mê phở Hà Nội, yêu bún Huế và thích hủ
tiếu Sài Gòn. Hồi còn trong Nam, mấy anh em chơi nhạc khuya về, kéo nhau ra
đường Paster ăn phở. Phở Sài Gòn lạ miệng cũng thật ngon. Miếng gầu miếng nạm
bản to thái hơi dày. Có thêm giá và vài nhánh mùi tàu. Tôi thòm thèm làm trọn
một bát nhưng bắt tối nào cũng ăn liên miên thì chịu. Phở bò Hà Nội nước trong
hơn nên đỡ ngấy. Hàng phở ngon cũng chỉ còn một vài. Giữa phố Bát Ðàn và đầu
phố Lý Quốc Sư. Nắng hiếm hoi ửng nhạt qua rèm cửa. Một tuần ở Huế có cái may
là ít gặp nắng. Nhiều người kêu ca mưa Huế, nhưng tôi thích. Cũng có thể do tâm
trạng lúc này.
Tôi
xuống ga Hà Nội và đi thẳng đến nhà Nhã. Hôm ở Huế tôi có phôn ra. Nhã nói là
tự nhiên thấy sốt ruột. Tôi bảo không có chuyện gì đâu, Huế hiếu khách và thật
đẹp. Rồi đùa thêm, ở Huế chưa có bia ôm. Nhã kêu, qua phôn nghe thấy nhiều
tiếng ồn. Tôi giải thích là mình đang ở trong một vũ trường xinh xắn và giá
thật rẻ. Nhã bảo là hãy cẩn thận với Sông Hương. Dòng sông thơ mộng đã nhấn
chìm biết bao sĩ phu Bắc Hà. Tôi cười. Thứ nhất tôi không phải là kẻ sĩ. Thứ
hai là tôi đã được mời đi nghe hát ca Huế ở trên thuyền rồng. Không giống người
ta đồn.
“Thế
nó giống cái gì?”
“Nó
giống quảng cáo.”
“Không
được uống rượu à?”
“Mình
say thiếu điều lộn cổ.”
“Uống
vừa thôi nhớ.”
“Chủ
nhật tới mình ra, thấy nhớ bé Phương Phương lắm.”
“Chú
Hoàng ơi, con đây.”
“Chú
chào con. Muốn cái gì nào?”
“Chú
đợi con, con ị xong đã.”
“Cậu
không đi Sài Gòn nữa à?”
“Chán
rồi.”
“Cậu
đừng về Hà Nội vội.”
“Sao
vậy?”
“Cứ
nghe mình đi.”
“Chuyện
của Thủy à?”
“Hai
hôm trước Thủy nó có qua nhà mình, Thủy đến vì biết cậu ở Huế.”
“Bảy
tháng rồi chúng mình không gặp nhau.”
“Hoàng
này, Thủy sắp đi Tiệp, có lẽ tuần sau. Mọi giấy tờ xong hết rồi chỉ chờ ngày có
vé.”