Cơ hội của Chúa - Chương 07 - Phần 5

Trần
Bình nhường cho tôi một mối làm ăn, nếu gọi đúng tên phải kêu là buôn lậu. Giá
nhập vào và xuất ra đều được bảo đảm bằng vàng. Ðiều cốt tử là sự an toàn trong
quá trình vận chuyển. Khả năng sinh lời lên tới hai trăm phần trăm và chỉ số
rủi ro là một trăm phần trăm. Tôi nhập cuộc quyết định chơi dốc ống. Không hẳn
phải có sự đỡ đần của chị Nhã mà cái chính là tôi không còn thời gian. Ðã là
thời điểm tuyệt vời cho những hoạt động kinh tế loại này. Liên tục trên báo
hàng ngày đưa tin hoặc cán bộ hải quan hoặc cán bộ thuế bị truy tố. Tôi yên
tâm. Sự sa sút cả đạo đức lẫn nghiệp vụ của các vị cầm cân nảy mực trên thương
trường là ước ao từng giờ của toàn bộ thành viên tham gia nền kinh tế ngầm.
Chuyến hàng đầu trót lọt. Lãi suất khủng khiếp có thể sánh ngang những phi vụ
“đỉnh” ở Ðức. Nhưng tôi linh cảm thấy sự thất bại. Công việc trải qua quá nhiều
khúc và trong từng công đoạn tôi phải hoàn toàn phụ thuộc vào người khác. Vô
hình trung tôi phải lặp lại nhưng thao tác cũ. Tôi sắp ba mươi và không muốn
vĩnh viễn chỉ là ốc vít trong cỗ máy. Tôi vất vả tha phương cầu thực ở xứ người
để mong về nước được đàng hoàng hơn. Tôi đã biết nhiều người có nhiều tiền và
họ đâu có tài hơn tôi. Tại sao người ta giàu được mà mình không giàu được. Hay
có trở ngại về một vấn đề siêu hình. Ðạo đức. Mẹ tôi bảo “làm gì thì làm nhưng
phải để phúc cho con cho cháu”. Hóa ra giá trị đạo đức là đem tương lai dọa dẫm
hiện đại. Tôi không nghĩ xa đến thế cũng không cần phải nghĩ xa đến thế. Ðạo
đức hiểu nôm na là hiếu với bố mẹ tốt với anh em và giữ chữ tín với bằng hữu. Còn
trách nhiệm với xã hội thì hãy đợi cho có tiền đã. Những người nhiều của mới đủ
sức tác động sâu xa đến biến chuyển cộng đồng xung quanh. Mẹ tôi lại bảo:
“Người ta làm ba bát gạo hẩm để đổi lấy một bát gạo tám thơm. Còn tham thành
năm sáu bát gạo hẩm để làm gì.” Những người giàu ở Việt Nam lúc này đa phần là
giàu gạo hẩm. Tôi chưa dám khinh họ, cũng chưa dám hỗn. Bát gạo của tôi lèo tèo
vài hạt nhìn kỹ hình như cũng hẩm. Tôi phải cố nhưng không dùng cách của họ, hy
vọng phương tiện khác nhau thành quả sẽ khác nhau.

Công
ty trách nhiệm hữu hạn do tôi làm giám đốc lấy tên là Bình Minh. Nó chẳng mang
ẩn ý gì cả, thấy hay thì chọn. Vấn đề sống còn nhất, là nhân sự nhưng tôi cũng
hòm hòm được. Người tài thật cũng hiếm như người giàu thật. Tôi may mắn được
quen biết một ít người tài. Quá đủ cho cái công ty còm này. Việc đầu tiên là
thuyết phục Trần Bình và chị Nhã. Nếu hai người không đồng ý mọi sự đương nhiên
chỉ là khát khao. Chúng tôi có bốn người, thêm cả Hoàng, ngồi một bàn vừa phải
ở một quán cố ra vẻ sang trọng đầu phố Bát Ðàn, một trong số ít nơi có đồ biển
ngon. Sò huyết tôi đặt trước cuối cùng là ế. Hoàng và Trần Bình làm hết chai
Napoleon. Nhã hút thuốc liên tục. Ròng rã gần ba tiếng tôi nói. Mọi người rõ
ràng chưa quen cung cách làm ăn này. Thi thoảng khi tôi cao giọng Hoàng đùa cho
không khí bớt nặng. Nhã và Trần Bình không phải là sợ, tiền qua tay họ có lúc
đến bạc tỷ. Thế nhưng, bao năm tháng buôn bán chui lủi đã thấm vào cách nghĩ
làm thui chột tầm nhìn kinh tế chân chính. Hoàng chạm cốc với Trần Bình rồi
cười với Nhã.

“Hăng
quá. Ðấy là xa nước mới có năm năm.”

“Anh
nói gì?”

“Anh
có nói gì đâu. Nhưng mọi chuyện từ từ được không, em vừa về chưa tròn bốn tháng.”

“Tôi
cũng hiểu mọi cái đang nhập nhoạng nhưng chắc sẽ không kéo dài. Tôi cũng chưa
ngu ngốc đến mức phải minh bạch toàn bộ hoạt động tài chính của mình. Nếu muốn
lâu dài thì phải đặt nền móng từ bây giờ.”

“Cậu
sẽ là một trong hai công ty tư nhân đầu tiên nếu đúng như những thông tin tôi
đang có.”

“Thế
càng tốt chứ sao.”

“Năm
tám tư tám nhăm khi Hà Nội đang trong chiến dịch thu tài sản bất minh của tư
thương, lúc ấy cậu đang ở Ðức.”

“Tôi
không dám khuyên, nhưng mọi người hãy tin ở tương lai.”

Cuối
cùng Nhã và Trần Bình cùng đồng ý với điều kiện tôi bỏ những hoạt động xuất
nhập khẩu. Trước mắt tôi nên tập trung vào thị trường nội địa. “Thận trọng bao
giờ cũng tốt.” Trần Bình vừa cười vừa bắt chặt tay tôi. Ôkê. Tôi cạn hết một ly
rượu lớn và nuốt nhầm cả đũa cá quả còn sống.

3

Tôi
đã hai mươi mốt tuổi và còn hai tháng nữa tôi tốt nghiệp đại học. Tôi đã yêu ba
năm, đã có nhiều hạnh phúc, đã có nhiều kỷ niệm. Tôi nhìn mọi sự chậm rãi hơn
và đã có một vài điều hư vô quấy rầy trí óc. Nhật ký của tôi dày đặc chữ đã
sang quyển thứ ba. Tôi đúng hay sai trong tất cả những cái tôi đã làm. Qua rồi,
qua hẳn rồi tuổi vẩn vơ. Tôi chưa lớn nhưng không còn bé. Rồi mai kia tôi phải
đối diện với những gì. Sẽ lấy tấm chồng mình yêu. Cũng có khi số tôi không được
cái hạnh phúc nhỏ nhoi ấy. Tại sao liên miên những ngày tháng này tôi thấy
trống rỗng. Liệu tôi có tham lam quá không. Tôi đi thực tập xa và chỉ riêng
mình tôi biết là tôi thích điều đó. Tôi muốn xác định mình và tôi tin chắc tôi
xác định được. Ở gần Hoàng thường thường tôi không nghĩ được gì. Cách nói của
anh, sự uể oải trí thức của anh đẫm đầy ở tôi. Tôi muốn có một góc tâm linh của
chính riêng tôi. Tôi yêu, và tôi trao trọn vẹn nhưng tôi còn sống nghĩa là chưa
mất hết. Ðáng nhẽ ra Hoàng phải vun xới cho góc vốn đã nhỏ bé đó. Tôi bảo
Hoàng:

“Em
muốn đi học ngoại ngữ.”

Hoàng
cười.

“Buổi
chiều hay buổi tối?”

“Buổi
chiều. Cả buổi chiều em rỗi một mình vì lúc ấy anh đang bận uống rượu.”

“Em
nói quá cho anh, nhỡ trưởng phòng anh nghe thấy. Nhà nước, người ta cấm cán bộ
uống rượu trong giờ.”

“Em
chán quá anh Hoàng ạ.”

Khi
tôi mệt mỏi, thường thường tôi gọi cả tên anh. Hoàng biết, anh âu yếm hôn tôi.
Phía thăm thẳm nào đấy vẫn vảng vất mùi cồn. Anh Hoàng ơi, anh nghiện ngập thật
rồi.

Hải
Phòng bụi và ồn ào. Ðường phố ngắn ngủn lác đác cây xanh. Ngân hàng thành phố
nhìn ngoài không đến nỗi nào, vào trong, thấy bàn ghế xuống cấp phát rầu ruột.
Loanh quanh, phía đường ra Ðồ Sơn vài chỗ giải trí. Nếu những chiều không phải
đến chỗ thực tập thì thật buồn. Hôm đầu tôi còn lang thang một mình, sau không
dám. Con trai dưới này trêu rất sỗ. Tôi ở nhà Huệ, nó là bạn cùng lớp. Bố Huệ
làm xây dựng, hình như là cai thầu. Nhà Huệ thênh thang rộng ba tầng sáu buồng.
Ðồ đạc trong nhà đắt tiền nhưng kê lộn xộn. Quần áo thay ra mọi người đều vắt
lên dàn cát sét Sony ba cục đời mới. Một bộ xa lông Pháp bố Huệ mua từ tàu viễn
dương bị lũ chó Nhật đang lớn gặm nham nhở. Nhà Huệ ăn cơm cũng không giống nhà
tôi. Ai ngồi trước ăn trước không đợi nhau. Bà người ở dọn mâm thức ăn ngon
lành khoảng sáu bảy món nhưng ai nấy đều ăn vào bát to gắp đầy thứ mình thích.
Bố Huệ ngồi trên sa lông khoanh chân vòng tròn vừa ăn vừa xem tivi. Mẹ Huệ vừa
ăn vừa đếm tiền. Anh giai Huệ vừa ăn vừa đọc báo Công an Hải Phòng. Hôm chuẩn
bị xuống đây đi thực tập, Huệ đã rủ tôi: “Về nhà tao ở vừa thoải mái, vừa ít
người.” Huệ là bạn gái nội trú duy nhất của tôi. Nó tốt tính đến thô bạo.
Thường thường ăn ngủ ở nhà tôi cả tuần. Bố mẹ tôi lúc đầu không quen sau quý
lắm. Huệ ào ào, chưa bao giờ tôi thấy nó để bụng chuyện gì. Hai đứa từ bến xe
về đến cổng nhà, Huệ không bấm chuông hét oang oang. Bầy chó năm con ùa ra sủa
thi, tôi phát khiếp. Hôm đầu tôi giữ ý ăn chậm đợi mọi người ăn xong để rửa
bát. Mẹ Huệ trông thấy sa sả mắng bà người làm. Nhà Huệ ồn ào vui, mọi người quý
nhau và thường đùa rất tục. Có lẽ Huệ được cưng chiều nhất. Cả họ nội lẫn họ
ngoại duy chỉ có một mình Huệ học đại học. “Hôm tao thi chẳng biết quái gì cả,
may ngồi cạnh thằng ở lớp chuyên Toán thành phố. Tao bảo mày không cho tao chép
tao xé tan bài này. Con nhà giời sợ vãi cả cứt.” Huệ đỗ đại học được mẹ cho cái
dây chuyền hai lạng. Bố và anh tổ chức ăn khao ở nhà hàng Phong Lan. Băng pháo
đốt dài mười bốn mét. Cả Hải Phòng nhầm là Huệ cưới. Những ông khách sơ sơ làm
ăn phải lụy bố mẹ Huệ không biết đằng nào mà lần, thôi thì cẩn thận làm cái
phong bì to tướng. Huệ lên Hà Nội học, ngồi cùng bàn với tôi. Tôi quý nó vì
tính nó đốp chát và không lê la chuyện vặt. Huệ uống rượu thì đến Hoàng cũng
phải sợ. Khi say nó quậy khủng khiếp, Hoàng khoái ra mặt. Huệ khen Hoàng đẹp
giai, khen tôi số đỏ. “Mày sướng thật.” Tôi cười buồn. Tính nó ruột để ngoài
da, không cả nghĩ và âm thầm dằn vặt như tôi. Anh giai Huệ tên là Hưng tay chân
lều nghều đeo đầy vàng. Nhà có em gái và bạn em gái nhưng lúc nào cũng xõa xượi
một cái quần đùi trễ cạp. Hai đứa chúng tôi ở tầng ba, ít người lên, thế mà
nhiều lúc thót người vì sợ. Không bao giờ vào phòng người khác mà anh ta gõ
cửa. Ðùa em gái thì toàn phát vào mông, quen tay phát luôn cả tôi. Lúc đầu, cái
sinh hoạt ồn ào ấy làm tôi hoang mang, về sau tôi coi như là hồn nhiên. Bố Huệ
văng tục luôn mồm, bạ câu nào cũng đệm. Ở một người nhiều tuổi lại nhiều tiền
chửi thề nhiều quá không thấy tục mà thấy ngộ nghĩnh. Mẹ Huệ ưa học điều sang,
tính có đôi phần chao chát nhưng yêu chồng chiều con. Tôi tới ở được ba ngày
thì nhà Huệ làm cơm mời khách. Tíu tít là bận, ầm ầm như chạy loạn. Một ông bếp
già nấu cao lâu từ thời Pháp được mời đến. Bát đĩa nồi xoong sắm mới toàn bộ vì
thường thường nhà Huệ quen ăn cơm tiệm. Tôi với Huệ trang trí lại phòng khách.
Thiếu cái gì đấy chạy vào bảo anh Hưng đưa tiền. Tôi mua nhiều hoa cắm thành
hai lọ. Mọi người nắc nỏm khen con gái Hà Nội. Căn phòng sang trọng hẳn lên.
Khách đến đúng giờ đi Toyota Crona. Bố Huệ mặc sơ mi trắng, cà vạt kẹp ghim
vàng, tay đeo một nhẫn kim cương to đến nỗi mấy ông khách vừa nhìn thấy mặt
liên tục co giật. Mẹ Huệ măc áo dài sa tanh hoa chìm đi hài nhung chưa quen
loạng choạng đá vỡ một chồng đĩa Tàu, rồi khi khách vừa vào cụ lại vấp đổ cả
nồi xúp gà. Bốn ông khách với cả nhà Huệ và tôi là chín người nhưng bữa tiệc
được soạn cho ba mươi người. Ông bếp già kêu trời là hoang. Bố Huệ đáp gọn lỏn:
“Thừa còn hơn thiếu.” Mẹ Huệ cho nổ chín chai champagne, định suất sẵn mỗi
người một chai. “Các bác cứ tự nhiên, sáng nay em vừa bảo cháu mua chẵn hai
chục chai.” Khách ăn cảnh vẻ quơ đũa lấy lệ nhấm nháp khen ngon. Hóa ra toàn
quan chức nhất nhì của thành phố. Ðến cốc Martiny thứ ba thì bố Huệ lỡ văng
tục. Mẹ Huệ lườm ông chồng thô lỗ, nhã nhặn tiếp cho ông khách mặc comlê màu
sáng ngồi đối diện một đũa đầy gà xé phay. Ông này còn một bát đầy lẫn lộn cả
món khô lẫn món nước thở ì ạch vì quá no, lí nhí cảm ơn. Anh Hưng khác ngày
thường, uống rượu từng hớp một và nhai đỡ chóp chép. Rồi mọi người quay sang
bàn công việc. Tôi với Huệ xin phép đứng lên ra quán bên cạnh hát karaoké. Hải
Phòng có dàn karaoké trước Hà Nội là nhờ thủy thủ tàu viễn dương. Tuy vậy, lúc
này đi hát karaoké vẫn là hành vi tối tân, đại đa số dân chúng vẫn chưa quen.
Cách nhà Huệ chừng hai trăm mét là quán karaoke đầu tiên và có lẽ là duy nhất
của cả khu này. Có lần mẹ Huệ sang thanh toán tiền rượu hộ anh Hưng vì anh vội
phải đi Quảng Ninh mua sắt, mẹ Huệ bảo: “Thằng Hưng nó gọi điện thoại về là hôm
ấy ca ra ô kê đang dùng dở, cháu cứ tính hết cho cô, ca ra ô kê còn bao nhiêu
cứ gói lại cô cầm về đưa nó sau.” Huệ thích hát băng Chế Linh còn tôi thích
nhạc trẻ hải ngoại. Tay chủ quán hơn ba mươi để tóc dài râu ria trông khá nghệ
sĩ. Huệ nói là hôm đầu trông thấy tôi đã mê lắm. “Phòng ca nhạc chúng tôi xin
hân hạnh kính mời hai em.” Một phong độ văn nghệ đậm chất tỉnh lẻ. Quán vắng
khách, ở phía sâu trong góc có cặp tình nhân đã ngoài bốn mươi. Gã nghệ sĩ karaoké
lăng xăng bày hai ly nước cam rồi tua băng chọn nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi bỏ dở
bản Hạ Trắng vì nhớ Hoàng. Tối hôm chủ nhật mới đây tôi và Huệ đi nhảy đầm. Sàn
nhảy đẹp lịch sự trong một khuôn viên rộng thênh thang nhiều hoa và có hồ. Ban
nhạc khoảng sáu, bảy người đứng trên sàn gỗ nổi sát mí bờ. Huệ hau háu nghe một
anh chàng gầy gò chơi ghita hát điêu luyện tiếng Anh. Tôi biết đấy là ai. Mùa
hè năm ngoái Bích bế một thằng cu con rất dễ thương lên ở với Hoàng. Tôi tò mò
hỏi Hoàng, có vẻ anh muốn giấu tôi. Tôi không thể hiểu nổi có những người mẹ
lại cư xử như vậy. Bạc bẽo quay quắt với chồng con để đi tìm sự sung sướng cho
riêng mình. Bích thật thà và đương nhiên là bạn Hoàng thì uống rượu khủng
khiếp. Thằng bé con của Bích hợp tôi quấn quýt cô cháu suốt ngày. Chiều nào
cũng như chiều nào, tôi với út Phượng tọng cho nó đầy một bụng chè lẫn bánh
rán. Khả năng ăn của nó vô bờ, đôi mắt trong veo nhìn thứ gì cũng ngon lành.
Trước hôm về Hải Phòng một ngày, Hoàng và tôi rủ bố con Bích đi ăn tiệm, vẫn
cái quán bíttết quen ở cuối phố Hàng Buồm. Ðang ăn dở thì không thấy thằng bé
đâu. Tìm mãi mới thấy nó chui xuống gầm bàn xếp xương thừa vào thành dãy như
tàu hỏa rồi lấy lưỡi đẩy. Ðại loại là nó nghịch rất bẩn, và giống như bố Bích,
khái niệm tắm hoàn toàn xa lạ. Bích chơi ghita tuyệt vời trong khi uống rượu
tối ngày. Sao lại có cái mâu thuẫn lạ lùng đến vậy. Hoàng bảo: “Ðấy là Chúa cho
riêng nó.” Huệ gọi hai ly rượu để chọc tức ba thằng con trai bàn lên cạnh. Tôi
vẫn chưa thấy vui. Hoàng hay gạ tôi chuyện rượu bia nhưng tôi ghét. Bia rượu
làm biến đổi tính cách theo chiều hướng xấu. Người ta chỉ nên uống rượu khi có
một việc gì đấy. Thêm tí cồn, lũ con trai ở lớp tôi trở nên loạn xạ. Có anh
chàng nhát như thỏ làm hết chai sáu nhăm ba giờ đêm chạy sang phòng nữ lật chăn
cô bạn gái đang yêu thầm tỏ tình. Bao cái hay cái tốt mất tất cả. Bố tôi ghét
nhưng chuyện rượu chè. Ông nói suốt đời ông chưa bao giờ thấy những kẻ nghiện
ngập lại thành người. Tôi nhấp ly Giôn sanh sánh một màu vàng đậm. Hay mình thử
say. Mình sẽ loạng choạng để Hoàng phải dìu. Mình sẽ nôn dài như những tửu đồ
chân chính. Trời ơi. Huệ uống ngụm lớn, trơ trắng đáy ly. Bạn tôi đứng lên hét
rất to đòi Bích hát lại. Tôi cúi mặt. Tôi không muốn gặp. Trước hôm tôi xuống
đây Hoàng có nói là đưa tôi qua nhà Bích. Anh ngây thơ đến thế ư. Chắc chắn
Hoàng chẳng quan tâm gì đến tôi. Anh cũng phải biết là lần đầu tiên tôi đi xa
chứ. Bích hay chửi bới Hoàng về chuyện hai đứa chúng tôi. Rằng là Hoàng không
biết cách nâng niu, rằng là Hoàng càng yêu lại càng ngu. Bích và Hoàng thân
nhau, và cái kiểu chửi sỗ trước mặt tôi chỉ là cách nịnh khéo. Tôi cám ơn. Tôi
biết. Hoàng yêu tôi lắm. Nhưng tôi muốn tôi phải thật là tôi. Hoàng và bạn của
Hoàng không thể bao bọc cho tôi mãi được. Và có một điều cho đến tuổi này tôi
cố né mà không thoái. Chuyện tiền nong. Tôi coi thường tất cả những kẻ có của
nhưng sự hợm hĩnh của chúng nhiều khi xúc phạm tôi. Chẳng nói đâu xa, ngay bạn
tôi đây. Tôi biết. Huệ vô tư nhưng trong sinh hoạt thường nhật tôi luôn phải giữ
ý. Huệ có hàng tá đồ lót Thái vứt lung tung mỗi thứ một nơi. Giày dép Huệ hàng
chục đôi và hơi chán là đổi kiểu. Hồi Hoàng đi Nam có mua tặng tôi một đôi săng
đan Pháp. Món quà tạm gọi là vật chất suốt những năm yêu nhau của Hoàng. Hoàng
lơ là chuyện kinh tế, ăn tiêu hầu như không để ý. Nhưng tôi khác. Hoàng có biết
khi đi thực tập dưới này tôi đã phải âm thầm đi vá đôi săn đan đã sờn chỉ mũi
hai lần.

“Em
buồn gì vậy hả cưng?”

“Em
nghĩ về tương lai hai đứa mình.”

“Có
mấy trai và mấy gái?”

“Khi
đón dâu anh định cho em đi bằng xe gì.”

“Cưng
thích loại nào. Mercede hay Roll Roy?”

“Anh
sẽ không đủ tiền đâu.”

“Từ
mai, anh sẽ đều đặn chơi xổ số.”

Tôi
cũng nhiều lần một mình mua xổ số. Chưa bao giờ trúng, kể cả giải bé nhất. Tôi
biết Hoàng hay đùa và tôi cũng biết để sở hữu một mặt bằng kinh tế thật riêng,
Hoàng vĩnh viễn không bao giờ có. Nhà Huệ tiêu tiền thô bạo, kiếm ầm ầm như
nước và tiêu ở mức độ ngang bằng. Mọi người không để ý vặt nhưng trên cái nền
hoang phí ấy thi thoảng bật ra những túng thiếu của tôi. Không có điều gì tôi
trách Hoàng cả đặc biệt là chuyện tiền nong. Nhưng cứ kéo dài như vậy mãi ư hả
anh, anh của em. Gã trai ở bàn bên cạnh mạnh dạn đi sang mời tôi nhảy. “Chơi
một bài đi, lúc nào bà cũng khó đăm đăm.” Huệ vừa nhảy đúp hai bài liền hổn hển
bảo. Tôi không thích nhảy, nói thẳng ra là không biết nhảy. Duy nhất một lần
Hoàng có rủ tôi ra vũ trường. Sàn nhảy ấy là bạn của Hoàng đấu thầu. Hôm ấy là
ngày khai trương. Lần đầu tiên tôi đến một nơi sang trọng. Hơi run. “Bạn của
anh đâu?” Hoàng nắm chặt tay tôi đưa đến một cái bàn kê gần góc bầy sẵn rượu.
“Anh ơi mọi người đã ngồi đâu.” “Kệ họ. Những người lịch sự thường đứng vì họ
sợ nhàu quần áo.” Tôi ngồi cứng người hơi hơi nhìn xung quanh. Các sắc màu dáng
kiểu veston, soiré tuyệt vời đẹp. Tôi cũng mặc đầm, khi đi ngang qua phố Hai Bà
Trưng mua thêm mấy bông hồng. “Cưng cứ để hoa lên bàn, anh gọi tay chính chủ
đến nhận.” Hoàng khoan khoái uống ly rượu rồi giơ tay vẫy vẫy. Từ đám đông nhộn
nhạo, một người đàn ông mạc smoking với nụ cười thường trực tiến lại.

“Ðây
là Mister Dũng.”

“Em
chào anh.”

“Ðây
là cô Anna Thủy, Việt kiều Pháp.”

Hoàng
phô quá, ở không khí như thế này mà cũng dám đùa.

“Sao
mày kêu khai trương nhảy đầm?”

“Thì
phải ăn đã chứ. Ðây là phòng restaurant, kia là phòng karaoke rồi mới đến
dancing.”

Dũng
khoảng tầm tuổi như Hoàng, mặt tròn dễ mến mắt một mí.

“Khách
đông nhỉ, chắc không phải mua vé.”

“Tao
cũng không ngờ. Cái lão hói kia là sếp nhì thành phố.”

“Khi
chào mày gập lưng vừa vừa thôi, kẻo đau cột sống thì khốn nạn.”

Dũng
hể hả cười.

“Cô
Anna xem, tính anh bạn tôi rất vui.”

Tôi
ngấm ngầm cấu mạnh vào sườn Hoàng, anh nhăn nhở xuýt xoa. Khoảng mười giờ mười
lăm bữa tiệc tàn, mọi người đi sang phòng nhảy. Căn phòng rộng mờ mờ tối liên
tục nhấp nháy những ánh sáng màu. Hoàng ngà ngà chọn một bàn sát mép sàn khiêu
vũ. Tôi thích ngồi dịch phía sâu hơn. Mister Dũng đi đâu suốt nãy bây giờ quay
lại với một nàng ăn mặc thật bốc lửa. Cái rope vàng chóe hơi lửng bó chẽn căng.
Mái tóc xù dựng cài ngang chiếc nơ to kệch cỡm. Nàng ta chóp chép kẹo cao su lừ
lừ nhìn tôi. Từ tối, tôi để ý rất nhiều người biết Hoàng nhưng anh ra vẻ chẳng
quen ai. Mọi người hoặc liếc trộm hoặc chằm chằm nhìn tôi. Hoàng duy nhất chỉ
chào một người. Người đàn ông tầm khoảng bốn mươi. Cặp kính trắng trên khuôn
mặt học vấn. Anh ta đứng lẻ loi phong độ kiêu ngạo giữa đám đông.

“Hoàng
đến lâu chưa?”

“Dạ,
em vừa tới.”

“Kiếm
một cái bàn nào ngồi nhớ.”

“Em
xin phép. Vâng, nếu thầy muốn thì tí em qua.”

Hoàng
không giới thiệu và người đàn ông kia cũng không hỏi. Tôi khẽ cấu tay Hoàng.
Người đàn ông rút gói “555” mời, Hoàng xin phép lần nữa và chúng tôi ra ngoài
hành lang.

“Ai
vậy cưng?”

“Thầy
giáo cũ của anh và Dũng.”

“Ông
ấy trông trí thức nhỉ.”

“Ừ.”

Bữa
tiệc đứng uyển chuyển với sự sành sỏi của chủ nhà nên không khí lịch sự và vui.
Khách mời ăn vận chải chuốt, nói năng nhỏ nhẹ. Dũng loanh quanh bàn này sang
bàn kia đưa đẩy giới thiệu. Có một nhạc sĩ rất nổi tiếng luôn mồm ngậm ống píp.
Có kha khá người nước ngoài. Dũng quen đông thật. Mãi sau này Hoàng mới kể cho
tôi đôi điều về Dũng. Gia đình Dũng là một trong vài gia đình Hà Nội gốc rất giàu.
Năm Dũng thi đại học, ba môn đạt hai bảy điểm rưỡi. Chỉ tiêu tuyển đi học nước
ngoài là hai mốt điểm. Thế mà chật vật mãi Dũng mới vào nổi trường Tổng hợp.
Những năm ấy chuyện lý lịch vẫn nặng nề. Ông bác ruột của Dũng giữ chức vị rất
cao trong chính quyền ngụy ở thập niên sáu mươi. Vào cái thời Tổng thống Thiệu
đang thất cơ lỡ vận mờ mịt ít người biết tên, bác của Dũng suýt được mời làm
Thủ tướng. Dũng vào đại học ngồi cùng bàn với Hoàng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3