Cơ hội của Chúa - Chương 07 - Phần 4

Bốn
năm rưỡi ở châu Âu đã để lại trong tôi cái gì. Tôi rất hiếm thời gian để ngồi
tỉ mỉ ngắm nghía lại mình. Nhưng khi công việc thất bại mà tôi thất bại hơi
nhiều, tôi bỏ ra ngồi một góc vờ cầm tờ báo mông lung ngoái nhìn những bước đã
qua. Ðông Âu là môi trường tốt để kiếm tiền nhưng không phải chỗ để làm giàu.
Tôi hiểu giàu theo nghĩa sang, tôi hiểu giàu theo nghĩa tự trọng. Chúa sinh ra
tôi là thằng da vàng mũi tẹt, tôi lớn lên ở vùng địa lý có đường viền duyên hải
cong cong. Sự an bài của Chúa có bất công không. Anh Hoàng nói mọi sự đều là ý
Chúa và đã là ý Chúa thì tuyệt đối công minh. Tôi cũng tin như vậy. Lẽ nào đối
diện với một công dân Mỹ, một công dân Nga tôi phải quỵ lụy hèn kém. Chẳng qua
Chúa đã an bài họ ở một chỗ khác tôi. Còn ở bất cứ cộng đồng nào cũng có người
cao, người thấp, người giàu, kẻ nghèo. Không thể có sự bình đẳng theo kiểu an
ủi đếm mớ được. Người thông minh phải được hưởng nhiều hơn người không thông
mình. Anh Hoàng tôi hay nhắc đến sự chịu đựng, sự chấp nhận. Tôi không chịu
đựng được sự bất công, lẽ nào tôi chịu nghèo hèn khi tôi mạnh và nhanh không
kém gì những kẻ khác đang giàu có. Và càng bất công hơn tôi phải chịu cảnh cào
bằng với những kẻ ngu hơn tôi trong tư duy, lười hơn tôi trong lao động. Tôi
phải giàu. Ðể có tiền tôi có thể làm đủ thứ, thế nhưng, một thứ duy nhất tôi
không được phép làm đó là chịu nhục. Ăn đậu ở nhờ để da tươi thịt thắm là
chuyện nhục nhã. Tôi thấy lố bịch khi những kẻ tha hương vì miếng ăn hóng hớt
được tí váng bọt dư thừa của nước người khi về tới nhà xưng xưng một kiểu chơi
cha. Mười thằng đàn ông cả mười về nước đều ưỡn ngực hãnh diện là đã ngủ với
gái Tây. Ðàn bà thì bẽn lẽn hơn, nhưng cũng ngấm ngầm khoe với lũ ngợm nội địa
chưa được nền văn minh xuất khẩu về cái mùi là lạ của thằng ngoại quốc. Lê
Thắng kêu đấy là tha hóa. Thôi mà kệ. Nếu tôi muốn quan tâm đến nhân cách của
tôi, đến cái cộng đồng nơi có bố mẹ tôi, anh em tôi, bạn bè tôi thì đương nhiên
tôi phải có thật nhiều tiền, nhiều đến mức bất kể Tây hay Tàu mang quốc tịch gì
cũng phải kính trọng.

Sân
bay Nội Bài, mảnh đất đầu tiên nơi quê nhà tôi sẽ được đặt chân. Có cái gì đấy
rưng rưng quanh quẩn chạy quanh lồng ngực. Tôi cố nén bồn chồn mà mắt vẫn không
rời ô cửa sổ. So với hồi tôi đi, sân bay quốc tế duy nhất của miền Bắc hầu như
không thay đổi. Những con bò đủng đỉnh gặm cỏ ở rệ đường băng. Những thủ tục
Hải quan rườm rà soi mói mang đầy tính máy móc. Liệu năm năm nữa những cái phi
lý ấy có bị đập chết. Còn đây mới đang là mùa hanh năm một ngàn chín trăm tám
mươi chín. Bảy ngàn đô la tôi để sâu trong gói kẹo đang cầm ở tay phải, cô nàng
hải quan có cái mũi dài thỉnh thoảng liếc trộm tôi. Tôi chăm chú nhìn nàng và
nhìn thật lâu vào ngực nàng. Chắc chắn với nhan sắc ấy thì chưa bao giờ nàng
nhận được kiểu nhìn ấy. Chỉ cần nàng bối rối. Tôi đã thành công. Bộ ngực lép
của nàng phập phồng. Hơn cả bối rối nàng từ từ đỏ mặt. Tôi mời nàng cái kẹo.
Phía hàng kẹo sâu trong hộp là những tờ một trăm đô la. Nhà nước đang nghiêm
cấm những vụ chuyển ngoại tệ bất hợp pháp, bất kể là đi vào hay đi ra. Bố của
bạn tôi, Trần Bình, làm giàu bằng cách chuyển ngân hộ ăn phần trăm. Hộ chiếu đỏ
che chở những đồng tiền xanh. Quan chức mà giàu kể cũng phải. Báo chí thì vạch
vòi chửi bới. Dư luận xã hội thì bì tị rủa xả, ở mức độ nào đó là bất công. Mọi
người phải hiểu và nên thông cảm với những nhọc nhằn, cực khổ của con đường làm
quan. Hoạn lộ có những tiêu chuẩn của nó. Tài đức có thể không cần lắm nhưng
nếm mật nằm gai, kiên trì chịu nhục là điều kiện tiên quyết. Đây là thiên bẩm
không phải ai cũng có.

Hoàng
đi đón tôi có một mình, điều đó làm tôi dễ chịu. Những vẽ vời đưa đón, một thứ
lễ nghi không phải dành cho người sống. Hoàng trông hơi xanh và gầy áo vét tông
kiểu cổ nhưng sạch và phẳng phiu. Tôi và anh trai sở thích nhiều khác biệt.
Nhưng từ cấp I đến cấp III, đối với riêng tôi, Hoàng luôn luôn là thần tượng.
Ðến tận giờ người tuyệt vời là thông minh và nhân hậu duy nhất tôi được gặp vẫn
là Hoàng. Tất cả mọi người đều kêu ca Hoàng là đồ vô tích sự. Tôi hiểu điều đó,
phải đến thế kỷ hai mốt thì những mẫu người như Hoàng sẽ được nhân loại cần còn
ở cái thời buổi nhố nhố nhăng nhăng này, ông không ra ông, thằng không ra thằng
thì một người như anh giai tôi phải lận đận là chuyện dĩ nhiên. Tôi đưa Hoàng
chai Whisky dẹt, Hoàng uống và rất lâu tôi mới có cảm giác ấm áp. Dọc đường hai
anh em đi về gặp một chuyện phiền nho nhỏ. Toán cảnh sát giao thông nhìn cái vét
tông kẻ ca rô sáng và nước da bờn bợt cớm nắng của tôi bắt đền bao thuốc. Về
đến nhà người đầu tiên tôi gặp là mẹ.

Nhân
loại đã thật nhiều người ca tụng mẹ, tôi không ở ngoài thông lệ. Tôi còn được
như tôi là nhờ ở mẹ. Tôi không đa cảm như Hoàng, không dễ khóc như bé Phượng,
tôi ích kỷ nghĩ trong ba đứa con mẹ quý tôi nhất. Những năm xa nhà, mẹ quanh
quẩn trong giấc mơ tôi. Hồi tôi thi chuyển cấp I, mẹ đã dẫn tôi đến trường, tôi
làm bài hết một phần ba giờ. Tan sớm mẹ ngồi ngong ngóng ở góc sân với cái nón
cũ. Buổi sáng khi tôi đi thi, lúc ấy tô phở mậu dịch bán năm hào, tôi ăn hết
suất đúp. Mẹ tôi xếp hàng chật vật chen ra đưa tôi hai tích kê bằng sắt dập nổi
bốn chữ MDQD. Tôi ăn và biết có ép như thế nào mẹ tôi cũng không. Nắng ngai
ngái cuối hè và bóng mẹ tôi lao đao gầy gò in vệt xuống sân đất. Gốc cây bàng
cách cổng trường một khoảng có hàng bún rau, mẹ tôi thi thoảng lại nhìn, mẹ tôi
nghiện ăn cua. Quanh năm suốt tháng lúc nào cũng thèm riêu hoặc canh. Tôi không
chịu được mùi cua đồng. Mẹ tôi bảo vì tôi tuổi hùm nên thích ăn thịt. Năm 1972,
mấy anh em tôi đi sơ tán về Ba la Bông đỏ, mạn đường đi chùa Hương. Mỹ đánh bom
Hà Nội ác liệt nhưng dân phố tôi chưa ai chịu đi. Mẹ tôi tin vào cái nhà thờ
nho nhỏ sẽ che chở cho dân trong phố. Bọn Mỹ có là quỷ sứ thì cũng phải biết
kính sợ Chúa. Bọn mất dạy ấy không sợ thật. Chín giờ tối sau lễ ngày chủ nhật
dân phố kinh hoàng, không phải rốc két hay tên lửa bắn lạc mà cả một dàn bom.
Ông cha xứ mặc sơ mi chân trái đá chân phải từ nhà nguyện chạy ra trú nhờ hầm
nhà ông trùm Ðạt. Một quả bom đánh sập mái chuông của nhà thờ. Ba mươi phút sau
còi báo yên, dân phố lũ lượt tản cư về quê khỏi phải có lệnh ép từ tiểu khu. Ba
anh em chúng tôi co ro trong hầm tăng xê tròn trong vòng tay mẹ. Bố tôi trực tự
vệ cơ quan, tiếng bom gần đến tức ngực. Mẹ tôi lắp bắp đọc kinh và mỗi lần Amen
lại cẩn nguyện: “Lạy Chúa, xin Chúa ban bằng an cho các con của con.” “Lạy Ðức
Mẹ nhân từ, xin Mẹ che chở cho các con của con.” Mỗi đợt bom mẹ tôi phủ tấm
thân gầy guộc lên ba anh em tôi. Tôi bình thản trú ẩn trong lòng mẹ bao la. Ở
nơi sơ tán, tuần hai lần bố mẹ tôi lại vào thăm, từng chiều thứ bảy tôi bỏ chơi
đáo chạy một mình ra đầu làng đón mẹ. Hồi ấy mì sợi và lương khô tàu là khao khát
của tất cả bọn trẻ. Ðột nhiên thần thoại là trong cái bao tải lỉnh kỉnh mẹ đèo
bằng xe đạp lăn ra hộp thịt ba lạng. Tôi đã ăn patê Pháp, thịt muối Ðức, trứng
cá Nga nhưng không sao nguôi nỗi nhưng nhức nhớ hộp thịt Việt Nam quá đát thời
sơ tán. Mỡ đã hơi chua mờ mờ viền thớ thịt óng ánh màu hồng nhạt. Phi hành lên
sốt đậm với ít nước mắm quệt từng đũa ăn với cơm mới đầu mùa. Tôi chờ mẹ tôi
đến lúc mặt trời tắt từng vệt nắng cuối cùng trên cánh đồng nham nhở gốc rạ,
thất thểu tôi đi về. Hoàng đang dạy hai đứa con nhà ông chủ làm bài tập toán.
Ba anh em sẽ ăn cơm chiều và để ế cả nửa rổ cà chua chờ nấu mỳ sợi. Bỗng từ đầu
ao có nhiều tiếng người, hai anh xe thồ khênh mẹ vào nhà với chân trái đầy máu.
Bố tôi dựng cái xe Thống Nhất rúm ró bùn, mặt tái xanh lập cập. Qua Hà Ðông một
đoạn, mẹ tôi đánh rơi hộp thịt mua lậu của con phe chợ Hàng Da. Mẹ tôi bắt bố
tôi quay lại để hai người tìm. Hộp thịt trước ba anh em tôi được ăn đã cách bốn
mươi hai ngày. Mười hai giờ rưỡi trưa, đoạn Hà Ðông - Cao Xà Lá là điểm nóng
của những trận bom, tất cả mọi người vội vã vượt nhanh khỏi cái nút của tử
thần. Mẹ tôi luẩn quẩn hai mươi phút tìm bằng được hộp thịt. Còi báo động và
một mảnh bom bi. Ðến bây giờ mỗi lúc chuyển mùa chân trái mẹ tôi vẫn nhức.
“Mẹ”, tôi chỉ buột miệng được thế. Năm năm xa cách mẹ gầy đi nhiều. Bé Phượng
ôm cánh tay tôi òa khóc, bố tôi chào tôi bằng tiếng Pháp, khi xúc động ông cụ
hay bị lẫn lộn. Rồi mẹ tôi dọn cơm, một đĩa lớn giá xào với tim bầu dục, món
tôi thèm và ưa nhất.

Sau
khi xây lại nhà, tôi mở hàng cà phê bán tạm, tôi muốn mẹ yên tâm và bé Phượng
không lêu lổng. Kiếm tiền bằng việc nhẹ lặt vặt không phải là nghề của tôi. Hơn
hết, phải từ từ để nghe ngóng thị trường. Hà Nội giàu nhanh. Số vốn ước tính là
hợp lý hóa ra còm cõi so với mặt bằng làm ăn. Ðơn vị chỉ trở nên nhỏ, người ta
đã dùng đến cây. Hôm tôi rủ Hoàng đi uống bia vui bàn chuyện nhà, tàn bữa gặp
Trần Bình. Và hôm đi với Bình bàn chuyện làm ăn thì tôi gặp Huyền. Con người ta
nhớ được ra mình là nhớ những cái để nơi người khác. Huyền giữ của tôi nhiều và
nhiều nhất là những chùm hôn. Lúc nào tôi cũng thèm điên dại cặp môi của em.
Trước và sau Huyền không bao giờ tôi hôn ai được như vậy. Nồng đậm một mùi hừng
hực. Tôi biết Huyền trong buổi dạ hội sinh viên năm cuối. Năm ấy Huyền mười sáu
tuổi, đã bỏ học từ năm lớp bảy. Dạ hội sinh viên thật vui, có rượu, có gào
thét, có nhảy đầm và chỉ cần có ít tiền. Huyền mặc váy đỏ cổ khoét sâu, chất
vải rẻ tiền. Cả hội trường duy nhất có hai người mặc váy. Ngoài Huyền và cô
giáo ba mươi mốt tuổi dạy ngoại ngữ vừa đi Liên Xô về và cũng vừa bỏ chồng. Mặc
đồ đầm vào năm tám tư là đặc quyền của mấy bà Tây mông sệ hoặc là hành vi tối
tân của mấy ca sĩ mông thon ở đoàn ca múa nhạc Hà nội. Huyền không xinh lắm
nhưng đường nét bó trong chếc váy đỏ làm tôi chóng mặt. Tôi rẽ đám bạn cùng lớp
lại gần mời Huyền nhảy. Cô bé được mấy đứa nội trú rủ rê đang hoang mang đứng
giữa lốc nhốc sinh viên luôn mồm xài sang từng mớ thuật ngữ. Huyền nửa thích
thú nửa sợ sệt rồi cũng ra sàn. Một thằng học khoa Ngân hàng người Vĩnh Phú tức
tối đi “xì lô” giẫm vào gót chân tôi. Hai hôm sau nó đã ân hận lắm nhưng hơi
muộn. Tôi đập thằng to xác ở cách cổng trường ba trăm mét. Nó mất mười lăm
nghìn đến nhà trồng răng Minh Sinh ở phố Phùng Hưng làm lại răng cửa. Nhưng từ
đó nó đâm hào hoa cưa đổ hết mấy con bé khóa dưới. Cái mặt phinh phính của nó
rất hợp với răng giả, khi cười trông giống hệt siêu minh tinh Thế Anh trong
phim “Ðường về quê mẹ”. Dạ hội vào lúc náo nhiệt nhất thì tôi rủ Huyền về. Cô
bé tò mò nhìn tôi nhưng vẫn nghe theo. Tôi lượn qua thằng lớp trưởng khều nhẹ
hỏi vay một chục, thằng này nhân lúc tôi đang vội dúi cho toàn tiền lẻ trong đó
có hai tờ một đồng mất góc. Huyền ngập ngừng theo tôi vào quán cà phê vườn. Tôi
ang áng lại túi gọi hai cốc nước cam và nửa gói ba số. Huyền ngồi sát tôi, quán
mờ mờ đèn. Tôi kể vài chuyện vui sinh viên, đến đoạn buồn cười nhất thì tôi hôn
Huyền. Cô bé ngớ ngẩn hơn tôi tưởng. Ðôi môi vụng dại run rẩy.

“Em
đã làm thế này với ai chưa?”

“Chưa.”

Mười
giờ đúng tôi đưa Huyền về. Bố mẹ Huyền đều là công nhân nhà máy dệt mùng Tám
tháng ba. Cô bé bảo tôi đỗ ở đầu phố, trước khi chạy về đột ngột hôn lên má
tôi. Cả đêm tôi cồn cào nhớ đôi môi nóng rực của Huyền. Bảy giờ rưỡi tối hôm
sau, theo hẹn tôi đứng chờ ở gốc cây sấu già xế phố nhà nàng, Huyền đi ra trong
bộ đồ ở nhà lấm tấm hoa màu tím nhạt. “Em chỉ đi được một lát thôi, bố mẹ em
làm chiều.” Tôi đạp xe loanh quanh chẳng nghĩ được gì. Huyền quành tay ôm ngang
lưng tôi. Ngay những phút mới quen đầu em đã tin vào tôi thật nhiều. Gia đình
Huyền vất vả, sự thương yêu trong nhà thường có hạn. Chúng tôi vào ghế đá vườn
hoa Con Cóc, tôi ôm em ngấu nghiến hôn. Huyền không chống cự như hôm qua nhưng
khi tôi ẩu quá cô bé nhất định không chịu. Suốt một tháng tối nào chúng tôi
cũng có nhau, tất nhiên cũng chỉ có hôn. Sáng thứ bảy sau tiết Hạch toán tôi
gọi thằng Bảo người Thanh Hóa ra đầu hành lang.

“Mày
vẫn trông nhà cho ông cậu chứ?”

“Tao
vẫn.”

“Tối
nay cho tao mượn từ bảy giờ đến mười giờ.”

Thằng
này kỹ tính nhưng nó rất sợ tôi. Nó ở ngoại trú với ông cậu độc thân. Cậu nó
mới đi Nga làm candidat, nghiễm nhiên nó toàn quyền trở thành gia chủ. Rồi bảy
năm nữa nó trở thành trưởng phòng Vật tư ở một tỉnh có rất nhiều tham nhũng.
Thằng Bảo lưỡng lự. Tôi vừa trợn mắt vừa thò tay móc chùm chìa khóa trong túi
quần nó. Thằng Bảo yếu ớt dặn phải tôn trọng thời gian. Tối nay bố mẹ Huyền đi
làm ca đêm từ tám giờ. Tôi ăn cơm vội vã ra chỗ hẹn sớm gần nửa tiếng. Tám giờ
kém năm, Huyền bôi tí son và mặc bộ váy đỏ hôm dạ hội.

“Em
có yêu anh nhiều không?”

“Em
yêu anh lắm.”

“Yêu
thật nhiều cơ.”

Huyền
cầm tay tôi để sâu vào bộ ngực ấm nóng của nàng.

“Không.”

“Thế
em hôn anh nhớ.”

“Hôn
nhiều chán lắm.”

Huyền
vẫn là con gái còn tôi đã thành đàn ông từ năm lớp mười.

“Em
sợ.”

“Anh
yêu em, có gì mà sợ.”

Tôi
dỗ dành một lúc lâu và nàng run rẩy theo tôi lên gác ba khu tập thể ông cậu
thằng Bảo. Tôi bật đèn. Trong nhà có một máy khâu đầu con hổ, một chiếc tivi
National đen trắng. Thảo nào thằng Bảo lưỡng lự. Tôi tắt đèn, dìu Huyền xuống
chiếc giường đôi đóng nửa quê nửa tỉnh. Huyền trốn sâu vào vòng ngực tôi, cũng
như mọi tối, lấy môi nghịch ria tôi. Nhưng tối nay là tối thứ bảy, một tối khác
thường. Tấm thân tròn lăn của Huyền nóng hừng hực dưới làn da tôi.

“Em
yêu anh. Em yêu anh, anh Tâm ơi.”

Huyền
đã cho tôi tất cả và giống như mọi thiếu nữ trở thành đàn bà, nàng khóc. Mười
giờ đúng thằng Bảo khe khẽ gọi cửa. Huyền bíu chặt lấy tôi cứng người vì sợ.
Tôi cười. Rồi tuần đều đặn chúng tôi mượn nhà thằng Bảo với điều kiện thằng này
lãnh hết học bổng của tôi. Cái gì đến đã phải đến. Chúng tôi còn quá trẻ không
biết giữ cho nhau. Khi Huyền nói tôi không thấy bất ngờ nhưng cũng ngồi lặng
biết mình đã mắc sai lầm. Tôi đưa Huyền lên viện sản quận Ðống Ða sau rạp chiếu
bóng Dân Chủ. Tối hôm trước tôi đã qua nhà bà chị y tá, chị họ một thằng bạn phổ
thông làm ở đấy. Trời mưa tầm tã, Huyền đội nón sùm sụp mặt tái nhợt vào phòng
khám. Cái thai đã được gần ba tháng. Trước đấy nghe người ta mách tôi đã cho em
uống đủ thứ thuốc linh tinh. Tôi ôm vai Huyền ngồi ở ghế băng phòng đợi. “Em
đừng lo quá nhé.” Huyền ngước nhìn tôi, cắn môi lắc đầu. Phía trong người ta
gọi hai lần. Cái tên giả chúng tôi bịa ra bây giờ hoảng hốt quên tịt. Bà y tá
quen cáu kỉnh vẫy mạnh tay.

“Anh
ơi.”

“Anh
đây.”

Mọi
người soi mói nhìn chúng tôi, tôi gừ gừ nhìn trả. Tôi không thấy sợ. Chỉ thấy
lo cho Huyền. Anh Hoàng đi Sài Gòn, nếu anh ở nhà tôi đỡ lo hơn. Người ta ngăn
không cho tôi vào phòng trong. Tôi quanh quẩn hai đầu hành lang nhìn muốn nứt
cái đồng hồ Senkô treo tường. Huyền bé nhất trong đám sồn sồn oang oang nói xấu
chồng quanh tôi. Có một bà xanh rớt tháng trước vừa tới đây, tháng này lại bị
vêu vao mồm chửi chồng thậm tệ. Tôi không ân hận nhưng thà cưa một chân tôi còn
hơn để Huyền bị đau đến vậy. Sáng nay tôi vừa rút trộm của mẹ năm nghìn đồng.
Huyền nằm trên xe đẩy mở mắt nhìn tôi những dòng nước mắt lem nhem quanh mi.
Tôi bóc quả trứng gà nguội ngoắt mua ở dưới quán, Huyền nhếu nháo nhai rồi nhè
ra. Bà nằm cùng giường khoảng bốn mươi người phốp pháp nhìn chúng tôi thương
hại. “Cậu cứ để cô ấy nghỉ đã.” Vâng, tôi sẽ không bao giờ cho phép mình lặp
lại chuyện ngu xuẩn này nữa. Cuối học kỳ năm thứ ba, tôi phải thi lại hai môn.
Giáo viên hai môn tôi đều quen thân. Lẽ ra nên có một vài lời nói trước. Nhưng
tôi lại không, tôi đang chán. Nếu chờ cho đến kỳ thi tốt nghiệp tôi phải đi
vòng một quãng dài, thời gian còn nhiều nhưng tôi nóng ruột. Tôi muốn chạy. Cái
đích tôi đặt ra cho riêng tôi không được phép đi bộ. Tôi quyết định đi xuất
khẩu lao động ở Ðức. Ðến giờ tôi vẫn coi đây là một quyết định sáng suốt. Trước
cửa Cục hợp tác lao động đông nghẹt thanh niên. Nam nhiều như nữ. Họ đến từ
phường, từ cơ quan hành chính, từ xí nghiệp sản xuất và vô số từ những cửa chui
lủi khác. Họ là công nhân tập sự, là bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân sự, là học
sinh vừa tốt nghiệp phổ thông trung học. Tôi chen vào mớ tạp nham ấy. Liên miên
những thủ tục rườm rà đòi bôi trơn bằng những xếp tiền. Tôi không có tiền và cố
gắng tột mức cũng không có nhiều. Tôi phải tốn kém gấp năm thời gian, gấp bảy
công sức so với đám đông kia để cầm được cái “bát-bo” màu xanh tím. Trước hôm
đi Ðức một tuần tôi không rời Huyền. Em biết quyết định của tôi đã lâu. Tôi
nói, Huyền có nghe rồi em âm thầm khóc. “Chúng mình không thể cưới nhau nếu
không có tiền.” Huyền hiểu nhưng đôi môi vẫn méo xệch. Ðàn bà là thứ sinh vật thật
lạ lùng.

“Anh
không trốn tránh, anh không phản bội.”

“Em
yêu anh, em tin anh mà.”

“Năm
năm là thời gian khủng khiếp. Em được toàn quyền tự do trong thời gian anh đi
vắng. Nếu như có người nào thực sự thương em thì em cứ lấy.”

“Em
chờ anh.”

Khi
yêu nhau người ta đánh giá qua lòng chung thủy. Thế chung thủy là cái gì. Là có
đầu có cuối, trước sau như một. Là khái niệm ước lệ để rồi đây vợ chồng bấu víu
vào tôn trọng nhau. Là một thuật ngữ đẹp nhưng cũng giống vô số điều cực đoan,
cái tốt đẹp đều không có thật. Nó tồn tại có chừng mực ở cuộc sống, nhưng khi
đã trượt sang chuyện sách vở nó chứa đầy đạo đức giả. Lỗi này thuộc về bọn có
chữ. Tôi đi Ðức chừng hai năm thì nhận được nhiều thông tin khá chi tiết về
Huyền. Cô bạn thân cùng phố của Huyền bên số lẻ lên Berlin nhờ tôi vài chuyện.
Trong đám buôn bán lau nhau tôi đã có chút danh mọn. Cô bé vừa kể vừa chăm chú
nhìn phản ứng nơi tôi. Có những chuyện cô bé đặt điều nhưng có lẽ đa phần là
thật. Tôi xem lại những lá thư Huyền viết. Ðến lúc đó là mười bảy cái thư. Tôi
chỉ gửi về duy nhất một cái. Tôi không có thói quen trách mình hay trách người.
Tôi chẳng ngạc nhiên, chẳng buồn vì những chuyện hiển nhiên phải thế. Ðàn bà là
đàn là. Cái duy nhất không đàn bà ở họ là tình mẫu tử.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3