Cơ hội của Chúa - Chương 07 - Phần 3
Hoàng
giật chuông căn nhà hai tầng cũ kỹ có cửa sắt, kiểu kiến trúc trầm buồn từ đầu
thế kỷ. Ði bộ một đoạn dài chân khá mỏi và Hoàng thèm thuốc. Bóng đèn tròn trên
vòm cổng bật sáng nhờ nhờ. Cái ô vuông nhỏ ở góc của có che bởi mắt cáo mở hé.
Khuôn mặt gồ ghề của ông Bõ già, nhận ra Hoàng, cái cửa khô dầu ken két lộ ra
một khoảng.
-
Cha có nhà không ạ?
-
Cậu vào đi. - Giọng Phát Diệm của ông Bõ hơi đục. - Mấy hôm Người mệt, buổi
chiều nay Người cũng chẳng dùng gì.
Căn
nhà mặt tiền trông hẹp nhưng phía trong nở hậu rất rộng. Nguyên trước nó là nhà
nguyện của giáo xứ. Hồi mấy tuần đầu mới giải phóng, giáo dân đặc biệt là lớp
trẻ không dám đến nhà thờ. Chiều chiều họ vẫn vào đây đọc kinh nguyện. Hoàng rẽ
vào khu vườn có nhiều hoa hồng quanh hang đá Ðức Mẹ. Có lẽ những năm trước cả
khu này được chăm sóc tốt hơn, còn bây giờ, ở đằng góc phải của hang đã hơi bị
sạt. Hoàng quỳ xuống làm dấu dưới chân tượng Ðức Mẹ bế Chúa hài đồng. Bệ gỗ bị
nước mưa thấm đẫm làm âm ẩm hai đầu gối. Ông bõ già loay hoay tỉa khóm lay ơn.
Hoàng lầm rầm đọc kinh Kính Mừng. Chừng khoảng đã xong bữa chiều anh ngước nhìn
cửa sổ có ánh đèn rồi đi lên lầu. Bậc thang gỗ cót két âm thầm mối mọt. Cửa
không khép, cả một căn phòng rộng tám chục mét vuông toàn là những giá sách,
hai bàn gỗ lim kê song song giữa nhà thật dài, trên mặt bàn la liệt sách thần
học và tạp chí tiếng Pháp. Tận cuối phòng một bóng đèn 60 W tỏa sáng đục. Sát
cạnh cửa sổ nhờ nhờ bóng cây từ ngoài cửa sổ in vào, một ông già trong bộ đồ
linh mục nửa nằm nửa ngồi chìm xuống chiếc đi văng mây đang đọc sách. Ông cụ
ngước lên mỉm cười hiền khi thấy Hoàng.
-
Con lạy cha.
-
Ngồi xuống đây con.
Hoàng
ngồi xuống cái đôn sứ duy nhất đã mẻ chân có để tấm thảm sờn hết mép.
-
Con định qua cha gửi lại ít sách.
-
Con đọc hết chưa?
-
Dạ, con không hiểu Suzuki lắm.
-
Con đừng vội.
-
Vâng.
-
Trông con có vẻ mệt mỏi.
-
Dạ.
-
Con uống trà nhé, có trà ngon. Ðức giám mục Thái Bình nhân có người vào gửi một
ít biếu cha.
Hoàng
đứng dậy với phích nước rồi pha trà. Trời đã tạnh hẳn mưa.
-
Hôm qua, Ðức cha tổng có đưa cho cha mượn bản thảo chú giải Kinh Tân ước của cha
An Sơn Vị, dòng anh em Ðức Mẹ người nghèo. Công phu lắm. Con có muốn xem thì
ngồi đây mà đọc.
Cụ
linh mục Ðức là ông trẻ của Hoàng. Năm 1953, tốt nghiệp Ðại chủng viện ở Pháp
về nước chịu chức. Là một trong những phó tế ít tuổi nhất chịu ơn riêng của đức
giám mục Lê Hữu Từ, cha Ðức xông xáo trong nhiều mặt hoạt động xã hội. Ðiện
Biên Phủ thất thủ, trong cuộc vận động di cư khồng lồ vào Nam, cha Ðức thành
công khi đưa toàn bộ giáo dân trong xứ mình quản hạt xuống tàu. Tuy nhiên lại
thất bại khi thuyết phục ông anh trai. Ông ngoại Hoàng bướng, sống với cô con
gái út bán hàng xén ở chợ Ninh Bình thà để Việt minh giết chết chứ không chịu
bỏ quê cha đất tổ. Cha Ðức biết ông anh trai không đi vì còn một lý do rất
riêng. Cả hai đứa con trai của ông trùm đều đang ở Việt Bắc. Hai đứa cháu rất
thông minh mà cha đức quý từ thuở ở chung với anh chị. Năm 1956 hồi còn ở Xuân
Lộc, cha Ðức đã biết tin đứa cháu thứ hai tử trận trong cuộc tập kích sân bay
Mường Thanh trên cương vị là đại đội trưởng Việt Minh. Rồi bảy năm sau khi lên
Ðà Lạt, qua đài Miền Bắc cha Ðức biết đứa cháu lớn đã “anh dũng hy sinh trong
khi làm nhiệm vụ” và là một trong những sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam
chính quy đầu tiên được truy tặng anh hùng. Cha Ðức vào Nam khoảng ba năm và
không hiểu sao khi phong trào công giáo dưới triều họ Ngô đang lên mạnh thì cha
rũ áo rời bỏ mục vụ xin ơn trên cho phép được vào tu viện Phan-xi-cô ở Ðà Lạt
để nghiên cứu thần học. Ðằng đằng như vậy gần hai chục năm. Ðầu năm bảy hai,
thể theo lời mời thiết tha của Tòa Giám mục thành phố, cha Ðức về thành phố
soạn chung một bộ giáo lý cho các chúng sinh dưới sự tài trợ của tổ chức
Quaker. Hoàng nhấp hớp trà nóng.
-
Tuần trước con có gặp một anh bạn người Ninh Bình, bây giờ làm báo ở trong này
định nhờ con dẫn đến gặp cha. Anh ấy muốn biết một vài ý kiến của cha về những
phát ngôn trên tờ La Croix số vừa rồi. Con có nói là cha mệt.
-
Cha cám ơn.
-
Con thiết nghĩ là ở hải ngoại người ta dễ ăn dễ nói hơn.
-
Cũng chẳng hẳn. Phán xét người khác không thuộc về quyền năng của con người.
Hồi sau vụ Ðồng Công bên Ban Tôn giáo cũng cho người sang hỏi chuyện cha. Linh
mục Trần Ðình Thủ cha cũng biết đã lâu. Ông ấy tốt. Nhưng nhà nước người ta làm
việc theo pháp luật. Mình là người theo đạo, tranh chấp chuyện tín ngưỡng không
khéo thành tranh chấp chuyện thế quyền.
-
Nhưng thần quyền cũng là một kiểu quyền lực.
Vị
linh mục già cười.
-
Cha khuyên con nên đọc thêm giáo lý thiền tông vì thần học chân chính cũng rất
gần gũi với giáo pháp ấy. Trong tâm người công chính không có chỗ đứng của
quyền lực. Thông điệp của Ðức Ki Tô là chấp nhận, vị tha.
-
Con hoang mang, thưa cha. Những ngày này con chỉ sống bằng lòng tin. Quá là
nhiều người ác, quá là nhiều việc ác. Con gắng gỏi chấp nhận loay hoay với cuộc
hiện sinh này.
-
Sáng danh Chúa, con đang ốm đấy. Nếu cứ kiểu chấp nhận sự tồn tại như một hoàn
cảnh phi lý thì Kier Kegaard hay J.P.Sactre cũng đã nói nhiều. Theo cha mấy ông
ấy hiểu hơi quá. Ðức Chúa Jésus khi Người bị đóng đinh trên cây thánh giá là
một sự chấp nhận. Ðương nhiên đó là sự cứu chuộc tội lỗi cho tất cả loài người.
Nhưng sự hy sinh, sự chấp nhận của Ðấng Ki Tô ở mặt nào đó cũng mang tính riêng
tư, vì vậy hành vi sau chấp nhận là điều quan trọng. Trong đau đớn oan ức do
lầm lạc của những người khác, Chúa Jésus đã tha thứ cho tất thảy kể cả con
người đã bán đứng mình. Ðó là sự chấp nhận tích cực sau sự chấp nhận thụ động
trước. Con người bị đẩy vào và bị lấy ra khỏi cuộc đời là những điều không thể
tính. Ðau khổ mệt nhọc là đương nhiên, đó là điều phải chấp nhận. Nhưng quan
trọng là những hành vi ứng xử đối lại. Khá nhiều người chế giễu lời của Chúa
tát vào má trái giơ nốt má phải là nhu nhược. Không nên hiểu thô thiển như vậy.
Chúng ta có nên hằn học, có nên nghiệt ngã ở cuộc đời này khi chúng ta cảm thấy
bất hạnh. Hay chúng ta nên yêu thương và tha thứ. Theo thiển ý của cha, đó là
một thông điệp cốt tử của Tân ước.
Hoàng
trầm lặng lắng nghe và thấy mình gãy khúc theo từng ý nghĩ. Mình sắp đau đớn và
cay đắng đây. Mình nghĩ về mình nhiều quá. Sự xét nét ích kỷ làm mình lầm lạc.
Hoàng rưng rưng nghe. Sáng danh Chúa, tại sao có những lúc con lại không tin ở
Người. Chính Người đã dẫn bước cho con buổi tối tới đây. Sự cùng quẫn cuối cùng
của con người đấy là cơ hội của Chúa. Ðấng Ki Tô đã có lần phán như vậy. Vị
linh mục già hơi ngạc nhiên khi thấy dòng nước mắt long lanh trên má Hoàng.
-
Sao vậy con?
-
Con xin phép Cha.
-
Con phải đi à?
-
Sáng mai con qua sớm và con nghĩ con sẽ đọc được Tân ước.
-
Cha chờ con.
Hoàng
đến vũ trường vừa đúng lúc Bích văng tục về anh. Hoàng cười và thấy nhẹ nhõm.
Anh cầm đàn và dạo một hợp âm vui. Cô bé lễ tân nói là có người chờ anh từ chập
tối, đang dùng bữa ở phòng ăn. Hoàng đi tới restaurant linh cảm điều tốt lành,
anh ngó vào, đủ loại Tây với mặt bàn trải khăn trắng bầy những đồ uống sang
trọng. Người phụ nữ ngồi chờ Hoàng quay lưng lại cửa đang hút thuốc, đối diện
là một trung niên ngoại quốc trông dáng thương nhân. Từ rất xa Hoàng đã biết là
ai rồi, anh nghẹn ngào gọi Nhã.
2
Suốt
từ sáng trời đổ tuyết dày, những bông tuyết đan sít vào nhau bay cuồng loạn.
Thời tiết tuyệt vời của riêng tôi cho ngày hôm nay. Bây giờ là năm giờ chiều
thứ tư. Trên xa lộ có vẻ thưa thớt. Tôi quay sang hỏi thằng Sơn “con” là có hút
thuốc không. Nó mỉm cười hiền lành lắc đầu. Tôi đốt thuốc liên tục, gói Capinet
đã vợi gần nửa. Qua hết ngoại ô Berlin, Sơn “con” tăng tốc độ. Thằng Sơn là tay
lái xe không có bằng cự phách nhất trong cộng đồng người Việt ở Ðông Ðức. Ðến cây
số tám mươi bảy thì quẹo trái. Chiếc xe tải cũ tôi thuê của công ty buôn bán
sữa tư nhân “Hansen” rung lên lọc sọc. Ðường chạy ven bìa rừng không được tốt
lắm. Tôi nôn nao khan, suốt cả đêm qua tôi đã thức trắng để chơi bài, cho đến
khi con bé Hằng người Thái Bình lảo đảo say lôi tôi vào phòng ngủ là lúc tôi
thua đến đồng Mác cuối cùng. Giấc ngủ qua trưa làm tôi khỏe lên nhiều. Nhưng lẽ
ra trước một phi vụ quan trọng như thế này thì nên giữ gìn sức khỏe. Tôi gờn
gợn một linh cảm không hay. Người mệt mỏi, tinh thần đâm bấn loạn. Cách đây ba
hôm tôi đã hết tiền và hôm qua đã nợ. Tôi sang bên này không phải để chơi bời
rồi mắc nợ, chẳng nhẽ tôi đã phản bội lại chính tôi. Thằng Sơn từ từ cho xe ép
vào rặng cây hao hao giống cây thông. Tôi mở cốp xe lấy cái ống nhòm đẩy mạnh
cửa cabin. Tuyết vẫn rơi đậm nhưng đỡ hung dữ hơn. Tôi đã đổi cái ống nhòm này
bằng hai chai vodka cho một gã thủy thủ người Tiệp. Hình như là đồ ăn trộm. Tôi
chỉnh cự ly, những ô cửa màu xám dưới mái nhà đầy tuyết hiện ra quá rõ. Một
doanh trại của bộ đội Liên Xô. Bây giờ nó đã trở nên quen thuộc với tôi và ngay
cả lần đầu tiên tôi không ngạc nhiên lắm. Những phụ tùng chiến tranh thì ở đâu
cũng giống nhau. Cổng ra vào được chắn cái barie với những khoang sơn xen kẽ đỏ
đen. Trong bốt gác, người lính thường trực co ro mặc ca pốt màu xanh thẫm,
không thấy đeo súng. Tôi nhìn đồng hồ đúng 5 giờ 30 chiều. Một chiếc U-oát từ
phía sân trong chạy ra. Tôi cố nén rạo rực vẫy thằng Sơn “con”. Nó nhảy xuống
với chiếc ca táp lèn chặt tiền, chuyến này tôi còn giao thêm một thùng gỗ nửa
mét khối toàn đồng hồ, khách hàng yêu cầu thì đáp ứng. Cái U-oát đỗ cách xa lộ
khoảng một trăm mét, tôi đi dịch về phía nó. Viên Ðại úy của tôi đội mũ lông nhảy
ra khỏi xe, người gã ngắn một cách đáng kinh ngạc so với thể hình trung bình
của người Ðông Âu. Tôi tranh thủ khoát tay nói luôn, gã cũng nói được chút chút
tiếng Ðức như tôi. Hồi còn học đại học ở Việt Nam, ngoại ngữ chính mà bọn tôi
phải nghiền là tiếng Nga. Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn nhớ bộ ngực tròn căng
của cô giáo ngoại ngữ. Tôi cũng nhớ được hai mẫu câu chào và ba mẫu câu tỏ
tình. Tôi và gã Ðại úy người Ucraina chưa bao giờ gặp khó khăn khi phải hiểu
nhau. Gã vặn vẹo những ngón tay ngắn ngủn minh họa cho cái miệng liến thoắng. Hóa
ra chuyến giao hàng lần này chủ yếu là niken. Mua lại đồ buôn từ những người
lính Nga nhiều khi thắt tim vì sợ. Trong cái mớ bát nháo hợp kim giao tháng
trước tôi mò ra cả quả tên lửa cầm tay. Viên Ðại úy ngoái lại hét bằng cái
giọng khàn khàn. Cái xe U-oát nặng nề trườn hằn lại trên tuyết hai vệt bánh xe
rất đậm. Phía sau lưng tôi thằng Sơn “con” đang lặc lè kéo lê cái thùng gỗ đồng
hồ. Tôi giơ ca táp xoạt phec-mơ-tuya cho viên Ðại úy thấy tập tiền màu xanh
nhạt. Ba người lính Nga nhảy xuống xe và bắt đầu dỡ hàng. Họ mang theo những chiếc
xe đẩy có thể tháo lắp được, tôi lấy gói thuốc chìa sang viên Ðại úy, gã lắc
đầu, thò tay vào trong người lấy ra gói thuốc màu trắng đỏ. Tôi châm thuốc rít
từng hơi và cố giữ bình tĩnh. Những kiện hàng được ba người lính xếp khéo léo.
Gã Ðại úy bồn chồn đi theo vòng trôn ốc. Lần nào giao hàng gã cũng để lại những
vòng trôn ốc như vậy. Bốn bánh chiếc xe tải hằn dấu xuống tuyết, chỉ còn bảy
phút nữa. Thật chậm thì cũng còn bảy phút nữa. Thằng Sơn vòng ra đầu xe phanh
áo măng tô xả một bãi. Bỗng viên Ðại úy hét lên một tiếng man rợ ngoạc chân
chạy về phía cái xe U-oát. Tôi cũng đã nhìn thấy. Một chiếc xe tải quân sự từ
trong rừng chồm ra, thằng Sơn phản ứng nhanh không kém. Chiếc xe của tôi vào số
một cách hung dữ, tôi chúi trán vào kính chắn phía trước. Những tràng súng nổ
dài. Loạt đạn bay cao, chắc là cảnh cáo “Nhanh lên em!” Thằng Sơn đạp hết chân
ga. Một cú xóc nảy người và xe chúng tôi đã lên mặt xa lộ. Ðạn vẫn bắn, phầm
phập găm vào thùng xe. Lần đầu tiên trong đời tôi được nghe tiếng súng gần đến thế.
Không phải là cảnh sát vì họ sẽ không dám bắn như vậy. Thằng Sơn mặt trắng mét
nhưng tay tỉnh táo ghì chặt vô lăng. Một trăm bốn mươi cây số giờ là tốc độ
thằng Sơn hay xài khi uống hết cả chai cô-nhắc. Tôi thổi điếu thuốc dính chặt ở
môi đã tắt ngấm bay ra cửa xe. Phía xa xa của nền chiều đã thấp thoáng ánh đèn
cao ốc. Tiếng máy xe thôi rú và nổ đều hơn. Tốc độ tám mươi cây số trên giờ là
tốc độ quy định khi xe sắp vào thành phố. Thoát rồi. Tôi nhoài người qua cửa xe
quay lại sau. Cả một vệt xa lộ vắng ngun ngút đen. Bây giờ mới có thể bình tĩnh
cảm ơn Chúa. Thằng Sơn ngoái sang tôi lập cập đôi môi tái nhợt:
-
Anh đã giao tiền chưa?
-
Ðã kịp đâu.
Thằng
Sơn hơi nghiêng người:
-
Chết cha, em đái hết cả ra ghế.
Tôi
bật cười. Thằng Sơn cũng cười.
Mùa
hè năm tám sáu tôi đi chéo qua Ba Lan rồi qua Tiệp. Tôi ít vốn quá đành bù thêm
những cây số đường trường. Người Việt ở Ðông Âu hơi nhiều, đủ các loại. Vỡ nợ
trong nước, xuất khẩu lao động, học sinh du học, quan chức đi buôn, tuổi từ
mười tám đến năm nhăm. Dù là đàn ông hay đàn bà thì đều chung một khát vọng,
bất kể cách thức nào miễn sao cho có được thật nhiều tiền. Không thể trách ai
được, có quá lắm trách nhiệm đeo đẳng. Trước khi bước chân sang đây hầu như tất
cả đã nộp lệ phí khấu hao từ ở nhà. Bị bịp bợm thì dăm bảy cây, quen biết thì
cũng dăm ba chỉ. Ðấy là chưa kể có những người đùm theo cả gói hy vọng giàu có
của cả dòng họ. Nguyên tiền chạy chọt đã nuốt hết tiền nhịn ăn nửa năm của bố
của mẹ, của anh của chị. Tất nhiên là không kể những cậu ấm cô chiêu mà những
chuyến sang Ðông Âu chỉ là du lịch nghỉ ngơi do các quan ông quan bà thưởng
nhân dịp thi trượt đại học. Thỉnh thoảng sách báo từ Việt Nam đưa sang có những
bài phóng sự du khảo của người Việt ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ, đọc nghe
hài hước. Cũng chẳng hẳn đã trác táng đến như vậy, cũng chẳng hẳn cướp giật đến
như vậy nhưng làm gì có đan xen văn hóa, giao lưu văn minh. Cái hay của nước
người học được thì ít, cái dở của ngoại bang thì mót được nhiều. Hoặc đi làm,
hoặc đi chợ về đến nhà là mệt cứng xác. Ngày nghỉ, giờ nghỉ giải trí bằng gì
thì khỏi nói. Miễn sao cơ bắp được chùng chùng, trí não khỏi phải căng thẳng là
OK. Du học sinh, nghiên cứu sinh, tầng lớp trí thức tinh hoa được xuất ngoại
lại càng thảm cảnh. Những người học nhiều chữ thường quá nhạy cảm và thế là bảy
mươi phần trăm hồn nhiên trở thành vong bản. Ở Tây chừng vài ba năm, họ phê
phán minh mẫn đến sắc sảo những giá trị truyền thống của dân tộc. Chao ôi, cái
thứ dân tộc nhược tiểu nằm hèn kém ở rìa một đại lục vốn chỉ được coi là nghèo
nhất thế giới. Họ làm đủ mọi trò và tự ngụy biện rất khéo cho những khát khao
dung tục của mình. Sự khổ sở, sự mệt mỏi từ nỗi vất vả ở quê nhà làm sởn gai
ốc. Chỉ vì muốn thoát khỏi ám ảnh hơn hai mươi năm về cái hố xí hai ngăn dùng
chung cho cả tập thể mà một nghiên cứu sinh sức học rất bình thường đã bảo vệ
xuất sắc luận án phó tiến sĩ. Tôi không phải là con người của lý luận nhưng nếu
mặt bằng kinh tế của đất nước cứ mãi thấp kém thì nhưng mẫu trí thức ở Ðông Âu
như Lê Thắng chắc chắn sẽ tuyệt chủng.
Tôi
dậy sớm và thấy đói. Nhìn qua góc rèm hở vẫn thấy tuyết bay lả tả quệt ngang
kính cửa sổ. Tôi tung chăn, con đầm nằm cạnh vẫn ngủ say như lợn. Bộ ngực trần
với núm vú hồng mơn mởn lông tơ. Tôi mặc quần áo. Hôm qua để ăn mừng chết hụt
tôi phá giới chấp nhận một bữa rượu ngay tại phòng mình. Chúng tôi bảy người ba
két bia, năm chai rượu. Tôi, thằng Sơn, thằng Hansen bố chủ cho thuê phương
tiện, thằng Lâm xoăn chủ đường dây buôn lậu đồng hồ và ba đứa con gái, hai Việt
một đầm. Tôi ít khi ngủ với bọn Tây và nếu có thì phải thật đẹp. Tất nhiên giá
có hơi mắc, về khoản này thì thằng Hansen là tay tổ. Nó hành nghề ma cô từ hồi
Ðông Ðức đang ngặt nghèo trong vòng lễ giáo xã hội dân chủ. Con bé đầm mười bảy
tuổi nói tên nó là Get Tơ hay Ðet Tơ gì đó, tôi cóc cần biết. Với một cái bao
bì như vậy không phải giới thiệu nhãn. Con Get Tơ cứ nốc xong một cốc là lại
quay sang hôn tôi, đôi môi nóng bỏng dán chặt và muốn nó buông ra chỉ có cách
phát mạnh vào mông. Nó uống khủng khiếp và hầu như không ăn, cốc cứ vơi vơi là
vớ chai đổ thêm bất luận là rượu hay bia. Hai nàng người Việt đều là khách
quen, nàng lớn hai mươi chín tuổi đã có chồng và con ở Việt Nam. Luận án phó
tiến sĩ của nàng về thủy sản. Nàng đã ở Ðức bốn năm và muốn ở thêm ngần ấy nữa.
Thật ngẫu nhiên chồng của nàng lại dậy tôi hồi năm thứ hai. Giảng viên xuất sắc
của khoa Vật tư có mớ tóc dài, có khuôn mặt trắng xanh đeo cặp kính cao đạo. Là
dân kinh tế nhưng hay đề cập đến đạo đức, nhất là đạo đức gia đình. Có một lần
tôi hỏi nàng sắp làm Phó tiến sĩ: “Khi làm tình với em thì chồng em nói chuyện
gì.” Nàng cười: “Anh ấy nói tục lắm.” Trí tưởng tượng của tôi kém không hình
dung được cảnh ngủ với vợ mà vẫn đeo kính. Có cái lạ là sinh hoạt buông thả vậy
nhưng nàng rất nhớ chồng và con. Ðều đặn ba tháng đóng hòm gửi về và đầu giường
ngủ luôn để một ảnh 12 cm x 24 cm chồng đang bế thằng nhóc bụ bẫm cạnh tượng Võ
Thị Sáu trong công viên. Nếu giữ ai đấy ngủ qua đêm thì nàng lấy từ điển che
tạm đi. Nàng hút thuốc nhiều không kém gì tôi, liên tục phả khói vào mặt thằng
Hansen bố. Thằng này nghịch thò tay cấu vào những chỗ nhược, nàng cong môi nhả
một tràng tiếng Ðức, tôi đoán là nàng chửi vì thằng Hansen hềnh hệch cười vẻ
khoái trá. Nàng bé mới sang chừng hơn năm, có thể lực tuyệt vời với nhịp sống
phương Tây, nhược điểm duy nhất là uống rượu xong rất hay khóc rồi lảm nhảm gọi
mẹ. Bà đội phó chăn nuôi năm mươi tư tuổi ở một làng heo hút tỉnh Thanh Hóa cầm
cái chứng nhận liệt sĩ của chồng chạy tám mươi ba vòng quanh sân ủy ban huyện,
kết cục người ta cũng phải để một trong năm cô con gái của bà được đi đào tạo
tay nghề ở nước bạn. Mùa hè vừa rồi thằng Hansen con dạy nàng làm đủ trò và
nàng kiếm được khá nhiều tiền. Nếu không bị lừa hai lần thì bà mẹ và mấy đứa em
ở quê đã được ở nhà gạch. Nàng bé cả tin một cách ngớ ngẩn. Mẹ tôi thường bảo
con gái đứa nào phốp pháp quá hay ngốc. Tôi với thằng Sơn con phải xuống tận
Drét-đen đánh hộc máu mồm một thằng cùng huyện của nàng, lấy cớ mua hộ hàng
định ăn chặn ba ngàn mác. Ngoài trời tuyết rơi nhưng trong nhà rất ấm, ba vỏ
chai rượu không vứt lỏng chỏng trong gầm tủ. Vỏ chai bia thì không thể đếm. Tôi
uống liền hai ly đúp và nhai hết một xiên lợn nướng. Băng cát-sét đang rên rỉ
một bản tình ca hải ngoại, giọng truyền cảm của nam ca sĩ nổi tiếng tôi không
nhớ được tên, khi anh chàng không mặc veston nhìn nhang nhác giống khỉ. Tôi nhớ
bố mẹ, nhớ Hoàng, nhớ út Phượng thắt cả ruột. Cũng nhớ cả Huyền. Tôi ghét uống
rượu là bởi vậy, tôi chỉ có uống vì công việc mà vì công việc thì uống cả hai
chai cũng không say. Thằng Sơn con vừa cho tay vào ngực nàng bé vừa lắp bắp kể
chuyện lúc chiều. Thêm dấm thêm ớt đôi chút để thêm phần trinh thám. Tôi không
nghĩ những tràng AK đấy là chuyện vô tình. Bọn trong trại chắc đã biết, cái kho
dù lớn đến mấy nhưng bị hao hụt như cướp giật thì mọi chuyện cũng sẽ vỡ lở. May
ra vì không muốn to chuyện bọn Nga sẽ không làm việc với cảnh sát Ðức. Tất
nhiên vẫn phải cẩn thận, trong hai tháng tới bố con thằng Hansen không được sờ
vào đống hàng ấy. Nhưng dù thế nào tôi cũng phải qua Trần Bình. Sau Nôen năm
ngoái, từ một đường dây làm ăn ở Tiệp giới thiệu tôi gặp Bình. Buổi tiếp kiến
đầu tiên mang lại ấn tượng tốt, chúng tôi không uống rượu, chỉ hút thuốc và
cùng chơi bài ngửa. Trần Bình cần tôi như một chuyên gia thực nghiệm những phi
vụ cụ thể, một thứ quản lý sát sạt các thương vụ buôn lậu theo trục Ðức - Tiệp -
Nga cả hai chiều. Hàng luân chuyển và thu ngay về bằng tiền mặt. Thông thường
những thương vụ này hai đầu dây tin nhau dùng hình thức thanh toán chủ yếu trên
giấy tờ. Sau rồi tôi cũng biết Trần Bình buộc chấp nhận phương án mạo hiểm vì
muốn thoát khỏi vòng quay dưới sự chỉ đạo của papa. Bố của Bình là một ông lớn
ở một Bộ, có thế lực vừa đủ cho phi vụ xâm xấp khoảng triệu đô. Trần Bình chê
ông già là cò con và đoán chính xác rằng ông cụ không thể ngồi trên cái ghế ấy
quá ba năm. Tận dụng khoảng thời gian bằng vàng đó là bản lĩnh của các đại
thương gia và chính khách lớn. Trần Bình mềm mỏng trong sinh hoạt nhưng khi làm
ăn lại rất kiên quyết. Tôi làm cho Trần Bình chừng nửa năm thì phải ngồi ngoài
chầu rìa mặc dù anh ta đánh giá rất cao sự trung thực của tôi. Ðơn giản là hai
bố con họ đã làm lành. Trí lự thâm trầm của tuổi già cộng với sự sắc sảo năng
nổ của tuổi trẻ hoạt động trên một mặt bằng đã được chuẩn bị những điều kiện
tuyệt vời về chính trị và kinh tế, tôi lấy làm lạ tại sao cho đến giờ hai bố
con Trần Bình chưa phải là tỷ phú đô người Việt. Về sau chị Nhã bảo: “May cho
đất nước này trong giới lãnh đạo cao cấp còn nhiều người trong sạch.” Chắc là
thế, Trần Bình với riêng tôi là tốt, vẫn che đỡ những rắc rối vừa phải mà tôi
bị gặp. Thỉnh thoảng Bình cũng nhường tôi vài ba mối làm ăn lẻ. Nó là vặt với
tầm cỡ của Bình nhưng là ước ao của tôi. Theo kế hoạch mà tôi tự xác định năm
năm ở bên này tôi phải tạo được một mặt bằng vốn để rồi đây tôi có thể làm ăn
chân chính bằng đúng trí thông minh và bản lĩnh của riêng mình. Thằng Lâm chạm
ly với thằng Sơn: “Mày kêu là không sợ sao lúc ấy vãi hết cả ra quần.” “Ðâu có,
thì em đang đái mà.” Nàng lớn nằm ưỡn ẹo trên lòng Hansen bố bật cười làm cả
hai ngã lộn cô xuống sàn. Ðến gần ba giờ sáng thì bữa nhận mới tàn. Tôi cố lê
vào phòng trong. Con bé đầm đã say nhất quyết đòi làm tình, hai tay nó dính
chặt quanh cổ, tôi kéo cao váy nó phát mạnh vào cái mông trần nó vẫn không
buông. Thôi đành thua.