Cơ hội của Chúa - Chương 07 - Phần 2
Nam
nhăn nhó tà tà cua xe. Hoàng bất lực buông xuôi. Hai anh em đến chợ ông Tạ, có
cô bồ nhí của Nam bán trái cây. Nàng yêu nghệ thuật cải lương, say mê vẻ nhăn
nhó của danh hài Bảo Quốc. Xấu vừa phải mà lại yêu được nghệ sĩ lớn nên cũng
khá hãnh diện. Nhìn vẻ xăm xăm của bạn, Hoàng khuyên lấy lệ cho lương tâm đỡ
phần cắn rứt. Trong bụng biết chắc rằng hai mươi nhăm phút sau tại nhà Chắn Và
sẽ xuất hiện một con bạc chân chính đang khát nước. Và ba mươi mốt phút tiếp
nữa, cả vốn lẫn lãi của hai sọt xoài, bốn sọt chôm chôm được tận tình dâng hiến
cho thần đổ bác. Thế nhưng Vénus luôn luôn mỉm cười với những kẻ đen bạc. Nam
hấp tấp đi ngược từ cổng chợ ra vẻ mặt tươi như nghị sĩ quốc hội trong phiên
khai mạc.
-
Nếu bé Ba có hỏi, anh nhớ nói là ban của anh em mình sắp đi lưu diễn ở Nhật
nhớ.
Hoàng
gật, ngầm khâm phục trí tuệ của bạn mình. Quanh vùng Á Ðông này, ai mà chẳng
biết trong những năm tám mươi thanh niên Nhật là những kẻ sùng mộ nhạc nhẹ
nhất. Hoàng thả Nam ở đầu đường Học Lạc rồi quay về nhà Mỹ. Cô bé tóc xù đã
tỉnh rượu hẳn đang nhờ Cam Ly xem bói bằng bài Tây. Bích nằm trên sàn đọc tờ
Tuổi trẻ giữa mấy mớ cải nhặt dở và có tới khoảng gần ký thịt bò roi rói đỏ.
Hoàng lẳng lặng ngồi vớ gói “Ðà Lạt”. Bích khẽ nhổm.
-
Ngày mai mày định đi mấy giờ?
-
Tao tính không đi nữa.
-
Thế đưa tiền đây.
-
Hôm nay ma ám làm sao ấy, tao nhét cả xấp tiền túi sau mà sờ lại không thấy
đâu. - Hoàng thở dài. - Thôi ít nhất có đánh rơi thì cũng tạo hạnh phúc cho một
người.
-
Tiên sư mày, thằng Nam rủ rê chứ gì. Rơi cái con chó.
Mỹ
từ nhà tắm đi ra tóc ướt. Trông tươi tắn chắc là vừa được mama đưa tiền. Liếc
cô bé tóc xù, mạnh dạn ga lăng.
-
Hôm nay chủ nhật anh em mình ra tiệm.
Bích
gàn. Hoàng kêu mệt. Cam Ly lấy cớ thức ăn đã mua rồi. Mỹ khăng khăng mời với
nhiệt tình khả nghi. Quân tử nhỡ ngôn đành lao theo tứ mã. Năm trừ hai còn ba.
Roméo hào hoa rủ người tình lên Rex, hoàn thiện món viện trợ nhân đạo. Bích cằn
nhằn.
-
Những mầm non nghệ thuật Sài thành. Bố khỉ, chẳng làm sao mà khá được. Một
thằng thì chết vì gái. Một thằng thì tả tơi vì bạc. Tao đến phải chuồn ra Bắc.
Cam
Ly chật vật với miếng thịt bò bằng con dao cùn. Hoàng đành phải vào bếp. Khoảng
chừng nửa giờ thì mâm cơm tươm tất. Ba anh em ngồi uống và trời mưa. Chai Nàng Hương
vơi đều đều. Mưa ào ào vít vòm cây xanh. Một buổi trưa chủ nhật, dễ chịu. Không
có cái chang chang gắt của nắng làm nồng thêm chén rượu tha hương đã mất men
miền Bắc. Cam Ly khe khẽ hát. “Ngày chủ nhật buồn... Còn ai, còn ai...” Sau
Giải phóng được chừng hai tháng, Nguyễn Thị Thảo mười một tuổi theo bố là cán
bộ tập kết về quê nội. Ðang thiếu cán bộ khung, tổ chức phân công ba bé Thảo
phụ trách về tài chính. Họ nghe phong thanh một dạo ở ngoài kia ông đã từng làm
thuế. Tiền và hàng qua tay ông nhiều quá. Ba năm sau, ông phó giám đốc bị các
đồng chí mình bắt vì tội tham ô. Hai tháng điều tra nghiêm túc, Viện kiểm sát
không thể truy tố được vì cả ban lãnh đạo tỉnh đều là bạn nhậu của ông. Trắng
tội, nhưng cựu nhân viên phòng thuế thấy chán lắm. Ông làm giàu bằng cách khác,
buôn lậu. Với kinh nghiệm chống buôn lậu sẵn có cộng thêm tài năng đương độ
chín, trong vòng mười sáu tháng ông đã chi phối toàn bộ hệ thống giá cả những
mặt hàng chính yếu trong tỉnh. Trước khi đột tử, ông đã kịp làm hỏng một Phó Bí
thư Tỉnh ủy, ba Thiếu tá Công an và hai mươi mốt quan chức lớn nhỏ trong các
ngành công thương nghiệp. Nếu không có sự tranh giành tài sản của bốn bà vợ ở
ba miền và khoảng một tá bồ nhí suốt dọc chiều dài đất nước thì người ta không
làm sao rõ được những hoạt động mờ của ông. Sở Văn hóa đốt bánh pháo ba mét ăn
mừng vì suýt nữa duyệt kế hoạch dựng tượng ông. Hóa ra ông đểu và độc ác. Báo
chí gào thét đòi quật mồ ông dậy để xử bắn. Cô con gái cưng của bà vợ chính thức
bị giật ra khỏi đống nhung lụa. Nguyễn Thị Thảo trở thành ca sĩ Cam Ly là một
truyện dài, một trường thiên tiểu thuyết mà chương nào cũng đẫm đầy những tình
tiết lừa đảo. Lỗ Tấn bảo “Có sa sút mới biết bụng dạ người đời”. Bích than vãn.
-
Chán quá, tao chán quá chúng mày ạ. Chưa bao giờ thấy cụt hứng như thế này.
Cam
Ly thở dài.
-
Anh uống thật nhiều vào. Rượu nó khử được buồn. Hồi em mới lên Sài Gòn em uống
liên miên. Nếu không vậy thì làm sao còn sống đến bây giờ mà gặp các anh.
Hoàng
châm điếu thuốc mới. Cam Ly có từng trải mấy đi nữa cũng chỉ là một cô bé. Chán
đáng sợ hơn buồn. Chán là lúc con người hoang mang bải hoải chẳng còn thiết bấu
víu vào đâu nữa. Chán là vũng tù đọng những cái bẩn thỉu nhất của nỗi buồn.
Buồn khả dĩ còn chịu được. Ðôi khi có mưa đâm lại thú vị. Còn chán, Bích kể lể:
-
Sáng hôm kia tao ngồi với bọn đài truyền hình. Thằng đạo diễn Lê Mỹ nó hứa lăng
xê bọn mình qua chương trình thanh niên theo kiểu phong trào ca nhạc quần chúng
phường. Gì thì gì kệ mẹ, mình phải thò mặt ra người khác mới biết được. Tao thì
tao đếch sợ bất cứ thằng nào. Tay trống thằng Mỹ còn non thật, nhưng đi “lít”
với chạy “bát” thì tao với mày phải xếp trong tốp ten ghita của thành phố. Ðang
nhậu dở, bỗng thằng cha Lê Mỹ nó khóc, nó kêu thương chúng mình lắm.
-
Trượng phu bàn chuyện đại sự mà khóc, điềm gở quá.
-
Chính tao cũng ngạc nhiên. Tao thấy “chả” còn đáng thương hơn mình nhưng nó cứ
khăng khăng đòi thương mình hơn thì tao biết sao.
Hoàng
phì cười:
-
Cải lương nó gọi đấy là lòng nhân hậu.
Cam
Ly lại hát, giọng cô bé sẽ không đến nỗi lắm nếu bớt uống rượu và hút thuốc.
Trời sầm sập mưa. Cái hẻm nhỏ thoắt chốc đã ngập đầy nước, Cam Ly quay sang
Hoàng.
-
Ờ, bé Ly tối qua nhờ em đưa thư cho anh Hoàng nè.
-
Ai?
-
Con nhỏ ca ve mặc bộ đầm đen đó.
Cam
Ly với bóp lấy ra cái phong bì có in hình bến Nhà Rồng.
-
Cho em xem nhớ.
-
Cũng chẳng có gì đâu, thôi cho anh xin.
-
Em xem nó viết gì nào?
Bích
mồi một miếng thịt bò, nhăn mặt vì dai.
-
Có đếch gì mà xem, chắc lại nhố nhăng ba cái chuyện tình tỏ tình mờ. Cuộc đời
ngẫm cũng kỳ, những thằng ngu thì thường lại đẹp giai. - Bích đành nhổ miếng
thịt bò vào góc nhà. - Mà cẩn thận đấy Hoàng ạ. Ðàn bà là một thế lực chẳng
thua gì tôn giáo đâu.
- Merci.
Hoàng
đút phong thư vào túi áo. Ừ, nếu là bộ đầm đen. Dưới ánh đèn nhảy anh lờ mờ
thấy cô bé đó đôi ba lần. Chịu không thể nhớ nổi. Trời đã ngớt mưa, khung cửa
sổ đọng vài vệt nắng nhạt.
-
Hồi ở ngoài Bắc chắc anh Hoàng cũng được nhiều người mê.
-
Có chó nào. Bọn lớp nó gọi thằng dở hơi này là tu sĩ, nói được vài câu với đàn
bà thì són đái ra quần. Chỉ được cái mẽ.
Bích
chiêu ngụm rượu giọng thật thà:
-
Công tâm mà phát biểu thì hồi sinh viên anh thật sự có duyên ngầm.
-
Thế mà em nghe đồn ngày xưa anh nhảy lầu vì...
-
Em nghe đồn hay em nghe anh. Miệng lưỡi người đời có bao giờ gọi là sạch. Giới
khẩu là giới đầu tiên của người có đạo. Em hỏi thằng Hoàng xem có phải Ðức
Thích Ca Mâu Ni suýt rút lưỡi tất cả chúng sinh không.
-
Anh nói linh tinh gì thế?
Cam
Ly hơi hoảng. Rằm và mùng một cô bé vẫn đi chùa đều. Hoàng xử hòa:
-
Kệ nó Ly ạ, trước sau thì nó cũng bị quỷ sứ luộc trong vạc dầu như nấu xì thẩu
hay luộc quẩy. - Hoàng ngước mặt lên trời vẻ sùng kính. - Bạch Ðức Phật Tổ đại
từ đại bi, con không cứu được bạn con nữa rồi.
Bích
cười tứa hết cả nước mắt.
-
Tiên sư cái thằng đạo đức giả.
Mây
lại bắt đầu sàm sạm, có lẽ sẽ mưa suốt buổi chiều. Bích ngà ngà say, ăn xong
bát mì tôm có hành trần lăn ra ngủ. Cam Ly đứng lên vặn nhỏ số quạt trần. Hơi
nước ẩm và lành lạnh.
-
Anh Hoàng đói không?
-
Bình thường.
-
Lại mưa kìa.
-
Mọi người kêu mưa trong này thường ngắn.
-
Em nấu cho anh Hoàng gói mì nhé.
-
Anh uống nốt chén này thôi.
-
Em chưa thấy ai uống nhiều bằng anh.
-
Ngớt mưa chở anh lên Sài Gòn.
-
Lại ra Ti Gôn à.
-
Ừ.
Thời
gian nhiều tháng trước có một nơi bạn bè muốn tìm Hoàng thường đến, đó là một
quán cà phê đèn mờ có bán rượu. Không đắt lắm nhưng tiếp viên chọn lựa cẩn
thận. Hoàn toàn bị cấm hành nghề trong giờ. Cả hai vợ chồng chủ quán đều thân
với Hoàng. Ngay cái tên “bản hiệu” cũng là Hoàng đặt. “Cậu chọn cho anh chị một
cái tên nào tây tây nhưng đừng lố quá.” Vậy thì Tigone. Chao ơi, hoa nào chẳng
là hoa. Ông nhà thơ tóc dài, gã lãng tử khét tiếng trước năm bảy nhăm thi
thoảng tạt ngang ngồi uống whisky ở quầy bar lại nghêu ngao ngâm. “Nếu biết
ngày mai em lấy chồng. Em ơi đừng tưởng thế là xong.” Mưa tạnh hẳn. Hoàng để
đàn lại, dắt xe ra đầu hẻm chờ Cam Ly vào lấy ô. Bích trở mình dậy dặn với theo
là tối nhớ phải qua “Hương Tre”. Hoàng đèo Cam Ly, cái xe sáu bảy ngoằn ngoèo
giữa dòng người đông đúc vội vã tranh thủ khoảng trống giữa hai trận mưa. Ðến
ngã tư Lê Thánh Tông rẽ vào đường Hai Bà Trưng, Hoàng đỗ xe. Còn một đoạn ngược
chiều anh muốn đi bộ. Cam Ly vòng lại với Bích. Quán ba giờ chiều, tàn bữa trưa
đã lâu nhưng nhờ có mưa nên khách vẫn đông. Hoàng biết vậy vì mắc treo quần áo
nặng trĩu đồ che mưa. Tiền sảnh rộng có bể cá, cây cảnh. Một bộ sa lông rất xịn
kê thật chướng, chỗ khách ngồi chờ trước khi vào buồng trong. Duy nhất bà chủ
mặc rốp đỏ đứng sau quầy. Hiền lành như bất cứ tiệm hiền lành. Các đào không
được phép lấp ló. Công an khu vực thì như người nhà, nhưng nhỡ ra thì có vài
chú lạ mặt bên đội phòng chống tệ nạn xã hội tạt ngang.
- Hello.
-
Ối giời! Tưởng ai. Chú đi đâu mà mất mặt. Nhiều người nhắc chú lắm nha.
Giọng
Bắc có pha chút Sài Gòn nghe dễ chịu. Bà chủ người Nam Ðịnh, khoe với Hoàng là
dân đạo gốc. Tháng trước vừa lên đồng hết gần một triệu. “Chị là chị cứ thành
tâm. Bên cha cũng kính, bên mẹ cũng thờ.” Dân mình khi tin thì thường hồn
nhiên. Hồi Hoàng còn ở trong trường nghe giáo sư Trần Quốc Vượng thuyết giảng
“Tôn giáo của người Việt có tính hỗn giao”. Nghĩ cũng phải.
-
Em cũng mắc làm với đứa bạn.
-
Lại đàn sáo à?
-
Vâng.
-
Uống gì nhé.
-
Em muốn lên lầu.
-
Lại buồn hả. Nhà vừa lấy thêm mấy đứa nhỏ. Ngu ngơ lắm, để chị kêu một đứa sang
với chú.
-
Vâng.
Hoàng
lấy một chai Remy Martin. Chưa ghi nợ lần nào nhưng có lẽ lần này phải vậy. Cái
phòng Hoàng hay ngồi cũng chẳng có gì đặc biệt, nó ở chót cuối hành lang và khi
vén rèm có thể nhìn xuống phố. Những hôm mưa vẫn để máy lạnh mở khẽ cửa sổ cho
bụi nước li ti bám vào, Hoàng thích vậy và bà chủ chiều vậy.
-
Em chào anh.
Cô
bé trạc mười bảy mặc bộ đồ đầm màu mận chín, vẻ lúng túng khi chỉ thấy một mình
Hoàng.
-
Em ngồi xuống đây.
Cô
bé hơi lai và nhiều nét gợi tình. Hoàng úp mặt xuống chén rượu cố không nhìn
thêm bộ ngực chật căng.
-
Em hút thuốc không?
-
Thưa anh em không.
-
Em muốn ăn gì?
-
Thưa anh, em ăn rồi.
-
Thế uống rượu nhé.
-
Dạ.
Chắc
cô bé mới vào đây làm thật. Bà chủ dạy là phải lễ phép và chiều khách. Vài ba
tháng nữa mới mềm mại được. Ðành vậy thôi, những thiên tài được giải Nobel phần
lớn là người già. Hoàng kêu thêm lon soda, không có đồ chữa lửa cô bé khó mà
uống “sếch” được. Qua rèm nhung đỏ mưa xối xả trắng mặt đường.
-
Em ngồi gần lại đây.
Cô
bé nhích nhích ghế, rất lưỡng lự để tay lên tay Hoàng. Anh rót đều cho cả hai
ly.
-
Ðã bao giờ em say chưa?
-
Một lần em đi Lái Thiêu với nhỏ bạn.
Cô
bé uống thêm nửa ly rượu nữa rồi cũng hút thuốc. Hoàng thấy đói. Anh gõ vào cửa
kính, thằng bé dẫn phòng thò đầu vào cười tươi. Nó biết Hoàng ăn gì, dù uống
với nhiều người hay ít người, Hoàng chung thủy chỉ mồi rượu bằng cá lóc xào
nấm.
-
Anh quen ở đây lắm à?
-
Ừ, quen nhiều.
-
Lúc nãy khi anh mới vô, các chị kể anh tiêu bạo hết biết.
Hoàng
uống hết ly thứ ba lại thấy tỉnh táo. Nếu đêm qua mà ngủ tròn giấc có lẽ tốt
hơn. Phòng bên cạnh lục đục những tiếng động khả nghi. Hoàng chăm chú nhìn trời
mưa, người anh cồn cào trống rỗng, nhưng nhức buồn. Thằng bé vẫn thò đầu vào
trước, đôi mắt thông minh lấp loáng trơ trẽn. Rồi đĩa cá hình bầu dục nhẹ vờn
khói mỏng. Hoàng đưa cho nó tờ tiền lẻ dặn thêm là khi ông chủ về thì kêu qua.
Cô bé chăm chú nhìn Hoàng. Anh đặt ly rượu, cầm đũa mồi một miếng thật to trệu
trạo nhai.
-
Trông anh hiền hiền.
-
Mọi người thì nói khác đấy.
Cô
bé dạn hơn ngả đầu vào vai Hoàng loay hoay nghịch ve áo anh. Hoàng lấy khăn ướt
quệt kỹ môi, anh hôn nhẹ lên mái tóc còn nồng mùi gôm.
-
Em tên là gì anh biết không?
-
Anh sắp biết.
-
Em tên là Khanh.
-
Em đi làm có xa không?
-
Gần xèo mà. Em trọ chung với chị Hạnh và nhỏ Thảo.
-
Tối nay anh đón em nhớ.
Cô
bé xoay người nhìn Hoàng. Ðôi mắt được kẻ rất thẫm, một màu của buồn và hoang
dại. Hoàng quay mặt nhìn qua cửa sổ. Không hiểu sao cái cảm giác muốn nhảy từ
trên lầu xuống đường cứ day dứt. Những ngày như thế này quả là không thích hợp
với mình. Sẽ còn rất nhiều ngày giống như hôm nay. Thế thì chấm hết. Sẽ không
còn ràng buộc gì cả. Sẽ chẳng có sự phi lý nào cả. Cô bé ngồi lên lòng Hoàng
vòng hai tay qua cổ anh.
-
Tối nay anh qua thật à?
- Thật
như là thật.
-
Em sợ.
-
Anh cũng không dũng cảm lắm đâu.
-
Em chưa quen như vậy lần nào.
-
Em nghĩ là anh quen à?
-
Anh kỳ lắm.
Những
người sắp chết, thì hay nói gở. Mình cũng thấy dạo này mình kỳ quặc. Không hiểu
có luân hồi không. Mình chỉ tin vào đức Chúa duy nhất. Krishnamurty đã hỏi một
tay quá băn khoăn về chuyện luân hồi. Tại sao ông ta lại tha thiết với vấn đề
này như vậy. Phải chăng, ông muốn thân xác ông dù phải chết, nhưng linh hồn ông
vẫn trường tồn. Cái bản ngã của ông dù sao cũng không mất hẳn. Hơn nữa, nhờ
trường tồn ông sẽ được Thượng Ðế ban thưởng, phong thêm quyền tước thiêng liêng
mà ở trần thế này không sao có được. Nhưng đấy là triết học. Chỉ có triết gia
mới đi căn vặn một cách cay đắng. Hoàng thè lưỡi khoắng vào cốc rượu. Cô bé
khúc khích cười, nàng hôn rất đậm lên má Hoàng. Cô bé sẽ rất cởi mở và thế nào
cũng kể một vài chuyện ngày xưa cho mà xem.
-
Em với nhỏ Thảo lên Sài Gòn học may đồ đầm. Con nhỏ Thảo yêu trước rồi nó giới
thiệu cho em. Người yêu em nhà ở quận Năm giàu thê thảm luôn.
Hoàng
từ từ rót rượu từ từ uống. Thiên tình sử của cô bé chắc là dài và mưa chắc là
lâu. Cũng có thể rất thật cũng có thể hoàn toàn giả dối. Và đương nhiên đoạn
cuối sẽ có tan vỡ, có lừa đảo. Sau chuyện của Nhã mình đâm ghét những chuyện
tình cảm. Bạn mình thật buồn thật khổ mà đành nhìn xuôi tay bất lực, nói gì
chuyện đời. Nhưng cô bé vẫn muốn san sẻ. Freud có một thuật ngữ rất hay để gọi
trạng thái tâm lý của cô bé lúc này. Không nhớ được.
-
Rồi gia đình bắt anh ấy qua Mỹ. Trước khi đi anh ấy tặng em một cái dây chuyền.
Cô
bé ngây thơ cho Hoàng xem mặt dây chuyền hình trái tim năm sâu trong vùng ngực.
Hoàng thở dài, không đừng được, hôn lên bộ ngực căng tròn để trần của cô bé.
-
Tối nay mấy giờ cưng đón em, phải qua mười rưỡi bọn em mới hết khách.
-
Nhẹ nhẹ tay để anh thở đã.
-
Anh đáng yêu ghê.
Cô
bé cười khanh khách cắn vào môi Hoàng. Con quỷ con, nàng hiếu động hơn anh
tưởng. Có tiếng gõ cửa lịch sự, cô bé nhoài người ra khỏi lòng Hoàng. Son môi
lấm bê bết hai bên má Hoàng.
-
Cứ vào đi.
Một
bộ veston cắt thật khéo. To cao và đẹp trai, một sợi dây chuyền thật bự quấn
quanh cái cổ lực lưỡng và hồng hào. Ông chủ cười rất có duyên. So với hồi còn
là anh kép cải lương lệu dệu đi bụi mấy tỉnh miền Ðông cùng với Hoàng thì bây
giờ một trời một vực.
-
Thưa, em lấy thêm ly cho ông chủ.
Ông
chủ xua bàn tay có nhẫn hột xoàn kêu thôi. Anh em gặp nhau là nhậu chung ly.
Mọi hình thức xã giao đều làm tình bằng hữu dễ rạn nứt. Hoàng nói khéo để cô bé
đi xuống nhà, anh nói là có một vài chuyện riêng với ông chủ. Cô bé trước khi
khép cửa ngập ngừng nhìn Hoàng. Anh cười, cô bé cũng hơi hơi cười.
-
Cụng một ly đã. Ly này của con nhỏ hả. Toàn mùi son. Thơm thật, mùi con gái nhà
lành.
Bà
chủ không ghen nhưng ông chủ rất ngoan. Tất cả những lứa nhân viên mới đều do
ông chủ tuyển. Không bao giờ có chuyện Mã Giám Sinh ăn vụng Kiều. Chín mươi
chín nơi tung hoành thì đương nhiên cũng phải có một nơi ỏn ẻn. Lý thuyết là
vậy nhưng thực tế định lực cũng phải rất dày.
-
Anh có rảnh tiền không? - Hoàng vừa hỏi vừa mân mê chén rượu.
-
Có mấy khi anh có nhiều tiền đâu.
-
Em cũng chỉ cần vừa vừa.
-
Dạo này kẹt thế à?
-
Tối nay em muốn ngủ khách sạn.
-
Anh xuống hỏi chị nhá.
-
Anh em mình cụng ly nữa cái đã.
Rượu
chảy qua cổ mang vào sâu trong một cảm giác trống rỗng. Bình thường thôi mà,
mọi chuyện đều bình thường. Nhã nói mình hay làm phức tạp thêm vấn đề. Hoàng lè
nhè.
-
Ở đây anh còn bao nhiêu?
Ông
chủ móc ví thật thà đếm. Không ít lắm, ví mỏng thôi nhưng toàn tiền chẵn, ngày
xưa ông chủ cũng có ví, da mặt mịn hơn cái ví này và nó luôn luôn phồng căng.
Ngăn ngoài kẹp một cuốn lịch nhỏ. Ngăn giữa vài ba cái thư tình từ vài ba địa
chỉ khác nhau. Ngăn trong cùng trân trọng giữ mấy vé xổ số mua hóng hớt ở vệ
đường. Không có tiền mặt và hồi ấy bao giờ cũng là vậy.
-
Em cầm tất nhớ.
-
Ừ. Anh uống nốt ly sô đa này kẻo bị nấc.
Ông
chủ bị nấc thật, những người đẹp giai quá mà bị nấc trông tội nghiệp.
-
Bao giờ thì cậu trả?
Cách
đây chừng gần năm, anh kép cải lương gầy hơn so với bây giờ khoảng hai mươi ký,
khi vay tiền Hoàng đều hẹn rõ ngày trả. Rồi cả hai cùng quên. Hoàng cố nhớ cái
lần cuối cùng ông chủ vay của anh.
-
Hôm em đưa anh sang chơi bên Bình Thạnh, đấy là lần đầu tiên anh gặp chị. Hình
như anh cũng có hỏi vay em năm chục ngàn.
Hoàng
khoái trá nhìn bộ râu được tỉa nắn nót của ông chủ giật giật. Thằng Bích nói
nhiều câu đúng phết, ở với chó phải sủa giọng chó.
-
Nếu anh có xuống dưới nhà thì nói trước với chị là cho em thiếu hai chai này. -
Thừa thắng Hoàng xốc tới. - Rồi kêu em con nhỏ vừa nãy.
Ông
chủ bước ra với vẻ mặt hơi buồn. Ông chủ nói là rất đau lòng khi thấy bạn không
còn phong độ như trước. Sự tha hóa của Sài Gòn không chừa một ai. Trái tim quặn
đau hơn bao giờ hết vì từ xưa tới nay vẫn coi Hoàng là một người khác. Diễn
viên chuyên vào vai bi trên sân khấu ứa nước mắt trước cảnh đời trần trụi.
Hoàng ngồi lại một mình và tự thề là phải uống hết chai rượu. Khi cô bé xẹc via
không gõ cửa bước vào thấy ông khách kê ba chiếc ghế ngủ ngon lành. Hoàng tỉnh
rượu vào cuối buổi chiều. Ðã hết mưa và ngoài cửa sổ nhìn ra phố xe máy đã bật
đèn. Trên mặt bàn duy nhất dang dở chai rượu. Lòng bàn tay cồm cộm một tờ giấy
gập tư. Hoàng đọc nét chữ tròn tròn. “Anh say quá, bà chủ kêu để anh ngủ. Em
phải tiếp khách ở phòng số 4. Anh nhớ là nói gì với em không. Em chờ.” Hoàng
lấy chai gõ xuống mặt bàn kêu tính tiền. Anh bảo thằng nhỏ cầm hai tờ tiền chẵn
đưa sang cho Khanh. Hoàng xuống dưới nhà. Ông chủ chở bà chủ đi lễ chiều. Hoàng
trả hết chai Remy Martin, chỉ còn đủ tiền xích lô về nhà Mỹ. Cửa bấm khóa ngoài,
Hoàng vẫn giữ chìa suốt đêm qua. Căn nhà được thu dọn sạch sẽ, chắc là Cam Ly.
Hoàng vào buồng tắm vặn vòi hoa sen, nước miên man chảy và anh tỉnh rượu hẳn.
Không bao giờ mình uống rượu nữa, sẽ không bao giờ. Hoàng chán nản cười khẩy,
thế là đã bao nhiêu lần. Chuông đồng hồ đánh sáu tiếng, Hoàng ngồi thừ trên tấm
đệm trải trên sàn nhà. Bốn bức tường hoang mang một màu ghi nhạt. Lạy Chúa, xin
Người đừng bỏ con.