Cơ hội của Chúa - Chương 06 - Phần 1

Chương sáu

1

Những
trang viết tay còn sót của Hoàng được đánh số từ 1 đến 9 trong tập bản thảo tự
tay Hoàng đốt lần thứ ba. Nhã lưu lại ở Album ảnh đầy tháng bé Phương Phương.

Mùa
thu. Dòng sông Bộc đục lờ đờ trôi, gió nhẹ vờn lau sậy. Mênh mang nước. Bờ bãi
hai bên nhìn không rõ trâu hay ngựa. Dọc rìa sông, một bãi bồi chạy chênh chếch
ra giữa dòng. Hoang mang là gió. Một người đàn ông đang ngồi câu. Rất khó đoán
tuổi. Cũng có thể là ba mươi, cũng có thể là năm mươi. Bố y phong phanh. Cạnh
giỏ tre thô là một nậm rượu. Cần câu gióng trúc cong queo, đốt sù sì lởm chởm
rễ mọn. Thỉnh thoảng giật câu. Lúc được lúc trượt hoặc cá to hoặc cá nhỏ. Không
thấy reo mừng, không thấy nuối tiếc. Ðương nhiên là uống nhiều rượu. Chừng chốc
một, buông câu với nậm ngửa cổ tu từng ngụm lớn. Rồi thong thả nhìn sông. Người
ngồi câu với sông với nước, tạo vẻ hài hòa như dáng trời đất. Tự nhiên không
chướng. Bỗng phía đầu thượng nguồn có tiếng xe ngựa. Rõ dần. Chừng ba cỗ xe
song mã. Hoa đồng cỏ nội chim trời nháo nhác ồn. Cách người ngồi câu khoảng năm
trượng xe dừng. Hai người đàn ông bước xuống, phong độ sang trọng ăn mặc quyền quý.
Một già, một trẻ. Người trẻ để ria theo kiểu minh tinh Clar Gable ôm tráp sơn
son thếp rồng vàng vờn mây. Tiến gần sát người ngồi câu, hai người cúi mình thi
lễ:

-
Hai chúng tôi là Quý Cống, Lư Triệt. Ðại phu nước Sở xin được yết kiến hiền sĩ.

Người
ngồi câu vẫn quay lưng không đáp. Gió sông thổi phồng áo vải. Cần gióng trúc
điềm đạm không rung. Lư Triệt, quan đại phu trẻ ý chừng nóng ruột, to giọng.

-
Chúa chúng tôi là Sở Y Vương, mộ danh Trang lão nhân xin đem nghìn vàng ra mắt
ngài. Rất mong ngài đoái tới chỉ giáo vài đường về chính pháp trị nước. Ðược
vậy, nội ngày mai, Chúa tôi thân đến tận đây xin trao ngài ấn Tướng quốc.

Ðộc
điếu ông, họ Trang tên Chu, vẫn không quay lại rầu rầu giọng:

-
Tôi nghe nước Sở có rùa thần, chết đã ba nghìn năm. Nhà vua đựng trong hòm vải
cất ở miếu đường. Ngày sóc ngày vọng hương trầm nghi ngút phụng kính. Con rùa
ấy mong chết để lại bộ xương quý giá hay mong sống mà lê đuôi trong bùn lầy.

Hai
quan Ðại phu, thuở thanh niên sáu lần trốn nghĩa vụ quân sự, đồng thanh đáp:

-
Mong sống mà lê đuôi trong bùn lầy.

Trang
Chu bật cười.

-
Hai người về đi, tôi sẽ lê đuôi trong bùn lầy.

Tiếng
xe ngựa khuất dần. Gió thu rì rào trên cây thu. Trang Tử cuốn dây câu lững
thững đi bộ về nhà. Nhà Trang đầu xóm, ba gian lợp gianh vách đất. Một sân
rộng. Một vườn cây. Có mấy công ty liên doanh gạ mua xây khách sạn du lịch, trả
bốn chỉ một mét. Trang đứng từ ngoài đường gọi vọng vào. Vợ Trang đang ngồi tán
láo với mấy bà hàng xóm chạy ra. Trông khá đẹp. Cách đây hơn năm ra tỉnh học
nghề may. Trong bụng thì rất thích sự sinh hoạt trác táng xa xỉ của thành thị
nhưng ngoài thì dè bỉu chê bai bọn dân phố không tiết hạnh thủy chung. Trang
ghét thói đong đưa, giả chết. Vợ Trang nghe lời tình nhân là thằng cò nhà định
ra mộ cắt mũi chồng. Trang trong quan tài cười nhạt, vợ xấu hổ lắm, bớt xoen
xoét miệng về nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Khổng Tử bảo “Phụ nhân nan hóa”. Biết
vậy, đành vậy. Gượng gạo cũng không được. Trang đưa xâu cá dặn vợ luộc tất. Vợ
Trang cười nịnh, thông báo:

-
Nhà có khách đấy, thầy Huệ đến chơi.

Trang
vẻ không vui cũng không buồn đi ra ngoài giếng tắm. Hơn tháng trước đây, Trang
có việc đi ngang nước Lương. Thật ra, người buồn bực, chỉ muốn loanh quanh
giang hồ vặt. Cũng định bụng đến chơi thăm bạn thân là Huệ Thi đang làm tướng
quốc. Bọn Ðại phu trong nội các mới lập đến nhà riêng Huệ Thi to nhỏ:

-
Trang Tử đến nước Lương thuyết vua, muốn thay thầy mà làm tướng.

Thầy
Huệ sợ, ngầm sai công an mật lùng trong nước ba ngày ba đêm. Cuối cùng thấy
Trang nằm khểnh trong khách sạn mini đọc báo lá cải. Trang ra mắt Huệ cười mà
bảo:

-
Phương Nam có giống chim, tên nó là Uyên Sồ, bác biết nó chăng. Uyên Sồ cất
cánh từ biển Nam bay sang biển Bắc. Phi ngô đồng chẳng đậu. Phi hạt luyện chẳng
ăn. Phi suối ngọt chẳng uống. Lúc ấy Cú ta được con chuột, Uyên Sồ bay qua. Nó
ngẩng lên trông mà kêu “hóe”. Nay bác muốn đem nước Lương nhà bác mà “hóe” tôi
sao.

Thầy
Huệ ngượng, thầm rủa bọn dưới cấp thích nịch. Huệ Thi bảy tuổi thông Tứ thư.
Mười tuổi đọc hết Ngũ kinh. Xong lớp mười hai thi đại học ba môn hai mươi chín
điểm đủ tiêu chuẩn xuất ngoại. Ngao du giẫm nát thiên hạ, được coi là tổ sư của
triết phái danh học. Nhưng Huệ thi không phải là hạng hủ nho nhá văn nhai chữ.
Ðọc sách quên sách chỉ cốt đạt ý. Trang Tử quý tính ấy mà coi như bạn. Trang
thường bảo:

-
Người đất Sính lấy vữa đắp lên đầu mũi như cánh ve. Rồi sai Phó Thạch đẽo nó.
Phó Thạch vung búa nghe thành tiếng gió mà đẽo. Vữa hết mà mũi không sứt. Huệ
Thi là người đất Sính chăng. Ta là Phó Thạch chăng.

Huệ
tử đàm luận với Trang Tử thường bị cùng lý. Nhiều lúc phẫn chí chỉ mặt Trang
thề tuyệt giao. Nhưng cứ về đến nhà tâm chính lại giận tự tan. Hối quá, vòng
sang nhà Trang xin lỗi. Mười lần vậy cả mười. Hai người chơi bời đi lại mười
mấy năm với nhau mà không nhạt. Trang dội được gần ba gầu nước, chợt nhớ ra
bánh Camay mua hôm nhân đi du lịch, vội lên nhà bếp lấy xuống gội đầu. Tắm
xong, Trang thong thả mặc áo thô đi lên nhà trên. Huệ Thi râu để ba chòm ngồi
xếp chân vòng tròn trên phản, đang đọc bản thảo Nam Hoa kinh chương Tiêu dao du. Ngẩng lên nhìn tóc Trang ướt, nói:

-
Chà, xà phòng ngoại. Tưởng bác là người giản dị hóa ra cũng cầu kỳ gớm.

Trang
Tử rót một chén nước, khẽ cười.

-
Người có Ðức tiếp với vật mà chẳng chối. Dùng với vật mà chẳng lụy vào vật.
Camay dạo này sẵn hơn chanh, cớ gì phải gội bằng chanh để tạo vẻ thanh sạch.

Vợ
Trang đã luộc xong cá, để hết vào tô lớn bày ra. Chiều muộn. Trăng thu tròn
chới với ngọn tre. Trang với hũ rượu rót đầy hai chén. Thường thường, những
buổi như thế này, hai người song ẩm luôn qua đêm.

-
Mời bác.

-
Có lẽ tôi xin phép, dạo này thấy hơi ngâm ngẩm về bao tử. Hơn nữa thời gian tới
tôi định đi sâu vào sáng tác.

-
Tùy bác thôi. Trái đất này mang ta đi là vì ta có thể xác. Làm cho ta mệt mỏi
vì ta sống. Cho ta rỗi rãi là vì tuổi già. Cho ta nghỉ ngơi là vì ta chết. Cho
nên khéo nuôi cái sống của ta là khéo liệu cái chết của ta. Tạng của bác, thích
tham chính để cải phép nước. Thích viết sách để giáo hóa nhân gian. Tạng của
bác vậy, tùy bác thôi. Biện sĩ lấy cãi nhau làm thích. Ðàn bà lấy ngồi lê đôi
mách làm hay. Bác thấy giữ gìn sức khỏe là điều tốt thì bác cứ giữ.

-
Sức khỏe đành rằng là quan trọng nhưng còn có cái hơn. Ðó là tư cách là phong
độ. Bác cứ lang thang, cứ uống rượu dài dài thế này tôi e cách sống của bác nát
mất. Hoa tàn để hương, người mất để danh. Bác chủ trương vô vi, cuộc sống vô
nghĩa. Như vậy nên chăng.

Trang
cười lớn:

-
Thế nào là nghĩa, thế nào là vô nghĩa. Thế nào là phải, thế nào là quấy. Kẻ
biết đạo tất đạt về lý. Kẻ đạt lý tất rõ về quyền biến. Con người ta ở đời đều
thích người ta đồng với mình mà ghét người khác mình. Thế nên vô tình hữu ý ai
cùng thích áp đặt. Cho hành vi của mình xuất từ ý thiện. Bác Huệ này, xưa kia
chim biển đậu trên cánh đồng nước Lỗ. Vua Lỗ ngự ra chuốc rượu cho nó ở nhà
Thái miếu tấu Cửu thiều mà làm nhạc. Sắp trâu bò để làm món ăn. Chim biển nhớn
nhác lo buồn mà không dám ăn một miếng, không dám uống một chén. Ba ngày mà
chết. Ðó là vua Lỗ, lấy cách nuôi mình mà nuôi chim, chẳng phải lấy cách nuôi
chim mà nuôi chim. Kìa, lấy cách nuôi chim mà nuôi chim thì nên cho nó đậu ở
rừng sâu, chơi ở đồng ruộng, bơi trên sông hồ, ăn bằng tôm cá, theo hàng lối mà
chạy, ung dung mà ở. Nó cứ nghe người ta nói là không thích, huống chi còn léo
nhéo. Những bản Sonata của Bethoven hay đoản khúc của Beatles người nghe thì
xúm quanh, chim nghe thì bay đi. Nhìn các hoa hậu báo Tiền Phong cá chỉ muốn
lặn. Vì sao cá ở dưới nước thì sống người ở dưới nước thì chết. Chúng khác với
nhau, nên chúng yêu ghét khác nhau. Do vậy những bậc thánh ở đời không giống
nhau về tài. Không đồng nhau về việc. Danh dừng ở thực.

Trang
nói nhiều, khát, chiêu giọng bằng ngụm rượu lớn. Huệ Thi hỏi:

-
Thế theo bác con người tiêu chuẩn là như thế nào.

-
Tôi không biết. Tuy nhiên bậc chí nhân lúc ngủ không mộng, lúc thức không lo.
Không biết thích sống, không biết ghét chết. Bề ngoài họ có nghĩa mà không bè
đảng như không đủ mà không thừa phụng. Nhởn nhơ họ vuông mà không rắn. Bao la
họ trống rỗng mà không phù hoa. Họ biết dừng ở chỗ mình không biết. Bậc thật là
người, có hình của người nhưng không có tình của người. Có hình của người nên
cùng đàn với người. Không tình của người nên phải trái không bận đến thân. Mừng
giận thông với bốn mùa. Có cách hợp với vật mà không ai biết đến đâu mà cùng.

Huệ
Thi gắp miếng cá, hơi tanh, đành nhấp chút rượu:

-
Thôi được. Bác ba hoa thế là đủ rồi. Ý bác mông lung chẳng giúp gì cho người
đời. Các Mác nói: “Tất cả các triết gia chỉ biết giải thích thế giới là thế
này, thế giới là thế kia mà không biết đâu căn bản. Phải cải tạo thế giới.”

-
Bác lại trích lời hậu học. Trí nhớ bác xuất sắc thật. Mà các triết gia mấy ai
đáng gọi là thánh nhân. Nhưng trong đời, hạng thiện ít, hạng bất thiện nhiều.
Thánh nhân làm lợi thiên hạ thì ít mà làm hại thiên hạ thì nhiều. Vì sao, ngựa
ở cạn thì ăn cỏ, uống nước. Mừng thì tréo cổ tựa nhau. Giận thì quay lưng đá
nhau. Dân cũng vậy. Ngậm cơm mà vui vỗ bụng mà chơi. Những bậc được xưng tụng
là thánh nhân, bắt bê lễ nhạc để bó buộc hình người đời. Treo cao nhân nghĩa để
yên ủi lòng người đời. Nên dân bắt đầu cạnh khóe thích khôn. Những bậc thánh
nhân đó, đều biết tìm cái mình không biết mà chẳng ai biết tìm cái mà mình đã
biết. Ðều biết chê cái mình cho là không phải mà không biết chê cái mình đã cho
là phải.

Ðồng
hồ buông bảy tiếng. Bình sinh, Trang điềm đạm ít nói. Cứ ngồi với Huệ đâm nói
nhiều. Cũng dễ hiểu. Ðồ mồi nghèo hũ rượu lớn lại lai rai. Không tán láo đâm
đơn điệu. Trời nhờ nhờ tối. Có ánh đèn pin lia qua sân, ông hàng xóm về hưu năm
ngoái bước vào.

-
Ồ vui vẻ gớm. Chào hai bác.

-
Kính bác ngồi.

Huệ
Thi lấy thêm chén. Trang giới thiệu:

-
Ðây là bác Huệ. Ðây là bác Ðông Quách.

Ðông
Quách tiên sinh trịnh trọng uống. Ðặt chén, xã giao vui vẻ với Huệ Tử:

-
Hai bác đang bàn gì vậy?

-
Dạ, đang bàn về đạo.

Thầy
Ðông Quách quay sang hỏi Trang:

-
Cái gọi là đạo ở chỗ nào?

-
Không chỗ nào là nó không ở.

-
Phải chỉ ra mới được.

-
Ở con muỗi, ở con kiến.

-
Sao mà thấp vậy.

-
Ở đầm sâu, ở vực.

-
Sao lại thấp hơn vậy.

-
Ở hũ rượu, ở sàn nhảy.

-
Sao lại phù phiếm thế.

-
Ở toilette.

Thầy
Ðông Quách sầm mặt buông đũa về thẳng nhà. Bực mình quên cả họp tổ hưu xã.

Tối
hôm ấy Huệ Thi về rồi, Trang say quá đái dầm cả ra phản, ướt chiếc chiếu mới.
Vợ Trang cằn nhằn đủ ba ngày.

2

Hoàng
đến Hải Phòng vào khoảng chín giờ. Một trăm lẻ tám cây số đường trường nhiều
gió và buốt, không thể đi nhanh. Bàn tay không đeo găng, từng đốt muốn rụng.
Anh rời Hà Nội đúng tút tút sáu giờ. Vừa chẵn ba tiếng. Hải Phòng là thành phố
trẻ, nó loay hoay đang lớn. Nhịp đập sinh hoạt vẫn phụ thuộc nhiều vào giờ giấc
hành chính. Nó cũng có những nét riêng của nó. Nếu tiên tri Êdekien gọi Giê-su-gia-lem
là một con điếm đàng, thì tạm gọi Hải Phòng là thằng cao bồi. Các thiếu nữ
trông thô, nói giọng hơi đục. Nhà văn Nguyễn Công Hoan cho rằng tại nước sinh
viên ít, làm bộ mặt thành phố mất vẻ mềm mại. Hoàng vòng qua Nhà hát lớn, lưỡng
lự tạt vào một phố nhỏ có cái biển gỉ lòe nhòe tên. Một gánh phở vỉa hè buổi
sáng kha khá đông người. Kinh nghiệm nhiều năm lang thang cho rằng chắc ăn cũng
được. Anh gọi chén rượu, một cỗ lòng gà quấn hành chần. Nói chung, rượu vùng
Ðông Bắc mới uống thấy nhạt và hơi ngang, nhưng quen dần cũng là tông rượu dễ
chịu. Hoàng xuống đón Thủy. Hết tháng cô mới xong thực tập, nhưng chủ nhật tuần
sau Tâm ăn hỏi. Thủy xa Hà Nội mới hơn tuần. Hôm cô vào giáo vụ khóc lóc mãi,
cũng được đồng ý chuyển lên Hà Nội. Nhưng đã trót phân thì cứ đi cho tròn
tháng. Thủy vẫn giận Hoàng. Hôm anh đi tiễn, cô khó chịu lắm. “Hãy để tự tôi
nguôi ngoai.” Biết làm sao được, Hoàng sốt ruột nhưng lại sợ người yêu đành
hanh. Buổi sáng thành phố cảng không ồn ào, nhưng khá bụi. Hoàng uống sang chén
thứ hai, tay đã đỡ cóng hơn. Bỗng vỉa hè bên kia đường nhốn nháo. Một gã đàn
ông lực lưỡng, săn sắt tuổi bốn mươi đang đấm đá một thiếu phụ gầy gò. Bà hàng
phở thở dài. “Lại vợ chồng nhà Dần.” Gã vũ phu một tay túm ngực áo tay kia tát
lấy tát để vào mặt vợ. Hoàng đặt chén xuống. Mọi người đang ăn phở quay sang
nhìn. Xung quanh cặp vợ chồng, đã tròn tròn một đám đông, dửng dưng xem. Ðứng
sát vỉa cống đầu kia, ba đứa trẻ, chắc là con, mặc nhếch nhác ôm nhau lập cập
khóc. Chị vợ vùng chạy sang bên vỉa hè Hoàng ngồi. Gã kia đuổi theo, kiểu chạy
loạng choạng của kẻ đã uống không dưới một lít. Gã sáp tới gần, chị vợ đổi
hướng nên gã chới với túm trượt. Ðám đông sắc sảo bình luận, thiên về ủng hộ kẻ
yếu. Một ông đeo kính, tay cầm Từ điển Pháp Việt, ví cú quặt của chị vợ y xì
như động tác đảo người lừa bóng của một danh thủ đất cảng. Cuộc cút bắt tăng tốc
độ. Chị vợ đột ngột vấp, ngã sóng soài. Cái gì nhói làm Hoàng bật lên. “Bình
tĩnh, anh gì bình tĩnh đã.” Hoàng thẳng người chận gã đàn ông. Gã kia khựng lại
ngơ ngơ một lúc nhìn Hoàng không hiểu. Chợt gã bật cười nghe khùng khục như
nghiến đá. Quả đấm nhanh đến nỗi Hoàng chẳng cảm thấy đau. Anh bật ngửa ra vỉa
hè. Hàng phố xung quanh cười rộ lên. “Ðánh nhau như xi-nê.” Bà chủ quán giải
khát gần đấy, cố nhịn cười hổn hển nói. Suốt nửa tháng sau, khi kể cho khách
quen cảnh một thanh niên bị đấm ngã tơ hơ, bà chủ quán vẫn không sao nhịn được
cười.

Hoàng
thanh toán tiền rượu. Ðám đông cổ vũ Hoàng tỏ vẻ thất vọng khi thấy anh ủ rũ
không phản ứng. Gã đàn ông ngà ngà rượu, hình như cũng hả, đứng nhún nhảy kiểu
võ quyền Anh miệng vui vẻ hét: “Nào, nào!” Hoàng lên xe đi mãi hai vòng mới
kiếm được quán cà phê thật vắng. Anh kêu ly cà phê đen và điếu ba số. Chủ quán
là một thiếu phụ mơ màng, mắt long lanh đưa tình. Theo sách tướng phải đi hai
lần đò mới đứng số. Hoàng hỏi xin ít dầu hỏa. Trời lạnh, chỗ bị đánh sưng húp
và đau nhức. Thiếu phụ chủ quán rất nhiệt tình, đưa Hoàng mượn cả chiếc khăn
mùi xoa Trung Quốc thêu hoa leo.

-
Anh vừa từ Hà Nội xuống.

-
Vâng.

-
Chắc ngã xe hả.

-
Vâng, chỗ Quán Toan. Tôi cua gấp quá.

Thiếu
phụ nhìn cái Dream, lấy làm mừng cho ông khách là xe không bị xước sơn. Kể
chuyện hôm nọ cậu em, cũng phi Dream đi nhảy đầm, uống nhiều bia ngã vỡ hết xi
nhan, mất đứt chỉ rưởi. Hoàng an ủi là của đi thay người. Thiếu phụ chủ quán
uốn éo váy hoa đi vào buồng trong, bật băng nhạc có ca sĩ Tuấn Vũ hát bài đêm
đêm ngửi mùi hương. Hoàng ngồi quay mặt ra phố, chầm chậm hút thuốc. Tại sao,
tại sao mình lại làm vậy? Mình đã thề với mình biết bao lần là không nhấp nhổm
nữa. Một thằng đàn ông uống rượu rồi đánh vợ. Chuyện vặt liên tục của đời
thường. Mình đã chứng kiến không ít điều khốn nạn. Liên quan gì đến mình. Buổi
tối bọn họ lại làm lành. Gã đàn ông kia có thể đạp xích lô, có thể là phu khuân
vác hoặc có thể là công nhân tay nghề bậc cao của một nhà máy cơ khí nào đó.
Cuộc sống đơn điệu theo chiều xoáy một đinh vít. Sau một việc nặng thì kiếm
chén rượu để hưng phấn tinh thần. Lâu thành quen. Bảo nghiện ngập cũng được.
Rượu gây ra nhiều ảo ảnh. Hoặc chua chát hoặc hạnh phúc. Nhưng ít nhất người
uống cũng được bước chân sang thế giới khác. Khi bị tuột ra khỏi, đối mặt với
muôn năm đời thường. Con nhõng nhẽo. Vợ ốm. Ðã mệt đứt hơi lại còn nghe cằn
nhằn. Mà con đề nuôi nửa tháng nay nhất quyết không chịu ra. Thế thì phải đánh
vợ thôi. Có cái gì bải hoải vô nghĩa đầy phi lý quẩn quanh thắt ngang cổ họng
Hoàng. Anh gọi chủ quán tính tiền. Thiếu phụ thay bộ pyjama mới màu hồng nhạt,
liếc Hoàng. Ra đến cửa Hoàng sờ lại chỗ bị ăn đòn. Hình như sưng hơn.

Ngân
hàng Hải Phòng xây từ thời Pháp. Kiểu kiến trúc gotique đá xám toát ra vẻ lành
lạnh uy nghiêm của đồng tiền. Hoàng trình giấy ở phòng bảo vệ. Gửi xe. Tích kê
ghi số 461. Ði ngang qua sân, Hoàng gặp một thanh niên rất trẻ, để ria rậm ôm
một mớ chứng từ. Anh ta lấy vai huých Hoàng.

-
Có lửa không?

Hồi
Hoàng bé, ông ký nhà băng thi thoảng lại dắt con ra cơ quan. Phòng kế toán ngân
hàng Hà Nội nhan nhản phụ nữ. Ông cán bộ lưu dung năm nào cũng bị phòng tổ chức
gọi lên dọa cho về mất sức ngồi cóm róm trong góc. Hoàng ngồi xem bố hoặc viết
bằng khen hoặc đánh số thứ tự sổ lưu. Các cô các bà sồn sồn đi ngang thò tay
cấu véo tháng bé mảnh khảnh đẹp giai. Trong phòng duy nhất một gã thanh niên.
Hình như là con sếp. Mặt béo no nê là thỏa mãn. Chị em trong phòng khá nhiều,
cùng chẳng hiểu tại sao. Gã béo sống lâu với đàn bà nhiễm âm khí, ưỡn ẹo đi lại
ăn nói. Thi thoảng nói đùa rất tục. Gã lấc cấc, ông ký còm sợ một phép. Từ đấy
Hoàng mang nặng sự khó chịu với những thanh niên cống hiến tuổi thanh xuân cho
ngành ngân hàng. Hoàng sờ túi tìm bật lửa, gạt nấc ga hết cỡ. Gã thanh niên
ngậm điếu Héro ghé sát xuống. Tia lửa phụt dài chừng mười phân. Bật lửa mác
Malbro, Hoàng mượn của cậu Khánh cùng phòng, thấy tốt quá rất ngại giả. Có mùi
tóc cháy khen khét. Gã thanh niên be be thét lên. Hoàng chân thành xin lỗi, nhã
nhặn hỏi thăm phòng tín dụng. Lên đến gác hai, anh rẽ phải. Cửa phòng mở một
cánh. Hoàng dừng trước ngưỡng rụt rè nhìn. Bàn giấy của tất cả các công sở có
không khí giống nhau. Hoàng nhận ra mùi vị quen thuộc của cơ quan mình. Hai bà
trung niên đan len. Ở góc phòng, ba thiếu nữ đang túm tụm bình phẩm chiếc áo
khoác mới của thiếu nữ thứ tư.

-
Xin lỗi các chị, làm ơn cho được hỏi thăm nhờ một chút.

Mọi
người đều quay lại nhìn Hoàng. Một bà ngồi bàn riêng áng chừng trưởng phòng. Là
người duy nhất có vẻ đang làm việc. Trước mặt, để tập công văn in ronéo. Một
xấp giấy tờ to nhỏ các khổ kẹp trong cặp ba dây. Khuôn mặt khô khan với kính
trắng, với bím tóc chạy vòng lửng qua gáy. Một nữ mẫu tượng điển hình của nền
mỹ thuật công chức thập kỷ sáu mươi. Bà ta ngẩng lên.

-
Anh hỏi gì.

Hoàng
lễ phép.

-
Dạ, hỏi cô Thủy là sinh viên thực tập người Hà Nội.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3