Cơ hội của Chúa - Chương 05 - Phần 2

Bác sĩ vừa nốc bia vừa kể về đêm đi chơi gái suýt chết hụt ở ngoại ô Berlin. Tâm cười a dua. Bác sĩ vào trước, Tâm thanh toán tiền bia rồi vào ngồi với mẹ. Anh kiếm nước sôi chần mấy lòng đỏ quả trứng ép bà cụ ăn hết. Chừng nửa tiếng sau, Huyền vào. Ðứng từ cửa phòng cô đã bật khóc. Mẹ chồng tuơng lai cảm động, mát ruột vì được dâu thảo. Huyền gục vào vai Tâm sụt sịt. Cô nhớ anh quá. Tâm đột ngột đi xa không báo cho Huyền. Mấy bà nhà quê ở giường bên ngơ ngác nhìn người thành thị thể hiện tình cảm. Khóc khoảng ba phút, Huyền chợt nhớ ra là vào thăm người ốm. Sắp-là-con-dâu bẽn lẽn quay sang hỏi thăm sức khỏe sắp-là-mẹ-chồng. Tâm qua phòng Y vụ tính viện phí. Nhất quyết sáng mai phải đón mẹ về.

Rét tháng giêng năm nay đậm. Ðộ lạnh bảo quản thực phẩm và nuôi dưỡng bài bạc. Sắp sang tháng hai âm, phong vị Tết vẫn còn lãng đãng đọng lại ở những nhà dư dật. Thanh niên từng nhóm rủ nhau đi lễ những chùa gần quanh Hà Nội. Hàng Trung Quốc về nhiều. Cửa khẩu Lạng Sơn liên tục thủng xuống bia quả táo, đĩa con công. Các nhân viên thuế quan thi nhau xây nhà. Tâm đỗ xe ở đầu phố Hàng Buồm. Những dãy giá gỗ để hàng chất ngất những thùng xanh thùng đỏ. Tâm mua năm bát sâm Tàu, ở nhà đang có hai người cần bồi dưỡng. Bé Phượng đã đi làm, nó làm kế toán ở chỗ Tâm. Dưới sân, Huyền đến sớm, đang giúp bố anh giặt quần áo, chỉ mười một ngày nữa Huyền chính thức là dâu con trong nhà. Mẹ anh đang thiu thiu ngủ. Tâm rón rén để mấy bát sâm ở đầu tủ ly rồi lên phòng Hoàng. Xây xong nhà, Hoàng dược ngăn một phòng khoảng chín mét vuông trên tầng hai. Một bàn, một ghế đều bằng trúc. Một giường cá nhân khung nhôm Liên xô. Một bức tượng Lão Tử không rõ chất liệu, Nhã nhờ mua ở Ðài Loan tặng Hoàng. Một ảnh trái tim Ðức Mẹ rất to lồng khung kính. Nhưng căn phòng trở nên lộn xộn là do sách báo vứt lung tung. Tâm gõ cửa lấy lệ. Hoàng nằm đầu gối cao vơ vẩn nhìn trần nhà. Tâm hất tờ Telegrap Sunday ra khỏi ghế, lấy chỗ ngồi.

- Anh đỡ sốt chưa, liệu ngày kia có đi được với em sang nhà Huyền không?

- Anh bình thường mà.

- Anh đừng uống rượu nữa.

Tâm rút bao ba số. Hoàng xin em một điếu nhả khói vẻ khoái trá.

- Sao hôm mẹ mổ anh không bảo cái Hạnh nó đưa tiền?

- Chữ ký của anh không giống em.

- Hôm cuối tuần ở trong kia, tự nhiên em thấy bồn chồn lạ.

- Bao nhiêu người mong em. - Hoàng nhỏm thẳng người dậy. - Rót anh xin chén rượu. Cái chai để dưới gầm bàn ấy.

Tâm ngần ngừ thò tay xuống gầm bàn. Hoàng lấy hai cái ly chân cao lịch sự mời cậu em:

- Rượu ngon không. Hôm nọ có ông thầy cũ lên chơi cho một chai.

- Tình hình ở cơ quan anh thế nào?

- Vẫn vậy. Chẳng có việc gì để làm.

- Chị Thủy biết anh ốm không.

Hoàng nhấp ngụm rượu.

- Thủy vẫn đang thực tập ở Hải Phòng.

- Sao anh không xuống đón chị?

- Anh có xuống.

Tâm sang Ðức được ba tháng, anh viết một lá thư dài về cho Hoàng. Cũng chẳng thanh minh nhiều. Hoàng viết thư cho em. Ðùa đùa, chua chát. Khoảng một năm trước khi về, Tâm nhận được một thư của Hoàng. Rất lạ. Cách hành văn của một người đang say rượu. Thư nói nhiều về một cô bé tên Thủy.

- Anh đã yêu, Tâm ạ. Rất khó tin là mình có được hạnh phúc đó. Sáng danh Chúa, Thiên Chúa đầy quyền năng đã sáng tạo ra nàng. Anh tưởng mình đã mất tất. Hoàn toàn bế tắc. Nàng đã khai thông để anh làm lành với cuộc đời. Em giai của anh ơi, anh hạnh phúc.

- Hôm cưới em đặt tiệc mặn ở Phú Gia, được không anh?

- Làm ở nhà thì vui hơn.

- Nhưng nhà mình không có người.

- Mẹ hỏi anh là bảo em có định làm phép cưới không.

- Thôi. Em lâu lắm rồi có đi nhà thờ đâu. Kinh kệ câu nhớ câu quên. Mà bây giờ hai đứa vào cha học bổn cũng ngại lắm.

Tâm bừng bừng mặt. Rượu nặng thật. Khi về nước mới gặp Thủy. Cảm nghĩ đầu tiên ở Tâm là trẻ quá, và xinh. Sẽ rất nhõng nhẽo đây. Tâm hơi lo cho anh giai. Những người Hoàng quen đều lớn tuổi, từng trải. Thời gian, nói chung là tốt, nó có kiểu giáo dục riêng của nó. Dửng dưng tàn nhẫn. Khi hiểu được nó thì không còn ở tuổi đôi mươi nữa. Có người, từng ví thời gian là một trường đại học. Tuyệt đối khác. Nó không cho phép sinh viên thi lại cho dù hối lộ được cả hiệu trưởng. Tâm uống một chén đứng dậy. Ra đến cửa phòng, anh ngần ngừ dừng:

- Anh có mồi đĩa tiết canh không, em bảo Huyền nó ra mua cho anh nhé.

Hoàng ầm ừ, khe khẽ nuốt nước bọt. Hẳn là mẹ đã kể. ông em nghĩ cho mình ăn tiết canh chắc là để bổ máu.

Tâm xuống nhà. Bình đang ngồi nói chuyện với mẹ anh và Huyền. Sang năm nay Bình béo trắng ra trông lại càng đẹp trai.

- Nghe tin bác mổ cháu định lại thăm ngay. Bận quá. Sáng nay có anh bạn trong kia ra chơi, đưa cháu mấy quả dưa, cháu mang biếu bác.

Người ốm yếu ớt cảm ơn. Huyền lấy dao bổ dưa hấu, Bình quay sang Tâm.

- Cậu định ăn hỏi bằng ô tô hay xích lô.

- Cụ bà mệt có lẽ bỏ khâu ăn hỏi.

Huyền nhăn nhó. Bình cười.

- Cùng lắm là hoãn ngày khác. Cưới xin là chuyện đại sự, không làm phiên phiến được đâu. Họ nội đã vậy còn họ ngoại. Thưa bác, có phải đúng thế không ạ.

- Anh dạy quá đúng. Còn mày Tâm ạ, chuyện người lớn đừng có đùa.

Tâm cười. Anh quay lại hôn nhẹ lên trán Huyền.

- Vậy hoãn lại nửa tháng nghe cưng.

Mùng sáu tháng hai âm, trời vẫn rét. Tâm đi hỏi vợ. Năm chiếc xích lô dành cho các cụ. Nhã ngồi xe thứ hai với mẹ Tâm. Thanh niên đi xe máy. Bình đèo chú rể. Sát đến giờ vẫn không thấy Thủy. Hoàng uống rượu suốt tối qua ngà ngà ôm eo Thắng. Con bé Phương Phương bị kẹp giữa đang cọ quậy. Các cụ cãi nhau mất mười phút là có đốt pháo trước khi xuất hành hay không. Phe kiêng đốt an cư ở Hà Nội đã lâu. Phe đòi đốt vừa ở quê lên Hà Nội hôm kia, ề à uống rượu tối ngày. Toàn dân đạo gốc rất bực mình “vì cô nó đã để thằng Tâm không làm phép cưới.” Mọi người phải xúm vào can hai ông bác họ suýt đánh nhau. Ðến đầu phố nhà gái, bốn bên hàng xóm ùa ùa chạy ra xem. Huyền có nhiều bạn giai nên mọi người tò mò muốn biết mặt chú rể. Nhà gái trịnh trọng ra đón khách. Nhà chật. Các cụ bị lèn như cá hộp. Một cụ ở phe đốt pháo bị gót giày đầm của một bà nạ dòng phe không đốt pháo xéo phải, la oai oái. Bố mẹ cô dâu mặt tươi vẻ nhẹ nhõm. Kể từ đây chính thức tống đi một của nợ. Dưới Huyền còn ba em gái. Ðại diện bên nhà giai, một bà bác đằng ngoại, béo lắm. Hai mươi nhăm năm thâm niên bán hàng xén ở chợ Ðồng Xuân. Khi nãy phải ngồi một mình một xích lô nói giọng ngân nga.

- Thưa các cụ, các ông các bà cùng toàn thể bạn bè hai cháu Tâm và Huyền. Hôm nay nhân ngày lành tháng tốt giờ chẵn. Chúng tôi thay mặt họ nhà giai đem cơi trầu đến thưa chuyện cùng với các cụ, các ông các bà bên này. Trước là xin phép được thông gia, sau là hoàn tất việc định ngày cho đôi trẻ đi ở riêng.

Huyền từ trong buồng ra chào họ nhà trai. Mặt trang điểm giống Nhã Phương khi hát bản tình ca Lan và Ðiệp. Váy đỏ. Trời lạnh nên chân hai lần đi bít tất vẫn run bần bật. Tâm cười buồn, nhìn xung quanh tìm sự an ủi. Cái gì cũng có giá của nó. Muốn lấy vợ phải chịu đựng. Lâu lắm rồi, đêm hôm đó Tâm về nằm mơ thấy Huyền.

3

Tôi có thói quen ghi nhật ký. Quyển nhật ký từ năm cấp hai phổ thông vẫn còn được giữ. Giữa những dòng nắn nót viết của riêng tôi là những bài thơ tình nho nhỏ chép từ báo, những hoa, những lá ép khô. Ðọc lại thấy ngờ ngợ. Và tự thấy mình trưởng thành nhiều. Có lần tôi đưa Hoàng xem. Vừa đọc vừa gậm móng tay anh mủm mỉm. Cái kiểu cười làm người khác phát tức. Tôi giằng lại. Hoàng thanh minh là anh buồn cười vì chuyện khác. Còn nhật ký của tôi anh coi trọng như kinh thánh. “Em không bao giờ cho anh xem nữa.” Tôi hét lên. Hoàng âu yếm hôn tôi. Anh nói ngay từ những năm tháng ấy anh đã yêu tôi. “Đừng có nịnh. Lúc ấy anh ở tít tít chỗ nào.” Hoàng lắc đầu. Vẻ mặt khó hiểu. Tại sao tôi lại yêu Hoàng. Anh có hiểu tôi không. Nhiều lúc tôi rất muốn hiểu anh, nhưng Hoàng nhơn nhơn: “Anh với em không phải cặp phạm trù phức tạp. Lại càng không có mâu thuẫn đối kháng. Chẳng có lý do gì để mất công tìm hiểu.” Tôi đang trả bài môn Triết. Hoàng đang ngồi chơi tam cúc với hai đứa em tôi. Chơi ăn vòng chun. Cả ba đều cay cú và rất hay ăn gian. Ði đêm một lúc, thằng út được tứ tử đỏ cười vỡ nhà. Bố tôi nghi Hoàng chưa có việc làm. Ở Hoàng có vẻ xộc xệch không giống công chức. Hoàng phải giả vờ để quên thẻ ra vào cơ quan trên giáo án của cụ. Tại sao tôi lại yêu Hoàng. Có lần tôi hỏi thẳng anh. Hoàng bảo: “Chỉ có những tay sinh viên phải thi lại môn Triết, mới hay hỏi tại sao hoặc vì cái gì.” Hồi đầu mới quen, tôi đã biết Hoàng uống rượu giỏi. Cách uống của anh tôi thích. Nó đẹp và có gì lãng mạn, tuyệt đối không bê tha. Nhưng đấy là cảm giác của những ngày đầu. Ai cũng có một thời mười bảy tuổi ấu trĩ. Sang đầu năm thứ hai tôi cắt cụt đi hai bím tóc đuôi sam. Trưởng thành là phải vượt qua những cái vụng dại. Hoàng đùa ngay cả nhưng chỗ rất nghiêm túc. Hơn một lần, tôi đã xấu hổ vì anh. Thế mà mình vẫn yêu, hay là tại số. Ba lần tôi đi xem bói, người ta đều nói giống nhau về người chồng tương lai. Thông minh, nhiều tài. Và về sau tôi cũng khỏi lo nghĩ về chuyện kinh tế. Càng đoạn hậu tôi càng sướng. Lung tung quá đi thôi. Hay là vì anh đẹp trai. Vớ vẩn. Chẳng nhẽ mình lại có suy nghĩ tầm thường đến thế. Tôi nghĩ nhiều về anh từ hôm đầu nhìn thấy anh. Ðược nghe anh hát một bản tình ca rất buồn trong nhà trọ chùa Hương. Khi yêu nhau tôi có nài anh hát lại bản đó. Anh cười cười, kêu đã quên.

“Anh không yêu em.”

“Anh yêu em.”

“Anh chỉ hay trêu em. Ðừng nghĩ em còn quá bé.”

Tôi luôn luôn khó chịu khi bị người khác cư xử theo kiểu xoa đầu. Một người muốn khẳng định được mình bắt buộc phải tự tin. Ngay cả bố tôi, rất nghiêm khắc, nhưng trong chuyện riêng của tôi cũng luôn tôn trọng. Tôi ít chơi với bọn cùng lớp. Tôi có nhóm bạn rất yêu văn học nghệ thuật. Nổi bật là Quang, sinh viên năm cuối khoa Văn. Và cô bạn cực thân của tôi, Mỹ Trúc, học trường đại học Văn hóa. Trúc đã có thơ đăng báo, đang hoàn thành một cuốn tiểu thuyết về lối sống hôm nay của thanh niên. Ba Trúc, tuy làm kinh tế, nhưng giao du rất rộng với giới văn nghệ sĩ. Các chú trong Hội nhà văn khen Mỹ Trúc lắm. Thông thường tối thứ bảy hàng tuần chúng tôi tụ ở nhà Ðại, một người bạn trai lớn hơn tuổi học ở Nga về, bây giờ đang là phóng viên của tạp chí tuổi trẻ. Ðại có biết Hoàng nhưng chắc không thân. Ngẫu nhiên, một buổi chiều mưa phùn, tôi đi lang thang với Trúc và Ðại. Sau mấy vòng vẩn vơ Yên Phụ, Hồ Tây cả ba tạt vào một quán cà phê lẻ. Quán duy nhất có người khách đang ngồi uống rượu. Ðó là Hoàng. Tôi nhận ra anh ngay, mặc dầu anh hơi nghiêng nghiêng vào phía trong. Tim tôi thót lại. Không bao giờ tôi quên được lần đi chùa Hương ấy. Người đàn ông đầu tiên tôi không dám nhìn thẳng mặt. Tôi khóc nhiều khi nghe anh hát. Anh loạng choạng đi ra triền núi, tôi đi theo sau. Trông anh ngộ nghĩnh khi ngồi bệt trên phiến đá. Tôi lại gần. Ðó là duy nhất một câu chuyện nghiêm túc tôi được nghe ở anh. Người ta nói khi say đàn ông thường hay nói thật. Hoàng bảo: “Không biết. Còn anh chỉ thấy đàn ông say là nói nhảm. Thuật ngữ ngành gọi là mượn chén.” Đại mê Trúc. Nhưng vốn là người có văn hóa và tế nhị nên anh ít biểu lộ tình cảm. Ðại quen Hoàng. Lúc Hoàng đi ra châm thuốc, Ðại niềm nở gọi. Còn Hoàng làm ra vẻ không nhận ra tôi. Quá nhiều lần, tôi thật nhu nhược với mình khi yêu Hoàng. Anh ta trắng trợn ba hoa về chuyện vừa ở Sài Gòn. Anh ta kể như thật. Nhìn vẻ mặt cả tin của Mỹ Trúc tôi vừa tức vừa buồn cười. Nếu không có ấn tượng chùa Hương tôi đã nghĩ khác về anh. Hoàng bảo: “Em thông minh. Lại được giáo dục bằng những khái niệm tiêu chuẩn. Từ đấy em đong đo anh bằng các chỉ số mậu dịch.” Hoàng xin phép ra về. Lấy cớ em gái gãy chân đang nằm bệnh viện. Ác khẩu đến thế là cùng. Tôi cũng muốn về. Tôi cũng đã chán cái cảnh nghe kiểu nói lòng vòng của Ðại. Và Hoàng im lặng đi bên tôi. Ðến ngã ba cạnh hồ anh xin phép về. Cái gì đó xốc ngược trong tôi. Lao đao đạp xe trong cơn mưa bụi. Phải, chẳng nhẽ tôi lại gào lên là trong những tuần vừa rồi tôi nghĩ nhiều tới anh đến mức nào. Tôi đạp xe về và thật sự căm thù anh. Quên đi. Anh ta chẳng là cái gì hết. Chỉ là đồ say rượu suốt ngày lảm nhảm. Ba đêm liền tôi trằn trọc. Mình yêu anh ta. Không thể. Tại sao mình lại nhớ. Anh ta đâu có thèm để ý đến mình. Phải tự nghiêm khắc với chính bản thân. Anh-ta-chẳng-là-cái-gì-hết. Rồi tuần tiếp đó tôi phát hiện thấy Hoàng theo sau tôi những lúc tan học. Anh lững thững từ đằng xa. Trông anh cô đơn đến tội nghiệp. Chắc nỗi buồn nào rất lớn đang giày vò anh. Hoàng bảo: “Em hay suy diễn. Những lúc anh buồn nhất là những lúc không có tiền uống rượu.” Một lần, tôi đợi mọi người tan hết rồi về một mình. Anh vẫn theo xa xa. Tôi đạp ngược vòng cho xích tuột. Ngoảnh lại thấy anh ra vẻ ngó nghiêng bên kia vỉa hè. Anh ta tưởng là anh ta cao đạo lắm đấy. Anh ta chẳng là cái gì cả. Tôi không kể chuyện này với ai. Chỉ ghi vài cảm xúc chính vào nhật ký. Mọi chuyện sẽ qua đi. Tôi còn có gia đình, bạn bè và hơn hết tôi sắp thi học kỳ. Tôi không còn nhỏ nữa. Thế nhưng đôi lúc tan học, thỉnh thoảng lại nhói đau khi chợt thấy ai giống anh đi ngược chiều. Hết năm thứ nhất. Tôi qua tất cả các môn khá đơn giản. Trường tôi thi sớm. Sinh viên rỗi rãi chờ nghỉ hè. Mỹ Trúc rủ tôi vào thư viện Quốc gia. Nó cũng đã thi xong học kỳ II. Vào thư viện cốt để ôn bài tập ngoại ngữ lớp buổi tối. Hai đứa chúng tôi chung nhau một thẻ. Bụng rất run khi đi ngang phòng thường trực. Phòng đọc thư viện mùa thi đông kinh khủng. Sinh viên năm cuối rất nhiều người biết Mỹ Trúc. Chương trình văn nghệ đài truyền hình hôm rồi có đưa một tin dài về sinh hoạt của Câu lạc bộ thơ sinh viên. Nhà thơ già dẫn chương trình suýt khóc khi đọc thơ Mỹ Trúc. Ông nói, thật yên tâm không viết nữa khi có đội ngũ kế cận xứng đáng như vậy. Tôi hạnh phúc khi xem bạn tôi kể về nỗi đau sáng tác. Bạn tôi đeo kính toát ngời một vẻ thi sĩ. Phía trong góc phòng còn chỗ, chúng tôi ngồi xuống. Một sinh viên ngồi khác bàn lẩy bẩy đánh rơi bút. Tôi giở cuốn Departure. Ðối diện thẳng tôi duy nhất, một chỗ trống. Duy nhất một quyển sách có tên rất lạ. Thiền luận. Chắc là một danh từ chuyên ngạch kỹ thuật. Hoàng bảo: “Thiền là truyện cười dân gian Trung Quốc.” Hoàng rất mê truyện chưởng. Cái gu xem sách báo rẻ tiền tôi nói mãi Hoàng không bỏ được. Tôi lẩm nhẩm đọc bài hai mươi mốt. Ðọc lại bài khóa gặp một chữ rất khó, hỏi Mỹ Trúc, nó cùng không biết. Một người ngồi xuống chỗ duy nhất trống. Tôi khe khẽ ngẩng, người lạnh toát. Ðó là Hoàng. Cho đến giờ tôi cũng không lý giải được những gì tôi nghĩ lúc đó. Mọi cái quay tròn. Người cồn cào, tôi cúi gằm sâu vào trang sách. Việc gì mình phải sợ. Tôi ngẩng lên. Hoàng chăm chú đọc. Mái tóc phủ lòa xòa buồn bã quanh trán. Vâng, tôi yêu anh, có gì là xấu hổ. Tôi muốn nói một điều gì đó với anh. Tôi bình tĩnh xé vở để nguyên cả tờ đúp viết. “Anh Hoàng, chúng ta có thể nói chuyện như người lớn được không?” Hoàng ngước nhìn tôi. Mắt anh đẹp lạ lùng. Anh viết, ba chữ rất lớn “anh yêu em”. Những tháng đầu sống bên anh thật tuyệt vời. Tôi lúc nào cũng ở trạng thái lâng lâng. Hoàng thông minh vô cùng và chiều tôi hết mực. Chúng tôi đi xem phim, đi xem ca nhạc. Tôi dẫn anh đến nhà các bạn bè tôi. Nhưng dần dần tôi cũng hiểu Hoàng. Hóa ra anh không hẳn như tôi tưởng. Ở anh có cái gì là lạ. Một nét yếm thế của những người duy tâm. Hình như anh tin có một Thượng đế siêu hình nào đó. Hoàng đi lễ nhà thờ nhiều nhưng không bao giờ rủ tôi. Anh cũng biết tôi không ưa mê tín. Hơn nữa, khác hẳn tôi, Hoàng không thích đông người. Giữa ồn ào, giọng anh nhiều lúc rất khó chịu. Ðầy vẻ gây gổ không đâu và thiếu tự tin. Một lần giữa hè, lớp tôi tổ chức đi nghỉ Ðồ Sơn. Lần đầu tiên ra biển, tôi choáng ngợp cảnh mênh mông của thiên nhiên bao la. Tôi đã làm thơ, cảm xúc ứa ngập trên trang giấy. Mỹ Trúc đi cùng cũng viết được một truyện ngắn. Tối cuối tuần chúng tôi tụ ở nhà Ðại, đọc cho nhau nghe những câu văn dòng thơ của mình. Thật thi vị và lãng mạn. Những vẩn đục hỗn loạn của cuộc sống bị tan đi. Thế nhưng Hoàng thờ ơ. Anh cư xử rất khách sáo, khác hẳn khi chỉ có riêng anh với tôi. Và trước những cái đẹp đầy nghệ thuật như vậy anh không mảy may rung động. Hoàng im lặng uống rượu và hút thuốc, thỉnh thoảng xen vào những câu rất nhạt. Ðây là lần đầu tiên anh đến thị xã của chúng tôi. Mỹ Trúc đòi anh bình về truyện ngắn mới viết. Hoàng ngập ngừng rồi phân tích theo kiểu học sinh lớp mười hai mới tập làm văn. Mọi người tế nhị tôn trọng vì Hoàng là người lạ. Truyện của Mỹ Trúc không đến nỗi khó hiểu, nhưng nó đã dày công viết theo một phong cách hiện đại. Một dòng ý thức cuồn cuộn mà nghe đâu được bắt nghồn từ một ông Aixơlen nào đấy. Tôi sượng sùng uống cốc nước cam. Cậu Quang từng tuyên bố nghệ thuật là đền đài dành riêng cho số ít. Ðúng vậy chăng. Không phải người ta cứ biết hát, biết ngoại ngữ là biết được thi ca. Khi về tôi trách anh.

“Sao anh hời hợt với mọi người vậy. Anh không thấy bạn bè em rất tốt và quý anh à.”

“Anh cũng thiết tha yêu mến bạn bè em. Nếu em cho là bắt tay và cười vẫn chưa đủ, lần sau anh sẽ hôn chân.”

Tôi khóc. Anh ôm tôi.

“Thủy. Anh tôn trọng em và bạn bè em, những người thông minh và đầy tài năng. Anh tin chắc giai đoạn lịch sử sắp tới sẽ thuộc về những người như các em. Nhưng có điều đơn giản, nghe cậu Quang đọc thơ tình anh thấy tủi thân. Khi biết người yêu đi lấy chồng, từ nhà nàng trở về trong cái buổi tối mùa đông se lạnh thưa gió. Cậu ấy đã hoàn thành một trường ca. Nỗi đau khổ đương nhiên là chân thật. Anh khâm phục cường độ sáng tạo của cậu ấy. Vần điệu vẫn rất chỉnh trong khi trái tim thì loạn nhịp. Chỉ có những bậc vĩ nhân bị vợ bỏ, mới có hiệu suất lao động tuyệt vời đến như vậy.”

“Em không biết.” Tôi gắt.

“Mỹ Trúc nữa chẳng hạn. Bố nàng là giám đốc xí nghiệp. Mẹ của nàng là cửa hàng trưởng bách hóa. Anh giai nàng, kỹ sư điện tử có bằng ở Nga và rất hiền. Mỹ Trúc rất hiếu với bố mẹ và thảo với anh. Nàng đi học bằng xe máy Peugeot. Tay trái đeo đồng hồ Citizen hai cửa sổ nhưng tay phải lại viết những truyện ngắn về sự rạn nứt của gia đình, rạn nứt xã hội. Nàng và bạn bè của nàng nhí nhảnh yêu đời nhưng liên tục mô tả cuộc sống của thanh niên bây giờ cực khổ về vật chất, sa đọa về tinh thần. Quằn quại ngơ ngác. Quả là những khái niệm có cánh. Nàng muốn yêu Nguyễn Huy Thiệp hay Dương Thu Hương đấy là việc của nàng. Nhưng can cớ gì Mỹ Trúc nhất quyết bắt anh phải khóc khi tóm tắt tiểu thuyết của mình. Một cô sinh viên nhân vật chính, đã bị đồng tiền cám dỗ. Sau khi kết hôn với một trung niên nhà giàu bất tài bạc đức thì không đêm nào không chong đèn ghi nhật ký nuối tiếc mối tình đầu trong sạch với anh bạn cùng lớp nhà nghèo đẹp giai, học giỏi.”

Tôi giận anh gần mất một tuần rồi cũng làm lành. Hoàng hay gạ tôi đi uống rượu cùng. Anh quen nhiều quán thưa thưa khách ở những phố nhỏ có bán rượu trắng. Hôm nào có dư dư tiền anh lại rủ tôi vào ngách sâu phố Hàng Buồm, có hàng đặc sản khuất nẻo bán bít tết. Các chủ quán đều quý anh, mà những chuyện Hoàng nói có sâu xa gì cho cam, toàn huyên thuyên vớ vẩn. Thông thường anh gọi cho tôi một cốc cà phê đá. Anh lai rai một cút rượu. Uống chừng hai chén anh im lặng nhìn tôi. Lúc ấy tôi cảm thấy yêu anh lắm lắm. Yêu cái vẻ láu lỉnh đầy âu yếm ở anh. Những giận hờn định khi gặp sẽ nói bỗng tan ra. Ðúng là có số thật.

“Anh có vẻ bằng lòng cuộc sống của mình.”

“Liệu em có nhầm lẫn giữa khái niệm bằng lòng và thỏa mãn không?”

“Anh đừng có chơi chữ. Cuộc sống có ích là không ngừng vươn lên và tự khẳng định mình.”

“Anh cũng đã tốt nghiệp đại học và đang đi làm. Và cũng như mọi người, anh đang kiến thiết chủ nghĩa xã hội trên quê hương yêu dấu của chúng ta. Còn khẳng định mình không hẳn cứ là nhân viên phải lên trưởng phòng.”

“Em nói đến cái khác kia.”

“Anh không biết viết văn hay làm thơ như bạn em. Chúa sinh ra anh là để uống rượu và yêu em. Anh thấy thế là hạnh phúc.”

“Vâng. Em không phải là cao đạo nhưng em cũng cần phải nói, đó là thứ hạnh phúc cá nhân đầy ích kỷ.”

“Thế em nghĩ thơ của Quang hay văn của Mỹ Trúc sẽ đem lại hạnh phúc cho người khác ư?”

Tôi tức. Và Hoàng uống rượu vẻ mặt đắc ý rất tiểu nhân. Nhưng ngồi mãi với anh trong quán cũng chán. Anh rủ tôi đến nhà bạn anh. Một thiếu phụ rất đẹp trông kiêu căng. Nhà toàn tiện nghi đắt tiền. Hoàng trở nên thoải mái và dịu dàng. Bà người ở nhìn tôi sỗ sàng kiểu quê mùa. Hoàng bỏ mặc tôi ngồi nói chuyện với thiếu phụ, anh quay ra nô với con bé chừng bốn tuổi, người tròn xoay. Nhã, tên thiếu phụ, nói chuyện rất dễ nghe và có duyên. Chị kể vài trò nghịch của Hoàng từ hồi đi học. Nhã có nhiều tiền và thân Hoàng. Hình như chị gặp rất nhiều bất hạnh trong đời sống riêng tư. Hoàng hầu như không kể, mặc dầu, thi thoảng tôi có gợi chuyện. Có cái gì khó cắt nghĩa trong quan hệ của hai người. Tôi hiểu, con bé Phương Phương không có bố. Thế nhưng mẹ con Nhã chẳng thấy băn khoăn về chuyện này. Thông thường, những người vật chất no đủ hay nghèo nàn về tình cảm. Hồi tôi với Hoàng giận nhau, anh lấy cớ đi công tác bỏ đi xa. Sốt ruột tuần ba lần, tôi đến chơi với Nhã và chị an ủi tôi rất nhiều. Thực ra không phải lỗi tại tôi. Sinh nhật Mỹ Trúc, tôi đến báo Hoàng, anh nhăn nhó nói không thể đi được vì dạo này đang đau dạ dày. Tôi giận điên người. Dù hợp hay không hợp anh cũng phải biết Mỹ Trúc là bạn thân nhất của tôi. Ðã thế, buổi sáng nói vậy, buổi chiều tôi với Trúc đi mua hoa gặp anh đang ngồi uống rượu ở quán chênh chếch đường Hai Bà Trưng. Chỉ còn nước tôi chui xuống đất. Tôi bảo Trúc: “Cậu về trước một tí, mình đến ngay.” Tôi dựng xe lẳng lặng ngồi đối diện với anh. Hoàng giật mình mặt tái, cố thanh minh là anh quá đau dạ dày, mà đau dạ dày có hai loại. Một loại thiếu muối, một loại thiếu a xít. Anh thuộc loại sau. Ðây chẳng là nghiện ngập gì cả thực ra anh đang tự điều trị bệnh.

“Anh Hoàng, cái Trúc để dành cho anh nguyên một chai rượu Tây. Nó trân trọng anh như thế. Anh đùa em thì được nhưng đừng xúc phạm đến bạn em.”

Tôi đạp xe thẳng đến nhà Trúc. Bảy giờ bắt đầu lác đác có khách. Tôi cắm xong lọ hoa rồi chui vào buồng trong nức nở khóc. Sẽ không còn gì nữa. Chấm hết. Anh ta hoàn toàn không yêu mình. Ðến bây giờ tôi mới nhớ rằng chưa lần nào Hoàng tặng tôi hoa. Một người đàn ông cằn cỗi. Tôi đâu bắt anh ta làm những gì to tát. Yêu nhau là phải quan tâm đến những cái rất nhỏ của nhau. Mỹ Trúc chạy vào thay bộ váy thứ ba. Tôi không muốn để bạn tôi buồn, cố gượng vui đi ra nhà ngoài. Khách đông, trang nhã và lịch thiệp. Tôi ngồi cạnh bố Mỹ Trúc. Cụ ông là một người hóm hỉnh rất gần thế hệ trẻ. Ông hay đi dạo bộ với con gái. Một thói quen chỉ hay có ở những người thượng lưu văn hóa. Ông gặp Hoàng vài lần và không có cảm tình. Tuy nhiên, khi gặp người yêu tôi ông vẫn vồn vã. Tôi luôn được coi như con cái trong nhà.

Tôi nói chuyện với Hoàng, anh cười: “Cụ ghét anh là phải.”

“Sao vậy?”

Anh ỡm ờ: “Một người đứng đắn đương nhiên không ưa một thằng bụi đời.”

Tôi sầm mặt nói là không thích đùa.

“Chẳng có gì đâu, vô tình một lần anh gặp chú ở một chỗ không nên gặp.”

Tôi gặng, Hoàng cười ma quái, không giải thích. Vào giữa băng nhạc mọi người dọn dẹp bàn ghế chuẩn bị đăng xinh. Tôi mông lung uống cốc nước cam. Chín giờ đúng, Hoàng xuất hiện với bộ comlê đi mượn. Trông trịnh trọng thật đáng ghét. Hoàng rút bài thơ đọc tặng Trúc, chép lại trên báo Văn nghệ, mà của một tác giả không tên tuổi. Trời ơi, ở đây toàn là văn nghệ sĩ và trí thức. Hoàng lại gần tôi xin lỗi. Ðầu chải mượt, cổ áo sơ mi trắng cáu ghét. Tôi cố gắng giữ bình tĩnh. Ði đâu hết cái phong độ đáng yêu ngày thường của anh. Kệch cỡm như thằng hề. Hoàng ngồi xuống cạnh một phó tiến sĩ vừa ở Nga về chưa đầy hai tháng, ba hoa giá vàng trong nước rồi hỏi giá nồi áp suất ở Mát. Kiểu làm quen rất tỉnh lẻ. Anh phó tiến sĩ nhìn Hoàng đại lượng vẻ khinh khi. Tôi đi ra cửa.

“Anh Hoàng, em nhờ một chút.”

Hoàng bắt tay anh Phó tiến sĩ, dặn thêm rằng nếu lần sau có phải mua áo kimônô thì Hoàng sẽ mua hộ. Bảo đảm giá mềm. Anh phó tiến sĩ nhìn Hoàng, vẻ mặt không hiểu. Chúng tôi đi ra ngoài cổng. Phố Mỹ Trúc nhiều công sở thưa nhà dân. Tôi nén giận:

“Anh Hoàng, anh có say không?”

“Anh tỉnh như em.”

“Anh có biết tự trọng không?”

“Rất mong em chỉ giáo.”

“Anh đi về đi.”

“Mỹ Trúc hứa là mời riêng anh một chai John Walker. Và chốc nữa tan nhảy đầm Mỹ Trúc sẽ đọc một sáng tác mới nhân ngày sinh, Thủy, anh cũng rất yêu nghệ thuật.”

“Anh về đi, và còn chút gì tự trọng thì đừng bao giờ đến gặp tôi.”

“Vâng. Anh xin phép, Thủy, cho anh hôn em nhé.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3