Cơ hội của Chúa - Chương 01 - Phần 1
Chương một
1
Đường
hun hút nhựa. Trời hanh. Nắng vàng ươn ao. Gió nhạt. Chiếc xe tải chạy trước rũ
bụi vào mặt Hoàng. Anh lăm le tìm cách vượt, không thể được, đành chịu tụt lại
khoảng 300m. Còn sớm, chừng độ chín giờ, đến đầu đường sân bay, Hoàng hỏi thăm
một cảnh sát giao thông mặt xanh mét màu rau muống. Chiếc dùi cui uể oải chỉ về
khu nhà lá lợp tôn. Nơi gửi xe. Hoàng đi lượn vòng quanh mấy lượt, hình như ba
tiếng nữa mới có chuyến của INTERFLUC về. Gã hải quan nói ngọng chữ l. Có mùi
bánh mỳ chua thiu thiu của pa tê. Căng tin của sân bay ngột ngạt
người. Các cô bé bán hàng được đô thị hóa trong bộ đầm tíu tít, Hoàng tiến lại
phía quầy.
[Chúc
bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]
-
Chị làm ơn bán cho chén lẻ rượu trắng.
Nữ
mậu dịch viên giẫm chân lên thùng “333”, khinh bỉ nhìn khách hàng:
-
Cả chai.
-
Thưa, bao nhiêu ạ?
-
Hai nghìn mốt.
-
Gửi chị, rất cảm ơn chị.
Mậu
dịch viên nữ uất ức, một thằng ngộ độc lịch sự, xỉ mũi đầy bi phẫn vào gầm
quầy. Hoàng xách chai Lúa Mới ngồi
xuống góc bàn trống. Khói thuốc quẩn tiếng chí chóe. Nhấp nhổm ăn, nhấp nhổm
nuốt. Từng khuôn mặt bồn chồn nhếch nhác. Hoàng uống lơ đãng nhìn, người ngồi
cạnh xoay lại. Một ông trung niên mặc áo đại cán, cổ áo cáu bẩn.
-
Tôi hỏi nhờ, anh cũng đón người nhà từ nước bạn về?
-
Vâng, bác dùng một chén.
-
Cám ơn, chà khí nóng.
-
Xin bác cứ tự nhiên.
-
Cái anh Lúa Mới này cồn khiếp, đúng phải ăn kèm cái gì.
Ông
ta đứng lên, hóa ra hơi lùn, lon ton chạy về phía đầu hành lang. Một bà nhà quê
với ba đứa nhóc nhinh nhỉnh khoảng mười một mười hai ngồi quanh mấy cái tay
nải. Ông trung niên khoa tay chỉ trỏ, bà kia vội vàng mở tay nải thâm rút ra
hai bọc lá chuối, một bọc giấy báo, rồi tong tả chạy về chỗ Hoàng.
-
Kính bác hút thuốc.
Hoàng
lấy bao Héro châm một điếu, đưa hai tay mời. Ông trung niên một tay gỡ lá
chuối, thỉnh thoảng đưa tay mút mồm. Một bọc xôi lạc. Bọc kia toàn thịt gà chia
hai phần. Nửa luộc nguyên hai đùi, hai lườn và cả miếng tướng phao câu. Nửa
rang lổn nhổn dư lại của món luộc.
-
Anh dùng khoát đạt, đàn ông cả mà.
Ông
ta rút túi áo ra mấy nhánh hành sống. Đằng kia, bà dáng nhà quê và mấy đứa nhóc
cũng dùng bữa. Một chai nhỏ đen đen, chắc tương. Bọc giấy khéo léo được gỡ,
toàn cơm gạo đỏ. Bà ta vuốt sạch cơm dính trên tờ báo, gấp lại đút vào tay nải.
Ông trung niên đã xong chén thứ tư, hùng hồn lắm. Hình như là trưởng ban bảo vệ
xã. Mấy đứa trẻ từ xa thỉnh thoảng ngước nhìn trộm về bàn bố. Hoàng vẫy tay
gọi. Cả ba đứa đùn đẩy không đứa nào chạy tới. Ông trung niên ngoảnh lại, trợn
mắt gừ một tiếng. Mấy đứa bé tái xanh, cơm vẫn nghẹn ở cổ lập cập đến.
-
Bọn này gấu lắm, nhất quyết cứ đòi đi đón chị. Con mẹ nó định chiều cho đi cả.
Tôi bắt phải gắp thăm, ba đứa ở nhà khóc rinh lên. Mẹ chúng nó, thế mới dân chủ
chứ.
Chắc
là dậy từ hai giờ sáng. Chắc là đi xe tải. Chắc là đi bộ vào đây. Hoàng đùm xôi
lẫn thịt gà thành một gói đưa cho đứa lớn nhất.
-
Mang ra kia ăn nghe chưa. Bố với chú không ăn món này. Bác ạ, mình là đàn ông
khoát đạt sang đến cửa khẩu nước bạn phải xài đồ Tây. Tôi hân hạnh thết bác.
Ông
trung niên ngần ngừ nhón lại miếng thịt đùi.
-
Chú nói vậy thì cầm về mấy mẹ con ăn luôn. Này, nhớ phần bố cái phao câu.
Hoàng
gọi đĩa nguội. Dăm bông mỡ viền đã vữa. Xúc xích thâm tím, giữa hai lát cắt là
xác con nhặng tổ bố nằm khá lãng mạn. Hai bánh mỳ chua. Miếng pa tê ung ủng mùi
sông Tô Lịch. Vui vẻ quá, người Tây văn minh thật. Hoàng vừa uống vừa hút thuốc
liên tục. Mù mịt khói.
-
Bác dùng thêm đĩa xúp nữa ạ.
Hoàng
mời. Vài mảnh cá ươn lều bều cạnh mấy càng cua bể lạnh ngắt ngâm trong vũng
nước sền sệt ấm. Cô mậu dịch viên bưng đồ ăn thêm ra nhìn hai vị khách tươi
cười, cố giấu vẻ hoảng hốt. Trạm xá sân bay đông chặt những thực khách đang nằm
cấp cứu. Hoàng lưỡng lự như là cười. Dạ dày xã đội trưởng là không thể đùa
được. Vâng, bác phải tráng miệng ạ. Đét-xe một cốc vại sữa Mộc Châu
mà hiển nhiên đã quá đát.
Bỗng
người ta nhao nhao, í ới gọi nhau. Có cô bé xinh lắm mặc quần thụng, không hiểu
đón anh hay bố, mừng nhảy cẫng lên, cạp quần rộng suýt tụt.
-
Về rồi, về rồi.
Ông
trung niên không kịp cám ơn lao ra chỗ vợ. Ba thằng nhóc sau bữa ngon lành, đã
đeo tay nải trong tư thế trực chiến. Cả nhà hùng dũng áp sát hàng rào sắt ngay
chỗ cửa ra vào. Hoàng thanh toán tiền, lững thững đi ra chỗ cột vắng. Rượu này
cồn thật, suốt sáng anh chưa ăn thứ gì.
Đám
đông tiếp tục ồn ào. Phía trong phòng Hải quan đã xuất hiện những người con có
thời gian phải xa đất nước. Quê hương hài lòng âu yếm ôm đàn con bụ sữa. Tất
thảy đều xúng xính trong những bộ đồ còn thơm mùi bơ tươi. “Anh ơi”, “Bố ơi”,
“Chị ơi”. Đất mẹ gào lên lo lắng. “Cẩn thận cái va ly.” “Bố ơi, bố có mấy cái
túi.” Hoàng cũng đã nhìn thấy thằng em. Nó vẫn vậy, hơi gầy. Tâm chen ra khỏi
đám đông, anh dễ dàng nhận ra ông anh trai.
-
Xong hết thủ tục chưa?
-
OK.
Tâm
chỉ có hai túi du lịch to. Hoàng cúi xuống khoác giúp em một cái. Anh oằn vai
loạng choạng.
-
Tưởng nó nhẹ, đá chắc.
Tâm
cười, hàng ria dãn đều trông hiền lành hơn. Năm năm bằn bặt, bây giờ hai anh em
mới gặp nhau. Tâm rút trong túi áo khoát ra chai Whisky dẹt.
-
Anh uống trước đi.
-
Rất mừng được gặp em.
Tâm
nhấp một ngụm lấy lệ. Mấy năm ở Tây không làm tửu lượng anh tăng bao nhiêu. Có
tiếng khóc thút thít rồi nức nở. Bà dáng nhà quê đang ôm chầm một thiếu nữ. Cô
gái áng chừng mét bảy, tóc xù. Bộ ngực thì chính cả người Đức cũng phải mơ ước.
Bình tĩnh một lúc, ái nữ hỏi thân mẫu “bố đâu”. Xã đội trưởng phu nhân giơ tay
chỉ về phía nhà vệ sinh công cộng. Không đầy hai chục phút, người ta thấy ông
trung niên chạy đi chạy lại về hướng đó tới năm lần.
Dọc
đường cả hai anh em đều không nói chuyện gì. Hồi Tâm bỏ học để đi Đức, Hoàng
cáu lắm, tát em một cái. Tâm kém anh ba tuổi, đang học trường Kinh tế kế hoạch,
cuối năm thứ tư Tâm bỏ đi lao động nước ngoài.
-
Bố mẹ có khỏe không?
Tiếng
Tâm lẫn trong gió. Xe chạy tốc độ cao. Đường tốt.
-
Về hẳn chứ?
-
Vâng, về hẳn.
-
Bố mẹ mong em nhiều đấy.
-
Thì em vẫn viết thư đều mà.
Cả
nhà ai cũng muốn đi đón. Tính thuê một xe Lada. Hoàng gạt đi. Anh mượn Nhã, cô
bạn gái rất thân, cái xe Cub. Xe chạy hết ga. Cây hai bên đường vùn vụt trôi
ngược và thời gian vùn vụt trôi xuôi. Năm năm như mơ. Nghe cải lương quá đi
mất. Đến đầu cầu Chương Dương công an chặn hỏi. Trạm kiểm sát liên ngành vừa
được phong anh hùng cách đây ba hôm. Hai tháng cuối năm bắt tám trăm vụ buôn
lậu. Hoàng vẫn để ga ngồi trên yên uể oải nghe Tâm trình bày với tay công an
non choẹt. Một lát sau, chẳng hiểu nói gì, chỉ thấy Tâm cười. Nhà đại diện pháp
luật cũng tươi bằng ngần ấy. Xe đi.
-
Mất cho nó bao Cabinette.
Về
đến nhà đúng năm giờ chiều. Bố xúc động, ông ký nhà băng thời Tây và là cán bộ
ngân hàng lưu dung thời ta đã về hưu chào con giai mình bằng tiếng Pháp. Cả bữa
cơm đánh đổ chén rượu mấy lần. Mẹ và con bé Phượng khỏi nói. Tâm cười rưng rưng,
ngập trong nước mắt của mẹ và em gái. Đây là quà của bố này, đây là quà của mẹ
này. Còn đây là quà của em Phượng. Hoàng uống dè dặt, im lặng thanh toán chai
Whisky. Thỉnh thoảng anh mới được uống rượu ngon.
Chủ
nhật Tâm rủ Hoàng ra khách sạn Du lịch uống bia. Tháp rùa ngơ ngác nhìn Hà Nội
đang quen dần buôn lậu và tập tọng nghiện ngập. Đàn ông đã biết bật nắp
Heineken và đàn bà cũng quen với vị Coca.
-
Mọi chuyện vẫn vậy. Bố hơi lẫn. Mẹ già đi, em gái nhớn lên và nhà vẫn lụp xụp.
-
Anh uống nhiều rượu hơn.
-
Anh không làm phiền ai cả.
-
Em biết. Em đâu có nói chuyện này, em đã có ít tiền, khoảng năm chục cây.
-
Bao nhiêu?
-
Chừng năm mươi lạng vàng.
Hoàng
tò mò nhìn em giai qua cốc bia.
-
Anh khỏi lo, mọi chuyện đều hợp pháp. Em sẽ xây lại nhà và mở Café. Con bé
Phượng hai lần thi trượt đại học là quá đủ. Nó sẽ bán hàng.
-
Liệu có làm hỏng nó không?
Tâm
cười rít hơi thuốc dài. Hai ông anh đều cưng cô út.
Khách
sạn bắt đầu đông khách. Bia ở đây bán kèm nhẹ nhàng. Hai cốc bia hơi và một đĩa
xào. Thịt lợn thì tươi nhưng hành thì ôi. Lác đác những cô bé mặc đầm lẫn trong
đám đông những chàng diện Veston. Hà Nội của anh. Tâm cười khẩy. Suýt nữa vì nó
mà mình bỏ mạng nơi đất khách. Không hiểu vì sao, hồi đánh đồng hồ lậu qua
Stuttgarter, Tâm nhớ nó bật khóc. Duy nhất chỉ một lần.
-
Thủy và anh thế nào?
-
Bình thường.
-
Có khi cuối năm em cưới vợ.
-
Tuyệt vời, năm nay mẹ yếu quá.
-
Sẽ trước anh à?
Hoàng
đột nhiên thở dài.
-
Anh muốn cái gì nằng nặng.
-
Thôi mà, mẹ làm cơm chiều.
Tâm
mở chai Trúc Bạch mới. Muốn uống thêm bia hơi thì lại phải kèm một đĩa xào.
Hoàng lưỡng lự.
-
Lâu lắm anh không gặp Huyền.
-
Ừ em cũng không nhận được thư. - Tâm hơi cười. - Cũng đánh rơi vài thằng nhóc ở
bên ấy.
Hoàng
nhìn chai rượu bày mẫu, tự nhẩm xem đã từng được nếm loại nào. Chín trên mười
ba. Một chỉ số dễ chịu. Có tiếng choe chóe. Cô nàng đong bia đang cãi nhau với
khách. Mấy đồng nghiệp xúm vào can. Nàng bị đẩy khuất xuống bếp, vài câu chửi
sót được quạt trần thổi hắt ra. Một viên chức già trích tiền lương uống bia
trộm giấu vợ ngồi gần Hoàng, để cốc xuống nhăn mặt.
-
Trời ơi, về bao giờ thế này?
-
A, Trần Bình. - Tâm cười tươi và kèm theo là kiểu ôm hôn không có trong phong
tục người Việt. - Đây là anh giai mình.
Hoàng
bắt tay phiên bản các tài tử nam đóng vai chính trong những phim lãng mạn Hồng
Kông. Trắng trẻo. Sống mũi thẳng rất hợp với kính Tây Đức. Tâm gọi thêm ba chai
bia và đĩa bồ dục chần.
-
Mình uống nhiều quá rồi.
-
Chút chút, gọi là tái ngộ.
Trần
Bình uống một hơi hồn nhiên, đứng lên gập mình kiểu cách.
-
Mình thật sự xin phép, đang đi cùng mấy người bạn.
-
Uống đi đã, sắp tới tôi có việc cần ông.
-
OK. Mai chắc chắn mình qua. Chào anh.
-
Chào anh.
Tâm
uống. Rút khăn mùi xoa chấm chấm lên ria.
-
Bình được đấy. Hồi ở Berlin, em toàn phải đánh hàng nhờ cầu nó.
-
Bình uống được rượu không?
-
Ông già nó cỡ Thứ trưởng, trùm đám Đông Âu.
-
Về đi không mẹ mong.
Phố
xá hai bên lên đèn. Chiều buông nhạt.