Cơ hội của Chúa - Chương 00 - Phần 2
Đọc Cơ hội của Chúa chắc là có những độc giả cảm thấy không thoải mái khi thấy Hoàng, một con người tài ba, có trí tuệ siêu việt, nhân hậu và trong sáng tuyệt vời thế mà đường đời lại lận đận, vất vưởng đến như vậy, công danh, sự nghiệp, làm giàu, hạnh phúc riêng... tất cả đều là con số không, hiện tại chỉ là một con sâu rượu, ngày càng nát rượu. Một sự thật đáng buồn là xã hội ta ngày càng đông những “thiên tài đầu bù rũ rượi”, “oán trách nhân loại không chịu hiểu mình”, những “artiste phế phẩm” “luôn miệng chửi đời mà không dám lao động.” Trước hết phải thấy rằng Hoàng không thuộc về những loại người này. Anh loay hoay tìm việc, đã “đủ cảm thấy vị đắng của miếng cơm ăn nhờ.” Đúng là ở cơ quan anh là kẻ vô tích sự (như nhiều kẻ khác), nhưng anh dịch sách, anh chơi nhạc ở các bar, viết truyện... những công việc này chẳng phải là lao động hay cứ nhất thiết phải như Mộng Hoa, bà tổ trưởng của anh, suốt “tám giờ vàng ngọc” cầm ống phôn ba hoa thì mới là lao động. Hoàng không chửi đời, không chửi đổng, không hề có một nửa lời oán trách, trừ phi tự trách mình trong những lời sám hối. “Tôi bạc nhược, không neo đính vào bất cứ chỗ nào” (trang 410), cuối cùng thì nhận định của Hoàng về bản thân mình là đúng hơn cả. Một người “cùng hội cùng thuyền” với Hoàng là Thắng, một Edison mới nhú lên nhưng cũng bắt đầu nát rượu vì hoài bão sáng chế, phát minh trở thành bong bóng xà phòng quá sớm. Cảm nhận của Tâm về Thắng giúp chúng ta hiểu rõ hơn con người và cuộc đời của Hoàng: “Những kẻ có chút tài không thích đổ lỗi cho người khác. Âm thầm tự chịu. Mà chịu âm thầm thì tốt nhất là uống chút rượu” (trang 360).
Có tài, bị “sốc”, âm thầm tự chịu, rượu, phải chăng đấy là lôgic của số phận những người như Hoàng, Thắng... (có thể gộp vào đây Du bạn của Hoàng, một người có tài, một thi sĩ, “dị ứng với tất cả những gì không trong sạch” và dĩ nhiên là bạc mệnh). Trong truyện có hai cách lý giải về số phận của Hoàng. Cách lý giải của Tâm: “Tất cả mọi người đều kêu ca Hoàng là đồ vô tích sự. Tôi hiểu điều đó, phải đến thế kỷ hai mốt thì những mẫu người như Hoàng sẽ được nhân loại cần còn thì ở cái thời buổi nhố nhố nhăng nhăng này, ông không ra ông, thằng không ra thằng thì một người như anh giai tôi phải lận đận là chuyện dĩ nhiên” (trang 294, H. N. H, tô đậm). Hiểu như Tâm thì số phận của Hoàng bị gắn với xã hội nhố nhăng này của những thập kỷ cuối thế kỷ XX này và cách nhìn đối với thế kỷ XXI thì quá không tưởng. Cách lý giải của Nhã: “Thủy và Hoàng yêu nhau bằng sự trong sáng duy nhất của hai người và theo đúng quy luật, chẳng hiểu của tự nhiên hay xã hội, của thần hay của quỷ, những gì trong sáng quá thường hay khó tồn tại. Sự hiện diện của Hoàng trên cõi đời này đối với tôi là một điều kỳ diệu. Nếu thật đúng ra cậu ta phải chết yểu” (trang 458).
Như vậy, số phận của Hoàng gắn với những quy luật rất khái quát bao trùm cả tự nhiên và xã hội, có khi quan hệ cả với quỷ thần... Mà sang thế kỷ XXI, làm sao những quy luật này lại mất đi được, có nghĩa là vẫn còn những số phận như Hoàng, Thắng, Du... Tôi thiên về cách lý giải của Nhã, đành rằng cách lý giải của Tâm gần với chủ nghĩa duy vật lịch sử hơn. Hoàng có những phẩm chất đạo đức và trí tuệ tuyệt vời. Không thể nói đây là nhân vật tiêu cực. Tích cực chăng? Điều khó chấp nhận nhất ở Hoàng là rượu liên miên và suốt ngày. Uống rượu đối với anh không còn là một thú vui nữa. Dường như trong tâm hồn anh có lỗ thủng, đổ bao nhiêu rượu cũng không đầy. Theo cách nói của người Nga nghiện rượu đối với anh là điều bất hạnh hơn là tội lỗi. Hoàng khi say vẫn tỉnh, không càn xiên, gây gổ..., anh không lường gạt, không buôn lậu, không tham nhũng để có tiền uống rượu (riêng tôi với người nghiện rượu không tham nhũng tôi có cảm tình hơn với người tham nhũng không nghiện rượu). Không “tích cực”, không “tiêu cực” vậy thì Hoàng thuộc loại nhân vật nào?
Khổng Tử, Mạnh Tử rất ghét loại người vẫn được gọi là “phường hương nguyện.” Trong sách Mạnh Tử bộ mặt “hương nguyện” được miêu tả qua thái độ của họ đối với “cuồng giả” (là “kẻ sĩ có chí tấn thủ trên đường đạo lý, dẫu làm chẳng được, cũng gắng sức mà làm”), và “quyến giả” (là “kẻ sĩ giữ gìn khí tiết: chuyện chẳng hạp nghĩa chẳng làm”)...
Vạn Chương, môn đệ của Mạnh Tử hỏi: “... Tôi xin hỏi thầy: Người như thế nào mới gọi là hương nguyện?”
Mạnh Tử đáp rằng: “... Ấy là những kẻ hay chê cười... Đối với cuồng sĩ họ trách rằng: “Mấy ông ấy có chí cao nguyện lớn để làm gì?...” Đối với quyến sĩ, họ trách rằng: “Mấy ông ấy làm gì mà ăn ở khác đời? Làm gì mà lãnh đạm với đời? Đã sanh ra và sống ở đời này, thì cứ làm việc đời này đi. Miễn được khen là tốt rồi.” Họ nịnh đời bằng cách che giấu điều tốt đẹp của người và khoe khoang việc xứng đáng của mình. Phường như thế là hương nguyện vậy.”
Vạn Chương lại hỏi: “Cả làng đều khen họ là người thật thà đứng đắn, đi đâu họ cũng làm như người thật thà đứng đắn. Tại sao đức Khổng Tử nói rằng họ làm bại hoại nền đạo đức?”
Mạnh Tử giải rằng: “Muốn chê họ, thì chẳng có chỗ gì chê, muốn trách họ, thì chẳng có chỗ gì trách. Họ đồng hóa theo thói tục thông thường, họ dung hiệp với cõi đời ô trọc. Lòng dạ họ dường như trung, tín, hành vi họ dường như liêm, khiết. Dân chúng lấy làm ưa thích họ, mà họ cũng tự nhận mình là trung, tín, liêm, khiết. Thế mà họ không thể cùng đi với mình vào Đạo vua Nghiêu, vua Thuấn. Bởi thế, đức Khổng nói rằng họ làm bại hoại nền đạo đức vậy.”
Hoàng thuộc loại nhân vật “phản hương nguyện.” Để độc giả nhìn nhận Hoàng là một nhân vật tích cực có khi tác giả phải đặt cho nhân vật của mình những yêu cầu cao hơn về tính tư tưởng. Tuy vậy, ở nhân vật Hoàng có cái tối thiểu của con người hẳn hoi: nhân hậu, trung thực, chân thành, lương thiện, không đểu giả, quay quắt... Người đọc chưa nhận ra ở nhân vật tích cực cái tối thiểu này thì nó khó mà có sự sống, sức thuyết phục lâu bền trong ký ức của người đọc. Thời đại nào cũng vậy, trong cuộc đời cũng như trong văn học, nhân vật tích cực, nhân vật tiên tiến trước hết phải là con người hẳn hoi.
Quan hệ tình cảm giữa đôi bạn Hoàng và Nhã không phải là tình yêu, còn cao hơn tình yêu, đó là tình bạn, tình bạn chân thành, vô tư, không phải tình yêu ngụy trang. Tình bạn này có khi còn cao hơn “tình yêu thuần khiết” (amour platonique) của Platon vì đây là quan hệ tình cảm giữa những con người bằng xương bằng thịt với những ham mê hết sức trần tục (tôi muốn nói đến thú ma men và tình yêu đắm đuối với Thủy của Hoàng, đến ham thích làm giàu, thói quen hút thuốc và cả rượu nữa của Nhã, trong tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà không có chủ đề sex). Nhã và Hoàng là đôi bạn đầu tiên trong văn xuôi Việt Nam (không biết trong văn học thế giới có đôi bạn nào như vậy không?). Những phẩm giá nào của Nhã và Hoàng gắn bó họ trong tình bạn có một không hai này?
Xác lập cơ sở cho đạo đức, Kant cuối cùng đề ra một mệnh lệnh tuyệt đối (imperatif catégorique) cho lương tâm con người: “... con người không thể bị sử dụng chỉ như là phương tiện, nó phải được đối xử đồng thời như là cứu cánh cho bản thân nó, không bao giờ, không một ai (kể cả Thượng đế nữa) được sử dụng nó chỉ như là phương tiện...” Mệnh lệnh tuyệt đối này cũng bao hàm một quan niệm về nhân cách (personne humaine). Có những quan niệm khác nhau về nhân cách. Ở đây, ý thức về nhân cách có nghĩa là ý thức đầy đặn về bản thân mình, trong khi mình bị (hoặc được) sử dụng như là phương tiện mình đồng thời ý thức ở mình cứu cánh cho bản thân mình. Nó là sự diễn đạt triết học của ý thức “lấy mình làm chủ” (chữ của Tản Đà). Kant không bác bỏ quan niệm sử dụng con người như là phương tiện, ông yêu cầu đồng thời phải có sự nhìn nhận cứu cánh ở bản thân nó (và cho bản thân nó), ông chỉ phản bác việc sử dụng con người chỉ như là phương tiện. Anh muốn sử dụng tôi như là phương tiện ư, OK, nhưng đừng có quên cứu cánh của tôi cho bản thân tôi, nói một cách nôm na, nhu cầu nhân cách trong mệnh lệnh tuyệt đối của Kant là như vậy. Đây là một nhu cầu hết sức cốt yếu của con người, có thể đó là biểu hiện của “linh thể” ở con người mà tác giả có nhắc đến đôi ba lần trong tác phẩm. Nó là phẩm giá bảo đảm cho mình sự kính trọng của người khác. Khi anh được xem xét chỉ như là phương tiện: được việc cho chức năng này, đắc lực cho chức năng kia... khi đó, anh có thể được trọng dụng, nhưng được quý trọng thì chưa chắc. Nó cũng là một nhu cầu hết sức phổ biến. Con người bình thường bao giờ cũng cảm thấy bị xúc phạm khi bị đối xử chỉ như là phương tiện. Nhã là người đặc biệt nhạy cảm khi nhân cách bị xúc phạm, tức là khi bị đối xử chỉ như là phương tiện. Nhã đầy thiện cảm với Sáng nhưng đến khi chợt nhận ra Sáng đặt cái danh của anh ta cao hơn mình thì Nhã phản ứng ngay tức khắc, phản ứng một cách kín đáo nhưng xem ra hết sức quyết liệt: nhác thấy bóng Sáng cũng có mặt ở sân bay Nhã quay mặt và bỏ đi (xem trang 464). Về phía Hoàng, công việc anh ta làm hứng thú, bền bỉ hơn cả là viết truyện. Có thể hiểu được điều này: sáng tác văn học là công việc duy nhất anh làm mà vẫn giữ được, thực hiện được cứu cánh cho bản thân mình. Còn những công việc khác của Hoàng... chúng ta sẽ bàn ở phần dưới.
Đạo đức của cá nhân bao gồm hai loại quan hệ (hoặc trách nhiệm) đạo đức: quan hệ đạo đức của cá nhân với cộng đồng (và những người khác có liên hệ với mình) và quan hệ đạo đức của cá nhân với bản thân mình. Loại quan hệ sau thể hiện ở những đức tính (trong tiếng Việt bắt đầu bằng chữ tự): tự lập, tự lực, tự tin, tự trọng, tự ái... (Nguyễn Việt Hà thêm vào danh sách này một đức tính nữa được tác giả gọi là tự chịu với ý nghĩa là tự trách mình, không đổ lỗi cho người khác, xem trang 360). Ý thức về nhân cách chính là cơ sở triết học của loại đức tính này. Hồ Chủ tịch đặc biệt coi trọng lòng tự trọng, lòng tự tin, lòng tự ái của con người: “Ai cũng có lòng tự trọng, tự tin, không có lòng tự trọng, tự tin là người vô dụng.” Đầu thế kỷ này, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu bàn về nhân cách của con người “lấy mình làm chủ” có đề xuất ba đức tính mà ông gọi là “ba đức riêng”: tự ái, tự trọng, tự tôn. Trong sinh hoạt đạo đức, tư tưởng cũng như trong công tác giáo dục những đức tính này thường không được chú ý. Đây là một lỗ hổng đáng buồn trong đời sống đạo đức của chúng ta. Phải chăng vì vậy xung quanh chúng ta có những con người có những ưu điểm đáng quý nhưng nhân cách không đẹp. Trong ngôn ngữ hằng ngày “tự ái” bao giờ cũng được dùng với nghĩa xấu. Hầu như không ai nhớ đến nghĩa “chân chính” của từ này, như là ý thức về phẩm giá cá nhân, như là một tình cảm cao quý khiến ta cố gắng, tìm mọi cách để xứng đáng với sự quý trọng của người khác. Trong thế kỷ này, ở nước ta, theo tôi biết có hai danh nhân văn hóa hiểu lòng tự ái như một chiều cốt yếu của nhân cách đạo đức, như một phẩm giá cao thượng gắn liền với lòng tự trọng: đó là Hồ Chí Minh và Nguyễn Khắc Hiếu.
Hồ Chủ tịch viết: “... Không làm điều gì có hại đến danh dự của mình thế là chân chính và tự ái, mà ai cũng phải tự ái.” Tự ái, Nguyễn Khắc Hiếu viết là “chút lòng tự yêu mình, tự tiếc mình... giữ cài tài ấy, cái đức ấy... làm nên công đức ấy, sự nghiệp ấy.” Có lẽ lòng tự ái là thanh, khí hòa điệu nhất giữa đôi bạn Nhã và Hoàng. Nhã ham làm giàu nhưng vẫn có cái gì đó Nhã coi trọng hơn tiền bạc: Nhã thà mất phân nửa số vốn còn hơn “ra tòa với tội danh buôn lậu” (xem trang 462). Hoàng khi khốn đốn nhất trong tình yêu vẫn giữ lòng tự trọng của người đàn ông. Hoàng vất vưởng trong công việc cơ quan một phần do bạc nhược, một phần do, nói như Tản Đà, với “chút lòng tự yêu mình, tự tiếc mình” anh muốn giữ “cái tài ấy, cái đức ấy”, “làm nên công đức ấy, sự nghiệp ấy.”.. Trước mắt, Hoàng chẳng tìm đâu thấy “công đức ấy”, “sự nghiệp ấy.”.. Dưới trướng bà tổ trưởng Mộng Hoa ba hoa nhăng nhít, bên trên viện trưởng cũ và viện trưởng mới đều không ra gì, làm sao Hoàng có thể yên tâm, tận tâm được? Đây là một câu hỏi lớn được đặt ra trong Cơ hội của Chúa.
Có sự mới mẻ trong sinh hoạt của Hoàng, Nhã, Tâm, Bình... và bạn bè của họ. Họ ngồi tán gẫu ở những khách sạn sang trọng, họ gặp nhau ở sân quần vợt, họ giải trí ở những cửa hàng Karaôkê, lui tới những bar, hộp đêm... Về phương diện này Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Bảo Ninh... “nhà quê” hơn Nguyễn Việt Hà nhiều. Cơ hội của Chúa nhan nhản những mác rượu Tây: Johny Walker, Remy Martel, Gordon, Martini..., trong truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp sang nhất là rượu Vân. Có sự mới mẻ trong đời sống tư tưởng và não trạng của họ. Họ hầu như không quan tâm đến những vấn đề chính trị và hệ tư tưởng, những vấn đề thời sự quốc tế và trong nước. Họ suy nghĩ về những vấn đề tôn giáo, tranh luận về triết Đông, triết Tây, đưa ra những quan niệm, những tư tưởng về đạo lý kinh doanh, về triết lý quyền lực, triết lí đọc sách, triết lí đồng tiền..., những vấn đề hầu như không được bàn đến trong những bài giảng triết học ở nhà trường và những sách giáo khoa về duy vật biện chứng và duy vật lịch sử.
3
Chủ đề văn hóa tôn giáo trong Cơ hội của Chúa
Chủ đề văn hóa tôn giáo là một chủ đề quan trọng trong Cơ hội của Chúa. Trong tác phẩm này không có sự độc tôn của một tôn giáo nào. Những tôn giáo lớn được xem xét từ những giá trị bền vững chúng đóng góp cho kho tàng văn hóa nhân loại. Qua một nhân vật phụ, một bà chủ quán nói “giọng Bắc có pha chút Sài Gòn nghe dễ chịu” tác giả đã tạo ra được một hình ảnh tuyệt vời của cảm thức tôn giáo người Việt: Bà chủ người Nam Định khoe với Hoàng là dân đạo gốc. Tháng trước vừa lên đồng hết gần một triệu. “Chị là chị cứ thành tâm. Bên cha cũng kính, bên mẹ cũng thờ” (xem trang 265). Cảm thức tôn giáo của tác giả có tính chất uyên bác nhưng vẫn giữ được sự hồn nhiên của tín ngưỡng bà chủ quán người Nam Định. Hoàng là một tín hữu Thiên Chúa giáo, anh khảo cứu Tân Ước, say sưa đọc Suzuki và kinh Bát Nhã, qua những trang viết tay còn sót lại của Hoàng (chương VI, mục 1, trang 185) có thể thấy anh hiểu sâu sắc Trang Tử, ta thấy anh quỳ xuống làm dấu dưới chân tượng Đức Mẹ và lầm rầm cầu kinh và cũng thấy anh thành tâm khấn khứa trước bàn thờ Phật, cũng có khi thấy anh ngồi thiền...
Trong Cơ hội của Chúa, linh mục Đức khuyên Hoàng đọc giáo lý Thiền tông một cách thoải mái cũng giống như bà chủ quán đạo gốc người Nam Định khoe việc lên đồng một cách hồn nhiên. Mục 1 chương VIII (trang 375) trong đó thuật lại việc Trần Khánh Dư đưa Trần Quốc Tảng đến yết kiến Tuệ Trung thượng sĩ là một mục hết sức quan trọng, phải được xem là một bộ phận hữu cơ của cuốn tiểu thuyết. Qua mục này cảm thức tôn giáo của tác giả được đưa trở về nguồn, trở về với cảm quan tôn giáo của những trượng phu kiệt hiệt thời Trần, từ đó được nâng lên, được thăng hoa trở thành một mẫu phạm tôn giáo khoáng đạt và hiện đại: Tuệ Trung tu thiền, vẫn ăn thịt, uống rượu, vẫn một tấm lòng ưu ái tới vận nước và dân tình (xem trang 384). Có thể xem mẫu phạm tôn giáo này là một trong những đóng góp quý giá của Thiền đạo Việt Nam cho văn hóa Việt, một đóng góp độc đáo cho văn hóa nhân loại. Có lần tôi hỏi họa sĩ Lê Bá Đảng: “Bác thấy trong các giáo ở Việt Nam, giáo nào quan trọng nhất?” Họa sĩ trả lời: “Việt giáo là quan trọng nhất.” Qua nhân vật Tuệ Trung thượng sĩ Nguyễn Việt Hà đã làm sáng tỏ tinh thần Việt giáo trong Thiền đạo thời Trần. Trở về với cội nguồn dân tộc để tìm một mẫu phạm cho cảm thức tôn giáo, điều này không giống với định kiến của không ít độc giả đối với Nguyễn Việt Hà thường bị quở trách là “snob”, là sùng ngoại, sính dùng chữ Tây, quá nhiều so sánh, ẩn dụ quy chiếu Tây. Nhiều vấn đề của đức tin và giáo lý Thiên chúa giáo được đề cập trong Cơ hội của Chúa. “Chúng ta có nên hằn học, có nên nghiệt ngã ở cuộc đời này khi chúng ta cảm thấy bất hạnh? Hay chúng ta nên yêu thương và tha thứ?... Đó là một thông điệp cốt tử của Tân Ước” (xem trang 279). Những giá trị nhân bản bền vững được hàm chứa trong thông điệp này là đóng góp to lớn cho văn hóa nhân loại. Những tư tưởng của Thiên chúa giáo về sự bất hạnh và đức tin, về sự bất hạnh và sự chấp nhận đau khổ, về sự bất hạnh và yêu thương, tha thứ... được tác giả cảm nhận khá tinh tế và sâu sắc làm sáng tỏ thông điệp cốt tử nói trên. Rất tiếc là đến đoạn bàn luận về Thiện và Ác (xem trang 99, trang 101), về nguồn gốc của cái ác, tác giả đã bỏ qua một tư tưởng cốt yếu của Thiên chúa giáo. Tác giả nhấn mạnh cơ sở tâm lý của cái ác: “Cái ác đầu tiên manh nha từ sự so bì cao thấp, ghen tị...” (trang 100).
Theo sự tích về tội tổ tông trong Kinh Thánh, việc ác đầu tiên của loài người là việc ăn quả cấm của Eva và Ađam, những con người đầu tiên. Nguồn gốc của việc ác này? Do sự so bì, ghen tị? (Lúc này trong vườn Địa đàng đã có ai đâu?) Không thể là do ý Chúa (lẽ nào Chúa răn họ không ăn quả cấm lại run rủi họ làm việc này). Do sự dụ dỗ của quỷ Satan? Thế nhưng Ađam có bị quỷ dụ dỗ đâu? Vả lại, nếu như toàn bộ tội lỗi là ở quỷ thì cớ sao Chúa Trời công minh lại trừng phạt Ađam và Eva. Nguyên ủy là ở bên trong bản thân Ađam và Eva. Hai con người đầu tiên này được hoàn toàn tự do trong vườn Địa đàng, tuyệt đối không có một sự kiểm soát, một sự ngăn ngừa nào cả, nếu như Chúa có răn họ không được ăn quả cấm thì cuối cùng ăn quả cấm hay không ăn quả cấm hoàn toàn do sự quyết định, sự lựa chọn tự do của chính họ. Như vậy, trong cuộc sống ở Địa đàng, Ađam và Eva được Chúa Trời trao cho sự tự do và bằng sự tự do này con người, một tạo phẩm của Thượng đế, ngang bằng với Thượng đế. Đây là một tư tưởng lớn của Thiên chúa giáo. Bởi vì trong tinh thần công chính của Thiên chúa giáo quyền tự do gắn với ý thức trách nhiệm. Ađam và Eva được hoàn toàn tự do ở vườn Địa đàng do đó chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc ăn quả cấm, không thể đổ lỗi cho quỷ Satan được (sự tích về tội tổ tông bao hàm một quan niệm về thân phận con người vừa lớn lao, vừa bi thảm: với quyền tự do con người ngang bằng với Thượng đế và lần đầu tiên nó sử dụng quyền tự do này lại là để lựa chọn điều ác: ăn quả cấm). Nguyên ủy của việc Ađam và Eva làm điều ác đầu tiên của nhân loại là ở bản thân họ: họ đã lạm dụng quyền tự do (mà Thượng đế trao cho họ). Nguồn gốc của cái ác là ở sự lạm dụng tự do (bản thân sự cám dỗ của xác thịt, sự suy bì tị nạnh chưa hẳn đã dẫn đến làm điều ác, phải có sự lạm dụng tự do thì mới sinh ra cái ác)... Lẽ ra những tư tưởng lớn này được bao hàm trong tinh thần (génie) của Thiên chúa giáo có thể giúp tác giả hiểu sâu hơn những vấn đề lý thú được nêu lên xung quanh thông điệp cốt tử của Tân Ước.
Có sự mới mẻ trong cách kể (tự sự) của tác giả Cơ hội của Chúa. Đọc một câu có khi độc giả mấy lần phải đoán điểm nhìn (điểm trần thuật) của ai thì mới hiểu câu. Chẳng hạn, trong câu: “Khuôn mặt gồ ghề của ông Bõ già, nhận ra Hoàng, cái cửa khô dầu ken két lộ ra một khoảng” (trang 274), ở phần câu “khuôn mặt gồ ghề của ông Bõ già” là điểm nhìn của Hoàng, “nhận ra Hoàng” là điểm nhìn của Bõ già, và tiếp theo “cái cửa khô dầu ken két lộ một khoảng” lại chuyển sang điểm nhìn của Hoàng. Với cách kể của Nguyễn Việt Hà lời trần thuật của người kể truyện, lời độc thoại nội tâm, lời nói trực tiếp được viết liền tù tì, người đọc phải tự phân định đâu là lời nói trực tiếp, đâu là lời trần thuật và vân vân... Trong văn của Nguyễn Huy Thiệp, lời nói trực tiếp được đặt trong “...” (vòng kép), trước dấu mở vòng kép là hai chấm và trước hai chấm là mẩu câu đưa đẩy: Tôi bảo, nó bảo..., tóm lại rất lỉnh kỉnh. Nguyễn Việt Hà bỏ tuốt. Nhìn chung cách kể của Nguyễn Việt Hà nhanh gọn, gọn hơn, văn minh hơn cách kể của Nguyễn Huy Thiệp.
Tiểu thuyết Cơ hội của Chúa kết thúc bằng mấy trang tiểu luận (trang 464, trang 466) mở ra những vấn đề rất lớn của nền văn minh hiện đại của nhân loại. Các tư tưởng và luận điểm mà tác giả trịnh trọng trình với công chúng độc giả đều đúng cả. Duy có điều những chỗ nhấn nghe ra không trúng. Chẳng hạn, trong luận điểm: “Camus cho rằng sự dốt nát dẫn đến độc ác. Vậy giải thích thế nào về những người có học hình như đã làm điều ác” (trang 465), chỗ nhấn được đặt vào câu thứ hai nói về thực trạng “những người có học... làm điều ác.” Trình bày luận điểm nói trên với cách nhấn như vậy hoàn toàn có thể chấp nhận được ở những nước phương Tây phát triển, ở những xã hội này mặt bằng trí thức khá cao và sự tha hóa của những người có học có những biểu hiện trầm trọng, ngay đầu thế kỷ này, nhà triết học Pháp Julien Benda (1867- 1956) đã phải lớn tiếng tố cáo “Sự phản bội của những người trí thức” (La trahison des clercs) và tiếng nói của ông đã gây chấn động lớn trong xã hội phương Tây. Hoàn cảnh của xã hội Việt Nam hiện nay rất khác: mặt bằng trí thức thấp, rất thấp, ngay trong tầng lớp trí thức có những sự dốt nát (hiểu theo nghĩa đen) đáng sợ, ở mọi cấp, vi mô cũng như vĩ mô, khắp mọi nơi: nhà trường, bệnh viện, xí nghiệp, ngân hàng, những cơ quan kế hoạch... sự dốt nát hàng ngày hàng giờ gây ra những tổn thất xót xa và đáng căm giận..., trong một hoàn cảnh như vậy, chỗ nhấn lẽ ra phải được đặt vào tư tưởng vĩ đại của Camus: sự dốt nát dẫn đến độc ác..., đành rằng ở ta hiện nay nói đến tình trạng những người có học làm điều ác không phải là thừa, và về sự tha hóa của những người trí thức không phải không có những điều đáng nói. Đồng thời tác giả tố cáo sự bạo tàn của nền văn minh kỹ trị và lên án quan niệm: con người là sinh vật cao cấp đã biết sử dụng máy móc. Đây là những chủ đề quen thuộc trong học thuật phương Tây hiện nay. Trong hoàn cảnh nước ta, sự phê phán kỹ trị luận không phải là thừa, tuy nhiên tình trạng bức xúc hiện nay là sự nghèo nàn về công nghệ và trình độ quá lạc hậu về kỹ thuật trong mọi lĩnh vực, kể cả lĩnh vực hành chính quản trị. Tác giả quá lo lắng và chỉ lo lắng về nguy cơ kỹ trị luận và như vậy chỗ nhấn đặt không trúng. Cũng vậy, tiếp nhận sự phê phán quan niệm: con người là sinh vật cao cấp biết sử dụng máy móc không thể không thấy rằng hiện nay ở nước ta 85% người lao động không được đào tạo, có nghĩa là không có năng lực hẳn hoi sử dụng máy móc (ở các nước phương Tây phát triển không có tình hình này).
Mạnh Tử có nói rằng: “Cá là món ta thích ăn, cẳng gấu cũng là món mà ta thích ăn nữa. Nếu chẳng được luôn hai món ấy một lượt, ta cứ bỏ món cá và lựa lấy món cẳng gấu vậy. Sống thì ta vẫn ham, nghĩa thì ta cũng mộ. Nếu chẳng được luôn hai việc ấy một lượt, ta đành bỏ mạng sống mà giữ lấy tiết nghĩa thôi.” Minh triết của Mạnh Tử không phải ở việc đề cao lòng mộ nghĩa (bất cứ nho sĩ bẻm mép nào cũng có thể tán dương đức nghĩa và tán rất hay). Mà ở cách đặt chỗ nhấn hết sức tinh tế. Ví như Mạnh Tử tỏ lòng mộ nghĩa mà làm như là không ham sống thì người nghe sẽ cảm thấy là “phô” (faux). Trước khi tỏ chí “xả sinh chủ nghĩa” ông dường như nói to cho mọi người hay: Mạnh Tử tôi đây cũng ham sống như mọi người. Tác giả Cơ hội của Chúa đọc và biết nhiều lý thuyết. Hiểu lý thuyết là việc của trí thông minh và công việc này không dễ. Vận dụng lý thuyết khó hơn rất nhiều, tự mình phải tạo ra những chỗ nhấn đích đáng và thỏa đáng, công việc này đòi hỏi sức sáng tạo tinh diệu có khi thuộc lĩnh vực của “linh thể”, không biết tôi hiểu từ này có đúng với ý của tác giả không.
H. N. H.
130/12-1999