Cơ hội của Chúa - Chương 00 - Phần 1

Lời giới thiệu

1

Những
khái quát “xanh rờn.”..

Trong
tác phẩm có những khái quát “xanh rờn” tất nhiên là không nên cả tin - không
nên cả tin bất cứ điều gì những tiểu thuyết gia viết ra - nhưng trên thực tế có
giúp người đọc hình dung và suy nghĩ về những thực trạng của xã hội, những vấn
đề và những gì thực sự đang diễn ra trong xã hội ta thời kỳ đổi mới, dĩ nhiên
không thể đòi hỏi tác giả bao quát mọi thực trạng, đề cập đến mọi vấn đề, phải
nhận rằng những mảng đời sống, những thực trạng xã hội, những loại người, mẫu
người được trình bày trong tác phẩm tác giả khá am hiểu, có sự cảm nhận tinh
tế, có cả sự vô tư của một tác gia tiểu thuyết (vô tư theo cách hiểu rất bác
học và cũng rất bình dân của người Hà Nội hiện nay khi dùng cái từ khẩu ngữ
này). Những khái quát:

-
Về hàng ngũ các giám đốc đầu những năm 90: “... Ba vạn chín nghìn tổng,
chánh, phó giám đốc trong và ngoài quốc doanh đều mù và điếc theo mọi nghĩa...”
(trang
362) (Đọc nhận định này chắc là những vị giám đốc mù và điếc sẽ nổi đóa lên và
những giám đốc có năng lực sẽ mỉm cười.)

-
Về cánh buôn lậu: “Quan buôn lậu có thế hơn dân buôn lậu. Những
phi vụ xuyên dọc chiều dài đất nước có thể là của dân, nhưng muốn xuyên ngang
các quốc gia chỉ có thể là của quan.”
(trang 62) (Những ông
quan buôn lậu sẽ phùng má trợn mắt, những ông quan không dây vào những vụ việc
này sẽ cười mỉm.)

-
Về người Việt ở Đông Âu (đủ các loại: vỡ nợ trong nước xuất khẩu lao động, học
sinh du học, quan chức đi buôn...): “Thỉnh thoảng sách báo từ Việt Nam đưa sang
có những bài phóng sự du khảo của người Việt ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ,
đọc nghe hài hước. Cũng chẳng hẳn đã trác táng đến như vậy, cũng chẳng hẳn cướp
giật đến như vậy nhưng làm gì có đan xen văn hóa, giao lưu văn minh. Cái hay
của nước ngoài học được thì ít, cái dở của ngoại bang thì mót được nhiều…”

(trang 285) (Những người học hành tử tế sẽ trách tác giả không có sự thông cảm
với tình trạng chung dân trí và mức sống thấp.)

-
Về “cái thời buổi nhố nhố nhăng nhăng..., ông không ra ông, thằng không ra
thằng” này (xem trang 294) (Những người nhố nhăng sẽ thích chí, nghĩ rằng tác
giả ám chỉ những kẻ khác, trừ mình ra.) Khái quát này được minh họa bởi những
tiểu sử quái đản của những nhân vật của thời đại: một ông “tổng giám đốc
liên hiệp Sữa - Điện tử - Thiết bị xây dựng chưa học hết cấp một... được báo
hình báo tiếng... khen là... biết tám ngoại ngữ và trong giao tiếp không bao
giờ dùng tiếng Việt
(trang 362),
một Nguyễn Thị Thảo mà quá trình “trở thành nghệ sĩ Cam Ly là một chuyện dài,
một trường thiên tiểu thuyết mà chương nào cũng đẫm đầy những tình tiết lừa đảo

(trang 259), một Nguyễn Văn Mười Hai, “một thằng vô học móc cống dám len vào điều
hành kinh tế ở tầm vĩ mô”
(trang 362)...

-
Bức tranh khái quát thành phố Hải Phòng những năm đầu đổi mới:... dân tình ham
hố kiếm tiền... với ba vạn chín nghìn cách làm giàu, thời đại hoàng kim cho các
“ếch.”... nhà nhà bung ra, người người bung ra..., ở quán cà phê chỉ bàn về
“cầu” và “quả.”... cuộc sống sôi sục mùi đồng... và những thảm cảnh kèm theo
kinh tế thị trường: một thằng nhóc mười sáu tuổi bắn chết trọn vẹn một gia đình
hàng xóm chỉ để lấy hai trăm nghìn..., tiếng hét trước khi trẫm mình xuống sông
Cấm của một gã người Kiến An buôn dưa lê (... gã bắt gặp cô vợ chưa cưới trốn
vụ gặt ra thành phố hành nghề)... (xem trang 203). Cũng có thể xem đây là bức
tranh chung của sự nhộn nhạo, sự nhiễu nhương của các thành phố, đô thị những
năm đầu kinh tế thị trường.

Về
những khái quát “xanh rờn” nói trên hiện nay có hai cách đánh giá: dám nhìn
thẳng vào sự thật hoặc xuyên tạc và bôi đen. Ý kiến của tôi: chớ cả tin nhưng
rất đáng suy nghĩ. Vả chăng những khái quát này được phát biểu từ những nhân
vật khác nhau, không thể đem quy là những quan điểm của chính tác giả (rất tiếc
là điều này đã trở thành một thói quen của một bộ phận độc giả ở ta).

2

Những
mẫu người “lập thân, lập nghiệp” lý thú

Trên
đại thể, những nhân vật tích cực trong tiểu thuyết trước đây là những mẫu người
phục vụ: phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng... Những nhân vật chính
trong Cơ hội của Chúa không có gì là chống đối, phá phách nhưng gọi
họ là những mẫu người “phục vụ” thì không “chính danh”, tốt hơn hết gọi họ là
những mẫu người lập thân, lập nghiệp. Bạn đọc, nhất là những bạn đọc trẻ dễ
dàng nhận ra ở họ những người đương thời với mình. Hoạt động lập thân, lập
nghiệp của họ giống nhau ở chỗ: gắn với mục đích trực tiếp là làm giàu. Khác
nhau - và rất cơ bản - là cách làm giàu và quan niệm về sự giàu có. Rồi tâm
tính khác nhau, trí tuệ khác nhau... Mỗi người một vẻ. Và người nào - kể cả
người đốn mạt nhất - cũng lý thú, nếu như bạn đọc có hứng thú tìm hiểu, những
mẫu mã người vô cùng đa dạng của xã hội ViệtNam cuối thế kỷ này (Balzac đã
làm tuyệt vời công việc này đối với xã hội Pháp đương thời của ông). Những Nguyễn
Công Hoan, những Tô Hoài... thừa sức làm công việc này nhưng hai ông đã sáng
tác trong một hoàn cảnh văn hóa - chính trị khác hiện nay, tôi hy vọng Nguyễn
Việt Hà sẽ viết tiếp nhiều tập tiểu thuyết nữa, mở rộng chủng loại, phát hiện
thêm nhiều mẫu mã người..., một người lính phải thủ một chiếc gậy thống chế
trong túi rết của mình, không biết Nguyễn Việt Hà có găm một bộ Comédie humaine
trong máy vi tính của mình không?... Trong Cơ hội của Chúa
thể kể ra những nhân vật chính sau đây: Hoàng, Nhã, Tâm, Bình, Lâm, Sáng...

Tâm
và Bình là hai mẫu người kinh doanh rất khác nhau. Ở con người và hành vi của
Tâm có những nét “anh hùng”: có “đam mê” của người làm “đại sự” (trang 448),
“không chịu đựng được sự bất công”, không chịu “quỵ lụy hèn kém” trước người nước
ngoài, không chịu nghèo hèn khi mình “mạnh và nhanh không kém gì những kẻ
khác đang giàu có
”, không chịu “cảnh cào bằng với những kẻ ngu hơn tôi
trong tư duy, lười hơn tôi trong lao động
.” Tâm có tinh thần tự lập, tự lực
mạnh mẽ: “Ăn đậu ở nhờ để da tươi thắm thịt là chuyện nhục nhã. Tôi thấy lố
bịch khi những kẻ tha hương vì miếng ăn hóng hớt được tí váng bọt dư thừa của
nước ngoài khi về tới nhà xưng xưng một kiểu chơi cha
” (xem trang 291-
292). Tâm thích làm chủ, khinh sự làm thuê, có tinh thần quyết đoán, mạo hiểm
(xem trang 49), có đầu óc tổ chức, tập hợp được “một dàn trợ lý tuyệt vời,
rất nhiệt tình, rất nhiệt tình và rất trí thức
” (trang 448), có tham vọng
làm những mặt hàng chất lượng cao, cạnh tranh được với hàng hóa của nước
ngoài...

Tâm
muốn “làm ăn chân chính bằng đúng trí thông minh và bản lĩnh của riêng mình
(trang 290). Thành công của Bình là do dựa vào thế lực của bố và những người
khác có thế lực, do biết mắc ngoặc với những người cầm quyền, không có sự đóng
góp của tài năng và trí thức.

Tâm
có quan niệm nôm na về đạo đức: “hiếu với bố mẹ, tốt với anh em và giữ chữ
tín với bạn bè. Còn trách nhiệm với xã hội thì hãy đợi cho có tiền đã
...”
(trang 305) và Tâm ứng xử đúng như quan niệm của mình. Bình là một con người
“vô luân” (hay là “phi luân”?) Cuối cùng thì Bình lộ ra là “một kẻ khốn nạn có
gien.” Hai bố con cùng chung một “bồ nhí” thoải mái. Cùng một lúc Bình tán tỉnh
vợ chưa cưới của bạn mình và ve vãn em gái cũng chính người bạn này.

Tâm
là một nhân vật có lý tưởng. Lý tưởng của anh là “làm giàu đàng hoàng chính
đáng tuân thủ pháp luật
” (trang 446), trở thành triệu phú đô la và “sẵn
sàng kê biên tài của mình lên đài, lên báo
” (trang 447). Anh ước mơ một
thương trường lành mạnh trong đời sống kinh tế của đất nước: “Thương trường
chân chính không có chỗ cho lừa đảo và ăn cắp. Tất nhiên là đầy rẫy kỹ xảo.
Phương châm chủ yếu là đôi bên cùng có lợi. Một sự hợp tác mang tính chất trí
thức và trung thực. Thương gia ở các nước tiên tiến được coi như một bộ phận
tinh hoa của xã hội
” (trang 85). Tôi đánh giá cao nỗ lực của tác giả qua
nhân vật Tâm xây dựng một điển hình hẳn hoi của những nhà doanh nghiệp trẻ,
tương lai của đất nước chúng ta phụ thuộc vào chỗ tầng lớp này có xứng đáng và
có được thừa nhận là tinh hoa của xã hội không.

Nhưng
những người như Tâm “rất khó giàu.” Tâm “mạnh mẽ quyết đoán nhưng chưa đủ độc
ác.” Cá tính của Tâm quá mạnh, khó tìm được đối tác hoặc người bảo trợ. Tâm “vẫn
nhiều đã cảm vẫn còn vương vấn với vài giá trị mà Bình coi là lỗi thời
” (trang
450). Sau khi so sánh Tâm và Bình, Nhã - mà thiện cảm nghiêng hẳn về phía Tâm -
đưa ra một kết luận bất ngờ: “Bình chắc chắn là mẫu người sẽ vào thế kỷ hai
mươi mốt.” Đây là lời nói mát mỉa đối với Trần Bình hay là đối với xã hội
Việt Nam thế kỷ XXI?

Lâm
và Sáng là hai con đường lập thân của trí thức rất khác nhau. Ở đây có sự khác
nhau của thời kỳ bắt đầu tiến thân (đối với Lâm là vào khoảng những năm cuối
70, đầu 80, đối với Sáng thì muộn hơn), sự khác nhau về hoàn cảnh gia đình, về
tính cách...

Con
đường lập thân của Lâm là con đường của một kẻ “nghèo khổ từ ấu thơ, lập cập
bước vào đời đã chịu nhiều gian nan khắc nghiệt
” và “đã tìm thấy lối
thoát trong việc học hành, phương tiện thích hợp để “thăng hoa” ra khỏi sự bần
hàn
” (trang 436). Thủ đoạn tiến thân của Lâm là sự lừa dối. Bản thân Lâm là
hiện thân của “sự giả dối thượng thặng”, đóng kịch giỏi, biết tạo ra cái nhìn
thẳng thắn “qua cặp kính trắng”, biết “giận dữ, chính trực đúng lúc, đúng chỗ.”..
Bước tiến thân quan trọng đầu tiên là chuyến đi học Hà Lan. Để có passport, Lâm
hứa sẽ là con rể của một gia đình trọc phú... và hệ quả tất yếu là phải đá Nhã,
người tình đã có mang ba tháng với Lâm. Bằng sự lừa gạt, dần dà Lâm có tất cả,
trừ hạnh phúc. “Leo lên lưng cọp không tụt xuống được nữa. Đời tôi là một
chuỗi sai lầm
” (trang 418), đây là lời tổng kết của Lâm về con đường lập
thân của mình. Thực ra Lâm “luôn luôn đúng trong tất cả hành động của mình.”
Nhưng không thể tới đỉnh cao của thành công vì Lâm “đã vi phạm một luật căn bản
của tự nhiên”: “người tính không bằng trời tính”, suy tính nhưng phải thoáng,
đó là sự khiêm nhường dành chỗ cho “sự trời tính”, không phải người chủ gia
đình, người quản lý, lãnh đạo nào cũng hiểu được điều này (xem trang 437).

Tiền
đề “lập thân”, “lập nghiệp” của Sáng cũng như chí hướng của Sáng rất khác, so
với Lâm. “Sáng là con một trong một gia đình được coi là thế gia. Bố Sáng
nhiều năm là Bộ trưởng một bộ quan trọng, một vị Thượng thư có nhiều bằng sau
đại học nhất so với các Đại thần khác. Sáng nhận sự nâng niu từ bé và không phụ
lại sự đầu tư ấy. Được hưởng một giáo dục ưu việt. Sáng hấp thụ chắc chắn các
tinh hoa. Sáng điềm đạm và không phải dạng người mê làm giàu. Sáng không giấu
giếm tôi về khát vọng sẽ tham chính
” (trang 439). Sáng chẳng những là một
chuyên gia kinh tế lão luyện mà “hiểu biết của anh về văn chương nghệ thuật
cũng rất lỗi lạc.” Sáng là người có tài và có chí. Câu hỏi về tiền đồ của Sáng
chứa chan hy vọng và tin tưởng: “Liệu anh có phải lực lượng kế thừa chịu
trách nhiệm cho đoạn đường đi sắp tới của chúng ta
” (trang 441).

Sáng
là một viên ngọc không có tì vết. Đến cuối tác phẩm, mới thấy trên viên ngọc
sáng nay một vết nhỏ, rất nhỏ. Sáng ngỏ lời cầu hôn với Nhã, chưa có câu trả
lời nhưng lời cầu hôn được đón nhận trân trọng, quý mến. Nhã quyết định dẹp cơ
sở kinh doanh ở Sài Gòn và ra hẳn ở Hà Nội, nơi Sáng đang công tác, cũng là một
bước chuẩn bị cho hôn nhân. Ở sân bay Tân Sơn Nhất, Nhã bị công an giữ lại (có
một sự vu khống). Trong mấy ngày bị tạm giữ, Nhã có nhắn tin cho Sáng, chờ đợi
Sáng sẽ bay vào, nhưng... tuyệt vô âm tín, Nhã gọi điện thoại cho Sáng nhiều
lần nhưng không ai nhấc máy. Ra Hà Nội, xuống sân bay Nội Bài, nghe một người
thân tín của Sáng nói lại, Nhã hiểu ngay sự tình và sự im lặng của Sáng: người
mà Nhã thật lòng tin và quý trọng đương ứng cử vào hội đồng nhân dân thành phố,
do đó không muốn bị liên lụy... Thần tượng sụp đổ... Sáng cũng có mặt ở sân bay
và trước mắt Nhã, “người đàn ông chân chính” ngày nào chỉ còn là một thám tử
hạng bét: “đeo kính đen”, “nhìn quanh một vòng trước khi lại phía
chúng tôi
” (trang 464).

Con
đường tham chính của Nhã đi tới đâu chưa rõ nhưng cuộc hôn nhân chắc chắn là
tan vỡ: Nhã nhác thấy Sáng quay mặt bỏ đi. Vết rất nhỏ trên viên ngọc Sáng có
tên triết học là tha hóa, có nghĩa là không còn là mình nữa, đánh mất bản thân
mình. Do ham hố tham chính, Sáng không còn là mình nữa, không còn là người yêu
Nhã, người ngỏ lời cầu hôn với Nhã. Trước đây, dưới con mắt của Nhã, Lâm nhếch
nhác, èo ọt bao nhiêu thì Sáng đàng hoàng, mạnh mẽ bấy nhiêu. Từ giờ phút này,
Nhã cho Sáng vào cùng một rọ với Lâm: “Lần đầu tôi đã bị bán rẻ cho cái lợi,
còn lần này, tôi không muốn là nạn nhân của cái danh
” (trang 464). Chủ đề
sự tha hóa của con người (bộc lộ rõ nhất trong quan hệ tình yêu) được tác giả
quan niệm hết sức nghiêm túc, và cũng chính vì vậy, nó được triển khai không có
sự khoa trương hoa mỹ, do đó bị át đi bởi những chủ đề khác (về tôn giáo, về
“lập thân”, “lập nghiệp.”..) được tác giả triển khai với một cảm hứng cũng hết
sức chân thành nhưng do cứ muốn nói cho “đã” nên đôi khi hơi ồn ào.

Hoàng
và Nhã là “đôi bạn” của Nguyễn Việt Hà. Thêm một “đôi bạn” lý thú cho văn xuôi
thời kỳ đổi mới. Giai thoại ngổ ngáo được kể ở ngay phần đầu chương I để lại
những ấn tượng không đẹp về đôi bạn. Nhã có mang và người tình bỏ đi. Hoàng sẵn
sàng làm chồng hờ của Nhã (đăng ký kết hôn với Nhã) để đứa con sau này của Nhã
có giấy khai sinh hẳn hoi. Và Nhã đã đưa Hoàng cùng với tờ đăng ký kết hôn đến
để mặc cả với bố, một quan chức rất sợ tai tiếng:

Thưa
ba, với uy tín của ba không thể nào có đứa con gái trắc nết. Khoảng bốn tháng
nữa con sinh cháu. Sẽ chẳng có đám cưới nào nhưng có giấy tờ kết hôn hợp lệ. Ba
yên tâm lưu nó vào hồ sơ. Đổi lại ba đưa con cái Cub ba đang đi và năm cây
vàng. Đây là hợp đồng đầu tiên và cũng là cuối cùng giữa con và ba
.” (trang
48- 49).

Đọc
đến giai thoại này, độc giả dễ có cảm tưởng hai anh chị này cùng là “phường mèo
mả gà đồng.” Không phải như vậy. Hai nhân vật này được tác giả quan niệm và xây
dựng như những người có những yêu cầu rất cao trong đời sống đạo đức. Đạo đức
là ở trong tâm của họ và hành vi của họ dễ gây “sốc” vì họ bất chấp các ước lệ
xã hội.

Hoàng,
trong sự cảm nhận của Tâm: “Đến tận giờ người tuyệt vời, thông minh và nhân
hậu duy nhất mà tôi được gặp vẫn là Hoàng
” (trang 294). Và trong sự cảm
nhận của Nhã: “Tôi chưa bao giờ thấy Hoàng dối trá. Cậu ta có thể tán lếu
tán láo nhăng nhố nhưng tuyệt đối không dối trá
” (trang 458). Hoàng còn là
một trí tuệ xuất chúng. Tác giả đã tạo ra một cảnh (trang 410, trang 412) trong
đó Hoàng tiếp xúc và nói chuyện về tôn giáo, triết học với ba trí thức lỗi lạc:
Sáng, được đào tạo chính quy ở Pháp và giỏi tiếng Nhật, mê thơ Hai ku, “một mẫu
người văn hóa kết hợp tinh hoa Đông Tây”, một phó tiến sĩ tài chính thông thạo
Phật giáo đại thừa, biện chứng pháp của Hegel và mê Kinh Dịch, một phó tiến sĩ
sinh học đã hành thiền ba năm vừa thực nghiệm ngồi thiền vừa tham khảo những
tài liệu tiếng Nhật. Có hai cái khó trong việc dựng cảnh này. Phải miêu tả như
thế nào qua cách nói, cách suy nghĩ của những nhân vật này, qua những vấn đề
học thuật họ nêu lên, qua những ý kiến và luận điểm của họ độc giả thừa nhận
đây là những trí thức lỗi lạc, và về phương diện này tác giả đã thành công. Khó
khăn thứ hai - khó hơn rất nhiều - là miêu tả Hoàng như thế nào để độc giả thấy
rằng nhân vật này về mặt trí tuệ còn cao hơn ba người trí thức lỗi lạc kia.
Buổi nói chuyện về những vấn đề tôn giáo, triết học được miêu tả từ điểm nhìn
của Hoàng. Anh nhìn và nghe ba vị thức giả kia nói với một sự khâm phục chân
thành (chứ không “bĩu môi”, không đối đáp để tỏ ra mình không phải “tay vừa”,
về mặt này, Hoàng khác với những trí thức cứ nhằm những người có học hàm học vị
cao mà dè bỉu, mạt sát để chứng tỏ rằng mình còn giỏi hơn họ). Nhưng đồng thời
anh cũng cảm thấy ở sự say sưa của họ, sự nghiêm túc của họ, ở cách tư duy của
họ cái gì đó không ổn, từ đó thoáng một giọng chế giễu hết sức tinh tế trong
lời trần thuật từ điểm nhìn của anh. “Cũng giống như những bữa ăn có chế độ
đạm cao sau khi điểm qua về thời sự chính trị mọi người chuyển từ tranh luận
nghệ thuật sang đề tài tôn giáo
” (trang 410).

Hóa
ra các vị thức gia cao đàm khoát luận về những vấn đề tôn giáo, triết học cao
siêu là do đạm dư, tửu hậu..., có nghĩa là còn nhảm nhí hơn do trà dư, tửu hậu
rất nhiều. Độc giả không khỏi mỉm cười đọc những dòng sau đây miêu tả anh phó tiến
sĩ sinh học có hai năm rưỡi Đông Du tham gia đề tài thiền “bằng những kinh
nghiệm của chính bản thân”: “Sau ba năm hành Thiền... Phó tiến sĩ Sinh học
đã được mở tất cả các luân xa và gần đây phía trên dạ dày ở phía dưới cơ hoành
có cảm giác đang thấy nở một bông sen
” (trang 412). Ngay đối với Sáng là
người mà Hoàng xem ra nể trọng hơn cả anh cũng cảm thấy có điều đáng giễu: “Anh
Sáng, bằng những thông tin chuẩn, giới thiệu sơ lược lịch sử Thiền Tông. Anh
đưa ra những lập luận tối ưu của người phương Tây nhằm khám phá nhanh nhất
những bí mật Thiền. Tôi uống rượu và giữ ý tọng vào mồm mình miếng cá to vừa
phải.” Thú vị nhất, tinh diệu nhất là sự hóm hỉnh của Hoàng nhìn cảnh một người
vợ ân cần với chồng mình, một phó tiến sĩ tài chính tham gia cuộc đàm luận bằng
một cú nhảy “ngoạn mục từ kinh điển Phật giáo đại thừa sang Kinh Dịch.”.. Anh
hùng hồn: “Hơn năm nay, tôi đắm chìm trong Dịch. Từ đó tôi có một cách nhìn mới
về sự lưu thông tiền tệ. Dịch quả là vĩ đại.” Chị vợ ngồi cạnh tế nhị tiếp cho
nhà Dịch học một miếng cá quả. Cá quả thuộc âm rất lợi cho hùng biện... (trang
411).

Tôi
cho rằng đây là một trong những câu nói hóm hay nhất, ý vị nhất trong văn học
Việt Nam đương đại. Văn học Việt Nam sau cách mạng (1945),
không hiểu sao vắng hẳn đi sự hóm hỉnh, sự bông đùa (trong khi đó ngoài cuộc
đời, các nhà văn, dĩ nhiên là ngoài những cuộc hội nghị, nói đùa, nói giỡn cũng
sắc sảo, đậm đà lắm). Lác đác có những câu nói hóm thường chỉ là biểu hiện của
trí thông minh sắc sảo, rất hiếm những câu thể hiện sự tinh diệu của tinh thần
(cái mà người Pháp gọi là spirituel). Tiểu thuyết Cơ hội của Chúa thừa
thãi những câu hóm hỉnh, đùa giễu, về phương diện này có thể xem tác phẩm của
Nguyễn Việt Hà là một cái mốc. Thực ra cũng có những câu nhàm, có những câu cầu
kỳ nhưng cũng chẳng hay ho lắm, có những câu thú vị là biểu hiện của trí thông
minh sắc sảo... và có những câu - tôi đánh giá rất cao - đạt tới sự tinh diệu
của tinh thần, có thể nói là tác giả gần gần bằng được Vũ Trọng Phụng. Trong
thời kỳ đổi mới xuất hiện nhiều tác phẩm cảm hứng phê phán rất mạnh. Có những
quan điểm và giọng điệu phê phán rất khác nhau: xót xa và lo thương, căm uất và
hằn học, tỉnh táo và điềm đạm... Cảm hứng phê phán mang tinh thần hài hước
khoan hòa sẽ tạo một vị trí đặc biệt cho Nguyễn Việt Hà trong văn xuôi
Việt Nam đương đại.

Cách
ứng xử điềm tĩnh, nhã nhặn với một thoáng chế giễu hết sức tinh tế đặt Hoàng ở
một vị trí cao hơn những trí thức lỗi lạc kia về mặt trí tuệ. Những ý nghĩ cuối
cùng của Hoàng trong cảnh này khẳng định ưu thế của anh: “... Riêng tôi
thấy bữa rượu cũng vui. Những người đàn bà thì đảm đang còn những người đàn ông
thì thông minh. Tất cả những người đàn ông thông minh đều yêu học thuật. Tôi
cũng đạt được rất nhiều những người thông minh dạy dỗ và đa phần trong đó tôi
thấy họ chỉ thông minh thôi... Tri thức, thành phẩm cao hơn kiến thức ở họ chỉ
là sự phô trương. Họ đầy đặn bằng cấp, có lòng tốt và nhiệt tâm theo kiểu của
họ. Tri thức của họ rất sắc sảo nhưng tri thức chỉ là tri thức... Tôn giáo là
thông dự chứ không phải để bàn thuyết
” (trang 414). Hoàng là một trí thức
chân chính, ít ra cũng lương thiện (về mặt tri thức) hơn những người có học
hàm, học vị, có chức vụ và công trình “có tiếng là giỏi Dịch mà không phân biệt
nổi hai quẻ Càn khôn” hoặc “đã từng đọc vô số khảo cứu về Kinh Thánh nhưng Cựu
ước, Tân ước chính bản chưa liếc lấy một dòng.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3