Hồ sơ mật Liên Xô - Chương 11 - Phần 5
Như vậy là ba vị nhân sĩ không Đảng phái, ba vị bác sĩ chưa từng tham gia chính trị này đã bị lợi dụng. Mục đích của việc lợi dụng này là để chứng tỏ ý kiến của Stalin nói trước đây là chính xác; là để toàn thế giới tin tưởng rằng âm mưu của bọn khủng bố thực hiện được, chỉ có một vụ mưu sát Kirốp mà thôi. Đó là kết luận của tướng Aurôp của Bộ ủy ban nhân dân nội vụ trước đây.
Nhưng ba năm sau khi toà án đã minh oan cho vị bác sĩ giết người và Macsimôp, người thư ký của Quibisep cũng tức là tháng 1 năm 1991 báo chí Liên Xô đã đăng một bài dài trong đó có nói rõ ràng là Quibisep bị đánh thuốc độc chết là sự thực, đó không phải là do tên đầu sỏ của "Liên minh các phần tử phái hữu Trôtxki" chống Liên Xô giao nhiệm vụ này mà là "Khơba đã giết cha tôi" Tuần san "Tin nhanh phương Đông" dùng đề mục đậm nét nổi bật này để đăng bài viết dài của Phêlakimia, con trai của Quibisep.
Tác giả Phêlakimia viết: "Stalin đã giết hại cha tôi đó là sự thực không còn nghi ngờ gì nữa, mà niềm tin này được xây dựng trên cơ sở phân tích sự thật. Vậy sự thật đó là gì? Kirốp, Quibisep và Blôngtai không chỉ là tâm đầu ý hợp với nhau ở trong Đảng, mà còn là bạn chiến đấu của nhau trong thời nội chiến, mà ba người này còn là bạn thân thiết của nhau. Có nhiều ý kiến và suy đoán về cái chết của ba người này, ba người này có chức vụ cao trong Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô và có uy tín rất cao, khác với những người khác, ba người này từ trước tới nay chưa tham gia bất cứ một phe phái chông đối nào, danh tiếng của họ là thật sự và hoàn toàn tốt đẹp và khác với Stalin, là ba người đều có tài diễn thuyết tuyệt vời, họ có thể diễn thuyết ngay tại những cuộc họp đông người không cần phải chuẩn bị".
Con của Quibisep còn giữ được một tấm ảnh rất có giá trị, qua tấm ảnh này có thể phán đoán được là tình bạn của ba người rất vững chắc. Ba khuôn mặt chân thật, cương nghị, ba cái trán cao, ba khuôn mặt tươi cười, đều có sức truyền cảm mạnh mẽ. Tuần san "Tin nhanh phương Đông" đã khéo léo trưng bày bức tranh này: Trên bức tường Điện Kremli, có bức ảnh ba người, bên trên bức ảnh có khắc tên tuổi, ngày sinh, ngày mất của ba người. Những chỗ để tro hài cốt của ba vị này, không xa rời những hộp tro của những người bạn khác, những hộp tro hài cốt được đặt thành hàng chữ "nhất", người nào chết trước, thì hộp đựng tro của người đó được cho vào trước.
Số phận bi thảm giáng xuống đầu Kirốp trước, Phêlakimia con của Quibisep cho rằng Kirốp chết vì tay tên Lêônit Nicôlaiep gian tế của Tổng cục bảo vệ Chính trị quốc gia ủy ban nhân dân Liên Xô, mà Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô (B) lần thứ XVII hầu như đã đẩy sự kiện này đến sớm hơn. Nguyên do là trong cuộc bầu cử của Đại hội này Kirốp đã được nhiều phiếu hơn Stalin; do đó Kirốp chắc chắn sẽ trở thành Tổng bí thư, vì thế ông ta đã bị sát thủ giấu mặt giết hại, người thứ hai là Quibisep. Trong bài này, con của Quibisep đã viết: "Khi sắp sửa họp Đại hội lần thứ VII Quibisep chuẩn bị đọc báo cáo về tiến trình thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ hai, về xây dựng nền kinh tế quốc dân trước Đại hội. Ông đã chủ trì cuộc Hội nghị cuối cùng trước ngày khai mạc Đại hội VII, đó là Hội nghị ủy ban lao động Quốc phòng họp ngày 23 tháng 1, sáng sớm ngày 25 tháng 1 ông đã làm việc tại Bộ ủy ban nhân dân. Văn kiện mà ông ký lần cuối cùng là quyết định mở rộng trại Đội thiếu niên Tiền phong "Antai", sau đó là ngày bất hạnh đã xảy ra những điều rất kỳ quái và không hợp lô gích chút nào. Buổi sáng bác sỹ kê đơn thuốc để hạ độc, đến trưa đã phát huy tác dụng, lúc đó cha tôi cảm thấy mình khó chịu nên ông đã đề nghị hoãn việc tiếp kiên phi hành đoàn của bộ đội Sênêkin, ông nói là phải về nhà nghỉ, đến năm giờ sẽ lại đến, Nhưng Macsimôp, người thư ký riêng của ông lại không đưa ông về, cũng không gọi bác sỹ."
Tiếp đó, con của Quibisep miêu tả một số chi tiết đã biết, những chi tiết này Elêna đã kể ở hồi ký và trong tài liệu tố tụng của vụ án năm 1938, cũng đã nói đến rồi, không có gì mới, nên chúng tôi không nhắc lại nữa, ở đây chúng tôi chỉ trích dẫn một số luận cứ và chứng cứ mà các văn bản tư liệu khác không có. Người con cửa Quibisep trong bài viết có nêu câu hỏi: "Hành vi của Macsimôp tại sao lại kỳ quái như vậy? Tháng 4 năm 1934, Macsimôp đã dựa vào lý do giả tạo để thay thế người thư ký cũ của Quibisep là Mikhaiin Phêtơman. Thay đổi thư ký có nghĩa là âm mưu câu kết ám hại Quibisep đã bắt đầu khởi động, Quibisep đã tỏ ra kịch liệt phản đối việc thay đổi người thư ký đã làm việc bên cạnh ông nhiều năm. Nhưng kháng nghị của ông cũng không có kết quả." Qua bài viết này của con Quibisep, có thể kết luận như sau: Theo chỉ thị của Stalin, Macsimôp được cắm vào bên cạnh Quibisep. Sau đó Macsimôp cũng như các vị bác sỹ, đều bị xử bắn năm 1938. Đó là giết người để bịt khẩu, nhằm che dấu hành vi khủng bố.
Để chứng minh Quibisep và Kirốp đều là những người có tên trong sổ đen. Phêlakimia còn nhớ lại được một sự kiện là: Một hôm cả nhà Quibisep ngồi trên xe đi trên đường quốc lộ Lêningrát đến biệt thự ở Mônôtrotca. Hàng ghế phía sau có một nhân viên công tác ở ủy ban kế hoạch nhà nước Liên Xô. Quibisep mời anh ta cùng đi định kết hợp khi nghỉ ở biệt thự sẽ tranh thủ làm việc. Phêlakimia nhớ lại nói: Tất cả chúng tôi vui vẻ lên đường nhưng tôi thấy người bạn đồng hành với chúng tôi thần sắc có vẻ khác thường, ông ta luôn luôn nhìn lại sau. Đột nhiên ông ta thấy một chiếc xe đang đuổi theo xe của chúng tôi, bấm đèn pha chói mặt, ông ta vội vàng kêu lên: "Dừng xe! Đèn đỏ! Dừng ngay!" Người lái xe vội vàng hãm phanh, xe chưa dừng hẳn ông ta vội vàng đã mở cửa xe nhẩy ra rơi vào rãnh nước bên đường. Chiếc xe đuổi theo chúng tôi lao vút sạt qua xe của chúng tôi rồi mất hút trong đêm tối, chẳng ai còn nhớ là đã xảy ra điều gì. Người đồng nghiệp của cha tôi lóp ngóp bò lên đường, ông ta vừa lắp bắp vừa chống chế, vừa chui vào xe. Sau khi đến biệt thự, cha tôi mời ông ta đến thư phòng sau khi vào phòng ông ta còn cài then cửa. Một giờ sau cha tôi đi ra, trông ông có vẻ lo nghĩ và buồn bực. Vị cán bộ công tác ở ủy ban kế hoạch nhà nước này rời đây về Mátxcơva ngay, từ đó về sau không thấy ông ta nữa.
Phêlakimia, con của Quibisep đoán, có lẽ họ muốn ám sát cha tôi, cũng có lẽ họ muốn gây ra một vụ tai nạn ô tô hoặc trực tiếp bắn vào xe của chúng tôi. Còn một khả năng nữa là người cùng đi với gia đình tôi, cũng là đồng bọn của họ, nhưng tới khi lâm trận lại run sợ. Sau đó người này có thú nhận với Quibisep hay không, thì không biết. Sự kiện này quả là điều bí mật đối với cả nhà Quibisep, nhưng dù sao sự kiện này cũng là điềm báo trước của một bi kịch. Phêlakimia đến nay vẫn tin như vậy.
Vậy vì sao Stalin lại có ác cảm với Quibisep? Phêlakimia cho rằng Stalin thường có thành kiến và nghi ngờ đối với nhưng người xuất thân từ những gia đình quý tộc và được giáo dục tốt như cha tôi. Nhưng mấu chốt không phải là ở chỗ đó mà chủ yếu vì Quibisep đã yêu cầu Trung ương thành lập một Ban điều tra về cái chết của Kirốp vì thế Stalin hận Quibisep.
Như mọi người đều biết, yêu cầu Trung ương thành lập một Ban chuyên môn có quyền ngang với cơ quan trinh sát để xét hỏi hung thủ sát hại Kirốp và những người bị bắt khác. Yêu cầu này do Blôngtai đưa ra còn Quibisep thì muốn cố gắng thành lập ủy ban này. Đây là điều mới nghe thấy lần đầu tiên, vì Quibisep trước đây vẫn được coi là người của Stalin, Stalin rất thích Quibisep, Quibisep làm công tác Đảng ở thành phố, rồi được đề bạt lên cấp tỉnh, năm 1922 lại được đưa vào làm bí thư Ban chấp hành Trung ương, năm 1924 lại được trở thành một trong cái gọi là "tổ bảy người” của cơ quan quyền lực Trung ương. Trong tổ bảy người này ngoài Quibisep còn có Bukhanin, Zinôviép, Gamichep, Ricôp, Stalin và Tômsky. Đều là những nhân vật lớn cả! Rõ ràng là Quibisep lên nhanh như vậy, có lẽ là nhờ sự bảo trợ của Stalin, vì thế cho tới khi Quibisep qua đời trong Ban lãnh đạo này cũng chỉ còn có hai người là Quibisep và Stalin. Cảm kích công ơn đề bạt của Stalin, Quibisep cho tới lúc chết, vẫn là người chấp hành trung thành ý chí của Stalin, đó là quan điểm của các quan chức nghiên cứu lịch sử. Việc phân cộng công tác giữa Quibisep và Stalin rất rõ ràng, phối hợp rất ăn khớp, hai người như cùng ngồi trên một chiếc xe có hai chỗ vậy, Stalin chỉ đi hướng nào, Quibisep ra sức lái xe đi hướngđó.
Có thể còn có một Quibisep khác, mà người ta không biết? Giống như một tín đồ đã bị lừa vào trong một giáo lệ rồi, thân hình thì để ở trong giáo lệ còn trái tim lại nghĩ về thế giới bên ngoài khác. Một mặt, Quibisep hoàn toàn thuận theo và phục tùng chỗ dựa vững chắc của mình, còn nói theo từng câu, từng chữ của Stalin, nói Kirốp bị bọn phỉ Trôtxki - Zinôviep sát hại (chúng ta hãy nhớ lại bản báo cáo cuối cùng đọc tại Đại hội Xô Viết lần thứ bảy của Quận Mátxcơva ngày 7 tháng 1 năm 1935); mặt khác do nhiều chiến sĩ lão thành cách mạng nổi tiếng liên tiếp bị bắt và bị tuyên án là bọn âm mưu và phần tử Trôtxki làm cho Quibisep cảm thấy không yên và phẫn nộ. Có ý kiến nói, Quibisep đã từng công khai tuyên bố. Tình hình bên trong của vụ ám sát Kirốp và phương pháp điều tra vụ án này đáng nghi ngờ, vì vậy ủy ban Trung ương nên thành lập một ủy ban đặc biệt. Nhà văn Kharpôp trong cuốn "Nguyên soái Giucôp" đã lấy câu này làm dẫn chứng, trong sách ông viết: Kiến nghị thành lập một ủy ban được nêu ra tại Hội nghị Bộ chính trị cuối tháng 12, sau một tháng tức ngày 25 tháng 1 năm 1935 thì Quibisep bị chết đột ngột, buổi sáng còn làm việc, đến chập tối vừa uống thuốc xong khoảng nửa tiếng thì đã ra đi rồi. Lúc đó thông báo chính thức của Nhà nước nói là vì tắc mạch máu. Mãi khá lâu sau đó, đến khi xét xử Bukhanin, thì "đột nhiên phát hiện" Quibisep chết vì thuốc độc. Cái tội này đương nhiên được gán cho bọn tay chân của Zinôvich Bukhanin, vì thế chúng ta có thể kết luận: "Nhà văn Kharpôp cho rằng ý kiến Quibisep bị hạ độc là có thực. Có điều ông ta nghi ngờ Bukhanin và Zinôviép có tham gia vào vụ này hay không thôi".
Thần thoại khiến ý thức của chúng ta bị xơ cứng, vì thế chúng ta rất khó tin là Stalin cũng có lúc bị phê bình. Sự thực thì phản đối Stalin không chỉ là thành viên của phái phản đối. Việc ra sức ca ngợi công đức và cố ý thổi phồng Stalin, khiến những người ở xung quanh Stalin cũng có khối chuyện truyền kỳ. Lâu dần những câu truyện truyền kỳ đó trở thành một khối đá vững chắc to lớn không thể đánh đổ được. Đưa vị lãnh tụ lên cao vút, nhưng thực tế lại không phải như vậy. Ví dụ nhà văn Kharpôp đã nói tới Hội nghị Bộ chính trị cuối tháng 9 năm 1934, đã xảy ra náo kịch hoặc là chính vì có chuyện náo kịch đó nên nó đã thúc đẩy những sự kiện sau đó liên tiếp xảy ra. Sau Hội nghị này, Stalin đại thể đã hạ quyết tâm để mình không còn gặp những nguy hiểm như vậy nữa.
Náo kịch đó là: Bộ chính trị thông qua Quyết nghị về việc hiện đại hoá quân đội với quy mô lớn. Quyết định này được bảo mật nghiêm ngặt. Nhưng không lâu sau Hội nghị đột ngột nhận được tin tình báo cho biết, Cơ quan tình báo nước ngoài, nhất là cơ quan tình báo của Đức đã nắm được quyết định này và đang gấp rút thám thính xem quyết định này được thực thi ra sao.
Tukhasepky phụ trách việc hiện đại hoá quân đội đã ra lệnh điều tra xem, ai đã tiết lộ tin bí mật này. Kết quả điều tra cho thấy, chính bản thân Stalin đã tiết lộ tin tức. Trong khi đàm phán chính thức với đoàn Đại biểu Tiệp Khắc, Stalin đã khoe khoang, ông ta nói dưới sự lãnh đạo của mình, Hồng quân đang tiến hành cải cách, không những có thể đưa lực lượng vũ trang Xô Viết lên ngang bằng trình độ của của quân đội các nước Châu Âu, mà còn vượt qua quân đội của châu Âu. Stalin định vơ công lao hiện đại hoá này cho cá nhân mình.
Tukhasepky sau khi điều tra được tin này, đã báo ngay cho Quibisep, Quibisep liền điện báo cho Blôngtai, Blôngtai sau khi biết Stalin làm việc này, chỉ nói có từ"con lừa" ông ta đồng ý với ý kiến của Quibisep cho rằng, cần phải mang vấn đề này của Stalin ra thảo luận tại Hội nghị không chính thức của Bộ chính trị, Quibisep chủ động đảm nhiệm việc thu thập những căn cứ cụ thể của việc phê bình Stalin để trình bày trước Hội nghị.
Tukhasepky cùng Quibisep và Blôngtai nói chuyện về việc này vào trung tuần tháng 9 năm 1934. Để cuối tháng thì Bộ chính trị họp Hội nghị bí mật. Tại Hội nghị này, Stalin không những không thể bình tĩnh để nghe nhiều vấn đề không lấy gì làm vừa lòng mà còn đột nhiên cảm thấy địa vị của mình đang bị lung lay. Nếu không có Môlôtốp bỏ phiếu trắng khi biểu quyết và nếu không có Calinin nhân hậu hiền lành cố gắng điều đình thì Stalin đã bị xử lý rồi.
Đúng như chúng ta đã thấy, quan hệ giữa Quibisep và Stalin không phải là không có khúc mắc. Không nên bỏ qua việc trong thời kỳ nội chiến Quthisep đã từng giữ chức ủy viên chính trị và ủy viên ủy ban quân sự cách mạng trong Tập đoàn quân số 1 do Tukhasepky chỉ huy, ủy viên chính trị và Tư lệnh Tập đoàn quân đã xây dựng được mối quan hệ hữu nghị tư nhân rất vững chắc. Nếu Quibisep có thể sống được tới khi xảy ra vụ án "âm mưu
quân sự”, thì ai có thể biết được số phận của ông sẽ như thế nào? Stalin đa nghi khẳng định là còn nhớ ai đã là chức ủy viên Chính trị bên cạnh đối thủ đã từng tranh giành chức chỉ huy quân sự của mình trước đây? Ai đã cùng Tukhasepky ký tên vào Bản kế hoạch mệnh lệnh tác chiến và chống đột kích?
Năm 1925 Blôngtai tạ thế. Trong thời kỳ nội chiến Blôngtai đã từng chỉ huy tập đoàn quân, và Phương diện quân ủy viên chính trị và ủy viên quân sự cách mạng của Tập đoàn quân và Phương diện quân do Blôngtai chỉ huy đều là do Quibisep đảm nhiệm. Blôngtai đi đâu Quibisep đi tới đó. Blôngtai đến Buhara thì Quthisep cũng lập tức đến ngay Buhara với danh nghĩa đại biểu toàn quyền của Nước cộng hoà nhân dân Xô Viết. Blôngtai, Chủ tịch ủy ban quân sự cách mạng, ủy viên nhân dân Hải quân Liên Xô chết một cách ly kỳ khiến Quibisep bị choáng váng và đau đớn vô cùng. Ngày 1 tháng 12 năm 1934 vụ ám sát Kirốp trong cung Sưmônnưi súng nổ, Kirốp rời bỏ trần thế. Quibisep và Kirốp đã cùng nhau kề vai sát cánh bảo Attrakahan hầu như đã bị đốt thành tro bụi, nhưng họ vẫn không chịu để mất thành phố này vào tay các phần tử Côdắc và phần tử Đenikin, hai người đã kết thành bạn thân tình trong hoàn cảnh đó. Hàng trăm hàng ngàn những người bạn chiến đấu cấp bậc thấp hơn Quibisep người nọ kế tiếp người kia rời bỏ cương vị chiến đấu. Ai có thể dự đoán được rằng, nếu Quibisep còn sống liệu có thể thoát được sự chà xát của chiếc máy của bộ máy tuốt hạt tanh máu được mở hết công suất, với những tiếng ầm ầm suốt những năm 1937, 1938 không? Cũng cần biết rằng, có biết bao những tư liệu nhằm bôi nhọ Quibisep, nhưng nếu chỉ cần tiếp xúc với Tukhasepky thì nó sẽ trở thành đen đủi, càng không cần nói gì tới vấn đề liên hệ với những phần tử Trôtxki nữa.
Môlôtốp quá cố, năm 1973 trong hồi ký của mình ông đã không cố ý nói về những sai sót của Quibisép. Môlôtốp đã tỏ ra còn nhớ rất rõ một số sự kiện. Cuốn "140 lần nói chuyện với Môlôtôp" xuất bản năm 1991. Tác giả Siep đã có một số đối thoại với Môlôtốp như sau: Tác giả hỏi:"Quibisep và một số người không bằng Môlôtôp, không bằng Sêcôp có phải không?" Môlôtốp đã khiêm tốn thừa nhận là: "Không phải, ông ta đương nhiên là mạnh hơn những người đó. Trình độ văn hóa của Quibisép khá cao, ông ta đọc nhiều sách, ông ta là một nhà tổ chức xuất sắc, nhưng ông ta có liên hệ với những phần tử Trôtxki. Vì ông ta không biết rõ phương hướng, không thấy được ý nghĩa của cuộc đấu tranh chống Trôtxki. Vì ông ta cho rằng những phần tử Trôtxki đều là những nhân vật ưu tú, chỉ có điều có sự phân biệt đối xử mà thôi. Chỉ cần họ sửa chữa những sai lầm, nếu họ còn có chức vị thì vẫn nên sử dụng họ. Trôtxki đã nói khá nhiều lời tốt đẹp, do đó Trôtxki là người tốt. Đó, chính là khuyết điểm của Quibisép".
Trong thời đại đó, khuyết điểm này của Quibisép thì không thể tha thứ được, cũng như nhiều người Bônsêvích khác cũng vì khuyết điểm loại này mà không thể tha thứ được. Được tha thứ là khuyết điểm khác của Quibisép, tức là cái khuyết điểm mà Stalin nắm được, nhưng đối với cái khuyết điểm loại này của Quibisep, thì Stalin lại cố ý tha thứ thậm chí còn khuyến khích nữa. Để "lý giải" bộ phim tài liệu do Xưởng phim tư liệu Samala quay, trong đó có một đoạn nói: Trong mấy ngày cuối cùng của cuộc đời Quibisep ông ta thay đổi rất nhiều, lưng gù, đôi mắt ngơ ngác mất thần, tim luôn muốn đau nhói. Lúc đó ông ta mới 47 tuổi, thân thể ông bị tổn hại quá sớm, đó là vì ông uống nhiều rượu quá thậm chí nát rượu. Về chuyện này Phêlakymia đã từng kiên quyết bác bỏ, nhưng anh cũng không phủ nhận có lúc cha anh cũng như những người Nga bình thường khác, mỗi khi ngày Tết hoặc ngày Hội hoặc lúc tiếp khách, ông cũng có uống một chén, nhưng bất kể là thế nào, ông cũng không bao giờ uống say, không như Stalin thích làm cho người khác say túy lúy.
Con trai của Quibisep chào đời trong một nhà tù một năm trước ngày Cách mạng Tháng Mười, anh đã phải chịu nhục nhã khổ sở sau khi cha chết, gia đình anh đã phải chuyển nhà từ Điện Kremli đến một khu phố bên bờ sông, anh đã cảm thụ được tâm tình của những tiếng giầy và tiếng gõ cửa dồn dập, anh đã thể nghiệm được cái tâm lý hốt hoảng lo sợ của bà mẹ. Mẹ anh tên là Valiea sinh năm 1908 bà là Đảng viên, trong phòng khách của bà lúc nào cũng để sẵn chiếc va li đựng đầy những vật dụng cần dùng để đề phòng khi bị bắt có cái dùng. Đối với người đã từng phải chịu biết bao đau khổ như vậy mà nói, thì cảm tình của một người con như anh là điều có thể thông cảm. Năm 1990, Tạp chí "Người cộng sản" số 11 đăng mấy bức thư của Stalin, năm 1969 Môlôtốp giữ lại tủ hồ sơ lịch sử Đảng. Trong đó có hai bức thư nói về cái khuyết điểm chết người của Quibisep. Trong lá thư Stalin viết cho Môlôtốp ngày 1 tháng 9 năm 1933 nói: "Phải thừa nhận rằng, tôi (còn có Vêrôsilôp) rất không vừa ý, vì anh đi một cái là nửa tháng trời, không phải là chúng ta đã bàn có kế hoạch nghỉ hai tuần rồi sao... cái này cũng dễ hiểu, không thể giao công tác của Bộ chính trị và ủy ban nhân dân cho Quibisep (anh ta hay say rượu) và Caganôvich..." Và trong một lá thư khác ngày 12 tháng 9 Stalin lại nói tới việc này..."Tôi có một số điều không tiện nói, vì có liên quan tới tôi, anh hãy về sớm đi. Nhưng nếu tôi không gọi anh về, thì rõ ràng là công tác của Trung ương sẽ do một mình Caganôvich sẽ nắm trong một thời gian dài (Quibisep có thể say rượu). Như vậy thì Caganôvich sẽ phải chạy đi chạy lại giữa công tác của trung ương với công tác của Địa phương, do đó trong công tác sẽ khó tránh khỏi khinh suất..."
Như vậy không phải là Stalin cố ý phao tín đồn để nhằm mục đích hạ thấp uy tín của Quibisep (Những thư này mãi tới năm 1990 mới công bố). Tác giả và Môlôtốp trao đổi cũng chính là về vấn đề này. Siep hỏi Môlôtôp:"Bukhanin có hay uống rượu không?" Môlôtốp trả lời theo chúng tôi cho là rất thành khẩn: "Không, trái lại Licốp lại thích uống rượu, bên cạnh Licốp lúc nào cũng có chai rượu vôtca mạnh, lâu năm. Lúc đó có một loại rượu Vôtca nhãn hiệu "Licốp”, Licốp vì thế mà nổi tiếng. Bọn chúng tôi đều uống rượu uống kiểu đồng chí. Tôi lúc trẻ uống rất khỏe. Stalin uống rượu thuận theo lẽ tự nhiên, còn Quibisep thì thích uống rượu, Quibisep đáng yêu! Ông ta còn làm thơ, ông ta là một người tốt, một người rất tốt, còn Kirốp là một người phi phàm!”.
Nay lại nói tới Ôlêga người vợ thứ hai của Quibisep, bà cũng đã từng nói với Siep về cái thói quen chết người này của chồng, theo lời bà chính vì thích thú này đã làm cho Quibisep chóng chết.
Trước cách mạng Quibisep đã bị bắt tám lần, ba lần bị đưa ra tòa xét xử, bốn lần bị đi đầy ở Sibêri. Sau cách mạng ông đảm nhiệm nhiều chức vụ của Đảng và Nhà nước: Chủ tịch Hội đồng kinh tế Quốc dân Tối cao Xô Viết, Chủ tịch Ủy ban kế hoạch nhà nước Liên Xô, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng nhân dân Liên Xô. Thế nhưng mặc dù đã có nhiều công lao kiệt xuất trước cách mạng, sau cách mạng ông đã giữ nhiều chức vụ quan trọng như vậy, nhưng cũng không cứu nổi những người anh em, không thể giúp họ tránh được đàn áp. Người anh cả Anatôny bị lưu đầy đi thành phố thanh niên ở bên bờ sông Amua, người anh thứ hai Nicôlai, ông là Quân đoàn trưởng trên ngực có bốn Huân chương quả trám và được thưởng bốn Huân chương Quân kỳ Đỏ vì bị vu cáo tham gia âm mưu giết hại Kirốp nên năm 1938 bị xử bắn. Lúc đó phán quyết một Tư lệnh quân khu ngoại Cápcadơ, tử hình một anh hùng thời kỳ nội chiến, tổng cộng chỉ hai mươi phút đồng hồ. Quibisep người có địa vị thứ ba của Liên Xô cũng không thoát khỏi số phận này, ông là người nổi tiếng nhất trong số mười một người con của cha ông. Cha ông là Vơlađimia Acôplêvích là một nhà quý tộc, với hàm Trung tá đã từng là Đội trưởng của thành phố Khôseetats.
Quibisep ngay từ ngày mới lọt lòng đã có lắm chuyện truyền kỳ rồi. Người em Quibisep là Misa (Misa sau này bị một bạn học cùng khoá sĩ quan dự bị vô ý bắn chết) nói với Valia (tên Quibisep lúc còn bé) là: Tôi nghe lỏm cha mẹ nói chuyện với nhau là Valia nhặt được của người ăn mày. Quibisep đã tin lời Misa, bản thân Quibisep cũng nghe nhiều người nói anh ta không giống một chút nào với những người trong gia đình. Lúc đó Quibisep thường muốn thoát khỏi cảnh này nên ngày càng lo nghĩ đến kém ăn mất ngủ, vì thế nên đã ảnh hưởng tới sự phát triển tâm lý.
Khi Quibisep vĩnh biệt thế gian cũng có nhiều điều bí mật khó lường, sau khi chết rồi ông ta cũng không thuộc về mình, cũng không thuộc về vợ, lại càng không thuộc về con ông. Tên của ông thường bị những phần tử đầu cơ chính trị dùng để đạt mục đích của chúng - Có lúc dùng để tiêu diệt kẻ thù, có lúc dùng để kết giao bạn mới. Quibisep dưới chín suối tiếp tục trung thành phục vụ chế độ đã nuôi dưỡng mình.
Trước đây không lâu, thành phố Quibisep lại lấy lại tên cũ của mình - Thành phố Samara. Đại lộ Quibisep ở Mátxcơva đi đến Điện Kremli cũng được lấy lại tên cũ, chỉ còn một ngõ nhỏ bên cạnh đó vẫn gọi là ngõ Quibisep. Cái ngõ này còn giữ tên Quibisep, có lẽ để cho người đời sau nhớ lại con đường quyền lực mà các nhà chính trị thời đại đó đã đi? Hoặc là để cảnh tỉnh và cảnh cáo những nhà chính trị của thời đại mới?