Hồ sơ mật Liên Xô - Chương 08 - Phần 4

Gần đây lại lan truyền cách nói trong thời gian Stalin cùng công tác với Sécgây thì quan hệ rất tốt, song đến nay mới hiểu rõ quan hệ của họ có quá trình phát triển rất phức tạp, có khi còn rất căng thẳng. Trải qua mấy chục năm im lặng, ngày càng có nhiều chứng cớ và văn kiện chứng tỏ mối quan hệ giữa Stalin với Sécgây không ổn định và phẳng lặng như các chính giới và các văn kiện lịch sử mô tả. Mối quan hệ của họ khi lên khi xuống, nhất là sau này từng bước trở nên căng thẳng, cuối cùng lên tới đỉnh cao của khủng hoảng, gây nên cái chết có tính chất bi kịch của Sécgây. Những triệu chứng họ không hiểu nhau và bất hoà đã bộc lộ trong thời kỳ những năm 30. Cần phải nêu lên rằng trong tất cả thời gian cùng làm việc với nhau Stalin hết sức thận trọng theo dõi người bạn đồng hương của mình. Kindơpao nhiều năm cùng làm việc với Sécgây và rất hiểu ông chứng thực tình bạn của Sécgây với Kirốp đã gây nên mối ngờ vực rất lớn cho Stalin. Sau khi Kirốp mất Sécgây trở nên trầm tư lặng lẽ, hơn nữa càng cảm thấy cô đơn. Trong hồi ký xuất bản lần đầu năm 1991, Kindơpao có viết: "Sau khi Sécgây biết được tin Kirốp mất đã đề nghị với Stalin được đến ngay Lêningrát, nhưng bị Stalin cương quyết từ chối, kiên trì giải thích rằng: "Tim của đồng chí không tốt, tuyệt đối không nên đi”. Tôi tin chắc rằng Stalin muốn Sécgây hủy bỏ ý định, vì biết rõ Sécgây sẽ bằng mọi cách truy tìm nguyên nhân thật sự về cái chết của Kirốp. Theo tôi cũng chính từ lúc này giữa hai người đã có sự bực tức, cũng chính sự bực tức ấy đã gây nên một kết cục bi thảm khác, cái chết bí hiểm của Sécgây".

Dựa vào những sự theo dõi đặc biệt của Kindơpao về nhiều sự kiện nổi cộm, đã được ghi trong nhật ký chứng minh rằng, ngay từ giữa những năm 30 Stalin đã bắt đầu lạnh nhạt với Sécgây. Rất khó trình bầy những chi tiết, những nguyên nhân của nó. Nhưng Kindơpao và các bạn đồng sự của ông dần cảm thấy rằng Sécgây xưa nay vẫn vui vẻ lạc quan, sau khi gặp gỡ nhân vật cấp trên hoặc tham dự hội nghị cấp cao trở về thì sầu não buồn bực, có lúc ông lại buột miệng mấy câu: "Không, dù sao tôi cũng quyết không đồng ý làm như thế". Kindơpao cũng không biết là ông đang nói gì, tất nhiên là cũng không hỏi những vấn đề không cần thiết. Nhưng có lúc Sécgây hỏi một nhân viên công tác nào đó của Bộ dân ủy công nghiệp nặng. Kindơpao có thể đoán được đây rõ ràng là số phận của con người ấy. Còn lúc này đám mây đen trên đầu nhiều nhà lãnh đạo ngành xây dựng và công nghiệp ngày càng dầy đặc.

Trụ cột chủ yếu của Chủ tịch Bộ dân ủy chỉ được giáo dục ở trình độ y sĩ, đúng là số lớn chuyên gia được ông thu nạp vào làm các công việc khác nhau, cũng là do ông với nhiệt tình của mình khuyến khích họ công tác tốt. Ông đã giúp cho nhiều người khỏi bị bắt bớ, hoặc đã giải thoát họ ra khỏi nhà tù. Chính Sécgây đã triệu tập các kỹ sư trước đây bị tra hỏi, thiết kế ra máy tẽ hạt đầu tiên của Liên Xô. Tuyệt đại đa số cán bộ công nghiệp nặng bị liệt vào vụ án thanh trừng đều không được Sécgây phê chuẩn, ông kiên quyết không giao họ. Điều đó khiến Stalin rất bực tức. Stalin không chỉ một lần chỉ trích Sécgây mắc bệnh cá nhân chủ nghĩa, nhưng bề ngoài vẫn tỏ ra bình thường trong quan hệ với Sécgây.

Khi nghe thấy tin đồn gián điệp của Trôtxki tràn vào các bộ máy dân ủy, thì Sécgây hiền lành chất phác chỉ cười trừ. Bạn bè nhắc nhở ông, Stalin và Môlôtốp tin chắc vào tin đồn ông là dân ủy lại tha thứ cho hành động phá hoại trong xí nghiệp liên hiệp luyện kim, hầm mỏ, nhà máy. Sécgây trước sau không tin vào những tin đồn ấy, mãi tới tại một cuộc Hội nghị Bộ chính trị, Stalin đã phê bình không chỉ đích danh rằng ông đã tha thứ cho kẻ thù của nhân dân. Lúc này Sécgây với ý chí kiên cường đã tỏ rõ tính cương quyết của mình. Ngày hôm sau ông đã tổ chức một bộ máy kiểm tra đặc biệt. Bộ máy này chia thành mấy ban, được cử xuống địa phương kiểm tra tình hình công tác. Người lãnh đạo của mỗi ban đều phải là cán bộ công tác thanh trừ phản cách mạng có nhiều kinh nghiệm phong phú. Nhưng kết quả rất đáng sợ là Baburia anh của ông đã bị bắt. Những năm 30 ông làm Trưởng phòng chính trị Cục đường sắt Khadắc. Ông và vợ con đều bị giam ở nhà tù. Bêria định bắt Baburia nhằm đả kích nhẹ nhàng Sécgây vì y biết Baburia là người chỉ dẫn Sécgây thời thanh niên để Tổng bí thư (Stalin) lấy đó doạ Sécgây, người rất có uy tín trong Đảng. Không còn nghi ngờ gì nữa, Stalin thân chinh ra lệnh bắt anh ông. Để chứng minh người anh vô tội, Sécgây đề nghị với Stalin cho ông được đến thẩm vấn Baburia, nhưng không được.

"Tại sao anh ấy lại là kẻ thù? Baburia giới thiệu tôi vào Đảng, như thế không phải là tôi cũng bị bắt hay sao?"

Chúng tôi xin giới thiệu trước một chút, Baburia cũng sẽ không được ra khỏi nhà tù. Họ đã phán quyết anh tử hình. Một số tài liệu chứng tỏ sau khi Sécgây mất, thì Baburia bị đánh đập tàn nhẫn và xử tử hình trong văn phòng của Bêria. Trước khi chết vị bônsêvích lão thành này đã nhổ máu tươi vào một cuốn sách đóng bìa đẹp đẽ lấy tên là "Bàn về tổ chức bônsêvích ở ngoài Cápcadơ"mà cuốn sách này lại đúng là tác phẩm đắc ý của Bêria, là"Nhà văn học và nhà biên soạn lịch sử".

Đồng thời các ban mà Sécgây cử xuống điều tra nguyên nhân các vụ bắt bớ đều đã trở về Mátxcơva, họ đã đi hầu hết các đơn vị của Bộ dân ủy công nghiệp nặng. Sécgây lần lượt đọc các bản báo cáo điều tra bỗng ông thấy được. Không phát hiện thấy ở đó hoạt động phá hoại và hiện tượng lãn công. Trên cơ sở báo cáo của các ban, ông chính thức gửi thư cho Bộ chính trị, bác bỏ sự chỉ trích rằng Bộ công nghiệp nặng đã dung túng cho kẻ thù của nhân dân bắt rễ Bêria báo cáo với Stalin rằng, theo tình báo gián điệp lúc bấy giờ, Sécgây điên cuồng định lợi dụng Hội nghị toàn thể Trung ương sắp họp làm diễn đàn. Nhân dịp này y sẽ báo thêm về các hoạt động phá hoại trong lĩnh vực công nghiệp có liên quan điều đó sẽ xẩy ra xung đột với Bộ dân ủy nội vụ. Vì thế Sécgây cử chuyên gia xuống các địa phương để thu thập tài liệu về tình hình công tác và cán bộ công nghiệp. Điều mà họ nói chính là Hội nghị toàn thể Trung ương nhiều tai tiếng lần ấy họp từ tháng 2 đến tháng 3 năm 1937. Tại hội nghị này Yêkhốp đã đọc bản báo cáo với chủ đề "Cần phải tiến hành thanh trừng với quy mô lớn".

Sécgây chuẩn bị bác bỏ lời lên án đối với ông tại Hội nghị toàn thể với ý định nói lên toàn bộ sự thực làm cho Yêchốp, Bêria và Stalin sợ phát khiếp. Thế rồi họ tiến hành sục sạo nơi ở của Sécgây tại Điện Kremli, sự kiện này xẩy ra vào ngày 16 tháng 2 mà Hội nghị toàn thể Trung ương định vào ngày 19 tháng 2. Từ đêm khuya ngày 16 đến sáng sớm ngày 17 tháng 2 vừa oan ức lại phẫn nộ luôn gọi điện thoại cho Stalin. Liên tiếp gọi điện thoại đến sáng sớm, tiếng trả lời lãnh đạm và bình tĩnh trong điện thoại của Stalin truyền tới: Loại cơ quan là như thế đấy ngay cả văn phòng của tôi họ đều có thể sục sạo được, không có gì ghê gớm cả...

Sáng sớm ngày 17 tháng 2, Sécgây được tin toàn bộ các thành viên của các Ban mà ông cử xuống các Nhà máy công trường v.v... đều bị bắt cả, hơn nữa ngay cả đêm hôm ấy còn bắt cả vợ họ nữa. Được mấy ngày tất cả các Cục trưởng của Bộ dân ủy công nghiệp nặng đều bị giải đến Cabiăngca. Sau khi Sécgây mất thì số phận ấy lại rơi vào Yêphâynốp, Cục trưởng Cục cảnh vệ riêng, Siêmutskin, Thư ký riêng cũng như tất cả những người làm việc cho Sécgây, thậm chí cũng không bỏ qua người gác cổng của biệt thự. Sau này lại bắt cả hai người em của Sécgây là Côngstăngtin và Oanô. Các hồ sơ của Sécgây bị lục lọi mang đi cho Bêria nghiên cứu. Rõ ràng Stalin sợ Sécgây trước đây sao chép các thư từ của Hội nghị toàn thể Trung ương rồi giao cho một người nào đó bảo quản để tiện công bố.

Có thể tin chắc rằng sáng ngày 17 tháng 2 Sécgây và Stalin đã trực tiếp nói chuyện với nhau mấy tiếng đồng hồ, sau đó lại trao đổi với nhau một lần nữa. Cuộc trao đổi giữa hai bên lần này, cả hai đều không kìm được giận dữ, ho đều dùng tiếng Nga và tiếng Grudia trách móc và mắng nhiếc nhau. Những cuộc trao đổi này đều không rõ nội dung vì không có ai chứng kiến cả. A.Antônốp Ápphusêdenkhơ căn cứ vào những chứng cớ của những cán bộ nhiều năm công tác ở cơ quan Trung ương mô tả chi tiết như sau:"Vừa mới vào cửa, Stalin đã bác bỏ những lời chỉ trích và oán trách của Sécgây, đòi ông vạch trần kẻ thù của nhân dân. Sécgây bị bức bách hai tay nắm chặt Khơba giơ lên rồi vùng vằng một lúc. Khơba đứng dậy không nói gì cả, còn Sécgây thì đi ra khỏi nhà, hầm hầm đóng sập cửa lại. Được hai mươi phút, Stalin cử người đến phòng ở của Sécgây truyền đạt rằng: "Gơrigơri Côngstăngtinnôvích, đồng chí phải suy nghĩ cho kỹ, nếu không sau một tiếng đồng hồ, họ sẽ đến thăm đấy".

Điều gì khiến cho quan hệ của họ trở nên gay gắt như thế, và hiềm nghi giữa họ đã bắt đầu từ bao giờ. Một cách nói phổ biến nhất về sự rạn nứt giữa họ xuất hiện trong thời gian Đại hội lần thứ 17 Đảng cộng sản Liên Xô (b), hình như lúc bấy giờ có một số người tụ tập ở nhà Sécgây mà Stalin không thích, họ thảo luận vấn đề gạt bỏ Tổng bí thư. Một cách nói khác cũng rất đáng tin, đó là cách làm của Stalin trong việc giải quyết sự kiện Phiyatacốp. Ông bắt đầu chuẩn bị phát biểu tại Hội nghị toàn thể Trung ương tháng 2. Ông hiểu rất rõ nếu như ông không nói ra một sự thật thì sự nghiệp của Lênin sẽ bị đả kích trầm trọng, việc đó có quan hệ đến sự tồn vong của lý tưởng Xã hội chủ nghĩa. Do Stalin nắm nguồn tin nhanh nhậy, nên Sécgây chuẩn bị phát biểu tại Hội nghị toàn thể dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Stalin bị bóp chết ngay.

Hơn nữa điều không thể tưởng tượng được rằng, sau khi Sécgây chết không tiến hành một cuộc điều tra nào. Ngay cả trên thân thể không kiểm tra xem có một vết đạn nào không, không nói tới giám định y khoa khác. Rõ ràng điều khiến người ta cảm thấy không cần thiết vì cách nói của chính giới về cái chết của ông, là do suy tim bột phát đã lan truyền rộng rãi.

Còn hiện nay chúng ta đã phát hiện những sai lệch về thời gian chết. Thời gian đăng trên báo chí là 5 giờ 30 phút chiều. Đồng thời Kindơpao tin chắc là ba giờ chiều hôm ấy, khi ông đang đứng ở hành lang toà nhà của Bộ dân ủy công nghiệp nặng, Sêrốpurôski ủy viên cấp phó thông báo cho ông tin bất hạnh ấy. Khi họ tới đặt thi thể người chết vào trong nhà, đúng là 5 giờ chiều. Họ lên tầng hai vào một nhà ăn không lớn, ở đó họ nhìn thấy rất nhiều người lạ đang thì thầm với nhau. Cùng đi vào phòng với họ có năm người là Sêrôpurôpski, Kindơpao, Mikhaiin em trai của Racha Caganôvích, còn hai người khác thì Kindơpao không nhớ rõ. Họ đề nghị được vào trong phòng ngủ nhìn Sécgây. Ông nằm trên giường phủ một chăn đơn có vẻ như ngủ say. Đứng ở bên thường có Stalin, Môlôtốp, Vôrôsilốp, Phưđanốp, Caganôvích, Micôyăng, Yêdốp, Khơrútsốp v.v... Mọi người đứng lặng lẽ khoảng 8 đến 9 phút.

Stalin phá vỡ bầu không khí nặng nề trước tiên với giọng mạch lạc, Stalin nói: "Thế đấy, Sécgây làm việc mang theo bệnh tim, nhưng cuối cùng trái tim không chịu đựng được nữa...." Là người chứng kiến, Kindơpao mô tả màn ấy như sau: "Stalin ngoảnh về người thân tín của mình nói. "Chúng ta đi đi". Trước khi họ đi, họ còn đứng ở trước giường của Sécgây vài phút, rồi đi vào nhà ăn có nhiều người lạ mặt ở đó".

"Khi Stalin sắp rời căn phòng, có nói nhỏ với Kinayta mấy câu ở hành lang. Sau khi Stalin mất nhiều năm, bà nói lên sự thật lúc bấy giờ Stalin nghiêm nghị nhắc bà rằng: "Kinayta tình hình cụ thể về cái chết của Sécgây ngoài cách nói chính thức ra, không được nói cho ai biết cả, chị hiểu rõ rồi đấy...". Kinayta hiểu rõ ràng mọi chuyện nhưng bà đã im lặng trong nhiều năm.

Sau nhiều năm, một hôm Khơrútsốp hỏi tôi: "Siameo lúc bấy giờ chị và chúng tôi cùng ở trong phòng của Sécgây, chị có biết vì sao anh chết không?". Tôi trả lời:"Ngoài những thông tin của chính giới ra, tôi đều không biết gì. Còn Khơrútrôp bảo tôi rằng khi ấy ông là ủy viên dự khuyết Bộ chính trị, nên cũng chẳng biết gì cả".

Còn Rô.Métvâychép lại diễn đạt lời nói của Kinayta như sau. Đêm ngày 17 tháng 2 mặc dù đã nói hết với Stalin, nhưng Sécgây vẫn đến văn phòng Bộ dân ủy, ở đấy trước hết ông ký mấy bức điện báo, công văn, rồi xác định hàng loạt cuộc gặp gỡ cho ngày hôm sau. Nhưng sáng sớm ông chưa ngủ dậy, chưa mặc quần áo, cũng chưa ăn sáng. Ông dặn dò đừng quấy rầy ông và luôn tay viết những gì đó. Buổi trưa, G. Gơvakharia, một người bạn đến thăm ông, nhưng ông không tiếp chỉ dặn để người đó ăn một bữa cơm. Sau buổi trưa trời tối sầm lại. Kinayta bật đèn, đi qua nhà khách lên phòng ngủ thăm chồng. Chính lúc này ở phòng ngủ vang lên một tiếng súng. Khi bà vội lên phòng thì thấy chồng bà nằm ở trên giường đã chết.

Bà gọi ngay điện thoại cho Stalin ở nhà đối diện. Nhưng Stalin không đến ngay mà đi mời các ủy viên Bộ chính trị đến. Em gái Kinayta cũng chạy đến phòng ngủ, chị nhìn mấy tờ giấy Sécgây viết để ngay ngắn trên mặt bàn. Vêra Caprilốpna nắm mấy tờ đó vò trong tay, chị căng thẳng đến mức không thể đọc nổi một chữ nào trong đó. Khi Stalin cùng với Môlôtốp, Vôrôsilốp và các ủy viên Bộ chính trị khác vào, Stalin thấy mấy tờ giấy trong tay Vêra liền giằng lấy. Kinayta khóc thét lên, tại sao không vì tôi cũng không vì Đảng bảo vệ Sécgây! "Câm miệng! đồ ngốc!" Stalin thô bạo ngắt lời bà.

Mévâychép lần đầu tiên công bố bản hồi ký viết tay của Côngstăngtin, em trai Sécgây do ông giữ được. Côngtăngtin lúc bấy giờ làm việc ở Cục khí tượng thủy văn trực thuộc Bộ dân ủy Liên Xô.

Năm 1937 sau khi hai người anh qua đời được ít lâu ông cũng bị bắt. Ông bị giam ở trại tập trung những 16 năm, mãi tới sau khi Stalin qua đời mới được phục hồi danh dự.

Cái đêm 18 tháng 2 năm 1937 bất hạnh ấy, Côngstăngtin đang cùng với vợ trượt băng ở Scôriniki. Theo lệ thường họ còn định đến thăm Sécgây. Đến cổng, Vôncốp, người lái xe nói với họ rằng: "Mau lên, mau lên..." "Chúng tôi cũng không hiểu ra sao". Côngstăngtin

nói: "Lên tầng". Chúng tôi đi vào nhà ăn, nhưng bị những người của Bộ Nội vụ đứng ở cửa ngăn lại. Sau đó chúng tôi được phép vào văn phòng của Sécgây. Ở đây tôi gặp Cơva Kharia, anh bảo tôi: "Sécgây của chúng ta không còn nữa".

Tôi vội lao tới phòng ngủ, nhưng tôi lại bị đẩy ra, họ không cho phép đến gần thi thể, không biết đã xẩy ra việc gì, tôi hoảng hốt trở về văn phòng.

Sau đó Stalin, Môlôtốp và Rhưđanốp đi vào phòng ngủ, họ đứng trước thi hài mấy phút rồi lại trở ra nhà ăn. Lời nói của Kinayta vọng đến tai tôi: "Mọi cái đều nên công bố ở trên báo chí”, Stalin trả lời rằng: "Chúng tôi sẽ tuyên bô ông chết vì suy tim.". "Không ai tin đâu”, Kinayta phản bác. Rồi bà lại nói thêm một câu: "Sécgây yêu chân lý, cần phải nói rõ sự thật". “Sao lại không tin hả? Mọi người đều biết rằng tim của anh ấy không tốt, tất cả mọi người đều sẽ tin như thế." Stalin kết thúc câu nói của mình.

Cửa phòng ngủ khép hờ, tôi đi tới hơi đẩy nhẹ một chút nhìn thấy Rhưđanốp và Caganôvích đang ngồi ở ghế tựa bên cạnh thi hài. Họ đang nói gì đó, để tránh phiền phức tôi khép cửa lại.

Được một lát, các ủy viên Bộ chính trị và các cán bộ cao cấp khác tụ tập ở nhà ăn, Bêria được Kinayta gọi là ác ôn cũng có mặt. Bà lao tới phía Bêria đang đi đến, định tát cho y một cái. Thấy thái độ của bà y chuồn ngay, hơn nữa từ đó cũng không bao giờ xuất hiện ở nhà Sécgây.

Thi hài của Sécgây được khiêng từ phòng ngủ tới văn phòng của ông. Ở đây em trai Môlôtốp đã chụp một kiểu ảnh người chết với Stalin, Môlôtốp, Rhưđanốp cùng các thành viên khác của chính phủ và Kinayta. Sau đó Mêncurốp nhà điêu khắc nổi tiếng đến đo đầu Sécgây để nặn tượng.

Kinayta đi tìm Yêrhốp và Pôckhơ, yêu cầu cử người đi Grudia báo cho người thân, còn yêu cầu Baburia anh trai của Sécgây dự lễ tang, Yêrhốp trả lời. "Baburia đang bị toà án xét hỏi, theo chúng tôi, anh là kẻ thù của nhân dân, hãy để cho anh chịu tù đầy miễn là để cho anh ta ăn no mặc ấm là được, còn những người khác chúng tôi sẽ đi báo, miễn là có địa chỉ cho chúng tôi là được".

Tôi cho họ địa chỉ của em trai Ivan, em gái Yulia và Nina, vợ của Baburia.

Đêm khuya hôm ấy, Yêmâyriăng đi xe đến. Nhìn thấy thi hài, anh ngất ngay. Mọi người phải cố sức nâng anh lên phôtơi, đợi sau khi anh tỉnh, cho xe hơi đưa anh về nhà. Sau đó Seonuitskin cũng đi xe đến. Hôm đó đúng là ngày nghỉ, anh đang ở biệt thự Tarasốpka. Khi anh nhìn thấy cảnh đáng sợ này, anh vùng vằng nói to vẻ bất mãn, sau đó người ta cũng bỏ qua, không trói anh lại, đưa anh về nhà.

Mahuơven, thư ký của Sécgây nhìn thấy cũng hoảng hết biến sắc, lời nói của anh khiến tôi phải ghi nhớ. "Bọn xấu ấy đã giết ông".

Đêm 19 tháng 2 năm 1937 Sécgây được hoả táng. Ngày hôm sau tức 20 tháng 2 tổ chức lễ tang.

Ivan em trai và vợ, Yulia em gái và chồng không kịp đến Mátxcơva.

Qua một thời gian lại bắt đầu một cuộc bắt bớ lớn. Không thể không đề cập tới hai chi tiết mà Antônốp nêu ra, tuy chương này đã đề cập tới.

Đầu tháng 2 năm 1937, Sécgây khi đi bách bộ ở Điện Kremli với Micoiăng và Vôrôsilốp từng nói, tự sát là lối thoát duy nhất. Ông rất chán nản và nói dứt khoát rằng một ngày ông cũng không chịu được nữa.

Tình tiết thứ hai có liên quan tới tập hồi ký A.T Rêbin. Rêbin đã từng lái xe cho Sécgây, từ năm 1929 làm bảo vệ cho Stalin. Ngày 18 tháng 2 năm 1937 đồng sự của Rêbin đang đứng gác cách nhà Sécgây không xa, khi nghe thấy tiếng súng nổ, nhưng lại không đến. A. Antônốp nhận xét rất có thể anh bảo vệ này theo lệnh nên mới không hành động.

Nếu như chú ý một chút những lời làm chứng của cán bộ cấp phó Bộ dân ủy công nghiệp vì có việc gấp đến thăm Sécgây, kết hợp với những tài liệu mới nhất của B.N Sitôrôva, cán bộ phụ trách của Bộ dân ủy công nghiệp đã trình bầy ở đầu chương, cho nên không thể không tính đến việc Kindơpao kiên quyết chống lại cách nói của chính giới rằng Sécgây chết vì bệnh suy tim bột phát cũng như cách nói, Sécgây tự sát trong những năm 60 sau này.

Bởi vì vị cán bộ cấp phó ấy có gặp một người mặc quần áo đen ở cửa nhà ở của Sécgây. Người đó nhìn thấy ông thì hoảng hốt la lên rằng: "Không phải tôi giết! Tôi buộc phải làm..." rồi anh ta co cẳng chạy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3