Hồ sơ mật Liên Xô - Chương 05 - Phần 2
Vợ ông đã mang con cái trở về Mátxcơva. Anna không hề tin rằng chồng mình lại là "kẻ thù của nhân dân". Lúc đó người anh trai Paven vẫn còn sống, Paven đã kiên trì biện hộ cho ông thậm chí vì việc này mà Paven đã cãi nhau cả với Stalin, nhưng Stalin không mảy may dao động. Đúng như Svetlana đã từng viết: "không ai có thể lay động được quyết định của cha". Nếu như Stalin muốn loại một người nào (kể cả những người quen) nếu ông đã coi ai là "kẻ thù” thì không ai có thể làm thay đổi được. Bất kể là Paven hay Aliôsa Sưvanítchơ cũng vậy mà thôi. Mà điều duy nhất mà họ được là mất đi cơ hội tiếp xúc với Stalin, mất đi sự tín nhiệm của Stalin. Sau lần gặp cuối cùng này, Stalin và hai người này đã chia tay nhau mỗi người một ngả, coi nhau như kẻ thù vậy. Rêtensư đã bị xử bắn, và chính Stalin con người tàn khốc và phũ phàng cũng đã tự mình báo tin này cho Anna vợ của Rêtensư. Từ đó về sau, Anna không bao giờ bước chân vào ngôi biệt thự của vợ chồng Stalin nữa, và càng không bao giờ thèm vào ngôi nhà của Stalin trong Điện Kremli nữa. Điều này đã làm cho ông bà Aliluép, bố mẹ của Anna vô cùng đau khổ và vì cái chết của con rể mà ông đã khóc không thành lời. Họ dự định đem hết những gì có thể để giúp cô con gái cả. Giống như tất cả những người thật thà khác, Anna ngây thơ, đã đi cầu cứu đến những người bạn cũ của chồng - Vôrôxilốp, Môlôtốp và Kaganôvích. Cô không tin là chồng cô đã bị xử bắn. Các bạn cũ của chồng cô đã tiếp cô rất tử tế, mời cô uống trà, ra sức an ủi cô, và họ cũng chỉ biết làm như vậy mà thôi. Không ai có thể giúp cô được.
Năm 1947, Anna đã cho xuất bản cuốn hồi ký "cách mạng và gia đình Aliluép". Sau khi đọc cuốn sách này, Stalin đã nổi trận lôi đình. Viện sỹ Phêđôxiép thuộc viện khoa học đã đột nhiên đăng một bài có tính chất hủy diệt bình luận trên báo "Sự thật". Trong bài viết ông đã dùng những lời lẽ sắc bén và dự đoán được một cách đúng đắn là bài bình luận này đã lấy lời của ai làm dẫn chứng. Ngoài Anna ra, tất cả mọi người đều kinh hãi lo sợ, Anna không chú ý đến sự gào thét này, mà còn dự định sẽ viết tiếp hồi ký. Nhưng ý nguyện của cô đã không thành. Năm 1948, cô và vợ góa của Paven đã bị xử 10 năm tù giam. Năm 1954 cô được thả khỏi nhà ngục, cô đã không thể nhận ra người con của mình đã lớn thế này, cả ngày cô ngồi ngây ra ở trong phòng, lạnh lùng với tất cả mọi tin tức ở xung quanh; tin Stalin chết, tin kẻ thù số một của gia đình cô - Bêria cũng đã chết. Bệnh thần kinh phân liệt đang hành hạ Anna. Năm 1964 Anna chết trong bệnh viện. Sau 10 năm biệt giam, cô luôn sợ hãi cánh cửa nhà tù. Trong bệnh viện, cho dù cô đã nhiều lần đề nghị, nhưng cánh cửa phòng cô vẫn bị khóa suốt đêm. Vào buổi sáng ngày thứ 2, người ta đã phát hiện cô đã chết trong phòng bệnh. Cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời, cô vẫn luôn tin rằng Rêtensư vẫn còn sống, cho dù cô đã nhận được giấy báo chính thức sửa sai cho chồng mình.
Vận hạn vẫn cứ bám đuổi triền miên đối với gia tộc Aliluép, trước khi diễn ra bi kịch của Nađêzđa, số phận đã đón anh trai Phêđon của bà đi rồi. Phêđon là một người thanh niên rất đa tài, anh đặc biệt thích những môn như toán học, hóa học, vật lý. Do có tài năng xuất chúng, ngay từ trước cách mạng anh đã được vào học ở trường sỹ quan Hải quân Nga. Ngay từ ngày còn ở Tibilisi đã quen Khamua, bố mẹ của Phêđon, đã mang Phêđon về ở với mình. Khamua và bạn bè của anh có thể chịu đựng được những điều mà người khác không thể chịu được. Bản thân Phêđon cũng không chịu được. Và anh là một chàng trai thông minh lương thiện, nhưng về mặt tinh thần thì lại thật đáng buồn. Phêđon bị điên. Có người nói rằng, Khamua thích thử thách các chiến sĩ của mình. Có một lần, anh đã đạo diễn một trận tập kích giả cho bộ đội. Lúc đó tất cả bộ đội chạy tán loạn, nhưng họ đều bị bắt và trói lại hết. Trên đất là thi thể đầy máu của viên chỉ huy, bên cạnh là quả tim của ông ta, máu dường như còn chưa đông. Trong tình cảnh như vậy, các chiến sĩ bị bắt làm tù binh phải làm thế nào? Do thần kinh bị kích thích quá mạnh Phêđon đã trở thành nửa tàn phế. Cả đời anh ta chẳng thể làm việc được nữa, chỉ nhận tiền phụ cấp. Anh đã trở thành vật hy sinh của cách mạng, đối với cuộc cách mạng này, anh đã hiến trọn tuổi thanh xuân, sức khoẻ và tài hoa của mình. Nhưng có ai biết được rằng nếu để anh công tác trong một văn phòng thì chắc chắn anh sẽ hữu ích hơn nhiều còn hơn là để anh ra chiến trường. Nhưng ai có thể nắm được vận mệnh của mình? Phêđon đã bị đưa ra nơi chiến trường nơi mũi tên hòn đạn.
Về cảnh ngộ của Aliôsa trong báo cáo tại Đại hội 22 của Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Khơrútsốp viết rằng: Người Bônsêvích lão thành này của khu vực Cápcadơ sau khi xử bắn, thì tên của ông không còn trong ký ức của mọi người nữa, tên tuổi của ông trong các sách giáo khoa trên các tờ báo đều bị xóa bỏ hết. Cái tên "Aliôsa"chỉ là tên giả dùng trong Đảng, còn tên thật của ông ta là Alếchxanđrơ Sômianôvích Blôngtai.
Alếchxanđrơ là anh trai của vợ thứ nhất của Stalin, một người đã được giáo dục rất cơ bản tại Châu Âu. Trước cách mạng đã được sự hỗ trợ của Đảng, Alếchxanđrơ đã được gửi đến học ở Đại học Zêna. Ông thông thạo nhiều ngôn ngữ phương Đông và phương Tây, nắm được các kiến thức về kinh tế nhất là về mặt nghiệp vụ Tài chính. Khi đại chiến thế giới lần nhất bùng nổ, ông đang du học tại Đức, và đã bị bắt giam. Sau khi cách mạng Nga bùng nổ, ông được gọi về nước. Khi trở về Grudia, ông trở thành ủy viên Trung ương, phụ trách Bộ tài chính nước Cộng hòa. Vợ của ông - Maria xuất thân trong một giá đình giàu có, đã tốt nghiệp Học viện âm nhạc Tibilisi và Trường dòng cao cấp ở Pêtécbua, là diễn viên ca hát trong đoàn kịch Grudia. Họ đã đặt tên cho con trai mình là Giônsơnritơ, để kỷ niệm một nhà báo Mỹ là Giơnsơnritơ đã gặp cảnh không may. Alếchxanđrơ không giữ chức vụ gì cao ở trong Đảng cả. Lĩnh vực hoạt động của ông là ngành tài chính tiền tệ. ông từng công tác tại Béclin, Luân đôn, Giơnevơ. Mấy năm cuối cùng trước khi bị bắt, ông là người lãnh đạo Ngân hàng ngoại thương Mátxcơva. Làn sóng đàn áp phũ phàng lúc đó đã cuốn ông vào dòng xoáy đẫm máu. Năm 1937, sau cái chết của Rêtensư, ông cũng bị bắt, ông không thừa nhận bất kỳ một tội nào buộc cho ông, cũng không cầu cứu sự giúp đỡ của Stalin (cho dù 2 người chơi rất thân với nhau từ nhỏ). Đồng thời với việc ông bị bắt, vợ ông, bà Maria cũng bị bắt. Hai người đều bị kết án 10 năm tù và họ bị giam ở hai trại tập trung khác nhau. Đứa con của họ Giônsơnritơ được giao cho người thày giáo cũ trông nom, điều này đã cứu được mạng sống của đứa trẻ. Người thầy giáo này hiện nay công tác tại Nhà máy sản xuất máy khâu. Svétlanna đã chứng thực điều này. Anh trai của cô là Yakốp có ý định đón cậu bé về nhà mình nhưng vấp phải sự phản đối của bà vợ, bà này nói, Giônsơnritơ còn có người họ gần hơn, nhưng Giônsơnritơ không còn ai có họ gần hơn nữa. Vì cô em Malicốp (Em của Alêchxanđrơ Smaonốp Sưvanitchơ cũng bị bắt và chết trong tù. Bác (Anh của Maria) cũng bị bắt giam. Trước đây Maria đã từng hy vọng nhờ vào sự trông nom của người anh.
Cảnh ngộ Aliôsa và vợ anh cũng thật đáng sợ. Năm 1942, Aliôsa đã bị xử bắn lúc 60 tuổi. Vừa nghe tin này, người vợ ngã lăn ra đất, bị nhồi máu cơ tim và chết.
Voncôgơnôp chỉ ra rằng, bi kịch của đứa con cả làm cho tinh thần của Stalin bất an, nhưng ông càng lo sợ hơn khi thanh danh của mình bị tổn thương. Sự quan tâm của ông đối với cậu con trai, chỉ là nằm trong giới hạn lo sợ tổn hại tới thanh danh của ông. Sự bạc tình phụ nghĩa của Stalin khiến vợ ông phải trả giá bằng sinh mạng và cũng làm cho con gái gặp nhiều điều trắc trở.
Trong hồi ký của Svétlanna có viết: Bố cô có thái độ đối xử vô cùng lạnh nhạt đối với người anh trai, điều này thật không công bằng, cũng vì điều đó mà anh ấy đã vô cùng đau khổ. Anh ấy đã sống một thời gian dài ở Tibilixi cùng với người em gái của mẹ, bà Alếchxanđrơ. Sau này khi khôn lớn, do sự kiên quyết của bác Alếchxanđrơ, cuối cùng anh cũng được lên Mátxcơva học tập. Yacốp nhỏ hơn người mẹ kế 7 tuổi. Người mẹ kế này làm rất nhiều công việc chính bà đã làm thay đổi cuộc sống không thoải mái của Yacốp. Khi mẹ mất, lúc đó Yacốp mới 2 tuổi. Rõ ràng là tính cách của anh giống mẹ chứ không giống bố, không phải là người ham thích công danh, tính hay cáu, thô lỗ, còn cha anh luôn bảo anh là kẻ nhu nhược.
Khi Yacốp quyết định kết hôn, cha anh cũng chẳng buồn nghe đến việc này. Ông cũng chẳng muốn giúp đỡ anh, hành động này của cha khiến anh rất giận dữ, trong lúc không kìm chế được, anh đã có ý định tự sát. Nhưng thật may làm sao, viên đạn không vào người, Yacốp vẫn sống nhưng chỉ nằm ỳ ở giường, không dậy. Sau khi biết được việc này, chính Stalin đã mắng thẳng vào mặt Yacốp: "Hà hà, chết hụt hả?". Vậy là quan hệ giữa hai cha con đã hoàn toàn bị phá vỡ. Sau đó Yacốp đến sống tại nhà của Aliluép ở Lêningrát và làm việc với cương vị là một công trình sư. Anh đã tốt nghiệp Học viện vận tải công trình đường sắt Mátxcơva.
Năm 1935, Yacốp đến Mátxcơva vào học tại Học viện pháo binh. Việc này là theo nguyện vọng của người cha muốn anh trở thành một quân nhân. Anh có một cuộc sống tự lập, lần kết hôn thứ nhất cũng là kết hôn bị thất bại. Lần kết hôn thứ hai cũng không nhận được sự đồng tình của Stalin. Sau này khi hiểu được thái độ của cha, Yacốp rất ít đến chỗ Stalin, trong lòng chỉ còn một cảm giác là luôn phải đề phòng với cha mình mà thôi. Quan hệ của hai cha con hoàn toàn không thể hòa hợp, rất khó có thể làm cho họ xích lại gần nhau được.
Sau khi chiến tranh bùng nổ được hai ngày, Yacốp liền đi ra tiền tuyến. Đơn vị của anh được điều động tới Bêlarútxia, xe tăng của quân địch lúc này đã thọc sâu vào giới tuyến của Bêlarútxia. Rất nhanh, không có tin tức gì về Yacốp nữa, anh đã bị mất tích, sau này mới rõ rằng anh bị bắt làm tù binh, con trai cua Stalin tỏ ra là một người rất kiên cường vượt quá cả sức tưởng tượng của Stalin. Trong trại tập trung của quân Đức, Yacốp đã phải chịu một cuộc sống cực kỳ khổ sở, nhưng anh quyết không bao giờ chịu đầu hàng quân địch.
Stalin đã từng lo sợ quân dịch sẽ lợi dụng Yacốp để đạt được mục đích tuyên truyền. Nhưng những lo lắng này là không có cơ sở. Thế nhưng Stalin đã hạ lệnh bắt Yuria, vợ của Yacốp. Mùa xuân năm 1943, mọi việc đã được làm sáng tỏ.
Điều bất hạnh của Yuria và Yacốp không có liên quan gì với nhau. Hơn nữa những biểu hiện của Yacốp tại trại tập trung đã làm cho mọi người tin rằng, anh không đánh mất nhân cách, hơn nữa đã rất dũng cảm đối mặt với cái chết. Đến lúc đó, Yuria mới được thả ra khỏi nhà tù. Thì ra, trong lòng Stalin nghi ngờ có thể kẻ đã bán rẻ Yacốp và ông đã nghi ngờ chính Yuria có liên quan đến vụ việc này.
Svétlanna nói, mùa Đông năm 1943 -1944, Mặt trận Stalingrat đã kết thúc, trong một cuộc gặp mặt hiếm hoi với Stalin, Stalin đột nhiên nói với cô rằng, "người Đức đề nghị đổi Yasa (tên của Ycacôp) lấy người của họ... ta nên mua bán với họ thế nào đây? Không thể được đã là chiến trường thì cứ để nó là chiến trường”. Svétlanna tiếp: "Như vậy, nếu có thả Yasa, thì hãy để anh tự xếp đặt vận mệnh của mình... cách làm này rất phù hợp với tính tình của cha, ông đã cự tuyệt mọi lời thỉnh cầu. Ông đã dễ dàng quên chúng coi như không có chúng ở trên đời này vậy".
Cuộc đời của Vaxili cũng chẳng hơn gì. Trong nhật ký của vận động viên bóng đá nổi tiếng Starôkhin có viết, khi Vaxili Stalin 18 tuổi, cậu đã được mang quân hàm cấp tướng. Điều này thật không đúng. Trong hồ sơ cá nhân của Trung tướng Vaxili Stalin chứng thực rằng, khi nổ ra chiến tranh, anh ta lúc đó 20 tuổi mới là đại uý sau đó anh ta được đề bạt là thượng tá, bốn năm sau anh trở thành thiếu tướng và chỉ 1 năm sau lại được thăng lên trung tướng.
Điều này cũng dễ hiểu, Vaxili cứ liên tục được người ta kéo lên, còn năng lực của anh như thế nào, tài năng ra sao, có tồn tại khuyết điểm gì không, thì chẳng thấy ai hỏi han gì đến. Đó chẳng qua là họ ra sức nịnh cha của anh mà thôi. Vận động viên này chỉ rõ, vị tướng quân trẻ tuổi nhất thế giới này là một người bị trúng độc rượu mãn tính. Trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 8 giờ sáng đầu óc anh ta luôn tỉnh táo lúc đó còn có thể làm việc với anh ta được. Sau đó anh ta dặn dò người giúp việc: "Mang ra đây nhanh lên". Mọi người đều biết anh ta nói mang ra cái gì. Người ta đưa đến chai Vốtka và 3 miếng dưa hấu, đó là những thứ mà anh ta thích. Ngoài cái đó ra, anh ta không ăn gì khác. Một bọn người luôn vây quanh anh chỉ vì trục lợi cho mình: được chia nhà, được đề bạt... Xung quanh những giai thoại về Vaxili, người ta viết, chỉ cần anh ta đồng ý tiếp anh, thì nhất định anh ta sẽ giúp. Bọn người này chuyên dùng mánh khoé thông thường là lợi dụng anh ta, để có những yêu cầu mà anh ta đáp ứng một cách rất ngây thơ. Người phó của Vaxili nhấc điện thoại rồi ra lệnh bằng miệng rằng "hiện nay tướng quân Stalin cần nói chuyện với anh đấy" Nghe thấy cái tên đó trong điện thoại người nghe điện phải ngẩn người ra sau khi trấn tĩnh lại thì họ biết rằng vấn đề thực tế đã được giải quyết, Vaxili rất thích được đóng vai chúa tể, về điểm này thì anh ta giống như cha mình. Do không chịu rèn luyện thói quen cần phải động não trong công việc, nên anh ta luôn cảm thấy không hứng thú đối với các việc quốc gia đại sự.
Vaxili có tất cả: ô tô, ngựa tốt, chó săn, biệt thự sang trọng. Trong ngôi biệt thự, anh có đủ thứ đồ uống quý hiếm trên thế giới. Anh có quyền chi rất nhiều tiền. Nhưng anh lại không biết được giá trị của đồng tiền. Cuộc sống của anh cực kỳ phóng đãng hà khắc nhưng lại luôn xử sự không công bằng với đồng nghiệp và thủ trưởng. Thường bức hại họ, thậm chí còn giam họ vào trong ngục. Tất cả những điều đó đã làm hại anh ta rất nhiều. Sau khi người cha chết được 21 ngày, trung tướng Vaxili bị cách chức. Năm đó anh 32 tuổi, anh không còn được mặc quân phục nữa. Sau này Vaxili bị bắt, giam tại Kêsăn và đã chết ở đó, để lại 4 bà vợ và 7 người con.
Không thể không đồng ý với quan điểm của Voncôgơnôp. Việc này ông nhấn mạnh rằng, thông qua cuộc sống phóng đãng cũng là bất hạnh của Vaxili đã làm cho mọi người tin rằng: việc cố ý lạm dụng chức quyền thì cũng có nghĩa là hủy hoại tất cả những người xung quanh mình, trong đó kể cả với con cái mình, điều này có nhiều ví dụ trong lịch sử. Các hoàng đế La Mã, sau khi ở ngôi cao nhất của quyền lực, thì đằng sau họ là những đứa con tinh thần uể uải, thể lực giảm sút. Stalin - Người được ca ngợi là"Lãnh tụ của mọi dân tộc trong mọi thời đại" đã khôn khéo dùng tinh thần của chủ nghĩa yêu nước để giáo dục cô con gái được ông yêu quý nhất là Svétlanna. Cô con gái bất hạnh này đã kết hôn tới 4 lần, lần kết hôn nào của cô cũng thất bại, trong đó có 2 lần kết hôn với người ngoại quốc. Stalin rất khó lý giải một sở thích có thể gọi là bệnh hoạn, là cứ muốn tống giam những người thân của mình vào trong ngục tù. Cha của người chồng thứ nhất của Svétlanna đã phải chịu số phận như vậy. Trước đó, vận hạn này cũng không bỏ qua Aya Kapuren nhà đạo diễn điện ảnh kiêm nhà báo rất nổi tiếng này. Ông đã được cô con gái của Stalin đang học trung học theo đuổi. Trong khi nói chuyện điện thoại cô đã bị người khác nghe trộm và báo cáo lại với cha cô. Ông gọi điện liền bị bắt và bị xử tù 5 năm, sau đó ông lại bị gia hạn giam thêm 5 năm nữa trong một trại tập trung, đáng sợ ở gần Antai.
Đối với người chồng thứ nhất của Svétlanna, Stalin không thèm nhìn mặt. Ông nói chắc như đinh đóng cột rằng, con người này sẽ không tồn tại được. Stalin đã không nuốt lời.
Ông luôn cho rằng ở đâu cũng có kẻ thù. Điều này chính là do tâm tư trống rỗng, cuộc sống cô độc đã tạo nên như vậy. Cô con gái đã từng chất vấn ông về việc năm 1948 bác và dì đã mắc tội gì, mà phải chịu giam trong ngục. Đối mặt với vấn đề này của con gái, Stalin đã trả lời: "Họ đã nghe thấy quá nhiều, biết được quá nhiều và họ cũng nói quá nhiều. Tất cả những điều đó chỉ có lợi cho kẻ thù...".
Vậy nguyên nhân nào đã tạo ra cục diện như vậy. Phó tiến sỹ y khoa F.Đ.Tôbôriăngxki đã đăng một bài báo trên tờ "Tia lửa" thuật lại những việc có liên quan đến cái chết"bí mật" của nhà thần kinh học Biêkhơchiêliôp. Sau Đại hội Đại biểu các nhà thần kinh học toàn Liên Xô lần thứ nhất kết thúc năm 1927, ông đã bị chết tại Mátxcơva. Trong giới y học Liên Xô khi đó, nói đến một người cơ thể khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn, họ thường có một hình dung như sau: "ông lao động không biết mệt mỏi, nhưng rồi cũng giống như Biêkhơchiêliôp thôi". Ông đã được thế giới công nhận là một học giả lớn không ham mê vui nhộn tiêu khiển, không chịu nghỉ ngơi, hoạt động không mệt mỏi, mỗi ngày ông làm việc ước chừng 18 tiếng đồng hồ. Một con người như thế mà đột nhiên bị chết "một cách bất ngờ” về bệnh dạ dày không phải là chết trong bệnh viện, mà chết ở trong nhà của người khác. Việc mắc bệnh của ông hình như có liên quan đến việc ông xem triển lãm ở một rạp hát nhỏ. Sau khi đi tham quan xong, dường như ông có dự buổi chiêu đãi đã định trước, ông đã ăn điểm tâm, uống trà ở đó.
Xung quanh cách nhìn nhận đã lưu truyền cho đến gần những năm 70 thì ông bị người ta hạ độc khi ông điểm tâm ở đó. Cách nhận định này vẫn cứ đeo đẳng mãi trong tâm trí của các bác sỹ tâm lý học từ đời nọ sang đời kia. F.Đ.Toboriăngski cho rằng, cách nhìn nhận này có thể là chính xác, ông dựa vào báo chí xuất bản từ năm 1927. Vào năm đó thì đây là một việc gây chấn động trong giới báo chí. Có một chứng cứ rất thuyết phục là thi thể của viện sĩ đã không được phẫu thuật để nghiên cứu bệnh lý. Điều này là mâu thuẫn với quy định của thời đó. Bởi vì quy định lúc đó là, đối với thi hài của những người đột tử thì cần phải tiến hành mổ pháp y. Thế mà việc nhanh chóng quyết định xử lý thi hài bằng cách hỏa thiêu thật nằm ngoài dự liệu của mọi người. Hơn nữa, không biết xuất phát từ ý nghĩ nào mà thi hài của ông không được hỏa thiêu ở Lêningrát, tại nơi cư trú của ông trước khi chết, mà lại đem hỏa thiêu ở Mátxcơva nơi ông chết. Ngoài ra người ta mổ thi hài ngay tại nhà ông và lấy óc của ông để giao cho việc nghiên cứu phẫu thuật xử lý tạm thời bảo quản, cách làm này từ trước đến nay thật chưa hề có.
Vì sao lại phải làm gấp gáp như vậy? Năm 1927, cơ bắp ở cánh tay trái của Stalin tiếp tục bị đau, các nghiên cứu viên thuộc phòng nghiên cứu thần kinh học Đại học Mátxcơva, chủ nhiệm khoa Khơlamen đã tiến hành kiểm tra cho ông. Công việc chuẩn đoán thật phức tạp, việc điều trị cũng tốn nhiều công phu. Chủ nhiệm khoa đã mời Viện sĩ Biêkhơchiêliôp tới hội chẩn. Stalin do dự không quyết. Nhưng ông đã nhớ lại, chính Viện sĩ này là người đã từng chữa bệnh cho Lênin. Trung tuần tháng 12, Stalin đã đồng ý với đề nghị của Khơlamen. Ông đã gọi điện thoại cho Viện sĩ Biêkhơchiêhôp nói rằng, khi nào đến Mátxcơva hãy gọi điện cho ông ta.
Trong mấy ngày liền, hai người rất bận rộn với mọi công việc. Họ dự định thời gian để hội chẩn tất nhất là vào buổi chiều ngày 22 hoặc ngày 23 tháng 12. Không loại trừ khả năng viện sĩ sẽ tiến hành kiểm tra cho Stalin 2 lần. Cuộc nói chuyện giữa một bác sĩ Viện sĩ danh tiếng và một bệnh nhân cực kỳ đài các đã được tiến hành thế nào, thì không thể biết được. Nhưng có thể khẳng định được rằng, người được coi là một bác sỹ tâm lý kiệt xuất, khi đứng trước bệnh nhân chỉ có thể nói những lời tán dương. Nhưng ông đã đưa ra một lời chẩn đoán khiến mọi người kinh hoàng, đó là bệnh điên. Ông đã cho thông báo mời các bác sĩ tới hội chẩn cùng mình, rồi ông đi vào xem hát.
Stalin đã bằng cách nào để nghe được kết luận của Viện sĩ vậy, điều này cũng chẳng thể ai biết được. Nhưng qua việc này thì cái chết của Viện sĩ đã được định sẵn, và việc đưa ra kết luận trong chẩn đoán của ông ta là bí mật của quốc gia. Stalin đã biết rất rõ rằng, nếu như kết luận này mà lọt vào tay của phái đối lập, thì chắc chắn sẽ cực kỳ nguy hiểm. Chúng ta cần biết rằng, Viện sĩ là thành viên của đại biểu Xô Viết tối cao Thành phố Lêningrát, ông hoàn toàn có thể đem tin tức này báo cáo với Zinôviép. Điều này chắc chắn sẽ làm cho Stalin rất giận dữ. Khái niệm bệnh "điên" mà Viện sĩ nói tới có hàm ý gì? Cần biết nguyên bản của từ này theo nghĩa gốc tiếng Hy Lạp có nghĩa là biểu thị sự nghiêm trọng, bệnh thần kinh, nói năng lung tung. Từ này cũng có thể dùng để chỉ một loại trạng thái tâm lý đặc biệt, tức là muốn tạo ra một tư tưởng được gọi là cực kỳ quý giá, mà điều đầu tiên là tư tưởng về tác dụng đặc biệt của cá nhân. F.Đ.Toboriăngski cho rằng, rất có khả năng là, khi nói đến căn bệnh này, viện sĩ muốn chỉ một trạng thái tâm lý có thể duy trì được năng lực hành vi logích.
Đồng thời, mọi người không thể không đồng ý với cách nhìn nhận của F.Đ.Toboriăngski không có bệnh án, cũng chẳng có tài liệu lưu trữ để xác định sự thật, do vậy rất khó xác định kết luận của viện sĩ có đúng hay không. Cho dù...
Bây giờ chúng ta cùng quay lại xem một chút trong hồi ký của Svetlanna. Trong khi miêu tả quang cảnh buổi lễ an táng của mẹ cô, Svétlanna đã nói rằng, cái chết của mẹ cô đã làm cho cha cô vô cùng tức giận. Khi tham dự vào lễ truy điệu, đến để từ biệt bà, ông đã đến đứng trước quan tài, dùng 2 tay đẩy quan tài ra, rồi quay ngoặt người đi. Ông không đi tới mộ. Ông cho rằng cái chết của vợ là sự phản bội lại ông, ông không có lỗi trong cái chết của vợ.
Bây giờ chúng ta cùng trực tiếp xem xét cái chết của Nađêzđa. Về không khí trong gia đình Stalin, thì rất nhiều cảnh ngộ bi thảm của những người thân đã được nói đến, mà cảm giác chính xuyên suốt là câu chuyện ngoài lề. Nhưng những tình tiết này đã biểu hiện đặc điểm cử chỉ, hành vi của Stalin, người được coi là chồng, là cha, và không làm rõ các tình tiết này là không được. Bởi vì, chính những tình tiết này là căn nguyên bi kịch của gia đình Stalin vào đêm ngày 8 tháng 11 năm 1932.
Trước khi xảy ra bi kịch này đã xảy ra việc gì? Nhìn từ bên ngoài dường như chẳng thấy có việc gì xảy ra cả. Nhưng theo lời của Nađêzđa thì bà là người hiểu rất rõ mọi vấn đề. Bà có lòng tự tin cực kỳ mãnh liệt. Bà không thích thừa nhận là mình không tốt. Do vậy, mẹ của bà và Anna chị của bà rất ghét bà. Họ là những người phụ nữ rất thẳng thắn, nghĩ sao nói vậy.
Bà ngoại của Svétlann nói với cô rằng, trước khi mẹ cô chết một thời gian, bà đã rất buồn khổ và rất dễ nổi cáu. Có một lần, một người bạn cũ từ thời trung học đến thăm bà, họ đã ở trong phòng của bọn trẻ để nói chuyện, nhưng bà đã nghe thấy mẹ cô nói rằng: "Mọi cái đều chán cả", “làm sao có thể vui vẻ được?". Bạn của bà hỏi rằng: "Nói như vậy là những đứa con của chị cũng không thể làm cho chị vui được sao?". "Con cũng chẳng thể làm được" Nađêzđa nhắc lại. Thế đấy! Cuộc sống quả thật là thế...