Hồ sơ mật Liên Xô - Chương 05 - Phần 1
CHƯƠNG 5
HY VỌNG NGUY HIỂM
Một
truyền thuyết đẹp. Là vật hy sinh của tình yêu hay là nô lệ của tình yêu. Bị
người khác giết hay tự sát. Cách nhìn nhận của chính giới. Sự phỏng đoán của
bạn gái. Những kiến giải của các nhà chính trị.
Lần
gặp gỡ đầu tiên của họ được diễn ra trong một hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Lúc
đó đang là những ngày hè nóng nực, ánh mặt trời chiếu rọi xuống nơi nơi, mặt
biển lóng lánh ánh bạc, giả sử như không có biển cả thì con người ta khó mà thở
được vì phải chịu sức nóng hầm hập như trong một phiên chợ đông người vậy.
Nhưng ở đây tuy nóng như thế nhưng vẫn rất dễ chịu, trên bờ biển một lũ trẻ
đang nô đùa với nhau, thỉnh thoảng chúng lại phát ra những tiếng cười vô tư.
Đột
nhiên một bé gái trượt chân bị ngã xuống nước, các bạn cùng lứa đứng ngây người
ra vì sợ, tiếng kêu thất thanh chìm vào tiếng sóng vỗ. Trên bờ, tất cả đều
cuống cả lên. Đúng lúc đó, một chàng trai không rõ tên chạy đến và nhảy bổ
xuống nước. Người ta chỉ trông thấy hai tay cậu nâng đứa trẻ khỏi mặt nước.
Người đã cứu được đứa trẻ là một người không cao tóc hung hung, trên mặt rỗ
hoa, lăn tăn mấy sợi râu, chính chòm râu sau này đã trở nên quen thuộc với toàn
thể nhân dân thế giới.
Cô
bé chơi ở bờ biển và không may bị ngã xuống biển ngẫu nhiên được chàng thanh
niên Joshep, người Grudia 24 tuổi. Cô gái đó tên là Natia. Họ của cô là
Aliluêva. Trước đó không lâu, cô vừa tròn 2 tuổi. Đó là việc xảy ra tại thành
phố Bacu năm 1903.
"Đối
với một người mẹ có nhiều ảo tưởng và rất nhạy cảm mà nói, đó là sự mở đầu rất
có ý nghĩa". Xvétlana Aliluêva viết: "Sau đó khi mẹ
gặp bố, lúc đó mẹ đã là một học sinh trung học 16 tuổi. Còn bố là một nhà cách
mạng 38 tuổi vừa bị đi đày ở Sibêri trở về, và đã sớm trở thành bạn của gia
đình này... " Rồi rất nhanh, họ đã cưới nhau, Nađêzđa Aliluêva
trở thành vợ của Stalin.
Đây
là lần kết hôn thứ 2 của Stalin. Lần kết hôn thứ nhất là vào thời kỳ trước cách
mạng. Người vợ đầu của Stalin là Ekachierina Sêmiaonôpna Sưvanítchơ. Bà mất vào
năm 1907. Bà sinh cho Stalin một người con trai tên là Yasha. Lúc nhỏ Yasha ở
với họ hàng đi học ở Grudia, sau đó lên Mátxcơva ở với bố. Lần kết hôn thứ 2,
Stalin có 2 người con là Vaxili và Xvétlana.
Cuộc
sống gia đình của Stalin là một trong những điều bí mật quan trọng nhất của
ông. Trong thời kỳ Stalin nắm quyền, tình hình cuộc sống gia đình của ủy viên
Bộ chính trị như: Niềm vui sở thích và thái độ đối với một vấn đề nào đó đều là
những bí mật quốc gia đặc biệt quan trọng. Như vậy dễ dàng thấy rằng, tình hình
cuộc sống riêng tư của Stalin là điều cơ mật quốc gia quan trọng biết chừng
nào. Một xã hội bị bưng bít bắt đầu từ việc thần bí hóa và không có cá tính hóa
của giới lãnh đạo nhà nước. Cho dù hình tượng của Stalin được hàng chục triệu
người tôn sùng là"cha của các thời đại và của nhân dân các dân
tộc". Tượng ông có ở khắp nơi, trong cả nước không thể đếm xuể nhưng
cũng chỉ là để hoan hô và ca ngợi mà thôi. Đời tư của lãnh đạo luôn bị giấu
kín, chẳng ai có thể biết được.
Chỉ
đến giai đoạn gần đây, các độc giả thông qua báo chí mới bắt đầu biết những
thông tin đã bị giấu kín suốt hơn nửa thế kỷ qua: Cuộc sống gia đình của vị Đại
nguyên soái, những tập tục, thói quen trong gia đình, về cái chết của bà vợ thứ
2 lúc bà mới 31 tuổi. Xuất thân của bà từ đâu? Làm việc gì? Cha mẹ bà là ai? Bà
đã chết như thế nào? Bị bức tử chết hay chết tự nhiên? Những vấn đề này tuyệt
nhiên không phải là chuyện phiếm, khi người ta đưa ra những vấn đề này cũng
không hẳn chỉ là sự hiếu kỳ. Bình thường nếu xem xét về cái chết của người vợ
mà Stalin yêu mến đã có ảnh hưởng lớn đến tính cách của Stalin, thì đó là một
sự thật không còn phải tranh cãi. Đây là vấn đề đặc biệt có ý nghĩa.
Người
vợ thứ 2 của Stalin sinh ra tại Bacu. Bố là Sécgây Iacốplêvích Aliluép. Bà là
con thứ tư trong nhà, và là con út, bà có 2 người anh trai. Một là Paven, còn
người kia là Phêôđô. Người chị gái của bà tên là Anna. Cha bà xuất thân là một
nông dân ở Vôrônhiedư, mang đậm bản chất của dân đảo Síp. Mẹ của ông là người
Síp. Do mang trong người dòng máu Síp nên trông giống như người miền Nam, khuôn
mặt có nét của người nước ngoài. Theo lời cháu gái ngoại của ông là Svetlann
Giôgiépphuna Aliluêva, thì dường như những người trong gia tộc Aliluêva đều có
đặc điểm mắt đen nhánh, răng trắng, nước da ngăm ngăm đen, cơ thể gầy nhỏ thon.
Sécgây được trời phú cho cái tài làm kỹ thuật, có kỹ thuật về thợ nguội. Ông
làm việc tại một xưởng sửa chữa đầu máy xe lửa ở ngoại Capcadơ. Ông đã ở
Tibilisi, Bacu, Bathundô. Năm 1898 ông gia nhập Công đảng dân chủ xã hội Nga.
Ông đã gặp một số nhân vật hoạt động nổi tiếng trong phong trào công nhân như
Calinin, Phêaurêtôp... Năm 1900 ông chuyển đến Pêtécbua để làm giám đốc công ty
chiếu sáng.
Sécgây
là một công nhân được giáo dục có văn hóa. Những người sống cùng thời với ông
đã nói về ông như sau: ông là một người dong dỏng cao, nghiêm chỉnh và sạch sẽ,
gọn gàng, thậm chí rất lịch sự, trang nhã. Ông có bộ râu rậm điểm theo những
sợi trắng, có điểm gì đó rất giống với Calinin. Ông là người luôn nho nhã, nhẹ
nhàng, ôn hòa với tất cả mọi người. Ở Pêtécbua ông có một căn hộ 4 phòng. Tất
cả các con của ông đều được học hết bậc trung học.
Cuộc
hôn nhân của ông cũng lãng mạn không kém người con gái. Lúc đó ông đang làm
việc ở Nhà máy ở Tibilisi. Trong một đêm đẹp trời, vị hôn phu của ông ném một
túi đồ từ trong nhà qua cửa sổ rồi chạy ra đứng bên chàng trai. Lúc này bà chưa
đầy 14 tuổi, nhưng tình yêu của bà vô cùng nồng nàn và bà cũng rất có ý thức vì
hạnh phúc. Bà mang họ của người Ucraina tên là Phêđôrencô. Bố của bà lớn lên ở
Grudia và sinh sống tại đó. Vì mẹ của ông là người Grudia. Bố của Ôlêga nói
tiếng Ucraina. Ông lấy một người phụ nữ Đức và cũng là dân di cư đến đây, như
vậy người vợ trẻ của ông, Aliluêva có thể nói tốt cả hai thứ tiếng Đức và
Grudia.
Mãi
tới cuối những năm 1890, Stalin mới làm quen với người công nhân Aliluép.
Stalin gặp ông tại Tibilisi và Bacu năm 1910, sau khi trốn khỏi nơi bị đi đày
và đến Pêtécbua. Stalin đến ở nhà Sécgây Iacốplêvích và Ôlêga Yôcôniépna. Sau
đó Stalin lại bị đi đày ở rừng nguyên sinh Tuluhan lần nữa, nhưng ông vẫn giữ
liên lạc với gia đình Aliluép.
Cuộc
cách mạng tháng 2 năm 1917 đã làm Stalin thoát khỏi cảnh đi đày ở Sibêri. Ông
đến Pêtrôgrát, con người đã sống cuộc sống hoang dã này không có tiền bạc,
trong túi ông cũng chẳng có một mẩu bánh mỳ, ông sẽ đi đâu về đâu? Ông đi đến
nhà những người quen cũ Aliluép nhiệt tình mời ông ở lại nhà, điều đó giúp ông
tránh được cái đói, cái rét. Stalin đi suốt ngày đến khuya mới về. Bất kể là
Stalin về muộn như thế nào nhưng các chị em nhà Alinuêva vẫn để phần trà nóng,
súp, chuẩn bị sẵn bánh mỳ đợi ông về. Hai cô gái đều không nói gì cảm thấy vui
sướng khi nhìn thấy khuôn mặt khắc khổ của nhà cách mạng. Tháng 7 năm 1917,
Lênin cũng trốn trong căn nhà này mấy ngày. Nachiê (tên của Nađêzđa lúc nhỏ) đã
nhường căn phòng nhỏ của mình cho Người, còn bản thân cô sống trong một căn nhà
khác ở ngoại thành.
Sau
cách mạng tháng Mười, Stalin trở thành một thành viên của chính phủ Xô Viết
khoá 1 - ủy viên nhân dân ban dân tộc. Lúc này cô bé Nađêzđa đã tốt nghiệp
trung học và được nhận làm thư ký ở cơ quan Stalin. Đầu năm 1918, chính quyền
Xô Viết dời đến Mátxcơva, Nađêzđa không thể không chuyển đến thủ đô tại
Mátxcơva một học sinh vừa mới tốt nghiệp trung học 18 tuổi, đã mở to đôi mắt
háo hức nhìn cuộc đời, và cô đã gắn chặt số phận mình với người đàn ông từng
trải 37 tuổi - Stalin. Họ chẳng cử hành hôn lễ, bởi ngày đó, trong con mắt của
những người Bônsêvích thì không nên cử hành hôn lễ là tốt nhất. Cô cũng chẳng
đổi họ, mà giữ nguyên họ của mình. Cô đã vào Đảng tại Mátxcơva, cùng sát cánh
bên chồng trong công việc. Sau này cô cùng làm việc với thư ký riêng của Lênin
tại ủy ban nhân dân, và cô cũng đã từng là thư ký trong thời kỳ Lênin dưỡng
bệnh tại làng Goócki.
Có
một chi tiết rất thú vị là: Năm 1921, khi tiến hành thanh lọc hàng loạt trong
Đảng, Nađêzđa đã bị khai trừ khỏi Đảng với lý do là "tham gia các
hoạt động xã hội không đủ”. Tuy cô công tác trong Ban thư ký riêng của
Vlađimia Ilich, nhưng thật đáng tiếc là không thể làm khác được! Tại thời điểm
đó, tình hình xã hội rất căng thẳng, không thể dung túng cho ai cả. Cuối cùng,
Lênin nhận thấy rằng cần phải viết thư cho người lãnh đạo ban thanh lọc của
Đảng A.A.Sonsư và Ba.A.Chaluski để xin cho cô. Lênin thấy có trách nhiệm cần
phải làm cho ban thanh lọc rõ một việc là tạm thời chưa hiểu: "Nađêzđa
Sécgâyépna
Aliluêva tuổi còn non trẻ".
"Bản
thân tôi đã quan sát Nađêzđa khi cô làm việc ở Cục quản lý sự vụ ủy ban nhân
dân", Lênin
viết trong thư,"Nói điều này có nghĩa là tôi rất hiểu Nađêzđa, tôi nhận
thấy cần phải chỉ ra rằng, gia đình cô trong đó bao gồm bố, mẹ và 2 người con
gái đã sớm tham gia cách mạng và tôi đã biết họ từ trước cách mạng tháng Mười.
Đặc biệt là vào tháng 7 năm 1917, tôi và Zi -nô -vi -ép bị bao vây gắt gao,
tình hình cực kỳ nguy hiểm. Lúc đó, chính gia đình cô đã che chở cho tôi. Họ
luôn tin tưởng tuyệt đối vào những người Bônsêvích, họ không những che giấu
chúng tôi, mà còn giúp chúng tôi rất nhiều trong các hoạt động bí mật. Không có
họ, chúng tôi khó tránh khỏi được bàn tay của bọn mật thám.”
Thế
là Đảng tịch của Nađêzđa được khôi phục lại. Năm 1921, cô sinh được cậu con
trai Va -xi -li, và đó cũng chính là nguyên nhân "tham gia các hoạt
động xã hội không đủ". Sau khi Lênin mất, cô chuyển sang công tác tại
tạp chí "Cách mạng và văn hóa". Sau đó cô đi học tại
trường Đại học công nghiệp, nhưng rồi lại bị triệu hồi về và được phái đến công
tác tại ủy ban thị ủy Mátxcơva. Trong thời kỳ học tại trường Đại học công
nghiệp cô học khoa sợi nhân tạo, cô được tín nhiệm bầu làm lớp trưởng.
Trong
hồi ký của mình, Khơrútsốp có viết tỷ mỷ miêu tả những ngày tháng cô ở Đại học
công nghiệp. Nói đến người vợ của Stalin, Khơrútsốp viết, tính cách của Nađêzđa
hoàn toàn khác với tính cách của Stalin: "Khi Nađêzđa học tại Đại học công
nghiệp, có rất ít người biết được cô là vợ của Stalin. - Cô không bao giờ lợi dụng
vị trí đặc biệt của mình, cô chưa bao giờ ngồi xe con để đến trường, hay ngồi
xe con từ trường đến Điện Kremli. Đúng vậy, cô chưa từng bao giờ làm việc đó.
Cô chỉ đi xe buýt mà thôi. Đối với mọi người ở trường học, cô không thể hiện
một điều gì đặc biệt cả. Chỉ có vài người biết cô là vợ của Stalin. Nhìn nhận
từ góc độ của cô mà nói thì cô là người không thích khoa trương mình trước mọi
người. Cô được bạn bè trên thế giới, kể cả kẻ thù gọi là người vợ của"Nhân
vật số một".
Xung
quanh vấn đề tính cách của Nađêzđa và Stalin hoàn toàn không giống nhau đã được
Bachanốp chứng thực."Nađêzđa hoàn toàn không giống Stalin". Cô
là một người rất tốt. Phẩm hạnh đoan trang, luôn thành thực với mọi người, tuy
cô không xinh đẹp, nhưng cô có khuôn mặt lương thiện, hiền lành, chân thực, rất
được mọi người mến mộ...
Khi
tôi quen biết Nađêzđa, tôi có một cảm giác rằng, chung quanh cô trống rỗng như
thiếu một cái gì. Vào lúc đó không biết vì sao cô không có bạn gái. Còn các bạn
trai không ai dám đến gần. Nếu lỡ bị Stalin nghi ngờ thì sẽ chết không có đất
chôn - tôi cảm thấy rất rõ ràng là vợ của Stalin cần có một nhu cầu cực kỳ đơn
giản là được giao tiếp với mọi người...
...
Cuộc sống gia đình của Nađêzđa rất khổ sở. Ở nhà, Stalin là chúa tể. Bởi vì
trong khi làm việc, ông luôn phải tự kìm chế mình, do đó khi về đến nhà ông
không bao giờ khách khí cả. Nađêzđa nhiều lần nói với tôi một cách thương tâm
rằng: "ông ấy cứ lầm lì cả
ngày
chẳng nói câu gì, chẳng nói chuyện với ai, có người tìm ông cũng chẳng thèm
quan tâm, ông là một người rất khó tiếp xúc". Nhưng tôi
cố tránh nói chuyện với Stalin. Vì tôi đã sớm biết Stalin là người như thế nào.
Thật đáng thương cho Nađêzđa khi cô bắt đầu phát hiện những hành động vô đạo
đức, phi nhân tính của Stalin, hơn nữa cô lại tự mình không dám tin vào những
điều mình đã phát hiện.
Cuộc
sống riêng tư của một cá nhân, không còn nghi ngờ gì nữa, đầu tiên là nói về
cuộc sống gia đình của người đó. Hiển nhiên, sau khi dời đến Mátxcơva, Nađêzđa
đã nhanh chóng hiểu được điều này, trong cuộc sống của chồng cô, cô chỉ có vị
trí rất nhỏ bé mà thôi. Bất kể là cô, hay đứa con trai của cô, Stalin cũng
chẳng thèm quan tâm để ý đến. Trong ngôi nhà của ông ở Điện Kremli, thậm chí
trong khu biệt thự thì lúc nào cũng đầy ắp khách khứa, những người thân, bạn bè
và cả những người quen. Trong ngôi nhà tràn đầy tiếng cười của trẻ nhỏ - các
bạn nhỏ hàng xóm luôn sang chơi đùa với Vaxili và Svetlana.
Năm
1919, gia đình Stalin được phân một ngôi biệt thự. Năm 1932, sau khi người vợ
chết, ông đã thay đổi nơi ở trong Điện Kremli, và xây đựng một khu biệt thự mới
ở Cônsôvô.
Do
vậy Nađêzđa ngày ngày phải đi làm, con gái giao cho bảo mẫu trông coi, nhưng
trong những ngày nghỉ, hoặc buổi tối, thì cô ra sức làm hết mọi việc, dành mọi
sự quan tâm cho những đứa con của mình. Svetlana trong hồi ký của mình viết
trước những năm 1929 -1930, mẹ cô đều tự mình làm hết mọi việc nhà, tự đi mua
thực phẩm, không nhờ đến người giúp việc. Trong mọi trường hợp, bà luôn giữ
được trật tự, nền nếp gia đình. Bà không nhận bất kỳ sự giúp đỡ nào của các đội
viên Chêka và nhân viên bảo vệ. Stalin chỉ có duy nhất một cảnh vệ luôn đi cùng
xe với Stalin và không có liên can gì đến việc nhà của Stalịn. Hơn nữa, nhân
viên cảnh vệ này cũng không được đến gần nhà Stalin. Ngược lại, khi Stalin một
mình lái xe đến Mátxcơva; ông thường không đem theo nhân viên bảo vệ mà đi một
mình như bao người bình thường khác.
Vào
mùa hè, ngôi biệt thự của vợ chồng Stalin luôn có nhiều người. Bukharin hay lui
tới đó. Ông yêu thích mọi động vật ở đây. Ông thường chơi đùa với lũ trẻ, dạy
bà bảo mẫu đi xe đạp và bắn súng hơi.
Blôngtai
cũng đã ở đây trong một thời gian rất dài, tình bạn giữa ông và Stalin rất thắm
thiết, vợ của họ cũng là những người bạn rất thân thiện với nhau. Buxiôngni
mang đàn ác -coóc -đê -ông, còn Vôrôsilốp chỉ thích đàn hát theo, Stalin cũng
ngẫu hứng hát theo. Tuy khi nói chuyện với nhau, thì họ nói rất bé, nhưng khi
họ hát thì ngược lại, âm thanh cao vút, lời lẽ rõ ràng.
Tất
cả mọi người trong nhà đều phải công nhận vai trò thủ lĩnh của nữ chủ nhân. Chỉ
một mình Nađêzđa cũng có thể làm cho mọi tính cách khác nhau ở đây trở nên thân
thiết, đoàn kết, làm cho mọi người luôn thuận hòa bên nhau. Rất nhiều người
hiểu bà đã nhấn mạnh rằng, ở bà không những có một ma lực, sự thông minh, lòng
hào hiệp với khách, mà còn có một ý chí kiên cường, phẩm chất đứng đắn. Đứng
trước những sự việc mà bà cho là không thể thay đổi được, bà tuyệt nhiên không
bao giờ chịu lùi bước. Khi nhấn mạnh đến tính cách độc lập của bà, mọi người
thường đưa ra ví dụ sau: Năm 1927, giữa Stalin và Trôtxki nổ ra cuộc đấu tranh
gay gắt. Sau khi Trôtxki và Zinôviép bị khai trừ khỏi Đảng, A.A.Giêfây ra mặt
ủng hộ họ đã tự sát. Trong buổi lễ tang để đưa người xấu số về nơi an nghỉ cuối
cùng, có cả Nađêzđa.
Nađêzđa
có rất nhiều người thân, tất cả họ đều nhận được sự quan tâm của bà. Sau khi
kết hôn, Stalin đã đón bố mẹ bà lên Mátxcơva. Năm 1932, sau khi Nađêzđa mất, bố
cô luôn đóng cửa ở lỳ trong nhà. Sau đó ông chuyển đến ở với cô con gái lớn
Anna. Sau này ông bắt đầu viết hồi ký và đã được xuất bản năm 1946. Nhưng ông
không được xem cuốn hồi ký của mình vì ông đã mất vào năm 1945, thọ 80 tuổi. Vợ
của ông cũng mất khi 76 tuổi. Sau khi đứa con gái út chết, hai cụ già lại bị
phân đi đôi ngả, mỗi người lại đơn độc đón nhận những ngày cuối cùng của đời mình
ở một nơi. Đúng vậy gia đình họ dã gặp hết sự đau buồn này đến sự đau buồn
khác.
Vận
hạn cứ liên tiếp rơi xuống gia đình ông, nó giống như đã được định đoạt sẵn.
Sau khi Nađêzđa chết, vận hạn lại đổ lên đầu người anh trai của bà, Paven, và
người chị dâu. Tính cách của Paven rất giống với Nađêzđa, rất yếu đuối, tình
cảm và tin người. Nhưng điều mà mọi người không ngờ tới là anh lại xung phong
vào bộ đội, trở thành một quân nhân, không phải là Paven tự lựa chọn con đường
binh nghiệp mà chính quân đội đã chọn anh. Khi cách mạng bùng nổ và khi cuộc
nội chiến nổ ra, anh phải cầm vũ khí và chiến đấu ở Tuốcghinixtan.
Sau
cuộc nội chiến, theo chỉ thị của Lênin, Paven tham gia vào đội khảo sát Uvansep
và được phái đến cực Bắc thăm dò khoáng sản, và tìm mỏ than. Anh không phải là
nhà khoa học, mà là người phụ trách an ninh cho các nhà khoa học. Bằng việc
khảo sát được mở quặng than và mỏ sắt có trữ lượng lớn, Paven và Uvansep là
những người đã đặt nền móng cho vùng đất này.
Cuối
năm 1920, anh được cử làm đại biểu quân sự và được đi thăm Đức. Sau khi về
Mátxcơva, anh đã sáng lập ra cục quản lý xe tăng. Năm 1938, khi đi nghỉ về, trở
về cương vị công tác cũ, anh đã không nhận ra được Cục quản lý xe tăng do mình
sáng lập ra: khi Paven không có mặt ở đây, những nhân viên của anh ở cục đã bị
bắt hết. Nhiều phòng làm việc bị niêm phong, cả hành lang không có lấy một
tiếng động. Anh cảm thấy cơ thể mệt mỏi, và kết quả là anh đã bị chết vì bệnh
tim trong khi đang ở phòng làm việc. Gần 10 năm sau, vào năm 1943, Bêria nghĩ
tới cái chết đột ngột của Paven và đã lợi dụng việc này để gây khó dễ cho vợ
của Paven, bà bị kết tội là đã hạ độc chồng và bị tù 10 năm, nhốt trong một
phòng riêng, mãi đến năm 1954 mới được thả ra.
Cuộc
đời của chị gái Anna cũng gặp bi kịch không kém. Anna cũng giống như Nađêzđa,
cô lấy chồng từ rất sớm. Chồng cô là Rêtensư là một người Bônsêvích Ba Lan, bạn
cũ của Chiêrenxki. Rêtensư đã từng công tác tại ủy ban tiễu trừ bọn phản cách
mạng ở Ucraina và Grudia. Tại Tibilisi ông đã gặp Bêria.
Bêria
không thích ông đã tìm đủ mọi cách để loại ông ra khỏi Grudia. Cuối cùng Bêria
đã tìm được một lý do vô cùng xác đáng. Điều Rêtensư đến công tác tại ủy ban
thanh trừng phản cách mạng ở Mátxcơva. Năm 1936, trong cuộc tuyển cử đại biểu
Xô Viết tối cao đầu tiên, ông đã trúng cử. Nhưng đến năm 1938, sau khi bị Bêria
điều đến công tác ở Mátxcơva, ông lại tiếp tục bị điều đi Kazắcxtan. Thế là cả
nhà ông phải chuyển đến Alamutu - Kazắcxtan. Vừa dừng chân ở đó không lâu, ông
lại bị triệu về Mátxcơva. Ông trở về Mátxcơva với một tâm trọng nặng trĩu. Tâm
trạng này không phải là vô duyên cớ - Lần này, ông không còn trở về nhà được
nữa.