Chờ Đợi Giọng Nói Của Em - Chương 21 - 22
Chương 21. Đứa con nghiện ngập
ZM, nam, 17 tuổi, đang chờ việc
Năm mười lăm tuổi, sau khi tốt nghiệp cấp
hai, tôi không thi tiếp lên cấp ba nữa. Bố mẹ tôi đi làm ăn xa, ở tận vùng Đông
Bắc, không có thời gian và sức lực để chăm lo cho tiền đồ của tôi sau này. Chính
vì thế, hết ngày này qua ngày khác, tôi lêu lổng, chơi bời, tiêu hết số tiền mà
bố mẹ gửi về hằng tháng. Trong nhà chỉ có bà ngoại và tôi. Bà luôn coi tôi là một
đứa cháu ngỗ nghịch và hư đốn. Khi còn nhỏ, tôi thường xuyên bị bà đánh; khi tôi
lớn, bà không đánh nổi tôi nữa nên đành phải mắng tôi suốt ngày. Tôi cũng chẳng
kém cạnh, suốt ngày cãi lại bà. Bà ngoại tôi rất dữ dằn, luôn nổi cáu, làm cho tôi
chịu không nổi. Tôi thầm rủa bà chết sớm, như vậy tôi mới có thể sống những ngày
tháng yên bình. Chú họ tôi tìm cho tôi một công việc, đó là việc giao hàng cho một
công ty tư nhân. Kết quả là chỉ làm được nửa tháng trời tôi đã không chịu nổi vì
quá mệt. Bà ngoại mắng tôi là đồ ăn hại, đồ ăn bám, còn nói tôi là thằng lưu manh.
Tôi tức quá, chỉ thẳng vào mặt bà mà nói: “Đây là nhà của bố tôi, bà mà còn lắm
mồm nữa thì ra ngoài lề đường mà ngủ!”. Bà trợn mắt nhìn tôi, miệng còn lắp bắp
như muốn nói điều gì. Tôi ôm đầu chạy vụt ra ngoài, nếu không, tôi sợ rằng trong
một phút nóng nảy, tôi sẽ giết chết bà mất.
Đêm đó, tôi vào một quán rượu trên đường.
Bên trong, ánh đèn rực rỡ, tiếng nhạc chát chúa làm tôi có cảm giác rất hiếu kì,
hưng phấn và kích thích. Tôi gọi một ly rượu Tây và một mình ngồi thưởng thức. Tôi
đang nghĩ có nên sang Đông Bắc tìm bố mẹ để học làm ăn hay không, vì dù sao sang
đó còn hơn là ở nhà nghe bà ngoại ca cẩm suốt ngày. Đúng lúc đó, một bàn tay mềm
mại vỗ vỗ vào vai tôi, tôi quay đầu lại nhìn, đó là một cô gái khoảng gần ba mươi
tuổi, ăn mặc rất gợi cảm. Cô ta đánh son đỏ chót, tay đang cầm một ly cocktail màu
xanh, thỏ thẻ gọi tôi là: “Chàng trai trẻ”. Tôi đoán cô ta là gái bán hoa nên trong
lòng có đôi chút hoang mang, thậm chí còn thấy sợ hãi nữa. Nhưng dáng vẻ của cô
ta làm cho tôi có cảm giác giống như một người bạn học cũ của mình vậy. Tôi cười
với cô ta rồi chúng tôi cùng ngồi nói chuyện bên quầy rượu. Tôi phát hiện ra gái
bán hoa không hề thần bí như tôi vốn tưởng tượng. H (tên cô gái) tỏ ra hiểu tôi
hơn bất cứ ai khác xung quanh (kể cả thầy cô giáo và bạn bè). Chúng tôi vừa uống
rượu vừa nói chuyện rất vui vẻ. Chỉ vài tiếng sau, tôi đã coi H là một người bạn
thân thiết của mình.
Một giờ sáng, tôi mời H đi ăn đêm cùng mình
rồi tạm biệt cô ấy để ra về. Tôi uống khá nhiều rượu nên cảm thấy rất buồn ngủ,
hơn nữa tiền trong túi lại tiêu hết sạch rồi. H nói cô ấy đã tan ca, sẽ đưa tôi
về nhà. Tôi không đồng ý, nhưng H cứ nằng nặc không chịu nghe, tôi nói không lại,
đành phải bảo H rằng tôi hết sạch tiền rồi. Tôi biết những người như H phục vụ xong
đều đòi trả tiền. Nhưng H nói tôi quá khách sáo rồi, cô ấy coi tôi như em trai,
chị gái đưa em trai về nhà sao lại đòi tiền cơ chứ? Thế là tôi đành phải lên taxi
cùng với H Lên xe một cái là tôi đánh một giấc ngon lành. Mãi đến khi H gọi dậy
tôi mới biết đã ra đến ngoại ô rồi. “Đây là đâu vậy?”, tôi ngạc nhiên hỏi. H bảo
tôi xuống xe với cô ấy, nói đây là nơi cô ấy thuê trọ.
Tôi liền đi cùng H, dù sao hai chúng tôi
cũng như là chị em thôi mà, chắc chắn sẽ không xảy ra chuyện gì cả. Hơn nữa, tôi
cũng muốn để cho bà ngoại tôi phải lo lắng một phen. Chắc chắn bà ngoại đã bực mình
khóa trái cửa lại, rồi ngồi chờ tôi về gõ cửa để mắng tôi một trận cho mà xem!
Nhà H rất bừa bộn, còn hơn cả trong tưởng
tượng của tôi nữa. Tôi luôn nghĩ rằng con gái thường gọn gàng, ngăn nắp hơn con
trai. Nhưng xem ra thì không phải vậy rồi. Nhưng không sao, bừa bộn cũng tốt, tôi
thích đến nhà ai đó bừa bộn như vậy, có cảm giác rất tự do. H về đến nhà liền chạy
vào rửa mặt; sau đó hỏi tôi có phải trông cô ấy rất già không. Tôi không biết nên
trả lời H thế nào, bởi vì sau khi xóa hết lớp son phấn trang điểm, trông H quả thật
rất già và xấu xí. H lấy trong ngăn kéo ra một túi bột trắng nhỏ, rải lên lớp giấy
bạc và bật lửa đốt. Một lớp khói trắng xông thẳng vào mũi H, chỉ vài phút sau, mặt
H tỏ ra rất đê mê và khoan khoái.
Tôi quan sát không sót một hành động nào
của H, vừa sợ hãi, vừa tò mò. Tôi biết túi bột trắng kia chính là thuốc phiện, hơn
nữa, một khi đã thử nó chắc chắn sẽ gây nghiện. Nhưng hình ảnh H hiện ra trước mắt
tôi bây giờ làm cho tôi cảm thấy thuốc phiện rất thú vị, rất dễ chịu chứ không phải
đáng sợ như những gì thường phát trên ti vi, hút rồi cũng chả có gì nguy hiểm cả.
Tôi quá ngốc nghếch, tôi không hề nghĩ đến việc, nếu như mình mắc nghiện thì sẽ
ra sao? Lúc đó tôi chẳng còn nghĩ được điều gì khác ngoài việc muốn thử xem thứ
bột trắng kia có mùi vị ra sao. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi hút thử cái thứ
thuốc độc đó. Một chút sợ hãi trong tôi đã bị sự hiếu kì gạt sang một bên. Tất cả
cảm xúc lúc đó của tôi chỉ là kích thích và hưng phấn.
Cứ như vậy, ngày ngày tôi ở với H, hơn nữa,
tôi hút thuốc phiện lần thứ hai, lần thứ ba. Khi đã thỏa mãn sự hiếu kì của mình
thì cũng là lúc tôi biết mình không thể sống thiếu thứ bột trắng ấy được nữa. Tôi
như chìm đắm vào trong cái cảm giác bay bổng, phiêu du vào cõi tiên sau khi hút
thuốc. Hai tháng sau, tôi mới cảm nhận được sự đau đớn của một kẻ nghiện thuốc phiện.
Lúc đó, H nói sẽ chuyển đến một thành phố khác và phải trả lại phòng cho chủ nhà.
Trước khi đi, H đã để một ít thuốc phiện và số điện thoại liên lạc lại cho tôi,
dặn tôi lúc nào lên cơn nghiện thì hãy gọi đến số này. Cô ấy nói, chủ số liên lạc
này là một người bán thuốc phiện. Tôi hút hết chỗ thuốc phiện mà H để lại, nhưng
cũng không gọi đến số liên lạc kia. Càng ngày tôi càng trở lên lười nhác, ngay cả
việc gọi điện thoại cũng không muốn làm. Một hôm, lúc tôi tỉnh lại thì đã là sáu
giờ chiều, cơn nghiện đột nhiên ập đến, tôi ngáp mấy cái liền, nước mắt, nước mũi
cứ thi nhau chảy ra. Tôi nghĩ không biết có phải mình đã bị cảm cúm rồi không. Một
cơn đau buốt len lỏi vào từng thớ thịt trên người tôi; thế rồi, tôi cảm thấy toàn
thân ngứa ngáy, cứ như có hàng ngàn con côn trùng đang bò trong người tôi vậy, tôi
cố gắng bắt lấy chúng mà không sao bắt được. Tôi đau đớn thế nào, người bình thường
chắc chắn không bao giờ tưởng tượng ra được. Tôi bò đến bên chiếc điện thoại, vội
vàng quay số mà H đã để lại cho tôi. Tôi biết mình đang lên cơn nghiện rồi!
Tôi gọi điện thoại và nóng lòng chờ đợi người
ta mang thuốc phiện đến. Người mang thuốc đến là một thanh niên trạc tuổi tôi, tự
giới thiệu mình tên là K. Tôi lập tức đưa cho cậu ta một nghìn nhân dân tệ mà bố
mẹ mới gửi cho tôi hôm trước. Cậu ta rất hài lòng và thoải mái ngồi nói chuyện với
tôi. Cậu ta nói mình đã hút thuốc phiện hơn ba năm nay. Cậu ta biết bố mẹ tôi là
dân làm ăn, rồi dạy cho tôi đủ mọi cách để xin tiền bố mẹ. Thế là tôi và K trở thành
bạn bè thân thiết của nhau. Nghiện càng nặng, tôi càng xin tiền bố mẹ nhiều hơn.
Có tháng tôi xin bố mẹ đến tám nghìn nhân dân tệ. Bố mẹ tôi bắt đầu nghi ngờ, liên
tục gọi điện về hỏi tôi dùng tiền vào việc gì. Cũng may là bà ngoại tôi tuổi đã
cao nên không hề biết là tôi mắc nghiện. Lúc đó, tôi đã bắt đầu chuyển sang chích.
Tôi nói với bà ngoại rằng tôi học cách tiêm thuốc từ người ta, bây giờ tôi đang
bị cảm cúm nên phải tự chích thuốc để trị bệnh. Bà ngoại mặc dù rất hay ca cẩm nhưng
thực ra bà cũng chẳng biết tôi đang làm gì. Bà chỉ thắc mắc không hiểu sao tôi lại
gầy đi nhiều như vậy, bà luôn quả quyết rằng tôi đã mắc bệnh gì đó rất nặng. Trước
đây, tôi nặng tới bảy mươi cân, nhưng giờ thì chỉ còn khoảng bốn mươi cân thôi,
hai cánh tay tôi đầy những vết kim tiêm, ngay cả chân cũng có. Mùa hè tôi chẳng
dám ra ngoài gặp ai.
Bố tôi nghĩ rằng tôi mắc bệnh hiểm nghèo
thật nên vội vàng bỏ cả công việc làm ăn để về gặp tôi. Vừa vào nhà, nhìn thấy hai
hốc mắt sâu hoắm, thân hình như cành cây khô của tôi mà bố tôi giật nảy mình. Chẳng
mấy chốc, bố phát hiện ra rằng hóa ra tôi đang chích thuốc phiện. Hai hàng nước
mắt lăn dài trên má bố. Bà ngoại cho rằng tôi muốn chết thật rồi. Bà không thèm
mắng tôi nữa, chỉ ôm lấy tôi mà khóc. Cuối cùng, bố và cán bộ trong phường đã đưa
tôi vào trại cai nghiện, bắt tôi phải đoạn tuyệt hoàn toàn với thuốc phiện.
Trong trại cai nghiện, có rất nhiều lần tôi
cảm thấy mình không thể chịu nổi nữa. Những cơn nghiện khủng khiếp cứ giày vò thể
xác tôi, làm cho tôi không ăn uống, không ngủ nghỉ được chút nào. Rất nhiều lần
chịu không nổi, tôi muốn đâm đầu vào tường mà chết quách đi cho xong. Tôi thà chết
chứ không muốn bị giày vò, hành hạ mãi thế này. Nhưng cứ mỗi lần như vậy lại có
người giữ chặt lấy tôi, không cho tôi chết. Bố mẹ từ bỏ sự nghiệp bao năm xây dựng
ở Đông Bắc để về trông nom tôi, cùng tôi chịu khổ sở, đau đớn. Tôi cảm thấy rất
có lỗi với bố mẹ. Nếu biết trước hút thuốc phiện sẽ có kết cục bi thảm như ngày
hôm nay thì có chết tôi cũng không bao giờ dám thử. Ai có thể hiểu được sự hối hận
trong lòng tôi chứ, nó thậm chí còn sâu hơn cả đại dương ngoài kia nữa...
Cái giá phải trả cho việc nghiện thuốc phiện là quá đắt, mỗi người
trong chúng ta đều không thể gánh vác nổi. Sự hiếu kì của ZM làm cho tôi nhớ đến
câu chuyện về chiếc hộp Pandora, một câu chuyện trong thần thoại Hi Lạp cổ. Có một
người vì không chế ngự được sự tò mò của mình đã mở chiếc hộp thần kì đó ra. Kết
quả là ma quỷ bị nhốt trong chiếc hộp đã được giải thoát. Vậy là thế giới tươi đẹp
của chúng ta đâu đâu cũng có những bóng ma đáng sợ. Đó chính là một tai họa do chính
sự tò mò của con người gây ra.
Tôi thừa nhận rằng, thanh thiếu niên thường rất hiếu kì, đôi khi hiếu
kì cũng thể hiện tinh thần tìm tòi đáng quý. Người lớn thường giáo dục và nuôi dưỡng
trí tò mò trong đầu của con trẻ về các hiện tượng, sự vật xung quanh. Tuy nhiên,
rất ít người có thể ý thức được rằng, có những quy định của luật pháp và xã hội
không thể bị phá vỡ bởi sự tò mò của con người. Một khi chúng ta phá vỡ những quy
định này, hậu quả cũng giống như chúng ta đã tự tay mở chiếc hộp Pandora vậy!
Chương 22. Học trò quỷ sứ
Triều Huy, nam, 16 tuổi, học sinh lớp 9
Tôi là một học sinh cấp hai ở nông thôn,
giáo viên của trường tôi thường không giỏi bằng giáo viên trên thành phố. Nghe nói,
giáo viên trên thành phố không được phép đánh học sinh, nếu không học sinh có thể
khiếu nại giáo viên. Thế nhưng ở chỗ tôi, giáo viên đánh học sinh như cơm bữa, các
bậc phụ huynh cũng không dám oán trách thầy cô đã đánh con em mình. Bố tôi nói:
“Ngày xưa, học sinh trong các trường tư thục thường bị thầy giáo cầm cây roi quật
vào lòng bàn tay. Tố cáo thầy giáo á? Đúng là chuyện không tưởng!”. Nói thật lòng,
những học sinh ở nông thôn chúng tôi rất ngưỡng mộ các bạn trên thành phố.
Như ở lớp tôi, những người đến muộn trong
giờ tự học, nhẹ thì bị phạt đứng ngoài của lớp, nếu không may gặp đúng lúc thầy
cô giáo không vui thì chắc chắn sẽ bị ăn roi ngay. Nếu ai tỏ ra bất mãn với hình
phạt này, được thôi, chắc chắn sẽ có hình phạt nặng hơn đang chờ đợi. Lần trước,
lớp tôi có một bạn tên là Vương Bình đến muộn trong giờ tự học. Nhân lúc thầy quay
lên bảng, bạn đã lén lẻn vào lớp, nhưng không may bị thầy giáo phát hiện. “Đứng
lại!” Thầy giáo quát, làm cho Vương Bình giật nảy mình. Trong phút chốc, cả phòng
học trở nên vô cùng yên ắng; tất cả mọi người đều dán mắt vào thầy giáo và Vương
Bình.
Đét! Cái roi trên tay thầy giáo quật trúng
vào cánh tay của Vương Bình, một vệt màu đỏ lập tức hằn lên trên tay cậu ấy. Tiếng
của thầy giáo đanh thép: “Trong mắt cậu còn có chút kỉ luật nào hay không? Có còn
người thầy này không? Tôi đã phải đến đây từ sáng sớm để dạy bù cho các cô các cậu.
Cậu thì giỏi rồi, cứ như là ông chủ nhỏ ấy, giờ này mới đủng đỉnh đến. Tại sao lại
đi học muộn? Có phải muốn tôi mang xe đến rước cậu không hả?”. Nếu bình thường,
thầy chỉ mắng đến đó là thôi, để tiếp tục lên lớp. Nhưng hôm đó chắc tâm trạng không
được tốt, nên thầy liền nhìn đồng hồ rồi nói với Vương Bình: “Hôm nay cậu đi muộn
hai mươi phút, vậy cậu hãy tự tát mình hai mươi cái. Tôi phải cho cậu một bài học
nhớ đời!”. Mọi người ai nấy đều vô cùng sửng sốt, nhìn Vương Bình với ánh mắt đầy
thương cảm. Vương Bình sợ đến tái mét cả mặt mày, thảm thiết xin thầy tha thứ, đồng
thời hứa với thầy từ sau sẽ không đi muộn nữa. Thế nhưng thầy giáo không nghe, nhất
định đòi phạt Vương Bình. Xin thầy không được, Vương Bình đành phải giơ tay tát
vào mặt mình. Một cái, hai cái, ba cái... Những giọt nước mắt ấm ức lã chã rơi trên
khuôn mặt của cậu bạn tội nghiệp. Mọi người ai cũng cảm thấy bất bình và thương
cảm cho cậu ấy. Trong khi đó, tiếng của thầy giáo cứ không ngừng hối thúc: “Tát
mạnh lên!”, thầy còn nói: “Không tát mạnh thì lần sau lại phạm lỗi!”.
Tôi thật không hiểu nổi tại sao học sinh
chúng tôi cũng là con người như thầy cô giáo, hơn nữa, ai cũng rất lễ phép với các
thầy cô, vậy mà cứ nhìn thấy học sinh là thầy cô lại trở thành những con người tàn
nhẫn đến như vậy?
Ngoài hình thức phạt đứng, tát, đá vào mông...
chúng tôi còn phải chịu rất nhiều hình phạt thân thể kì quái khác; chạy bộ là một
trong những hình phạt đó. Giữa trời mùa hè nắng chói chang, mặt trời cứ như một
quả cầu lửa chiếu những ánh nắng gay gắt thiêu đốt trái đất; không khí trên mặt
đất không khác gì trong một cái lò bánh mì, ngồi trong phòng học mà ai nấy đều toát
mồ hôi hột vì nóng nực; ai cũng mong chóng đến giờ tan học để có thể chạy về nhà
tắm một cái cho mát. Đột nhiên thầy giáo gọi tên mười hai học sinh trong lớp. Đây
đều là những học sinh không mặc đồng phục của trường trong giờ chào cờ thứ hai tuần
trước. Sau khi gọi đủ mười hai bạn học sinh đó, thầy liền bắt họ ra sân vận động
chạy đủ tám trăm mét; thầy còn yêu cầu lớp trưởng ra giám sát. Có bạn chạy xong
vì mệt quá nên đã ấm ức ca cẩm mấy câu, không may bị thầy giáo nghe được; kết quả
là cậu bạn đó bị thầy giáo phạt bò quanh một gốc cây giữa sân trường, làm trò cười
cho học sinh cả trường. Cậu học sinh đó hôm sau không đi học, người nhà bạn ấy gửi
giấy phép đến trường xin nghỉ cho bạn với lí do bị say nắng, phải ở nhà nghỉ ngơi.
Mãi mấy hôm sau, bạn ấy mới có thể đi học lại được.
Tuần trước, nhà trường lại ra một quy định
mới: “Những học sinh bị giáo viên mắng ba lần trở lên, hoặc vi phạm kỉ luật nghiêm
trọng sẽ phải đánh răng ngay trước mặt cả lớp”. Quy định mới này của nhà trường
làm học sinh chúng tôi dở khóc dở cười. Không may, hình phạt mới này lại rơi trúng
xuống đầu người bạn thân của tôi.
Nguyên nhân của chuyện này là từ một trò
đùa của bọn tôi. Một hôm, một người họ hàng của tôi nói rằng thầy Đinh dạy môn số
học tối nào cũng chạy đến nhà bạn Chu Quốc Trợ học cùng lớp tôi và trở thành gia
sư miễn phí cho cậu ta. Chu Quốc Trợ là một học sinh cá biệt của lớp. Cả lớp tôi
ai cũng ghét cậu ta vì thói thích làm vương làm tướng trong lớp. Bố của cậu ta là
chủ tịch huyện, vì thế thầy cô giáo thường không dám phạt cậu ta. Có người họ hàng
nhà tôi nói rằng thầy Đinh không muốn làm thầy giáo, thầy muốn làm về hành chính,
vì thế bắt buộc phải đến lấy lòng chủ tịch huyện để mong được ông ấy điều lên làm
bí thư huyện ủy. Hôm đó, sau khi tan học, đến phiên tôi và Đại Bằng trực nhật. Tôi
liền đem chuyện này kể cho Đại Bằng nghe, còn nói: “Lão Đinh đúng là chó cúp đuôi!”.
Đại Bằng nghe xong, cười nhạt và nói rằng tôi chỉ biết mắng người sau lưng thôi.
Tôi tức quá, nói lại rằng có kẻ nhát gan hơn, đến mắng sau lưng người khác mà cũng
không dám. Đại Bằng hỏi tôi có phải đang nói cậu ấy không? Tôi thẳng thừng công
nhận, còn thách cậu ta dám viết câu tôi chửi “Lão Đinh đúng là chó cúp đuôi!” lên
bảng. Đại Bằng hứ một tiếng rồi cầm phấn biết đầy lên bảng câu tôi vừa chửi. Tôi
liền vỗ tay khen hay.
Chúng tôi cười đùa chán liền đóng cửa đi
về. Hôm sau, lúc đến trường, còn chưa vào đến lớp thì tôi đã nhìn thấy thầy Đinh
đang đứng ở trên bục giảng trong lớp, mặt đằng đằng sát khí, cặp lông mày nhăn lại.
Các bạn ngồi dưới lớp không ai dám ho he điều gì. Không khí trong lớp yên lặng đến
đáng sợ, giống như sự yên lặng trước khi bão tố ập đến. Tôi không biết có chuyện
gì xảy ra, nhưng vừa vào chỗ ngồi, tôi đã phát hiện ra. Trời ơi! Hôm qua hai đứa
chúng tôi đã quên không lau bảng. Những gì mà Đại Bằng viết vẫn còn nguyên trên
đó.
Đét! Tôi giật nảy cả người, cứ cảm giác như
cây roi của thầy Đinh đang quất mạnh lên người mình. Thầy Đinh vụt mạnh đến mức
bụi phấn ở trên bàn giáo viên bay tứ tung. Thầy nghiến răng kèn kẹt nói: “Tôi nhất
định phải điều tra cho ra ai là người làm chuyện này. Tôi phải cho cậu ta đánh răng
trước lớp!”. Tim tôi đập thình thịch, bởi vì chuyện này cũng có liên quan đến tôi.
Tôi không dám nhìn Đại Bằng, lòng thầm mong thầy giáo sẽ không điều tra ra. Thế
nhưng ước muốn nhỏ nhoi đó đã bị thầy phá vỡ hoàn toàn. Thầy Đinh lôi Đại Bằng ra
khỏi chỗ ngồi của cậu ấy, chỉ một cái gạt chân, thầy đã khiến cho Đại Bằng ngã lăn
ra sàn bê tông lạnh giá. Đại Bằng tội nghiệp bò dậy, run rẩy xin lỗi thầy Đinh,
xin thầy tha thứ. Đại Bằng không hề khai ra tôi, vì thế tôi vô cùng cảm kích, nhưng
cũng rất lo cho cậu ấy!
Thầy Đinh hoàn toàn không thèm để ý đến những
lời xin lỗi và cầu xin của Đại Bằng, còn bắt cậu ấy ra ngoài cửa hàng mua bàn chải
đánh răng, ra lệnh cho Đại Bằng lập tức đánh răng trước lớp. Thầy Đinh bảo Chu Quốc
Trợ mang máy ảnh ra để chụp ảnh Đại Bằng đánh răng trước lớp, dán lên bảng thông
báo của trường cho cả trường cùng xem. Nhìn bóng Đại Bằng lầm lũi đi về hướng cửa
hàng tạp hóa, trong lòng tôi vô cùng đau xót. Thầy cô ơi, vì sao thầy cô lại đối
xử với học sinh chúng tôi như vậy? Rốt cuộc những thầy cô giáo giỏi, yêu thương
học sinh mà chúng tôi nhìn thấy trên ti vi có tồn tại hay không?
Hình thức phạt thân thể học sinh không chỉ ở nông thôn mà ngay cả ở
thành phố cũng có. Nó có liên quan đến tố chất của mỗi giáo viên, đến phương pháp
giáo dục truyền thống của Trung Quốc và cả sự thiếu hiểu biết, coi nhẹ pháp luật
của người dân. Trong quan niệm giáo dục truyền thống của Trung Quốc, đánh mắng trẻ
nhỏ là hoàn toàn bình thường. Còn trong xã hội phương Tây, cho dù là bố mẹ hay thầy
cô giáo, sử dụng hình phạt thân thể đối với con em, học sinh của mình là vi phạm
pháp luật và người sử dụng hình phạt này sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.
Thực ra, ở Trung Quốc hiện nay, hình phạt thân thể đã bị cấm từ lâu. Trong “Luật
bảo vệ trẻ vị thành niên” và “Luật giáo dục” đều quy định rõ: không được xâm phạm
quyền lợi hợp pháp của thanh thiếu niên, không được sử dụng hình thức phạt thân
thể học sinh, đồng thời trong các bộ luật này đều đã ghi rõ điều lệ xử phạt người
vi phạm. Tuy nhiên, do quan niệm về pháp luật của người dân còn non kém, ý thức
pháp luật không cao, không hiểu biết các quy định pháp luật dẫn đến hiện tượng các
thầy cô giáo đang vi phạm pháp luật mà không biết, học sinh bị các thầy cô xâm hại
mà không hay. Tôi đề nghị Triều Huy và các bạn học của bạn hãy tìm hiểu một số luật
cơ bản, đồng thời đưa ra các yêu cầu hợp lí lên nhà trường. Tôi tin rằng, có sự
hậu thuẫn của pháp luật, các bạn sẽ là người chiến thắng. Ngoài ra, đối với các
thầy cô giáo xử phạt học sinh nhẫn tâm như vậy, các bạn nên tố cáo lên Ủy ban bảo
vệ trẻ vị thành niên của huyện, nếu cần có thể kiện lên Tòa án nhân dân tối cao.
Các bạn phải vững tin rằng: “Học sinh chúng ta cũng là người, chúng ta cũng có lòng
tự tôn!”.