Chờ Đợi Giọng Nói Của Em - Chương 23 - 24
Chương 23. Chị dâu lười biếng
Đậu Đậu, nữ, 17 tuổi, học sinh cấp ba
Mẹ tôi nuôi nấng hai anh em tôi chẳng mấy
dễ dàng. Mẹ ở góa từ khi còn rất trẻ, một mình khổ cực nuôi nấng hai chúng tôi khôn
lớn.
Mãi đến năm ngoái, gia đình tôi mới khá khẩm
hơn một chút. Tôi thi đỗ vào cấp ba, anh trai tôi tốt nghiệp đại học và bắt đầu
đi làm. Lúc đó, mẹ hết lo sắp xếp phân công công việc của anh lại lo lắng giới thiệu
bạn gái cho anh. Dưới sự giúp đỡ của một người đồng nghiệp cũ của mẹ, anh trai tôi
được đến làm trong một viện nghiên cứu. Với công việc tử tế, hình thức thư sinh
của mình, không biết anh trai tôi sẽ dẫn về cho tôi một người chị dâu như thế nào
nhỉ? Lúc đó, tôi ngày ngày trông ngóng. Lúc còn đi học, anh tôi từng yêu một chị
học cùng trường, tên là Hân. Chị ấy là một người nhiệt tình, phóng khoáng, tính
tình hướng ngoại. Tôi rất thích chị Hân, nhưng mẹ tôi lại không đồng ý cho anh tôi
đi lại với chị. Lí do của mẹ là, chị Hân là loại phụ nữ của công việc, hơn nữa bố
chị ấy lại làm quan to, mẹ sợ anh trai tôi sau này sẽ phải chịu lép vế trước nhà
vợ. Những điều mẹ nói không phải không có lí. Anh tôi từ nhỏ tính tình hướng nội,
yếu đuối nên luôn làm mẹ lo lắng.
Anh họ tôi giới thiệu cho anh tôi một cô
bạn gái. Nghe anh họ nói, chị ấy tên là Hạ, vốn là cô xinh nhất trong đội công trình
của anh ấy. Anh họ còn nói: “Nếu như giờ mà Hạ còn làm ở trong đội công trình thì
cháu cũng chẳng giới thiệu cho em nó làm gì. Một cô gái người ngợm cả ngày dính
bê tông thì làm sao mà xứng với một chuyên viên nghiên cứu được!”. Nghe anh họ nói,
một tháng trước, chị Hạ trúng tuyển vào làm nhân viên văn phòng của một công ty
nào đó. Anh họ còn đem ảnh của chị Hạ đến cho mọi người xem mặt. Mẹ tôi vừa nhìn
thấy ảnh chị ấy đã tỏ ra rất hứng thú. Trông chị Hạ rất hiền lành, từ tốn, nhẹ nhàng,
khác hẳn với chị Hân. Mẹ tôi lại hỏi thăm về gia đình nhà chị Hạ. Anh họ nói chị
ấy sinh ra trong một gia đình bình dân ở trong thành phố, là con út trong nhà. Mẹ
tôi nghe xong luôn miệng khen tốt quá, con gái nhà bình dân thường rất ngoan ngoãn.
Hơn nữa, chị Hạ chưa từng học đại học, học vấn kém hơn anh trai tôi, chắc sẽ biết
nghe lời anh, nghe lời mẹ. Lúc đó tôi mới biết mẹ muốn tìm cho anh một người vợ
hiền thục, nhu mì theo kiểu truyền thống.
Anh tôi luôn là một người không có chủ kiến,
nghe mẹ nói được liền qua lại với chị Hạ. Ban đầu, chị Hạ rất hòa thuận với mọi
người trong nhà tôi. Mẹ tôi đối xử với chị ấy rất tốt, tốt đến nỗi tôi còn phải
ghen tị. Thế nhưng dần dần tôi phát hiện ra chị Hạ là một người tính tính nóng nảy,
tùy tiện, lại không biết điều. Mặc dù chị ta hơn tôi sáu tuổi, nhưng có rất nhiều
chuyện tôi còn phải nhường nhịn. Nếu chị ta sinh sự với tôi, tôi thường chẳng dám
nói năng gì. Từ nhỏ tôi đã quen nhường nhịn người khác, da mặt cũng khá dày. Nhưng
mỗi khi nghe chị ta cãi nhau với mẹ tôi là tôi lại vô cùng tức giận, có lúc còn
tức run cả người. Tôi phát hiện ra những “lí luận” của mẹ tôi lúc trước đều đã sai
lầm, chị Hạ hoàn toàn không tốt bằng chị Hân, ít nhất thì chị Hân cũng biết điều
hơn chị Hạ. Mẹ cũng phát hiện ra rằng chọn chị Hạ là một sai lầm, nhưng sai lầm
này giờ đã không thể cứu vãn được nữa. Tình cảm của chị Hạ và anh trai tôi giờ đã
rất sâu sắc, hai người đã tính đến việc kết hôn.
Để tổ chức đám cưới cho hai người, mẹ đã
chi toàn bộ số tiền dành dụm của mình bấy lâu nay. Thế nhưng chị ta vẫn không hài
lòng, còn chỉ trích mẹ tôi trước mặt cả nhà. Tôi nhìn anh trai, nhưng anh chỉ trầm
ngâm không nói năng gì. Chị ta thúc vào vai anh trai tôi mà nói: “Sao anh không
chịu nói gì? Nói đi chứ!”. Tôi thực sự không chịu nổi nữa, liền cãi nhau với chị
ta, thế nhưng mẹ lại đánh tôi.
Sau đó, mẹ nói với tôi rằng, thực ra lúc
đánh tôi, trong lòng mẹ rất xót xa, nhưng không còn cách nào khác. Con dâu không
phải là con gái, con gái là con mình, đánh mắng thế nào cũng được, nhưng với con
dâu thì khác...
Đám cưới xong, viện nghiên cứu của anh trai
tôi vẫn chưa phân nhà cho anh, vì thế cả hai sống chung với hai mẹ con tôi. Mẹ nhường
cho anh chị căn phòng hướng về hướng nam to nhất trong nhà. Mỗi buổi sáng, mẹ cứ
như người giúp việc, hết đi mua đồ ăn sáng cho anh chị rồi lại vội vàng đi làm.
Trưa về, mẹ lại phải đi chợ rau dưa, cơm nước. Chị dâu tôi chưa bao giờ phải động
tay vào bất cứ việc gì. Tôi nói chuyện này với anh, anh tôi còn đe rằng: “Mày bớt
lắm điều đi!”. Tôi thật không hiểu nổi, tại sao người anh trai mà tôi luôn yêu quý
giờ lại trở thành một người như vậy? Một lần, tôi mở máy giặt ra, phát hiện bên
trong, ngoài quần áo của hai mẹ con còn chất đống cùng quần áo của hai anh chị.
Tôi tức tối ném hết quần áo của hai người đó ra và nói: “Đồ lười biếng, đừng hòng
tôi giặt quần áo cho mấy người!”. Đúng lúc ấy, chị ta đi qua nghe được, liền mách
với mẹ tôi, nói với mẹ rằng tôi ném hết cả quần áo đắt tiền của chị ta ra đất, lại
còn to mồm chửi chị ta. Tôi không kém cạnh, hỏi chị ta có còn tính người hay không,
đã ăn không ngồi rồi còn muốn có người phục vụ mình. Tôi nói: “Tôi không thể hiểu
nổi, tại sao một người xuất thân trong một gia đình bình dân như chị lại cứ thích
ăn mặc như công chúa? Chị có biết trông chị thật nực cười không?”. Chị ta tức đến
phát khóc còn tôi thì cười thật lớn, cố tình làm chị ta tức tối hơn. Cuối cùng mẹ
tôi vừa đánh vừa mắng tôi, đuổi tôi về phòng. Nghe thấy tiếng máy giặt, tôi biết
mẹ tôi lại đang giặt quần áo. Mẹ tôi từng là sinh viên đại học những năm năm mươi,
lại xuất thân trong một gia đình danh giá, thuở nhỏ luôn có bảo mẫu giúp việc, chưa
từng phải giặt chỉ một chiếc khăn tay con con. Vậy mà tại sao đến ngần này tuổi
rồi mẹ lại gặp phải cảnh ngộ như vậy? Tôi cảm thấy vô cùng ấm ức và bất bình.
Mối quan hệ giữa tôi và chị dâu ngày càng
xấu đi, thậm chí cứ nhìn thấy nhau là sầm mặt lại, động một cái là cãi nhau. Mẹ
và anh tôi làm tôi đau hết cả đầu. Tôi nhìn rõ bộ mặt đáng ghét, lười nhác và xấu
xa của chị ta rồi. Tôi đuổi chị ta ra khỏi nhà thì chị ta cũng lớn giọng đuổi tôi,
chị ta còn nói chỉ có con trai mới có quyền thừa kế tài sản, mà chị ta lại là vợ
của anh trai tôi, chính vì thế cái nhà này chính là của chị ta. Mẹ tôi không nhịn
được nữa, liền nói đây là xã hội hiện đại, con trai con gái đều có quyền thừa hưởng
tài sản của cha mẹ. Chị ta nghe thấy thế liền khóc lóc chạy về nhà ngoại kể lể,
nói cả nhà tôi bắt nạt chị ta. Anh trai tôi đành phải đi đón, phải mấy lần chị ta
mới chịu về. Mẹ tôi còn cố gắng nhường nhịn chị ta nữa chứ. Tôi nhìn thấy cảnh này
mà vô cùng ấm ức.
Về sau, anh tôi được viện nghiên cứu phân
nhà, thế nên hai người chuyển đến đó ở. Nhà tôi trở nên sạch sẽ và yên tĩnh hơn
hẳn. Cuối cùng thì tôi cũng có thể thở phào nhẹ nhõm. Thế nhưng tôi thoải mái chưa
được bao lâu thì trưa nào, tối nào hai người đó cũng về nhà ăn cơm. Anh trai tôi
nói chị ta có bầu rồi, bảo với mẹ tôi ngày nào cũng phải nấu một con cá diếc cho
chị ta ăn. Tôi rất hận anh trai mình. Hằng ngày mẹ phải làm việc trên khoa, thỉnh
thoảng còn phải lên lớp, làm việc vất vả cả ngày, chiều về còn phải làm đủ món ăn
ngon, bổ dưỡng cho chị ta ăn. Hừ!
Ngày ngày mẹ tôi làm một con cá diếc cho
chị ta ăn, còn để tiết kiệm, hai mẹ con tôi rất ít ăn thịt, cá. Vậy mà chị ta còn
chưa vừa lòng, thường xuyên nổi cáu. Mẹ tôi không muốn tôi cãi nhau với chị ta,
nói là sợ ảnh hưởng đến cái thai trong bụng chị ta. Tôi đành phải trông ngóng mình
chóng lên đại học để có thể ở trong kí túc của trường. Tôi không muốn nhìn thấy
bộ mặt đáng ghét của chị dâu mình nữa!
Mặc dù chị dâu của bạn là dâu trưởng nhưng tâm lí vẫn còn quá trẻ con,
thiếu hiểu biết và kinh nghiệm trong giao tiếp với mọi người xung quanh; hơn nữa
tính cách lại tùy tiện, thiếu sự giáo dục của gia đình. Còn Đậu Đậu là một cô bé
có cá tính, vì thương mẹ nên đã nảy sinh mâu thuẫn gay gắt với chị dâu. Mâu thuẫn
giữa hai con người có tính cách khác nhau là khó tránh khỏi.
Có người ví gia đình như bến đỗ của đời người, nghĩa là sau khi phấn
đấu, bon chen mệt mỏi ở bên ngoài, con người sẽ có thể về núp dưới mái nhà để nghỉ
ngơi, để hồi phục lại sức lực đã mất. Chính vì thế nên chiến tranh gia đình là đáng
sợ và có thể gây tổn thương ghê gớm nhất. Những người thông minh thường cố gắng
tránh châm ngòi chiến tranh gia đình, nếu không, con người sẽ trở nên vô cùng mệt
mỏi. Tôi nghĩ, chị dâu của Đậu Đậu đang trong quá trình trưởng thành, còn về phần
Đậu Đậu, bạn có thể học tập sự khoan dung, độ lượng hoặc một số bí quyết để xử lí
mâu thuẫn trong gia đình. Tôi nghĩ trái tim con người đều là máu, là thịt, chỉ cần
Đậu Đậu tỏ ra khoan dung một chút trước mặt chị dâu thì chắc chị dâu của bạn cũng
sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ đâu. Những mâu thuẫn trong gia đình nên được tháo gỡ,
nhân lúc mâu thuẫn vẫn còn chưa đến mức quá gay gắt, bạn nên tìm cách xóa bỏ nó.
Tôi mong rằng Đậu Đậu sẽ không để mâu thuẫn của mình gay gắt đến mức độ không cách
nào hóa giải được. Ngoài ra, tôi hy vọng trong khi xóa bỏ mâu thuẫn với chị dâu,
Đậu Đậu sẽ học hỏi được những kinh nghiệm giao tiếp nhất định. Có thể nói đây chính
là những kinh nghiệm hết sức quý báu cho bạn để có thể sống tự lập trong tương lai!
Chương 24. Cô bé khôn lanh
Hướng Quần, nữ, 16 tuổi, học sinh lớp 9
Tôi sống trong một gia đình lớn, có bố mẹ,
em trai, chú thím, em họ và ông bà nội, tất cả là chín người.
Ông bà nội tôi là Hoa kiều về nước, nghe
mẹ nói ông bà có rất nhiều tiền. Gia đình tôi sống trong một căn biệt thự do ông
nội mua lại. Ông bà nội mà thích ai thì người đó sẽ có nhiều tiền tiêu vặt hơn.
Chính vì thế, ngay từ nhỏ, tôi và hai em trai đã luôn cạnh tranh lẫn nhau để xem
ai được ông bà yêu quý hơn. Tôi là con gái, lại lớn hơn hai em, nên ngày nhỏ, ông
bà yêu quý tôi hơn cả. Ông bà khen tôi có cái miệng rất ngọt, cái đầu thông minh,
nhanh nhẹn. Điều này khiến cho mẹ tôi rất tự hào, nhưng thím tôi lại không vui.
Còn nhớ năm tôi lên lớp một, tôi được cô
giáo chủ nhiệm rất yêu quý. Cô giáo thường xuyên gọi tôi lên phòng giáo viên để
lấy vở bài tập cho lớp. Cứ mỗi lần như vậy, các bạn trong lớp lại nhìn tôi với ánh
mắt ngưỡng mộ. Nhưng không hiểu tại sao, cô giáo chỉ yêu quý tôi có một học kì,
học kì kế tiếp, việc đi lấy vở bài tập ở trên phòng giáo viên thuộc về một bạn khác
trong lớp. Lúc đó, đến lượt tôi nhìn bạn ấy mà ngưỡng mộ. Lí do có thể bắt nguồn
từ sự việc xảy ra trong lần tổng vệ sinh đó... Tôi sợ nhất là tổng vệ sinh. Khi
tổng vệ sinh, bụi bẩn bay mù mịt; mẹ tôi nói, hít phải bụi bẩn sẽ có nguy cơ mắc
bệnh. Hôm đó, đến phiên nhóm tôi làm trực nhật. Tôi liền chụp lấy một mảnh giẻ lau
để lau bảng; vì lau bảng thì đỡ mệt hơn nhiều so với việc quét lớp. Càng lau bụi
phấn càng bay ra mù mịt; tôi có cảm giác như nhìn thấy hàng nghìn con vi khuẩn đang
chui vào mũi mình. Thế là tôi liền lấy cớ là đau bụng, rên la không ngừng. Mọi người
đều chạy đến chỗ tôi. Tổ trưởng bảo tôi về nhà, còn cho một bạn khác đưa tôi về.
Tôi nói tôi có thể tự về nhà, và thế là tôi đã trốn trực nhật một cách êm thấm.
Ra khỏi cổng trường, tôi liền trở lại trạng
thái bình thường. Tôi đi đến cửa nhà một bạn học cùng lớp cách trường không xa.
Bạn ấy đang chơi nhảy dây với mấy người bạn khác. Thấy thế tôi liền xin chơi cùng.
Đang chơi hăng say thì bỗng nhiên tôi nhìn thấy một nhóm học sinh vây quanh cô giáo
chủ nhiệm đang đi về hướng này. Chợt nhớ ra mình đang giả vờ đau bụng, tôi liền
vội vàng đi tìm chỗ nấp. Nhưng không kịp mất rồi, các bạn đã nhìn thấy tôi. Các
bạn ngây ra một lúc rồi hùa vào trêu tôi: “Eo ơi, giả vờ đau bụng!”. Tôi vô cùng
xấu hổ, cô giáo chủ nhiệm nhìn tôi với ánh mắt không hài lòng.
Kể từ đó, cô giáo chủ nhiệm không còn yêu
quý tôi nữa. Cô thường lạnh nhạt với tôi, khiến cho tôi cảm thấy vô cùng hụt hẫng.
Tôi phát hiện ra rằng cô giáo chủ nhiệm rất
thích những bạn học giỏi, cho dù đó là những đứa trông rất ngốc nghếch. Tôi rất
muốn có thể vượt lên đứng trong tốp học sinh dẫn đầu của lớp, làm cho cô giáo phải
chú ý đến mình, các bạn khác ngưỡng mộ mình, nhưng kết quả học tập của tôi vẫn không
thể nằm trong tốp mười của lớp. Sau khi lên lớp bốn, tôi thấy tình hình ngày càng
thê thảm. Có lần trong một kì thi, gặp một câu hỏi khó, trong tình hình nguy cấp,
tôi đã gian lận. Tôi lén quay bài, lén nhìn bài bạn, mặc dù chẳng mấy hiệu quả (thường
là sai đáp án) nhưng dù sao còn tốt hơn là không làm gì.
Lên cấp hai, bài vở ngày càng khó hơn. Bạn
nữ ngồi cùng bàn với tôi tên là Tiểu Thiền. Tiểu Thiền vừa đen vừa xấu, mặt lúc
nào cũng cứ như chưa rửa vậy, quần áo cũng rất cũ kĩ, nhìn qua đã biết là con nhà
nghèo rồi. Về sau tôi mới biết, bố mẹ Tiểu Thiền đều là công nhân thất nghiệp, hoàn
cảnh gia đình cực kì khó khăn. Tôi không chơi thân với Tiểu Thiền. Tuy nhiên, sau
một tháng ngồi cạnh bạn ấy, tôi liền thay đổi suy nghĩ. Sau lần kiểm tra chất lượng,
cả lớp ai nấy đều vô cùng sửng sốt và kinh ngạc khi người dẫn đầu lớp không phải
ai khác mà lại chính là Tiểu Thiền. Cô giáo chủ nhiệm hết lời khen ngợi Tiểu Thiền
có tinh thần vượt khó học tập, ngay cả thầy hiệu trưởng cũng tuyên dương Tiểu Thiền
trước toàn trường là học sinh nghèo học giỏi. Trong phút chốc, Tiểu Thiền từ một
học sinh thường bị các bạn cùng lớp trêu chọc đã trở thành một tấm gương được bạn
bè khâm phục. Cứ nghỉ giải lao là đám con gái lại vây lấy Tiểu Thiền, rủ bạn ấy
chơi trò này trò kia. Tôi nghĩ nếu chơi thân với Tiều Thiền sẽ rất có lợi cho mình,
thế là tôi bèn tìm cách thân thiết với bạn ấy. Tôi thường đem đồ chơi trong nhà
đến tặng cho Tiểu Thiền, còn kể cho bạn ấy nghe tâm sự của mình, khiến cho Tiểu
Thiền rất xúc động. Quả nhiên, không lâu sau, trong mắt mọi người tôi và Tiểu Thiền
đã là một đôi bạn thân.
Lợi ích lớn nhất mà tôi có được từ việc chơi
thân với Tiểu Thiền đó là được chép bài của bạn ấy trong các kì kiểm tra. Tôi từng
nói với Tiểu Thiền (đồng thời cũng nhắc bạn ấy nhớ giữ bí mật giùm mình) là tôi
sẽ đi du học ở Mỹ sau khi tốt nghiệp cấp ba. Tôi không thi đại học ở trong nước,
thế nên tôi thường thờ ơ với chuyện bài vở, thi cử chỉ cần đủ điểm đối phó với thầy
cô giáo mà thôi. Thực ra những điều đó toàn là do tôi bịa ra. Nhưng Tiểu Thiền tin
là thật, lại còn tỏ ra vô cùng ngưỡng mộ tôi nữa.
Thế nhưng viễn cảnh tươi đẹp kéo dài chẳng
được lâu. Năm học lớp tám, trường tổ chức kiểm tra sức khỏe cho học sinh toàn trường.
Tiểu Thiền bị viêm gan nên nhà trường liền cho Tiểu Thiền nghỉ ở nhà dưỡng bệnh.
Các bạn hỏi tôi có đến thăm Tiểu Thiền không, tôi nhất định không đi vì sợ bị lây.
Về sau, cô giáo dẫn một số bạn tình nguyện đến thăm Tiểu Thiền. Khi về, cô giáo
liền nói với tôi: “Người mà Tiểu Thiền nhớ nhất chính là em đấy!”. Mặc dù trong
lòng tôi có đôi chút ngại ngùng, nhưng chẳng may nếu bị lây bệnh viêm gan thì nguy
to. Thế nên cuối cùng tôi vẫn không đi thăm Tiểu Thiền.
Không có sự giúp đỡ của Tiểu Thiền, kết quả
học tập của tôi cũng giảm sút nghiêm trọng. Cô giáo gọi tôi lên nói chuyện, còn
gọi điện thông báo tình hình học tập của tôi cho mẹ. Nhưng làm sao tôi có thể nói
sự thật cho mẹ đây? Cứ sau mỗi lần thi, cô giáo lại công bố danh sách hai mươi học
sinh đứng đầu. Tôi ghét nhất là cái ngày công bố danh sách tốp hai mươi học sinh
đó, vì không bao giờ có tên tôi trong danh sách cả.
Mùa xuân đến, chúng tôi được đi thăm quan
ở ngoại ô và giao lưu với một trường cấp hai ở nông thôn, còn ăn cơm trong một nhà
hàng cũ kĩ nữa. Trên bàn bày hai đĩa thức ăn, chẳng mấy chốc đã hết sạch. Tôi im
lặng đi vào nhà bếp, bảo nhà bếp cho tôi thêm một đĩa thức ăn và trả tiền ngay tại
đó. Khi tôi quay lại bàn ăn cùng một đĩa thức ăn bốc khói, mọi người ngây ra nhìn
tôi rồi vỗ tay ầm ĩ khiến cho các bạn khác đều quay lại nhìn. Tôi cười đắc ý; mặc
dù tiêu hết tiền trong túi, nhưng tôi lại có được cái mà tôi muốn, đó là sự ngưỡng
mộ của bạn bè.
Về sau, cô giáo biết được chuyện này. Cô
không những không tuyên dương tôi mà còn nói tôi rằng: “Em kĩ tính quá đấy!”. Nghe
thì tưởng như là khen ngợi, nhưng thực chất cô giáo đang phê bình tôi. Liệu có phải
cô giáo có cái nhìn phiến diện đối với tôi không nhỉ?
Hướng Quần là một cô bé khôn lanh. Trong cuộc sống, những người tỏ
ra quá khôn lanh thường không được mọi người xung quanh yêu quý, nhưng chính bản
thân người này lại không biết được điều đó. Nếu như lúc nào chúng ta cũng tính toán
thiệt hơn, cũng tìm cách để bản thân không phải chịu thiệt thòi thì chúng ta sẽ
để mất đi rất nhiều thứ, một trong số đó là sự tin tưởng của mọi người.
Nếu một thiếu niên mà tỏ ra quá khôn lanh sẽ không chỉ khiến cho người
khác không thích, mà còn cảm thấy rất buồn cười. Đối với một đứa trẻ, cho dù khôn
lanh đến mấy thì cũng dễ dàng bị người lớn phát hiện ra. Nếu tôi là giáo viên, tôi
cũng không thích một học sinh như Hướng Quần, thậm chí tôi còn tiếc thay cho bạn
vì đã làm mất đi sự ngây thơ, hồn nhiên đáng quý ở lứa tuổi học trò.
Bạn phải biết rằng, cho dù bạn ở Trung Quốc hay nước ngoài, nơi nào
có sự tồn tại của con người thì những người được người khác yêu quý chính là những
người hiền lành, thành thật và có phẩm chất đạo đức tốt. Khi bạn có được những phẩm
chất đạo đức tốt, bạn sẽ có được chiếc chìa khóa mở cánh cửa trái tim của mọi người.
Chỉ khi có được chiếc chìa khóa này, bạn mới có thể thật sự giành được sự tin yêu
và ngưỡng mộ của những người xung quanh.