Chiến Tranh Và Hòa Bình (Quyển 2) - Phần 5 - Chương 06

Phần V

Chương - 6 -

Vụ Piotr đấu súng với Dolokhov đã được im đi
và mặc dầu lúc bấy giờ nhà vua rất nghiêm khắc đối với các vụ đấu súng, cả hai
đương sự cũng như những người làm chứng cho họ đều không bị trừng phạt. Nhưng
việc Piotr đoạn tuyệt với vợ đã xác nhận là cuộc đấu súng có xảy ra, và tin này
được truyền đi khắp giới xã giao. Piotr trước đây bị người ta nhìn trịch thượng
và khoan dung khi còn là một đứa con rơi, rồi được vuốt ve chiều chuộng khi đã
trở thành một "đám" xuất sắc nhất của đế quốc Nga, thì sau khi cưới
vợ chàng đã xuống giá rất nhiều trong dư luận của giới xã giao vì bây giờ những
cô con gái đến tuổi lấy chồng cũng như các bà mẹ không mong đợi gì ở chàng được
nữa. Thêm vào đấy chàng lại không biết và không muốn tranh thủ thiện cảm của
giới xã giao. Cho nên bây giờ người ta cho rằng chàng là người duy nhất chịu
trách nhiệm về việc xảy ra. Người ta bảo chàng là một anh chồng ghen bóng ghen
gió, cũng có những cơn giận diên cuồng khát máu như cha chàng.

Sau khi Piotr ra đi, Elen trở về Petersburg và
được tất cả những người quen biết không những đón tiếp với một thái độ niềm nở
mà còn ân cần xen lẫn với sự kính trọng nỗi bất hạnh của nàng. Khi người ta bàn
tán đến chồng nàng, nàng lập tức phô ra một thái độ trang nghiêm đầy tự trọng
mà tuy không hiểu ý nghĩa ra sao nàng cũng tập được nhờ cái trực giác nhạy bén
sẵn có xưa nay. Thái độ nói lên rằng nàng đã quyết định chịu đựng nỗi bất hạnh
của mình không một lời than thở, và đức ông chồng của nàng là cây thập tự mà
Thượng đế đã bắt nàng phải vác trên vai. Công tước Vaxili bày tỏ ý mình một
cách lộ liễu hơn. Mỗi khi nói đến Piotr ông ta lại nhún vai rồi chỉ lên trán mà
nói:

-
Thì tôi vẫn bảo là anh ấy hơi loạn óc mà.

-
Tôi đã bảo từ trước kia. - Anna Pavlovna nói mỗi khi nhắc đến Piotr - Tôi đã
nói ngay từ đầu, trước ai hết (phu nhân cố nhấn mạnh cái công đầu của mình),
rằng anh ta là một chàng thanh niên điên rồ, đầu óc hư hỏng vì những tư tưởng
vô luân của thời đại. Tôi đã bảo thế ngay từ khi tất cả mọi người còn tán dương
anh ta, lúc anh ta mới ở ngoại quốc về, và chắc hẳn các vị còn nhớ đấy chứ,
trong một buổi tiếp tân ở nhà tôi, anh ta đến, ăn như một Marat(1). Rốt cục là
thế nào? Ngay từ đầu tôi đã không tán thành cuộc hôn nhân và tôi đã đoán trước
được tất cả những điều sẽ xảy ra.

Cũng như trước, trong những ngày rảnh rang,
Anna Pavlovna vẫn tổ chức những buổi tiếp tân ở nhà mình, những tối tiếp tân mà
chỉ phu nhân mới có biệt tài tổ chức được, trong đó tập hợp trước hết, tất cả
cái tinh hoa của xã hội thượng lưu chân chính, cái tinh hoa của giới trí thức
trong xã hội Petersburg, như lời phu nhân vẫn thường nói. Ngoài việc chọn lọc
tân khách tinh vi như vậy, những buổi tiếp tân của Anna Pavlovna lại còn có một
điểm đặc sắc nữa là mỗi lần phu nhân đều đem một nhân vật mới thú vị ra để thết
khách, và không có nơi nào có chỉ số của nhiệt kế chính trị trong những giới
chính thống(2) của triều đình Petersburg lại được biểu lộ rõ rệt và chắc chắn
bằng những lối tiếp tân này.

Cuối năm 1806, khi người ta đã biết rõ tất cả
những chi tiết đau buồn về trận Napoléon tiêu diệt quân đội Phổ ở Jena và
Auerstet và một phần lớn các pháo đài của Phổ đều đầu hàng, trong khi quân đội
ta xâm nhập vào nước Phổ và cuộc chiến tranh chống Napoléon lần thứ hai của ta đã
bắt đầu, thì Anna Pavlovna lại tổ chức một buổi tiếp tân ở nhà mình. Tinh hoa
của xã hội thượng lưu chân chính gồm có nàng Elen mê hồn và bất hạnh, đã bị
chồng ruồng bỏ, tử tước Mortemart, công tước Ippolit khả ái vừa mới ở Viên về,
hai nhà ngoại giao, bà dì của phu nhân, một chàng thanh niên mà ở phòng khách
này người ta gọi vắn tắt là "một con người rất có giá trị", một ngự
tiền phu nhân vừa mới được bổ nhiệm cùng đến với mẹ, và một vài người khác ít
nổi tiếng hơn.

Nhân vật tối hôm ấy Anna Pavlovna đem ra thết
khách, xem như là một món ăn mới, là Boris Drubeskoy bấy giờ vừa mới ở quân đội
Phổ về với tư cách tín sứ và hiện làm sĩ quan phụ tá cho một nhân vật rất quan
trọng.

Nhiệt
độ trên nhiệt kế chính trị buổi tiếp tân hôm ấy là như sau: dù tất cả các quốc
vương và các tướng lĩnh ở châu Âu muốn nhân nhượng gì với Buônapáctê đề làm cho
tôi, cho chúng ta nói chung, phải khó chịu và bực bội thì ý kiến của chúng ta
về Buônapáctê vẫn không thay đổi. Chúng ta vẫn không ngừng nói thẳng cách suy
nghĩ thật của chúng ta về con người này ra, và chúng ta chỉ có thể nói với vua
Phổ và với những người khác: "Mặc kệ ông, ông George Dandin ạ đó là vì ông
đã muốn thế đấy, chúng tôi chỉ có thể nói như vậy". Nhiệt độ chỉ trên
nhiệt kế chính trị trong tối tiếp tân hôm ấy của Anna Pavlovna là như thế. Khi
Boris, người được dùng để chiêu đãi tân khách bước vào phòng, thì hầu hết giới
xã giao đã tề tựu đông đủ, và câu chuyện do Anna Pavlovna điều khiển đang bàn
về những quan hệ ngoại giao của ta với nước Áo và về mối hy vọng liên minh với
Áo.

Boris chững chạc, hồng hào, tươi tắn trong bộ
quân phục sĩ quan phụ tá bảnh bao, ung dung bước vào phòng khách, và theo
thường lệ, chàng được đưa đến chào bà dì rồi lại nhập vào nhóm chung. Anna
Pavlovna giơ bàn tay khô héo ra cho chàng hôn, giới thiệu cho chàng với một vài
nhân vật mà chàng chưa quen biết và chỉ thầm xác định cho chàng rõ đặc tính của
từng người.

Đây là công tước Ippoliy Khraghin, một thanh
niên khả ái, ông Kroug đại diện ở Copenhagen, một trí thệ sâu sắc. - và nói gọn
thon lỏn. - Ông Sitot một con người rất có giá trị.

Nhờ công chạy chọt của bà Anna Mikhailovna,
nhờ những sở hiếu của thuộc tính riêng trong cái tính cách thận trọng của mình,
Boris đã đưa mình vào một địa vị có lợi nhất ở trong quân đội. Bây giờ chàng là
sĩ quan phụ tá của một nhân vật quan trọng được phái sang Phổ với một nhiệm vụ
rất trọng yếu và vừa ở đấy về với tư cách tín sứ. Chàng hoàn toàn thông thạo
cái thứ tôn ti trật tự không ghi vào quy chế đã cám dỗ chàng hồi ở Olmuytx, cái
thứ tôn ti trật tự đã khiến cho một anh thiếu uý có thể có ưu thế hơn hẳn một
viên tướng, và theo nó thì muốn thành công trong quân đội, chẳng cần phải cố
gắng, chẳng cần gì phải làm việc, phải dũng cảm, phải kiên nhẫn, và chỉ cần
biết khéo lấy lòng những người nắm quyền thăng thưởng. Ngay bản thân chàng
thường cũng phải ngạc nhiên về những thành công nhanh chóng của mình và băn
khoăn tự hỏi tại sao những người khác lại có thể không hiểu điều đó. Sự phát
hiện này đã hoàn toàn thay đổi cả cách sống của chàng, tất cả những quan hệ của
chàng với những người quen cũ, tất cả những dự định của chàng về tương lai.
Chàng không giàu, nhưng chàng dùng hết số tiền chắt chịu được để ăn mặc lịch sự
hơn những người khác. Chàng sẵn lòng thà chịu hy sinh nhiều sở thích còn hơn
phải đi một chiếc xe ngựa tồi tàn hay xuất hiện trên đường phố Petersburg trong
một bộ quân phục cũ kỹ. Chàng chỉ tìm cách gần gũi và kết thân với những người
ở địa vị cao hơn mình, và do đó, có thể có ích cho mình. Chàng yêu Petersburg
và khinh Moskva. Những kỷ niệm về gia đình Roxtov và mối tình thơ ấu của chàng
với Natasa khiến chàng khó chịu, và từ khi nhập ngũ chưa có lần nào chàng bước
chân đến gia đình Roxtov. Được mời đến phòng tiếp khách của Anna Pavlovna, điều
mà chàng cho là một sự thăng trật quan trọng trên bước đường công danh, chàng
hiểu ngay vai trò của mình ở đây và trong khi để cho Anna Pavlovna tận dùng
mình để gây hứng thú cho buổi tiếp tân, chàng vẫn chăm chú quan sát từng vị
khách có mặt, những lợi lộc mà việc giao du với họ có thể đem lại cho mình và trù
tính xem mình có thể làm quen với những người nào! Chàng ngồi ở chỗ người ta
chỉ cho chàng, bên cạnh nàng Elen kiều diễm, và lắng nghe chuyện mọi người.

Viên đại biện Đan mạch nói:

-
Thành Viên thấy những cơ sở của hiệp ước ấy viển vông đến nỗi người ta không
thể nào đạt được dù có những thắng lợi liên tiếp rực rỡ nhất, và nó hoài nghi
những phương liện có thể cho phép chúng ta có được những thắng lợi ấy. Đó chính
là nguyên văn câu nói của nội các thành Viên.

-
Hoài nghi cũng là đáng mừng. - "con người trí tuệ sâu sắc" nói, miệng
mỉm nụ cười tế nhị.

-
Cần phải phân biệt nội các Viên và hoàng đế Áo. - Tử tước Mortơmar nói. - Hoàng
đế Áo không bao giờ có thể có một ý nghĩ như thế, chỉ có nội các là nói như vậy
thôi!

-
Ấy, tử tước thân mến ạ! - Anna Pavlovna nói xen vào. - L Urope(3) (không hiểu
tại sao phu nhân lại nói lUrope, tưởng chừng như đó là một cách phát âm đặc
biệt tế nhị của tiếng Pháp mà phu nhân có thể dùng khi nói với một người Pháp)
sẽ không bao giờ là bạn đồng mình thành thực của chúng ta đâu!

Đoạn phu nhân lái câu chuyện sang tinh thần
dũng cảm và kiên quyết của nhà vua Phổ, nhằm đưa Boris vào cuộc.

Boris
lắng nghe mọi người nói, đợi đến lượt mình, nhưng trong đó vẫn không quên đưa
mắt nhìn người ngồi bên cạnh là nàng Elen diễm lệ. Mỗi lần gặp đôi mắt của
chàng sĩ quan phụ tá trẻ tuổi và đẹp trai, Elen lại mỉm cười.

Nhân
nói đến tình hình nước Phổ, Anna Pavlovna quay sang Boris một cách rất tự
nhiên, yêu cầu chàng kể lại cuộc hành trình của chàng đến Glogau và tình hình
quân đội Phổ khi chàng đến.

Boris nói thong thả, dùng một thứ tiếng Pháp
thuần tuý và rất đúng mẹo, kể lại rất nhiều chi tiết thi vị về quân đội, về
triều đình, nhưng trong lúc kể chuyện chàng vẫn thận trọng tránh không bày tỏ ý
kiến riêng của mình về những sự kiện mà chàng trình bày. Trong một khoảng thời
gian khá dài, Boris làm cử tọa rất chú ý và Anna Pavlovna cảm thấy cái món đầu
mùa mình đem ra chiêu đãi tối nay đã làm cho tất cả các tân khách hài lòng.
Người chú ý nhiều nhất đến câu chuyện của Boris là Elen. Nàng mấy lần hỏi chàng
về một vài chi tiết trong cuộc hành trình của chàng, và tỏ ra hết sức quan tâm
đến tình hình quân đội Phổ. Chàng vừa nói dứt, nàng đã quay về phía chàng với
nụ cười quen thuộc và nói:

-
Thế nào ông cũng phải lại chơi đằng nhà tôi đấy! - Cứ nghe giọng nàng nói, có
thế tưởng chừng việc này là hết sức cần thiết vì một vài lý do mà chàng không
thể nào biết được. - Ngày thứ ba từ 8 giờ đến 9 giờ. Được như vậy tôi rất vii
lòng.

Boris hứa chiều theo ý muốn của nàng và đã
toan bắt đầu nói chuyện với nàng nhưng Anna Pavlovna gọi chàng lại, mượn cớ là
"bà dì" của phu nhân cũng muốn nghe chàng nói chuyện.

-
Ông có quen chồng của phu nhân phải không? - Anna Pavlovna nói, nhắm mắt lại và
chỉ Elen với một cử chỉ buồn rầu. - Ồ sao lại có người đàn bà bất hạnh và đáng
yêu đến thế! Trước mặt phu nhân xin chớ nói gì đến ông ta, đừng nói thế! Nó khổ
tâm quá.

Khi Boris và Anna Pavlovna quay trở lại nhóm
tân khách, công tước Ippolit đang làm mọi người chú ý. Chàng ta ngồi trong ghế
bành, chồm người ra phía trước nói:

-
Vua Phổ ấy à?- nói đoạn chàng cười phá lên. Mọi người đều quay về phía chàng. -
Vua Phổ ấy à?

Ippolit
nhắc lại, giọng như muốn hỏi điều gì, đoạn cười phá lên một lần nữa, rồi lại
điềm nhiên và nghiêm trang ngồi tụt sâu vào ghế bành.

Anna Pavlovna đợi một lát, nhưng hình như
Ippolit nhất định không chịu nói thêm gì nữa, nên phu nhân bắt đầu kể chuyện
tên Bonaparte vô đạo đã lấy trộm thanh kiếm của Fridrich ở Potxdam.

-
Đó là thanh kiếm của Fridrich đại đế mà tôi… - Phu nhân mở đầu, nhưng Ippolit
đã ngắt lời:

-
Vua Phổ ấy à?- và cũng như lần trước, mọi người vừa quay về phía chàng, thì
chàng lại xin lỗi và im bặt. Anna Pavlovna cau mày. Montmorency, bạn của
Ippolit: nói với chàng giọng cương quyết:

-
Xem nào, cái ông vua Phổ nhà anh có chuyện gì nào?

Ippolit
lại cười phá lên, nhưng hình như vừa cười vừa thấy hổ thẹn vì tiếng cười của
mình.

-
Nào có gì đâu, tôi chỉ muốn nói là… - Chàng có ý muốn lặp lại một câu nói đùa
mà chàng đã nghe được ở Viên và trong suốt buổi tiếp tân chàng vẫn tìm cách đưa
vào câu chuyện. - Tôi chỉ muốn nói rằng chúng ta chiến đấu cho nhà vua nước Phổ
là sai lầm.

Boris thận trọng mỉm cười như thế nào để người
ta có thể xem đó là một nụ cười chế nhạo hay tán thành lời bông đùa cũng được,
tuỳ ý cử toạ.

Mọi
người cười rộ.

-
Cái trò chơi chữ của công tước hỏng quá, nó rất dí dỏm đấy nhưng không công
bình! - Anna Pavlovna vừa nói vừa giơ ngón tay nhăn nheo lên hăm doạ. - Chúng
ta không chiến đấu cho vua Phổ mà chiến đấu cho chính nghĩa. Ô cái ông công
tước Ippolit này ác thật!

Suốt buổi tối câu chuyện không lúc nào lắng
xuống chủ yếu xoay quanh những tin tức chính trị. Vào cuối buổi tiếp tân, câu
chuyện rôm rả hẳn lên khi nói đến những phần thưởng mà hoàng đế đã ban tứ.

-
Ông N.N năm ngoái đã được thưởng một hộp thuốc lá có khảm chân dung của hoàng
đế, - "Con người có trí tuệ sâu sắc" nói, - Tại sao ông S.S lại không
được phần thưởng ấy nhỉ?

Nhà
ngoại giao đáp:

-
Xin ngài thứ lỗi cho, một hộp thuốc lá có khảm chân dung của Hoàng đế là một
phần thưởng chứ không phải là một huân chương, đúng hơn, đó là một món quà
tặng.

-
Nhưng trước đây đã thành lệ rồi đấy, kia như Svartxenberg chẳng hạn…

-
Không thể như thế được! - Một người khác đáp. - Tôi sẵn sàng đánh cuộc đấy.
Huân chương danh dự ngoại hạng thì lại là việc khác…

Khi mọi người đứng dậy ra về. Elen, trong suốt
buổi tiếp tân hôm ấy vẫn nói rất ít, một lần nữa lại mời Boris ra cho chàng một
mệnh lệnh âu yếm mà ngụ nhiều ý nghĩa dặn đến ngày thứ ba phải có mặt ở nhà
nàng.

-
Tôi rất cần gặp ông!

Nàng
nói và mỉm cười, đưa mắt nhìn Anna Pavlovna, và Anna Pavlovna cũng mỉm cười
theo để xác nhận ý muốn của Elen, với cái nụ cười buồn buồn của phu nhân như
mỗi khi nhắc đến vị ân nhân cao cả của mình(4). Có thể tưởng chừng tối hôm ấy
Boris có nói những điều gì đó về quân đội Phổ khiến Elen đột nhiên cảm thấy thế
nào cũng phải gặp chàng. Nàng có vẻ như hứa với chàng là đến ngày thứ ba khi
chàng đến, nàng sẽ cho biết tại sao.

(4) Tức Hoàng thái hậu

Sáng ngày thứ ba, khi Boris vào gian phòng
khách tráng lệ của Elen, người ta chẳng giải thích gì rõ ràng cho chàng biết
tại sao chàng cần phải đến như vậy. Ở đây có mấy người khách khác, bá tước phu
nhân nói với chàng rất ít, và mãi đến khi chàng hôn tay nàng để cáo từ ra về,
nàng mới nói một cách đột ngột, giọng thì thào, và có một điều kỳ dị là trên
môi nàng không thấy bóng dáng nụ cười bất tuyệt thường ngày.

-
Ngày mai anh đến ăn cơm nhé… vào buổi tối. Anh phải đến… Đến nhé…

Về Petersburg chuyến ấy, Boris đã trở thành
một người thân trong nhà bá tước phu nhân Bezukhov.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3