15. Quà sớm

Quà sớm

Uy liếc đồng hồ đã gần hai giờ đêm. Tập tài liệu phải đọc vẫn còn những một
phần ba. Uy gỡ kính, lấy hai tay day day mắt một chút cho tỉnh táo, rồi quyết
định lấy khăn quàng cổ và bước ra khỏi phòng, tay cầm theo tập tài liệu. Anh
bước vô thang máy xuống tầng trệt của tòa nhà, nơi tiệm bánh Hanis mở cửa suốt
ngày đêm để phục vụ cho trường đại học. Uy đã để ý chỗ này lúc vừa sang, nhưng
chưa vào bao giờ, vì lúc nào đi ngang qua anh cũng thấy những đám đông bu đen
bu đỏ trong tiệm. Nhưng giờ này chắc tiệm rất vắng. Uy nghĩ bước ra khỏi căn
phòng cố hữu, uống một ly cà phê nóng giữa đêm có lẽ sẽ làm anh cảm thấy dễ
chịu hơn. Mùa đông ở đây, với một kẻ đến từ đất nước nhiệt đới như anh, quả là
kinh dị.

Đây là mùa đông đầu tiên của Uy ở một nơi có tuyết rơi. Anh từng trải qua
nhiều mùa đông, nhưng chỉ loanh quanh trong cái châu Á ấm áp của mình. Khóa học
viết văn dài 3 tháng ở Iowa đã mang Uy đến đây, ấn anh vào tay trời mùa đông
Iowa lạnh ngắt. Anh được bố trí ở khu phòng khách trong tòa nhà chính của
trường đại học. Hằng ngày, anh ở trong phòng mình đọc tài liệu, viết report,
hoặc cặm cụi dịch dăm chục trang tiểu thuyết của mình để chuẩn bị cho buổi nói
chuyện với sinh viên cũng tại một quán cà phê trong khu học xá. Khi anh đến
đây, trời đã vào cuối thu. Anh có thể ra ngoài đi dạo dọc bờ sông, rồi tấp vào
mua một ly cà phê, tán gẫu với vài sinh viên ở đó. Nhưng từ khi mùa đông đến,
Uy hầu như không đi đâu khỏi cái building anh đang ở. Mọi hoạt động với anh
diễn ra thành một vòng khép kín trong khu nhà ấy.

Quán Hanis chỉ có vài sinh viên thức khuya học bài xuống kiếm gì bỏ bụng
như anh. Dãy hành lang vắng vẻ trong đêm im ắng lạ kỳ. Người ta vừa dựng lên
một cây thông khổng lồ ngay sảnh chính. Uy gọi một tách cappuccino nóng và hai
lát bánh mì nướng, rồi tìm một chỗ ấm áp ngay sát lối ra vào, mở sách ra đọc
tiếp.

- Thức ăn của ông đây, thưa ông!

Uy chợt nghe một giọng nói vang lên. Một cô gái đang đứng trước mặt anh,
tay bê chiếc khay có phần ăn anh vừa gọi. Trái ngược với bà tóc vàng đứng tuổi
đứng ở quầy thu ngân, đây là một cô gái mảnh mai, tóc đen dài, mũi đỏ ửng lên
vì lạnh. Anh lúng túng lục trong túi ra mấy tờ đô lẻ để tip cho cô gái.

- Cảm ơn ông. - cô gái mỉm cười lịch sự khi nhận tiền từ tay Uy.

- Em là người Trung Quốc hay Thái?

- Ai cũng hỏi tôi câu này. - Cô gái mỉm cười. - Tôi là người Việt Nam.

- Tôi cũng vậy. - Uy mừng rỡ chuyển sang ngay tiếng Việt.

- Em biết. - Cô gái gật đầu, không lấy gì làm ngạc nhiên.

- Nhìn tôi rất đặc trưng à? - Uy tỏ vẻ ngạc nhiên.

- Không, em có đi dự buổi nói chuyện của anh ở thư viện trung tâm.

- Ồ... - Uy gật đầu. Uy cố hình dung xem trong cái đám đông sinh viên quần
tụ trong phòng đọc nhỏ hôm ấy, cô là ai. Nhưng làm sao anh nhớ. Hôm đó Uy hướng
mắt về phía đám đông, nhưng anh không nhìn ai khi đang nói. Uy tập trung vào
bài nói chuyện của mình, cố gắng tỏ ra thoải mái. Nhưng anh không nhìn thẳng
vào ai để tránh mất tập trung. - Hôm đó tôi hơi căng thẳng, hả?!

- Quả là có hơi. Nhưng dù sao, điều anh nói cũng rất thú vị.

- Em lịch sự quá! - Uy bật cười. - Tôi mời em một tách cà phê nhé?

- Cảm ơn anh, nhưng đang trong ca làm của em. Hẹn anh dịp khác. - Cô gái
lắc đầu.

Uy gửi namecard cho cô gái, còn cô viết số điện thoại vào quyển sổ tay nhận
order, xé đưa cho anh, nói khẽ: “Tên của em nằm trong đó, nếu anh muốn hỏi.”
Khi cô gái mất hút sau quầy, Uy mới nhận ra mình chưa kịp hỏi tên cô. Anh mân
mê mẩu giấy. An - tên cô gái ngắn gọn bên dòng điện thoại 10 chữ số. Là An, chứ
không phải Annie hay Anna hay gì cả. Uy không nghĩ một tên gọi Việt Nam lại có
lúc làm anh xúc động đến thế.

Vài ngày sau, Uy lấy tờ giấy ra, bấm số điện thoại. Anh định mời cô đi ăn
trưa sau hôm gặp mặt, nhưng e như vậy sẽ hơi đường đột. Vả lại, những buổi thảo
luận nhóm cuốn anh đi, không để lại chút thời gian rỗi nào. Vài đêm Uy nghĩ hay
mình xuống Hanis Café, có lẽ sẽ gặp lại An. Nhưng không làm như vậy, cảm thấy
mình không nên để mối quan hệ này trở nên đặc biệt quá mức cần thiết. Vậy rồi,
họ cũng có một cái hẹn vào cuối tuần, ngay trước thư viện trung tâm.

Uy đứng trong sảnh chờ một lúc thì An đến, tóc còn vương vài bông tuyết. Cô
xin lỗi vì đến trễ, rồi giải thích thêm: “Em đi xe buýt. Đường trơn quá, em
không dám tự lái xe đi.” Uy kéo cô gái vào một tiệm ăn ấm áp, tìm chỗ ngồi cạnh
máy sưởi. Cô gái này vừa đứng ngoài trời gió lốc, tuyết rơi mịt mù chỉ để đến
một buổi cuộc hẹn ăn trưa với người đồng hương vừa quen, điều này làm Uy vô
cùng ái ngại. Anh không hỏi, vội vàng gọi ngay một trà gừng nóng cho An, giải
thích: “Em uống trà gừng cho ấm lên đã, rồi tính tiếp.” An tủm tỉm cười khiến
anh hơi ngượng. “Sao vậy?” “Không, lâu lắm rồi em mới thấy một cái kiểu bảo bọc
rất đàn ông Việt Nam như vầy!” Anh băn khoăn mãi, không biết ngụ ý của cô là
tích cực hay tiêu cực.

An ở Mỹ được gần hai năm. Hóa
ra anh và cô cùng học một trường đại học ở Sài Gòn, chỉ khác là anh sau khi ra
trường thì đi làm trong lĩnh vực marketing kiêm nghề viết văn, còn cô được giữ
lại đào tạo thành giảng viên, và rồi lấy học bổng đi học Master về văn học Mỹ.

- Vậy là em sẽ trở về, dạy
văn học Mỹ ở trường đại học? Hay là ở lại làm Ph.D?

- Em chưa tính đến, dù thật ra bây giờ thì phải tính rồi.

- Em thích nghiên cứu à?

- Vâng, chỉ lúc đó em mới thấy mình có ý nghĩa. Đôi khi em nghĩ, không
nghiên cứu, chẳng biết mình còn làm được nghề gì khác. - An cười. Anh nhận ra
đuôi mắt của cô khi cười trông rất dịu dàng, đáng yêu.

Họ hăng say nói về vấn đề cả hai cùng quan tâm: văn học. An cư xử như mọi
cô gái bình thường khác, nhưng khi nói về vấn đề cô am tường - là lý luận và
phê bình văn học hiện đại - mắt cô sáng bừng lên, và bỗng từ cô toát lên một
vầng ánh sáng của sự khiêm nhường nhưng tự tin, vững vàng. Cô không nhìn nhận
mọi chuyện theo kiểu “học giả”, dùng những từ ngữ chuyên sâu lốp bốp để hù dọa
người đối diện - như hầu hết những người trẻ ở vị thế ấy đang cố gắng tỏ ra.
Trái lại, cô rất thực tế khi đánh giá một hiện tượng nào đó trong văn học. Cách
An nói rất đơn giản, nhưng thú vị. Uy luôn ghét những kẻ phê bình văn chương
theo kiểu lý thuyết, càng không chơi nổi với những kẻ phê bình theo cảm tính.
Nhưng cách của An khiến anh yên tâm rằng người mình đang nói chuyện chẳng phải
kiểu “tận tín thư” si cuồng theo lý thuyết trong sách vở từ chương, nhưng nền
tảng kiến thức của cô cũng chẳng phải loại tay mơ để hồ đồ cảm tính. Đây chính
xác là một người anh muốn tìm gặp và trao đổi từ lâu, nhưng bây giờ mới thấy.

Họ chia tay nhau ở sảnh chính, vì An có việc phải làm buổi chiều. Cô bắt
tay anh trước khi đeo trở lại đôi găng len màu đỏ mận của mình. Bàn tay cô lạnh
và khô. Uy giữ nó hơi lâu, cố tỏ ra bình thường, nhưng kỳ thực lòng mong bàn
tay mình sẽ giữ cho bàn tay nhỏ bé kia ấm lên một chút. Họ hẹn nhau một hôm nào
đó rảnh rỗi khác.

Đầu tháng Mười hai, không khí Giáng Sinh đã tràn khắp nẻo trường đại học.
Bọn sinh viên bắt đầu xuất hiện những đứa dở hơi ăn mặc như ông già Noel đi
giễu ngang những phòng học. Tất cả những nhân viên ở Hanis café đều thay tạp dề
đen thành đỏ, và đội một chiếc mũ Giáng sinh trên đầu. Một vài lần Uy xuống
uống cà phê khuya, nhưng không gặp lại An. Hóa ra đêm họ gặp nhau là đêm An đi
làm thay cho một cô bạn cùng nhà. Công việc chính của cô là làm trợ giảng cho
một vị giáo sư người Việt.

Uy giành nhiều thời gian hơn trong quán cà phê ở phòng đọc nhỏ để nói
chuyện với những người cùng tham gia khóa học. Filippe đến từ Ý với bộ râu quai
nón, mái tóc bồng bềnh và cái miệng lúc nào cũng tuôn ra thơ thẩn khiến mấy cô
sinh viên hâm mộ đến phát cuồng. Anh ta luôn có ít nhất ba em gái vây quanh mỗi
lần đến đó. Uy không ưa thói khoác lác về tình trường của anh ta lắm, nhưng thích
nghe anh ta kể về những nơi anh ta đã sống. Bằng thứ tiếng Anh giọng Ý du
dương, anh ta kể chuyện sống trong một lâu đài cổ ở Provence, hay chuyện đi hái
olive thuê ở Tuscany, rồi đêm về nhóm lửa nằm đọc sách và nghe nhạc vọng ra từ
radio... Một kiểu sống rất lãng tử, rất phim, rất tiểu thuyết. Lúc nào Filippe
cũng kết thúc bằng cái vỗ vai: “Anh phải sống vài năm như thế đi, anh bạn! La
Dolce Vita!” Những người khác cũng chia sẻ nhiều. Họ đều ở trong một căn nhà
trong mơ, trên núi hoặc cạnh hồ, họ đi khắp bốn phương trời, làm việc cho một
cơ quan thông tấn quốc tế nào đó, hoặc viết văn tự do. Khi Uy kể câu chuyện về
mình, tất cả họ đều ngỡ ngàng, vì chẳng hiểu với một môi trường như thế, anh
viết văn vào giờ nào. Anh làm giám đốc một nhãn hàng bột giặt ở Việt Nam, sống
trong một căn hộ nhỏ gần nơi làm việc, nghĩa là ở ngoại ô thành phố. Nghe chẳng
giống cuộc đời một nhà văn chút nào. Nhưng đó là sự thật.

Quán cà phê quen thuộc phát nhạc giáng sinh suốt từ cuối tháng Mười một.
Vào những buổi sáng vắng khách, khi bọn sinh viên còn ngủ nướng, Uy ngồi đó
nghe quán mở Nat King Cole. Thi thoảng anh tự hỏi chẳng hiểu An đang làm gì,
sáng nay có lớp không, hay đang ngồi cặm cụi trong thư viện. Họ nhắn tin hỏi
thăm nhau hầu như mỗi ngày, nhưng những lời hẹn gặp cứ bị hoãn lại một cách vô
cùng tận. Uy cảm thấy vui vì có một người bạn ở đây. Anh không kém giao tiếp,
trái lại, nhưng ở những khoảng thời gian như thế này, Uy cho phép mình giao
tiếp trong chừng mực, cho bản thân một sự tự do không giới hạn. Lâu lắm rồi Uy
mới sống một mình theo đúng nghĩa của từ này. Đôi lần anh chỉ ước sao thời điểm
này trong đời kéo dài bất tận.

An hẹn anh đi ăn tối, vẫn chỉ ở loanh quanh trong trường, vì trời này chẳng
lái xe đi đâu mà thấy an toàn được. Những cành cây trong sân trường đã đóng
băng, có một vài cành gãy sụm. Dãy xe hơi đậu qua một đêm cũng phủ đầy băng đá.
Đường trơn như mỡ, và chẳng ai quá ngạc nhiên khi nghe tivi đưa tin có một vụ
lật xe nào đó vì băng trơn trên đường cao tốc.

- Em gặp để tạm biệt anh. Mốt em lên New York để nghỉ lễ Giáng Sinh với gia
đình của chị gái. Khi em quay lại chắc anh đã về Việt Nam. - An thông báo sau
khi họ vừa ăn xong, phục vụ vừa mang ra món tráng miệng.

- À... - Uy hơi thẫn người ra một chút. Vậy mà anh định Giáng Sinh này sẽ
rủ An làm gì đó. Hóa ra cô có người thân bên này.

An rút trong túi xách ra một món quà gói giấy xanh, đẩy về phía anh, mỉm
cười.

- Quà cho anh, chúc mừng Giáng Sinh sớm!

Uy không hề chuẩn bị cho việc nhận quà, càng không chuẩn bị món quà gì để
tặng lại. Anh tưởng họ còn gặp nhau. An ra hiệu cho anh mở quà đi. Anh cẩn thận
mở lớp giấy gói, suýt reo lên mừng vui khi thấy đó là hai tập thơ của Sylvia
Plath, một nhà thơ anh rất yêu thích. Anh nhìn hai quyển sách, rồi lại nhìn An,
nửa muốn ôm hôn cô để cảm ơn, nửa lại thấy ngại ngùng như thể mình đang lợi
dụng tình hình. Cuối cùng, Uy chỉ biết nói lời cảm ơn, và nói rằng anh rất
thích.

- Cứ nghĩ mình còn gặp lại, nên chưa chuẩn bị quà Giáng Sinh gì cho em cả...

- Không sao, mời em một ly cà phê là được rồi.

- Cà phê và nhạc live bên cửa sổ tầng mười bảy, em nghĩ sao?

- Tuyệt!

Uy mời An lên chỗ mình. Căn
hộ nơi anh ở ngay trong trường, nhỏ xinh và ấm áp. Anh cũng chẳng có nhiều thứ
để quăng bừa bộn, thành ra nó chỉ có những thứ rất thiết yếu như một cái
sô-pha, một bàn làm việc, hay là tủ lạnh, dù thật ra bây giờ trong hay ngoài tủ
lạnh thì cũng thế. Anh thích nhất là nguyên một bức tường kính nhìn ra dòng
sông lớn trong phòng khách. Uy xoay chiếc ghế sô-pha ra trước cửa kính khổng
lồ, mời An ngồi rồi đi đun nước pha hai tách cà phê nóng. Cà phê bột mang từ
bên nhà, pha bằng phin, cùng sữa đặc, đúng kiểu cà phê Việt Nam chứ không phải
cà phê Mỹ trộn rễ rau diếp xoăn pha bằng máy mà hàng ngày họ uống.

An ngồi co chân lên sô-pha,
đắp một tấm chăn len anh đưa, thoải mái như thể ngồi trong phòng khách nhà
mình. Cô nhìn anh hấp háy: “Cà phê thì đã thấy, còn nhạc live đâu?” Anh bật
cười, bảo rằng mình hát dở lắm, chỉ biết đàn, nhưng bây giờ tay lạnh cứng cả
rồi, làm sao đàn được. “Hóa ra anh lừa em lên đây.” “Ừ, đại loại vậy, chứ không
rủ lên nhà chơi, nghe đâu có lãng mạn.” Anh bật cười. An nheo mắt: “Nè, tuy em
đẹp, nhưng em không có ngu đâu nghe!” “Nhưng mà em lại bị cảnh giác quá độ, gọi
là thể nhẹ của hoang tưởng.” Anh tiếp lời. Họ cười rũ. Anh cảm thấy bức tường
rào sơ giao ngăn cách họ đã tan chảy từ lúc nào. Bây giờ họ nói chuyện theo
kiểu hai người đã thân thuộc. Từ khi nào? Có lẽ từ lúc An tặng quà Giáng Sinh
cho anh.

Họ ngồi nói chuyện huyên
thuyên cho đến lúc An ngáp dài. Anh nhìn ra ngoài trời đêm lạnh lẽo mịt mùng,
bảo: “Thôi hay em ở lại đây đêm nay!” An bật cười: “Vì đường xa ướt mưa hả?”
“Ừ, còn băng trơn, gió lạnh nữa, nên đừng bắt anh đưa em về.” Anh đùa, nhưng
rất thật. An suy nghĩ chừng nửa phút, rồi gật đầu. Trời cũng đã quá khuya. Diễn
tiến câu chuyện bây giờ rất đúng kịch bản phim chick-flick.

Nói chuyện đến khoảng hai giờ
sáng, thì họ bắt đầu gà gật, dù cà phê anh pha rất đậm. Anh bảo An vào phòng
mình ngủ, anh sẽ nằm ở sô-pha. An lắc đầu, bảo không, em ở sô-pha quen rồi.
Nhường qua nhường lại rốt cuộc An đề nghị thôi trời lạnh quá, em với anh nằm
chung giường cũng được. Trời lạnh thế này muốn giở trò cũng lười nữa, nên chắc
không sao đâu. Họ cười ha ha rồi ôm nhau ngủ thiếp.

Cảm giác sáng sớm thức dậy
thấy một người nằm bên mình rất kỳ lạ. Mình sẽ phải định thần để nhớ lại xem
người này là ai đây, tại sao lại nằm bên mình. Uy đã trải qua cảm giác này
nhiều lần, nhưng đến giờ anh vẫn chưa thôi ngạc nhiên. Anh nằm yên một lúc ngắm
khuôn mặt của cô gái mà bỗng chốc anh cảm thấy rất thân thuộc. Cô gái nằm bên
anh lùng bùng trong khăn áo, chỉ để lộ cánh mũi đang thở phập phồng và một vài
lọn tóc đen lòa xòa che nửa khuôn mặt mềm mại. Cứ như thế, hàng tiếng đồng hồ,
cho đến khi An mở mắt.

Cô không ngạc nhiên vì thấy
anh bên cạnh, đang mở mắt nhìn mình. Cứ như thể sau một giấc ngủ dài, cô vẫn
nhớ rõ anh là ai, tại sao nằm bên cô. Phản ứng đầu tiên của cô là mỉm cười,
chào bằng giọng ngái ngủ: “Morning anh!”

- Morning em! Merry
Christmas!

An cười, vặn người trong khi
mắt đã lại nhắm nghiền:

- Chưa đến Giáng Sinh ấy ơi!

- Chưa đến Giáng Sinh, tại
sao đêm qua ông già Noel lại bỏ quà xuống bên cạnh anh?

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3