Cô nàng mộ bên - Phần 6 - Chương 44 - 45
Năm thứ sáu: Trời quang, nắng ráo
44. Benny
Chết
chửa, lại một đứa nữa! Chắc tôi đã tính nhầm… Nhưng chuyện đó hoàn toàn không
cố tình.
Lần
này biết đâu sẽ là một cô bé quàng khăn xinh xắn? Một bé tôm hồng hào với sự
thông minh nhanh nhạy của Désirée và… và… hai cái bắp chân của tôi, chẳng hạn?
Có người từng bảo tôi có bắp chân rất đẹp…
Sau
khi từ Tây Ban Nha về, chúng tôi đi đón hai cậu nhóc và cuộc sống trở nên đáng
sống trở lại. Thỉnh thoảng tôi làm việc trong chuồng bò với cái miệng ngoác ra
cười. Hai thằng bé hài không thể tả. Arvid đã tham gia đỡ đẻ cho bò lần đầu
tiên. Thằng bé rất thích chuyện đó. Khi con bê được chào đời, vẫn còn ướt đẫm
và run rẩy trong ngăn chuồng, thằng bé đã lại tiến ra phía sau bò mẹ, chờ lượt
sinh kế tiếp. Nó tưởng bò mẹ đẻ hàng loạt bê con mỗi lần.
Thằng
bé đón nhận đợt giết mổ mùa thu một cách bình thản, mặc dù biết rất rõ chuyện
xảy ra. Chúng tôi đã giết thịt Olle, con bê đực mà Arvid dặc biệt yêu quý. Dĩ
nhiên chúng tôi đã làm điều đó vào buổi tối, khi thằng bé đã đi ngủ, nhưng sáng
hôm sau một số dấu tích của vụ việc vẫn còn. Khi trông thấy chúng, Arvid chỉ
buồn bã lắc đầu nói: “Olle tội nghiệp chết rồi!”. Là con nhà nông, thằng bé
không cần những giải thích dài dòng về cái chết. Đôi khi, ở nhà trẻ, người ta
đọc những cuốn sách thiếu nhi viết về sự ra đi của ông bà, sau đó họ trò chuyện
với bọn trẻ về ý nghĩa của “cái chết”. Arvid luôn khịt mũi và nhún vai khi gặp
chủ đề thảo luận này. “Thì, người ta chết đi, sau đó sẽ được treo lên và xẻ
thịt!”. Nó đáp gọn bâng. Chắc nó nghĩ người ta cũng treo bà ngoại lên để cho
thịt mềm hơn…
Nhưng
tôi luôn cảm thấy một chút lo lắng. Trong thâm tâm, tôi biết mọi chuyện sẽ kéo
dài mãi như thế. Sức ép của việc sinh lời trong ngành nông nghiệp rất lớn, một
mình chúng tôi không thể làm nên chuyện với ba mươi con bò sữa. Các nông trại
chung quanh đóng cửa hàng loạt, sữa không ngừng rớt giá, tôi biết làm gì bây
giờ? Ngày xưa bố tôi từng đi họp với các công ty sữa và rút hết ruột gan ra nói
với ban giám đốc, khi về ông hăng hái hẳn lên. Nhưng thời nay công ty sữa nằm ở
đầu kia của đất nước, và mấy ông lớn trong hội đồng quản trị đã quyết định đầu
tư vào Anh quốc hoặc Đan Mạch mà có thèm hỏi ý kiến tôi đâu? Trong khi tôi là
thằng nhận lãnh hậu quả.
Chắc
tôi sẽ phải đầu tư sáu, bảy triệu để làm chuồng không ngăn ô để bò tự do đi lại
và tậu robot vắt sữa. Nhưng mà trời ạ, tôi là gã chăn bò cuối cùng trong vùng
rồi, một ngày nào đó họ sẽ chẳng buồn đánh xe đến lấy sữa nữa, tôi sẽ trở thành
một thằng ngu với cái máy vắt sữa và khoản nợ trong tay. Còn nuôi bò thì… phải,
một đàn một trăm năm mươi con bò không cần vắt sữa để giảm bớt công việc cho
hai đầu gối của tôi, nhưng trước mắt chúng tôi biết lấy gì mà sống? Tôi biết
lấy gì để bù đắp thu nhập đây? Đóng gói phân bò rồi giao đến cho các vườn nhà
trong thành phố chắc? Dọn tuyết cho… cho vài người hàng xóm ít ỏi còn lại ư?
Bán thân cho đám người đi nghỉ hè? Tin tôi đi, tôi đã tính đủ đường rồi. Nuôi
lợn á? Cần ít nhất một đàn năm trăm con thì mới sinh lãi được. Năm trăm con
lợn! Muốn có lãi thì phải đầu tư lớn. Sự thật là nếu Désirée và tôi cùng hợp
sức để làm thì chúng tôi mới có thể nghĩ đến chuyện đầu tư lớn. Nhưng chuyện đó
sẽ không bao giờ xảy ra, mặc dù cô ấy vẫn giúp tôi chăm sóc đàn bò sữa. Tôi đâu
phải thằng ngu, tôi thừa biết Désirée chỉ giúp tôi vì tình thế bắt buộc. Và tôi
không thể chờ mươi, mười lăm năm nữa để xem liệu thằng Arvid có quan tâm đến
nông trại hay không.
Thế
cho nên tôi cứ lần lữa công cuộc đầu tư và chỉ bằng lòng với việc lèo lái con
thuyền hiện tại. Tôi thuộc một thời đại cũ, khi người ta giúp nhau trong mùa
gặt, tổ chức những cuộc tuần hành, khi đoàn kết tạo nên sức mạnh và chúng tôi
đảm trách tất cả mọi công đoạn của quá trình sản xuất. Bây giờ tình đoàn kết
giúp đỡ lẫn nhau giữa các nông dân đã trở thành chuyện quá khứ. Marketing là
trên hết! Bất cứ công việc gì, cho dù là nhỏ nhất, cũng phải có cái giá của nó.
Cho thuê bò theo ngày với những người cho nhu cầu xén cỏ chẳng hạn, đồng ý là
người ta có thể làm thế, nhưng tôi thì không.
Ngoài
ra, nông dân chúng tôi không thể sở hữu riêng máy móc nông nghiệp nữa, vì chúng
đã trở nên quá đắt đỏ. Phải chuyển thành sở hữu tập thể. Một cách tự nguyện,
với các nông dân khác, nhưng tình cờ là trong làng chẳng có ai cả. Không lẽ tôi
phải mua chung máy cuộn rơm với Bergström ở Norrbyn? Đi tới đi lui tới hàng
chục cây số trong mùa gặt á?
Cùng
lúc đó, người ta không ngừng nhắc cánh nông dân tận dụng phong cảnh mà chúng
tôi chăm sóc không công để mở cửa đón tiếp các đoàn học sinh đến tham quan, tổ
chức các chuyến dã ngoại cho khách du lịch. Những kẻ luôn kêu ca giá sữa cao
nhưng lại không ngần ngại trả tiền gấp đôi để uống nước đường có ga. Trời ơi,
làm ơn nói là tôi đang mơ đi!
45. Désirée
Benny
hơi lo lắng một chút về vấn đề tiền nong của gia đình, nhất là khi bọn trẻ đang
lớn. Arvid muốn mua một chiếc xe đạp thực sự, có chân chống, giống như những
đứa khác ở nhà trẻ. Thằng bé thông báo mong ước đó với vẻ mặt khiến chúng tôi hiểu
là nó không hy vọng sẽ được đáp ứng. Nils thì muốn một chiếc xe đạp ba bánh.
Chúng tôi đã cho một đồng nghiệp của tôi mượn chiếc xe đạp ba bánh của Arvid,
và cô ta đã hào phóng tặng nó cho một người mà cô ta không nhớ tên.
Đã
nhiều năm nay cả Benny lẫn tôi đều không đi làm răng.
Đơn
giản vì chúng tôi chật vật lắm mới xoay xỏa đủ chi tiêu. Benny phải rất đắn đo
trước khi gọi ai đó bằng điện thoại di động, tôi thì thường tranh thủ gọi bằng
điện thoại cơ quan và mang báo về nhà mỗi tối, những việc mà trước đây tôi
không hài lòng khi trông thấy các đồng nghiệp làm. Việc đi cắt tóc đã trở thành
xa xỉ. Tôi trở thành thợ cắt tóc cho Benny và bọn trẻ, với thành quả trông như
một cái máy xén cỏ. Nhưng tôi không thể tự cắt tóc cho bản thân, nên Benny vớ
lấy cái kéo. Anh tự nhận mình đã cắt đuôi cho bò không biết bao nhiêu lần, chắc
anh cũng đủ khả năng để cắt cho tôi một mái tóc coi được. Nghĩ bụng mình cũng
chẳng mất mát gì, nên tôi để anh cắt thử.
Phải,
Benny biết cắt lông cho đuôi bò. Quả đầu của tôi nom như một cái đuôi bò cụt
ngủn khi anh buông kéo. Sau vụ đó, tôi mặc kệ cho tóc mọc lại rồi tự cắt sau
mỗi năm tuần lễ, cố gắng sao cho thật đều đặn. Chẳng đẹp đẽ gì, nhưng nhờ vậy
mỗi tháng tôi cũng tiết kiệm được vài trăm trong lúc phải tính từng đồng.
Phiền
phức là ở chỗ chúng tôi không có khoản dự trù nào cho những việc đột xuất.
Benny không thể ngừng mua cỏ cho bò, anh đã cắt tất cả mọi khoản chi phí có thể
trong quá trình làm nông trại. Tôi cũng không thể kiếm thêm thu nhập với công
việc của mình. Để làm thêm giờ, tôi sẽ phải buộc bọn trẻ vào bàn ghế vì không
có người trông, hơn nữa cho thuê sách lẻ chẳng thu được bao nhiêu tiền, không
thủ thư nào làm chuyện đó. Nếu tôi là bác sĩ chẳng hạn, tôi có thể đi phẫu
thuật cho bệnh nhân hoặc khám bệnh ngoài giờ. Hoặc giả dụ tôi là cô giáo, tôi
có thể dạy thêm vào buổi tối, khi Benny đã xong việc với lũ bò. Nhưng là một
thủ thư, tôi làm thêm kiểu gì đây?
Một
số chị em phụ nữ trong làng dành thời gian buổi tối để làm những ông già Noel
nhỏ hoặc bao tay bằng len rồi đem bán ở hội chợ. Nhưng trước hết, họ chủ yếu là
những người đã về hưu, có nhiều thời gian rảnh rỗi, và thứ đến, tiền thu về
được dùng để quyên góp cho một trại mồ côi ở Estonia.Cho dù tôi biết đan len,
tôi cũng chẳng có mặt mũi nào để nói với các chị ấy: “Các chị cứ gửi tiền của
các chị cho trẻ em mồ côi, còn em xin được giữ lại tiền của mình để đưa Benny
đi chữa răng”. Ngoài ra, khoản tiền mà họ thu được chỉ là hạt cát nhỏ nhoi so
với những gì các ông chồng của họ tiêu xài cho việc đổi xe mỗi hai năm, tôi chắc
chắn như thế.
Không,
chúng tôi đang sống rất bấp bênh và mọi thứ có thể lật nhào bất cứ lúc nào. Một
cái hóa đơn tiền điện không thanh toán đã kéo theo khoản tiền phạt và gây ảnh
hưởng rất lâu đến việc chi tiêu của gia đình – trong vòng sáu tháng, cả nhà không
được ăn phô mai Pháp. Khi Benny bị tay quay đập vào mặt làm gãy ba cái răng,
mọi cái tiếp theo thật đúng là thảm họa. Anh đã phải làm cầu răng sứ, mà mỗi
cái cầu răng tiêu tốn cả mấy ngàn cuaron chứ ít ỏi gì.
Gần
như cùng thời điểm đó, ông Brännlund qua đời. Từ trước đến giờ, ông già luôn
mua bê đực của chúng tôi để nuôi lấy thịt. Đột nhiên chúng tôi không thể tiêu
thụ chúng được nữa. Lò mổ trong thành phố đã đóng cửa, không ai đi hàng chục
cây số để mua vài con bê, mà chúng tôi thì không thể nuôi chúng được vì sẽ bị
lỗ, mặc dù chuồng trại vẫn đủ chỗ.
Thật
tình cả nhà phải thắt lưng buộc bụng. Chúng tôi săm soi mọi khoản chi tiêu.
Càng làm thế, chúng tôi lại càng dễ trở thành miếng mồi ngon cho các loại lừa
đảo. Giống như lần chúng tôi mua một đống dầu gội khuyến mãi ở hội chợ nông
nghiệp, hình như tay bán hàng đã đổ các loại chất tẩy dùng cho máy kéo vào chai
nhựa cũ rồi dán nhãn mới. Kết quả là đầu tóc chúng tôi xù lên như hoa bồ công
anh và phóng điện tanh tách khi cả nhà đến gần nhau. Chỉ vì ham rẻ! Của đáng
tội, thường thì chúng tôi cũng chẳng có điều kiện để mua những mặt hàng khuyến
mãi theo số lượng lớn cho cả gia đình. Chúng tôi sống lay lắt qua ngày, nhất là
vào những dịp cuối tháng. Nghèo khổ là thế đấy! Đôi khi tôi không biết nên cười
hay nên khóc nữa: tôi có cả một tủ đông đầy thịt nai hoặc thịt bò tự sản xuất,
nhưng lại không có đủ tiền mua một gói cá đông lạnh để đổi món… Quả thực, lúc
nào chúng tôi cũng có sẵn các sản phẩm từ sữa, khoai tây và thịt, mặc dù thỉnh
thoảng tôi vẫn nhớ đến cái thời độc thân trước đây, khi tôi có thể tha hồ mua
các loại trái cây nhiệt đới hoặc ăn măng tây Hà Lan. Tôi cũng cố trồng rau,
nhưng so với những người có tay trồng cây thì hình như tôi chỉ có hai bàn tay
trái. Mấy củ cà rốt tôi trồng nhỏ như que diêm có bốn chân, lũ ốc sên luôn
thưởng thức xà lách trước tôi, còn đám tỏi tây thì còi cọc như que củi và già
nhanh như chảo chớp. Thứ duy nhất tôi trồng và chăm bón thành công là củ
cải. Nhưng để đáp ứng nhu cầu ăn uống của cả gia đình thì không ăn thua.
Những
chuyến đi chợ ngày càng tốn nhiều thời gian hơn. Tôi đi tới đi lui, so sánh giá
cả của mọi thứ, từ dưa chuột cho đến bột giặt, trong khi thằng con ngồi trên xe
đẩy hàng liên tục la hét và chồm người về phía quầy bánh kẹo.
Vậy
mà chẳng bao lâu nữa, chúng tôi sẽ phải nuôi thêm miệng ăn thứ ba.